Trang chủ > 008. Gia phả họ Nguyễn (họ Hồ) (ấp Thủ Bộ, Long An, Cần Giuộc, Long An)

008. Gia phả họ Nguyễn (họ Hồ) (ấp Thủ Bộ, Long An, Cần Giuộc, Long An)

14/08/2022 19:42:12

Gia phả họ Nguyễn (họ Hồ) ấp Thủ Bộ, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2000.

LỜI TỰA

Cây có cội, nước có nguồn, người có Tổ tông. Vậy mà từ nửa thế kỷ nay, đất nước có chiến tranh, bà con dòng họ ly tán, mỗi gia đình sống một nơi. Như gia đình chúng tôi, cha mẹ đành gạt nước mắt rời bản quán đưa 5 đứa con còn nhỏ dại lên sanh sống ở Sài Gòn. Quê nội ở xã Long An (Cần Giuộc), quê ngoại ở xã Long Hựu (Cần Đước) vốn đã xa cách nhau nay lại càng cách trở.

Lúc còn sanh tiền cha mẹ tôi thường hay dạy bảo nhắc nhở con cái phải nhớ về cội nguồn, kể cho chúng tôi nghe về những tấm gương sáng nhân nghĩa ở đời và công lao của ông bà, về ơn nghĩa với bà con dòng họ xóm giềng. Ba tôi đã xây dựng nhà thờ bên quê nội và ghi bản Tông chi dòng họ để lại cũng với ý để giáo dục và lưu truyền cho con cháu mai sau.

Từ lâu chị em chúng tôi có ý định dựng bộ Gia phả cho dòng họ, cả bên nội và bên ngoại (vì bên ngoại đã có nhiều công lao giúp đỡ cha mẹ tôi trong những giai đoạn khó khăn nhất) để tỏ lòng biết ơn. Rất tiếc cha mẹ tôi lần lượt qua đời, năm ngoái còn ông chú duy nhất cũng mãn phần. Thật ân hận vì chị em chúng tôi không dựng được bộ Gia phả sớm hơn để cho ba má và ông chú tôi thấy được khi còn sống chắc mãn nguyện lắm.

Duyên may cũng lại đến. Vừa qua được biết Nhóm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả Thành Phố Hồ Chí Minh do anh Võ Ngọc An thành lập hơn 10 năm nay đã dựng được nhiều bộ gia phả cho các dòng họ khắp nơi. Tôi liền đặt vấn đề nhờ anh Võ Ngọc An và các anh chị trong Nhóm giúp dựng bộ Gia phả cho dòng họ ta.

Cùng với tông chi, hình ảnh ông bà cha mẹ để lại, các anh bên Nhóm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả đã nhiều lần về tận hai quê nội, ngoại, gặp cả những ông bà chú bác đang sanh sống tại thành phố Hồ Chí Minh (lúc đầu có Bảy Lập dẫn đường, sau các anh chị tự đi), tìm hiểu ghi chép đầy đủ về những thân nhân, chụp ảnh nhà thờ, mồ mả, đình chùa. . . những nơi tiêu biểu của quê mình để đưa vào bộ gia phả. Cẩn thận hơn, các anh còn nhiều lần đến trao đổi để chị em tôi góp ý bổ sung cho đầy đủ, chính xác, nhất là tên tuổi ông bà cô bác mình.

Nay bộ Gia phả đã hoàn thành. Dù có cố gắng cách mấy, trong hoàn cảnh hiện nay -không còn người lớn am hiểu như ông chú tôi- mà phần nhiều chỉ dựa theo tài liệu cũ và nghe kể rồi ghi chép lại, chắc không thể tránh được những thiếu sót. Kính mong cô bác, anh chị trong thân tộc cùng nhau bổ khuyết để cho bộ gia phả họ Nguyễn nhà ta được hoàn chỉnh hơn.

