Đền Thiên Nhiên Cảnh - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ tại TP.HCM
05/09/2023 15:03:42Tham luận của Đới Sỹ Hùng (Chủ nhiệm CLB Gia phả Trẻ TP.HCM) và Phan Kim Hùng (thành viên CLB Gia phả Trẻ TP.HCM) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Tóm tắt: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Tứ phủ là tín ngưỡng thờ các vị nữ lẫn nam thần có công với xã tắc và đất nước, các ngài đã từng hiển thánh, từng phò vua đánh giặc hay là đắp đê, phát rẫy làm nương, dạy dân lập ấp… Với tín ngưỡng thờ mẫu thì lấy các vị nữ thần làm đại diện cho cả tín ngưỡng để nói lên sự tôn thờ và tôn trọng người phụ nữ.
Tồn tại từ rất lâu đời ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định... tín ngưỡng ấy đã hầu như có mặt khắp các miền trên đất nước Việt Nam, ở Miền Nam vốn đã xuất hiện hiện loại hình tín ngưỡng này khá sớm, có thể từ thời Pháp thuộc bởi các cuộc di cư của người dân từ Bắc vào Nam, trải qua nhiều biến cố chiến tranh và đặc thù vùng miền nên ít nhiều tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ có phần thay đổi, để làm rõ hơn về vấn đề này, tác giả xin giới thiệu về ngôi Đền Thiên Nhiên Cảnh - một Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình nghiên cứu, do lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ, vốn tài liệu còn hạn chế nên bài viết có thể chưa đi sâu so sánh về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ ở các ngôi đền khác nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh nên khó có thể không bị thiếu sót mong quý độc giả lượng thứ.
Gốc phát điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu thì rất ít tài liệu chép lại, tuy nhiên nhiều đồng đền cho rằng: Tín ngưỡng này đã có từ thời thượng cổ, từ xa xưa, với chế độ mẫu hệ, con người ta đã biết đến sự thờ phụng về các nữ thần, việc thờ phụng các nữ thần đã tiếp diễn cho đến thời nhà Lê thì có tích chép lại , khi Thánh mẫu Liễu Hạnh(1a) giáng sinh 3 lần vào thời nhà hậu Lê và Thánh mẫu Thượng Ngàn (1b) giúp vua dẹp giặc thì hệ thống đình thần tam tứ phủ mới được sắp xếp lại và phát triển, từ đó truyền đến bây giờ với Thánh mẫu Liễu Hạnh là thần chủ của tín ngưỡng, tạo nên một dòng tín ngưỡng nội phát và độc nhất chỉ có tại Việt Nam mà không hề có một sự ngoại lai trong tín ngưỡng này.
Thờ Mẫu theo tín ngưỡng Tam - Tứ phủ là sự tôn trọng, sự ghi ân của người dân Việt Nam ta với người phụ nữ, đề cao cái đức độ chịu thương, chịu khó, sự bao bọc nuôi dưỡng với đàn con của mình. Qua đó thể hiện cái lòng ước ao cho mưa thuận, gió hòa, không có tai ương hay là đi rừng không có sói lang thú dữ.
1. Đôi nét về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Thành phố Hồ Chí Minh
Đền thờ Mẫu ở Thành phố Hồ Chí Minh đa số là sự di dân của người ngoài bắc vào, trước cả thời kỳ Pháp thuộc, vào những khoảng 1900 đến 1915 và lớn nhất là có hội “Sòng Sơn Lão Tử” từ đó lập nên ngôi đền thờ Mẫu “Sòng Sơn Vọng Từ“ tại quận 3 ngoài ra còn một số đền được lập cũng khoảng thời gian đó: đền Mẫu Cửu Trùng tại quận 4, đền Thiên Nhiên Cảnh, đền Quan Giám Sát, đền Quan Lớn Đệ Tam, đền Tranh Giang Vọng Từ… và từ gốc rễ là con nhang, đệ tử từ các đền trên mà sản sinh ra những đồng đền, đồng điện lập thêm nhiều ngôi đền, ngôi điện mới. Và đa số các ngôi đền ngôi điện trên đã có từ 3 - 4 đời phụng thờ, cho nên có thể các ngôi đền trên được xem là nguồn gốc của sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ tại miền Nam.
