Trang chủ > Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc chống giặc ngoại xâm

Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong việc chống giặc ngoại xâm

06/08/2023 12:34:04

Tham luận của ThS Phan Kim Dung viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

ThS Phan Kim Dung - tác giả tham luận

Trong quá trình sản xuất, người phụ nữ Việt Nam từ xưa đã biểu lộ rõ rệt tinh thần làm chủ, ý thức cộng đồng và thái độ chăm lo đến công việc chung. Cho nên, khi đất nước bị ngoại xâm, người phụ nữ Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đã khẳng định được trách nhiệm của mình “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. 

Đánh giặc giữ nước đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình trong tất cả các giai đoạnn chống ngoại xâm của dân tộc: Từ thời kỳ Bắc thuộc, thời phong kiến độc lập và thời kỳ lịch sử hiện đại.

Lật từng trang sử chống ngoại xâm của dân tộc, chúng ta sẽ thấy được từng giai đoạn lịch sử, phụ nữ ta đã đóng góp một phần không nhỏ, tạo nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

I. Phụ nữ Việt Nam chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc

1. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43)

Nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên của dân tộc, đã tồn tại lâu dài qua 18 đời Vua Hùng. Đến thời Hùng Vương thứ 18 được chuyển sang An Dương Vương lập nước Âu Lạc. An Dương Vương mất cảnh giác, để nước ta lọt vào ách thống trị của Triệu Đà năm 207 TCN. Đến năm 111 TCN, nhà Tần thống nhất đất nước, nước Nam Việt của Triệu Đà thuộc ách thống trị của nhà Hán, trong đó có Âu Lạc.

Chính sách thống trị của nhà Hán đối với nước ta rất khắc nghiệt. Thái thú Tô Định là người tham tàn, bạo ngược, bắt nhân dân ta nộp cống nặng nề: Nào ngà voi, sừng tê, ngọc trai…. Tính mệnh nhân dân ta bị đe dọa nghiêm trọng, thuế má nặng nề, chính sách đồng hóa thâm độc. Toàn thể nhân dân ta điêu đứng, khổ sở. Nhiều cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo nổi lên khắp nơi trong nước. Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách cũng mưu việc khởi nghĩa. Tô Định biết được nên tìm cách giết Thi Sách hòng dập tắt mưu đồ khởi nghĩa của vợ chồng bà. Hành động bạo ngược của Tô Định không làm cho Trưng Trắc sờn lòng mà trái lại, bà quyết tâm khởi nghĩa qua 4 mục tiêu:

Một xin rửa sạch nước thù.

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.

Ba kẻo oan ức lòng chồng.

Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.

Mùa Xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khỏi nghĩa chống quân xâm lược nhà Hán. Hàng nghìn phụ nữ kiệt xuất cũng chuẩn bị khởi nghĩa đã kéo về quy tụ vào cuộc khởi nghĩa do hai bà lãnh đạo như bà Lê Chân, bà Thánh Thiên, bà Bát Nàn, Ả tắc, Ả Di, Diệu Tiên, Vĩnh Huy, năm mẹ con bà Lê Thị Hoa. Quân hai bà ào ạt xuất trận.

Ngàn tây nổi áng phong trần.

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Không đầy một tháng, cuộc khởi nghĩa hai bà thắng lợi nhanh chóng. Bà Trưng Trắc được tôn lên làm vua 3 năm, đất nước được độc lập.

Tháng 4 năm 42, nhà Hán sai Mã Viện, một lão tướng dày dạn kinh nghiệm mang đại binh thủy, bộ kéo sang đánh hai bà, chiếm lại nước ta. Trưng Vương cùng các nữ tướng chiến đấu dũng cảm, nhưng quân ta sức cô, thế yếu so với địch, quân hai bà đánh không lại quân thiện chiến của Mã Viện. Hai bà kéo quân về Cẩm Khê, gieo mình xuống sông Hát để giữ tròn khí tiết. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc giải phóng dân tộc đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo. Rất vinh quang cho phụ nữ Việt Nam.

2. Khởi nghĩa Bà Triệu

Tiếp tục sự nghiệp giữ nước của Hai Bà trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248 chống quân nhà Ngô. Ý chí chống giặc của bà đã thể hiện qua câu nói của bà đã đi vào lịch sử: “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, quét sạch quân Ngô để giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”.

