Trang chủ > Lịch sử văn miếu Vĩnh Long

Lịch sử văn miếu Vĩnh Long

10/08/2022 15:13:30

Theo tài liệu trong “Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long”, nhất là do tài liệu “Miếu Văn Thánh ở Vĩnh Long” của ông Thượng Tân Thị (Phan Quốc Quang) đăng ở tạp chí “Đại Việt” số 5 ngày 1er Décember 1942.

Văn miếu Vĩnh Long

Dấu tích xưa ở Vĩnh Long, chỉ còn một tòa miếu Văn Thánh là cũ hơn hết. Ấy là do lòng nhiệt thành và công vận động của vị Đề học Nguyễn Thông đứng ra xây cất, để thờ đức Khổng Tử và các bậc hiền triết là môn đệ của đức Khổng Tử.

Khởi công trong năm Giáp Tý 1864 và hoàn thành cuối năm Bính Dần 1866.

1) Chánh điện: Thờ đức Khổng Tử, hai bên tả ban, Hữu ban thờ Tứ phối, Thập triết.

2) Hai miếu nhỏ hai bên: Tả vu, Hữu vu thờ Thất thập nhị hiền.

3) Văn Xương Các: Phía trước và bên tả Văn Thánh miếu có xây dựng tòa Văn Xương Các. Trên lầu thờ 3 vị Văn Xương Đế Quân. Ở tầng trệt, căn giữa để một cái khánh sơn son thếp vàng, để bài vị thờ cụ Võ Trường Toản và hình cụ Phan Thanh Giản. Phía ngoài cái khánh có khắc một đôi liễn do vị Đại hiền Bùi Văn Khánh sáng tác với nội dung:

“Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão

Tự hiệu thư sinh tiết liệt thần”.

Nghĩa: Câu trên nói về cụ Võ Trường Toản là một ông già thanh cao, ở ẩn dạy học, không chịu ra làm quan, được vua Gia Long cho là “Sùng đức xử sĩ”. Câu dưới nói về cụ Phan Thanh Giản, vốn là bề tôi tiết liệt, khi gần chết, dặn ghi trong tấm triện là “lão thư sinh” (người học trò già) mà thôi.

Lúc sanh tiền, cụ Phan Thanh Giản khi làm Kinh lược sứ, trấn Vĩnh Long, vẫn thường cùng cụ Đề học Nguyễn Thông nhóm họp các bậc văn nhân thi sĩ tại miếu Văn Thánh, đọc sách, làm văn.

Đời Vua Duy Tân, có quan Thượng thư Bộ Học là Cao Xuân Dục đi viếng các trường học trong Nam, đến Vĩnh Long vào yết miếu Văn Thánh, để hai đôi liễn:

“Xuân thu hà đẳng càn khôn, đạo tại ngũ kinh song nhật nguyệt;

Thù tứ biết thành võ trụ, đồ qua lục tỉnh nhất cung tường”.

Nghĩa: “Đời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt;

Sông Thù, Tứ   Sông Thù, sông Tứ là hai con sông ở nước Lỗ, quê hương của đức Khổng Tử, nay thuộc tỉnh Sơn Đông., cõi bờ riêng đó, đường qua sáu tỉnh một cung trường”.

Sau này, để trông nom việc cúng tế hàng năm và tu bổ miếu môn, tránh sự sụp đổ, làm mất di tích của tiền nhân, những bậc kỷ lão trong xã có thành lập một hội lấy tên là “Hội Chấn hưng Văn Thánh Miếu” do kỳ lão Bùi Kim Bảng, hương lễ Bùi Văn Khánh chủ xướng. Mỗi năm Xuân Thu nhị tế: mùa xuân, tế vào ngày Đinh, thượng tuần tháng Hai âm lịch. Mùa thu, tế vào ngày Đinh, khoảng hạ tuần tháng 8 âm lịch.

Trước miếu, có tấm bia đã trên trăm năm, ghi bài ký của cụ Phan Thanh Giản đã khảo từ xưa. Dưới đây, chúng tôi xin sao lục bản dịch của Thượng Tân Thị để cùng tường lãm:

Bài ký Văn Thánh miếu Vĩnh Long

“Trời giúp dân hạ giới, nên khiến cho có kẻ lên làm vua để cai trị, có kẻ ra làm thầy để dạy dỗ. Lòng trời biết thương yêu dân, ban ân huệ cho dân, thật là châu đáo. Duy sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy dỗ, rồi sự cai trị mới có chỗ thi thố được. Ấy vậy là sự dạy dỗ, nơi sự cai trị dân rất yếu thiết, không thể bỏ qua một ngày mà không có vậy.

