Trang chủ > 015. Gia phả họ Võ (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)

015. Gia phả họ Võ (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)

14/08/2022 21:30:17

Gia phả họ Võ ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2005.

LỜI MỞ ĐẦU

Các bậc tiền nhân có dạy: giềng mối căn nguyên tôn tộc luân thường tự cổ chí kim như cây có gốc nước có nguồn! Để tường tận cội nguồn họ tộc phải dựa  vào gia phả, vì gia phả thuật lại căn nguyên dòng tộc, lưu lại cho con cháu hậu thế biết được dòng họ bà con nội ngoại xa gần phái lớn phái nhỏ để thuận tình nhân ái ngày sau khỏi sai lạc. Cũng như biết rõ được công đức của tiền nhân trong quá khứ mà gắng sức đoàn kết, xây dựng tài bồi cho gia tộc. Trong gia phả còn ghi rõ ràng danh tánh vợ chồng, điạ chỉ, ngày sinh, ngày mất, nơi an táng, ai thờ phụng giỗ chạp; sanh hạ được bao nhiêu, đang sống ở nơi đâu... để lưu lại cho con cháu tường tận mai sau.

Bộ gia phả họ Võ ở làng Mỹ An Hưng, tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc - nay đổi thành xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - được thực hiện theo ước nguyện của bà con trong họ tộc, trước là để kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân báo hiếu; sau là để nhắc nhở con cháu biết kế thừa truyền thống họ tộc trong cuộc sống ngày mai.

Bộ gia phả này được thực hiện nhờ sự giúp đỡ tận tình của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Hội Khoa học Lịch sử  Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ gia phả gồm bốn phần: Phả ký, Phả đồ, Phả hệ và Ngoại phả (hay Phụ khảo). Nội dung được ghi chép rõ ràng, chu đáo, chính xác dựa theo những tư liệu còn lưu lại hoặc chọn lọc từ  lời kể lại của các bậc cao niên trong dòng họ.

Tuy đã có nhiều cố gắng trong việc điền dã, sưu tầm, ghi chép, nhưng bộ gia phả này chắc không tránh khỏi những thiếu sót, mong bà con xa gần lượng tình tha thứ và xin được góp ý chân thành để có dịp tu chỉnh về sau. 

Nhân ngày giỗ thứ 81 của Tổ phụ 

họ Võ - Thuần Đức, Võ Văn Sự.

 Ngày 10 tháng 10 năm Bính Tuất (tức 30/11/2006) 

Cháu đời thứ 6 - người hiệu đính

VÕ MINH TRÍ  

 

PHẢ KÝ

Người Việt Nam ta ở đâu và lúc nào cũng hướng về cội nguồn, luôn “vấn tổ tầm tông” muốn tìm về nguồn gốc tổ tiên để biết công lao và truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình cho con cháu học tập và phát huy, đồng thời cũng để biết hết dòng họ mình, cùng đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống. Đó là những điều mà con cháu họ Võ ở ấp An Phú, xã Mỹ An Hưng, huyệp Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã từng ấp ủ, trăn trở nay mới có dịp thực hiện qua việc lập gia phả cho dòng họ mình.

Họ Võ là một họ lớn song dòng họ chưa có (hoặc đã có mà bị thất lạc) gia phả gốc để làm cơ sở. Vì thế, để lập bộ gia phả nầy phải nhờ vào ký ức của con cháu họ Võ, những người lớn tuổi ở xã Mỹ An Hưng, nhờ vào điền dã các mồ mả, tư liệu về bia ký, tư liệu lịch sử, giấy tờ tương phân ruộng đất, qua đó phân tích tổng hợp để có những cứ liệu tương đối chính xác cho bộ gia phả.