Có bộ gia phả trên bàn thờ chắc ông bà, cha mẹ rất vui lòng chứng giám cho tấm lòng thành của con cháu. Bộ gia phả đã gói trọn tên tuổi, năm sanh, ngày mất, mồ mả ông bà cha mẹ và những người ruột thịt nên rất thiêng liêng. Chị em chúng tôi ra sức gìn giữ như gia bảo, vào những dịp lễ tết, cúng giỗ sẽ đem ra đọc để nhắc nhở anh chị em, con cháu ghi khắc công ơn ông bà, cha mẹ đã dày công khó nhọc làm ăn cực khổ xây dựng cơ nghiệp và nuôi dạy anh chị em chúng ta nên người mà chúng ta hiện đang thừa hưởng ân huệ đó.

Theo gương ông bà, cha mẹ, anh em con cháu dù đang sanh sống ở đâu, trong nước hay nơi đất khách quê người phải nhớ giữ gìn thanh danh dòng họ, có đạo lý ở đời : sống trong nhà nên hòa thuận thủy chung, ngoài xã hội nên có lòng nhân ái tương thân giúp đỡ những người khốn khó hơn mình như ông cha ta trước đây.

Bộ gia phả này chỉ dựng được từ ông sơ Hồ Hàng Tấn đến đời chúng tôi hiện nay, tổng cộng là 5 đời. Từ nay về sau con cháu sẽ tiếp tục ghi thêm, dài ra mãi mãi như dòng họ Nguyễn chúng ta mãi mãi trường tồn.

Nhân dịp này, chị em chúng tôi xin trân trọng cám ơn ông bà cô bác anh chị nội ngoại đã nhiệt tình cung cấp tài liệu hoặc kể lại hết những chuyện ngày trước mà chúng tôi chưa biết hết trong dòng họ ta. Chị em chúng tôi rất cảm ơn tất cả các anh chị trong Nhóm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả Thành Phố Hồ Chí Minh đã hết sức cố gắng, nhiều lần về quê xa sưu tầm tài liệu, vất vả ngày đêm suốt mấy tháng trời mới hoàn thành được bộ Gia phả cho dòng họ chúng tôi. Chính nhờ sự giúp đỡ của Nhóm mà chị em chúng tôi có được một công trình báo hiếu ông bà cha mẹ một cách sâu sắc và đầy ý nghĩa.

Chị em chúng tôi xin chân thành đa tạ.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2000.

Đại diện gia đình 

NGUYỄN THỊ THU HÀ

 

PHẢ KÝ

Chị em chúng tôi, lớp hậu duệ đời năm của ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn, là vị Tổ phụ khai canh đầu tiên nơi xóm bến đò Thủ Bộ, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An ngày nay, đa số đều chào đời tại quê hương và vẫn biết nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn. Tuổi thơ chưa biết gì thì lịch sử đã sang trang, tình hình đất nước biến chuyển, bổng chốc bọn chúng tôi biến thành lớp thị dân, sống đời phố thị, chen chúc ngựa xe, đua đòi cuộc sống nên có lúc cũng lãng quên lủy tre, ao làng, con đò, mái lá, quên lúc phải bắt ốc, mò cua và sâu xa trong tiềm thức cội nguồn tổ tiên, mồ mả ông bà cũng dần phai mờ xao lãng phần nào. . .

Để rồi, con người đến độ tuổi chín chắn nào đó, đời sống khá lên bớt lo chuyện cơm áo gạo tiền, bớt nghĩ chuyện bon chen thua được, thấy đâu là họa phúc, đâu là thiện ác, nẻo chính đường tà, vị lai quá khứ, đã ngộ được cái đạo lý của chữ “Thiền”.

                           Thân thị bồ đề thọ

                           Tâm như minh cảnh đài

                           Thời thời thường phất thức

                           Bất khả nhiễm trần ai.

thì lúc ấy quá khứ mới hiện lên, càng ngày càng tỏ rõ!

