Trang chủ > 002. Gia phả họ Đỗ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh)

002. Gia phả họ Đỗ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh)

11/08/2022 16:26:04

Gia phả họ Đỗ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hànH Gia phả TP Hồ Chí Minh hoàn thành năm 2005.

LỜI MỞ ĐẦU

Tôi là một trong những hậu duệ của ông Đỗ Quang Đẩu, mà tên được đặt cho một con đường nhỏ ở phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tên ông được đặt dưới trào Ngô Đình Diệm, nhưng vẫn được chấp nhận dưới chế độ ta, vậy chắc chắn ông là một danh nhân của đất nước. Thế mà chính tôi và không ít người trong dòng tộc họ Đỗ ngay trong nước không biết mấy về tổ tiên mình – huống hồ thân tộc ở nước ngoài. Tôi muốn biết về tổ tiên của tôi, ông bà từ đâu đến, ông bà sống như thế nào, ông bà đã làm gì. Biết để hiểu những vinh quang và thăng trầm của dòng họ, tập quán tốt đẹp của người xưa, ngỏ hầu vun đắp gia phong, giữ gìn lễ giáo. 

Sử ghi việc của cả nước, phả viết việc riêng của một dòng họ. gia phả làm rõ nguồn gốc của dòng họ; ghi hành trạng của tiền nhân, của những thành viên trong dòng tộc, tập quán, gia phong của dòng tộc; ghi ngày mất, ngày giỗ và phần mộ của các thành viên đã qua đời. Nhưng tổ tiên của tôi dường như không để lại gia phả viết sẵn, hoặc nếu có thì gia phả nầy cũng thất lạc qua những biến thiên của thời cuộc. Nếu tôi không dựng lại, con cháu tôi sau này sẽ không biết gì về gốc gác ông bà, không biết gì về tổ tiên họ Đỗ của mình từ miền Trung hay miền Bắc vào cư ngụ tại làng An Phú Đông, tổng Bình Trị Thượng, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường An Phú Đông quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) ra sao. Dù có những cố gắng truy tìm, nhưng quá khứ xa xưa của dòng tộc tôi vẫn chìm trong bóng tối. Đến nay, vẫn chưa rõ về các tiền nhân ở ngoài kia và người được qui ước trong gia phả nầy là ông Tổ đời I trên đất phương Nam, cũng như những người con khác của ông thuộc đời II tên gì, sống và chết những năm nào, sinh hoạt ra sao, trừ ông Đỗ Quang Đẩu. Chỉ biết rõ hơn từ ông Đẩu (ông … của tôi) về sau – ông từng được nhà cầm quyền thời bấy giờ phong cho chức huyện danh dự – thường gọi là huyện hàm; các con ông (thuộc đời 3) có nhiều người có học vị khá cao, có vị trí khá lớn trong xã hội Việt Nam lúc ấy như đốc phủ sứ rồi tổng trưởng, thẩm phán, giáo sư… 

Từ Gia Định, ông tổ đời II nầy đã chuyển vào cư ngụ trong nội thành Sài Gòn, quận 1, rồi sau đó con cháu ông ngụ sang quận 3 và một số nơi khác. Trong khi đó, khu đất mộ khá rộng của gia tộc họ Đỗ với khoảng 28 ngôi mộ tọa lạc tại làng Hạnh Thông (nay thuộc phường 5, Gò Vấp, thành Phố Hồ Chí Minh).

Trong thời gian của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975), phần lớn gia tộc họ Đỗ chúng tôi vẫn sống trong vùng tạm chiếm Sài Gòn, làm viên chức cho chế độ Sài Gòn – trừ một người thuộc đời 3 là Đỗ Quang Huê bí mật tham gia cách mạng. Rồi trước và nhất là sau khi hòa bình lập lại, khá đông thành viên của dòng tộc chúng tôi định cư ở nước ngoài. Thực tế mà lịch sử để lại cho một số gia đình Việt Nam trong đó có gia đình tôi là như vậy. 

Hy vọng bộ gia phả này là một biểu hiện báo hiếu của một hậu duệ của gia tộc họ Đỗ gốc tại làng An Phú Đông, Gia Định, dâng lên Tổ tiên, đồng thời là một đóng góp nhỏ giúp những thân nhân khác trong dòng tộc, cũng như cho anh chị em tôi, con cháu tôi dù ở quê cha đất tổ hay ở phương trời xa xăm nào muốn tìm về cội nguồn. 

