Đình La Bang (tỉnh Trà Vinh)
10/08/2022 14:24:30Ngôi đình làng chính là sự kết tinh nhiều đời của văn hóa làng Việt Nam. Khắp các vùng đồng bằng trong cả nước, ở đâu có làng xã,ở đó có đình làng.
Ngôi đình ra đời để phục vụ cho một tín ngưỡng, đó là thờ Thần hoàng, nhân vật linh thiêng, vị thần bổn mệnh của làng xã. Thần hoàng thường là những vị thần linh, những người "sinh vi tướng, tử vi thần", những người đầu tiên khai phá xóm làng hay có công chống giặc giữ nước… Đình La Bang ra đời cũng vì lý do đó.
Từ ngôi đình đầu tiên
Chánh điện đình thần La Bang (thờ Thành hoàng bổn cảnh)
Theo những bậc cao niên cho biết thì đình ra đời cách đây đã gần 150 năm. Thời mới khai hoang lập ấp, những người đầu tiên đến nơi này khai phá có hai ông Nguyễn Văn Mỹ và Lê Văn Đức. Từ một vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, con người đã đến sinh sống, “đất lành chim đậu”, nhiều gia đình từ các nơi khác cũng về đây lập nghiệp. Khi dân cư đã thành hình xóm làng, đất không còn hoang vắng, hai cụ Mỹ và Đức khởi xướng thành lập ngôi đình làng La Bang để thờ cúng những bậc linh thần che chở dân chúng trên vùng đất mới này được yên ổn làm ăn, tránh khỏi những tai ương, địch họa. Theo những bậc cao niên chứng kiến hoặc nghe kể lại, lễ cúng Thần diễn ra hằng năm rất trọng thể, như một ngày hội của làng, có trống nhạc, có đội lân, cả học trò lễ… với nhiều nghi thức mang đậm nét cổ truyền. Ngôi đình đầu tiên cũng tọa lạc tại ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, nhưng không phải là vị trí của đình La Bang hiện nay mà cách đấy độ 300 - 400m.
Chánh điện thờ Bà Chúa Xứ đình thần La Bang
Đó là một ngôi đình khang trang thờ Thần Bổn Cảnh được làm kiên cố bằng vách gỗ có chạm trổ, điêu khắc những hoa văn theo điển tích xưa rất tinh xảo. Nền lát bằng đá xanh tảng ghép lại. Cột gỗ trong chánh điện bằng cây căm xe rất lớn, cả ôm tay người lớn mới hết. Đình có bàn thờ hương án trang trọng với đầy đủ các bức hoành phi, câu đối, câu liễn. Vỏ ca cũng được cất rộng rãi, chắc chắn như thế với những hàng cột vuông bằng đá xanh. Mấy cây cột này khi đình bị tháo dỡ đã thất lạc nhiều, hiện nay chỉ còn lưu giữ được một số ít cây, cũng được làm cột cho vỏ ca của đình La Bang hiện
Sau này, do tưởng nhớ công ơn của cụ Mỹ và Đức là bậc tiền nhân có công khai sáng vùng này nên dân làng đã lập linh vị của hai cụ thờ cùng với Thần Bổn Cảnh. Ông Lê Văn Đức chính là tổ phụ kiến họ Lê của chúng ta. Ông Đỗ Văn Đại là hậu duệ của bà Trương Thị Là, em thứ chín của ông Đức, cũng ở ấp La Bang. Ông Đại từng giữ chức chủ sự (tức coi như quản lý toàn diện công việc của đình) trong những năm đầu của thế kỷ trước, rồi làm chánh bái từ ngôi đình đầu tiên đến ngôi đình tạm. Ông Đại mất năm 1976 mang theo nỗi buồn, chứng kiến số phận gieo neo của ngôi đình làng mà mình từng gắn bó chưa được phục hồi. Từ ấy, hình ảnh ngôi đình cổ kính, thâm nghiêm, là bộ mặt của làng mà ông cha đã dày công xây dựng chỉ còn trong ký ức và phai mờ dần theo lớp bụi thời gian. Dù đình được lập lại và bao thế hệ tiếp nối vẫn giữ truyền thống thờ tự, nhưng nguyên nhân vì sao đình phải chịu cảnh di dời khốn đốn cũng rất mù mờ, không còn ai biết rõ. Có những điều đã thuộc về lịch sử mà lớp hậu sinh vì nhiều lý do chưa thấu đáo. Thế mới biết đời người hữu hạn, nhưng tâm ý mà cha ông truyền lại là những điều dung dị , thương nhà, mến đất, yêu quê mà lớp cháu con ai cũng hiểu.