Đó là bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ nghĩa binh đánh Thứ sử Giao Châu thời Đông Hán được dân chúng hưởng ứng. Thứ sử Giao Châu bị giết tại trận, bà làm chủ đất nước được một thời gian ngắn. Về sau thất trận, bà tự tử để không rơi vào tay giặc lúc bà mới 23 tuổi. Nhân dân lập đền thờ bà ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Bà Triệu, phong trào giải phóng dân tộc thuộc về nam giới, nhưng phụ nữ vẫn hăng hái cùng nam giới đánh giặc ngoại xâm.

3. Bà Dương Khoan Khoáng

Sang thời Lý Nam Đế đánh quân Lương, bà Dương Khoan Khoáng là một nữ tướng nổi tiếng quê ở xứ Hồ Kỷ, nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Bà cùng Lý Nam Đế chiến đấu dũng cảm suốt hai năm liền (545 - 546) cho đến khi bà bị trọng thương và hy sinh trong chiến trận ở Yên Lạc, được nhân dân biết ơn lập đền thờ. Các triều đại sau phong bà là “Nhị Nương Khoan Khoáng”.

4. Bà Phạm Thị Uyển

Bà là vợ của Mai Thúc Loan, là người văn võ song toàn, có chí khí hơn người lại hiểu binh thư sách lược. Bà thường bàn việc binh thư với Mai Thúc Loan đánh quân xâm lược thời nhà Đường. Bà bày trận trên sông Tô Lịch, chiến đấu rất dũng cảm. Khi sức cùng lực kiệt, bà gieo mình xuống sông Tô Lịch tự vận. Nhân dân lập đền thờ bà ngay trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch.

Trên đây là sự đóng góp của phụ nữ trong các cuộc khởi nghĩa chống bọn xâm lược phương Bắc trong thời kỳ Bắc thuộc.

II. Phụ nữ Việt Nam giữ nước trong thời kỳ phong kiến độc lập

1. Ỷ Lan Nguyên phi

Không phải chỉ cầm vũ khí mới đánh được giặc ngoại xâm mà lo việc triều chính, việc hậu phương cũng đã có đóng góp lớn trong việc giữ nước. Đó là trường hợp bà Ỷ Lan Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông. Năm 1075 - 1077, khi vua Lý Nhân Tông còn bé (10 tuổi), Lý Thường Kiệt phải điều binh khiển tướng ngoài chiến trường, bà Ỷ Lan Nguyên phi cùng Lý Đạo Thành dốc sức lo việc triều chính, việc hậu phương. Bà trị nước rất giỏi để Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống.

2. Bà Trần Thị Dung

Vào triều đại nhà Trần, cuối năm 1257, cả nước phải đương đầu với giặc Mông Cổ đang kéo đến biên thùy phía Bắc. Để bảo toàn lực lượng, ta thực hiện “vườn không nhà trống”. Quân ta vừa đánh vừa rút lui về phía Nam. Việc đưa toàn bộ hoàng gia, tôn thất, quý tộc rời khỏi kinh đô là việc làm cấp bách và cần thiết. Bà Trần Thị Dung, vợ Trần Thủ Độ tự đứng ra quán xuyến việc sơ tán vợ con tướng tá, điều động thuyền bè xuống vùng Hoàng Giang tạm lánh nạn. Trước thế mạnh của giặc, bà bình tĩnh sắp xếp việc phân tán người, lương thực, vũ khí không để lọt tay giặc. Bà đã hoàn thành xuất sắc. Khi giặc vào Thăng Long chỉ là một tòa nhà trống không, chỉ còn thấy trong ngục những tên sứ giả của bọn Mông Cổ bị trói chặt bằng dây thừng. Năm 1259 bà mất, được vua phong là “Linh từ Quốc mẫu”, được cấp 200 mẫu ruộng để thờ cúng bà.

3. Bà hàng nước ở bến sông Bạch Đằng

Năm 1288, trong trận Bạch Đằng đánh quân Nguyên lần thứ III, có bà bán hàng nước ở bến đò Rừng xã Yên Giang, tỉnh Quảng Ninh đã mách cho Trần Hưng Đạo ngày giờ con nước thủy triều lên, xuống, giúp quân ta đóng cọc xuống lòng sông để phát huy tác dụng cọc, giúp quân ta đánh thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Bà còn đem thóc, gạo giúp quân đội nhà Trần ăn no đánh thắng, Nhớ ơn bà, vua Trần lập đền thờ “Vua Bà” bên bờ sông Bạch Đằng ở Yên Giang, Quảng Ninh.

