003. Gia phả họ Hồ (ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)
11/08/2022 16:40:32Gia phả họ Hồ (ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh hoàn thành năm 2003.
LỜI NÓI ĐẦU
Mỗi người trong chúng ta là một mắt nhỏ trong chuỗi dài của cuộc sống từ thời quá khứ xa xưa dẫn tới một thời gian vô tận của tương lai. Con cái chúng ta biết tương lai của mình; nhưng chúng ta sẽ có một số ý niệm nào đó của quá khứ nếu chúng ta cố gắng để khám phá.
Tôi rất muốn biết về Tổ tiên của gia đình tôi – ông bà từ đâu đến, ông bà sống như thế nào, ông bà đã làm gì. Biết không phải để tự hào hay nhục nhã về Tổ tiên mình, biết để mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về chính hành động của mình. Biết để giúp chúng ta hiểu mình tốt hơn, vì tuy chúng ta là những cá nhân khác biệt với Tổ tiên chúng ta, chúng ta cũng có những điểm tương đồng với các vị tổ từ những gien mà các vị đã chia sẻ cho chúng ta. Biết cũng có thể giúp chúng ta tránh được những sai lầm của quá khứ và vận dụng được những thành công của quá khứ.
Tôi có song thân (ba má), có ông bà nội ngoại (4 vị), và có song thân của ông bà nội ngoại (8 vị), v.v… Khi chúng ta tiến xa hơn vào quá khứ, thì con số tiền nhân gia tăng nhiều hơn. Ngành gia phả học và bộ gia phả là để giúp cho chúng ta theo dõi về lai lịch, hành trạng mỗi vị tiền nhân. Trong đó, chúng ta phải chọn một vị tiền nhân duy nhất - ông thủy tổ, ông tổ đời 1 - của mỗi thế hệ để nghiên cứu.
Theo quy ước thì những người cha được chọn. Tuy nhiên, nên hiểu một cách chính xác rằng những người mẹ đã góp phân nửa số gien cho con cái và do đó cũng quan trọng như những người cha.
Có điều không may là Tổ tiên của tôi không để lại gia phả viết sẵn, hoặc có để lại thì cũng đã thất lạc. Chính thế hệ tôi mới bắt đầu viết lịch sử của gia tộc mình. Tôi hy vọng rằng các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục viết thêm vào gia phả đã được ghi.
Viết gia phả không phải là công việc dễ dàng. Những nhà chuyên môn sẽ đem lại các kết quả tốt hơn. Tôi cảm ơn ông Võ Ngọc An và những đồng sự của ông trong Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh, đã cung cấp kinh nghiệm chuyên môn lẫn hỗ trợ về tài chính cho công trình nầy. Tôi cảm ơn Nhà Xuất bản Trẻ của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho việc dựng gia phả của chúng tôi. Tôi cũng cảm ơn mẹ tôi là Lê Thị Kim Hoàn và những thân nhân khác đã đóng góp thời gian vào công trình nầy.
Ngày 10 tháng 9 năm 2002
HỒ LÊ KHOA
PHẢ KÝ
Ông bà Việt Nam thường nhắc nhở con cháu : “Mộc bổn thủy nguyên… Cây có cội, nước có nguồn”, cũng như con người có tổ tiên, ông bà. Đó là nguyên lý của sự vật, đồng thời cũng là chân lý của con người. Ông bà ta luôn mong muốn và trông cậy ở lớp hậu duệ trong quá trình truyền tử lưu tôn, cố gắng giữ gìn và làm đúng đạo lý làm người : hiếu đễ với cha mẹ, tưởng nhớ và tôn kính Tổ tiên, giữ gìn thanh danh dòng họ, “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Đặc điểm chữ “hiếu” của dân tộc Việt Nam cốt ở tấm lòng. Chữ “hiếu” xuất phát từ tính tự giác cao. Con cháu có hiếu với cha mẹ ông bà, trước tiên không phải chỉ vì luật pháp, mà chính vì tình thương và bổn phận, vì luân lý và vì đạo làm người. Như sợi dây vô hình rất bền chắc, thiêng liêng, nó cột chặt những người cùng huyết thống, mà khi nhắc đến Tổ tiên, cội nguồn, nó có sức lay động mãnh liệt trong huyết quản, tâm tưởng của mỗi người trong họ dù hoàn cảnh sống và không gian sống khác nhau, dù giàu nghèo, dù ở đất trời xa xăm nào.