Có thể nói rằng có rất nhiều đền thờ thuộc hệ thống của tín ngưỡng Tam Tứ phủ của các đệ tử, con nhang, Thanh Đồng Đạo Quan lập nên, đa số các quận huyện đều có đền thờ hoặc là điện, thậm chí đến các tỉnh nằm ở khu vực ngoại ô cũng có nhưng tập trung nhiều nhất có lẽ là tại quận 4, nhất là đường Tôn Đản: đền Mẫu Cửu Trùng Thiên, đền Mẫu Thoải, đền Đức Thánh Trần nhưng cũng có phối thờ thêm cả Công Đồng Tam Tứ phủ, trên đường Đoàn Văn Bơ cũng có 2 ngôi đền thờ Mẫu Tứ phủ cũng rất linh thiêng: đền Chầu Lục, và 1 phủ là Vân Hương phủ (bái vọng thờ Mẫu Liễu Hạnh), và còn nhiều điện thờ Mẫu của tư nhân.
2. Đền Thiên Nhiên Cảnh nét đặt trưng của Thảo Cầm Viên
* Vài nét về đền Thiên Nhiên Cảnh
Tọa lạc trong khuôn viên của Thảo Cầm viên quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài đền thờ Vua Hùng và Bảo tàng lịch sử Thành Phố Hồ Chí Minh nên rất ít người biết đến ngôi đền này, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng nơi đây có phần rất đặc biệt bởi Đền được lập bởi một cụ Đồng vào những khoảng đầu của Thế kỷ XX, do cư dân miền Bắc Việt Nam di cư vào lập nghiệp, gần trăm năm. Đền nay đã truyền được ba đời và đời thứ 3 là một cô thủ nhang vẫn còn phụng sự Thánh. Vốn xưa nay, đền thờ là “Cô Tư”, người ta kể rằng “Cô Tư” vốn xưa là một người phụ nữ bị thực dân Pháp bắt rồi hãm hiếp rồi bị giết, khi cô mất đi, cô rất linh thiêng, hay hiển linh để giúp người. Sau này, con nhang, đệ tử mới góp tiền mà đưa đức Quan Thế Âm vào thờ và sau đó đưa cả Công Đồng Tam - Tứ Phủ vào thờ. Sau thời gian thay đổi, sắp xếp lại thì mới có một hệ thống thờ thì đưa đức Chúa Sơn Trang lên phụng thờ chính của ngôi đền.
* Việc sắp xếp vị trí thờ của đền
Đền thờ khá khiêm tốn gồm: Gian thờ chính, gian tiếp khách cũng là nơi để lầu cô, lầu cậu và thờ gia tiên, gian bếp, kho và 1 chỗ ngoài trời phụng thờ Mẫu Cửu Trùng và Cô Tư, Lò hóa mã(2) .
Vì là đền thờ chính về Chúa Bà Sơn Trang nên cung của Chúa là lớn nhất. Cung của Chúa được làm theo dạng khối hộp chữ nhật, được bao bằng gỗ với một mặt kính phía trước, mặt phía trên lớp kính là một lớp gỗ được khảm đôi song long chảy dài xuống bao bọc cả cung, bên trong là kim thân của Chúa Bà, được khoát lên một bộ áo xanh được may rất tinh xảo, phía trên là chiếc khăn vấn được phủ một lớp khăn xanh được khoát sau của kim thân(3) người. Mỗi năm khăn áo của Chúa được các anh hầu dâng của đền thay đổi, trên cung chúa có 3 chiếc nón xanh lá, tượng trưng cho Chúa bà, phía trước cung Chúa là đôi quạt mạ vàng để dựa vào cung và bộ tam sự bằng đồng(4), và phía trước nhất là chiếc lư hương được đúc bằng đồng để phụng thờ “Thánh Chúa”.