4. Ngọc Dung Công chúa

Đóng góp to lớn cho khởi nghĩa Lam Sơn là một cô gái xinh đẹp, giỏi võ, văn hay chữ tốt. Biết có Lê Lợi khởi nghĩa, bà mộ dân binh, chuẩn bị vũ khí tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa. Đó là bà Ngọc Dung. Thấy bà giỏi nên Lê Lợi nhận làm con nuôi, nên gọi là Ngọc Dung Công chúa. Bà được phong là hữu tỳ tướng, lập căn cứ đánh giặc Minh vùng ven biển Sơn Nam hạ. Năm 1426 bà hy sinh tại Cửa Toàn. Khi Lê Lợi lên ngôi, phong cho bà là “Biển thước đoan trang, linh thục từ hòa, đoan chính nương nương đại vương”. Nhân dân tôn bà là Thần hoàng, hiệu “Thánh Mẫu đường canh Thành Hoàng Ngọc Dung công chúa”.

5. Bà Nguyễn Thị Đành

Bà là vợ của Nguyễn Chích, một tướng tài ba của Lê Lợi. Bà sát cánh cùng chồng trong suốt khởi nghĩa Lam Sơn. Bà cùng Nguyễn Chích bàn kế hoạch cho các trận đánh. Nhờ tài trí của bà mà Nguyễn Chích có lần thoát khỏi vòng vây của địch. Bà cùng Nguyễn Chích huấn luyện đội quân bồ câu nổi tiếng, lập được nhiều chiến công trong kháng chiến.

6. Bà Bùi Thị Xuân trong khởi nghĩa nông dân Tây Sơn

Trong phong trào nông dân Tây Sơn đã nổi lên hình ảnh sáng ngời của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bà là vợ của thiếu phó Trần Quang Diệu, một tướng lĩnh trụ cột của phong trào nông dân Tây Sơn. Bà đã vào Nam ra Bắc, tung hoành ở biên giới phía Tây, làm khiếp đảm bọn phong kiến họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn. Bà đã giúp vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), quân Thanh do Lê Chiêu Thống cầu viện (1789).

Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã dùng những hành động dã man để trả thù. Bà bình tĩnh, gan dạ, tỏ thái độ khinh bỉ kẻ thù, giữ tư thế hiên ngang, lẫm liệt.

III. Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đánh Pháp khi chưa có Đảng lãnh đạo

Trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phụ nữ tự tay cầm vũ khí giết giặc, trực tiếp tham gia chiến đấu và lãnh đạo. Đó là bà Nhu - vợ Tư So, thường được gọi là Bà Tư So. Bà là một phụ nữ nổi tiếng vì sắc đẹp và vì tài thao lược, lãnh đạo Tín Nghĩa Hội (1883 - 1888), giết chết đề đốc Việt gian là Đặng Văn Tại. Khi Tư So chết, bà lên Tuyên Quang đánh Pháp, rồi lưu vong sang Trung Quốc.

Vợ Đội Văn là tướng giỏi của khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên đã sát cánh cùng nghĩa quân trong từng trận đánh, được mọi người kính phục, giặc Pháp kiêng dè.

Năm 1888 - 1913, trong khởi nghĩa Yên Thế do Đề Thám lãnh đạo, có bà Nguyễn Thị Nho, được gọi là Bà Ba Cẩn. Trong 25 năm, khi bà hoạt động độc lập, khi hoạt động dưới sự chỉ huy của Đề Thám. Khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại, bà cũng bị sa lưới giặc và bị đày biệt xứ.

Trong khởi nghĩa Phan Đình Phùng 1885 - 1896 ở Hương Sơn, chị Tám là cánh tay đắc lực của cụ Phan Đình Phùng, đã sang tận Lào, Xiêm mua và vận chuyển vũ khí cho nghĩa quân.

Trong khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học có hai chị em Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) và Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) cũng đã góp phần không nhỏ vào việc vận động binh lính cho khởi nghĩa ở Yên Bái.

Nghĩa quân ở Bãi Sậy (1883 - 1892) có chị Mai phụ trách giao thông liên lạc rất lợi hại.

Trên đây là một số phụ nữ tiêu biểu đã có đóng góp đáng kể trong các phong trào do văn thân sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Ngoài ra còn rất nhiều chị em phụ nữ đấu tranh giữ nước bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là những người vợ, mẹ của nghĩa quân phải lo cho cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái để chồng con yên tâm đánh giặc.

Tóm lại, trong các phong trào yêu nước cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phụ nữ Việt Nam cũng đã biểu lộ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, đem hết khả năng của mình đóng góp cho các cuộc khởi nghĩa này nhưng thất bại là do hạn chế của những phong trào.