I. NGUỒN GỐC HỌ VÕ

Qua khảo sát mồ mả của họ Võ ở xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và tìm hiểu trong dòng họ thì được biết: mộ lâu đời nhứt của họ Võ mà con cháu gọi là ông tổ đời một, trước kia mộ ở làng Mỹ An Hưng, tổng An Thanh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc nằm bên tả ngạn Sông Tiền (nay là ấp An Phú, xã Mỹ An hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp – xem sơ đồ ở phần ngoại phả). Mộ nằm giữa nhà ông Võ Văn Sùng và ông Võ Văn Truyện, kề phía sau còn có mộ bà Nguyễn Thị Chỉ – vợ ông Cả Vàng. Sau nầy đất bờ sông Tiền bị sạt lở nên mộ ông được cải táng qua xã Tân Mỹ, gần mộ bà. Mộ ông trước khi chưa cải táng được xây kiên cố bằng chất liệu ô dước, có mộ bia nhưng khi cải táng để bia thất lạc. Do đó không biết được tên họ ông, không rõ được năm sinh, năm mất của ông. Từ khi được cải táng về đây, mộ ông còn là núm đất, con cháu đã xây mộ lại vào kỳ Thanh Minh năm Bính Tuất (2006).

Theo thông tin của bà Nguyễn Thị Xê năm nay 88 tuổi (cháu dâu đời thứ 5) đã xác định về mộ ông tổ mình như sau “Mộ ông tổ tôi ở bên tả ngạn sông Tiền. Ông tôi tên là Võ Văn Thơm, từ ngoài Bình Định vào cùng mấy anh em nhưng do đi lạc nhau nên không định cư cùng một nơi với nhau. Cho đến nay con cháu cũng chưa biết tin tức về các ông nầy. Vì tên ông tôi là Thơm nên dòng họ cử nói tiếng Thơm. Khi gặp từ “Thơm” phải nói là “Tham”. 

Ông Võ Đăng Khoa (cháu đời thứ 5) hiện ở Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ kể về ông tổ mình như sau: “Ông tổ tôi từ Bình Định vào lập nghiệp ở Phương Nam cùng với mấy anh em. Lúc đi bị lạc nhau, ông tôi không biết những người kia định cư ở đâu, con cháu đến nay vẫn không tin tức. Hằng năm ông nội tôi là ông Cả Vàng cúng ông Tổ tôi rất lớn, có người từ Bình Định vào dự đám giỗ”. 

Qua những thông tin trên cho biết ông tổ đời một của họ Võ từ miền Trung vào lập nghiệp ở đất phương Nam (vì không đủ cơ sở để khẳng định quê ông ở Bình Định) đã dừng chân định cư ở làng Mỹ An Hưng, tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc nay là tỉnh Đồng Tháp.

Về tuổi tác ông tổ, con cháu không biết, không có tư liệu gì lưu lại để biết chính xác tuổi ông. Nhưng căn cứ vào tuổi con ông có thể phỏng đoán được tuổi ông. Năm sinh của con trai thứ 8 của ông là ông Võ Văn Sự được ghi trên mộ bia là năm 1841, cứ tính các con cách nhau 2 tuổi, thì con thứ hai của ông năm sinh phỏng đoán là năm 1829.

Khi xưa ông bà ta lập gia đình sớm, nam thường lấy vợ khoảng hai mươi tuổi, đôi khi sớm hơn. Nếu con đầu ông sinh năm 1829 và nếu ông tổ lập gia đình vào tuổi hai mươi, sinh con đầu trong năm lấy vợ, thì năm sinh của ông tổ khoảng năm 1809 (Gia Long năm thứ 7). Theo sự hiểu biết của con cháu họ Võ thì ông tổ lấy vợ trong Nam bộ. Như vậy sự hiện diện của ông ở Nam bộ ít nhứt phải từ khoảng trước năm 1829 (triều Minh Mạng).

