Giỗ anh hùng dân tộc Trương Định lẽ ra vào ngày nào?
26/08/2022 17:51:49Đã 156 năm kể từ ngày người anh hùng dân tộc Trương Định đáp đền xong nợ nước, nhưng mãi đến hôm nay, hiểu biết của hậu thế về ông còn nhiều chỗ quan trọng vẫn mập mờ, thậm chí thiếu chính xác, trong đó có ngày giỗ ông.
Toàn cảnh đền thờ và mộ AHDT Trương Định tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Công Lý
Thật vậy, theo truyền thống văn hoá Việt Nam, sau đám tang của người quá cố thì việc tổ chức cúng giỗ là quan trọng nhất.
Do xuất phát từ nền văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước nên Việt Nam có truyền thống sử dụng âm lịch - hệ thống lịch pháp gắn chặt với những chuyển biến của thời tiết và nông lịch, nên ngày giỗ đương nhiên cũng tính theo âm lịch. Chính vì vậy mà lịch lễ hội ở Việt Nam nói chung, trong đó có lịch giỗ các vị Anh hùng dân tộc (AHDT), đương nhiên cũng tính theo âm lịch, kể cả ngày giỗ lớn nhất và lâu đời nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch).
Tuy nhiên, việc xác định ngày giỗ của AHDT Trương Định xưa nay lại là một ngoại lệ hiếm có: Ngày giỗ ông được tính theo dương lịch: 20.8 hàng năm. Thậm chí, ngày 10.3.2016, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định công nhận “Lễ hội Trương Định” vào ngày 20.8 dương lịch hàng năm là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Như vậy, việc xác định ngày giỗ theo dương lịch nói trên từ thói quen gần đây của cộng đồng đã được pháp lí hoá và được bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kĩ sẽ thấy việc xác định ngày giỗ của AHDT Trương Định như trên vẫn còn nhiều tồn nghi.
Trước hết, Trương Định không con nối dõi, nên việc thờ tự ông ở Gò Công do con riêng duy nhất của người vợ sau (Trần Thị Sanh) là Dương Thị Hương lo liệu. Mà bà Hương là vợ ông Huyện [Huỳnh Đình] Nguơn, người làm việc cho Tây, nên việc giỗ chạp người anh hùng chống Tây như Trương Định tất nhiên không thể nào tươm tất như ý muốn.
Năm 1897, bà Hương làm tờ tương phân gia tài, nội dung cực kì chi tiết, trong đó có việc giao trách nhiệm cho các con cúng giỗ từng người quá cố trong gia đình, nhưng lại không hề nhắc đến việc cúng giỗ cha dượng là Trương Định.
Các con của bà Hương và ông Nguơn cũng đều theo Tây, trong đó có bà Huỳnh Thị Điệu lấy chồng là Đốc phủ [Nguyễn Văn] Hải riêng được bà Hương chỉ định giỗ bà khi bà qua đời. Do đó, có thể đoán, trong suốt thời kì Pháp thuộc, AHDT Trương Định không được cúng giỗ trên đất Gò Công, hoặc là cúng giỗ hết sức sơ sài và âm thầm trong nhà của bà Dương Thị Hương và các con của bà, cũng như tại tư gia của các nghĩa quân còn sót lại. Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với việc bia mộ và các trụ biểu câu đối ở mộ Trương Định bị chính quyền thực dân cho băm nát và hoang phế từ năm 1875 cho đến 1949, khi thành lập chính thể Quốc gia Việt Nam.
Về phía triều Nguyễn, sử sách ghi chép về hành trạng của Trương Định như Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện khá sơ sài, đặc biệt không ghi rõ ông mất ngày nào. Trong tập Kì Xuyên văn sao của người đương thời là Cử nhân Nguyễn Thông (quê ở Tầm Vu, gần Gò Công) có “Trương Định truyện ” dài 4 trang, ghi chép khá chi tiết về hành trạng Trương Định, trong đó có ngày mất là 19.8 năm Giáp Tí, Tự Đức thứ 17 (1864). Còn lại dân chúng không thấy ai có ghi chép gì về Trương Định. Điều này cũng thật dễ hiểu trong thời kì thực dân theo dõi gắt gao tàn dư của nghĩa quân Trương Định, thậm chí bà Trần Thị Sanh đã bị phạt đến 10.000 quan tiền do đã xây mộ Trương Định quá bề thế và có nhiều câu chữ khích lệ tinh thần yêu nước chống Pháp.
Về phía thực dân Pháp, những ghi chép về hành trạng của nghĩa quân Trương Định rất chi tiết (chẳng hạn trong cuốn Les Premières années de la Cochinchine, 1874 của Vial), đặc biệt là trận vây bắt cuối cùng vào đêm 19 rạng 20.8.1864 khiến Trương Định bị thương và tự sát.
Sự kiện ngày 20.8.1864 này sau đó cũng được thuật lại trong Địa phương chí tỉnh Gò Công (1936).