Con cháu họ Hồ tại ấp Hòa xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú và ấp Thạnh Tây xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cũng không ngoài thông lệ đó.
Có điều trùng hợp lý thú là kỳ vọng của ông bà xưa đã trở thành nguyện ước của lớp con cháu ngày nay. Con cháu họ Hồ ta muốn tìm hiểu gốc tích, tổ tiên ông bà từ đâu đến và đặt chân trên mảnh đất nầy khai cơ lập nghiệp từ lúc nào, sanh con đẻ cháu, lưu truyền cho đến ngày nay để ghi nhận rõ, tri ân công lao, ân đức to lớn của tiền nhân, để tự hào về truyền thống dòng họ và quê hương và để sống xứng đáng với gia tộc, đồng bào và Tổ quốc.
PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Họ Hồ ta đến nay chưa tìm thấy gia phả của ông bà để lại. Theo lời ông Chín Ất (Hồ Văn Liễu), 92 tuổi, người lớn tuổi nhất trong họ còn sống tại ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), tổ quán họ Hồ, theo một số văn bia trong đồng mả họ Hồ, và theo lời kể của các bậc cao niên ở ấp Hòa, ấp Quý Mỹ như các ông Phạm Văn Nữ (81 tuổi, ấp Hòa xã Đại Điền), ông Lê Quang Xê, 77 tuổi (ấp Quý Mỹ xã Đại Điền), ông Nguyễn Bạch Hạt (82 tuổi, cậu của Hồ Hảo Hớn, ấp Bình Tây xã Hương Mỹ)… thì con cháu họ Hồ ngày nay chỉ còn biết ông tổ phụ là Hồ Văn Còn được coi là đời 1 của họ Hồ đến sanh sống lập nghiệp tại đất Đại Điền. Ông Còn có hai đời vợ, sanh 6 người con, đều sanh sống ở xã Đại Điền : ông hai Hồ Văn Vàng (tức chi trực hệ của Hồ Hảo Hớn), ông ba Hồ Văn Đặng, ông tư Hồ Văn Trị, bà năm Hồ Thị Quít, bà sáu Hồ Thị Ngọt và ông bảy Hồ Văn An.
Sau các lần tìm hiểu mới đây (vào tháng 3 và 4-2003), ông Phạm Văn Nữ còn bổ sung thêm một điều quý báu và hết sức quan trọng mà con cháu cần phải lưu ý. Đó là đời 1 họ Hồ có ba chị em : ngoài tổ phụ Hồ Văn Còn thứ sáu, còn có bà thứ năm là Hồ Thị Trí (chồng là Phạm Văn Đó) và ông thứ tám là Hồ Văn Nguyên (hiện nay chưa tìm được con cháu ông Nguyên).
Nếu tính từ đời ông Hồ Văn Liễu (đời 3) năm 2003 đã 92 tuổi, phỏng đoán ông tổ phụ Hồ Văn Còn sanh cách nay khoảng 150 năm, tức năm 1850, lúc Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam (cách tính: mỗi thế hệ cách nhau 25 năm).