Hiện nay con cháu họ Võ không ai biết nghề nghiệp ông tổ mình, cũng không có tư liệu nào để biết ông tổ có bao nhiêu tài sản hay ruộng đất. Cũng như duyên cớ nào đã đưa ông tổ đến định cư tại đất Sa Đéc này, vì hoàn cảnh kinh tế hay lý do chính trị? Biết rằng dưới triều Nguyễn xã hội Việt Nam đã trãi qua nhiều biến cố lịch sử. Con cháu họ Võ ta còn phải làm sáng tỏ khi có điều kiện.

Căn cứ vào “Tờ thuận chia ruộng đất” của các cháu ông (con ông Võ Văn Sự đời 2) mà ông Võ Phước An (cháu đời 4) còn lưu giữ thì được biết số ruộng đất của ông Sự để lại cho các con là ruộng ông mua ở Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Dương, Tân Tịch (Sa Đéc) tổng cộng là 52ha, 95a19, không có đất thừa tự của cha ông là ông Võ Văn Thơm. Có thể đất đai nhà cửa của ông bên bờ Sông Tiền, bị sói mòn, lở sụp xuống sông Tiền? Từ tình hình trên ta có thể nghĩ con ông là ông Võ Văn Sự vào Nam bộ trước tạo nên sự nghiệp rồi rước ông vào sau? Nhưng ý kiến nầy chưa có cơ sở để tin được. Hiện nay con cháu ông tổ đã khẳng định ông tổ mình vào Nam lập nghiệp ở xã Mỹ An Hưng, tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc vào tiền bán thế kỷ XIX. Đất và nhà ông Tổ bên bờ sông Tiền, sau khi ông qua đời, con trai ông là Võ Văn Sự thừa hưởng đất và nhà ông Tổ chia cho 4 con cất nhà lập vườn. Mộ ông Tổ được an táng phía Tây cuộc đất này, sau đất lở mới cải táng.

Về bà tổ, con cháu họ Võ cho biết bà là người Nam bộ, không rõ quê quán, nghề nghiệp, năm sinh, năm mất của bà. Mộ bà bằng đá xanh rất bề thế ở Tân Mỹ nhưng mộ bia bị mòn chữ không đọc được. Hiện nay mộ ông, bà nằm gần nhau. Con cháu đã xây lại mộ ông vào năm 2006. Giỗ ông ngày 10-11/4 Âm lịch, giỗ bà ngày 19/9 Âm lịch.

Về các con của ông, bà: Con cháu họ Võ hiện nay chỉ biết ông bà còn có 2 người con trai thứ bảy và thứ tám và một người con gái thứ tư (mộ ở Rạch Mốc, Tân Thuận A, Tân Mỹ – không rõ tên tuổi, ngày giỗ hay còn con cháu nào không?)

Người con trai thứ bảy là: VÕ VĂN DANH.

Người con trai thứ tám là: VÕ VĂN SỰ.

Ông Võ Văn Danh không lập gia đình, tu tại gia nên không có hậu duệ. Riêng ông Võ Văn Sự lấy vợ, có con lập ra một chi duy nhất cho họ Võ, là thế hệ thứ 2.

Các con của ông Sự là:

+ Thứ hai : Ông Võ Văn Vàng (1865)

+ Thứ ba : Ông Võ Văn Sử (1875) 

+ Thứ tư : Ông Võ Văn Truyện (1877)

+ Thứ năm : Ông Võ Văn Thuật (1879)

+ Thứ sáu : Chết nhỏ (không rõ tên)

Bốn người con trai của ông Sự lập gia đình tạo ra đời thứ ba, truyền nối đến nay là đời thứ tám – Ông Võ Văn Vàng là ông nội của ông Võ Văn Phát – Thứ trưởng Bộ Lương Thực – một đảng viên Cộng sản có phẩm chất đạo đức tốt. Có nhiều đóng góp qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

II. VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT VÀ ĐỜI SỐNG CỦA HỌ VÕ

Qua phân tích tờ thuận chia ruộng đất của các con ông Sự được lập vào ngày 02 tháng 01 năm 1927, tờ “Thuận phân ruộng và vườn” ngày 04 tháng 7 năm 1939 của các con ông Võ Văn Nho, có sự chứng kiến và cho phép của bà Nguyễn Thị Khanh (lập tại Mỹ An Hưng) và tờ “Chúc ngôn tương phân ruộng đất” của ông Võ Văn Sùng (đời 4) được lập tại Tân Mỹ vào ngày 02 tháng 8 năm 1964 cho thấy:

Ngoài ông tổ đời một, do không có tư liệu nào cho biết số ruộng đất của ông, hoặc biết được nghề nghiệp của ông để định rõ được thành phần của ông trong xã hội. Những cuộc đất bên bờ sông Tiền, nơi sau này tọa lạc 5 ngôi nhà, vào năm 1930 còn được chừng 10 hecta (xem sơ đồ ở phần ngoại phả) là đất của ông để lại cho các con. Riêng đời 2 và 3, các ông có nhiều ruộng đất. Ông Sự (đời 2) có trên 52 mẫu ruộng đất loại một. Ông qua đời, các con ông thuận phân chia số ruộng đất nầy, mỗi người gần 10 mẫu. Ông Võ Văn Nho có 49ha 53a 29 đất ruộng và vườn. Như vậy các ông đời 2 và 3 thuộc thành phần địa chủ, trung nông. Các ông không tự canh tác mà phát canh thu tô, có đời sống hết sức sung túc. Các ông theo nho học và học rất giỏi, có chức vụ trong chính quyền phong kiến. Các ông làm thầy dạy chữ Hán ở quê nhà, là những thầy thuốc giỏi, bốc thuốc từ thiện, chăm lo việc xây dựng và cúng tế ở đình Mỹ An và ủng hộ cách mạng.

Qua chúc ngôn của ông Võ Văn Sùng đã phân tích thấy được ông Sùng có nhiều ruộng chia cho các con ông, mỗi người khoảng 8 mẫu nhưng các con ông thoát ly theo cách mạng, ruộng đất thuộc về nông dân theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân ông Sùng là chủ tịch Mặt trận Việt Minh ở Mỹ An Hưng năm 1945.

Còn các con của các ông Truyện, ông Sử, ông Thuật (đời 4) cũng được chia ruộng đất. Có người thoát ly làm cách mạng nhưng cũng có người vừa làm ruộng vừa tham gia cách mạng ở địa phương. Sau giải phóng đất của các ông bị đưa vào tập đoàn và hiện nay đã thuộc của nông dân trong xã. Hiện nay ông Võ Bân Bân (đời 5) con ông Sử còn giữ lại một ít ruộng đất đủ cho gia đình sinh sống ở Tân Mỹ. Ông Võ Văn Phổ và Võ Hữu Mưng con ông Truyện cũng giữ được khoảng 10 công để canh tác. Hiện mộ ông tổ được cải táng trên đất ông Năm Phổ, mộ bà tổ được chôn ở đất ông Sáu Mưng, hai mộ cách nhau 50m, con cháu hai ông chăm lo mồ mả ông, bà tổ của mình.

Như vậy họ Võ là những người địa chủ trung nông, yêu nước, có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, sẵn sàng từ bỏ giai cấp cũ đứng về phía cách mạng và thế hệ 4, 5, 6, nhiều người đã trở thành những người cộng sản kiên cường bất khuất, tận tụy theo Đảng vì dân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam.

III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG VÀ ĐẤT NƯỚC.