Đến năm 1949, mộ Trương Định được trùng tu và khắc lại mộ bia bằng đá cẩm thạch màu trắng với nội dung vừa có chữ Hán vừa có số Ả-rập, như sau:
大南
奮勇大將軍追贈五軍郡公張公定之墓
卒於甲子年柒月拾捌日20/8/1864
陳氏生立石
Đại Nam
Phấn dũng Đại tướng quân, truy tặng Ngũ quân quận công, Trương Công Định chi mộ;
Tốt ư Giáp tí niên, thất nguyệt, thập bát nhật 20/8/1864;
Trần Thị Sanh lập thạch.
Lần trùng tu này ắt hẳn do con cháu của bà Dương Thị Hương chủ trì, bằng chứng là có ghi ‘Trần Thị Sanh lập thạch’. Họ là những người có Tây học và theo Tây, nhưng vẫn nặng lòng với những người kháng chiến và đặc biệt là với di nguyện của bà ngoại/ bà cố mình là Trần Thị Sanh.
Như vậy, hậu sự của AHDT Trương Định đến đây mới được vãn hồi và cải thiện, và có thể từ năm này, đặc biệt là sau năm 1954 - khi Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam - việc cúng giỗ Trương Định mới được chính thức tổ chức trên đất Gò Công sau 90 năm dài đăng đẵng.
Chính vì đã 90 năm không được chính thức cúng giỗ nên việc xác định ngày mất để phục hồi cúng giỗ là cả một vấn đề. Ngày dương lịch thì đã rõ ràng là 20.8, nhưng xác định tương ứng ngày âm lịch là ngày nào lại rất khó khăn.
Mộ bia AHDT Trương Định. Ảnh: Lê Công Lý
Trên mộ bia tái lập năm 1949 ghi “Tốt ư Giáp tí niên, thất nguyệt, thập bát nhật” (Mất ngày 18 tháng 7 năm Giáp Tí – 1864). Xưa nay ai cũng nghĩ ngày 18.7 âm lịch này tương ứng với ngày dương lịch là 20.8, nhưng thực sự không phải: Ngày 18.7 năm Giáp Tí tương ứng với ngày dương lịch là 19.8.1864. Như vậy, có thể trong “Trương Định truyện”, Nguyễn Thông đã chép nhầm ngày mất của Trương Định: ngày 19.8 dương lịch mà ông lại cho là âm lịch.
Nhưng nếu xác định ngày mất của Trương Định là 19.8 dương lịch, nhằm 18.7 âm lịch thì lại không khớp với những ghi chép chính xác của Pháp lúc bấy giờ. Vậy sự thực như thế nào?
Có thể tham khảo ngày giỗ của Thủ Khoa Huân ở Chợ Gạo – người đồng chí đương thời với Trương Định và ở giáp ranh với Gò Công. Thủ Khoa Huân hi sinh ngày 19.5.1875, nhằm 15 tháng 4 năm Ất Hợi, tuy nhiên lại được cúng giỗ chính thức tại nhà cháu ngoại là ông Hội đồng [Trần Văn] Thông vào ngày 14.4 âm lịch hàng năm, tức sớm 1 ngày trước ngày mất. Đây chính là phong tục giỗ ngày sống (tức cúng giỗ 1 ngày trước ngày mất) vốn vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình ở miền Trung và cả Nam Bộ.
Như vậy trên mộ bia Trương Định hiện tại có ghi hai ngày mất khác nhau: Ngày dương lịch (20.8.1864) là ngày mất thực tế theo sách Pháp; nhưng bên cạnh đó, người dân Gò Công vẫn âm thầm ghi nhớ ngày hi sinh của người anh hùng theo âm lịch là 18.7 năm Giáp Tí. Và, sự việc đó hiển nhiên đến mức xưa nay hầu như ai cũng nghĩ hai ngày dương lịch và âm lịch đó là một, nhưng thực ra là cách nhau một ngày.
Tuy nhiên, điều đáng nói chính là: Ngày mất tính theo truyền thống (18.7 âm lịch) đã được khắc rõ ràng từ năm 1949, thì cớ sao từ đó đến nay người ta vẫn cúng giỗ AHDT Trương Định theo ngày Tây?
Gia đình AHDT Trương Định mấy đời chống Tây cho đến tuyệt tự, mà suốt bao năm qua ông phải chịu giỗ theo ngày Tây ở một nước đã độc lập, thì thử hỏi có còn chua xót nào hơn?
Lê Công Lý
(Theo nguoidothi.net.vn)
(GP: 25-8-2020)
Các tin cũ
- » Kỳ nữ cải lương Kim Cương có phải là cháu vua Thành Thái? 26/08/2022 17:38:00
- » Đời sống người Việt 25/08/2022 19:35:42
- » Bàn thờ gia tiên 25/08/2022 18:51:23
- » Đôi nét về môn phong thủy 25/08/2022 18:37:46
- » Bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam sau ngày hội nhập 25/08/2022 17:20:59
- » Tổng quan các dạng thức văn hóa Việt Nam 25/08/2022 16:59:55
- » Cây nêu ngày Tết và nghi thức thờ cúng tổ tiên 25/08/2022 16:48:08
- » Giá trị văn hóa truyền thống của văn bia 25/08/2022 16:26:38
- » Dấu ấn văn hóa Việt trong Kinh Thi 25/08/2022 16:13:52