004. Gia phả dòng họ Lê (Trương) (ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)
12/08/2022 16:06:00Gia phả dòng họ Lê (Trương) (ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh hoàn thành năm 2005.
LỜI TỰA
Cụ Lê Thái Bình (đời IV họ Lê) thuở sinh tiền suốt đời vất vả, nhưng luôn dành sẵn một góc trong tâm tư mình, trăn trở nhiều năm về việc dựng lên một bộ sử tộc họ mình, nhưng việc chưa thành thì ông đã quy tiên, chỉ để lại mấy dòng di cảo…
Đến đời V, Lê Quang Nghiêm, Lê Văn Chỉnh, hai anh em ruột con ông Lê Văn Trung và là cháu ruột cụ Lê Thái Bình, sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, cũng đã dành thời gian để “Kế chí thuật sự” tiếp tục công việc thiêng liêng của chú mình mà đó cũng là tâm nguyện của dòng họ Lê (Trương). Nhưng công việc còn đang dở dang thì Chín Chỉnh đột ngột ra đi về với ông bà, còn lại Tám Nghiêm tuổi già sức yếu, bệnh tật khó nổi đảm đương, ngày đêm canh cánh, việc khó đành giao lớp kế thừa gánh vác.
Lê Thị Thanh Hải - con Chín Chỉnh - tuy là phận gái, làm dâu nhà người, nhưng biết mình còn mang nguyên dòng máu họ Lê, cũng đã góp phần hoàn thành tâm nguyện cha mình; tiếp đó lại được một số nhà nghiên cứu thuộc Chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả - Hồi ký TP. HCM tận tình giúp đỡ nên công trình ba đời đã được hoàn thành: bộ Gia phả dòng họ Lê (Trương) như đang có hôm nay.
Sau thời gian dài chuẩn bị, vào trung tuần tháng 9-2003 mới bắt tay vào thực hiện. Nhóm chuyên viên gồm nhiều người đi nhiều lượt đến nhiều nơi như: thị xã Trà Vinh, các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, đến Biên Hòa, Thủ Dầu Một và một số phường, xã ở Thành Phố Hồ Chí Minh, đến nay tháng 2 năm 2005 công trình đã cơ bản hoàn thành với tên gọi là: “Gia phả dòng họ Lê (Trương) ấp La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh”.
Nhờ sự tận tình từ hai phía: một bên là nhóm công tác, một bên là bà con nội ngoại lớn nhỏ của dòng họ Lê (Trương) ở khắp nơi, nhờ ân đức của tổ tiên, nên đã thu hoạch được những thành quả đáng khích lệ như:
1/ Xưa nay mọi người đều lầm tưởng ngôi cổ mộ ở La Bang là mộ bà Tổ, nhưng trong dịp đi điền dã mới biết đây là mộ ông Tổ, có ghi tên họ rõ ràng là Trương Thâu, nên sự đinh ninh trước đây là trên đường đi tìm đất sống, ông thất lộc tại Càng Long là không có cơ sở, thay vào đó có thể người nằm lại là bà.
2/ Ngay những bậc cao niên nhất của dòng họ Lê (Trương) hiện còn sống cũng biết rất ít về hệ ông Trương Văn Phước (đời II), trưởng nam của tổ phụ Trương Thâu. Ngoại trừ bà Trương Thị Sang (đời III) là con gái ông Trương Văn Phước, thì được biết khá rõ.
3/ Lại có một số ít người trong họ hiểu rằng: ông Dõng là con ông Mỹ, ông Kỳ là con ông Đức, còn nói ông Mỹ với ông Đức là anh em nên tưởng ông Dõng, ông Kỳ là anh em thúc bá. Nay mới rõ ra, thì ông Nguyễn Văn Mỹ và Trương Văn Kỳ là người cùng làng được nhân dân tôn xưng là tiền hiền bởi có công khai khẩn làng Mỹ Đức. Ông Đức sanh ra hai anh em trai là Trương Anh Dõng Trương Văn Kỳ, và hai người này đã đổi họ Trương ra họ Lê. (Việc thay đổi họ là do hoàn cảnh đặc biệt đã được bàn đến ở một phần trong phả ký).
Những ngộ nhận lớn trên đây, nay cũng được đính chánh lại. Từ cái thuở “đất phương Nam ông cha đi mở cõi” tưởng không mấy khi đất nước được yên hàn, hơn thế nữa có phần khắc nghiệt. Công lao khai sơn phá thạch vừa tạm an cư thì lục tỉnh Nam kỳ đã bị bọn thực dân Pháp hơn 80 năm dài đô hộ. Nhưng rồi nhân dân Việt Nam vốn dĩ là dân tộc có lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã có công kháng chiến trường kỳ. Trong sự góp phần của nhân dân Trà Vinh và cả nước có dòng họ Lê (Trương), để cuối cùng đem lại cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, xây dựng một nhà nước dân chủ nhân dân cho dân tộc Việt.
Nhưng vận nước chưa yên, thế lực ngoại bang nhúng tay can thiệp làm cho cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài thêm 30 năm, cuộc chiến phân hóa thành hai trận tuyến, khiến cho dòng họ xẻ nghé tan đàn, người thoát ly ra chiến khu, kẻ phải bảo vệ gia đình ngược về thành phố tìm nơi yên ổn, số còn lại vào ấp chiến lược, mất cả tự do.
Trong con người họ Lê (Trương) - nhất là một họ được tiếng có học hành - ai lại không có con tim, khối óc, ai lại không biết phân biệt chánh tà, nhưng mỗi người do hoàn cảnh đưa đẩy, do số phận an bài, do lịch sử đặt để nên mới có hoàn cảnh hôm nay.
Nhưng, sau 30 năm đất nước yên bình, vết thương chiến tranh trên mặt đất đã lành, vết thương trong lòng người đã chữa khỏi. Đường sá thênh thang, điện sáng mọi nhà, thóc lúa dư ăn, dư để; trường học mở rộng cửa và mọi người được ăn ngon mặc đẹp, xua tan màu đen tối của dĩ vãng đau thương, mọi người đều được đối xử bình đẳng, để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dù cuộc sống hãy còn phân tán từ quê cũ Trà Vinh đến Sài Gòn - TP HCM, thậm chí ở cả nước ngoài; dù ở tận nơi đâu con cháu dòng họ Lê (Trương) vẫn hằng nhớ La Bang là quê hương, nơi còn mồ mả và nhớ giỗ chạp ông bà tổ tiên.
Cũng do cuộc sống phải ly tán mà tình ruột rà ngày một phai lạt, nghĩa thân thích ngày một chia xa. Không biết đâu là huý kỵ, thế thứ, nơi yên nghỉ của tiền nhân. Nghĩ rằng, chỉ có gia phả mới giải quyết được nỗi bức xúc ấy, chỉ cần giở từng trang thì lập tức tên tuổi của người mà ta cần tìm hiểu sẽ hiện rõ ngay, ta cứ chiêm nghiệm vào đấy để mà suy gẫm công lao sự nghiệp của tiền nhơn.
Trong lịch sử, mỗi triều đại lên trị vì rồi cũng đến lúc điêu tàn, sẽ có một triều đại khác lên thay. Trái lại một dòng họ thì nối nhau bất tận không ai thay được, nên đã là hậu duệ dòng họ Lê (Trương), chúng ta cần phải vung bồi gốc rễ, gốc rễ có vững chắc thì ngành ngọn mới tốt tươi, nghĩa là sống ở đời, chẳng những ta đừng làm điều gì sai trái để tủi hỗ đến vong linh ông bà mà còn phải sống có ích hơn đó là báo hiếu vậy.
“Người xưa mở cõi xây đời,
Ngàn sau mãi mãi sáng ngời tấm gương.
Con người có tổ có tông,
Như cây có cội như sông có nguồn.
Nước kia chảy miết đá mòn,
Chí ông cha, mãi cháu con chẳng sờn.
Còn trời còn nước còn non,
Là còn giữ vẹn tiếng thơm giống nòi.
Cháu con đời lại nối đời,
Sống luôn đạo nghĩa ta người Lê (Trương).
(Thơ Lê Du)
TP.HCM, những ngày đầu xuân Ất Dậu - 2005
Nhóm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả TP HCM
PHẢ KÝ
Từ khi quốc gia được thành lập, thì đã có sử. Sử ghi chép quá trình hình thành của một quốc gia, sự cộng cư của cộng đồng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài; quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với sự thăng trầm của các triều đại, các thế lực cầm quyền qua những lúc thịnh suy; đồng thời ca ngợi những phong trào tiến bộ, tôn vinh những tấm gương, những tên tuổi có công lao to lớn hoặc đáng kể đối với dân, với nước.
