Người phụ nữ trong văn hóa dựng nước và giữ nước
17/08/2023 20:05:16Tham luận của Nguyễn Thị Thanh Nghĩa viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Tóm tắt
Người dân Việt Nam từ xa xưa đều rất tự hào khi được sinh ra từ “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Điều này chứng tỏ rằng mẹ chính là người “mang nặng đẻ đau” và khai sáng ra nền văn hóa dân tộc này. Còn với thời phong kiến, Việt Nam ta lại bị chịu ảnh hưởng và tiếp thu từ nền văn hóa của Trung Quốc và vùng Đông Nam Á. Tuy vậy, Việt Nam vẫn luôn giữ được một nét văn hóa, bản sắc riêng của nền văn minh lúa nước.Tất nhiên, dù trong thời kỳ nào, thời đại nào, giai đoạn nào thì người phụ nữ Việt Nam cũng không hề bị phai mờ, ngược lại, họ có vai trò của bản thân, phụ nữ cũng có những phẩm chất, phẩm hạnh và tài sách, thao lược cũng như lòng yêu nước nồng nàn cũng không hề thua kém người đàn ông.
Việc đề cao vai trò của người phụ nữ như vậy, chứng tỏ rằng, người phụ nữ ở bất kỳ thời nào cũng đáng để yêu thương và được dành sự tôn trọng.
---------
Nói đến phụ nữ Việt Nam là không thể nói đến những phẩm hạnh tốt đẹp, những tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tụy, thủy chung và tài năng, sáng tạo. Người phụ nữ Việt Nam truyền thống được xem là người phụ nữ đẹp xuất phát từ những quan điểm phong kiến, cách nhìn thẩm mỹ đề cao cái đẹp gắn với cái thiện và cái cao cả; cái đẹp được đặt trong khuôn mẫu, quy chuẩn, đó là “khuôn vàng thước ngọc”. cái đẹp được nhìn nhận đánh giá một cách chặt chẽ, nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Do vậy, người phụ nữ đẹp nhất phải là người phụ nữ có đủ bốn chuẩn mực: “công, dung, ngôn, hạnh” - theo quan điểm của Khổng Tử. Quan điểm thẩm mỹ này được tầng lớp trí thức và quan lại phong kiến đưa ra cho đến nay vẫn tiếp tục được gìn giữ, khẳng định vì đó là những nét đẹp tiêu biểu đáng trân quý của người phụ nữ Việt Nam trên bốn trụ cột giá trị cơ bản xuyên suốt là: giá trị đẹp về lao động, giá trị đẹp về hình thể - nhan sắc, giá trị đẹp ngôn từ, giá trị đẹp về đạo đức.
Theo quan niệm xưa:
“Công” là nữ công, có nghĩa là người phụ nữ phải giỏi nữ công gia chánh, làm nội trợ giỏi, khéo léo sắp xếp giải quyết các công việc trong gia đình, giỏi về may vá, thêu thùa, vẽ họa, đàn giỏi, hát hay.
“Dung”, là nhan sắc, biết làm đẹp, đó là thứ quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Chế độ phong kiến xưa, chữ “dung” được hiểu theo cách nhìn của quan lại phong kiến gắn với vẻ đẹp của người con gái đài các, đẹp cao sang, quyền quý, yểu điệu, mong manh như cành tơ liễu buông mành, khiến liễu hờn, hoa ghen, hoa cười, ngọc thốt, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun; răng đen (Những cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng), tóc dài,..
“Ngôn” là ngôn từ, lời nói xuất phát từ suy nghĩ, từ tâm hồn, tấm lòng, phản ánh đúng- sai, thiện- ác, sang - hèn của một người, v.v. cho nên theo quan niệm xưa, người con gái có phẩm hạnh tốt thì phải biết kiệm lời nhưng khi nói thì mỗi chữ, mỗi câu thốt ra phải đáng giá ngàn vàng; lời nói đoan chính, dễ nghe, nhỏ nhẹ như suối nước trong; nhu mì, hiền hòa như lời ca của thiên nhiên, êm ái như lòng đất mẹ, lời nói có giá trị.
