006. Gia phả họ Ngô (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM)
14/08/2022 18:37:17Gia phả họ Ngô ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2001.
LỜI TỰA
Cỗ ngữ có câu : “Mộc bổn thủy nguyên nhơn sanh hồ tổ” nghĩa là: Cây có cội, nước có nguồn, người có Tổ tông. Phàm con người sanh ra ai ai cũng có ông bà, cha mẹ, nội ngoại, cố sơ v.v... Như vậy mỗi người đều có bốn ông Cố, bởi lẽ : cha của ông Nội, bà Nội, ông Ngoại, bà Ngoại đều là ông Cố mình. Bốn ông Cố có bốn bà Cố, như vậy mình có tám ông Sơ và từ đó cứ nhân 2 là có 16 ông Sờ v.v...
Thời nay, ít có người biết tới ông Sơ, do bởi trong gia tộc không lập quyển Gia phả để hiểu biết và kế thừa, nên có nhiều lầm lẫn trong việc dựng vợ gã chồng phải đắc tội với Tổ tiên vì cùng chung dòng huyết thống.
Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống Hiếu Nghĩa vi tiên, tưởng nhớ đến nguồn gốc, luôn thờ phụng ông bà, cha mẹ khi khuất bóng qua đời. Mỗi gia đình dù nghèo hay giàu, trong nhà cũng đều có hai bàn thờ : một thờ ông bà, một thờ cha mẹ. Tranh thờ ông bà có hai câu đối như sau :
Tổ công phụ đức thiên niên thạnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh
Nghĩa là : Nhờ đức của Tổ tiên ông bà nên con cháu được hiển vinh cường thạnh.
Bàn thờ cha mẹ thì có hai câu đối như sau :
Phụ đạo sanh thành sơn nhạc trọng
Mẫu ân cúc dục hải hà thâm
Nghĩa là : công cha nặng như núi, nghĩa mẹ sâu như biển, đạo làm con phải lo báo hiếu đáp đền.
Nếu mỗi chúng ta tìm hiểu được 4 đời ông Cố và những lớp người nối tiếp huyết thống đến ngày nay thì sẽ thấy thân tộc mình đông đảo, gần gũi biết bao, chúng ta càng thương yêu kính trọng và vô cùng tự hào về ông cha đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và máu dày công xây dựng để lại cơ nghiệp cùng tiếng thơm cho con cháu sau này. Bổn phận con cháu là phải ra sức giữ gìn và làm cho gia tộc ngày thêm “hiển vinh cường thạnh” hơn nữa.
Bộ Gia phả họ Ngô này sẽ giúp ta điều đó.
Sớm thấy lợi ích lớn lao của Gia phả đối với dòng họ, với tấm lòng của mình cháu Ngô Trung Kiên, cháu 4 đời của chi thứ tư (Ngô Văn Sử) đã ra sức vận động các bậc ông bà, cha chú, cô dượng, anh chị trong họ mỗi người một phần từ thời gốc tích ông Tổ họ Ngô đến lập nghiệp và phát triển đến ngày nay.
Cám ơn Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục năm lần cử cán bộ về Củ Chi đến nhà hoặc gặp trực tiếp hầu hết những người trưởng thượng trong dòng họ, ra tận các đồng mã chụp ảnh, ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu. Quan trọng hơn là Nhóm đã cố gắng tổng hợp và bổ sung, phối kiểm để biên soạn bộ Gia phả họ Ngô khá đầy đủ đến ngày nay. Sau này con cháu sẽ tiếp tục ghi thêm vào.
Cám ơn nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành bộ Gia phả này.
Bộ Gia phả này dù những người trong dòng họ rất cố gắng tìm tòi góp sức, Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với tinh thần cần cù, chịu khó, thận trọng và khoa học, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót vì đây là công việc rất khó “vạch bóng thời gian tìm quá khứ”.
Kính mong ông bà lượng thứ, kính mong các bậc trưởng thượng chỉ giáo thêm.
Với tấm lòng vì dòng họ, vì Tổ tiên, tôi trân trọng coi bộ Gia phả họ Ngô như là món quà báo hiếu có ý nghĩa đặc biệt cho dòng họ ta vậy.