Gia phả của một nhà, một họ là bộ lịch sử của gia đình, dòng họ đó, ghi lại tổ tiên (từ đời I) từ đâu đến, dừng chân trên mảnh đất này, vào thời nào; lúc ấy vùng này ra sao về các mặt “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mà ông cha ta mới quyết định định cư, khai phá đất đai, lập nghiệp; khai sáng dòng họ, tiếp tục sinh con đẻ cháu nối truyền từ đời này sang đời khác, mãi đến ngày nay.
Ông bà ta đã trải bao công lao gian truân, khổ ải từ buổi đầu xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới này, phải luôn chống chọi với thiên nhiên, với thiếu thốn ban đầu, với bịnh tật, với giặc thù… và đã phải chịu bao mất mát hy sinh mới có cơ nghiệp ngày nay cho con cháu.
Bởi vậy, nước có sử, nhà có phả. Sử và phả đều có chức năng giáo dục con người biết rõ truyền thống dân tộc, cội nguồn dân tộc, cội nguồn tổ tiên để mà thương, mà quý, mà giữ gìn, phát huy và cũng để tự hào. Đó là phần hồn rất đỗi thiêng liêng, là sức mạnh tinh thần vô giá, giúp ta tự tin để vững vàng vượt qua mọi trở ngại, thử thách trong cuộc đời.
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Thật đơn giản mà sâu sắc biết bao! Hai câu ca dao trên đây gợi ta nhớ đôi cánh cò phảng phất, mãi mãi lắng đọng trong tâm hồn con người, khiến ta luôn nghĩ suy đến cội rễ của mình; để sống vững vàng trước mọi biến cố của cuộc đời, mọi đổi thay của cảnh ngộ, như ông cha ta vẫn dạy:
“Giấy rách phải giữ lấy lề”; hoặc “Giàu sang không quá độ, nghèo nàn không đổi thay, uy lực không cúi đầu” (Tạm dịch câu: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất), ý nói con cháu phải giữ gìn thanh danh, nghèo, cực mấy cũng chịu được, nhưng không thể chịu nhục, không làm điều gì trái đạo lý, phạm pháp luật, làm điếm nhục gia phong.
Có lẽ do lối sống có nề nếp gia phong, có tình có nghĩa của dòng họ Lê (Trương) luôn gắn bó với xung quanh từ đời này sang đời nọ, đã kết tinh thành nét đẹp mang tính truyền thống, luôn được con cháu noi theo và phát huy làm rạng rỡ tông môn và cũng làm cho xóm làng mến thương nể trọng. Đúng là:
“Hữu dư phước ấm lưu miêu duệ
Bất tử tinh thần tại tử tôn”
(Tổ tiên để lại phước đức,
Giữ được mãi mãi là do con cháu)
Từ thế hệ trước sang thế hệ sau, qua những thời kỳ, những chế độ khác nhau, qua những hoàn cảnh chung riêng, qua khó khăn hay thuận lợi, con cháu họ Lê (Trương) vẫn phấn đấu vươn lên. Nhiều người được học hành, có người là Chánh Tổng, Huyện (hàm), Hội đồng địa hạt, chức sắc tôn giáo thời xưa; ngày nay không ít người đã qua những trường lớp chính quy, có người học dở dang, nhưng một số người đã từ sơ học lên trung học; từ đại học lên cao học; đã đổ đạt thành bác sĩ, kỹ sư, có người là nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhà báo, có người là giáo sư, tiến sĩ đặc biệt có người là trí thức đầu
đàn trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhứt định (Kỹ sư Lâm Văn Vãng, con thứ hai bà Lê Thị Hường, là nhà trí thức lớn của Sài Gòn vào những năm 1930. Ông là chủ nhiệm tờ báo “Khoa học phổ thông”, là tác giả của nhiều công trình khoa học phục vụ dân sinh, tác giả sách “Hoá học thực dụng”. Ông đã chế tạo ét-săng (một nhiên liệu rất hiếm để chạy ô tô trong thời Nhật chiếm đóng Đông Dương), từ rượu cồn màu tím).
Trong hai cuộc chiến cứu nước thần kỳ, nhiều người đã hăng hái tham gia, hoạt động trong những tổ chức xã hội, hoặc trong bộ máy chính quyền cách mạng. Trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, họ đã được nhà nước tín nhiệm và hoàn thành những trọng trách của mình.
Trong chiến đấu đối mặt với kẻ thù, con cháu họ Lê (Trương) biết bao người đã bị tù đày, một số đã dũng cảm hy sinh trở thành liệt sĩ. Tên tuổi của họ làm rạng rỡ quê hương; “Tổ quốc ghi công” họ; và chính họ là những người con trung dũng của các “Bà mẹ Liệt sĩ”. Cả dòng họ Lê (Trương) tự hào về họ.
TÌM LẠI CỘI NGUỒN
Đã bao đời nay, con cháu dòng họ Lê (Trương) đều có chung một mong muốn: tìm lại cội nguồn, muốn biết tiền bối, Tổ phụ, Tổ mẫu của mình là ai? Từ đâu tới? Việc lập gia phả, cứ dự định, mà vẫn chưa thực hiện, bởi những lý do khách quan, chủ quan.
Ông Lê Thái Bình, con thứ tám của ông Lê Anh Dõng từ 35 năm trước đã rất quan tâm đến vấn đề gia phả này. Lúc sinh thời, khi tuổi đã vào 80, ông lần dò ghi lại những gì mình biết và còn nhớ được về cội nguồn của mình.
- Ông Lê Văn Chỉnh (con thứ chín của ông Lê Văn Trung và là cháu nội ông Lê Anh Dõng) đã phác hoạ sơ đồ họ Lê(Trương), bắt đầu từ ông nội mình. Phác đồ này vẫn còn quá sơ lược.
- Ông Lê Quang Nghiêm (Lê Du) con thứ tám của ông Lê Văn Trung, trong một buổi họp mặt đông đủ thân tộc tại nhà người em chú bác của mình là ông Lê Văn Quới - con cả ông Lê Thái Bình, vào dịp Tết năm 2003, nói về ý nghĩa, sự cần thiết và vận động bà con làm gia phả. Tất cả bà con có mặt hôm đó (trên 50 người) đều nhiệt liệt hưởng ứng ý kiến ông Lê Du.
Vậy là, việc làm gia phả họ Lê (Trương) đã khởi sự từ 35 năm trước. Nhưng công trình đành phải dừng lại dở dang từ đó cho đến tháng 3-2003 mới có điều kiện tiếp nối và cơ bản hoàn thành, với sự giúp đỡ của chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả - Hồi ký thành phố Hồ Chí Minh.
ĐI TÌM ĐẤT SỐNG
Từ lâu nay, theo sự hiểu biết của những vị cao niên trong dòng họ và theo di bút Gia Phả họ Lê (Trương) của ông Lê Thái Bình, con cháu họ Lê (Trương) vẫn đinh ninh mộ phần cụ Tổ mẫu của mình nằm trong khu đồng mả La Bang, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Xin trích Di bút của cụ Lê Thái Bình :
“Theo truyền ngôn mà ông nội tôi là ông Lê Văn Đức thuật lại cho cha tôi là ông Lê Anh Dõng nói lại cho anh em chúng tôi nghe, thì ông cố bà cố nội chúng tôi không rõ biết chắc ở đâu mà chạy giặc luôn luôn, đến trú ngụ từ tỉnh Tân An, lần xuống Mỹ Tho, qua tỉnh Bến Tre, kế Ba Vát, Mỏ Cày, nơi nào cũng không yên; đoạn qua sông Cổ Chiên vào vàm Cái Hóp đến xứ Càng Long ở được vài tháng thì ông cố nội mang bệnh chết, chôn tại một con giồng gần chợ Càng Long bây giờ đó. Nghe tin giặc còn tới nữa, thì bà cố nội tôi bàn với ông bác Ba tôi là ông Trương Văn Phước và ông nội tôi thứ tư là ông Trương Văn Đức để bà Năm bà Sáu gì đó ở lại giữ mộ, còn ông bác, ông nội tôi chở bà cố tôi, bà Bảy, bà Chín và bà Mười xuống Vàm Bãi Vàng, vô Chà Va, bấy giờ có một dòng họ đạo Công giáo lớn nhất xứ ở đó, nghỉ ít ngày rồi lần lượt vô chợ Cầu Ngang tại Xóm Văn Ngữ, rồi qua Mương Đục là một con rạch cùn, bây giờ là Bình Tân có chợ, cách chợ Cầu Ngang 3 - 4 cây số. Ở đây là xứ Miên, nghe có giặc Lý Rọt nổi lên gần quá, cho nên phải vội vã chạy tránh giặc, đến trú ngụ tại con giồng gọi xứ La Bang. Con giồng nầy nó ăn từ Cầu Ngang qua tới sông Thâu Râu, bề dài có 4 - 5 chục cây số, bề ngang có chỗ một cây số, có chỗ (rộng) từ 1 - 2 - 3 trăm đến 700 thước. Có nhiều con giồng nhỏ ăn dính với con giồng nầy, có nhiều cái chùa Miên là chùa Cái Lôm, chùa Ô-Răng, vân vân … mà người Miên ở lâu đời có nhiều sốc lắm: xã Dịch, Trà Kim, Sốc Mới, …vv…
Đến đây nơi xứ La Bang: phía Tây con giồng thì có ruộng, còn phía Đông thì có một con rạch (tức rạch Thâu Râu); từ biển Ba Động trở lên tới chợ Cầu Ngang thì là rừng rú vô tận. Thuở ấy cọp, beo, heo rừng, nai, hươu, chồn, cáo vô số, rắn trăn to lắm”.