IV. Phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Cách mạng Việt Nam đã mở ra kỷ nguyên mới. Cuộc đấu tranh giữ nước của phụ nữ cũng bước vào giai đoạn mới. Được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta thấy rõ đối tượng của cách mạng, quyền lợi của giai cấp và của giới mình, người phụ nữ Việt Nam đã giác ngộ cách mạng, phát huy truyền thống giữ nước của mình, có mặt đấu tranh trong tất cả mọi lĩnh vực qua từng giai đoạn của cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Một số phụ nữ đã thoát ly gia đình cống hiến đời mình cho cách mạng, phát huy được tài năng của mình đã trở thành một trong những thành phần lãnh đạo Đảng như chị Nguyễn Thị Minh Khai, Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, bà Nguyễn Thị Định đã trở thành một trong những người lãnh đạo lực lượng vũ trang. Từ “Đội quân tóc dài” trong phong trào “Đồng khởi” ở Bến Tre rồi trở thành nữ tướng đầu tiên của nước ta: Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Bà Hồ Thị Bi, đại đội trưởng Đại đội 2804 kiêm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935 thuộc Trung Đoàn Gia Định Hóc Môn, đã hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ: Chiến đấu và võ trang tuyên truyền, sản xuất, trừ gian diệt tề.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Nguyễn Thị Tư) thường được gọi là Má Sáu, là mẹ của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - người đã có nhiều sáng tạo trong việc đưa vũ khí vào thành phố, xứng đáng đạt danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Trong mặt trận ngoại giao, nổi tiếng là bà Nguyễn Thị Bình. Tên tuổi bà gắn liền với Hiệp định Paris năm 1973.

Ở lĩnh vực tình báo, hai chị em ruột Nguyễn Thị Yên Thảo (Mỹ Nhung) và Nguyễn Thị Mỹ Linh (Chín Chi) tình nguyện theo cách mạng thời kỳ đánh Mỹ. Hai chị em nữ chiến sĩ tình báo thông minh, gan dạ, dũng cảm, sáng tạo. Chị Mỹ Nhung (Tám Thảo) giỏi tiếng Anh, làm cho cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời làm liên lạc cho ông Phạm Xuân Ẩn. Chị khôn khéo và mưu trí đã lấy nhiều tài liệu tuyệt mật đưa vào chiến khu giúp Đảng ta, quân đội ta để có đối sách kịp thời chống chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Chị Mỹ Linh (Chín Chi) - một tình báo kỹ thuật, là người đầu tiên đề xuất chủ động nghe thông tin của Mỹ trên không giúp quân đội ta chống các trận càn lớn, hạn chế tổn thất cho cách mạng, giành thế chủ động trên chiến trường.

Phụ nữ có 6 con nhưng rất nhiệt tình cách mạng, rất dũng cảm đánh Mỹ như chị Út Tịch để tên tuổi cho lịch sử.

Trên đây là một số phụ nữ tiêu biểu, còn nhiều phụ nữ đã có nhiều đóng góp đáng kể chưa kể hết được.

Đông đảo phụ nữ đã có mặt trong tất cả các mặt trận qua nhiều hình thức khác nhau: Trong đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh, dân chủ, phụ nữ đã thể hiện được tinh thần bất khuất, người này ngã xuống, người khác đứng lên, buộc địch phải chấp nhận yêu sách của mình.

Về công tác hậu phương, phụ nữ sản xuất quên mình, góp phần đảm bảo cho bộ đội ăn no, đánh thắng.

Bất chấp làn tên mũi đạn, phụ nữ đi dân công, chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men ra chiến trường. Không sợ mọi sự lùng sục, khủng bố, phụ nữ làm công tác binh vận, góp phần làm tan rã từng mảng kẻ thù, tạo điều kiện cho cách mạng thắng lợi nhanh chóng.

Không sợ lưỡi lê, máy chém, phụ nữ đảm đang vai trò chủ động trong phong trào “Đồng khởi”, “Đội quân tóc dài” sáng tạo nhiều thế trận “ba mũi giáp công” để cách mạng thắng lợi nhanh chóng.

Trong vùng địch hậu, phụ nữ tham gia chống càn, đi dân công, tải lương thực, chống dồn dân, lập ấp chiến lược, chống tố cộng, diệt cộng, nuôi giấu cán bộ.