Nhưng cho dù là đệ tử của Phật, bề tôi của Chúa, tín đồ của Đức Chí Tôn hay theo chủ nghĩa duy vật đi nữa thì cái Tâm của con người vẫn phải luôn hướng về nguồn cội, về tổ tiên, bởi vốn dĩ là người Việt Nam thì phải biết tôn trọng lễ nghi, thờ cúng Ông Bà, vì có tổ tiên ông bà mới có cha mẹ, có cha mẹ mới có mình. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây, đó là bản sắc văn hóa dân tộc vậy.

Cho nên, dù có muộn chúng tôi cũng quyết tâm dựng lên bộ Gia Phả cho dòng họ mình để biết đâu là húy kỵ, đâu là thế thứ kẻo lâu ngày phái viễn chi phân, vàng thau ngọc đá lẫn lộn, dòng tộc đảo điên, là đắc tội với tiền nhân, là vô trách nhiệm với đám hậu duệ.         

Vạn sự khởi đầu cũng lắm gian nan, còn những đều chưa sáng tỏ, một cánh én không làm nổi mùa Xuân, muốn cho bộ Gia Phả này được hoàn chỉnh rất mong được mọi người trong họ bổ sung góp ý.

TRUY TÌM NGUỒN GỐC PHÁT TÍCH TỔ TIÊN

Trong họ hiện còn lưu hành một câu truyền khẩu “ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn, người ở Phước Bửu chạy giặc về định cư nơi đây (xã Long An, huyện Cần Giuộc) hiện giờ người bà con ở đó còn biết chuyện, là Chị Bảy Lâu, con của bác Tám Nhiên”.

Sau nhiều lần phối kiểm, điều nghiên tại chỗ, trước nhất ta ghi nhận về địa lý duyên cách theo thư tịch năm 1836 trước ngày thuộc Pháp:      

Phước Bửu xã, thuộc Tổng Lộc Thành Thượng huyện Phước Lộc có địa giới : phía Đông giáp 2 thôn Long Toàn, Phước Hảo có rạch làm ranh giới phía Tây giáp thôn Long Khê, có rạch làm ranh giới, phía Nam giáp thôn Long Thanh, có lập cột gỗ làm ranh, phía Bắc giáp 2 thôn Phước Long, Phú An (Phước Điền Trung) có lòng sông làm ranh giới.

Từ cuối thời Pháp thuộc cho đến nay, thôn Phước Bửu (có đình làng) đã thành một ấp của xã Long Khê, ta cũng nên biết về thôn Long Khê xưa :

Thôn Long Khê ở xứ Cần Lạc tổng Lộc Thành Thượng.

Phía Đông giáp 2 thôn Phước Bửu và Long Thanh.

Phía Tây giáp thôn Tuy Lộc.

Phía Nam giáp thôn An Thuận và Phước Hưng Đông (Phước Điền Thượng).

Phía Bắc giáp xã Phước Bửu.

Khái quát về địa bàn duyên cách, để có một nhận định đó là thời kỳ tự chủ, chưa bị người Pháp cai trị, là lúc mà ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn hiện diện, để ba đời sau, danh xưng tổng, quận, nhiều lần thay đổi và thuộc tỉnh Chợ Lớn, cuối cùng là thuộc tỉnh Long An.

Nhưng rồi sự quan hệ thân tộc giữa ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn với bà con ở Phước Bửu khó mà giải thích cho hợp lý, xin ghi lại một biểu đồ Tông Chi” ở Phước Bửu để rộng đường nghiên cứu : 

(1) Ở Phước Bửu, Long Khê; (2) Về ở bên vợ thôn Long Khê; (3) Lấy chồng ở Phước Lý.

Các cháu nội, ngoại đời 4 trên đây đều ở độ tuổi tám, chín mươi đều xác nhận :

Khi xưa (trước 1945) Chú Ba Có và Chú Tám Quới ở bến đò Thủ Bộ thường hay về đây trong các dịp giỗ chạp, thăm hỏi, danh xưng chú, bác, anh, chị đã chứng tỏ người Phước Bửu là vai anh, người Thủ Bộ là vai em, nhưng tại sao, về sau nói là “họ Hồ” thì họ không giải thích được !