Mùa thu năm Tân Tỵ 2001
Cháu cố (rễ) họ Ngô
Cẩn chí
NGUYỄN VĂN GỞI
PHẢ KÝ
Trong toàn bộ của một tập Gia phả, phần phả ký có chức năng ghi lại nơi phát tích và quá trình tồn tại, phát triển của một dòng họ, gia tộc qua những bước thăng trầm vui sướng, khốn khổ, tủi nhục, vinh quang của cuộc sống, của toàn bộ gia tộc và của từng thế hệ của gia tộc ấy.
Mỗi dòng họ, gia tộc đều có quá trình tồn tại và phát triển đặc trưng, không ai giống ai. Những điểm riêng biệt ấy một mặt do truyền thống gia phong của dòng họ và mặt khác do hoàn cảnh khách quan, tức cuộc sống nói chung của mảnh đất mà dòng họ chọn làm quê hương, xứ sở. Hai mặt này luôn đan xen vào nhau, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau suốt cả một quá trình dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ tổ tiên xa xưa đến con cháu ngày nay.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, vùng đất Củ Chi ngày nay thuộc phủ Gia Định, sau được vua Gia Long đổi thành trấn Gia Định (1802), bao gồm cả Nam kỳ. Đến năm 1808 lại đổi thành Gia Định thành (tương tự Bắc thành) thống lãnh 5 trấn : Phiến An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Do vị trí đặc biệt quan trọng, huyện Tân Bình (trấn Phiến An) được thăng lên thành phủ Tân Bình coi 4 huyện : Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc (trước là tổng) với 8 tổng (Bình Trị, Dương Hòa, Tân Phong, Long Hưng, Phước Điền, Lộc Thành, Bình Cách và Thuận Đạo) có 460 xã, thôn, phường, lân, ấp, điếm.
Năm 1889, nhà Nguyễn bãi bỏ cấp khu vực hành chánh quận sự đổi tên địa hạt thành tỉnh. Năm 1910, tỉnh Gia Định được chia ra làm 18 tổng, 200 xã thôn (bỏ tổng Dương Hòa Trung, phần lớn thôn xã nhập vào thành phố, quận 8 ngày nay). Huyện Củ Chi được tách từ quận Hóc Môn gồm 2 tổng Long Tuy Trung và Long Tuy Hạ là 2 trong 18 tổng của tỉnh Gia Định. Tổng Long Tuy Trung cách tỉnh lỵ Gia Định 40km, có 6 xã thôn với 2.434 suất đinh :
1. An Nhơn Tây 4. Phú Đức
2. Mỹ Hưng 5. Phú Hòa Đông
3. Nhuận Đức 6. Phú Thạnh
Tổng Long Tuy Hạ cách tỉnh lỵ Gia Định 27km, có 11 xã thôn với 2.370 suất đinh :
1. Mỹ Khánh 7. Tân Thông Trung
2. Phước An 8. Thái Bình Hạ
3. Phước Mỹ 9. Thái Bình Thượng
4. Tân Thông 10. Trung Lập
5. Tân Thông Đông 11. Vĩnh An Tây
6. Tân Thông Tây
Như vậy huyện Củ Chi có từ trước, đến năm 1956, chánh quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận của 3 tỉnh: Đức Hòa (tỉnh Long An), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và Củ Chi (tỉnh Gia Định) sau năm 1975 thì bãi bỏ, trả Củ Chi về tỉnh Gia Định và sau được nhập vào thành phố Hồ Chí Minh. Củ Chi là một trong những huyện ngoại thành như : Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè. Bình Chánh…
Xã Trung Lập, nơi phát tích họ Ngô vốn có từ lâu, về sau dân đông được tách làm 2 xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ cho đến nay.
