Trang chủ > Họ Trần Đắc Quảng Nam - ba năm tìm được nhau trong lưu lạc

Họ Trần Đắc Quảng Nam - ba năm tìm được nhau trong lưu lạc

26/08/2022 19:58:15

Cội nguồn họ Trần Đắc đang mở ra cho những con người mang dòng máu Trần Đắc ấm áp tình thân tộc, để truyền cho nhau những quang vinh nhiều đời tổ tiên và dòng họ tạo dựng.

Tổ tiên đã cho ta niềm tự hào, tổ tiên đã linh thiêng cho anh em quy tụ về một mối để khẳng định lại cho con cháu rằng giọt máu đào này không bao giờ phai nhạt, không bao giờ thành nước lã.

Họ Trần Đắc là một chi phái của họ Trần có nguyên quán từ tỉnh Thanh Hóa, theo Chúa Nguyễn khai phá đất Quảng Nam, lập ấp định cư tại Cẩm Phô - Hội An.

Tổ đời thứ I là ông Trần Đắc Đợi, sanh vào khoảng năm 1700.

Tổ đời thứ II là ông Trần Đắc Tấn, sanh năm 1729.

Tổ đời thứ III là: Ông Trần Đắc Trường, sanh năm 1754 và ông Trần Đắc Luân, sanh năm 1756.

Đến đời thứ IV, con của hai Tổ Trường và Tổ Luân rất nhiều nhưng chỉ ghi lại bốn vị, chia làm bốn phái. Các tổ của phái nhất, phái nhì và phái tư hiện nay chưa đủ thông tin để quy tụ. Trưởng phái ba là ông Trần Đắc Nguyên vào Gia Định gặp bà Trương Thị La, năm 1810 sanh một trưởng nam là ông Trần Đắc Du, ông thứ là Trần Đắc Thục sanh năm 1812.

Trần Đắc Du quay về lại Hội An, Quảng Nam tạo nghiệp và lo việc thờ phụng tổ tiên nối truyền cho con cháu thành một chi họ Trần Đắc tại Cẩm Phô, Hội An ngày nay và ông Trần Đắc Hùng làm trưởng tộc. Hội An, Quảng Nam chính là chiếc nôi của dòng họ Trần Đắc đàng Trong sau khi bắt đầu rời xa đất Bắc.

Tổ tiên họ Trần Đắc từ Thanh Hóa vào huyện Đại Lộc năm 1800, lập thành một chi họ Trần Đắc chi Đại Lộc, gia phả lưu truyền đến đời hiện nay có 13, nhưng trong đó 4 đời vẫn ghi quán tại Thanh Hóa. Ông Trần Đắc Trung làm tộc trưởng, con cháu khai cơ lập nghiệp tập trung tại thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc..

Một chi họ khác vào huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam sanh hạ thành một chi họ Trần Đắc chi Quế Sơn, con cháu ở đây kế tục sự nghiệp đã hơn 10 đời. Ông Trần Đắc Đoàn làm trưởng tộc.

Ông Trần Đắc Thục theo cha mẹ xuôi về miền Tây, đến làng Vĩnh Trường , tỉnh Trà Vinh thì dừng chân, khai phá ruộng vườn phát triển thành một chi phái Trần Đắc tại đây, tức là Tộc Trần Đắc phái III miền Nam, ông Trần Đắc Hải làm tộc trưởng. Hiện nay tộc Trần Đắc phái III miền Nam sanh hạ rất đông và  lập nghiệp nhiều nơi của miền Nam và cả nước ngoài.

Chiến tranh đã đi qua, cuộc sống đã ổn định con cháu tộc Trần Đắc có cơ hội suy ngẫm về nguồn cội, tổ quán. May mắn thay! Ông cha sanh thời thường truyền miệng cho con một câu đã in sâu trong ký ức, đó là “Dù ở đâu, làm nghề gì và thời thế có đổi thay gì đi nữa các con phải luôn giữ lấy họ mình là TRẦN ĐẮC, chữ Đắc bỏ đi là ta mất đi gốc tích”. Từ câu nói ấy của dòng họ, đơn giãn với thiên hạ nhưng đối với họ Trần Đắc có ý nghĩa rất lớn và rất thiêng liêng. Anh em dòng họ Trần Đắc đã tìm lại nhau cách đây ba năm (2008).

Ba năm tìm được nhau nhưng lòng còn hoài nghi, sợ mình ngộ nhận! Ngày 18 tháng 2 năm Tân Mão (2011), bước đầu đại diện các nơi: Trà Vinh, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An ngồi chung nhìn nhận nhau như đang gom tụ lại những giọt máu lưu lạc nhiều nơi, nhiều năm chưa có cơ hội hòa chung. Cội nguồn họ Trần Đắc đang mở ra cho những con người mang dòng máu Trần Đắc ấm áp tình thân tộc, để truyền cho nhau những quang vinh nhiều đời tổ tiên và dòng họ tạo dựng. Tổ tiên đã cho ta niềm tự hào, tổ tiên đã linh thiêng cho anh em quy tụ về một mối để khẳng định lại cho con cháu rằng giọt máu đào này không bao giờ phai nhạt, không bao giờ thành nước lã.

Vậy ta phải làm những gì cho mỗi ngày lại thêm tốt đẹp!

Tiếp tục bảo nhau Trần Đắc chỉ có một nguồn cội để xây dựng dòng họ lớn mạnh.

Các chi tộc cơ bản đã thống nhất, dự kiến ngày 7 tháng 8 năm Tân Mã, họp thành lập Hội đồng Gia tộc Trần Đắc Quảng Nam, chánh thức công bố trong phạm vi cả nước. Hội đồng gia tộc sẽ đặt ra cho dòng họ một kế sách “Tìm lại cội nguồn”, xây dựng tộc ước, tu sửa mồ mả tổ, xây dựng nhà thờ, tập trung tìm hiểu từng thứ lớp trong tộc đã kết nối để khẳng định vai vế anh em. Cùng nhau thực hiện mỗi chi họ đều phải có một gia phả để giữ giềng mối, quan hệ nhiều đời tiếp theo không bị xáo trộn trong thế hệ sanh sau, kế tục được truyền thống dòng họ.

Rồi cả nước anh em họ Trần Đắc sẽ được ngồi bên nhau nghĩa tình sâu đậm, làm những việc đầy ý nghĩa, nuôi lớn cháu con trong niềm hạnh phúc thành đạt và hãnh diện với những nét văn hóa của dòng họ mình.

Khát khao tìm huyết thống muôn đời không đóng lại, tổ tiên vẫn mĩm cười khi ta còn nhận diện được chính ta con cháu họ Trần Đắc và cũng chính là con cháu họ Trần Việt Nam lan tỏa từ phủ Thiên Trường đầy hiển hách. Người họ Trần mọi tầng lớp đều mang theo dòng máu liệt oanh, trí tuệ và nhân nghĩa, phải biết tự hào bằng “Hào khí Đông A”.

Trần Văn Đường
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa Dòng họ VN)

Trần Đắc Trung
(Hội đồng Gia tộc họ Trần Đắc chi họ Trà Vinh)

(GP: 25-6-2011)