NGUỒN GỐC XUẤT PHÁT HỌ HỒ VÀ SỰ QUAN HỆ VỚI HỌ NGUYỄN 

Ông Cao tổ Nguyễn Văn Bài (ngang đời với ông Hồ Hàng Tấn) là người họ Nguyễn được xác nhận là tiền hiền cẩm địa nơi đình Phước Bửu, mộ bia chữ Nho ghi là họ Nguyễn, số hậu duệ ngày nay không ai nghe nói về họ Hồ, nhưng họ lại hiểu sâu sắc rằng ông Bài và ông Tấn là hai anh em. Ông Tấn là người từ quê hương Phước Bửu bỏ ra đi và vì sao lại mang họ Hồ ?

Có hai cách hiểu trong dòng họ về họ Hồ như sau : 

1. Ông Hồ Hàng Tấn sanh ra đời 2 là Hồ Văn Sách giữ họ Hồ. Đến đời 3 ông Nguyễn Văn Có thì tất cả mọi người đều đổi thành họ Nguyễn. Vậy họ Hồ cũng là họ Nguyễn ở đời 3. 

2. Ông Hồ Hàng Tấn (Hồ Hoàng Tấn) về đây liền đổi ra họ Nguyễn và các con đời 2 (từ thứ 2 đến thứ 10) đều mang họ Nguyễn cho đến các đời sau này. Ở đây họ Hồ cũng là họ Nguyễn.

Sự lý giải như trên chưa làm thỏa mãn được sự hiểu biết cho hợp lý và thuyết phục, tất nhiên là không có một tài liệu nào để lại. Vì vậy trong lần dựng Gia phả này, ta gỡ lần những mối tơ rối rắm ấy. Có điều chắc chắn rằng, lúc Ông trưởng thành là lúc người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, Ông đã trực tiếp tham gia chống Pháp ở đây, sau bị thất bại phải bỏ chạy khỏi xứ, mai danh ẩn tích, để tránh sự truy lùng.

PHONG TRÀO VÕ TRANG CHỐNG PHÁP Ở CẦN ĐƯỚC, CẦN GIUỘC NỬA SAU THẾ KỶ XIX

Thành Gia Định thất thủ năm 1859, hai năm sau tan vỡ phòng tuyến đại đồn Chí Hòa, thì cuộc chiến tranh lan nhanh đến Cần Giuộc, Cần Đước. Sau thời gian dài khai phá và xây dựng, đây là lần đầu tiên nhân dân ở đây trực tiếp đứng lên chống với kẻ thù xâm lược nước ngoài.

Với một vị trí quan trọng là cửa ngỏ phía Nam thủ phủ Gia Định, là khu vực có vai trò chiến lược xung yếu, nơi tập trung các điều kiện vật chất và tinh thần cho phong trào võ trang chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Tháng 2 năm 1861, đồn Kỳ Hòa thất thủ, quân triều đình thuộc quân thứ Gia Định phải rút về Biên Hòa, bỏ trống khu vực phía Nam, liền đó tháng 3 năm 1861 giặc đã tới Gò Đen, Rạch Kiến, Cần Giuộc, thì phong trào “bất tuân thượng lịnh” chống giặc giữ làng rầm rộ nổi lên.

… “Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không,

Đòi nơi Rạch Lá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống rỗng. 

Tiếng kêu oan, oan này vỡ nước, hồn nghĩa dân biết dựa vào đâu?

Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đã đầy đống”…

 (Gia Định Thất Thủ Vịnh)

Hòa ước năm 1862, ba tỉnh miền Đông thuộc về người Pháp, Bình Tây Nguyên Soái Trương Định kháng mệnh triều đình tổ chức kháng chiến, đóng bản doanh ở Gò Công lấy vùng Cần Đước, Cần Giuộc  án ngữ mặt Bắc và là nơi trực tiếp cung cấp sức người, sức của cho nghĩa quân.