Phía bên phải của cung Chúa là cung Mẫu, nơi thờ “Thần Chủ” của tín ngưỡng thờ Mẫu, là Tam Tòa Thánh Mẫu, cung của Mẫu cũng có phần giống cung Chúa nhưng có chiều cao thấp hơn, chiều rộng dài hơn, bên trong là thờ Tam Tòa Thánh mẫu, ở giữa là Mẫu Đệ nhất Thượng thiên, bên trái là Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, bên phải là Mẫu Đệ tam Thoải phủ, ngoài ra còn để một chiếc lư đồng bên trong. Có điều đặc biệt rằng, trước cung Mẫu là bộ chén thờ và cũng có một hàng rào nhỏ trước cung rào lại hàng rào nhỏ này tượng trưng rằng muốn cách biệt cung mẫu với cung khác vì các đền đa phần thờ Tam tòa Thánh mẫu là trong cung cấm nhưng ở đây vì đền thiếu diện tích nên mới xin phép làm như thế. Trước cung cũng có một lư hương màu vàng để phụng thờ.
Kế bên cung Mẫu là nơi đặt cung Phật, cung Phật có phần cao hơn so với cung mẫu, có rất nhiều vị Phật được thờ tại đây nhưng to nhất là tượng Phật bà Quan Thế Âm, được đắp y màu vàng. Cung Chúa là nơi thờ Ông Hoàng, gồm 3 ông là: Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười, cũng được dặt trong 1 hình khối chữ nhật, những có phần khiêm tốn và đơn giản hơn so với cung Chúa Bà, trong cung còn được đặt một ấm rượu có màu xanh lưu ly, phía trước có bát nhang màu vàng. Kế bên ông hoàng là ban Trần Triều, nơi thờ chính Đức Thánh Trần cùng hai vị Thánh Cô theo hầu cùng bát nhang đặt trước.
Ngoài ra, đền còn phối thờ thêm một số vị thánh có phát điểm là tại miền Nam như là ngài Quan Thánh Đế Quân(5) đặc bên phải cung thờ Phật, kế ông là nơi để bát nhang bản mệnh của những con nhang đệ tử tại đền thờ. Cung thờ phối thứ hai là Năm Bà Ngũ Hành, được đặt thờ ở bệ thang khi đi lên giang thờ chính.
Phía ngoài gian khách là thờ Lầu Cô, Lầu Cậu, với lối thờ là Lầu Cô bên trái, Lầu Cậu bên phải. Bên lầu cô, phụng thờ bốn kim thân là: Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Chín, Cô bé Thượng Ngàn, lần lượt tương ứng với bốn màu áo của các cô là Xanh, Trắng, Hồng, Đen. Cô Đôi với Cô Bé được các anh hầu dâng lên khăn hoa, còn Cô Bơ với Cô Chín thì được các anh vấn khăn xếp, tạo cho 4 cô vẻ đẹp vừa dễ thương nhưng cũng không kém phần sang trọng. Lầu Cô có hai bát hương, 1 bát lớn để phía trước, được đúc bằng đồng, còn một bát nhỏ hơn nằm ở phía trong ngay Cô Bé.
Lầu Cô (Ảnh: Kim Hùng)
Dưới Lầu Cô là thờ ông Hổ để mang ý nghĩa trấn trạch, trấn tà khí xông vào đền. Bên phải là lầu Cậu, phụng thờ Thánh Cậu, với một bát nhang chính và bốn kim thân của Thánh Cậu cùng những món đồ chơi vì Cậu được xem là vị thánh nhỏ nhất Tứ phủ, tính thì như con nít nên thường có thêm đồ chơi cho Cậu, có một số nơi còn có cả đầu lân cho Cậu.
Bát nhang bản mệnh lầu Cô (Ảnh: Kim Hùng)
Dưới cung của Quan thánh Đế Quân là nơi thờ Ngũ Hổ tướng: Thờ 5 ông Hổ bản đền, kế đấy là thờ Thần Tài, Thổ Địa bản cảnh.
Phía trên đền, ngoài tòa mũ của Chúa ra là 2 ông thanh xà, bạch xà uốn lượn theo ngôi đền thờ, như là các ông đang bảo vệ sự thanh tịnh, trấn giữ ngôi đền thờ này. Ngoài ra còn có 1 tòa mũ to, được gọi là mũ công đồng, đại diện cho chư vị thần linh của Tín Ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ, phía trước hang mũ ấy là Mũ của 5 quan lớn đại diện cho 5 quan lớn.
