Trang chủ > Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 2: Đến vùng đất mộ táng lão hổ sơn

Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 2: Đến vùng đất mộ táng lão hổ sơn

27/08/2022 15:32:12

Cách thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) khoảng 20 cây số có một vùng núi âm u, vắng vẻ với các bãi tha ma chập chùng trong cỏ dại.

Vùng này đã trải nhiều thế kỷ mộ táng - đó là vùng Lão Hổ Sơn - nơi nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật và những cộng sự của ông đoán định có mộ cổ của vua Hồ Quý Ly.

 Đến nay ông Đỗ Đình Truật cùng tất cả cộng sự vẫn còn nguyên những thao thức chưa nguôi vì tuy đến được nơi đó cách đây 6 năm (vào 2004) nhưng do vướng một số trở ngại, khúc mắc, nên việc khai quật và tìm kiếm vẫn chưa thực hiện thích đáng và rốt ráo được. Về việc này, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật thay mặt mọi người cùng chung sức trong việc tìm kiếm mộ Hồ Quý Ly tại Trung Quốc đã nói với phóng viên Báo Thanh Niên trong cuộc tiếp xúc gần đây nhất, vào ngày 9.8.2010, như sau:

- Tôi đặt chân đến TP Nam Kinh vào một buổi sớm mùa thu. Thành phố này có lịch sử tạo lập ngót 2.400 năm qua, nghĩa là bắt đầu từ năm 333 trước Công nguyên khi nước Sở đã thôn tính xong nước Việt và vua Sở bấy giờ là Sở Uy Vương ra lệnh xây thành Kim Lăng trên đất Nam Kinh ngày nay. Rồi trải các đời Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Nam Đường, cho đến đời Minh có hết thảy 8 vương triều lấy Nam Kinh làm kinh đô. Kinh đô này có nhiều truyền thuyết đầy chất thơ về một loại đá hiếm có tên là đá Vũ Hoa. Đây là loại đá “đặc sản” của vùng Nam Kinh cổ kính. Người ta kể rằng, xưa kia lâu lắm rồi, có một dạo hoa từ đâu trên trời không biết đã rơi xuống như mưa trên vùng đất Nam Kinh. Những nơi có mưa hoa thì đất ở đó cứng lại thành đá, rất đẹp, trên đá in hẳn hình các bông hoa rơi thân vào đó. Loại đá ấy đã được vua đầu nhà Minh là Chu Nguyên Chương lấy xây thành quách Nam Kinh với quy mô lớn, đến nay tường thành bằng đá của thời Minh vẫn còn khoảng 20 km và trở thành di tích hiếm quý của Trung Quốc. Chính đá Vũ Hoa ấy cũng có mặt ở lãnh địa Lão Hổ Sơn quanh những ngôi mộ im lìm bí ẩn mà tôi cho là mộ của con cháu họ Hồ bị quân Minh bắt từ nước Việt giải về Nam Kinh thời trước. Nhất là dưới lòng đất đồi Lão Hổ Sơn có thể còn ôm ấp tro tàn của vị vua Hồ Quý Ly từng chống quân Minh xâm lược vào ngót 600 năm trước. Trên chuyến tàu đến TP Nam Kinh vào ban đêm tôi có thời giờ hỏi thăm cô gái đã đón tôi ở nhà ga Bắc Kinh và được biết tên cô là Hồ Thị Thu Vân, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bắc Kinh. Sở dĩ cô biết tôi đến Bắc Kinh tìm mộ Hồ Quý Ly là do gia đình cô ở VN thông báo trước, vì thế cô sẵn sàng làm người tình nguyện dẫn đường cho tôi suốt chuyến đi đặc biệt này...

 

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật (giữa) tiếp chuyện các nhà du khảo Trung Quốc tại Nam Kinh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Đỗ Đình Truật cho biết đang viết hồi ức về những năm tháng lần theo dấu vết mộ cổ Hồ Quý Ly và hậu duệ họ Hồ bị lưu đày trên đất Trung Quốc. Chúng tôi hỏi mượn để xem tập tài liệu (chưa xuất bản) ấy của ông. Ông đã vui vẻ đưa ra và đồng ý để chúng tôi trích dẫn các phần liên quan như dưới đây:

