Trang chủ > Đình Long Hưng (tỉnh Đồng Tháp)

Đình Long Hưng (tỉnh Đồng Tháp)

10/08/2022 14:44:45

Đình Long Hưng (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) tọa lạc bên trái của bến đò Vàm Đinh, thuộc ấp Hưng Thành Long, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đình được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 2000m2, hướng về phía Nam, nhìn ra sông Sa-đéc.

Đình Long Hưng tọa lạc bên trái của bến đò Vàm Đinh, thuộc ấp Hưng Thành Long, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đình được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 2000m2, hướng về phía Nam, nhìn ra sông Sa-đéc.

Từ bao đời nay, đình là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, tập tục và mọi thay đổi trong đời sống xã hội của làng quê Viêt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử.

Đình làng thật trang trọng và thiêng liêng, trong thời phong kiến trước đây, đình làng còn là đại diện, là biểu tượng cho quyền lực của làng xã. Đình làng là nơi tụ họp của người dân trong mọi sinh hoạt chung là điều rất cần cho cuộc sống sản xuất nông nghiệp cần có sự nương tựa, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Mặt tiền đình Long Hưng

Đình làng ở Nam bộ xuất hiện do nhu cầu của người đi khẩn hoang, mở đất từ thế kỷ XVI, nó mang đầy đủ các tính chất tâm linh của các ngôi đình phương Bắc, an ủi về tinh thần cho người tha hương không quên quê hương đất tổ, đồng thời thể hiện phong cách riêng, không rập khuôn, cầu kỳ cũng như còn đơn giản trong kiến trúc, thích hợp với địa hình vùng sông nước, bưng biền và đặc biệt là tình hình xã hội biến động liên tục bởi các cuộc tranh giành quyền lực liên miên của các tập đoàn lãnh đạo trong thế kỷ XVIII.

Đình Long Hưng tọa lạc bên trái của bến đò Vàm Đinh, thuộc ấp Hưng Thành Long, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đình được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 2000m2, hướng về phía Nam, nhìn ra sông Sa-đéc, con đường bê tông chạy dọc bờ sông Sa-đéc làm cho khung cảnh đình trông thật thơ mộng vừa là vành đai bảo vệ đất của đình trước những cơn sóng nước mạnh khi có tàu thuyền lớn đi qua trên thủy lộ quan trọng nhất nối liền hai miền Tiền Giang và Hậu Giang này.

Các vị bô lão cho biết không biết đình xây dựng từ lúc nào nhưng căn cứ vào sắc thần còn lưu giữ thì vua Tự Đức năm thứ năm, ngày 29/11/1853 đã ghi : “ . . . chuẩn cho thôn Hưng Long, huyện Vĩnh An thờ phụng Thần như cũ, còn Thần có trách nhiệm bảo vệ lê dân của ta . . . ”. Như vậy đình Hưng Long chắc chắn đã được xây dựng từ trước năm 1852 và có thể là từ trước khi vua Gia Long lập quốc năm 1802 vì công cuộc khẩn hoang giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc vùng Long Hưng, Sa-đéc đã cơ bản hoàn thành từ đầu thế kỷ XIX và vùng Nước Xoáy (Hồi Oa) Long Hưng, Tân Long là nơi mà Nguyễn Ánh đặt làm đại bản doanh để bung ra đánh chiếm các nơi (1788), di tích Cây Da Bến Ngự tại vùng Nước Xoáy Tân Long đã nói lên điều này.

Như vậy đình Long Hưng đã được xây dựng khoảng 200 năm, thôn Hưng Long ngày trước có tên là thôn Tân Long, huyện Vĩnh An (có ghi trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức). Sự hiện diện của đình đã ghi dấu tích của một vùng đất có quá trình hình thành và phát triển lâu dài có gắn liền với sự nghiệp thống nhất đất nước của Gia Long (Nguyễn Ánh) khi bôn tẩu chống lại nhà Tây Sơn.

Lúc đầu đình được làm bằng vật liệu địa phương như cây tạp, vách lá, mái lá tại Vàm Nước Xoáy nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 1925, đình được trùng tu bằng các loại gỗ quý như căm xe, sao . . . đình có hai nóc vẫn còn lợp lá.