Khung cảnh đền Thiên Nhiên Cảnh (Ảnh: Kim Hùng)
* Đền thờ đa dạng các vị thần
Bên trong ngôi đền thờ rất nhiều vị thần, đây là tượng trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu từ xưa và được duy trì cho đến ngày nay. Đền thờ chính là Chúa Bà Sơn Trang. Chuyện kể rằng Mẫu Thượng Ngàn ứng mộng cho vua Lê Thái Tổ là dẫn giặc về Ải Chi Lăng, từ đó vua mới nhớ ơn người con gái trong mộng nên sắc phong cho Người là Lê Mại Đại Vương hiệu Viết Bạch Anh Chưởng Quản Sơn Lâm Công chúa. Kể từ đó Chúa Sơn Trang trở thành Mẫu Thượng Ngàn đứng ngôi thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu. Như vậy, Tín ngưỡng thờ Tứ Phủ tại đền Thiên Nhiên Cảnh được coi là sự kết hợp hài hòa của tục thờ Mẫu Liễu Hạnh và tục thờ Sơn Trang. Tục thờ Sơn Trang là một tục thờ tối cổ của người Việt; ra đời từ thời Âu Lạc; cách đây cỡ 2000 năm. Còn tục thờ Tứ Phủ có lẽ chỉ thịnh hành khi có xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh cách đây hơn 600 năm.
Chúa Bà Sơn Trang (Ảnh: Kim Hùng)
Cung mẫu thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bao gồm: Mẫu Đệ nhất Thượng thiên với việc cai quản miền trời, Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp gồm có: Pháp vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi. Gồm 4 vị nữ thần tạo ra Mây - Mưa - Sấm - Chớp có tác động rất nhiều tới nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, ngày hội chính của Mẫu là ngày Mùng 03 Tháng 3 âm lịch. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn với việc cai quản miền rừng núi, có thể nói Mẫu Thượng ngàn gắn liền với thiên nhiên, còn người, cỏ cây, chim thú, ngày hội chính của mẫu thượng ngàn là ngày Mùng 02 Tháng 2 và ngày 20 Tháng 9 âm lịch. Mẫu Đệ tam Thoải phủ cai quản miền sông nước, Mẫu Thoải gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa, liên quan trực tiếp tới Thủy Tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước, ngày hội chính của Mẫu Thoải là ngày Mùng 10 Tháng 6 âm lịch.
Tam Tòa Thánh Mẫu (Ảnh: Kim Hùng)
Cung Phật thì thờ rất nhiều vị Phật nhưng to nhất là tượng Quan Thế âm. Trong Phật giáo Đại thừa, Quan Thế âm Bồ tát thường được gọi một tên khác là Phật Quan Thế âm Bồ tát – Người có đức hạnh, thần lực chỉ sau Đức Phật Thích ca, Ngài là vị Bồ tát có thể nhìn rõ mọi sự bất hạnh, khổ đau, ai oán ở trần thế, luôn sẵn sàng cứu giúp chúng sinh. Có lẽ vì đức tính này mà đền chú trọng đến ngài.
Cung Phật (Ảnh: Kim Hùng)
Kế cung Chúa là nơi thờ Ông Hoàng, gồm: Ông Hoàng Bơ thường mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bán làm ăn, người học hành đỗ đạt. Thứ hai là Ông Hoàng Bảy chính là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình. Tuân lệnh vua cha, ông đã giáng trần vào cuối thời Lê, trở thành con trai thứ 7 trong dòng họ nhà Nguyễn. Khi giặc phương Bắc tràn vào nước ta xâm lược địa phận phủ Quy Hóa (nay là tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai), tình hình trong nước cũng rất hỗn loạn.
Danh tướng thứ Bảy nhà họ Nguyễn được nhà vua cử đi đánh đuổi giặc. Vào một trận đánh, ông đã bị giặc bắt và tra khảo dã man. Tướng Nguyễn Hoàng Bảy nhất quyết không chịu khuất phục dưới tay giặc, kết quả bị sát hại rồi ném xác xuống sông. Nhân dân đã an táng và lập đền thờ cho Ông để tưởng nhớ công ơn, Ông được các triều vua và nhân dân phong danh “Thần Vệ Quốc”.