Về vị trí, huyện Củ Chi ở phía Bắc Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), án ngữ con đường huyết mạch của thành phố, đường nối từ rừng núi chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), nơi đặt đại bản doanh của bộ máy lãnh đạo cách mạng miền Nam suốt hai thời kỳ chống Pháp, đánh Mỹ. Cả địch và ta đều đặc biệt quan tâm địa bàn này, quyết tâm giành giựt nhau từng thước đất. Từ đó Củ Chi trở thành điểm nóng, trong đó có xã Trung Lập là một trong những điểm nóng nhất. Thế trận chiến tranh nhân dân đạt đỉnh tuyệt vời. Đầu xã là trại huấn luyện Sở Bông của địch với hàng ngàn quân thường trực, giữa xã vẫn là vùng giải phóng lõm an toàn. Tìm hiểu tinh thần đấu tranh ngoan cường của dòng họ Ngô, của nhân dân xã Trung Lập, có thể hiểu phong trào đánh giặc ở Củ Chi và cả miền Nam.
Từ mấy trăm năm qua, không rõ từ lúc nào, gia tộc họ Ngô đã chọn đất Củ Chi làm quê hương. Kể từ ông Tổ Ngô Văn Vui, đến lập nghiệp tại vùng đất Trung Lập thuộc tỉnh Gia Định, trước đây thuộc quận Hóc Môn và ngày nay thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Vùng đất này ngay từ xa xưa, cụ thể ngay từ thời kỳ Gia Long lập quốc (đầu thế kỷ 19), đến đời bị Pháp chiếm đóng biến Nam bộ thành một thuộc địa của chế độ trực trị (khác với chế độ bảo hộ ở miền Trung và miền Bắc kỳ). Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và tiếp theo sau là chế độ phong kiến độc tài Ngô Đình Diệm rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) đã trở thành một vùng đất anh hùng, được xưng tụng là “đất thép thành đồng” lừng danh trong cả nước. Và những thành tích cứu nước, giữ nước suốt gần một thế kỷ đã được ghi nhận bằng những nét chữ vàng son trong lịch sử đấu tranh của dân tộc nói chung và của nhân dân Nam bộ có các dòng họ ở Củ Chi nói riêng, trong đó có phần đóng góp xương máu xứng đáng của dòng họ Ngô nối tiếp nhiều thế hệ.
Tỉnh Gia Định ngay từ thời Gia Long đã được xây dựng thành trung tâm quan trọng của triều đình nhà Nguyễn ở phương Nam, do đó mà Gia Định sớm phát triển về mọi mặt. Đến khi quân Pháp chiếm đóng và đô hộ, tỉnh Gia Định biến thành vùng ngoại vi của thành phố Sài Gòn, nơi chính quyền thực dân thiết lập trung tâm quyền lực tại Nam kỳ. Từ đó nhân dân Gia Định phải chịu đựng biết bao áp lực nặng nề của các kế hoạch bình định, đàn áp thuộc chiến lược bảo vệ sài Gòn. Nhưng mặt khác từ thực tiễn phải đấu tranh giành quyền sống, nhân dân vùng này cũng sớm phát triển về mọi mặt, đi trước những vùng khác.
Thời thế tạo anh hùng. Địa linh Gia Định đã sản sinh nhiều nhân kiệt như những anh hùng Võ Trường Toản, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Đình Chiểu… và đáng kể hơn là các phong trào võ trang khởi nghĩa của nông dân lần lượt nổi dậy.
Trước tiên là cuộc khởi nghĩa “18 thôn vườn trầu” (Thập bát phù viên) năm 1886 do thủ lĩnh Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Bương tổ chức, chỉ một đêm 30 Tết đã đốt trụi dinh quận Hóc Môn, trừng trị tên Đốc phủ Việt gian Trần Tử Ca. Sau đó vào đầu thế kỷ 20, các phong trào nối tiếp diễn ra như phong trào Phan Xính Long và Thiên Địa Hội (1913), các phong trào Duy Tân, Đông Du (từ 1925-1926) đảng Thanh Hoa - Thanh niên Cao vọng Đảng - của Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Võ Công Toàn). Đến 1940 thì bùng nổ Nam kỳ khởi nghĩa, cuộc nổi dậy qui mô lớn đầu tiên khắp lục tỉnh Nam kỳ mà Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa là những mũi xung kích trọng yếu đánh vào đầu não địch tạo tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công và cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm chống Pháp đánh Mỹ toàn thắng vào ngày lịch sử 30-4-1975.