Ngược dòng lịch sử, thời chúa Nguyễn (1757), vùng đất Thạnh Phú ngày nay thuộc tổng Tân An, châu Định Viễn, phủ Gia Định. Năm 1808, tổng Tân An thăng thành phủ Tân An, châu Định Viễn, Gia Định thành, đến năm 1823 đổi thành phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh, gồm hai huyện Bảo An (cù lao Bảo) và Tân Minh (cù lao Minh). Năm 1867, giặc Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, chúng thành lập tỉnh Bến Tre vẫn gồm hai cù lao Bảo và Minh. Huyện Thạnh Phú nằm trên cù lao Minh, gồm phần lớn đất đai huyện Duy Minh cũ, với hai tổng Minh Phú và Minh Trị, gồm 11 làng : Phú Khánh, Đại Điền, Thới Thạnh, Quới Điền, Thạnh Phú, An Thạnh, An Quy, An Nhơn, Giao Thạnh và Thạnh Phong. Thạnh Phú có tên trên bản đồ từ đó. Thạnh Phú thời ấy còn rừng rậm, dân sống bằng hai nghề chính là nghề rừng và đánh bắt tôm cá. Con nghêu là đặc sản nổi tiếng tập trung ở doi đất nhô ra biển có bờ biển dài 25 cây số thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, là nguồn lợi thủy sản dồi dào, nuôi sống hằng ngàn dân ven biển. Sát biển là rừng rậm rộng lớn. Đây là căn cứ địa cách mạng an toàn của tỉnh Bến Tre và Khu 8 suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Pháp và Mỹ. Nơi đây đã diễn ra hai sự kiện quan trọng: tháng 3-1946, đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre tổ chức chuyến vượt biển đầu tiên ra Hà Nội báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng về tình hình và mở đường cuộc chi viện của Trung ương cho Nam bộ thời chống Pháp; và tháng 6-1961, “con đường Hồ Chí Minh trên biển” cung cấp võ khí đạn dược cho miền Nam thời đánh Mỹ cũng lại xuất phát tại xã Thạnh Phong nầy.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT NỘI TỔ
Hiện nay, xã Đại Điền (tổ quán họ Hồ) nằm sát cực bắc của huyện Thạnh Phú, Bắc giáp xã Phú Khánh và sông Hàm Luông, Nam giáp xã Tân Phong, Đông giáp xã Quới Điền và sông Hàm Luông, Tây giáp xã Minh Đức và xã Hương Mỹ của huyện Mỏ Cày.
Đại Điền là xã lớn được thành lập từ khi có huyện. Thế đất có giồng cao, có ruộng lúa, có rừng rậm. Đó đây còn nhiều ngôi mộ của người dân thời khai hoang bị cọp vồ chết, một chứng tích về sự gian khổ, hy sinh và ý chí con người Đại Điền. Nông dân toàn xã chủ yếu làm nghề ruộng rẫy, hầu hết là tá điền của địa chủ mà các địa chủ lớn nhất là : Phủ Kiển (Nguyễn Duy Hinh), Phó Hoài (Nguyễn Tấn Hoài) và Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm). Theo thống kê năm 1956 thời Ngô Đình Diệm, ở huyện Thạnh Phú, Nguyễn Duy Hinh và dòng họ sở hữu 3.906 mẫu tây ruộng, Phó Hoài sở hữu 558 mẫu tây, gia đình Hương Liêm sở hữu 169 mẫu tây. Một trong những di tích còn lại là ngôi nhà cổ đồ sộ chín gian của Hương Liêm sừng sững ở trung tâm xã Đại Điền, cách không xa đình làng có sắc thần, và nền đất hoang của dinh cơ Phủ Kiển gần bưu điện của xã.
Với ưu thế về vị trí địa lý, địa hình trên lộ dưới sông, một thời gian dài Đại Điền được coi là trung tâm của tổng Minh Phú, là một trong hai tiểu vùng của huyện Thạnh Phú xưa. Xã Đại Điền trước kia có hai chợ : chợ Giồng Luông và chợ Tân Phong. Chợ Giồng Luông có rất lâu đời và còn đến ngày nay, vẫn là trung tâm tâm thương mại, dịch vụ sầm uất của các xã lân cận. Những năm gần đây, một phần xã Đại Điền được tách ra lập xã mới là xã Tân Phong. Hiện nay, xã Đại Điền có 6 ấp : Vĩnh, Mỹ, Thới, Quý Mỹ, Hòa và Khu Phố. Dân số xã trên 6.500 người. Nhiều hộ còn giữ nghề truyền thống; “bánh dừa Giồng Luông” là đặc sản của Đại Điền ngon nổi tiếng khắp vùng, bánh được bán đến tận Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và cả đến miền Tây Nam bộ.