Thăng trầm trong chiến tranh
Thuở đất rộng người thưa, lại còn là rừng rú hoang sơ rậm rạp nên ai nấy tự khai khẩn, được bao nhiêu thì giữ lấy trồng trọt, không có sổ bộ gì cả. Vì thế, ngôi đình dựng lên như là của công, dân trong làng cùng nhau góp phần hương khói cho ấm cúng. Nhưng đến khi nhà cầm quyền Pháp tiến hành đo đạc, quy hoạch lại làng xã thì ngôi đình lại nằm vào phần đất của tư nhân. Chủ đất mới là hậu duệ của hai vị tiền hiền nên đình vẫn yên vị ở đấy, không bị dời đổi . Thế nhưng về sau ông chủ đất này bị khánh kiệt tài sản, phải bán đất lại cho họ đạo Cầu Ngang lập nhà thờ, phát triển đạo Thiên Chúa. Các đầu họ đạo có thể do áp lực của nhà cầm quyền Pháp, mà chính sách của chính quyền thực dân Pháp lúc ấy vốn chia rẽ, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, không muốn đồng bào ta giữ nét văn hóa cổ truyền nên đã xua đuổi, buộc dân làng phải dời đình ra khỏi đất của họ. Lúc ấy vào khoảng những năm cuối của thập niên 30 của thế kỷ XX.
Trước tình cảnh như thế, dân làng đưa bàn thờ thần ra gốc đa gần đó thờ tạm, phải dựng ngoài trời và hứng chịu cảnh nắng mưa, tiếp tục việc hương khói. Cứ như thế mãi cho đến năm 1940 đình mới được làm trở lại đơn sơ bằng tre lá, vách đất. Bởi trong lúc chiến tranh, cuộc sống không được bảo đảm bình yên nữa. Số phận ngôi đình cũng thế, tai họa lại đến khi năm 1958 bị lửa thiêu cháy rụi. Dân làng La Bang một lần nữa quyết tâm khôi phục lại ngôi đình. Lần này dời đình về chung trên nền miếu Bà, vẫn chỉ là một mái lá nhỏ hẹp nên phải ngăn chánh điện làm đôi bằng tấm vách tạm, một bên thờ linh thần và một bên thờ Bà Chúa Xứ. Bà con đã tìm một số cây đa, cây dương về trồng xung quanh khuôn viên. Đến nay thì những cây ấy đã cao lớn, tỏa bóng một khoảng sân đình. Một thời gian dài cho đến năm 1974 đình mới được xây dựng kiên cố lại bằng gạch và giữ nguyên như ta thấy hiện nay. Vẫn giữ gian bên phải thờ Bà và gian bên trái thờ Thần. Riêng vỏ ca do bà con góp công của lại làm từ năm 1998. Trong đó, dấu tích của ngôi đình cũ còn lại là hàng cột bằng đá xanh đẽo vuông cao khoảng 2m, mỗi cạnh chừng hơn 1 tấc được dựng ngoài hàng hiên của vỏ ca. Không thể đòi hỏi gì hơn khi mà người có lòng hoài cổ thì cuộc sống còn lắm những lo toan. Vì thế, ngôi đình làng La Bang khiêm nhường chỉ có thể tự hào về lòng thành kính, trung hậu của bao lớp người với quê hương.
