Trang chủ > Gia phả họ Lâm ở ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau

Gia phả họ Lâm ở ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau

09/08/2022 19:38:40

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh vừa xây dựng xong bộ gia phả của Thượng tướng Lâm Văn Thê - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Đây là bộ gia phả của họ Lâm ở ấp Cái Ngang, xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Hòa Thành, Thành phố Cà Mau).

Qua khảo sát mồ mả, thu thập thông tin trong họ tộc thì được biết họ Lâm này gốc người triều Châu. Ông tổ họ Lâm tên là Lâm Hồ đọc theo tiếng Triều Châu là Lâm Hấu. Hiện nay mộ ông ở ấp Cái Ngang. Ông đã có mặt ở Bạc Liêu từ đầu thế kỷ XIX (khoảng năm 1833) khi Bạc Liêu còn là vùng đất hoang vu.

Ông sống bằng nghề nông, có tất cả 9 người con, cả trai lẫn gái. Hiện nay, qua khảo sát tìm hiểu về dòng họ này chúng tôi chỉ biết được có hai người con trai có hậu duệ là người con trai thứ bảy và thứ tám. Ông thứ bảy tên Lâm Văn Sắt, là ông cố của ông Lâm Văn Thê, chúng tôi tìm được hậu duệ đầy đủ truyền nối đến nay là đời thứ tám. Ông thứ tám tên Lâm Văn Kỷ, chúng tôi chỉ tìm được đến đời thứ sáu.

Họ Lâm thuộc thành phần bần nông, sống dưới sự áp bức bóc lột của thực dân phong kiến rồi đến đế quốc Mỹ tại Bạc Liêu. Cánh đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu là hậu quả của sự áp bức bóc lột của bọn thực dân và tay sai.

Đến đời thứ V, con cháu họ Lâm đã giác ngộ cách mạng rất sớm đã đứng vào hàng ngũ của Đảng từ thời tiền khởi nghĩa. Ông Lâm Văn Thê (đời V) cùng chị và em gái và người em con chú đã thoát ly tham gia cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đi tìm mộ

Riêng ông Lâm Văn Thê đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp cách mạng cho quê hương đất nước. Trong suốt quá trình cách mạng ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Năm 1945 đã đứng vào hàng ngũ của Đảng và đã là Bí thư Chi bộ xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho đến năm 1947.

Năm 1948 Ông làm Bí thư Huyện ủy huyện Giá Rai.

Từ năm 1952 đến năm 1955 ông là Trưởng Công an tỉnh Bạc Liêu. Năm 1956 ông làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Rạch Giá. Năm 1959 ông được đề bạt vào Liên tỉnh ủy miền Tây. Năm 1960 khi phong trào Đồng khởi bùng nổ - Mặt trận Giải phóng ra đời, ông là Thường vụ Liên tỉnh ủy miền Tây vừa là Trưởng ban An ninh.

Đến tháng 3/1962, thành lập khu Tây Nam Bộ, ông là Trưởng ban An ninh khu Tây Nam Bộ.

Từ năm 1968 đến năm 1975 ông được chuyển về Trung ương Cục miền Nam làm Phó ban An ninh miền Nam.

Năm 1976 - 1977 ông là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Từ năm 1979 đến năm 1982 ông là Phó Bí thư đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Năm 1982 ông được bầu làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.

Năm 1987 ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kiêm Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông phấn đấu cho đến ngày 9 tháng 11 năm 1990 thì trút hơi thở cuối cùng vì bệnh nặng. Ông là một chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất có đạo đức cách mạng trong sáng đáng được con cháu tự hào noi gương và xã hội trân trọng.

Họ Lâm vốn gốc Triều Châu song đã sống lâu đời trên đất nước Việt Nam, có tinh thần cách mạng triệt để, có đóng góp vào hai cuộc kháng chiến thể hiện truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm của các dân tộc trên đất nước Việt Nam rất đáng quý.

Họ Lâm gốc nông dân, cần cù lao động, có lối sống bình dân, giản dị, dù ở địa vị nào cũng giữ được tình thân tộc, tình làng nghĩa xóm gần gủi thân thương.

Con cháu họ Lâm luôn giữ gìn đạo hiếu, coi trọng việc thờ phụng tổ tiên.

Việc xây dựng gia phả cho dòng họ nhằm thắt chặt hơn nữa tinh thần thân tộc để có trách nhiệm trong việc xây dựng dòng họ.

PHAN KIM DUNG
(GP: 23-8-2009)