“Ngoài cô sinh viên Thu Vân, trên chuyến tàu đêm đến TP Nam Kinh, còn có một người khác không quen biết gì chúng tôi nhưng sau khi biết tôi là người VN sang Trung Quốc tìm mồ mả của cha ông đi làm ăn và chết ở bên này mấy trăm năm về trước, anh ta tỏ ra rất cảm động và cũng tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Hỏi ra, rất tình cờ, anh ta cũng là người họ Hồ sinh sống ở Giang Tô, anh nói vanh vách về dòng họ Hồ của một số người VN lưu lạc từ rất lâu đời ở tỉnh này. Xuống tàu, chúng tôi đến đồn công an địa phương, sau khi nghe trình bày mục đích đi tìm kiếm người thân đã mất ở đây từ lâu đời, họ đã vặn hỏi kỹ càng, mới cho biết ở nguồn ngọn núi Lão Hổ Sơn, thôn Kim Lăng xưa, hiện còn lại một bãi tha ma hình như của người Việt chết chôn ở đó mấy trăm năm rồi. Nghe vậy, cô Thu Vân rất hoạt bát, thông minh, đã tiếp chuyện họ bằng tiếng thổ ngữ tỉnh Giang Tô, một cách trôi chảy không vấp váp một tí nào, làm cho họ nhanh chóng hiểu ra sự việc, lấy làm cảm động tỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi. Thật vậy, sau đó họ cử một sĩ quan công an cấp bậc đại úy, với chiếc xe cảnh sát dẫn đường phía trước đưa chúng tôi đi, rời trung tâm TP Nam Kinh để chạy ngoằn ngoèo độ hai tiếng đồng hồ sau mới đến một nơi vắng người, bấy giờ một đồng chí cảnh sát nói: “Đây là khu vực núi Lão Hổ Sơn - thôn Kim Lăng ngày xưa đấy”. Chúng tôi bồi hồi leo lên những ngọn đồi heo hút, đầy mồ mả vô chủ nằm ven những con đường mòn cỏ rậm, lấp gần như hết lối đi. Nửa chừng, bất giác tôi bị choáng trong giây lát và vấp ngã vào một ngọn cây nhọn hoắt bên đường, tưởng đã bị thương nặng - ấy thế mà tôi không có việc gì. Mọi người thở phào nhìn tôi qua keo nguy hiểm. Rồi đó, chúng tôi thấy núi Lão Hổ Sơn hiện ra trước mắt - nửa ảo nửa thật như một phần trong hiện tại - và phần kia đã chìm sâu vào quá khứ mịt mờ - với hàng trăm hàng ngàn người VN yêu nước đã gửi nắm xương tàn đó đây trên đất khách chứ có riêng gì Hồ Quý Ly đâu... Nghĩ thế mà tôi choáng”.

Đọc tới đó, chúng tôi hỏi ông cụ thể hơn về những người yêu nước bị quân Minh bắt mà ông đang có tài liệu tổng hợp đầy đủ trong tay. Ông đáp, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại vào giữa năm 1407, thì theo Đại Việt sử ký toàn thư, tướng nhà Minh là Trương Phụ và Mộc Thạnh đã sai đô đốc Liễu Thăng và các tướng bắt Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng, cùng các con là Triết, Uông, các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, cháu nhỏ là Ngũ Lang, em là Quý Tỳ, cháu gọi bằng bác là Nguyên Cửu, Tử Tuynh, Thúc Hoa, Bá Tuấn, Đình Việp, Đình Hoãn, cùng các tướng nhà Hồ là Hồ Đỗ, Nguyễn Ngạn Quang, Lê Cảnh Kỳ, Đoàn Bồng, đình bá Trần Thang Mông, trung lang Phạm Lục Tài, mang theo ấn tín giải tất cả về Kim Lăng, tức Nam Kinh. Quân Minh xâm lược đã thu đất của 48 phủ và châu, 168 huyện, 3.129.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 35.750 con trâu bò, 8.865 chiếc thuyền. Những con số đó là do người Minh thống kê, đau xót hơn quân Minh đã mang rất nhiều sách vở ở nước ta đem về Trung Quốc, cuốn nào không đem về được thì đốt bỏ. Không dừng ở đó, theo tài liệu của Quỳnh Chi, sau khi bắt Hồ Quý Ly về giam ở Nam Kinh, nhà Minh còn ra sức vơ vét nhân tài vật lực và đã đưa về Trung Quốc hơn 16.000 người bao gồm các nhân sĩ, trí thức, những người thợ giỏi và gia quyến của họ. Sau này, số người ấy bị phân tán đi xây thành Bắc Kinh, một số chết tuyệt tích - trong đó có Hồ Quý Ly.

Nguyễn Trãi - từng làm quan dưới triều Hồ - đã tiễn cha mình là Nguyễn Phi Khanh cùng đoàn người (vua Hồ Quý Ly cùng các con và nhiều bộ tướng) bị giặc bắt giải về đất Bắc. Đến ải Nam Quan, ông nghe lời khuyên của cha trở về lo việc trả nợ nước, báo thù nhà. Về sau có lần đi qua cửa biển Thần Phù, Nguyễn Trãi đã chạnh lòng tưởng nhớ đến Hồ Quý Ly - con người đã một thời oanh liệt, từng bố phòng chống giặc nơi đây - nên làm bài thơ Quan hải có câu:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật

Anh hùng di hận kỷ thiên niên

(Nghĩa là: Họa phúc có manh mối không phải từ một ngày. Người anh hùng thì để hận tới mấy nghìn năm sau).

Nguyễn Anh (Danh nhân đất Việt)

* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 1: Từ những giấc mộng lạ

Theo Giao Hưởng (Báo Thanh niên)

(GP: 14-8-2010)