1. Vài nét về tổ quán

Qua khảo sát dòng họ, đất đai mồ mả thì được biết tổ quán họ Võ ở tả ngạn sông Tiền, thuộc làng Mỹ An Hưng, tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Mỹ An Hưng là một làng khá xưa, được hình thành sớm từ 3 thôn: Mỹ An, Mỹ Hưng và Tòng Sơn. Lúc đầu 3 thôn thuộc trấn Định Tường, rồi sau đổi thành trấn Vĩnh Thanh (1908) thuộc phủ Định Viễn, rồi chuyển về tỉnh An Giang thuộc phủ Tân Thành, đến thời Pháp thuộc 3 thôn mới sáp nhập thành 1 là làng Mỹ An Hưng thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc. Năm 1957 Sa Đéc là một quận của tỉnh Vĩnh Long. Về sau Sa Đéc được nhập vào tỉnh Kiến Phong lập ra tỉnh Đồng Tháp, gồm 9 huyện và 2 thị xã. Năm 1989 xã Mỹ An Hưng được tách ra 2 xã là Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B. Mỹ An Hưng B là quê hương của họ Võ, có vị trí như sau:

- Phía Đông giáp xã Tân Mỹ.

- Phía Tây Giáp Mỹ An Hưng A (lộ 842).

- Phía Nam giáp Bình Thạnh Trung, Vĩnh Thạnh.

- Phía Bắc giáp Sông Tiền (lộ 841).

Dân số xã có 3393 hộ, có 16.836 nhân khẩu. Nhân dân sống về nghề nông và tiểu thủ công nghiệp, có đình Mỹ An Hưng, thánh thất Cao Đài và 2 chùa là Vạn Thành và Vạn Phát.

Về tôn giáo có: Cao Đài - Hòa Hảo - Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhưng Phật giáo là chủ yếu. Hán học rất thịnh hành gây được truyền thống đạo nghĩa, ái quốc.

Mỹ An Hưng B mang đặc điểm của nền kinh tế tỉnh Sa Đéc là nông nghiệp. Vì Sa Đéc nằm sát bờ sông Tiền, có nhiều sông rạch, thông với sông Hậu chẳng những thuận lợi cho giao thông đường thủy mà còn cho việc tưới tiêu đồng ruộng. Do vậy đất đai Sa Đéc trù phú, đồng ruộng phì nhiêu, cây lành trái ngọt... là nơi dừng chân đặt bản doanh của Nguyễn Ánh để đánh Tây Sơn. Sa Đéc xưa còn là một vị trí chiến lược quan trọng ở miền Hậu Giang là một trong 5 đạo, làm hậu thuẫn cho Dinh Long Hồ, là tiền đồn trấn giữ tỉnh Vĩnh Long xưa đầy chứng tích lịch sử.

Từ năm 1658 đến năm 1759 cuộc chiến tranh giữa Chân Lạp và Xiêm La diễn ra trên đất nầy rồi Lê Văn Khôi chống vua Minh Mạng, đến nội chiến giữa Tây Sơn – Nguyễn Ánh. Năm 1867, Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp nổi lên dưới sự lãnh đạo của Thiên Hộ Dương, Thống Linh, Thống Chiêu, Thủ Khoa Huân... Cuộc đấu tranh của Sa Đéc trong đó có Mỹ An Hưng nối tiếp từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, từ phong trào này đến phong trào khác. Truyền  thống yêu nước ngày càng được tích lũy, vun bồi. Tâm huyết của những người ngã xuống đã kích thích tinh thần yêu nước, thúc đẩy phong trào sau mạnh mẽ hơn, tiến bộ hơn. Do những đặc điểm nầy mà cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi phong trào Đông Du và Duy Tân xuất hiện, thì Sa Đéc là nơi dừng chân của các nhà chí sĩ trong phong trào Đông Du và Duy Tân như ông Nguyễn Quang Diệu, Võ Hoành, Trần Chánh Chiếu, Phan Bội Châu. Ngay cả như cụ Nguyễn Sinh Sắc – cũng đã từng hiện diện nơi đây để mưu tính cho một đường lối đấu tranh mới. Đó là những nhân tố mới tích cực, có tác động đối với tinh thần nhân dân địa phương trong phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi con đường cứu nước rơi vào bế tắt thì một luồng tư tưởng mới từ Nguyễn Ái Quốc thổi về nước làm cho phong trào yêu nước mang nội dung mới, Sa Đéc đã xuất hiện những tổ chức thanh niên tiên tiến như: “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” rồi “An Nam Cộng Sản Đảng” “Thanh niên cao vọng Đảng” của Nguyễn An Ninh... “Thiên Địa Hội”... Thanh niên yêu nước ở Đồng Tháp nhanh chóng tiếp thu tư tưởng mới, gia nhập vào những tổ chức tiến bộ và cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp nói chung và ở Mỹ An Hưng nói riêng đã được sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1936, Mỹ An Hưng đã xuất hiện một thanh niên tiên tiến, một Đảng viên gương mẫu là ông Phạm Hữu Lầu. Ông là một thanh niên yêu nước đầu tiên của tỉnh Sa Đéc gia nhập thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1929, là người cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc. Ông là một đảng viên giàu tài năng đức độ, quên mình vì lý tưởng cộng sản. Chính ông đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Võ Văn Phát trong công cuộc đánh Pháp đuổi Mỹ và trong xây dựng đất nước.