“Hạnh” là hạnh kiểm, đạo đức, là phẩm chất quý giá mà người phụ nữ cần có. Người xưa cho rằng người đàn ông nào lấy được người vợ có đạo đức là có phúc vì khi người đàn ông bị ốm đau, bị sa cơ lỡ vận, vẫn được người vợ yêu thương, chung thủy, tận tâm chăm sóc, không thay lòng đổi dạ. Mặt khác con cái thường học được nhiều đức tính tốt hay không tốt của người mẹ; phúc đức tại mẫu ( mẹ), cho nên cha mẹ để lại cho con bao nhiêu ruộng vườn cũng không bằng để cho con sống có đạo đức, danh dự, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Muốn cho con thành tài, thành người có ích cho xã hội, ra thi thố làm quan cai trị thì trong phép cai trị phải lấy đức làm đầu.
1. Sự hà khắc trong xã hội cũ đối với người phụ nữ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng
Từ thuở sơ khai, địa vị của người phụ nữ đã được đề cao và coi trọng hơn hẳn so với người đàn ông, tiêu biểu là thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ. Trong xã hội này, quyền của người đàn bà được biểu hiện trước hết là quyền được phân công lao động trong gia đình và quyền điều hành những công việc chung của thị tộc. Vì thế, họ không những được bình đẳng, được tôn trọng mà còn có thể được bầu làm tộc trưởng, tù trưởng.
Vì sao lại có sự tôn trọng đặc biệt dành cho người phụ nữ như vậy? Bởi vì, những đứa con được sinh ra bởi người phụ nữ; việc hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi lúc bấy giờ cũng được người phụ nữ đảm nhận; qua đó, họ nắm quyền chi phối về mọi mặt của xã hội, điều khiển công việc và điều hòa quan hệ giữa các thành viên. (trích từ cuốn giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam).
Theo dòng thời gian, lịch sử cũng dần thay đổi, xã hội thị tộc mẫu hệ nhường chỗ cho xã hội phụ hệ lên ngôi. Tiêu biểu cho xã hội này ở nước ta, đó là thời kỳ phong kiến, lúc bấy giờ quyền của người đàn ông là vô hạn. Nhắc đến đó thì không thể không nhắc đến những quan điểm của thời Nho giáo. “Tam tòng tứ đức” hay là người phu nữ phải có bốn đức tính “công dung ngôn hạnh”, Nội dung thuyết “tam tòng” thể hiện rõ cách đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ trong gia đình; vì phụ nữ họ phải phục tùng người đàn ông với tư cách là người cha, người chồng, người con trai.
Nhìn chung, quan niệm về tam tòng đã tước quyền bình đẳng của người phụ nữ trong suốt cuộc đời của họ, nó mang đến gánh nặng nề từ lúc trẻ cho đến khi cả về già. Thuyết “tam tòng” bó hẹp trách nhiệm người phụ nữ chỉ trong phạm vi gia đình, không nói đến sự tham gia hoạt đông ngoài xã hội của họ.Người phụ nữ lao động vất vả, không được học tập, phải làm việc nhiều, đặc biệt phải làm nội trợ gia đình, nuôi con cái, phục tùng tuyệt đối sự chỉ đạo của người cha, người chồng, người con trai đã trưởng thành khi chồng chết.
Hơn hết, khi nói đến nữ quyền trong xã hội cũ, người ta lại nhắc đến câu nói của Khổng Tử “chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy nhất” để xem đó là một bằng chứng Nho giáo coi thường khinh miệt đối với người phụ nữ. Tuy vậy, đó lại là một nỗi oan của một Thánh Nhân. Bởi câu nói nguồn gốc của ông là không hề có ý khinh rẻ miệt với người phụ nữ mà vì người đời sau này cắt nó thành ngữ cảnh, không thấu hiểu hết ý nghĩa của ông, lại có tư tưởng không tốt đẹp mấy với chế độ cũ.
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơi ngoài chợ biết vào tay ai
Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới ra rìa mắc câu...”
Hay thậm chí, ngay cả Nguyễn Du cũng phải thốt lên rằng “thương thay cho phận đàn bà” .Tú Xương cũng đã từng thổn thức khi viết về bà Tú “ Lặn lội thân cò khi quãng vắng ”.