Lý do định cư:
Đến đây nhờ địa thế thuận lợi hơn những nơi đã đi qua - vẫn theo ông Lê Thái Bình ghi. “Thấy có sông rạch và cây lá vô tận, bà con là những người chạy giặc mới bàn tính với nhau rằng: chỗ nầy dầu có giặc tới, anh em chúng mình vẫn có chỗ ẩn núp được; mà nếu yên giặc, anh em mình sẽ kết thân ở đây mà làm ăn. Cả thảy đồng ý, mới lo đốn cây đốn lá cất nhà nhỏ nhỏ ở xúm xít với nhau 15 - 17 cái nhà hủ hỉ với nhau; mặc dầu không bà con nhưng thương nhau tình ruột thịt chẳng kém…”.
Thật cảm thương! Ông bà chúng ta định cư trong hoàn cảnh khó khăn, loạn lạc, chạy giặc tới đây không thân thuộc, phải tự tay dựng nhà, dựng nghiệp, trong khi an ninh chưa hoàn toàn bảo đảm “nếu có giặc vẫn có chỗ ẩn núp” (Lê Thái Bình)….
TÌM ĐƯỢC MỘ TỔ
Một trong những mục tiêu chính và cũng là tâm huyết của hậu duệ dòng họ Lê (Trương) là tìm bằng được mộ tổ của mình. Trong di bút viết năm 1971 của cụ Lê Thái Bình có ghi: “Mộ tổ của dòng họ nằm trên đất quận Càng Long”.
Trên thực tế, từ xưa dòng họ Lê (Trương) phát tích từ xứ La Bang, Long Sơn, Cầu Ngang. Mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em trong dòng họ hầu như nằm trên mảnh đất này. Qua bao biến cố lớn của lịch sử, vẫn còn không ít con cháu dòng họ Lê (Trương) trụ chắc trên đất La Bang. Số cụ biết về mồ mả tổ tiên và bà con xa gần thuộc họ Trương ở Càng Long đều khuất cả rồi. Các bậc cao niên còn sống gần như không còn ai còn biết về tổ tông và dấu ấn của bề trên thuở ở Càng Long. Lớp người còn lại trẻ hơn tất nhiên cũng đành chịu. Nay chúng ta chẳng còn lấy bất cứ một giềng mối, một mắc xích khả dĩ nào nữa để lần về với người xưa trên đất Càng Long.
Càng Long chỉ là chốn dừng chân trên đường lao lung tìm đất sống trong một thời kỳ đầy những bất an. Có thể là, sau khi định cư xong và cuộc sống đã tạm ổn định trên xứ La Bang rồi, con cháu bèn cải táng mộ tổ từ Càng Long về đây, để quây quần gần gũi cho ấm cúng hơn và cũng dễ bề chăm sóc hơn.
Được biết tại khu đồng mả La Bang có ngôi mộ tổ mẫu do ông bảy Nguyễn Văn Nhã, sinh năm 1933 là cháu ngoại ông Trương Văn Kỳ, từ bé đến già chỉ sống ở đây, chăm sóc.
Với chừng ấy thông tin và suy đoán, ngày 20-9-2003, Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số con cháu dòng họ Lê (Trương), được ông Bảy Nhã hướng dẫn, đã về tận khu đồng mả La Bang để khảo sát. Ước mong của cả đoàn là tìm bằng được mộ tổ phụ, tổ mẫu hay chí ít cũng khẳng định được ngôi mộ mà ông Bảy Nhã đã gần một đời chăm sóc đó là của tổ mẫu hay của ai; đồng thời dịch giải thật sáng tỏ những dòng chữ Nho khắc trên bia mộ ấy.
Đây là ngôi mộ cổ bằng đất, xây theo hướng Bắc-Nam, nằm giữa khuôn viên chữ nhật bằng đá ong đỏ sẫm, vững chắc. Sau mộ là một bia đá xanh chạm trổ khéo léo, trên bia là những hàng chữ Nho, nét khắc sâu vẫn còn rõ nét. Ngôi mộ này tọa lạc ở một vị trí đặc biệt trang trọng giữa vùng đồng mả La Bang - Long Sơn - Cầu Ngang.
Sau khi thắp hương thành kính tưởng niệm tiền nhân, mọi người đứng lặng, lắng nghe từng lời ông Võ Văn Sổ - chuyên viên Hán Nôm của đoàn - đọc và dịch chậm rải, cẩn trọng các dòng chữ Nho trên bia mộ như sau:
“Đây là ông hiển tổ họ Trương, tên Thâu”.
“Nhân ngày lành quý hạ (tháng 6 âm lịch) năm Canh Tý, 1900 dương lịch, là ngày dựng bia mộ”.
“Người dựng bia là cháu nội: chánh tổng Trương Anh Dõng và hội đồng Trương Văn Kỳ”.
Nghe xong mọi người hết sức xúc động.
Vậy là ước nguyện chung mong đợi bấy lâu nay đã thành. Đây là mộ tổ, không phải tổ mẫu mà là tổ phụ, tên ông là Trương Thâu. Quả là một niềm vui, đúng hơn là một hạnh phúc chẳng những cho dòng họ Lê (Trương) mà cho cả đoàn chuyên viên nữa. Bởi từ nay và từ ngôi mộ cổ này, hậu duệ dòng họ Lê (Trương) đã có điểm xuất phát vững chắc để tìm về nguồn cội của mình.
Song, đấy là một hạnh phúc chưa trọn vẹn. Bởi lẽ, sau khi nghiên cứu tiếp một cách kỷ càng từng ngôi mộ một nằm rải rác trên đồng mả rộng lớn, đoàn chuyên viên chẳng thu được một thông tin nào về mộ của tổ mẫu.
Ngoài mộ của cụ Trương Thâu ra, mặc dù có sự giúp sức của đoàn chuyên viên, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được mộ của cụ bà. Trong gia phả này chúng ta xem cụ Trương Thâu là Tổ phụ của dòng họ Lê (Trương).
Cho dù bộ gia phả dòng họ Lê (Trương) được hoàn tất, các thế hệ nay mai sẽ không ngừng bồi đắp, thì việc trước mắt phải làm bằng cả tâm huyết và kỳ công là phải tìm bằng được mộ tổ mẫu và phải biết tổ tiên ta tự lúc nào và từ đâu tới sinh cơ lập nghiệp tại xứ La Bang - Long Sơn - Cầu Ngang - Trà Vinh heo hút vào thời buổi đầy bất an ấy, để từ đó có được từng người trong chúng ta hôm nay?
Tiếc quá, giờ đây không còn cụ Lê Thái Bình - người khởi xướng và là người đầu tiên dẫn dắt chúng ta trở về với nguồn cội, qua cuốn gia phả dòng họ Lê (Trương) mà ông viết dở dang từ năm 1971. Tiếc lắm, giờ không còn ông Lê Văn Chỉnh, ông Lê Văn Quới cùng các ông bà khác nữa - những người đã nhiệt tâm tiếp nối, hưởng ứng hoặc giúp đỡ hoặc bằng tinh thần hoặc bằng vật chất cho việc hoàn tất bộ gia phả của dòng họ chúng ta - để chung vui cùng con cháu.
Tận đáy lòng mình dòng họ Lê (Trương) chân thành cám ơn Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Tp. Hồ Chí Minh, cảm tạ ông Võ Văn Sổ - chuyên viên Hán Nôm - đã giúp dòng họ chúng tôi dựng được bộ gia phả này.
Sau khi tìm được mộ phần của tổ phụ Trương Thâu, gia phả dòng họ Lê (Trương) được dựng như sau:
Ông bà Tổ Trương Thâu (Từ đời I (Trương Thâu) đến đời III (Trương Anh Dõng), theo các văn bia xin thống nhất gọi họ Trương; từ đời IV trở về sau là họ Lê) đời I, đến đất phương Nam lập nghiệp theo truyền thuyết là người từ miền Trung vào. Cùng các con theo đường biển, đường bộ, vừa chạy giặc vừa tìm đất định cư đã trải qua nhiều nơi: từ Tân Sơn đến Bến tre, Càng Long, điểm cuối cùng là xứ La Bang ngày nay. (Các địa danh trên ngày xưa có tên khác: Tân An xưa là Phủ Tân An thuộc tỉnh Gia Định; Mỹ Tho nguyên thuộc tỉnh Định Tường, Bến Tre nguyên là Phủ Hoằng Trị, Càng Long, Cầu Ngang thuộc Phủ Lạc Hóa)
Ông bà Tổ hạ sanh được 8 người con: 2 trai, 6 gái.