Nếu thời kỳ kháng Pháp (chưa tách riêng Củ Chi) có chi đội 12 (sau đổi thành trung đoàn 312) với những danh tướng Tô Ký, Hồ Thị Bi, Huỳnh Văn Một, thời chống Mỹ có trung đoàn Quyết Thắng chủ lực, có đội nữ du kích Củ Chi lừng danh, xuất hiện một tập thể anh hùng tổ chức đánh địch trên trời, trên mặt đất, dưới hầm sâu - địa đạo Củ Chi 240km dài nhất nước.
Đầu năm 1946, Mỹ mở cuộc hành quân mang tên Crimp (Bóc vỏ trái đất) được các quan sát viên nước ngoài mô tả là “cả chiến tranh thế giới thứ hai không có một kế hoạch tác chiến nào hoàn hảo hơn như thế”. Điển hình ngày 8-01, Mỹ đã huy động 12.000 quân (gồm 2 lữ đoàn thuộc sư đoàn 1 Mỹ, 1 tiểu đoàn Úc, 8 tiểu đoàn Ngụy), 300 máy bay chiến đấu, 600 pháo cối, 600 xe cơ giới, được máy bay chiến lược B52 yểm trợ và có cả chó béc-giê lùng sục tràn ngập trên mảnh đất nhỏ bé nóng bỏng Củ Chi, nhưng đều bị thất bại phải rút lui. Các xã giải phóng Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Trung Lập vẫn giữ vững và càng củng cố trong lòng địch. Trận càn Cedar Falls rầm rộ của Mỹ chỉ với mục đích “bới tung địa đạo Củ Chi luôn là trở ngại kinh khủng và nguy hiểm”. Cuối cùng Mỹ Ngụy vẫn lãnh lấy thất bại. Những địa danh vốn hiền lành chơn chất như Hố Bò, Gót Chàng, Bến Dược… luôn là nỗi kinh hoàng của giặc Mỹ.
Hội nghị chiến tranh nhân dân ở Củ Chi năm 1966 đã khẳng định nhân dân vùng này đã góp phần giải đáp một câu hỏi lớn cho toàn miền : “Chiến tranh nhân dân có thể thắng chiến tranh hiện đại của Mỹ” bằng nhiều cách : ai ai cũng đánh được Mỹ, vũ khí nào cũng đánh được, ở đâu cũng đánh được, ngày và đêm đều đánh được… và sau đó đại hội phát động phong trào thi đua diệt Mỹ trong toàn huyện, lập vành đai diệt Mỹ, bao vây căn cứ Đồng Dù, hình thành thế trận chiến đấu kiểu vành đai.
Một thế mạnh đặc trưng của Củ Chi mà không nơi nào có được là địa đạo. Từ sau cuộc hành quân Crimp, Mỹ đã kết luận rằng “hệ thống đường hầm Củ Chi là một trở ngại kinh khủng và nguy hiểm”nên đã tổ chức nghiên cứu, viết tài liệu huấn luyện, tổ chức những đội phá đường hầm.
Trong cuộc hành quân Cedar Falls được kể là một trận càn ác liệt, nguy hiểm, ngoài 200 xe ủi nhằm bới tung “địa đạo Củ Chi” địch dùng cả súng phun lửa, bom napan để đốt cháy dưỡng khí trong địa đạo, lại bơm nước, đánh thuốc nổ, bơm hơi độc và tiếp theo là “đội quân chó” sục sạo miệng hầm, các đội chuột cống luồn lách tích cực. Để kích động dư luận, các cơ quan tuyên truyền tâm lý chiến Mỹ rêu rao đã phá hủy 6 hệ thống hầm ngầm, tổng cộng dài 9.445m, một con số vẫn còn quá nhỏ so với trên 200km địa đạo và 500km chiến hào giao thông đã được xây dựng kiên cố và đầy hiệu quả đối với du kích.