Tháng 2/1946 chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến - Vườn không nhà trống” đã được Mặt trận Việt Minh phát động ngay ở những vùng mà giặc Pháp sẽ tiến chiếm, đình làng là mục tiêu chính phải hy sinh, cột gỗ căm xe, sao của đình được xẻ ra bằng tay để làm xuồng ghe, làm phương tiện di chuyển. Lúc bấy giờ Sắc Thần của đình được quý bô lão trong làng uỷ thác cho ông Thầy Cai Tập phụng thờ, ông đã tản cư ra ở tại thị xã Sa-đéc.

Đình Long Hưng nhìn từ phía phải từ bờ sông Sa Đéc

Năm 1973, ngôi đình được xây dựng lại nhưng vì còn chiến tranh nên các vị bô lão định vị ngôi đình trên phần đất của ông Chín Định, con bà chủ Bản (hiện nay là Trạm Y tế xã Long Hưng B) nhưng xin keo không thành. Sau đó được dời đến cạnh chùa Vạn Linh và xây dựng như ngày hôm nay đồng thời thỉnh Sắc Thần từ nhà kỳ lão Thầy Cai Tập về thờ cúng từ năm 1973. Hiện nay sắc Thần sau khi cúng lễ Hạ Điền hàng năm được Ban Tế Tự uỷ quyền cho ông Phan Văn Kiệt cố vấn của Ban hội phụng thờ vì đình còn quá trống trãi.

Từ năm 1976 đến năm 1989, theo chủ trương của cấp uỷ và uỷ ban quân quản xã Long Hưng thống nhất với Ban Tế Tự tạm thời sử dụng đình làm kho vật tư nông nghiệp của xã. Năm 1989 Ban Tế Tự tiếp nhận lại ngôi đình và tu sửa lại rất nhiều cho đến ngày nay.

Năm 2011 ban Tế Tự do ông Lê Phước Tư làm trưởng ban cùng 63 thành viên chức sắc quyết tâm di dời đình lùi về phía sau 30 mét, xây dựng lại đình với quy mô to đẹp hơn thể hiện bộ mặt văn hóa truyền thống của địa phương.

Bệ thờ Thần nông trước sân đình

Đình Long Hưng cũ hiện nay quay về hướng chánh Nam, được xây dựng bằng cột bê tông, lợp tôn xi măng, đòn tay bằng gỗ thao lao trên khuôn viên đất hơi nhỏ chạy dọc bờ sông Sa-đéc nên sân đình rất hẹp, lót gạch tàu. Cổng đình được xây dựng như bức tường ngăn sân đình và nội thất bên trong. Cổng đình có hai cửa ra vào bên trên có gắn tấm biển “LONG HƯNG VÕ MIẾU” bằng chữ Hán nôm. Chính giữa hai cửa ra vào là là bàn thờ Thần Nông, phía sau bàn thờ là tấm bình phong bằng xi măng tô hình con rồng đang dương oai diệu võ. Phía trên mái đình có gắn hai tượng rồng chính giữa là quả cầu lửa theo thế lưỡng long tranh châu.

Theo ông Trưởng ban Tế tự đình thì tấm biển “Long Hưng Võ Miếu”, bài vị Thần Nông cùng các con rồng trên mái đình là vật hiến cúng của họ Lê ở xã Long Hưng, lúc đó ông Lê Tòng Bá là Trưởng ban Tế tự của đình.

 

Điện Thờ chính

Trong chánh điện tận cùng của gian giữa là bàn thờ thần thành hoàng bổn cảnh, phía bên là bảng chữ Hán : Linh Thần Bổn Cảnh. Hai bên là hai liễn ghi câu đối chữ Hán :

Long Nghiệp Cổ Vương Đô Anh Linh Hậu Thế

Hưng Cơ Tân Triều Vũ Hương Khí Thiên Thu.

Trước bàn thờ của Thần hoàng là cặp hạc trắng mỏ đỏ, mào đỏ, có quàng khăn nhiểu đỏ cạnh hai bên là hai câu đối được gắn trên hai cột với nội dung :

Cao lớn thời xa xưa thần linh vốn hiện hữu

Gặp thời hưng thịnh đình mới lại sáng thêm.

Ra tới ngoài là bàn thờ liệt sĩ nghiêm trang với đèn, bình hoa đầy đủ.