Tóm lại đất và người Sa Đéc xưa Đồng Tháp nay nói chung và Mỹ An Hưng nói riêng đã ảnh hưởng đến tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của họ Võ ở Mỹ An Hưng để họ Võ có những cống hiến quý báu vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

2. Sự đóng góp của họ Võ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc

a. Trước khi có Đảng

- Sự có mặt của các ông đời 1, 2, 3 ở Mỹ An Hưng, tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì toàn cỏi Nam kỳ lục tỉnh đã thuộc về thực dân Pháp. Các ông là nhân chứng lịch sử sống trong chế độ thực dân Pháp và chính quyền phong kiến triều Nguyễn. Phần lớn các ông là địa chủ, có chức vụ trong chính quyền phong kiến không theo giặc để ức hiếp nhân dân, có tinh thần yêu nước, ủng hộ cách mạng. Các ông dạy học, bốc thuốc giúp đời và dạy con – tạo điều kiện cho các con tham gia cách mạng có đóng góp qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ nền độc lập nước nhà. 

- Từ khi có những tổ chức thanh niên tiến bộ, các ông đời 4, 5, 6 đã hăng hái tham gia các tổ chức này. Năm 1926 ông Võ Văn Đình (con ông Sùng) tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiếp theo là các em ông: ông Đại, ông Phát. Ông Võ Bửu Bính (đời 4) con ông Võ Văn Sử  là một trong 3 người đầu tiên của tỉnh Sa Đéc dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội mở tại Quảng Châu (Trung Quốc) và được chính thức kết nạp vào tổ chức này (7/11/1927). 

b. Sau khi có Đảng

Từ năm 1930 trở đi các con và dâu ông Sùng (cháu nội ông Cả Vàng) hay các con cháu của ông Tư Truyện, đều lần lượt đứng vào hàng ngũ của Đảng, đã cống hiến hết mình cho Đảng, lúc ở chiến trường thì lăn xả, dũng cảm khi làm dân chính thì tận tụy với công việc, năng động sáng tạo, khó khăn mấy cũng tìm cách vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Các ông đã đóng góp đáng kể qua 2 cuộc kháng chiến, tiêu biểu là ông Võ Văn Đại (bí danh Vũ Đình),  bà Nguyễn Thị Xê, ông Võ Phát (bí danh Tư Võ), ông Võ Hữu Phi (Tư Ích)...

