Một số khái niệm cơ bản về gia phả, dòng họ, gia đình
13/08/2023 20:25:47Như chúng ta đều biết, “nước có sử, nhà có phả”. Lịch sử của đất nước ghi rõ từng thời kỳ với những con người, sự việc của nước nhà; còn gia phả tức là sử của một dòng họ thì ghi những việc thuộc dòng họ ấy, bắt đầu từ ông/bà tổ phụ mẫu, người mà những người đang sống biết được, ghi đầy đủ về tổ quán của ông /bà tổ ấy cho đến ngày nay; ghi các thành viên (hậu duệ) của dòng họ, thứ thế (đời), ngày sinh, ngày mất, ghi hành trạng của họ; ghi phả đồ, ngoại phả và phụ khảo.
Đất nước trong giai đoạn không có sử gọi là huyền sử. Nhà không có phả gọi là huyền phả, tức tổ tiên, truyền thống dòng họ, con người, sự việc ở đây chỉ dựa vào ký ức và truyền khẩu, do vậy lâu ngày bị mai một. Có gia phả, mọi việc sẽ rõ ràng, chính xác, bền vững, khả năng lưu truyền mạnh mẽ, mau lẹ và đi xa hơn. Người “mất gốc”, không biết mình do ai sinh ra và gốc gác ở đâu, đây là hoàn cảnh đáng thương cô độc và quạnh quẽ. Người có gia phả sẽ tự tin, tự hào về truyền thống tốt đẹp, sáng lạng của dòng họ mình để củng cố niềm tin, vững bước đi lên trong mọi tình huống.
Có gia phả, con cháu sẽ nắm chắc ngày giỗ ông bà, không cưới gả với người trong họ, nắm rõ thứ thế để trong giao tiếp, việc thưa gửi, tôn ti sẽ rõ ràng.
Để có sự thống nhất trong cách viết, cách nói và hiểu cho đúng trong gia phả người Việt hiện nay của các dòng họ nói chung cũng như dòng họ Nguyễn Bá Quang Chiêm nói riêng, căn cứ nhiều tài liệu chính thống có tính phổ thông, chúng ta sử dụng các nội dung phổ biến để viết gia phả thời nay như sau sau:
1. Về nội dung gia phả gồm có 3 phần lớn
- Chính phả: Gồm có 3 phần là phả ký, phả hệ và phả đồ.
- Ngoại phả: Ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ, ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào…
- Phụ khảo: Ghi địa chí xóm thôn, đình miếu, chợ, bến đò….
Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng. Phải công phu, nghiêm túc trong việc dựng phả. Gia phả là tư liệu quí giá cho dòng họ, nhà sử học, dân tộc học.
2. Về cách gọi đặt tên chữ lót
- Húy (tên đẻ): tên cha mẹ đặt lúc nhỏ để ghi vào sổ sách, gia phả, con cái không được gọi.
- Thụy (hèm): khi chết do vua đặt hoặc do người trước khi chết dặn đặt (Tên sau khi mất đối với đàn ông).
- Hiệu: tên riêng tự chọn sau khi mất đối vỡi đàn bà, thường lấy tên nhà phật.
- Tự: tên theo tập quán từng vùng lúc trưởng thành. Tên tước do vua ban…
- Bí danh: do đi kháng chiến đặt.
3. Về hệ thống phân cấp trong gia phả
Người xưa chưa có quan niệm hệ thống hóa thứ tự bằng những con số cho nên chỉ áp dụng phân loại chi nhánh họ theo hệ can chi. Do quen dùng can, chi để tính năm, tính tuổi, người xưa đã áp dụng qua chi nhánh họ để phân loại trưởng thứ như: Chi Giáp là danh hiệu cho con Trưởng và dòng con cháu về sau; Chi Ất là danh hiệu cho con thứ hai và dòng con cháu; Chi Bính con thứ ba...; Chi Đinh con thứ tư... Chi Mậu con thứ năm...
Cho đến nay chưa có một điển chế thống nhất việc phân chia các cấp sinh hạ trong dòng tộc. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã dựa nguyên lý “Thủy hữu nguyên, mộc hữu bổn” (nước có nguồn, cây có gốc) mà chia huyết thống sinh hạ thành các cấp: Chi (cành, nhánh cây); Phái (dòng nước, nhánh sông)...
Dòng họ: Là các thế hệ nối tiếp nhau nhiều đời, có cùng chung một nguồn gốc tổ tiên;
Chi họ: Là do ông Thủy tổ họ sinh ra và phân chia lần đầu thành các chi họ. Tuy nhiên, các chi họ có thể phân chia từ đời thứ hai, hoặc đời tiếp theo mới phân chia.
Phái họ: Là từ các chi họ tiếp tục phân chia ra thành nhiều phái. Có thể xem ông đầu phái họ là đời thứ 3 của dòng họ. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải được phân chia từ đời thứ 3, mà có thể đời thứ 4, hoặc đời tiếp theo mới phân phái.