Đầu lòng chết nhỏ vô danh không xác định được giới tính.
Thứ ba là Trương Văn Đức, thứ tư là Trương Văn Phước, bà thứ năm, thứ sáu dừng lại chăm sóc phần mộ mẹ rồi có gia đình ở Càng Long, bà thứ bảy và thứ chín theo cha và có gia đình, hiện con cháu ở quanh vùng, người thứ tám chết nhỏ vô danh, bà út thứ mười sống độc thân đến già.
Trong hai người con trai thì ông thứ baTrương Văn Phước sinh ra con gái, nên con cháu ngày nay vẫn còn nhưng vẫn là họ ngoại, trong khi người em thứ tư Trương Văn Đức, vị tiền hiền khai khẩn làng Mỹ Đức sanh hai con trai Là Trương Anh Dõng, Trương Văn Kỳ sau này đông đảo con cháu, có nhiều người bám trụ tại quê hương Trà Vinh và một số ở Sài Gòn TP.Hồ Chí Minh, nên việc tìm hiểu và ghi chép gia phả về ông Trương Văn Đức cũng được đầy đủ hơn (Dòng họ Lê (Trương) nếu tính từ ông Tổ đời I Trương Thâu đến đời VIII thì con cháu, chắt, chít… đông vô kể. Hiện nay, họsống rải rác ở nhiều nơi: La Bang- Long Sơn, Ông Ốc, Ô Lắc - Hiệp Mỹ; Cầu Ngang, thị xã Trà Vinh, một số khá đông ở Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây và cả ở nước ngoài. Cho nên, thống kê cho đầy đủ, sắp xếp lại có hệ thống theo từng chi cho đầy đủ, lập thành gia phả là một việc làm khó khăn mang tính tổ chức, khoa học. Phải có sự kết hợp của bà con các tông chi với sự nhiệt tình và nghiêm túc thực hiện của nhóm chuyên môn mới có thể hoàn thành tốt, hạn chế những thiếu sót nhất định).
Từ “du cư” cho đến định cư. Tổ tiên ta thật nhọc nhằn, khổ ải, gian truân. Nhưng nhìn hoàn cảnh này một cách khách quan thì:
Chim khôn xây tổ chọn cành,
Người khôn tìm đến đất lành sinh cơ.
(“Chim khôn xây tổ chọn cành” là mượn câu “Việt điểu sào Nam chi” (Lê Du)
Quả, La Bang là mảnh đất lành cho ông tổ họ Trương chúng ta định cư, sinh cơ lập nghiệp, là cái nôi phát tích dòng họ. Có lẽ, là con cháu chúng ta cũng nên biết qua.
ĐÔI NÉT VỀ LA BANG
Xứ La Bang xưa thuộc làng Mỹ Đức, quận Ô Lắc, tỉnh Trà Vinh (Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyền - Vĩnh long (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh), NXB.TP.HCM 1994, Tp.HCM). Không biết cái tên La Bang đặt cho xứ nầy từ bao giờ, chỉ biết ở vùng này có một giống cây là lạ, mọc rất nhiều, người địa phương gọi là cây “la ban”, một loại cây thân gỗ rất chắc, lá to như lá bàng, dùng lót tả trẻ nít sơ sinh, chữ La Ban xưa không có “g”, và cũng không biết từ bao giờ mẫu tự “g” được ghi thêm vào chữ “Ban” xưa để tên xứ nầy trở thành La Bang như hiện nay.
La Bang là đoạn giữa một con giồng chạy dài hàng chục cây số từ Cầu Ngang xuống đến Tân Lập (phía dưới Long Sơn bây giờ). Nó có bề ngang nhiều chỗ rộng trên dưới 1km, có chỗ hẹp trên dưới 500m.
Vùng này xưa kia là biển. Biển đã lùi xa về Bến Đáy, Ba Động từ lâu. Nhưng vết tích của nó còn lưu lại là những cồn, động, những bãi cát biển dài. Một bằng chứng cụ thể hơn: vào năm 1937, ông Lê Văn Trung biết: có một người dân La Bang đào giếng lấy nước ngọt, đào đến độ sâu cỡ 3m thì người này nhặt được đôi mảnh vụn của chén bát bằng gốm, sành, và vài mảnh gỗ gãy ra từ cột buồm, từ mái chèo, chứng tỏ ngày xưa có thuyền bè đi qua đây bị chìm xuống biển.
Phía trên La Bang có nhiều con giồng với đất đai màu mỡ. Phía dưới La bang là rừng rậm với lắm loài cây như dà, dẹt, đước, tràm; còn cây dừa nước thì bạt ngàn mọc theo các con kênh rạch.
Khi dòng họ Trương đến đây thì vùng này còn lắm chỗ hoang vu. Nơi rú rậm thì không ít chim chóc, muôn thú có cả dã thú. Do bàn tay con người ra sức lao động, khai phá cải tạo đất đai dần mà La Bang nhiều nơi thành ruộng nương, vườn tược và dân số dần dần đông đúc. Chứ trước đây rất hẻo lánh, phần nhiều là những phum sóc của người Khơme. Một ngôi chùa Khơme nổi tiếng ở đây là Ô Răng. Trụ trì chùa này là lục cả Ô Răng (Lục Giồng) có tài bói toán nổi tiếng cả tỉnh Trà Vinh. Một đặc điểm nói chung ở Trà Vinh và nói riêng ở quận Cầu Ngang là cộng đồng người Khơme chiếm tỷ lệ khá lớn (có thể đến 2/5). Ở La Bang, Long Sơn cũng vậy. Bao đời nay quan hệ giữa người Việt và Khơme vẫn gần gũi thân thiện. Họ vẫn cùng cấy gặt trên chung một cánh đồng và hằng ngày vẫn mua bán chung ở một chợ làng, chợ ấp.
Trà Vinh là một tỉnh nhỏ (1 trong 21 tỉnh - phân chia theo địa giới hành chính thời thuộc Pháp), là một tỉnh không được trù phú lắm so với các tỉnh đồng bằng miền Tây Nam bộ. Nó nằm sát biển Đông giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. La Bang là một ấp của xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang hiện nay. Trước đây qua bao thời kỳ, bao biến cố, các tên xã huyện thường đổi thay. Nhưng có lúc, La Bang là một ấp thuộc xã Mỹ Đức, tổng Bình Trị Hạ, quận Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh. Ngay tên Cầu Ngang cũng viết không có chữ “g” như bây giờ. Còn làng Mỹ Đức là lấy từ hai tên ghép lại của hai người có công đầu trong số người mới đến đây khai phá, mở mang là cụ Nguyễn Văn Mỹ và cụ Trương Văn Đức.
Ông Trương Văn Đức là Cai tổng, ông Trương Anh Dõng là Chánh tổng, Huyện hàm, ông Trương Văn Kỳ và con, cháu nội ba đời là Hội đồng địa hạt. Ông Lê Văn Trung cũng là Hội đồng địa hạt. Những vị nầy sống nhân đức, được nhân dân quý trọng. Những ngôi nhà cổ kính hay tân thời, những cơ ngơi xưa của dòng họ Lê (Trương) bây giờ hầu như đã chìm sâu vào ký ức lớp lớp thời gian với biết bao biến cố hàng thế kỷ. Con cháu họ Lê (Trương) giờ đây trụ lại ở La Bang có còn được mấy người; bởi vì sinh sống họ đã trôi nổi đến các nơi xa. Những dấu tích còn lại đáng kể nhất là các khu mộ, cánh đồng mộ của các thế hệ hậu duệ của dòng họ. Và may mắn thay, con cháu đã tìm được mộ tích của Hiển tổ đời I của mình là ông Trương Thâu.
ĐÔI NÉT VỀ Ô LẮC, HIỆP MỸ - VÙNG ĐẤT CON CHÁU HỌ LÊ (TRƯƠNG) PHÁT TRIỂN
Ông bà Hội đồng địa hạt tỉnh Trà Vinh Lê Văn Trung, Trần Thị Quyên là cháu cố của Tổ phụ Trương Thâu, khi rời La Bang ra riêng về Ô Lắc, Hiệp Mỹ đã sở hữu 3.500 công (350 mẫu) ruộng trên mảnh đất nầy.
Ô Lắc là tên một ấp, nói trại từ tiếng Khơme Vi-rô-lắc (Rừng dấu). Phải chăng xưa kia có một thời vùng này không yên ổn, nên người địa phương mang dấu của cải ở khu rừng này.
Ô Lắc thuộc xã Hiệp Mỹ, Hiệp Mỹ là một làng lân cận La Bang. Ranh giới giữa La Bang và Ông Ốc, giữa Cái Già và Ô Lắc là con sông Thâu Râu. Không biết từ bao giờ, nó chảy quanh co qua những xóm làng quen thuộc thật êm đềm như bản tính hiền hoà của người dân xứ sở này.