Năm 1936 ông Phát đã gặp và làm việc với ông Phạm Hữu Lầu, một đảng viên gương mẫu. Ông Phát làm liên lạc cho ông Ung Văn Khiêm, là xứ ủy viên Nam Kỳ. Sau đó, ông Phát đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1949 ông Phát được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Sa Đéc, rồi Bí thư tỉnh ủy Long Châu Sa. Năm 1952 thì làm việc ở khu 8 và Miền. Có lúc ông Phát làm việc ở quê nhà, lúc đi công tác ra miền Bắc, lúc sang Campuchia, lúc ở quân đội, lúc sang dân chính. Ở đâu Đảng cần thì ông có mặt, ông nhận bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao cho và rất trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao, luôn vượt qua được những khó khăn, luôn trung thành với lý tưởng của Đảng và luôn một lòng vì Đảng vì dân. Trong quân đội ông là đại tá QĐNDVN, trong chính quyền ông là Thứ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm.

Con cháu ông Sử, ông Truyện cũng đứng vào hàng ngũ của Đảng, phục vụ trong quân đội Nhân Dân, hoạt động tại địa phương, có đóng góp lớn trong ngành y cho chiến trường miền Nam. (ông Võ Hữu Phi).

Như vậy, dòng họ Võ đã đóng góp nhiều cho địa phương mình và suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều gia đình trong dòng họ đã thực hiện tiêu thổ kháng chiến; tự nguyện giao ruộng đất cho người cày, để thoát ly tham gia kháng chiến giành độc lập cho tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, con cháu họ Võ trên nhiều lĩnh vực khác nhau lại tiếp tục lao động góp phần xây dựng quê hương đất nước.

IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua gần 200 năm lập nghiệp ở Phương Nam từ ông tổ đời một đến nay, họ Võ đã sinh con cháu nối tiếp nhau được 8 đời, tạo ra hậu duệ đông đúc ở làng Mỹ An Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc nay là xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Qua quá trình lao động, chiến đấu, họ Võ đã hình thành được những đặc điểm của dòng họ mình như sau:

* Họ Võ là một dòng họ có phẩm chất đạo đức tốt

Họ Võ dáng người trung bình, khỏe mạnh, vui vẻ, cởi mở, chân thật, sống có tình có nghĩa với xóm làng. Thế hệ 2, 3 thuộc thành phần địa chủ, có chức vụ trong chính quyền phong kiến song không quan liêu hách dịch, xuất xử theo Nho giáo. Các ông không có khoa bảng mà làm thầy dạy chữ Hán, bốc thuốc giúp đời, được nhân dân quý trọng. Các ông giáo dục gia đình theo lễ giáo phong kiến song tiến bộ. Anh em hòa thuận. Các con biết kính trên nhường dưới, hiếu thảo. Gia đình có trật tự kỷ cương.

Đặc điểm đáng quý nữa là họ Võ coi trọng việc thờ cúng tổ tiên ông, bà và tôn tạo mồ mả. Đặc điểm nầy thể hiện rõ trong việc phân chia ruộng đất cho con cháu. Qua bản “thuận chia ruộng đất” của các con ông Sự, “tờ thuận chia ruộng và vườn” của các con ông Cả Vàng và bản “chúc ngôn tương phân” ruộng đất của ông Võ Văn Sùng cho thấy các con và cháu ông Sự đều chia phần ruộng hương hỏa cho con cháu bao giờ cũng lớn hơn phần thực và kèm theo việc chia ruộng đất còn có sự phân công cúng giỗ ông bà cha mẹ. Mãi về sau nầy ruộng đất không còn nhưng việc thờ cúng con cháu họ Võ vẫn thực hiện nghiêm túc như đã phân công. Tình hình đi lại khó khăn, các cháu họp nhau để phân công lại việc cúng giỗ. Ông bà tổ đời một mất đã lâu, nhưng hiện nay hậu duệ vẫn giỗ hằng năm theo ngày giỗ. Việc tôn tạo mồ mả, lớp hậu duệ cũng hết sức quan tâm chăm sóc, sửa sang. Đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, cần duy trì.