Về truyền thống chống ngoại xâm, Đại Điền là một trong những điểm khởi nghĩa đánh Pháp của Phan Tôn, Phan Liêm (1). Đại Điền là điểm xuất quân của Tiểu đoàn 307 (1948), đơn vị bộ đội chủ lực lừng danh của Nam bộ thời chống Pháp. Hiện bia kỷ niệm sự kiện lịch sử nầy đã đặt tại trung tâm xã, là niềm tự hào của nhân dân trong xã. Còn một bia nữa kỷ niệm trận đánh Pháp vang dội tại ngã tư Tân Phong.
ĐỒNG KHỞI 1960 Ở ĐẠI ĐIỀN
Đại Điền được chọn là một điểm trong cuộc “Đồng khởi 1960” của Bến Tre. Theo lời kể của ông Lê Văn Lợi (82 tuổi) và ông Trần Đắc Thời ở ấp Hòa trực tiếp tham gia thì như sau :
Công tác chuẩn bị
Các ông Lê Văn Lợi và Trần Đắc Thời – cựu chiến binh xã Đại Điền
Huyện Thạnh Phú cử ông Lê Hữu Cầm (Hai Khắc), huyện uỷ viên kiêm bí thư xã Đại Điền lãnh đạo chung; ông Lê Minh Cương (Tư Cương), phó bí thư kiêm ủy viên quân sự; ông Lê Văn Lợi, chi uỷ viên; ông Trần Đắc Thời, bí thư chi đoàn ấp Hòa; cùng nhiều người khác tham gia. Đội cảm tử quân được thành lập để diệt ác, gồm các ông Nguyễn Văn Gấm, Sáu Nguy, Lanh (em rể ông Gấm) cùng nhiều trai tráng khác. Mỗi ấp có một bót đầy lính, ấp Hòa còn có bót với cả một đại đội lính đóng tại nhà Phủ Kiển. Chủ Tôn (Bùi Công Minh), ác ôn khét tiếng, giỏi võ nghệ, cháu rể Phủ Kiển, trước theo cách mạng, sau theo Tây đánh phá cách mạng ác liệt.
Đêm Đồng khởi, ta họp dân, nổi trống mõ, bắn phá dồn bót, bức hàng. Địch trong bót nằm yên ba ngày. Ngày thứ tư, địch đổ quân ba mặt, Hương Mỹ xuống, Đại Điền vô, ra sức tàn phá, giết chóc. Lực lượng ta yếu hơn tạm ém quân. Ông tư Cương bị giặc bao hầm, liền nhảy lên dùng mã tấu đánh xáp lá cà, chém tên lính Diên bị thương ở tay, tạo điều kiện cho một số đồng chí khác chạy thoát. Ông Tư Cương bị địch bắn chết, chặt đầu đem ra ngã tư Tân Phong để trấn áp tinh thần nhân dân. Dân Hương Mỹ (bấy giờ Hương Mỹ và Tân Phong còn gộp chung) ăn cắp đầu ông Tư Cương đem về chôn cất. Ta hy sinh 11 cán bộ, chiến sĩ, hằng năm có giỗ hội ngày 10-1 tại Nhà Truyền thống Tân Phong.
Trong cuộc Đồng khởi ở xã Đại Điền, tuy ta bị thiệt hại nặng, nhưng đã góp phần xứng đáng vào cuộc Đồng khởi chung của huyện Thạnh Phú, của tỉnh Bến Tre thành công. Đây là một dịp biểu dương lực lượng cách mạng, nêu cao ý chí bất khuất nổi dậy chống ngoại xâm của dân tộc, của quê hương Bến Tre, tạo nên ngày Đồng khởi lịch sử.
Trong kháng chiến có 400 thanh niên của xã thoát ly, thì 135 là liệt sĩ, 43 là thương binh, hiện còn 243 cán bộ đang công tác ở nhiều nơi khác. Trung tướng Lê Thanh Vân, đại tá Nguyễn Văn Nhớt là những người con của Đại Điền.