“Lớn thay! Đạo đức Khổng Phu Tử. Vì trời đất lập ra “Tâm”. Vì sanh dân lập ra “Mạng”. Vì thánh trước nối sự học đã dứt. Vì muôn đời mở ra cuộc thái bình, cho nên các đời vua thờ phượng cúng tế, không bao giờ bỏ hẳn.

“Hoàng triều ta kính thầy trọng đạo. Xét theo đời xưa bày ra cách dạy. Ban đầu ở kinh đô có lập ra một tòa đền gọi là “Đại Thánh Điện”, thể chế rất tôn nghiệm. Vài trăm năm trở lại đây, kính chuộng đạo học, nuôi dạy nhân tài chẳng ít. Trị

“Xứ Nam Kỳ lục tỉnh, địa thế xa cách, gần ba ngàn dặm, và lại mở mang sau hết. Đức Hiển Tông Hoàng đế ta trị vì năm Ất vị thứ 25 (1715) quan trấn thủ dinh Trấn Biên (Biên Hòa) là Nguyễn Phan Long, quan Ký lục Phạm Khánh Đức lập ngay ở phủ Phước Long một tòa miếu vũ, thờ đức tiên sư Khổng Tử, rồi từ đó mỗi khi gặp tiết xuân thu hai lần cúng tế, thì ở Gia Định có phái bên văn một quan lớn đi với Đốc học và các thân sĩ đến đó hành lễ.

“Qua triều vua Minh Mạng năm thứ 6 (1827) mới lại cất riêng thêm một tòa văn miếu nữa, ở về huyện Bình Dương mà các trấn lúc bấy giờ đều chưa có. Song, mỗi lần đến kỳ thi khóa, học trò ở các trấn tề tựu về đó như mây nhóm, áo khăn chỉnh chiện, tụng đọc nghê nga; và như có gặp nhằm lễ “Thánh điện”  Theo Kinh Lễ  “Thích” là Thích thể: bỏ rau; “Điện” là điện tộ; Dâng lụa “Thích điện” tức là bỏ rau dưng lụa. Lễ đấng tiên sư. các trò cũng đều được đến dự.

Đường cả non cao, có chỗ tới lui chiêm ngưỡng. Kịp đến sau lục tỉnh sửa đổi tên lại, thì bổn tính Vĩnh Long mới chọn được một sở đất ở tại làng Tân Sơn để cất miếu thờ. Cây ngói đã sẵn sàng, kế đó việc đình hoãn lại. Đến năm Tự Đức thứ 12 (Kỷ Vị 1860), tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường nối nau thất hãm, những sĩ phu trong ba tỉnh ấy lánh nạn chạy qua bổn tỉnh với các hạt An Giang, Hà Tiên.

“Lúc bấy giờ việc binh mã rộn ràng gấp rút, các trò đều liệng bút theo quân, khiến cho việc học hành lần lần bê trễ. Đến năm thứ 135 (Nhâm Tuất 1863) quan lãnh Đề học Nguyễn Thông mới quy tụ các sinh viên lại mà dạy học và tập bài. Cụ Phan lựa được một miếng đất ở về hướng Nam cách xa tỉnh thành chừng hai dặm, thuộc về địa phận làng Long Hồ, mặt tiền ngó xuống sông dài, mặt hậu nương theo đất gò. Bên tả bên hữu có vườn tược thạnh mậu, địa thế thật là thanh vắng. Chọn được ngày lành tháng tốt, bẩm với quan thượng ty, bèn dựng miếu thờ đức tiên sư Khổng Tử. Năm thứ 17 (Giáp Tý 1864) tháng trọng đông khởi công, qua rốt mùa thu năm nay (Bính Dần 1866) hoàn thành. Phàm những đồ thờ với các món để dùng chế tạo đều xứng tốt cả.

“Lại ở phía ngoài tường, bên tả gần sông, có dựng một cái thư lâu, để làm nơi chứa sách, cho tiện lúc hội hiệp đọc sách làm văn.

“Còn về số tiền chi phí mướn thợ làm và để ruộng cúng là bao nhiêu, thì đã ghi sổ riêng. Công việc làm đã xong xuôi rồi, quan Tổng đốc bổn tỉnh Trương Văn Uyển, Bố chánh sứ Nguyễn Văn Nhã và Án sát sứ Võ Doãn Thanh có đứng xin cấp trong miếu 20 tên phu để coi sóc giữ gìn, và mấy ruộng tư điền khỏi đóng thuế, để dùng vào việc cúng tế.

“Ôi! Hái chái ngồi hầu, muôn đời tôn chuộng, xem trông bắt chước, có chỗ sẵn sàng. Mà sự dạy dỗ của thánh nhân, bắt đầu nên cho mình, rồi sau mới nên cho vật. Còn sự học hành của chúng ta, thì gốc ở nơi mình mà phải ra sức làm cho nên việc. Lại có kẻ văn chương thật rõ rệt mà chẳng quan tâm đến sự dạy dỗ cho đời, tuy có giỏi cũng không ích.