Dưới sự thống lãnh của Trương Định và Phạm Tiến (Phạm Tuấn Phát), lần lượt ta thấy có Bùi Quang Diệu, Huỳnh Khắc Nhượng, Kiều Tấn Của, Nguyễn Trung Trực, Trần Kỳ Phong, Cù Khắc Kiệm, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Văn Tiến. . . đứng lên chống giặc.

Các thất bại ấy làm cho thủ lĩnh Đinh Văn Phát ở Long Sơn phải chạy về Phước Tuy đổi tên là Lê Văn Phát, dòng họ ông Kiều Tấn Của ở Tân Ân phải chạy về Tân Lân đổi thành họ Đỗ. Ông Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Vàng ở Long Cang bị giết chết, con cháu phải đổi sang họ Trần. Trường hợp ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn chạy về đây đổi ra họ Nguyễn hoặc giả nguyên là họ Nguyễn đổi ra họ Hồ là điều có thể và hợp lý.

Đã từ rất lâu, trong chi ta cứ đinh ninh rằng : ông Cao tổ Hồ Hàng Tấn, kế đó là ông Tằng tổ Hồ Văn Sách đến ông Nội tổ là Nguyễn Văn Có mới đổi họ, do đó đến năm 1997 khi dựng bia mộ cho ông đời 1 và đời 2 là họ Hồ, chỉ biết rằng đời 2 chỉ có một người trai duy nhất là ông Sách. Ngờ đâu trong đời 2 này có đông con từ thứ 2 cho đến thứ 10 đều đã mang họ Nguyễn (theo sự ghi chép của các chi khác). Còn một trường hợp sai lầm nữa trong việc làm mộ bia năm 1997, người ta định dựng luôn mộ bia cho bà Cao tổ tỷ Nguyễn Thị Luông (vợ ông Tấn) trên một ngôi mộ khác, mà đúng ra mộ bà là ngôi mộ đá xanh duy nhất có bia chữ Nho, cách ông 5 mộ, may có người biết đã ngăn cản kịp thời.

Như vậy lý giải cho việc đổi họ, ta chỉ chọn một đường : ông Tấn vốn là họ Nguyễn, em ông Nguyễn Văn Bài ở Phước Bửu, bị thất bại trong kháng chiến chống Pháp bỏ chạy về đây và đổi thành họ Hồ để mai danh ẩn tích. Năm sanh của ông ước chừng khoảng năm 1835 (so sánh theo năm sanh của bà là năm Đinh Dậu 1837) chạy về đây lúc năm 1862, tuổi đời chưa hơn 30. 

Nơi đây, một ấp nhỏ ven sông Cần Giuộc, tập hợp vài mươi nóc nhà với nghề sông nước, bốn bề là rừng đước, mấm, chà là, dưới sông là sấu, trên rừng là cọp đang sống ung dung bên kia sông, ấp này có tên là ấp Long Thành, trực thuộc tổng Lộc Thành Trung ở xứ Nha Ram, từ lâu đã nhập với ba thôn Long An và Long Vân thành xã Long An huyện Cần Giuộc.

Ấp Long Thành có địa giới :

Đông giáp thôn Long Vân.

Tây giáp phường Mỹ Lệ và thôn Long Mỹ (Phước Điền Thượng).

Nam giáp thôn Tân Lân (Phước Điền Thượng).

Bắc giáp thôn Long An.

Ngày nay, nơi nhà Võ (nhà vuông) thờ Tiên Sư còn câu đối :

Thành phụng Thần tiền, phước hộ thôn trung hòa cửu huệ.

Long duyên Thánh thượng, ân hàm xã nội đức thiên thu.

(Hai chữ khoán thủ là Long Thành) 

Nghĩa là :    

Ấp Long Thành thờ phụng thần, ban phước giúp cho trong thôn một cây lúa trổ được chín bông.