***
Ông tổ Hồ Văn Còn và các anh em đã cùng lớp người từ Đằng Ngoài, từ miền Bắc hay xứ Ngũ Quảng chưa xác định, đến định cư sớm trên mảnh đất nầy, cũng trải qua bao gian nan nguy hiểm thời khai hoang mở đất. Với ý chí của những người tha phương lập nghiệp, lại có lao động, ông tổ đời 1 có 6 người con (4 trai 2 gái), trong đó ông Hồ Văn Vàng là nòng cốt, cùng các em ông như ông Đặng, ông Trị, ông An, và các con trai ông như Hồ Văn Giác, Hồ Văn Mẹo (thân sinh Hồ Hảo Hớn), Hồ Văn Liễu ra sức khai khẩn, sản xuất và trụ lại trên phần đất của ông bà đến ngày nay.
Có người thắc mắc hỏi tại sao ấp Hòa là đất giồng cao sao lại đông dân cư. Các ông lão trên tám mươi tuổi cho biết rằng ngày xưa, dưới triền ấp ở đây có một bàu sen lớn, hà lảng dài cả ngàn thước. Nơi đó là nguồn nước, nguồn tôm cá, rau trái nuôi sống nguời dân, nay ao cạn thành ruộng. Đất giồng chịu các loại cây me, tre, keo, mùa mưa trồng thuốc giồng.
Nhắc lại đời 1, truyền thống họ Hồ được bảo tồn không chỉ ở những người trai, mà còn ở các bà là gái của dòng họ. Ở đây muốn nhắc đến bà năm Hồ Thị Trí, chị ruột ông Hồ Văn Còn. Bà Trí có chồng là ông Phạm Văn Đó, con trai viên cai tổng giàu có nhưng giữ nề nếp gia phong, được giáo dục lòng yêu nước, có học thức. Các cháu nội cháu ngoại của bà có người từng là công nhân Ba Son thời Bác Tôn Đức Thắng như hai ông Phạm Văn Hoàng và Phạm Văn Hiển, có người viết các báo Dân Quyền, Dân Chủ, Dân Sinh ở Sài Gòn như ông Phạm Trọng Vinh, có người là cán bộ của Tiểu đoàn 307 hy sinh trong trận đánh Pháp ở Cầu Kè (Trà Vinh) như ông Phạm Minh Vương, có người là phó bí thư huyện ủy Mỏ Cày bị địch bắt tra tấn đến chết tại bót công an Ngô Quyền (Sài Gòn) như ông Văn Thanh Nhàn. Hiện còn hai người cháu cố của bà là ông Chín Quan, thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, và ông Phạm Minh Hồng đang là bí thư đảng ủy xã Đại Điền.
Tổ quán họ Hồ ta (chi ông Hồ Văn Vàng) ở ấp Hòa, xã Đại Điền, chỉ có 2 đời trọn vẹn. Đến đời thứ 3, ông Hồ Văn Mẹo khi kết duyên với bà Nguyễn Thị Dự, con gái lớn của ông Nguyễn Nhơn Hòa (ông Tám Hòa) thì về lập nghiệp bên quê vợ ấp Thạnh Tây, xã Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày) giáp ranh. Hồ Hảo Hớn và các chị em được sanh ra và lớn lên nhờ sự bảo bọc của bên ngoại, nên thừa hưởng được truyền thống tốt đẹp của hai quê Đại Điền và Hương Mỹ. Gia thế nội ngoại hai bên đều khá giả, có điền sản, nhưng bên ngoại nhiều hơn tới 40 mẫu ruộng và có chân trong ban hương chức hội tề làng thời bấy giờ.