Người biết nhiều về dòng tộc và những thân nhân khác là anh Đỗ Quang Hạnh bận công tác ở xa một thời gian dài không thể hỗ trợ đúng mức và kịp thời, nên gia phả nầy thiếu sót chi tiết về một số tông chi cũng như hình ảnh mồ mả của ông bà trong khu mộ; ngoài ra, chắc chắn gia phả thiếu sót nhiều về số thân nhân định cư ở nước ngoài. Mong rằng bà con trong dòng tộc bổ sung và sửa chữa giúp những sai sót.

Tôi xin có lời cảm ơn Chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả – Hồi ký Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) đã góp nhiều công sức sưu khảo và dựng bộ gia phả này, cảm ơn anh Đỗ Văn Hạnh thuộc đời 4 và những chú bác cô dì, anh chị em đã góp phần cho bộ gia phả này hình thành. 

Tháng 6-2005

ĐỖ THỊ TRANG

(Cháu đời IV)

 

PHẢ KÝ

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Người Việt Nam ta vốn trọng chữ hiếu. Những câu ca dao trên nhắc nhở ta phải nhớ đến công ơn cha mẹ. Ông bà ta cũng nhắc nhở ta tìm về cội nguồn của mình.

“Cây có cội, nước có nguồn”

“Chim có tổ, người có tông”

Để thực hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông, bà, cha mẹ, con cháu không những phải phụng dưỡng cha mẹ mà còn phải lo tôn tạo mồ mả, xây dựng nhà thờ họ tộc, chăm lo việc thờ cúng giỗ chạp… và quan trọng hơn hết là lập gia phả cho dòng họ mình.

Người Việt Nam coi trọng việc lập gia phả, coi việc lập gia phả là việc làm thiêng liêng không thể thiếu được cho dòng họ, vì gia phả là quyển sổ để ghi chép ông bà, tổ tiên, các bậc tiền nhân cao nhất cho đến thế hệ con cháu hiện nay. Qua gia phả ta biết được nguồn gốc tổ tiên, tổ quán và công lao của ông bà thủy tổ đã có công gây dựng sự nghiệp cho dòng họ. Gia phả cũng ghi đầy đủ ngày sanh, ngày mất, mồ mả, hành trạng của từng người trong dòng họ qua đó giỗ chạp cho đúng ngày và xưng hô được thông thuận.

Gia phả  là một vật gia bảo của dòng họ, là nơi cho biết cội nguồn, truyền thống gia phong dòng họ được lưu giữ để con cháu đời sau học tập và phát huy.

Họ Đỗ chưa có gia phả, con cháu họ Đỗ từ lâu muốn biết về cội nguồn, dòng họ mình công lao của tổ tiên mình thì nay nỗi ưu tư đó được giải toả qua việc lập gia phả cho dòng họ mình.

Vì không có phả gốc nên việc lập gia phả nầy hầu hết dựa vào thông tin của dòng họ, thông tin trên mạng internet, về tư liệu lịch sử, tư liệu đất đai và chúc ngôn của dòng họ.

I. NGUỒN GỐC CỦA HỌ ĐỖ

Theo lời kể của hậu duệ đời IV là Đỗ Quang Hạnh và theo bản chúc ngôn thừa kế của bà Nguyễn Thị Có (vợ đời thứ 2 của ông Đỗ Quang Đẩu) lập ngày 31 tháng 12 năm 1961 thì người họ Đỗ trong dòng họ bậc cao nhất mà ta biết được là ông Đỗ Văn Châu, coi như ông là ông tổ đời I. Mộ ông được an táng trên đất ruộng nhà thuộc làng An Phú Đông xưa. Không có thêm tư liệu nào nói về cuộc đời của ông, từ lúc sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất này.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: ông bà Đỗ Văn Châu từ đâu đến, từ bỏ quê hương ra đi vì lý do gì? Sinh mất năm nào? Cuộc sống bước đầu ở vùng đất mới ra sao! Do khoảng thời gian quá xa, ta không thể kiểm chứng một cách tường tận, song có thể phỏng đoán dựa trên tài liệu về lịch sử và tư liệu từ gia đình.

Về năm sinh của ông Đỗ Văn Châu, ta có thể đoán được từ năm sinh của người con thứ ba của ông là ông Đỗ Quang Đẩu, Sinh năm 1863. Nếu mỗi thế hệ cách nhau 25 năm và mỗi con được sinh cách nhau 2 năm thì năm sinh của ông tổ là: 1863 -25-2=1836. Có thể sai số kém ít tuổi. Đây là giai đoạn cuối của triều Minh Mạng, không rõ ông vào đất phương Nam từ khi nào? Ông đi cùng cha mẹ từ nhỏ hay đã trưởng thành? Hoặc ông đã có gia đình rồi mới bồng bế, dắt díu nhau vào phương Nam. Cũng nên nhắc lại rằng cho đến thế kỷ thứ XIX, lúc Nguyễn Ánh lấy được ngai vàng và lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân thì trào lưu Nam tiến của dân vùng Ngũ Quảng vẫn tấp nập. Có thể ông ra đi vào cuối trào lưu đó. Có thể ông đi về phương Nam bằng đường biển, bằng ghe bầu, phương tiện đi biển duy nhứt thời bấy giờ và men theo đường sông rạch tìm đất định cư, tìm nơi sinh kế. Ông đã dừng chân trên mảnh đất 3 mặt giáp sông, một mặt giáp đất liền cho tiện đường làm ăn sinh sống theo lối "thượng thổ hạ điền" trên vùng đất An Phú Đông xưa nay là phường An Phú Đông quận 12 thành phố Hồ Chí Minh.