Ngôi đình hiện nay
Sau ngày giải phóng, chung hoàn cảnh với nhiều nơi khác, việc tín ngưỡng, sinh hoạt thờ cúng phải thu nhỏ lại nên cũng phần nào giảm đi vẻ ấm cúng, sung túc trước kia. Tuy nhiên, các lễ cúng định kỳ thường niên vẫn được tổ chức. Mỗi năm đình cúng lễ 2 lần. Lễ Kỳ Yên cũng là lễ Hạ Điền vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, lễ này kết hợp chung với lễ tế chiến sĩ trận vong. Và lễ thứ hai là lễ cúng Thần Hoàng vào ngày 17 tháng 11 âm lịch. Đình La Bang không có sắc phong, chỉ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh nên không phải chờ thỉnh sắc về mới vào chánh lễ như cúng ở đình Hiệp Mỹ. Ở đây nghi thức cúng được tổ chức theo tuần tự, chiều hôm trước có cúng tiền chức, tức các vị chức sắc của đình đã mất. Danh sách tiền chức đình La Bang hiện nay có 148 người, có thể đây là sự thống kê chưa đầy đủ vì lý do thất lạc trong chiến tranh. Trong đó ông Nguyễn Văn Mỹ đứng hàng thứ 2 và cụ Lê Văn Đức xếp thứ 3. Ông Lê Anh Dõng của họ Lê đứng thứ 4 cùng với nhiều vị khác. Đến 23 giờ đêm thì cúng thần. 9 giờ sáng hôm sau đồng bào đến làm lễ thần và dự lễ mặc niệm chiến sĩ. Trong đình có bàn thờ liệt sĩ với họ tên ghi trên bảng vàng, danh sách liệt sĩ đưa vào thờ có 84 người. Một cách vinh danh những người con đã hy sinh cho quê hương để bày tỏ lòng tri ân của những người đang sống.
Danh sách tiền chức đình thờ La Bang. Trong đó người thứ 3, 4, 6, 18, 28 là hậu duệ dòng họ Lê (Trương)
Những năm gần đây, dân làng La Bang cùng những bà con bản quán ở xa đã đóng góp để xây mới lại ngôi đình. Trong đó có cả hậu duệ của cụ Đức, vị tiền nhân có công sáng lập đình từ những ngày đầu. Thời gian biến nhiều thứ trở nên cũ kỹ và có thể bị lãng quên. Nhưng mừng thay khi “lá rụng về cội”, công khó nhọc và tâm ý của tiền nhân đã được lớp cháu con hôm nay trân trọng giữ gìn. Đình được xây lại rộng rãi hơn, có vỏ ca như ngày nay. Mỗi khi làng xã có việc, vỏ ca của đình trở thành “công đường” để tổ chức hội họp, bầu cử… Ban hội đình biết quản lý và điều hành tốt nên bao năm qua được bà con tin cậy, chính quyền sở tại tín nhiệm.
Con cháu họ Lê (Trương) về thăm đình La Bang
Mái đình cây đa vừa gần gũi vừa thiêng liêng, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử vẫn tồn tại đủ nói lên đình đã thật sự gắn liền với đời sống xóm làng. Ông Nguyễn Văn Tôn, 74 tuổi làm thủ từ cho ngôi đình này đã 20 năm, vẻ già nua của ông lão nông như vẫn còn hằn dấu những tháng ngày gian khổ nhưng lòng tin vẫn nguyên vẹn qua câu nói mộc mạc “ở hiền gặp lành”. Ngôi đình La Bang khiêm nhường, bình dị là thế cứ lặng lẽ cùng năm tháng. Một đời người rồi cũng qua đi, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục sinh sôi nhiều điều mới mẻ. Nếu ai đó một mai muốn tìm về nơi lưu dấu vết thời gian thì có lẽ không đâu hơn những mái đình làng. Nơi đó, lòng được bình yên …
Nguyễn Thị Thu Ngân
(GP: 24-9-2915)
Các tin cũ
- » Đền đô và cuộc trở về cội nguồn 10/08/2022 14:04:22
- » Đã tìm được tổ tiên mình 10/08/2022 13:34:57
- » Hiện tượng Trạng Quỳnh với người hậu duệ đời thứ tám của Cống Quỳnh 10/08/2022 12:24:54
- » Hành trạng cụ Võ Văn Nhâm 10/08/2022 12:07:00
- » Hoàn thành bộ gia phả họ Trần (GS Trần Văn Giàu) 09/08/2022 22:10:25
- » Tìm thấy cuốn gia phả họ Cao ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội 09/08/2022 21:45:40
- » Mối quan hệ dòng họ ở Nhật Bản 09/08/2022 21:28:10
- » Họ Phan xã Tân Thông Hội - Truyền thống hiếu học 09/08/2022 21:13:32
- » Gia phả họ Lâm ở ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau 09/08/2022 19:38:40