Thế là quân dân Củ Chi vẫn tiếp tục đứng vững trên mảnh đất quê hương “đất thép thành đồng” của mình trong suốt thời gian 20 năm chống Mỹ Ngụy, luôn nắm vững lá cờ đầu. Danh dự này Củ Chi đã đổi bằng máu. Củ Chi đã cống hiến cho đất nước 10.051 liệt sĩ - số liệt sĩ cao nhất của một huyện trong cả nước. Trong số đó dòng họ Ngô có gần 20 liệt sĩ, riêng chi 5 ông Ngô Văn Sử có trường hợp hai vợ chồng đều là liệt sĩ như ông bà Ngô Văn Then - Bùi Thị Rư và các con. Gia đình ông Ngô Văn Nhóc có 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng là bà Nguyễn Thị Đây và người con dâu là Bùi Thị Rư, có người cháu nội rễ là Cao Văn Soái (Sáu nhỏ) liệt sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Và năm 1975 Củ Chi đã có số xã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhiều nhất so với các nơi khác : 6 đơn vị - đó là các xã Trung An, Nhuận Đức, Bình Mỹ, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Trung Lập Thượng. Trước đó, năm 1970, trong số 18 tập thể và 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Sài Gòn - Gia Định được công nhận anh hùng, Củ Chi đã có những đơn vị :
- Lực lượng vũ trang và bán vũ trang Củ Chi.
- Dân quân du kích xã Nhuận Đức.
- Dân quân du kích xã Trung An.
- Dân quân du kích xã Phước Hiệp.
- Dân quân du kích xã Bình Mỹ.
- Dân quân du kích xã Trung Lập.
Các cá nhân gồm :
- Lê Văn Thế (bộ đội địa phương Củ Chi).
- Lê Thị Rạng (dân quân huyện Củ Chi).
- Lê Văn Đạt (du kích Huyện).
- Nguyễn Văn An (du kích Huyện).
TRUNG LẬP THƯỢNG NƠI PHÁT TÍCH DÒNG HỌ NGÔ
Nơi phát tích dòng họ Ngô được con cháu sau nầy biết được là xã Trung Lập Thượng, nơi ông tổ Ngô Văn Vui đến định cư và lập nghiệp ở đây.
Từ xa xưa xã Trung Lập là một, sau năm 1983 mới tách làm hai : Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ. Vùng quê hương họ Ngô tọa lạc, nay thuộc xã Trung Lập Thượng.
Hiện nay (2001), xã này thuộc vùng Bắc huyện Củ Chi, Đông giáp trung Lập Hạ, Tây giáp Lộc Hưng (thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh), Nam giáp Phước Thạnh, Bắc giáp An Nhơn Tây.
Như tất cả các vùng nông thôn khác thuộc Gia Định và Nam bộ ngày xưa, Trung Lập là một xã nghèo, gần 100% dân sống bằng nghề ruộng rẫy với mức thu nhập hằng năm rất thấp. Nhưng cũng như các vùng khác trong đất nước, nơi này có truyền thống yêu nước nổi tiếng thừa kế và phát huy từ truyền thống của Hóc Môn và Củ Chi sau này khi tách ra khỏi Hóc Môn.
Dưới chế độ thuộc địa Pháp, tất cả các phong trào yêu nước chống thực dân đều có sự tham gia của người dân Trung Lập. Đáng kể nhất trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa 1940, Trung Lập đóng vai trò yểm trợ tích cực về lương thực, của cải vật chất, tiền bạc cho lực lượng nổi dậy ở các xã lân cận. Do đó mà khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt, Trung Lập cũng bị thiệt hại khá nặng nề.
Đến Cách mạng tháng 8-1945 rồi cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Lập luôn luôn được coi là “xã điểm” cùng với quân dân Hóc Môn, Bà Điểm, quyết chịu đựng mọi gian khổ để bảo vệ đất nước.
Sau đó trong cuộc đánh Mỹ cứu nước, phong trào phát triển đến cực điểm cuộc chiến đấu. Phong trào ở chung quanh càng phát triển đến đâu thì Trung Lập vẫn luôn phất cao ngọn cờ đầu.
Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, sau hiệp định Genève 1954 quyết tâm bình định các vùng ngoại vi thủ đô Sài Gòn, đặc biệt là phía Bắc, các con đường chiến lược Sài Gòn - Tây Ninh - Phnom-pênh nên ra sức càn quét vùng Củ Chi, chọn Trung Lập là điểm chính, thành lập 4 ấp chiến lược và tập trung về đây (Gò Nổi) dân 6 xã vùng Bắc Củ Chi. Để thực hiện theo ý đồ này chúng đã khủng bố ác liệt, đặc biệt là giết người mổ bụng lấy gan mật để ăn, đốt phá nhà cửa, ruộng rẫy, vườn tược, những vùng “trắng” bị kể là căn cứ cách mạng, không còn cành cây ngọn cỏ.
Kể từ đầu năm 1960, phong trào đấu tranh bắt đầu nổi lên và phát triển ngày càng mạnh mẽ, trong đó đáng kể là sự đóng góp tích cực của các má, các chị. Cơ sở Đảng được thành lập, liên tục chỉ đạo sát các cuộc đấu tranh từ hợp pháp đến bán hợp pháp và bất hợp pháp như chống thuế chợ, chống gom dân vào ấp chiến lược, đòi quân lính không được bắn phá làng mạc… Đồng thời ở các ấp, các chị thi đua đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, nuôi dưỡng thương binh. Trong tất cả các cuộc đấu tranh trực diện với địch, lúc nào cũng có gia đình họ Ngô tham gia tích cực.
Năm 1962 chính quyền cách mạng xã thành lập, đội võ trang nhanh chóng lớn mạnh từ 10 đến 24 tay súng, luôn tổ chức đánh địch, bảo vệ địa bàn và bổ sung quân số cho lực lượng huyện. Từ đây cuộc đọ sức giữa quân đội địch gồm Bảo an, Địa phương quân và nông dân vũ trang diễn ra quyết liệt ngay trên những cánh đồng khô cỏ cháy của Trung Lập Thượng. Du kích đánh Bảo an, tập kích quân biệt kích và đủ mưu trí trang bị để chặn đánh một tiểu đoàn Mỹ suốt 3 ngày 2 đêm tại Bàu Gáo, ấp Ràng. Những người con cháu họ Ngô như Ngô Văn Ken, Ngô Văn Ten, Bảy rẫy, Năm Nhánh là những cán bộ cốt cán, kiên cường ở đây.
Năm 1967, phong trào chống càn quét ngăn chặn xe tăng Mỹ càn vào xóm diễn ra quyết liệt. Từ Lào Táo lên Ràng hễ có xe tăng địch là bà con tràn ra đường cản lại, phong trào gom bom, pháo lép để làm mìn đánh tăng ngày càng lên cao. Trai gái các ấp Trung Hưng, Lộc Hưng giành nhau bom lép. Chiếc xe tăng đầu tiên bị diệt ở ngã ba Cây Cám thuộc ấp Đồng Lớn. Ở Xóm Rừng, các nữ du kích giả làm người gánh phân để mang mìn ra ruộng chận đánh tăng, diệt được 6 chiếc. Trung Lập Thượng từ một xã trắng trở thành một xã mạnh toàn diện, được đề cử báo cáo điển hình trong toàn huyện và sau đó được công nhận xã anh hùng.
Tính đến năm 1962, Đảng bộ xã đã có 220 đảng viên, 24 du kích. Huyện rút lên trên và chỉ một tháng sau đã bổ sung đủ quân số. Đó là nhờ nhân dân khâm phục ý chí kiên cường của đảng viên và được Đảng bộ ở đây liên tục tích cực trong xây dựng lực lượng chiến đấu.
Tính đến 1968, xã đã có 78 dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có 2 nữ. Trận tiêu biểu là trận đánh phá hủy cầu Công sở xây dựng trên lộ 7 gần căn cứ Trung Hòa. Cầu không lớn nhưng là cầu huyết mạch nằm trên lộ quan trọng nên địch bảo vệ kỹ, dưới cầu có gài chông, lựu đạn. Cách cầu 50m có một trung đội Bảo an canh giữ, đi tuần suốt đêm. Nhưng với quyết tâm, mưu trí và sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư xã cuối cùng cầu bị đánh sập.