Không rõ ông sống bằng nghề gì, cuộc sống ra sao? Bà là người phương Bắc hay phương Nam, tên họ, sinh mất năm nào con cháu không ai biết.

Không rõ số con của ông, bà nhưng qua chúc ngôn của bà Nguyễn Thị Có (vợ đời 2 của ông Đỗ Quang Đẩu) thì được biết ông có những người con sau:

- Thứ 2 : không rõ

- Thứ 3 : Đỗ Quang Đẩu

- Thứ 4 : Đỗ Văn Cứng

- Thứ 5 : Đỗ Văn Cỏi

- Thứ 6 : không rõ

- Thứ 7 : không rõ

- Thứ 8 : không rõ

- Thứ 9 : Đỗ Văn Lâu

Ông bà mất ngày tháng năm nào, con cháu không nhớ rõ. Mộ ông chôn tại làng An Phú Đông tổng Bình Trị Thương, Quận Gò Vấp tỉnh Gia Định, không rõ mộ bà nơi đâu.

Hiện nay cháu đời V là ông Đỗ Quang Hạnh cúng ông và bà Đỗ Văn Châu vào dịp tết.

Bốn người con trai ông bà tổ, hiện con cháu họ Đỗ chỉ biết có ông Đỗ Quang Đẩu đã lập gia đình và tạo ra hậu duệ đến nay là đới thứ sáu trên đất Sài Gòn – Gia Định và một số định cư ở nước ngoài.

Riêng ông Đỗ Văn Cứng, Đỗ Văn Cỏi và Đỗ Văn Lâu con cháu chỉ biết qua tờ chúc ngôn, trong dòng họ không ai biết các ông này nhưng còn mộ. Mộ ông Đỗ Văn Cứng và Đỗ Văn Cỏi ở An Phú Đông. Mộ ông Đỗ Quang Lâu ở An Lộc thôn.

Ông Đỗ Quang Đẩu lập gia đình tạo ra đời II. Ông là một nhà sư phạm giỏi, mẫu mực. Ông dạy ở trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quí Đôn TP.HCM) – một ngôi trường lớn nhứt của Pháp ở Đông Dương. Ông còn viết sách giáo khoa bậc sơ học bằng tiếng Việt, lịch sử và tiểu thuyết luận lý dịch thơ ngụ ngôn. 

Ông đã có đóng góp lớn trong buổi đầu chữ quốc ngữ chưa hoàn chỉnh.

Với công lao đóng góp của ông, tên ông được đặt cho một con đường ở quận 1 TP.HCM.

Thế hệ thứ ba ra đời trên đất Gia Định khi toàn cõi Nam kỳ đặt dưới sự cai trị trực tiếp của thực dân Pháp, nhiều phong trào đấu tranh chống Pháp nổi lên ngày càng nhiều và tiến bộ. Trong hoàn cảnh chiến tranh như thế, hậu duệ họ Đỗ sống trong vùng tạm chiếm, phấn đấu học hành đến nơi đến chốn, làm công chức cho chế độ Sài Gòn. 

Cũng có người tham gia cách mạng như ông Đỗ Quang Huê (đời III) đứng vào hàng ngũ của Đảng, góp phần qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đời IV, V, VI cố gắng học tập, lao động tốt. Sau khi hoà bình lập lại, khá đông con cháu họ Đỗ định cư ở nước ngoài, số còn lại vẫn lao động tốt ở quê hương. Đó là thực tế lịch sử đã để lại cho nhiều gia đình Việt Nam trong đó có họ Đỗ.