Ấp Long Thành tốt đẹp nhờ ơn Vua, ban bố cho trong xã ân đức còn mãi mãi.

Không biết ông mất vào năm nào, có điều từ khi về đây ông đã đủ thời gian để khai khẩn ruộng vườn, xây dựng nhà cửa, gầy dựng gia đình cho con cái, trong khi người Pháp đã bình định xong các cuộc nổi dậy và dần dần đổi tên Phủ Huyện thành Hạt Tham Biện, thành Địa hạt, sở Đại Lý, cho phù hợp với bộ máy cai trị thực dân. Có điều quan trọng là trong số các con đời 2 đã có người bỏ họ Hồ trở về họ Nguyễn, đến đời 3 thì tất cả cháu trai, cháu gái đều mang họ Nguyễn.

Đời thứ 2 người con trưởng Hồ Văn Sách và người con út thứ 10 Nguyễn Văn Được là trai, còn bao nhiêu là gái, nên hai người trai này nghiễm nhiên thành hai chi trực hệ trong họ.

Ông Hai Sách chỉ sanh 3 con là Nguyễn thị Báu, Nguyễn Văn Có và Nguyễn Thị Cân.

Ông Mười Được sanh bảy con : bốn trai, ba gái.

Đời thứ 3, khi bộ máy chính quyền thực dân củng cố vững chắc tận làng xã, ông Ba Nguyễn Văn Có ra tranh cử Hương Chức hội tề, làm đến chức Hương Hào đủ để tạo một uy tín trong làng rồi thôi, về nhà lo ruộng vườn buôn bán. Không bao lâu sau đó thì nhân dân ta lại đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật, làm nên cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945.

Vừa lúc đời 4 họ Nguyễn, hai người con trai của Tổ phụ Nguyễn Văn Có đã trưởng thành là lúc mà tiếng súng Nam Bộ kháng chiến bắt đầu, chánh quyền Việt Minh phải rút ra bưng biền để tổ chức trường kỳ kháng chiến, khắp vùng nông thôn Nam Bộ vang lên tiếng ca “Mùa thu rồi. . .”

Thế là hai anh em : tức hai vị cha, chú chúng tôi - bắt tay giao ước với nhau : anh Gồng hãy gồng mình chịu trận tìm cách yên ổn bảo vệ gia đình; người em - Chú sáu Chỏi Gạt - chống chỏi gạt bỏ sự vấn vương nhỏ nhặt, bịn rịn thê tử lo đi phụng sự đất nước.

Từ đó, họ chia tay nhau, cha chúng tôi quyết định rời bỏ quê hương đang hồi khói lửa lúc cuối năm 1946, lần lượt đưa mẹ và năm chị em tôi về Sài Gòn (còn hai đứa em nữa ra đời sau khi về Sài Gòn) tạm lánh mũi tên hòn đạn, trong khi chú Sáu thoát ly ra bưng biền theo tiếng gọi núi sông.

Cuộc ra đi theo hệ ước “Gồng - Gạt” này, những tưởng là tạm bợ, đâu ngờ lại hóa ra là cuộc vĩnh viễn nhập cư thành kẻ thị thành, bởi lẽ một tiểu gia đình một vợ năm con với lưng túi trống rỗng, ngỡ ngàng đường phố, kẻ lạ ngắm nhìn, nhưng điều cốt tử là mấy miệng người, ai cũng phải ăn để mà sống, nên đôi vợ chồng phải lao vào cuộc mưu sinh như bao người lao động khác. Nói nào cho ngay, phần lớn phải nương tựa vào cơ ngơi có sẵn của ông nhạc phụ Tô Văn Luận mà tập tành nghề nghiệp được hưởng lương.

Rồi do biết nhìn xa trông rộng, có chí tiến thủ, đức tự tin, óc kinh doanh mà làm nên sự nghiệp, cuộc sống khá giả vững vàng, con cái được học hành đến nơi đến nơi đến chốn, mua đất xây nhà, sắm xe cộ, mở rộng kinh doanh.