Với quá trình hy sinh chiến đấu lớn kể trên, hiện Trung Lập Thượng vẫn còn cưu mang, nuôi dưỡng 199 thương binh 703 gia đình liệt sĩ và 55 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó có gia đình có 16 liệt sĩ (gia đình chị Út Phước, nguyên nữ Bí thư chi bộ Trung Lập Thượng từ 1972 trở về trước) hằng năm giỗ chung nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27-7).
DÒNG HỌ NGÔ GIỮA TRUYỀN THỐNG KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT
Ông tổ Ngô Văn Vui, không rõ nguyên quán, có thể là người Bình Định, cách đây khoảng 200 năm đã đến mưu sinh lập nghiệp tại vùng đất này mà lúc đó nơi đây còn là một vùng hoang vu, thưa dân và nghèo khổ.
Ông cùng người em trai là Ngô Văn Đức và một số bạn hữu dày công khai phá và xây dựng được một số cơ ngơi nhỏ. Do công lao ấy người bấy giờ lấy tên ông đặt cho xóm : ấp Ông Vui. Sau nầy xóm dần dần phát triển, đổi tên là ấp Tầm Lanh và hiện thời là ấp Trung Hiệp Thạnh.
Từ ấy đến nay, dòng họ Ngô đã trải qua 7 đời :
1. Ngô Văn Vui, Ngô Văn Đức - cố tổ.
2. Ngô Văn Uyển - ông cố.
3. Ngô Thị Nương - con (chi 1), Ngô Thị Sọc (chi 4), Ngô Thị
Vện (chi 5).
4. Ngô Văn Sử (chi 6), Ngô Văn Kinh (chi 7), Ngô Văn Dẹp (chi 8), Ngô Thị Ráng (chi 9), Ngô Thị Còn (chi 10).
5. Ngô Văn Nhóc - con (chi 6), Ngô Văn Tộ (chi 5), Ngô Văn
Dọn - con (chi 8).
6. Ngô Văn Then, Ngô Văn Ken, Ngô Văn Ten (chi 5), Ngô Văn Rẫy (chi 6).
7. Ngô Trung Kiên (chi 4), Ngô Văn Hùng (chi 6).
Hiện thời họ Ngô được kể là một tộc họ lớn ở Trung Lập Thượng. Dòng họ Ngô tính đến đời 6 gồm 420 người, chưa tính các cháu nhỏ. Dòng họ này lớn không phải vì giàu sang, của cải vật chất lớn, người đông mà chính vì công lao đóng góp cho đất nước, quê hương. Tính chung cho đến nay trong dòng họ đã có đến 20 liệt sĩ, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng (bà Nguyễn Thị Đây và bà Bùi Thị Rư), 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Ngô Văn Rạnh, Cao
Văn Soái) và một anh hùng lao động (Ngô Văn Rành) và rất nhiều người còn sống sót sau hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ tại quê hương và các địa phương khác ở Gia Định, miền Đông Nam bộ.
Các tin cũ
- » 20 năm hoạt động bền bĩ và kết quả to lớn của TTNC&THGP TP.HCM 14/08/2022 17:24:50
- » Giới thiệu về Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM 14/08/2022 15:42:27
- » 20 năm hình thành và phát triển của TTNC&THGP TP.HCM (1992-2012) 14/08/2022 15:06:49
- » Vài suy nghĩ về mối quan hệ gia tộc và thành viên gia tộc Việt Nam 14/08/2022 14:47:26
- » Gia phả học trong nền văn hóa dân tộc 14/08/2022 13:50:43
- » Hội thảo khoa học trong ngày tổng kết 14/08/2022 12:31:00
- » Tổng kết 20 năm hoạt động TTNC&THGP và chi hội Gia phả TP.HCM 14/08/2022 12:20:59
- » Hội nghị thông báo gia phả học Việt Nam lần thứ nhất - 2015 14/08/2022 11:02:37
- » Viện Lịch sử dòng họ: Hai năm để hình thành và phát triển 14/08/2022 10:37:15