Cũng như La Bang - Long Sơn; Ô Lắc- Hiệp Mỹ là những xóm làng nhỏ bé của quận Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh nằm sát biển Đông giữa hai con sông Tiền, sông Hậu, được tưới đẫm phù sa bởi hàng trăm con sông nhỏ và kênh rạch khác. Trên bản đồ địa lý Trà Vinh, Ô Lắc Hiệp Mỹ chỉ là một chấm nhỏ. Vậy mà cái làng quê hẻo lánh này vẫn mang trong số phận nó biết bao thay đổi, nổi chìm.
Hãy đọc bài thơ “Hiệp Mỹ” sau đây của tác giả Trần Văn Lữ - nguyên là một danh đông y của Trà Vinh, quê Hiệp Mỹ - để thấy lại một “dáng xưa”:
Hiệp Mỹ
Hiệp Mỹ làng ta cũng thú mà
Cũng cờ, cũng rượu, cũng thi ca
Sông chia ba ngã, cầu hai nhịp
Đường sá đôi bên chợ một toà
Rộn rịp phố phường thương mãi khách
Tưng bừng nhà máy nghiệp nông ta (1)
Xưa kia dinh phủ, nay trường học
Mạch nước bên đình bặt dấu xa.
(Trần Văn Lữ)
(“Tưng bừng nhà máy nghiệp nông ta” là muốn nói nhà máy xay lúa của ông Lê Văn Trung)
Phải, Hiệp Mỹ đã có một thời huy hoàng với nhịp sống rộn ràng như vậy đó. Và có lẽ nhìn thấy đất này sẽ không thịnh lắm nên chính quyền thời Pháp thuộc đã di dời cái quận lỵ Ô Lắc về Cầu Ngang từ năm 1928. Cho nên mới có chuyện “Xưa kia dinh phủ nay trường học”. Còn cái “mạch nước bên đình” không thấy để lại dấu vết gì.
Ngày xưa, bên cạnh đình Hiệp Mỹ có hai cây dầu cổ thụ thật cao, to, sau năm 1945, đóng góp cho tỉnh có gỗ để đóng thuyền to chuyên chở vũ khí kháng chiến chống Pháp, dân làng Hiệp Mỹ đã phải hy sinh hai cây này - cái biểu tượng uy nghi đẹp nhất của làng.
Đình Hiệp Mỹ giờ đây, sau năm 2002, đã xây lại khang trang. Sẽ đẹp và có nhiều ý nghĩa hơn biết bao, giá như bên cạnh đình - ngay chỗ gốc hai cây dầu ngày trước - có một tấm bia được trang trọng dựng lên, để người Hiệp Mỹ tưởng nhớ cái hình ảnh thân yêu mãi mãi in sâu trong ký ức của mình.
Người Hiệp Mỹ sống với nhau có nghĩa có tình, rất hào hiệp lại có máu tài tử, rất yêu thích văn nghệ, đờn ca vọng cổ, xem hát cải lương. Ô Lắc có những tay đàn rất mùi, những giọng ca rất ngọt.
Và, với Hiệp Mỹ, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” là câu nằm lòng. Vì vậy, năm 1945 khi hay tin miền Bắc gặp nạn lớn, hàng triệu người đang chết đói… “Máu chảy ruột mềm”, người Hiệp Mỹ cảm thấy xót xa, phải làm một việc gì có thể để cùng cả nước, góp phần cứu giúp đồng bào miền Bắc.
Thế rồi, như một huyền thoại, không mấy chốc, một gánh hát cải lương nghiệp dư ra đời mang tên “Hiệp Mỹ cứu tế kịch đoàn”, chỉ với một tuồng “Thôi tử thí tề quân”. Vậy mà đi hát khắp các làng trong quận Cầu Ngang, lại sang các quận khác trong tỉnh và cuối cùng lên diễn ngay ở thị xã Trà Vinh, chỉ với một mục đích lạc quyên cứu tế đồng bào đang lâm nạn. Nếu không thật sự chứng kiến thì không thể nào tin. Nhưng đây là sự thật đã xảy ra ở Hiệp Mỹ từ trước ngày Nam bộ kháng chiến. Quả là một sự kiện chưa từng thấy xưa nay ở vùng đất này.
Cùng với các thầy giáo làng, với các thanh, thiếu, trung niên Ô Lắc, có thể nói 7 người con trai của ông Lê Văn Trung đều tích cực tham gia, trong đó có 6 người đã làm kép lên sân khấu biểu diễn. Chỉ có Tám Nghiêm (Lê Du) là hoạ sĩ nên được phân công lo việc phông màn và kẻ vẽ cổ động cho đoàn.
Xã Hiệp Mỹ từng hâm mộ đội bóng đá chân đất bách thắng của mình, do Lê Ngọc Ve, một danh thủ của đội tuyển Trà Vinh dẫn dắt; giờ đây càng tha thiết với “Hiệp Mỹ cứu tế kịch đoàn”, gánh cải lương tài tử của mình, toàn đào kép loại “vườn” nhưng lại rất tài hoa trong diễn xuất, hầu như cả tỉnh đều biết gánh hát kỳ lạ này.
Nhìn vào đội bóng đá Hiệp Mỹ cũng như “Hiệp Mỹ cứu tế kịch đoàn”, thấy được hình ảnh đoàn kết tuyệt đẹp của người dân xã này. Và qua đây, cũng thấy được sự gắn bó của gia đình ông Lê Văn Trung với bà con Ô Lắc - Hiệp Mỹ như thế nào. Hình ảnh đoàn kết này trở thành sức mạnh được nhân lên bội phần trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước. (Ở phần phụ khảo có bài “Hiệp Mỹ cứu tế kịch đoàn”)
VỀ VIỆC ĐỔI HỌ TRƯƠNG THÀNH HỌ LÊ
Từ một ít sử liệu, suy ra:
Giặc Pháp xâm lược nước ta vào giữa thế kỷ 19. Trước tiên, chúng gặp phản ứng của nhân dân Nam bộ.
Sau khi Nguyễn Tri Phương, một danh tướng của triều Nguyễn đánh Pháp quyết liệt, nhưng thất trận Chí Hoà (thuộc Gia Định), triều Nguyễn vội vã đầu hàng. Năm 1862 cắt 3 tỉnh miền Đông, rồi năm 1867 cắt thêm 3 tỉnh miền Tây dâng cho Pháp. Vậy là các phong trào kháng Pháp rầm rộ nổi lên, bắt đầu từ miền Đông rồi lan dần khắp Lục tỉnh Nam kỳ: từ Trương Định ở Gò Công mà nhân dân kính phong ông là Bình Tây Đại Nguyên Soái đến Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho; tiếp đến Phan Liêm, Phan Tôn ở Bến Tre rồi đến Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá và nhiều phong trào khác nữa. Các cuộc nổi dậy rộng khắp thành một cuộc chiến yêu nước chống Pháp quyết liệt của nhân dân Nam Bộ.
Từ bối cảnh lịch sử này, hãy nêu lại câu hỏi lớn: “Vì sao các bậc tiền bối ta đã đổi họ Trương thành họ Lê?”
Theo truy cứu gia phả họ Lê (Trương) thì: Từ cuối đời III sang đời IV, con cháu ông Trương Anh Dõng và ông Trương Văn Kỳ mang họ Lê cho tới ngày nay. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến việc thay đổi họ, chắc hẳn đây không thể xem là chuyện bình thường.
Từ thời cuộc với những biến cố lớn nói trên, là hậu bối, chúng ta có thể tạm suy đoán như thế này: khi giặc Pháp bắt đầu xâm lăng Nam Bộ thì ở triều đình Huế có hai phe: hoà và chiến. Đứng đầu phe phản đối chủ trương cầu hoà (tức không chấp nhận thua!) là Trương Đăng Quế; còn ở phương Nam, đứng đầu phe kịch liệt chống Pháp là Trương Định (Trương Công Định). Hai vị nổi danh này đều là họ Trương, trùng họ với họ Trương nhà ta! Có lẽ ông cha ta không quá sợ trù dập “tru di tam tộc” của triều đình hơn là sự khủng bố tàn khốc của giặc Pháp nếu chúng quyết tâm tiêu diệt Trương Định và phe cánh của ông, và có thể diệt luôn như “nhổ cỏ tận gốc họ Trương”. Nếu vậy thì tai họa khôn lường đang lơ lửng trên đầu bất cứ ai là họ Trương không biết giáng xuống lúc nào. Thôi thì, sao cho cuộc sống được “bình an”, đổi họ là thượng sách. Căn cứ vào các yếu tố và các dẫn giải nêu trên, có thể kết luận việc đổi họ Trương thành họ Lê là do nguyên nhân từ chính trị.