Cuối cùng là Ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời, người dân xứ Nghệ An cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Theo truyền thuyết, Ông Hoàng Mười là con thứ 10 của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân, không chỉ vì ông là con trai thứ 10 mà ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn, không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng "Tài đức vẹn toàn".
Tứ phủ Ông Hoàng: Từ trái sang phải thứ tự là ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười (Ảnh: Kim Hùng)
Đền còn thờ Đức thánh Trần là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ tà ma, chữa bệnh.
Đức thánh Trần (Ảnh: Kim Hùng)
Ngài Quan Thánh Đế Quân, tín ngưỡng này bắt đầu khi người Hoa di cư qua miền Nam Việt Nam, họ mang tín ngưỡng thờ Quan Thánh qua và người Việt Nam cũng từ đó mà sùng bái Quan Thánh Đế Quân. Trong các gia đình, nam gia chủ thường thờ ông là thần bảo hộ gọi ông là “ông độ mạng”.
Ngài Quan Thánh Đế Quân (Ảnh: Kim Hùng)
Thờ năm Bà Ngũ hành bao gồm: Đệ nhất Chúa Bà Kim Tinh Thần nữ, Đệ Nhị Chúa Bà Mộc tinh Thần nữ, Đệ Tam Chúa Bà Thủy tinh Thần nữ, Đệ Tứ Chúa Bà Hỏa phong Thần nữ, Đệ Ngũ Chúa Bà Thổ đức Thần nữ.Thứ tự tượng trưng cho các nhân tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (kim loại, cây, nước, lửa, đất). Với sự tiếp nhận có chọn lọc hòa quyện với những tín ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt cổ đã đưa thuyết Ngũ hành vào thờ phụng với hình tượng đại diện là Chúa Bà Ngũ hành hay năm mẹ Ngũ hành. Cũng từ đó, tục thờ Ngũ hành Nương Nương được hình thành.
Năm Bà Ngũ Hành (Ảnh: Kim Hùng)
Ngũ hổ Tướng quân là năm vị thần Hổ cai quản ngũ phương, ngũ hành trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Các Ngài là chư vị sơn thần biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, là bộ hạ của Mẫu giữ vai trò gác cổng cho các đền phủ, tiêu diệt tà ma, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất. các Ngài trấn giữ ngũ phương tuân theo quy luật ngũ hành: Hoàng hổ (màu vàng - hành thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện, Thanh hổ (màu xanh - hành mộc) ứng với phương Đông, Bạch hổ (màu trắng - hành kim) ứng với phương Tây, Xích hổ (màu đỏ - hành hỏa) ứng với phương Nam, Hắc hổ (màu xám đen - hành thủy) ứng với phương Bắc. Hình tượng Ngũ Hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà thánh. Ngũ Hổ tướng kết hợp với Thanh xà, Bạch xà (đại diện vùng nước) làm nhiệm vụ trấn giữ ngôi đền.
Ngũ Hổ Tướng Quân (Ảnh: Kim Hùng)
Thần tài, Thổ địa: Thần tài là vị thần sẽ giúp mang đến nhiều tài lộc và có được nhiều may mắn trong cuộc sống, Thổ địa cầu mong sự bình an, vui vẻ, êm ấm và là vị thần cai quản vùng đất đền này.
Thần Tài, Thổ Địa (Ảnh: Kim Hùng)
Lầu Cậu thuộc hàng tứ phủ thánh cậu, là những cậu bé xuất thân vốn bậc hoàng tử chốn thiên cung được Vua Cha cử xuống trần gian giúp dân an cư lạc nghiệp, đánh giặc cứu nước và về trời khi tuổi còn thiếu niên. Bên cạnh đó thì có Lầu Cô thuộc tứ phủ thánh cô là một nét đẹp trong tục thờ Mẫu Việt Nam.
Lầu Cậu (Ảnh: Kim Hùng)
Có thể nói việc thờ đa dạng các vị thần là nét đẹp của đền Thiên Nhiên Cảnh, là sự kế thừa và phát huy truyền thống thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của văn hóa Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ. Trong đó có sự giao thoa, kết hợp với các yếu tố thờ Mẫu ở miền Nam tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của đền.