Cành: Mỗi phái phân ra nhiều cành. Như vậy, con, cháu, chắt… của ông đầu phải là Thủy tổ của mỗi cành họ.
Nhánh: Là từ cành họ được phân chia ra nhiều nhánh, mỗi nhánh họ đều có nguồn gốc từ một cành, và mỗi cành đều có nhiều nhánh.
Chi nhánh: Là từ mỗi nhánh, tiếp tục phân chia ra nhiều chi nhánh; và còn tiếp tục phân chia thành nhiều nhóm, có nơi còn gọi là dài.
Như vậy, khái niệm dòng họ, chi họ, phái, cành, nhánh, chi nhánh là thống nhất từ một nguồn gốc do ông Thủy tổ họ sinh ra và là đầu mối của các thế hệ trong một dòng họ thống nhất.
Đối với dòng họ Nguyễn Bá Quang Chiêm, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nguồn gốc Tổ tiên là Cụ (Tiên Tổ Khảo) Nguyễn Phúc Yên sinh ra. Đến đời thứ 4 phân chia ra thành 2 chi họ, chi họ thứ Nhất do Cụ Nguyễn Huy Du đứng đầu, chi họ thứ 2 do Cụ Nguyễn Đạo Bản đứng đầu.
Chi họ thứ Nhất đến đời thứ 10 được phân chia ra thành 2 phái, phái thứ Nhất do Cụ Nguyễn Bá Định đứng đầu; phái thứ 2 do Cụ Nguyễn Bá Phàn đứng đầu.
Chi họ thứ 2 đến đời thứ 5 chia thành 3 phái, phái thứ Nhất do Cụ Nguyễn Bá Viêm đứng đầu; phái thứ 2 do Cụ Nguyễn Bá Giao đứng đầu; phái thứ 3 do Cụ Nguyễn Bá Thanh đứng đầu.
Dòng họ Nguyễn Bá Quang Chiêm có 2 chi họ và 5 phái họ. Nếu tính đời thứ 12 thì người đứng đầu chi họ thứ Nhất là ông Nguyễn Bá Tùng, người đứng đầu chi họ thứ 2 là ông Nguyễn Bá Đậu. Các phái họ thì tùy vào đời thứ mấy các chi họ phân chia ra các phái tương ứng; từ các phái tương ứng phân chia ra các chi phái hay cành họ và có những người đứng đầu các phái, các cành đó.
4. Các thứ bậc Tiền nhân
Trong phả cổ hoặc trong cúng tế những bậc quá cố được viết và đọc khác so với khi còn sống. Theo đó, phân thứ bậc các đời thì người xưa áp dụng hệ thống "cửu tộc", hay xưng hô theo Hán-Việt phân chia Thập hệ.
Cha gọi là Hiền khảo, mẹ là Hiền tỷ;
Ông bà nội là Tổ khảo, Tổ tỷ;
Cụ (cố) là Tằng Tổ khảo, Tằng Tổ tỷ;
Kỵ (can) là Cao Tổ khảo, Cao Tổ tỷ;
Các bậc trên nữa gọi chung là Tiên Tổ các đời cho đến Thủy Tổ. Một số họ từ bậc Cao Tổ khảo, cứ thêm một bậc lại thêm một chữ “cao”, chẳng hạn: Cao Cao Tổ khảo, Cao Cao Cao Tổ khảo... Cách đọc này cũng khá bất tiện nên ít được dùng.
Cách xưng hô thứ bậc trong Gia tộc theo từ Hán - Việt:
Từ ngữ, ngôn từ trong gia tộc là một hệ thống tương đối chặt chẽ. Trong các bản gia phả hầu hết là từ Hán Việt, trong ngôn ngữ hàng ngày thì hầu hết là từ Thuần Việt.
Trong hệ thống gia phả, có cách phân chia Thập hệ (10 thế hệ) như sau :
[+5]. Tiên tổ (khảo)
[+4]. Cao tổ (khảo)
[+3]. Tằng tổ (khảo)
[+2]. Hiển tổ (khảo)
[+1]. Hiển (khảo)
[0]. Bản thân
[-1]. Tử
[-2]. Tôn
[-3]. Tằng tôn
[-4]. Huyền tôn.
Thập hệ này tính theo Nội tộc, tức là theo đằng Cha, Ông nội...
Chữ "Khảo" chỉ đi với người trực hệ và dành cho người đàn ông; chữ "Tỷ" dành cho người đàn bà.
Bậc Hiển bao gồm Cha, chú, bác (trai) đằng nội. Cha là Hiển khảo, chú là Hiển thúc, bác là Hiển bá.
Bậc Hiển tổ bao gồm các ông. Ông nội là Hiển tổ khảo. Các ông khác là Hiển tổ thúc, hiển tổ bá.