Tạm dịch

Tả ban văn đức độ người

Cứu nguy dụng võ đời đời ra ơn   

Do điều kiện giới hạn về diện tích, bàn thờ hữu ban, tả ban được đặt phía sau bàn thờ Thần hoàng bổn cảnh, bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền cũng thế. Ngoài ra còn có bàn thờ Thổ công, bàn thờ Bạch mã thái giám của thần hoàng. Thêm vào đó còn có bộ mõ bằng gỗ đẻo gọt công phu và trống đình được sơn đỏ đặt trên giá gỗ nghiêm túc. Mõ và trống này chỉ được đánh lên trong các lễ hội quy định.

Theo Ban Tế tự đình Long Hưng thì mỗi năm đều có tổ chức cúng đình vào lễ Kỳ Yên như sau :

Lễ Hạ Điền: cúng trong 3 ngày 18, 19, 20 tháng 4 âm lịch, làm heo sống để cúng thần, có trống chiên, nhạc lễ đầy đủ.

Trong ngày này tổ chức thỉnh Sắc thần về đình. Đồng thời tổ chức hát cải lương hồ quảng cho nhân dân thưởng thức, mọi người tham gia rất đông.

Lễ Thượng Điền: cúng trong ngày 13 tháng 10 âm lịch, chỉ tổ chức trong ngày, không thỉnh Sắc thần.

Lễ Sóc Vọng: Cúng vào ngày rằm tháng giêng 7/1 Khai sơn : Lễ Thượng Ngươn, rằm tháng 7 âm lịch, lễ Trung ngươn và rằm tháng 10 âm lịch là lễ Hạ ngươn.

Lễ Xếp Ấn: cúng vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Đêm 29 hoặc 30 tháng 12 âm lịch là cúng Trừ tịch làm lễ dựng nêu.

Ngoài ra, trong ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 thì phối hợp với uỷ Ban Nhân Dân xã để tổ chức tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Việc tổ chức cúng lễ là làm đúng quy định hàng năm, Ban Tế Tự của đình cùng phối hợp tổ chức, phân công, phân nhiệm cụ thể và được bà con hưởng nhiệt tình thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ công đức ông bà tổ tiên, vinh danh công đức cùa tiền hiền đã khai phá, giữ gìn mảnh đất quê hương cho con cháu sống sung túc mãi mãi về sau.

DANH SÁCH QUÝ TIỀN NHÂN CÓ CÔNG XÂY DỰNG ĐÌNH LONG HƯNG

1/    Ông Nguyễn Đăng Khoa, quý danh Ba Khuê, giữ chức vụ Chánh bái.

2/     Ông Trương Văn Kim, quý danh Năm Kim, giữ chức vụ Hương cả.

3/    Ông Nguyễn Văn Hớn, quý danh thầy Bảy Hớn, giữ chức vụ Hương lễ.

4/     Ông Kiều Minh Châu, quý danh thầy Ba Cho, giữ chức vụ Hương văn.

5/     Ông Nguyễn Văn Của, quý danh Ba Của, giữ chức vụ Hương văn.

6/     Ông Phạm Văn Từ, quý danh Biện Chàm, giữ chức Thủ quỹ.

7/     Ông Lê Phước Điểu, quý danh Bảy Điểu, giữ chức vụ Thư ký.

8/     Ông Nguyễn Văn Hỷ, quý danh Ba Hỷ, giữ chức vụ Tham thần.

9/     Ông Nguyễn Văn Chiêu, quý danh Sáu Chiêu, giữ chức vụ Cố vấn.

Tài liệu tham khảo:

* Lịch sử Vùng đất Long Hưng – Đồng Tháp: Cuối thế kỷ XVII - Cuối thế kỷ XX. Biên soạn : ThS Nguyễn Hữu Hiếu Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh Đồng Tháp

* Lịch sử và Truyền thống cách mạng Xã Long Hưng B (TK XVIII - Cuối TK XX) Ban Tuyên Giáo Huyện uỷ Lấp Vò & Đảng uỷ Xã Long Hưng B

* Tài liệu của Ban Tế tự đình Long Hưng.

(Trích gia phả họ Lê - xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp

(GP: 20-10-2015)