Tuy nhiên, dù cuộc đời cay nghiệt, vùi dập là lấy đi tất cả của họ là thế nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn sáng lên những phẩm chất cao đẹp vốn có của mình: công, dung, ngôn, hạnh. Họ đã phải vượt quá cái hà khắc, cái mác thân phận đàn bà “bảy nổi ba chìm” để rồi họ phải giữ trong mình cái lòng tự trọng, cái ý chí sắt đá, một tinh thần bất khuất quật cường, không đầu hàng số phận. Người phụ nữ thời đó cũng thật dũng cảm, oanh liệt, họ biết làm chủ cuộc đời mình.
Tầm quan trọng của người phụ nữ cũng chẳng hề thua kém gì người đàn ông, người phụ nữ luôn được xem là “chẳng biết gì” chỉ biết quanh quẩn trong xó nhà cũng có thể làm nên việc to, việc lớn việc nước. Bởi vì người phụ nữ được khắc họa qua từng quá trình dựng nước và giữ nước, quá trình từ thời tiền sử đến thời đô hộ rồi qua hai thời kháng chiến oanh liệt chống Pháp và chống Mỹ vang dội. Và cho đến thời kỳ hiện tại, họ cũng có những cống hiến cao đẹp cho quê hương, Tổ Quốc. Điều đó chứng tỏ người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, họ có thể cân bằng được cả hai bên.
2. Người phụ nữ trong tiêu biểu trong giai đoạn thời xưa
Trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh người phụ nữ được dựng lên và lưu truyền: mẹ Âu Cơ là tiên nữ trên trời, nàng đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Rồi nàng gặp được Lạc Long Quân, sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con.
Một ngày nọ, Lạc Long Quân nói với nàng rằng vì hai người đến từ hai chủng tộc và môi trường rất khác nhau nên không thể chung sống với nhau trọn đời được. Họ bèn chia nhau mỗi người 50 đứa con, 50 theo mẹ, 50 theo bố. Mẹ Âu Cơ không chỉ là người mẹ, mà còn đưa các con đi mở nước và dạy dân dựng làng. Nước Âu lạc được ra đời từ đây.
Kế tiếp là qua các thời kỳ Bắc thuộc, nhà Hán chiếm Lĩnh Nam( tức là nước Việt Nam dưới thời nhà Triệu), khi chứng kiến cảnh nhân dân lầm than khổ cực, tiêu biểu Hai Bà Trưng - Trưng Trắc Trưng Nhị - Nữ vương đầu tiên trong lịch sử đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa, mở đầu đấu tranh lại với quân Nam Hán. Dù là thân gái nhưng hai bà cũng thật oanh liệt, cưỡi voi xông ra trận thu hút được hào kiệt khắp nơi về gia nhập.
Nghĩa quân đã nhanh chóng đánh bại được quân nhà Hán, làm chủ Mê Linh, rồi tiến về Cổ Loa và Lụy Châu. Quan thái thú Tô Định bỏ thành, chạy trốn về Nam Hải. Quân Hán ở các quận huyện khác cũng gặp thất bại. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 đến đây đã dành được thắng lợi hoàn toàn. Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giữ gìn bờ cõi đất nước, dựng nên truyền thống phụ nữ anh hùng, bất khuất.
Người phụ nữ không chỉ là có thể xưng tướng còn có thể xưng vương, tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam chỉ có bà duy nhất là nữ vương khi lên ngôi 8 tuổi - Lý Chiêu Hoàng. Dù rằng lúc đó quyền kiểm soát về vương triều không thuộc về bà nhưng trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam, chỉ có bà là Nữ Vương đầu tiên và duy nhất là nữ nhi làm vương. Thế nhưng cuộc đời bà cũng thật bi đát, bà không thể làm chủ cuộc đời mình.
Với nhiều tác phẩm thơ Nôm, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã được bình chọn là Bà Chúa Thơ Nôm trong nền văn học Việt Nam. Thế giới nội tâm trong thơ nữ sĩ khởi nguồn từ thân phận người phụ nữ: những nỗi buồn đơn côi và tấn bi kịch, những khát khao không được thoả nguyện, những cảnh ngộ trớ trêu, thậm chí đắng cay chua chát.