Chín năm kháng chiến kết thúc, nhưng hiệp định hòa bình năm 1954 không được thực thi. Cuộc chiến kéo dài thêm 20 năm nữa. Lần này thì nhân dân ta đối diện với đế quốc Mỹ, một siêu cường ở bên kia bờ đại dương và cường độ chiến tranh càng ác liệt hơn, người người càng đổ dồn về đô thị, nên việc kinh doanh của ông càng rộn rịp bận bịu hơn. Trong lúc đó, người em trai ở chiến khu bỗng trở về, ông lo thu xếp nơi ăn chốn ở, tạo thế hợp pháp cho em. Biết rằng, em mình về đây không phải để hưởng nhàn, vì ngay trong gia đình, thằng con út sinh viên cũng đang nhỏ to bí mật với đám đồng học, đoán chừng cũng biết chúng bàn gì ? Xem chừng những ngày sắp tới có chuyện bất thường, công việc làm ăn chựng lại. . .

Tháng 3 năm 1975, Buôn Mê Thuột thất thủ. Huế, Đà Nẵng di tản. Đà Lạt, Nha Trang lính ngụy bỏ chạy. Phòng tuyến Phan Rang tan vỡ. Trận đánh Xuân Lộc vang dội về Sài Gòn báo hiệu sự sụp đổ của Mỹ ngụy không còn xa nữa, và quả nhiên trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lịch sử đã sang trang.

Đã thấy ông bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, suy tư, chợt vui, chợt buồn, hàng giờ liền ngồi trước bản đồ Sài Gòn, theo dõi đài phát thanh, vừa mừng vừa lo, mừng cho ngày đất nước sạch bóng ngoại bang, lo thằng con nhỏ đang mang áo lính. . .

Một xã hội mới được dựng lên theo mục tiêu xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, không có chuyện tắm máu, không có chuyện trả thù. Thành phố bình yên, hân hoan ngày đoàn tụ và đất nước hết chiến tranh. Có điều nó đến nhanh chóng quá, đột ngột quá, làm cho bao nhiêu người phải hụt hẫng ngỡ ngàng.

Nhìn lại mình, ông cũng đã ở tuổi lục tuần, thể lực cũng theo năm tháng mà mệt mỏi, tạm thỏa mãn cho sự nghiệp gầy dựng được, các con cũng đã trưởng thành vững chắc, ông theo lời khuyên của bà vợ hiền, để thì giờ nghĩ ngơi cho rảnh rang trí óc. Và thì giờ ấy ông để tâm vào việc nghiên cứu kinh Phật, tìm hiểu giáo lý đạo Thiền, chuyên chú vào việc dạy dỗ con cái, xây cất nhà từ đường, sửa sang mồ mả ông bà, họp mặt bạn bè nói chuyện thế sự, viết thư cho sui gia con cháu, làm thơ và đi du lịch, nhàn nhã đến cuối đời.

Với nếp sống cộng đồng gia tộc, tam đại đồng đường, ông bà quả là tấm gương sáng cho các con noi theo. Noi chí cha mẹ, bây giờ thì các con cũng đã vững vàng trên đường sự nghiệp, thương hiệu “Cẩm Tú” đã có chỗ đứng trên thương trường trong nước lẫn nước ngoài, nhưng cũng không quên giúp đỡ bà con trong thân tộc nhiều người học hỏi, đào tạo nghề thêu để có công ăn việc làm cho đời sống.

Một phần tư thế kỷ yên bình, bà con người từ thành phố, người từ ấp chiến lược trở về dựng lại mái nhà xưa, lại tiếp tục ruộng vườn, sông nước, riêng các con bây giờ vẫn chọn cuộc sống tốt đẹp nơi thành phố Hồ Chí Minh.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TRONG DÒNG HỌ

1) Từ ngày có chữ quốc ngữ La tinh, trong họ ít được học hành, chỉ biết đọc biết viết, đến đời 5 do có điều kiện tiếp cận với ánh sáng văn minh, nên nhiều người nhanh chóng có trình độ kỹ sư, bác sĩ, lớp sau còn đạt trên  Đại Học.