Gia đình bên bà Nguyễn Thị Dự chỉ có hai chị em gái (bà Hai Dự, bà Ba Ngọc). Ông Hồ Văn Mẹo về ở rể đã trở thành lực lượng lao động chính. Ông có học thức lại làm việc giỏi giang nên được gia đình và họ hàng bên vợ quý trọng. Dù nhà cha mẹ rộng lớn, vợ chồng ông vẫn cất nhà riêng gần đó. Về sau, được nhạc phụ tin cậy, giao hết công việc quán xuyến ruộng vườn để cụ ông ngơi nghỉ tuổi già và đi tu theo đạo Cao Đài (tu tại gia) cho đến lúc qua đời do bịnh đường ruột (ông Năm Hạt kể). Còn ông Ba Cảnh (Trương Thanh Cảnh), 71 tuổi cũng ở ấp Thạnh Tây, cháu kêu ông Hồ Văn Mẹo bằng ông kể : “Hằng ngày ông Hai (ông Hai Mẹo theo thứ bên vợ, còn ông là thứ năm) đều có mua tờ báo xem để biết tình hình thời sự. Nên ngoài việc tổ chức làm ruộng vườn, ông Hai còn sắm ghe chài mua lúa bán cho người Hoa; cuộc sống khá giả, ông dành phần lớn tiền của lo cho các con ăn học đỗ đạt cao thời bấy giờ”. Nhiều người con trong gia đình làm nghề dạy học như Hồ Thị Huy, Hồ Hảo Hớn, Hồ Nguyệt Thu, Hồ Hảo Nghĩa.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT NGOẠI TỔ
Hiện nay, xã Hương Mỹ ở đông nam của huyện Mỏ Cày (quê ngoại Hồ Hảo Hớn), Bắc giáp xã Minh Đức, Nam giáp xã Thới Thạnh của huyện Thạnh Phú và sông Cổ Chiên, Đông giáp các xã Đại Điền, Tân Phong và Thới Thạnh của huyện Thạnh Phú, Tây giáp xã Cẩm Sơn và xã Minh Đức. Hương Mỹ là 1 trong 26 xã của huyện Mỏ Cày, là một đầu mối nằm dọc trục lộ giao thông huyết mạch của tỉnh nối từ bờ biển Thạnh Phú qua phà Hàm Luông đến thị xã Bến Tre, qua phà Rạch Miểu đến Tiền Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh.
Hương Mỹ có tên trên bản đồ khi thành lập huyện Mỏ Cày, cũng thuộc cù lao Minh, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1867, Pháp phân định lại địa giới hành chánh thì cù lao Bảo và cù lao Minh (của tỉnh Vĩnh Long cũ) thuộc về sở tham biện Hoằng Trị, lỵ sở đặt tại Mỏ Cày (thị trấn ngày nay). Năm 1956, chế độ Ngô Đình Diệm lập quận Hương Mỹ, hai xã Đại Điền và Hương Mỹ đều nằm trong quận nầy.
Được bồi tụ hằng ngàn năm từ nguồn phù sa của hai con sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên, Hương Mỹ (Mỏ Cày) là vùng đất màu mỡ, bằng phẳng thích hợp cho sự phát triển của cây trồng, nhất là mía, dừa, lúa, thuốc lá. Nghề chế biến mặt hàng đặc sản : kẹo dừa Mỏ Cày, nơi tập trung cây dừa nhiều nhất tỉnh.
Về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nhân dân xã Hương Mỹ rất tự hào về những nhân vật nổi tiếng thời chống Pháp như Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương, Tú Khanh, Tú Kiều…. Đặc biệt, cuộc “Đồng khởi Bến Tre” (17-1-1960) đã nổ ra tại cái nôi ba xã phía Đông của huyện Mỏ Cày là Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Cùng ngày, người dân Hương Mỹ đã có những đóng góp xứng đáng tạo nên truyền thống vẻ vang nầy cho xã.
Xã Hương Mỹ hiện nay có 9 ấp : Thạnh Đông, Thạnh Tây, Bình Đông, Bình Tây, Bình Trung, Bình Mỹ, Mỹ Đức, ấp Phủ và ấp Thị. Từ sau ngày giải phóng, nhân dân Hương Mỹ anh hùng quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Công trình thủy lợi lớn Vàm Đồn đã cải tạo đất, làm tăng giá trị cây trồng. Nguồn lợi lớn : kinh tế vuờn và thủy sản (với 250 héc-ta nước lợ). Cả xã không còn hộ đói nghèo, bình quân thu nhập đầu người từ 1,9 triệu đồng năm 1995 lên 2,2 triệu đồng năm 2001; 100% đường đi vào 8 ấp đều rải đá cấp phối xe hơi chạy được. Năm trăm gia đình chính sách và 29 nhà tình nghĩa là biểu hiện của truyền thống đấu tranh giữ nước, là đối tượng của chánh sách “đền ơn đáp nghĩa” của Nhà nước và nhân dân đối với gia đình những người có công.