Việc thờ nhiều thần, kết hợp nhiều thể loại thờ Mẫu cho thấy những ước vọng bình dị về cuộc sống bình dị của cư dân nơi đây được hun đúc và kế thừa có tính phát huy, làm sinh động bản sắc văn hóa Việt Nam.
3. Tổng kết
Qua việc bài trí lễ cũng cùng nghi thức tế lễ tại ngôi đền Thiên nhiên cảnh, chúng ta có thể cảm nhận được sự tôn trọng của con người Việt Nam với Thần Linh cũng như là với thiên nhiên đầy hùng vĩ của nước ta. Một yếu tố không thể thiếu chính là sự hình tượng hóa các nhân vật trong lịch sử đã có công bảo vệ Tổ quốc, thể hiện một sự đại đòa kết dân tộc rất lớn vì không chỉ có các vị Thần có gốc tích là người Kinh mới được phụng thờ, cũng có rất nhiều vị Thánh Hiển tích là người Mường, Mán, Hoa…và các Thanh Đồng cũng có thể là các dân tộc, tôn giáo khác nhau nhưng đều nối gót để phụng sự Thánh Mẫu. Ngày nay, để tiếp tục lưu giữ và phát huy truyền thống ấy, hơn hết cần những người am hiểu về luật tục, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ, mà còn cả các Cô đồng, Thanh đồng cùng chung sức bảo vệ để tránh kẻ xấu lợi dụng làm biến tướng những tài sản phi vật thể ấy.
CHÚ THÍCH:
(1a): Thánh Mẫu Liễu Hạnh là là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần.
(1b): Thánh Mẫu Thượng Ngàn là con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.
(2): Lò đốt vàng mã.
(3): Kim thân là thân thể quý báu vì đã mang trong người một sứ mạng để phục vụ.
(4): Lư hương bằng đồng.
(5): Quan Thánh Đế Quân tên thật là Quan Vũ là người đóng góp công sức rất lớn trong việc giúp Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tác giả đã phỏng vấn sâu một số chuyên gia như:
1. Bài phỏng vấn với Cô Đồng Đền tại Đền Thiên nhiên cảnh ngày 28 tháng 2 năm 2023.
2. Bài phỏng vấn với Thủ nhang của Đền thờ Mẫu Tam Tứ phủ ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Bài phỏng vấn đệ tử Đề Quan Giám Sát - Huỳnh Nhật Thanh.
Tài liệu sách:
4. Nguyễn Ngọc Thơ, luận án Tiến sĩ, Văn hóa Bách Việt vũng Lĩnh Nam trong quan hệ với truyền thống ở Việt Nam, năm 2011.
Tài liệu mạng Internet:
5. Thánh Mẫu Liễu Hạnh (bà chúa Liễu Hạnh) là ai, được thờ ở đâu?
6. Mẫu Thượng Ngàn – Bà Chúa Thượng Ngàn – Mẫu đệ nhị
7. Ông Hoàng Bảy là ai ? Đi lễ đền Quan Hoàng Bảy cầu gì?
8. Ông Hoàng Mười – Huyền thoại và di tích lịch sử
9. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong tâm thức người Việt
10. Tục thờ Bà Ngũ Hành ở Nam Bộ
11. Tứ phủ Thánh Cô – 12 Thánh Cô trong Tứ phủ
ĐỚI SỸ HÙNG - PHAN KIM HÙNG
Các tin cũ
- » Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ 31/08/2023 21:19:37
- » Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt 31/08/2023 21:10:46
- » Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam 31/08/2023 20:15:33
- » Mối quan hệ giữa phong cách giáo dục của cha mẹ và hành vi lệch chuẩn của trẻ vị thành niên 31/08/2023 15:56:05
- » Cách phân biệt đình, đền, miếu, nghè, điện, phủ, quán, am 30/08/2023 16:37:02
- » Vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình ở VN trước thế kỷ XX (qua tục ngữ, cao dao VN) 30/08/2023 16:09:12
- » Đình làng - Nguồn gốc hình thành và phát triển 26/08/2023 19:42:37
- » Bác sĩ Dương Cẩm Chương - Người con ưu tú của họ Dương ở Hưng Yên 20/08/2023 10:19:39
- » Vấn đề giáo dục truyền thống phụ nữ qua tác phẩm văn học nghệ thuật 18/08/2023 18:57:05