Đặc điểm nổi bật của họ Võ là lòng yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để và phẩm chất đạo đức cách mạng. Tổ tiên họ Võ đã rời xa quê hương, hành trình về Phương Nam để tìm cuộc sống mới, tìm tự do. Họ ra đi bỏ lại những xiềng xích nặng nề của chiến tranh Trịnh – Nguyễn, của đời sống đói khổ cùng cực nhưng mang theo cái vốn quý là truyền thống yêu nước của dân tộc, niềm tự hào đã từng thắng giặc Hán, Tống, Nguyên, Minh, đã từng chế ngự sông Hồng sông Mã. Với lòng yêu nước sẵn có lại sống trong thời điểm mà trên quê hương, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đã có những tổ chức cách mạng ra đời, đã có chủ nghĩa Mác được truyền bá từ nước ngoài vào, đáp ứng được khát vọng của thế hệ thanh niên yêu nước đang trên con đường bế tắt cuối thế kỷ XIX. Cho nên thế hệ 1, 2, 3 với tấm lòng yêu nước sẵn có, lại thấy được con đường đấu tranh đúng đắn của cách mạng, các ông địa chủ nầy sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Đó là đặc điểm của địa chủ Nam bộ. Ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của ông, cha, thấy được đường lối đúng đắn của cách mạng nên thế hệ 4, 5, 6 sẵn sàng từ bỏ giai cấp cũ đứng vào hàng ngũ của Đảng, cống hiến hết sức mình cho 2 cuộc kháng chiến và đã góp phần trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Qua hai cuộc kháng chiến, tất cả những chiến sĩ, những cán bộ cách mạng của họ Võ dù ở cương vị nào cũng giữ được đạo đức cách mạng trong sáng, thanh liêm. Lúc về hưu thì sống giản dị với đồng lương hưu khiêm tốn và đồng tiền lao động chân chính của gia đình, tận tụy với công tác địa phương nên khi mất đi không những để lại tiếc thương cho con cháu mà cho cả đồng đội và đồng chí của mình. Ông Võ Phát một người cán bộ liêm khiết – một đảng viên luôn vì Đảng vì dân, ông qua đời vào năm 1989 đã gây xúc động cho bao nhiêu bạn bè, đồng đội, đồng chí. Cụ thể như ông Nguyễn Văn Kiên (Năm Kiên) nguyên Bí thư Đảng ủy khối Bộ Lương thực đã xúc động ghi vào sổ tang gia đình Võ Phát khi viếng tang ông những tình cảm chân thật của mình đối với ông Võ Phát như sau: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Phát (Tư Võ) một đồng chí cộng sản, cán bộ rất kiên cường, sống chiến đấu rất mẫu mực, trong sáng, thủy chung với đồng chí, với bạn bè, rất xứng đáng để chúng tôi noi gương”. Còn rất nhiều tình cảm chân thật quý báu của các đồng chí khác thể hiện được gương sáng của ông Võ Phát , không thể ghi ra hết được. Gương ông đáng được trân trọng và học tập. Tất cả những đặc điểm quý báu của dòng họ Võ đáng cho con cháu họ Võ tự hào và noi gương.

Từ khi hòa bình lập lại, con cháu họ Võ có điều kiện học tốt hơn, thành đạt hơn, hiện là những người lao động giỏi, cán bộ tốt ở các cơ quan, mong muốn hiểu biết về cội nguồn, công lao của tổ tiên, truyền thống tốt đẹp của dòng họ dễ học tập và phát huy. Bộ gia phả này sẽ giúp con cháu họ Võ đạt được những mong muốn đó.

Con cháu họ Võ nhà ta hãy giữ gìn và bảo quản bộ gia phả nầy, có nghĩa vụ bổ sung viết nối tiếp cho đời sau được rõ. 

Lớp hậu duệ thành kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân hiếu thảo nguyện xứng đáng là con cháu họ Võ ở làng Mỹ An Hưng, Sa Đéc (nay là xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).