“Lại nghe: đức Khổng Phu Tử, việc làm ở sách Hiếu tử khen chê các nước hầu ở sách Xuân Thu, mà sự làm chuộng về nhân luân thì lại ở sách Hiếu kinh, cho nên cái “đức tốt”, cái “đạo gốc” chẳng ngoài nơi đó. Gần đây, sự học chưa có được gì cho lắm, không lấy chi giúp ích cho đời, nên kính đọc những chỗ nghe như thế. Các học trò thờ đức Thánh Nhân, cũng nên biết thờ về chỗ đó.”

Năm Tự Đức thứ 19 (Bính Dần 1866) sau tiết Trùng Dương 3 ngày, kẻ hậu sinh Phan Thanh Giản lạy kính làm bài ký (bản dịch của Thượng Tân Thị).

Ngày nay, du khách viếng tỉnh Vĩnh Long, tiến sâu vào thành phố, đặt chân lên đường liên tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh, ắt không khỏi nặng lòng hoài cổ khi yết miếu Văn Thánh. Tuy đã trải qua nhiều lần tu bổ, ngôi miếu mất đi một phần nào nét kiến trúc cổ kính, nhưng nó vẫn là một di tích đáng quý, tượng trưng tinh thần bảo vệ đạo đức và thuần phong mỹ tục.

Nhất là phía trước Văn Miếu nay hãy còn trang trí hai khẩu súng đồng, như gợi cho các thế hệ sau nhớ về dĩ vãng, không quên công khổ của tiền nhân về đủ mọi mặt: văn hóa, quân sự… bảo tồn đất nước này.

Điều nên biết thêm, khoảng đường từ Cầu Lầu lên tới Văn Thánh, ngã tư Long Hồ, mang tên con lộ là lộ Văn Thánh. Rõ là nét tiêu biểu đặc biệt của đồng bào đất Vĩnh, sùng phụng đạo đức, bảo tồn cổ tích, trong tâm khảm không quên những gì là tinh hoa dân tộc đáng được đề cao.

Cụ Đỗ Minh Giám tục gọi là Nhiêu Tâm, ngày trước đã từng cảm khái cảnh Văn Thánh miếu xuê xoang thanh nhã:

Bấy lâu đàn hạnh lạnh mùi hương,

Cám cảnh tổng làng ráng sửa đương.

Trên Thánh chín từng an điện bệ,

Dưới hiền bảy chục kính phong sương.

Xưa còn gió ngỏ lay cờ đế,

Nay hết nhện rường bủa lưới vương.

Sáu tỉnh xô bồ cơn gió bụi,

Vĩnh Long phong tục giữ như thường.

Từ khi Vĩnh Long có Văn Thánh, đàn mạnh không còn lạnh mùi hương, như lời cụ Nhiêu Tân đã tán dương. Mỗi khi nhắc đến Vĩnh Long, không ai không ca ngợi nơi đây đã có nền văn, với Văn Thánh miếu, đề cao thanh giá sĩ phu, sùng Nho trọng Đạo.

Lại một điều đáng ghi nhận: chúng tôi đến Vĩnh Long sưu tầm tài liệu, vào chiêm ngưỡng Văn Thánh miếu, thấy cây cối xanh mướt có nhiều sinh khí. Khoảng 12 giờ trưa mà trước sân cỏ còn đượm hơi sương. Quả là nơi có vượng khí.

Theo lời cơ bút, Vĩnh Long sau này sẽ là nơi xuất thánh, do con sông và cuộc đất linh thiêng, thiết nghĩ cũng hữu lý.

Khoảng năm 1903, ông Phó Tổng Bình Long là Tống Hữu Định có đứng ra sửa sang lại một lần dưới sự ủng hộ và đảm nhận trông coi của hương chủ Bùi Kim Bảng và người cháu ruột là ông hương lễ Bùi Văn Khánh. Đợt trùng tu này Văn Xương Các được biến đổi thành nơi phụng thờ cụ Phan và thầy giáo Võ Trường Toản.

Nay con đường từ Cầu Lầu đi vô ngã tư Long Hồ mang tên là đường Văn Thánh. Toàn bộ Văn Miếu đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, xứng đáng với tầm vóc mà Văn  Miếu đã mang lại cho vùng đất hiếu học như Vĩnh Long.

Huỳnh Minh - Huyền Giang

(Trích gia phả họ Bùi - phường 4, thị xã Vĩnh Long)

(GP: 24-10-2015)