Qua hai cuộc kháng chiến, biết bao nữ chiến sĩ dũng cảm, nữ dân quân, nữ pháo binh bắn rơi máy bay Mỹ, bắn cháy tàu chiến Mỹ. Nữ chiến sĩ giao thông vận tải, với khí phách hiên ngang phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu đường, xẻ dọc Trường Sơn, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh tính mạng.

Hàng vạn phụ nữ ba đảm đang, không hề khiếp sợ bom đạn, rất vững vàng tay súng, tay cày.

Biết bao phụ nữ bị bắt cầm tù, bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững lập trường. Những nhà tù khét tiếng như Côn Đảo, Tam Hiệp, Phú Lợi, Thủ Đức, Chí Hòa… là những nơi mà phụ nữ đấu tranh quyết liệt như một Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, một Trương Mỹ Hoa ở Gò Công và còn nhiều chị em khác nữa. Sức mạnh tinh thần và lòng dũng cảm của phụ nữ làm cho kẻ thù phải ngạc nhiên và kính phục.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, phụ nữ ta có quyền tự hào là những người đầu tiên giành độc lập cho dân tộc.

Phụ nữ Việt Nam đánh giặc ngoại xâm từ buổi đầu dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh chống Mỹ cứu nước. Lịch sử đã khắc sâu một chân lý “Phụ nữ Việt Nam không chỉ đảm việc nhà mà còn lo việc nước, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ nước”.

“Non sông chung gánh gái cùng trai”.

Từ đội ngũ mấy chục nữ tướng thời Trưng Vương cho đến “Đội quân tóc dài” của thời đại Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam đã đánh giặc ngoại xâm rất tài, xứng đáng được với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Cơ sở nào làm nên truyền thống đó?

Phải chăng đó là do hoàn cảnh lịch sử nước ta tạo nên? Thực tế lịch sử nước ta cho thấy thiên nhiên đã ưu đãi cho nước ta có một vị trí đặc biệt. Vị trí nước ta nằm ở nơi đụng độ giữa các thế lực xâm lược lớn hơn ta gấp bội.

Tài nguyên nước ta dồi dào làm cho lòng tham của các thế lực hung bạo thèm khát. Đất đai màu mỡ nhưng luôn bị thiên nhiên đe dọa. Vì lý do sinh tồn nên dân tộc ta buộc phải luôn đấu tranh với thiên nhiên, với ngoại xâm.

Muốn đánh được giặc phải có một lực lượng đông đảo, đoàn kết, nhất trí của một cộng đồng dân tộc. Phải chăng truyền thống đánh giặc của phụ nữ ta được tôi luyện trong hoàn cảnh đó?

Truyền thống đánh giặc của phụ nữ ta là vốn quý của dân tộc, cần phải được gìn giữ và phát huy.

Sau 30/4/1975, dân tộc ta đã giành được độc lập, đất nước được thống nhất. Phụ nữ Việt Nam đã phát huy vai trò của mình hàn gắn vết thương chiến tranh qua hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Phụ nữ đạt được nhiều thành tích trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa…, góp phần vào cuộc đổi mới của đất nước, làm đẹp thêm phẩm chất cao quý của người phụ nữ.

Hiện nay nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội công bình, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đang mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài, tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa các nước trên thế giới. Việc giữ gìn văn hóa dân tộc là một trong những biện pháp để giữ nước.

Để đáp ứng yêu cầu giữ nước và xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, phụ nữ ta tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa để theo kịp sự tiến hóa của xã hội, của nhân loại, phải làm việc để nâng cao đời sống gia đình và góp phần xây dựng đất nước nhưng phải để thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái bằng tình thương và trách nhiệm. Làm được hai nhiệm vụ trên, phụ nữ Việt Nam còn phải đối phó với nhiều thách thức. Nhưng với lòng yêu nước và truyền thống giữ nước tốt đẹp từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam sẽ có đóng góp to lớn cho việc giữ nước ở thời kỳ mới.

ThS PHAN KIM DUNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (1993), Phụ nữ Miền Nam, NXB Phụ nữ, Hà Nội.

2. Đào Duy Anh (1955), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, NXB Kha học Xã hội, Hà Nội.

3. Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Văn Lang, Quỳnh Cư, Nguyễn Anh (1984), Những vì sao đất nước tập 1, 2, 3, 4, NXB Thanh niên, Hà Nội.

5. Phan Huy Lê (1971), Lịch sử Việt Nam tập 1, 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Nguyễn Khắc Xương (1976), Nữ tướng thời Trưng Vương, NXB Phụ nữ, Hà Nội.