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy cá tính, khẳng định mạnh mẽ cái “tôi”, đồng thời dám bộc lộc cảnh ngộ riêng và thái độ ứng xử của chính bản thân mình. Thơ Hồ Xuân Hương là một tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến đang thời kì mục ruỗng, là tiếng nói bệnh vực mọi tầng lấp phụ nữ cùng khổ. Chính vì lẽ đó, Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Nữ Chúa Thơ Nôm Việt Nam cùng với bao kì tích, huyền thoại.
Một huyền thoại về người phụ nữ mạnh mẽ Việt Nam không thể không nhắc đến đó là bà Bùi Thị Xuân. Nhà nghiên cứu GS Nguyễn Quốc Trị cho biết: "Bùi Thị Xuân là một nhân vật nòng cốt của triều Cảnh Thịnh, có họ hàng bên ngoại với vua Quang Toản như Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Cũng như chồng là Trần Quang Diệu, bà còn là một tướng tài của Tây Sơn đánh đến cùng không chịu đầu hàng, và với tư cách đó, phải bị tội như các tướng khác trong cùng trường hợp.
Cuối năm 1801, lúc Vua Quang Toản, sau khi mất Phú Xuân chạy ra Bắc, rồi mang 30 ngàn quân trở vào vùng sông Gianh để lấy lại thủ đô Huế, thì bà cũng mang theo 5 ngàn quân của bà. Hai bên đánh nhau dữ dội, quân Vua Gia Long bị thiệt hại khá nặng và phải lùi".Và sau này khi Quang Trung không còn, bà đã bị tử hình bằng cách hình thức voi dày xé, dù rằng cái chết thảm khốc nhưng lại chứng minh sự kiên cường, bất khuất, trung thành tận tâm của người con gái năm đó.
Qua những dẫn chứng trên càng khẳng định thêm vị thế của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ không chỉ đơn gian là có sắc, mà còn có tài. Trong giai đoạn xưa đã chứng minh rằng, phụ nữ không chỉ làm việc nhà, chăm lo cho gia đình, cho chồng, cho con mà họ còn có thể làm chủ được cuộc đời của mình.Phụ nữ Việt Nam còn có những đóng góp to lớn, sự dẫn chứng tiêu biểu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Ngoài ra, người phụ nữ còn rất thông minh, còn có thể đọc sách, học hành, viết văn làm thơ. Dù rằng chế độ cũ đã vùi dập lấy những tài năng của họ nhưng không làm mất đi lòng tự tôn của người Việt Nam, ngược lại, lại là tấm gương và chứng minh vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt lịch sử hàng ngàn năm.
3. Người phụ nữ qua 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ (Đảng Cộng Sản ra đời)
Ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ Giải phóng (tiền thân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay) được thành lập. Hoạt động xuyên suốt của Hội luôn hướng tới mục đích vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc oanh liệt 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Trong các cuộc trường kỳ kháng chiến này, phụ nữ Việt Nam đã không những vừa chăm chỉ thay chồng sản xuất, nuôi dạy con cái khôn lớn , chăm sóc cha mẹ già mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Các danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... đã chứng tỏ công lao và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam công nhận mà còn được toàn xã hội tôn vinh.
Chưa kể, họ chính là những người mẹ vĩ đại, người mẹ của Việt Nam, người mẹ của các anh hùng, người mẹ đã sinh ra những cán bộ, chiến sĩ, cách mạng yêu nước, công lao to lớn không thể sánh ngang bằng. Để rồi khi chiến tranh kết thúc, đất nước hoà bình, người xưa không thấy mặt, những người mẹ lại không thể thấy được mặt người cha, người con trở về. Nỗi đau đó sẽ luôn ẩn hiện trong tâm trí của những người mẹ anh hùng, cao cả đó. Nhưng họ lại không hề oán trách tí nào, ngậm ngùi nỗi đau đó suốt đời.
Người phụ nữ Việt Nam quả cảm, gan dạ, mạo hiểm trong các nhiệm vụ. Họ cầm trên vai súng, hùng dũng, oai phong khiến giặc phải khiếp sợ. Điển hình là “Đội quân tóc dài” đã trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng của kẻ thù trong kháng chiến chống Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ.
Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Thế nhưng, chiến tranh lúc nào rồi cũng sẽ có tan thương, trên chiến trường khốc liệt đó, đã có hàng trăm người phụ nữ quả cảm mãi mãi nằm lại trong lòng đất Việt, linh hồn của họ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Tiêu biểu là 10 nữ Thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến. Máu đào của các chị đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
4. Người phụ nữ trong thời hiện đại
Giờ đây, thời thế đã thay đổi, nữ quyền đã lên ngôi, sự bình đẳng giữa nam nữ đã được công nhận. Nếu nói về người phụ nữ hiện đại, không thể không nói đến vai trò làm mẹ của người phụ nữ trong gia đình. Họ có những ảnh hưởng to lớn trong gia đình, người phụ nữ Việt có trái tim ấm áp, có chức năng làm mẹ và nuôi nấng, dạy bảo con cái, chăm lo cho ngôi nhà của họ. Người đàn ông không thể không có đến người phụ nữ khôn khéo, giỏi giang việc nhà cửa. Bất kì thời nào thì “công, dung, ngôn, hạnh” cũng không thể thiếu.
Xã hội phát triển đổi mới, Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Họ tham gia nhiều các hoạt động, phong trào tích cực, có được tiếng nói và vị trí tốt trong xã hội. Nhiều người phụ nữ thành công, thành đạt bằng năng lực, siêng năng, chăm chỉ, rèn luyện và ý chí vững mạnh. Dù cho về mặt Chính trị hay Kinh tế cũng đều có sự góp mặt của phái đẹp.
Hay những tình nguyện viên, góp tiền ủng hộ, đầu tư cơ sở vật chất,..đều có được sự giúp đỡ của họ. Ngày nay càng có nhiều người trở thành nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, nhà tỷ phú,... Và phụ nữ được đặc quyền hơn, được mọi người tôn trọng và được hưởng chế độ trong công việc, lao động. Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ của thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào giúp người phụ nữ giảm bớt sức lao động của họ trong công việc gia đình.
Về phần cơ bản thì công việc làm mẹ, là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới việc dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Và hơn hết, người phụ nữ hiện đại cần biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết tình cảm giữa các thành viên gia đình, biết lấy giá trị quan trọng của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà người phụ nữ ngày nay có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như: nuôi dưỡng, giáo dục con cái, tham gia phát triển kinh tế gia đình.
Và ngày nay, để chứng minh lòng yêu thương tôn trọng, Việt Nam ta đã có rất nhiều ngày lễ để nhớ tới, trân trọng những người phụ nữ. Điển hình là Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày của Mẹ 14/5, ngày Quốc Tế phụ nữ 8/3,...
Kết luận.
Lịch sử và ngày nay đã khẳng định vai trò tích cực và những cống hiến to lớn của người phụ nữ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực. Tiếp bước truyền thống hào hùng ấy, người phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay cần phải nhận thức được đầy đủ về vai trò của mình để nắm bắt được những cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân bằng cách không ngừng học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại; có ý thức cầu tiến, tự tin, bản lĩnh vươn ra thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Top 7 Nữ anh hùng kiệt xuất của lịch sử Việt Nam
Nữ quyền thời quân chủ và sai lầm dịch thuật “phụ nữ khó dạy”
Vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
NGUYỄN THỊ THANH NGHĨA
Các tin cũ
- » Vai trò nữ giới trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ xưa nay 17/08/2023 19:44:34
- » Khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nước nhà 16/08/2023 17:10:05
- » Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập 16/08/2023 16:57:29
- » Phụ nữ Huế với việc phát triển nghề truyền thống 16/08/2023 16:50:44
- » Nguồn lực phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0 16/08/2023 16:28:34
- » Vai trò của phụ nữ trong dòng cháy lịch sử - văn hóa trên đất Hà Tĩnh xưa và nay 16/08/2023 15:58:10
- » Một số khái niệm cơ bản về gia phả, dòng họ, gia đình 13/08/2023 20:25:47
- » Cách xưng hô theo Hán - Việt 13/08/2023 19:44:12
- » Nhà gia phả học lớn nhất Việt Nam - Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ 13/08/2023 16:23:05