Nhưng tại sao chọn họ Lê mà không là họ khác như Đinh, Lý, Trần? Có người lại nhớ khi còn nhỏ có nghe ông bà truyền ngôn: Sở dĩ dòng họ chúng ta đổi sang họ Lê là vì mến mộ ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt. Đấy cũng là ý kiến cần xem xét. Đây là một phạm trù khác, có lẽ chúng ta không nên lạm bàn. Mà là nên chấp nhận, bởi như đã nói, từ đời thứ III sang IV, tiền bối ta mang họ Lê, đã trên một thế kỷ rồi.
Từ khi đến La Bang, cùng với dân địa phương khai hoang lập ấp, xây dựng cơ ngơi, dòng họ Lê (Trương) đã sống như thế nào? Cuộc sống đâu chỉ là áo cơm, ruộng vườn, nhà cửa. Đó là vật chất. Còn có một phần khác cũng đáng quan tâm là cuộc sống tâm linh, cuộc sống tinh thần.
Có lẽ do nếp ăn, nếp ở và lối cư xử nhân ái với xóm giềng, tiền nhân chúng ta từ đời thứ ba đã được người La Bang nể vì, kính trọng - như đã nói - tên tuổi một số người (sau khi mất) được tôn vinh là tiền hiền đưa vào thờ phụng trong đình làng La Bang, bên cạnh bài vị của Thần Hoàng Bổn Cảnh.
Các bậc tiền bối của dòng tộc chúng ta luôn lấy nhân nghĩa làm đầu, lại có Nho học, nên đã đương nhiên tiếp nhận một cách tích cực và sâu sắc cái đạo làm người:
“Thà đui mà giữ đạo nhà.
Còn hơn có mắt ông cha không thờ”
Và cái chí dũng của một người yêu nước đầy lòng cương trực:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”
của cụ đồ mù Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre.
Chỉ có nghĩ như vậy, mới lý giải được vì sao những đời sau này, các lớp kế tiếp của dòng họ Lê (Trương) do tiếp thu và phát huy những nét đẹp truyền thống của cha ông mới có thể thắm sâu cái đạo làm người và sống đúng theo câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, không ít người trong dòng họ Lê (Trương) đã hăng hái, bền bỉ tham gia, không nề gian khó, hy sinh, làm tròn nghĩa vụ công dân của mình. Trong đấu tranh có kẻ bị tù đày. Trong chiến đấu có người đã ngã xuống trong tư thế hiên ngang như một anh hùng. Tên tuổi họ đã làm rạng rỡ quê hương và dòng họ.
Từ khi bắt đầu nghiên cứu thực hiện gia phả dòng họ Lê (Trương), hầu như nhiều người trong dòng họ và cả nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả đều nhận thấy có ba điều quan trọng nổi lên là:
1. Truy tìm nguồn gốc, phải tìm cho được vị “Thủy tổ”, tức ông tổ đời I của mình là ai?
2. Vì sao họ Trương đổi thành họ Lê?
3. La Bang là nơi dừng chân cuối cùng, nơi lập nghiệp, phát tích của dòng họ Lê (Trương). Vậy, chính xác nơi Tổ tiên đã từng sống, rồi xuất phát là đâu?
Ba câu hỏi trên đây, sau một năm cố gắng phối hợp giữa Nhóm Nghiên cứu & Thực hành gia phả TP. Hồ Chí Minh và các chi của dòng họ để nghiên cứu , truy tìm, nay đã có lời giải đáp:
- Thứ nhất: Đã tìm được ngôi mộ Tổ và xác minh vị Tổ đời I của dòng họ Lê (Trương) là ông Trương Thâu.
- Thứ hai: Trong khi chưa có một lời giải thích thuyết phục hơn, logic hơn thì hãy tạm chấp nhận theo sự suy đoán - không phải không cơ sở - như đã trình bày ở phần “VỀ VIỆC ĐỔI HỌ”.
- Thứ ba: Đúng là đến nay vẫn chưa tìm được đích xác từ đâu Tổ Tiên họ Trương xuất phát mà chỉ biết Tân An là nơi tạm trú và chạy loạn để tiếp tục đi tìm đất sống. Ta chỉ có thể biết là ông cha từ miền ngoài đi vào phương Nam (theo di bút cụ Lê Thái Bình). Vậy gốc gác của Tổ Tiên chúng ta là người miền ngoài. Miền ngoài có hàm ý là cả miền Bắc lẫn miền Trung(?)
Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì những biến cố, sự cố về vua Lê - chúa Trịnh, về Trịnh - Nguyễn phân tranh, nếu không nói là hoạ thì cũng là cái nạn lớn của đất nước đối với dân lành với những loạn binh đao, với những hà hiếp, ức chế, nhũng nhiễu của thời cuộc làm cho người miền ngoài lắm khi cảm thấy như bị “nghẹt thở”. Vì vậy, từ cuối thế kỷ 18, hầu như dân chúng phải ào ạt từng đợt, từng nhóm người (bằng thuyền hoặc bộ) chạy di cư vào Nam. Điều này cứ diễn mãi cho đến giữa và cuối thế kỷ 19, khi quân Pháp bắt đầu xâm lược Nam bộ thì tạm ngưng(Ở đây không nói đến cuộc di cư ào ạt từ Bắc vào Nam sau kết thúc kháng chiến chống Pháp – 1954). Cứ theo tình hình này, có thể suy đoán là Tổ Tiên dòng họ Lê (Trương) là những người đồng hội đồng thuyền với những dòng người long đong trong cơn loạn ly này.
Vậy chúng ta tạm xem như Tổ Tiên chúng ta từ miền Trung đi vào Nam. (Nói là miền Trung thì có lý hơn miền Bắc, bởi miền Bắc thì xa xôi quá. Vả lại cũng cần nghiên cứu qua cái “tạng” người, từ dáng dấp, tiếng nói và phong tục truyền thống nữa…). Cứ nhìn từ hình ảnh đời IV thôi, chúng ta khó tìm được nét gì mang dấu vết cái “tạng” của người dân phương Bắc. (Đây là theo nhận xét của họa sĩ Lê Du, ông Tám Nghiêm, đời V, con ông Lê Văn Trung, bởi ông đã từng sống trên đất Bắc 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975,từng đi qua và sống ở các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương…)
Trong quá trình thực hiện bộ Gia phả dòng họ Lê (Trương), một hậu duệ đời thứ VI, bà Lê Thị Thanh Tâm, cháu cố ông Trương văn Kỳ cung cấp một thông tin quan trọng: sau một chuyến về quê hương La Bang thăm mộ Tổ tiên, bà có chụp ảnh các ngôi mộ, đem về cho gia đình chồng xem. Người mẹ chồng bà xem ảnh mới phát hiện họ còn là bà con của họ Trương, vì ba chồng của bà vốn là một nhà Nho, lúc sinh thời ông có dịch một bộ gia phả họ Trương cho gia đình bên vợ của ông. Theo đó xuất xứ họ Trương nầy có ba anh em từ Quảng Bình vào phương Nam, họ dừng chân tại Tân An, sau đó một người ở lại Tân An, một người về Cần Thơ, một người về Trà Vinh. Người về Trà Vinh tên là Trương Thâu.
Một hậu duệ đời thứ VI khác, bà Lê Thị Pauline Hai, cháu cố ông Trương Anh Dõng cũng cung cấp một thông tin liên quan: Khi ông Lê Văn Quới, cha của bà còn sống ở nước Pháp, kể lại, trước ngày giải phóng, có mấy người quê ở Tân An, lên Sài Gòn tìm thăm ông và nhìn bà con. Tiếc rằng lúc đó bà ở bên Thụy Điển, không nhớ nhắc cha ghi lại địa chỉ và họ tên những người bà con đó.
Có thể, hai nguồn tin trên trùng hợp về nguồn gốc của Tổ phụ Trương Thâu, nhưng ngay thời điểm nầy chúng ta chưa liên hệ với họ được.
Hy vọng sau này với điều kiện thuận lợi hơn và với khoa học kỹ thuật tiên tiến, với những lớp con cháu đầy tâm huyết sẽ cố gắng tiếp tục truy tìm để có lý giải khoa học và chính xác.
KẾT LUẬN: NHỮNG NÉT TIÊU BIỂU CỦA DÒNG HỌ LÊ (TRƯƠNG)
Trong quá trình nghiên cứu thực hiện gia phả, chúng tôi Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Thành phốHồ Chí Minh nhận thấy ở dòng họ Lê (Trương) có những nét đặc biệt, mang tính truyền thống, đáng được nêu lên, đó là: Lê (Trương) là dòng họ lớn về phẩm giá ở tỉnh Trà Vinh, xét trên bốn phương diện:
1. Lê (Trương) là dòng họ trọng nhân nghĩa, lấy đạo lý làm đầu
Suốt quá trình tìm hiểu để thực hiện bộ gia phả này, đoàn chuyên viên thành phố Hồ Chí Minh được tiếp xúc rất nhiều với các bậc cao niên và thế hệ hôm nay của dòng họ Lê (Trương). Ấn tượng rất sâu đậm của dòng tộc này đã để lại trong chúng tôi như một điểm vừa chói sáng, vừa ấm áp và rất đáng trân trọng, là tất cả mọi người từ già đến trẻ, từ thành thị đến chân quê, từ người theo đạo Thiên chúa đến người theo đạo Phật hoặc không theo tôn giáo nào, từ người đi kháng chiến đến người suốt một đời cày sâu cuốc bẫm hoặc buôn bán sinh nhai, từ người công chức đến người không được học, từ người sống trong nước đến người định cư lâu năm ở nước ngoài… đều rất trân trọng dòng họ của mình và giữ gìn tôn ti, trật tự, kỷ cương, nề nếp gia phong một cách đáng khâm phục.
Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều người tuổi đã hơn sáu mươi, bảy mươi mà vai vế nhỏ hơn vẫn chắp tay cung kính chào hỏi vị nhỏ tuổi hơn nhưng vai vế lại cao hơn mình. Nhiều ông bà tuổi đã tám, chín mươi, mà vẫn chị chị, anh anh, em em thân mật ngọt ngào như thuở thiếu thời cùng sống với nhau.
Qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có dòng tộc nào, một gia đình Việt Nam nào không mang dấu ấn của lịch sử đó? Những người của dòng họ Lê (Trương) một cách êm ái và hồn nhiên tự mình hàn gắn vết thương chiến tranh ấy. Họ sống chan hòa và thuận thảo với nhau như chẳng hề có dị biệt nào về chính kiến…
Dòng họ Lê (Trương) có nhiều người khá giả, có những người có vị thế cao trong xã hội như Chánh tổng, Huyện hàm, Hội đồng địa hạt… có người là địa chủ dưới tay có nhiều tá điền, có ruộng phát canh thu tô. Thế nhưng họ sống chan hòa, gần gũi, tôn trọng, đối xử tốt với bà con gần xa trong làng cũng như đối với bà con láng giềng trong xứ, ăn ở hợp lòng người, xử sự đầy nhân nghĩa nên được đông đảo cư dân trong vùng quí trọng, kính nể.
Nhiều câu chuyện kể của nhiều người trong và ngoài họ, cả bà con làng xóm, những cán bộ kháng chiến cũ, trước hoạt động ở vùng nầy đều ngợi ca và xác nhận con cháu nhà họ Lê (Trương) vốn có lòng yêu nước, yêu quê hương, sống rất nhân hậu, thương người, và căm thù giặc. Vì ngay đời Tổ phụ chúng ta đã khổ đau, ly tán vì giặc, lòng căm thù giặc - kể cả mọi thế lực hung ác từ các đời Tổ tiên đã truyền cho con cháu. Có thể hiểu lòng nhân đức và sự công bằng xã hội cũng bắt nguồn từ đây. Đây là nét đặc điểm cao đẹp tuyệt vời của dòng họ Lê (Trương), nên sau nầy, khi có điền sản, có vai vế lớn trong xã hội, con cháu họ Lê vẫn không bao giờ tỏ ra hóng hách, khinh miệt dân chúng nghèo khó hơn mình; trái lại rất nhân đức, thương yêu mọi người và luôn tôn trọng sự tự do, công bằng:
Có lần dân làng đi săn bắt được con heo rừng rất to, họ khiêng đến biếu ông huyện Lê Anh Dõng. Họ cẩn thận dùng dây lòi tói cột chân con heo để hôm sau mổ thịt mở tiệc. Qua đêm, con heo rừng cắn bỏ lại cái chân bị trói, thoát thân. Ông không buồn mà còn nói như an ủi mọi người: chúng ta thử nghĩ xem, con heo còn muốn sống cảnh tự do ở trong rừng, nó đã dạy cho chúng ta một bài học đáng suy ngẫm, trong khi hiện nay có biết bao người bị giam cầm!
Ông Hội đồng Lê Văn Trung có lần bị mất cắp một số tơ nguyên liệu trị giá mấy chục triệu đồng thời nay, làng lính bắt giam những người khả nghi. Chính ông Lê Văn Trung đã ra lệnh thả ngay những người bị bắt vì chưa có chứng cớ.
Sau khi gia đình ông Lê Văn Trung phá sản, mất đất, mất nhà, mất chức quyền, con cháu trở về sống với dân, bà con làng xóm vẫn giữ lòng yêu mến, quý trọng như xưa, không thấy cảnh dậu đỗ bìm leo. Đặc biệt không hề có ai thù hằn, oán giận.
2. Lê (Trương) là dòng họ yêu nước và kiên trung với Cách mạng
Tuy khá giả và có vị thế cao trong xã hội đương thời, nhưng Lê (Trương) không phải là một dòng họ cầu an hay bàng quan trước vận mệnh của đất nước. Trong dòng họ có nhiều người hoạt động cách mạng từ trước tháng 8 năm 1945. Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong dòng họ Lê (Trương) cũng có người tự nguyện và liên tục tham gia cách mạng đến cùng; có gia đình có nhiều người chiến đấu và hy sinh, trong đó có người đã hy sinh như một anh hùng (ông Năm Ve - Lê Ngọc Ve), có mấy bà là mẹ liệt sĩ, có nhiều người bị địch giam cầm tra tấn vẫn kiên trung giữ vững khí tiết. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam tổ quốc (1979), cũng có người của thế hệ hôm nay ngã xuống.
Dấn thân cùng dân tộc từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám năm 1945 đến công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, có rất nhiều người thuộc các thế hệ nối tiếp nhau của dòng họ Lê (Trương) đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Chưa kể những gia đình khác, chỉ tính riêng gia đình ông bà Hội đồng Lê Văn Trung đã có 6 người con trai là đảng viên Đảng Cộng sản ngay những năm đầu kháng chiến chống Pháp, và gia đình con trai út của ông Lê Văn Trung là ông bà Lê Văn Chỉnh thì ông cùng các con trai, con gái và con rễ đã là tám đảng viên Cộng sản rồi.
Nhìn chung, trong dòng họ Lê (Trương) có rất nhiều người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, tuổi thanh xuân, sinh mạng tài sản của bản thân cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ta.
3. Dòng họ Lê (Trương) rất chú trọng giáo dục con cháu, là dòng họ hiếu học
Từ trước năm 1945, dòng họ Lê (Trương) đã có nhiều người có học vấn cao. Họ có tầm nhìn xa rộng nên đã đầu tư nhiều cho việc giáo dục toàn diện cho con cháu mình trên ba phương diện: đạo lý làm người, lòng yêu nước và học vấn. Nhiều người trong số họ thật sự có tài năng như ông Lâm Văn Vảng - được người đương thời gọi là bác vật (tức bác học). Nhiều người khác trở thành trí thức cách mạng, nhân sĩ yêu nước, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội, cán bộ lãnh đạo, giám đốc công ty xí nghiệp v.v...
Do hoàn cảnh đặc thù của đất nước ta là phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ suốt 30 năm liên tục, một cuộc chiến tranh không ranh giới mang ý thức hệ rõ nét, nên bên cạnh một số lớn thành viên của dòng tộc tự nguyện đi theo cách mạng đến cùng, thì cũng có một số người làm công chức, làm sĩ quan cho chế độ cũ, nhưng không ai trong số này mang nợ máu đối với nhân dân. Cháu chít từ đời thứ 5 đến đời thứ 8 của tổ phụ Trương Thâu đâu chỉ sinh sống ở trong nước, mà cũng có một số không nhỏ đang định cư ở các nước ngoài. Cũng do hoàn cảnh đặc thù đó, nên sự dị biệt về chí hướng trong một dòng tộc, thậm chí trong một gia đình là điều dễ hiểu và không tránh khỏi, nhất là ở miền Nam nước ta trước năm 1975. Trong dòng thác lịch sử đó, dòng họ Lê (Trương) không phải là ngoại lệ.
4. Nét đẹp văn hóa qua cuộc sống các đời
Như trên đã nói: bắt đầu từ đời thứ III sang IV, họ Trương đổi thành họ Lê. Cũng bắt đầu từ đó, trong hộ tịch và văn bản hàng ngày, trong chứng từ khai sanh cho con cháu đều đồng loạt dùng họ Lê, nhưng đến khi trút hơi thở cuối cùng ai cũng nhớ về nguồn cội, nên khi dựng bia mộ vẫn ghi là: Hiển khảo nguyên tánh Trương tự Lê Công... nơi mộ bia chữ Nho, kể cả mộ bia chữ Việt sau khi ghi tên họ, năm sinh, ngày mất tên Lê Công... thì dòng cuối vẫn khắc tên chữ tắt : TC tức là Trương Công, một ý nghĩa khá sâu sắc!