Bậc Cao tổ là bậc Cụ (Cố).
Bậc Tiên tổ là bậc Kị (Can).
Tuy vậy không nhất thiết Tiên tổ và Cao tổ có nghĩa là ở vào hàng [+5] và [+4].
Thường theo các Gia phả, thì bậc đầu tiên trong Gia tộc sẽ là Tiên tổ, tiếp theo là Cao tổ. Vì vậy nếu gia tộc có nhiều đời thì tiếp theo Cao tổ sẽ không phải là Tằng tổ, mà là các bậc Đệ tam tổ, đệ tứ....
Tiên tổ (khảo) sẽ là người đầu tiên mở ra Gia tộc, một dòng, hoặc một chi họ. Nhưng không nhất thiết phải là tổ của Họ.
Tổ của một họ là Thuỷ tổ, thường không biết được chính xác, ngoại trừ một số ít họ.
Bậc tổ khai nghiệp của Hoàng tộc sẽ là Thái tổ.
Ngày nay, khi lập gia phả theo lối mới ta nên áp dụng những con số liên tiến theo thứ tự. Về chi nhánh theo số La Mã (I, II, III...) hoặc theo các chữ cái vần A, B, C... về các đời thì cũng theo thứ tự diễn tiến theo những con số tương ứng (Đời 1, Đời 2, Đời 3...). Các chức danh tương ứng ngày xưa thì gọi theo hệ thống "cửu tộc" hay "thập hệ".
5. Phong tục cúng giỗ
Theo sách Thọ Mai Gia Lễ thì ông bà ta có tục lệ "Ngũ đại mai thần chủ", tức việc cúng giỗ chỉ thực hiện trong 5 đời theo phép "Ngũ đại đồng đường".
五 代 埋 神 主: Ngũ Đại Mai Thần Chủ
五 (ngũ = 5)
代 (đại = đời)
埋 (mai = mai táng, chôn cất)
神 (thần = thần linh, thần hồn)
主 (chủ = chủ nhân, chú
Cần chú ý là hai chữ "thần chủ" (神 主) ghép với nhau là một từ chỉ cái bài vị (tấm thẻ đề tên người chết) đặt trên bàn thờ để thờ.
"Ngũ đại mai thần chủ" = Năm đời thì đem chôn bài vị.
Xưa không có ảnh, nên ai chết thì làm bài vị, đặt trên bàn thờ để cúng giỗ.
Đây là câu quy định cách cúng giỗ tổ tiên, đến năm đời thì đem bài vị chôn đi, cúng giỗ chung với các bậc tổ tiên.
Trong 5 đời là tính cả đời người chịu trách nhiệm cúng giỗ (đời 1), nên thực tế thì chỉ cúng có 4 đời là: Cao, Tằng, Tổ, Phụ, tức 4 đời tính từ dưới lên là: cha mẹ (đời 2), ông bà (đời 3), cụ (hay cố, đời 4) và kỵ (hay can, đời 5). Các đời trên Cao tổ khảo (tức kỵ/can) gọi chung là Tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của Thuỷ tổ. Người chịu trách nhiệm cúng giỗ sẽ mang thần chủ của cụ đời thứ 6 đem đi chôn và sửa lại thần chủ của các đời bên dưới bằng cách nâng lên một bậc, cụ đời 6 được rước vào nhà thờ họ để khấn chung với cộng đồng Gia tiên trong các dịp giỗ chạp, tết lễ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Mai Hoa, "Gia phả dòng tộc" Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin 2009;
2. Võ Ngọc An, Võ văn Sổ, Phan Kim Dung, Nguyễn Hữu, Trần Kim Xuyến "Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh". Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả thành phố Hồ Chí Minh;
3. Trương Đình Bạch Hồng,"Vài nét về phả học" Viện nghiên cứu lịch sử;
4. Nguyễn Đức Dụ, "Gia phả khảo luận và thực hành", Nhà xuất bản văn hóa 1992;
5. Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, Hà Nội, Nhà xuất bản khoa học xã hội 2009.
NGUYỄN BÁ HÀNH
(Theo nguyenbaqc.cOm)
Các tin cũ
- » Cách xưng hô theo Hán - Việt 13/08/2023 19:44:12
- » Nhà gia phả học lớn nhất Việt Nam - Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ 13/08/2023 16:23:05
- » Vài nét về Gia phả học 11/08/2023 14:37:50
- » Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc chống giặc ngoại xâm 06/08/2023 12:34:04
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổng kết 6 tháng đầu năm 2023 05/08/2023 16:45:01
- » Người của muôn năm cũ 31/07/2023 15:23:15
- » “Nhà viết sử tài năng” - Cây me tuổi thơ 29/07/2023 19:26:22
- » Họ Huỳnh ở Bình Trị Đông A - Một gia tộc điển hình 17/07/2023 18:51:14
- » 081. Gia phả họ Huỳnh (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 14/07/2023 19:18:27