II. VÀI NÉT VỀ TỔ QUÁN HỌ ĐỖ

Qua bản chúc ngôn của bà Nguyễn Thị Có, vợ ông Đỗ Quang Đẩu thì phần đất thuộc làng An Phú Đông xưa có phần mộ ông tổ Đỗ Văn Châu và các con ông là ông Đỗ Văn Cứng, Đỗ Văn Cõi, (nay là phường An Phú Đông, Q.12, TP. HCM) và theo lời kể của ông Đỗ Quang Hạnh thì nơi đây là tổ quán của họ Đỗ. An Phú Đông xưa là An Lộc thôn, năm 1940 An Lộc thôn đổi thành làng An Phú Đông thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp. Đến năm 1972, An Phú Đông là xã của quận và tỉnh cũ. Sau giải phóng xã An Phú Đông thuộc về huyện Hóc Môn. Đến ngày 6/1/1997 thì An Phú Đông thuộc phường An Phú Đông, quận 12. An Phú Đông nằm trên đoạn sông từ Thủ Dầu Một chảy vào Gia Định, cách Sài Gòn 4km đường chim bay, cách Gò Vấp 2km đường bộ có diện tích 8km2. An Phú Đông là một vùng đất đai trù phú nhờ phù sa sông Sài Gòn bồi đắp nên có nhiều vườn cây ăn trái sum suê – vườn trà luôn xanh tốt. Nhưng đường vào An Phú Đông rất khó khăn. Có những con đường đất chật hẹp và lầy lội vào mùa mưa. Vào An Phú Đông phải dùng ghe hoặc đò trên một hệ thống kinh rạch chằng chịt.

Lợi dụng địa hình đó, An Phú Đông được chọn làm căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài. Nơi đây có trường huấn luyện quân sự tỉnh, có công trình xưởng với máy móc đầy đủ. Nhiều bộ phận chỉ huy tỉnh, quận như Ủy ban nhân dân, Ủy ban kháng chiến, quân nhu, y tế… được thành lập. Tổng công đoàn cũng đóng ở đây để hoạt động. Ngày 3/3/1946, nơi đây ta đã thắng được thực dân Pháp một trận lớn. Đó là trận đầu tiên của quân dân Sài Gòn - Gia Định trước một lực lượng quân Pháp hùng hậu. Giặc Pháp nhiều lần huy động hải lục quân tấn công, quấy phá ta thường xuyên nhưng thất bại, trong cuộc tiến công năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, An Phú Đông là nơi dưỡng quân và là điểm xuất phát, tiến công vào bộ phận đầu não của địch, góp phần xứng đáng vào chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Hiện nay mộ ông Tổ và các con của ông tọa lạc ở vùng An Phú Đông - vùng đất tổ quán của họ Đỗ. Cháu đời IV, ông Đỗ Quang Hạnh thường lui tới thăm viếng mộ ông  tổ mình.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA HỌ ĐỖ

Trải qua gần hai thế kỷ từ ngày ông tổ họ Đỗ vào Nam sinh cơ lập nghiệp, họ Đỗ đã truyền tử lưu tôn đến nay được 6 đời, tạo ra hậu duệ đông đúc, đã hình thành được những đặc điểm như sau:

Từ bản chất truyền thống của người Việt Nam là cần cù, chịu thương, chịu khó, không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách gian nan, đời I và II đã để lại nhiều đất đai cho con cháu (theo di chúc). Ông Đỗ Quang Đẩu (đời II) đã có đóng góp nhiều cho ngành giáo dục trong tiền bán thế kỷ XX. Ông cũng có nhiều đóng góp trong việc hoàn chỉnh chữ quốc ngữ ở buổi đầu mới xây dựng.

Các ông biết giữ gìn phong tục tập quán tốt của dân tộc, có lối sống mẫu mực, giáo dục gia đình theo lễ giáo phong kiến nhưng tiến bộ.

Trong nhiệm vụ, họ Đỗ tỏ ra mẩn cán, liêm chính, không vụ lợi. Dù ở bất cứ cương vị nào cũng không xoay sở bổng lộc.

Họ Đỗ rất hiếu học. Đời III, IV hậu duệ họ Đỗ học rất giỏi hầu hết có học vị cao. Có người biết nhiều ngoại ngữ.

Bên cạnh đó họ Đỗ cũng có một số khuyết điểm nhỏ như bà con họ hàng ít thăm viếng nhau, giỗ chạp ít qui tụ họ hàng để siết chặt tình gia tộc, để nhớ đến cội nguồn và truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Hy vọng những biểu hiện trên chỉ là nhất thời, do tất bật lo toan cho cuộc sống.

Những đặc điểm nêu trên là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Đỗ, con cháu cần học tập và phát huy đồng thời cũng nên khắc phục những biểu hiện thiếu sót nhỏ.

Xin hậu duệ họ Đỗ coi gia phả này là cơ sở của trung tâm đoàn kết của dòng họ để giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình.

Con cháu họ Đỗ kính dâng lên tổ tiên quyển gia phả này như một lễ vật để báo hiếu và hứa sống xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp của họ Đỗ.