Lối đặt tên cũng khá phong phú: nhánh trực hệ ông Lê Anh Dõng thì lót chữ đệm tự do Lê Quang, Lê Cảnh, Lê Ngọc, Lê Xuân, Lê Minh rất phóng khoáng, cởi mở không gò bó, cá biệt có người cha tên Minh, dùng chữ chiết tự để đặt tên cho con là Đông Nhật, Thu Nguyệt… Nhánh trực hệ ông Lê Văn Kỳ chỉ độc nhất dùng chữ Công để đệm như Lê Công Vận, Lê Công Tốt, Lê Công Kiệt, Lê Công Tuấn Anh v.v… và dùng nguyên câu thành ngữ để đặt tên con như: “Sáng Nghiệp Nan, Thủ Thành Bất Dị” làm ví dụ, với ý nghĩa là gầy dựng nên cơ nghiệp đã khó, mà giữ được sự thành tựu ấy cũng không dễ, những kiểu như thế há không phải là cách ngầm giáo dục con cái đó sao?
Bà Nguyễn Thị Duông là vợ của ông Trương Anh Dõng, sống với chồng suốt bốn, năm năm mà không có con. Bà đã tự nguyện đi tìm và cưới vợ kế cho ông Trương Anh Dõng là bà Tống Thị Liễu - một quá phụ đã có ba con với chồng trước.
Bà Tống Thị Liễu và ông Trương Anh Dõng sinh được năm người con (hai gái và ba trai). Những người con của bà Liễu sinh ra được bà Duông xem như con ruột của mình, rất mực yêu thương, tận tình chăm sóc và bà Duông không hề phân biệt đối xử với ba người con riêng của bà Liễu. Cứ nghĩ đến câu ca dao “Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” thì đối với gia đình nầy đây là một điều hi hữu. Các người con của bà Tống Thị Liễu yêu thương hai bà mẹ mình như nhau, và các con của họ cũng không hề biết ai là bà nội ruột, ai là bà nội trước. Cả gia đình ấy sống thật ấm áp trong tình yêu thương ruột thịt thật lạ kỳ nầy.
Ông huyện hàm Trương Anh Dõng (Lê Anh Dõng), thuở sinh thời rất được hàng giáo phẩm, linh mục đạo Thiên Chúa ở Cầu Ngang trọng vọng, nể vì, ông không theo đạo, nhưng được có những nhận xét tốt lành là người sống có nền nếp, được học hành, sống có đức độ. Có lẽ vì sự cảm tình ấy mà ngay cả bà thứ thất Tống Thị Liễu và các con trai Lê Thái Bình, Lê Văn Chánh, và lớp con cháu sau nầy có nhiều người trở thành tín đồ Thiên chúa giáo; nhưng trong lòng mọi người tấm lòng yêu nước, yêu dân tộc vẫn cao hơn, “gặp giặt thì đánh, gặp chùa thì tu”, cho đến ngày nay mọi người vẫn sống tốt đời đẹp đạo và sống phúc âm giữa lòng dân tộc, trong đó ông Lê Thái Bình là một nhân cách điển hình.
Về quan hệ hôn nhân: qua thời gian không lâu, cuộc sống an cư lạc nghiệp đã vững vàng, dần dần có một vị trí nhứt định trong làng, tổng, việc dựng vợ gả chồng cũng phải “môn đương hộ đối”, con nhà có học đối tượng suôi gia phải là thầy giáo, phủ huyện, điền chủ, nhà giàu kể cả một số thương gia người Hoa và quyền thuộc về cha mẹ.
Còn có điều này, không phải hoàn toàn hy hữu, nhưng cũng chẳng mấy khi ta bắt gặp nó ở nhiều dòng họ khác.
Rất nhiều lần, để thấu hiểu một tình tiết hay một quãng đời của một vị tiền nhân nào đó vốn là ruột rà của dòng họ Lê (Trương) đã khuất từ lâu, con cháu hôm nay và cả chúng tôi - những người thực hiện bộ gia phả này - phải hỏi han ngay cả những cụ ông, cụ bà, rễ dâu của dòng họ này.
Tất cả cụ ông, cụ bà, rễ dâu ấy, người đã khuất hoặc người còn sống đều biết cặn kẻ bởi đã gắn bó mật thiết và yêu thương sâu đậm dòng họ Lê (Trương) như dòng họ của chính mình. Đáp lại, dòng họ Lê (Trương) xem con rễ là con trai, con dâu là con gái của mình, cùng sống chan hòa thuận thảo với nhau. Ngay cả những cụ đã “gãy gánh giữa đường” với các cụ thuộc dòng họ Lê (Trương) từ mấy mươi năm trước, thỉnh thoảng lại quay về thăm cố quán Long Sơn - Cầu Ngang - Trà Vinh, hoặc lần mò tìm đến viếng thăm bà con bên vợ, bên chồng mình ngày trước với tấm lòng rất đỗi ruột rà, như chẳng hề có cuộc chia ly nào.
Nói theo cách nào thì cũng vậy thôi: Lê (Trương) là một dòng họ trọng đạo làm người. Từ thuở xa xưa qua bao thăng trầm lịch sử, dòng họ này những người theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo, vẫn một mực “sống tốt đạo đẹp đời, phúc âm giữa lòng dân tộc”, rất bác ái và từ bi, rất tự tôn và cũng rất quí trọng tha nhân, luôn gắn mình làm một với thời vận của đất nước, quê hương.
Phải chăng đấy là cốt lõi của dòng họ và cũng là sợi dây vô hình ràng buột vô cùng bền chặt đến không còn khoảng cách nào nữa giữa những tấm lòng dâu rễ với dòng họ Lê (Trương) từ xa xưa cho đến hôm nay?
Đó là một truyền thống rất đáng trân trọng và phải giữ gìn như một gia bảo của dòng họ chúng ta.
Thời gian sau này, do thời cuộc có người vào chiến khu kháng chiến, người về phố thị nên việc dựng vợ gả chồng có phần thoáng hơn, đồng thời cũng tạo ra trạng thái phức tạp hơn vì một số con dâu họ Lê gồm nhiều dân tộc như Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy v.v… cũng có vài người rễ là người Miên, nhưng thuộc lớp người tiến bộ, giữ chức việc làng.
Nhìn toàn cục, dòng họ Lê (Trương) là một dòng họ lớn về phẩm giá đạo đức, về phẩm chất chính trị và về sự quan tâm giáo dục con người. Các thế hệ hôm nay của dòng họ có thể soi mình vào gia phả Lê (Trương) để tự hào chính đáng, dốc lòng ngưỡng mộ Tổ tiên, quý trọng cơ nghiệp của Tổ tiên để lại, không chỉ tài sản, mà còn uy tín, đạo đức, cách đối nhân xử thế nữa. Tất cả đã tạo nên danh giá và lòng ngưỡng mộ, kính trọng của nhân dân bản quán dành cho dòng họ Lê (Trương), để từ đó tu dưỡng, học tập trao dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, nhân cách, tự khẳng định mình trong việc bảo vệ, vun đắp thanh danh gia tộc cũng như sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Suy ra: Nếu gia đình là tế bào xã hội, thì việc giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống gia đình trở thành những con cháu hiếu thảo, thành công dân tốt, thành những nhân tố góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, cũng chính là nghĩa vụ của gia đình dòng họ đối với Tổ quốc vậy.
Do ân đức tổ tiên lưu lại, do con cháu hết lòng “báo bổn, tư nguyên”, song cũng do lịch sử để lại, ngày nay con cháu họ Lê chúng ta phải sống cảnh phân tán nhiều nơi, từ cố quán Trà Vinh, đến Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, kể cả ở nước ngoài. Với bộ gia phả nầy, chúng tôi kêu gọi tất cả, xin hãy nhớ mình mang nguyên dòng máu họ Lê (Trương) và có một quê hương tổ quán là La Bang, hãy tôn trọng dòng họ mình, giữ gìn, bảo vệ bộ Gia phả họ tộc mình, xem đây là một trung tâm đoàn kết, gắn bó dòng họ với dân tộc và xã hội, bởi gốc rễ có vững chắc thì ngành ngọn mới tốt tươi để “vĩnh truyền tôn thống” vậy.
NGUYỄN THANH BỀN - LÊ DU
VÕ VĂN SỔ - LÊ ĐÔNG
Các tin cũ
- » Bàn thờ tổ tiên 11/08/2022 18:20:55
- » 003. Gia phả họ Hồ (ấp Hòa, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) 11/08/2022 16:40:32
- » 002. Gia phả họ Đỗ (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh) 11/08/2022 16:26:04
- » 001. Gia phả họ Bùi (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) 11/08/2022 16:19:17
- » Bước đầu ‘giải mã’ gia phả khắc đá ở Việt Nam 11/08/2022 10:45:08
- » Mối quan hệ dòng họ ở Nhật Bản 11/08/2022 10:38:27
- » Dòng họ lớn ở Đức 11/08/2022 10:27:14
- » Di chúc của gia tộc ông Phan Thanh Quang bằng Hán - Nôm 11/08/2022 09:56:36
- » Các văn chỉ bằng cấp khảo hạch và bài thi đạt hạng tú tài thời Duy Tân 11/08/2022 09:42:59