Xã chú trọng đến giáo dục, đã có 1.300 học sinh cấp 1 và 400 học sinh cấp 2, đã thành lập Hội Khuyến học của xã, mới 5 tháng qua đã vận động được 33 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Cá biệt có chị Trương Thị Nguyệt (cháu họ của Hồ Hảo Hớn, cựu tù nhân chánh trị Côn Đảo, cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay là nhà doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh), từ năm học 2001-2002 đến nay, mỗi năm chị đã xuất ra hằng trăm triệu đồng cho mượn (qua Hội khuyến học của xã) cho 20 sinh viên nghèo hiếu học của xã (mỗi sinh viên 400.000 đồng/tháng). Năm học 2002-2003, xã vừa khánh thành trường trung học Nguyễn Thị Minh Khai đã có gần ngàn học sinh đến học.
KẾT LUẬN
Lập nghiệp trên đất Hương Mỹ, ông Hồ Văn Mẹo và bà Nguyễn Thị Dự hạ sanh 9 người con (4 gái 5 trai), có 3 người chết lúc còn nhỏ, còn lại 6 người :
- Thứ hai : Hồ Thị Huy,
- Thứ tư : Hồ Hảo Hớn,
- Thứ bảy : Hồ Nguyệt Thu,
- Thứ tám : Hồ Hảo Nghĩa,
- Thứ chín : Hồ Nguyệt Tâm,
- Thứ mười : Hồ Hảo Hiệp.
Bà Nguyễn Thị Dự được Nhà nước ta phong tặng là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng vì có 3 con là liệt sĩ.
Đây là gia đình trí thức, hiếu học ở nông thôn, nhiều con cháu ngày nay là kỹ sư, tiến sĩ. Hầu hết có cuộc sống ổn định, có một số định cư ở nước ngoài. Dù ở đâu, con cháu vẫn giữ truyền thống yêu nước, bảo vệ thanh danh dòng họ, chí thú làm ăn. Những năm cuối đời, ông Hồ Văn Mẹo về sống tại tổ quán Đại Điền cho đến khi mãn phần. Hiện nhiều mồ mả của ông bà họ Hồ nằm trong khu đất mộ của dòng tộc tại ấp Hòa xã Đại Điền.
Hồ Hảo Hớn và các anh chị em được sanh ra trên mảnh đất kiên cường Hương Mỹ lại được thừa hưởng tinh hoa của tổ quán Đại Điền, được cha mẹ quan tâm chăm chút việc học hành, vốn có tư chất thông minh, tài tổ chức lãnh đạo, Hồ Hảo Hớn đã có đóng góp lớn cho thành công của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn cực kỳ ác liệt. Rất tiếc Hồ Hảo Hớn đã hy sinh khá sớm. Công lao nầy của ông đã được Tổ quốc và nhân dân ghi công. Đối với dòng họ, Hồ Hảo Hớn là người đã làm vẻ vang cho dòng họ, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo vậy.
Các tin cũ
- » 002. Gia phả họ Đỗ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) 11/08/2022 16:26:04
- » 001. Gia phả họ Bùi (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) 11/08/2022 16:19:17
- » Bước đầu ‘giải mã’ gia phả khắc đá ở Việt Nam 11/08/2022 10:45:08
- » Mối quan hệ dòng họ ở Nhật Bản 11/08/2022 10:38:27
- » Dòng họ lớn ở Đức 11/08/2022 10:27:14
- » Di chúc của gia tộc ông Phan Thanh Quang bằng Hán - Nôm 11/08/2022 09:56:36
- » Các văn chỉ bằng cấp khảo hạch và bài thi đạt hạng tú tài thời Duy Tân 11/08/2022 09:42:59
- » Vấn đề văn tự Hán Nôm 11/08/2022 09:16:23
- » Văn hóa dòng họ và con người thời hiện kim 10/08/2022 16:18:37