2) Việc phát triển dòng họ trung bình, không đông mà cũng không ít con, tuổi thọ khá cao, cá biệt trong thời điểm viết gia phả, có bà sáu Liên sanh năm Mậu Tuất 1898 là cháu ngoại sơ Hồ Hàng Tấn nay 103 tuổi còn sống và minh mẫn.

3) Tánh tình trầm tĩnh, thực thà nhưng cương quyết, chịu thương chịu khó, ham lao động, nhạy bén nắm bắt thời cơ.

4) Chịu ảnh hưởng sâu đậm về đạo Phật, coi trọng thuyết luân hồi, nhân quả.

5) Đa số con người trong họ có hai tên : tên thường gọi mang tính dân dã và tên trong khai sanh hoặc tự đặt mang tính văn học có ý nghĩa tốt đẹp.

KẾT LUẬN

Vùng đất Nam Bộ hoang vu được người Việt đến định cư khai phá khoảng từ 300 năm trở lại đây, ít có dòng họ nào lưu lại nguồn gốc, bản quán, đủ thấy sự cơ cực vô vàn, không còn thời gian viết nên gia phả dòng họ, nên ngày nay con cháu muốn tìm hiểu cũng khá vất vả gian nan.

Tộc họ chúng ta đành chỉ biết ông Sơ tổ, người đầu tiên trong họ có mặt tại miền Nam này và lớn lên đúng vào lúc “Giặc Tây đánh tới Cần Giờ”. Có thể ông sanh vào khoảng năm 1835 đời Minh Mạng thứ 16, mà không biết ông nguyên quán ở đâu, lý do nào mà có mặt ở đây ? Để rồi phải mấy lần đổi họ để thấy tính chất gian nan trong thời mất nước.

Đó là những cái thiếu sót cơ bản của bộ Gia phả này. Tuy vậy bộ Gia phả cũng khái quát được sự vất vả gian nan của các đời Tổ phụ trong giai đoạn lịch sử đang có chiến tranh, song đây là do mới dựng lần đầu, mong được sự bổ sung của mọi người trong họ tộc để bộ Gia phả được hoàn chỉnh thêm.

Gia phả là gốc của một nhà, một họ. Khi lật từng trang gia phả, thì từng đời từng lớp hiện lên để ta soi rọi vào đấy mà học tập điều hay, tránh đi điều dở. Có thể có người đổ thừa do chiến tranh mà Phước Bửu – Long An mất liên hệ họ tộc với nhau làm cho 2 chi ông Hai Sách và ông Mười Được phải xa nhau. Thực tế chiến tranh đã qua 25 năm, vết thương chiến tranh cũng đang lành lặn. Với thời gian đó cũng đủ sức để làm cái việc dựng Gia phả, xây dựng nhà từ đường, chăm lo mồ mả ông bà, cũng tức là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn bảo vệ cái tinh túy thiêng liêng từ bao đời để lưu truyền cho con cháu… Dù đang làm gì, ở xa nơi đâu con cháu ta cũng phải nghĩ về nguồn cội, bởi lẽ : 

                     “Cây có gốc mới nở cành, xanh lá

                      Nước có nguồn mới biển cả, sông sâu.

                      Người ta nguồn gốc từ đâu ?

                      Trước là tiên tổ rồi sau có mình…”

Do tính chất của ngành Gia phả học :

“Nghiên cứu Gia phả là khoa học. 

Thực hành Gia phả là thiêng liêng !”

Cho dù bộ Gia phả này còn có thiếu sót cần được bổ sung tiếp nối, nhưng đấy là một công trình khoa học tập thể, một gia bảo của dòng họ nhà ta.

Ngày 02 tháng 9 năm 2000

Nguyễn Thị Thu Hà