010. Gia phả họ Nguyễn & họ Hồ (ấp Phong Quới, Phong Mỹ, Giồng Trôm, Bến Tre)
14/08/2022 20:11:35Gia phả họ Nguyễn & họ Hồ ở ấp Phong Quới, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2005.
PHẢ KÝ
Đất Gia Định xưa – sau là Nam kỳ lục tỉnh rồi Nam Bộ – thật sự có bộ máy chánh quyền khi triều Nguyễn phái thống suất Nguyễn Hữu Cảnh xác lập chủ quyền từ năm 1698, tức cách nay trên 300 năm nên là vùng đất mới so với cả nước. Người Việt đến khai hoang lập nghiệp định cư trên vùng đất này bằng nhiều đợt chánh thức và không chánh thức gốc từ Đàng Ngoài, từ xứ Ngũ Quảng, từ binh lính của Tây Sơn, Nguyễn Ánh chán ghét chiến tranh tương tàn cốt nhục trốn ở lại, trong đó có số chống triều đình, nhiều dân tứ chiếng … và đặc biệt được người sở tại (có cả người Hoa và người Khơme) ưu ái đùm bọc:
Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây
…
Do hoàn cảnh lịch sử như vậy, để tồn tại và yên ổn làm ăn, những người lưu tán mới đến nhập cư thường dấu nguồn gốc, thậm chí thay họ đổi tên… Nên việc ghi lại gia phả cho họ tộc mình là điều ít có, trừ số quan lại, các nhà nho học.
Đây là nguyên nhân đầu tiên khó khăn quan trọng cho việc dựng gia phả cho các dòng họ Nam Bộ.
Các chuyên viên gia phả và gia đình đã phải mò mẫm tìm kiếm từ ký ức của những người trong họ, từ đồng mã mộ bia nhà thờ họ bài vị, từ các kho lưu trữ, đinh bạ, địa bạ,… để làm công việc “vạch bóng thời gian tìm quá khứ” một việc quá lớn quá khó với trình độ và điều kiện có hạn nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc – chưa được nhà nước quan tâm giúp đỡ - nên khó tránh khỏi những điều thiếu sót đối với dòng họ.
Phát tích dòng họ
Như họ Nguyễn nhà ta, từ ông Tổ đặt chân đến vùng đất này xưa thuộc huyện Bảo Trị, phủ Hoằng Trị thuộc tỉnh Vĩnh Long cách nay gần 200 năm, sanh cơ lập nghiệp tại làng Hữu Định. Các vị lớp trước không ai còn biết tên, con cháu trong họ chỉ biết đến đời ông Nguyễn Văn Dư (coi như Tổ đời I) ở đất Bến Tre. Ông từng làm phó cai tổng (mỗi tổng có một chánh và hai phó) tổng Bảo Khánh – thời bấy giờ ai muốn làm hương chức hội tề phải có điền sản và uy tín trong làng – và người chị thứ ba của ông (ông là thứ tư) là vợ của ông Kế Hiền, còn gọi là ông phó Thục – tức phó cai tổng. Ông Nguyễn Văn Dư kết duyên cùng bà Phạm Thị Đó, người con gái thứ bảy của một gia đình khá giả.
Nhưng một điều không may xảy đến với gia đình. Do có việc ngang trái trong gia đình hay ở quan trường, ông Nguyễn Văn Dư bỏ cả cuộc sống quyền quý, bỏ cả vợ con, lặng lẽ một mình xuống tận xứ xa xôi hoang vắng miệt Cà Mau để sanh sống, chấp nhận bao mất mát, hy sinh thiếu thốn. Đến nay con cháu trong họ chưa rõ lý do chính xác khiến ông phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Đất cũ đãi người mới, nơi xứ lạ quê người, nhưng với tài tháo vát, nhứt là nhơn tình ở đời, nhanh chóng ông đã trụ lại được, tham gia làm ăn sinh sống chan hoà với mọi người. Ít lâu sau, ông kết duyên cùng người phụ nữ (không rõ tên) , xây dựng gia đình ổn định và sanh con đẻ cháu ở đó. Dù cách trở đôi nơi, việc đi lại thời bấy giờ rất khó khăn, nhưng bà Phạm Thị Đó, vợ lớn của ông, đã tìm đến tận nơi khuyên giải hết lời, nhưng ông nhứt quyết không chịu trở về. Từ đó hai bên không còn liên hệ nhau. Đến khi ông qua đời, gia đình và bà con ở Cà Mau lo mai táng, gia đình ở Bến Tre không hay biết, sau có người bà con báo tin ngày mất của ông là ngày 20 tháng chạp âm lịch để biết mà cúng giỗ ông. Bà Phạm Thị Đó mãn phần ngày 12 cũng tháng chạp âm lịch. Mộ phần bà nằm ở phần đất hương hoả, gần nhà người cháu nội là ông Nguyễn Văn Đại. Mộ bà được xây đức xi măng khang trang. Mộ ông ở Cà Mau, con cháu chưa biết đích xác chỗ nào, sẽ có dịp đến thăm sửa sang tu bổ.
Ông bà hạ sanh được 7 người con, có lẽ do điều kiện y tế còn thiếu thốn, thô sơ nên gặp nhiều chứng bịnh khó đành phải bó tay: 4 người con nhỏ lần lượt mất đi. Chỉ đến người con thứ năm là ông Nguyễn Văn Pháo và hai người em của ông năm là bà bảy Bông và ông út Huê thì còn sống. Coi như còn có hai chi: chi thứ nhứt (ông Nguyễn Văn Pháo) và chi thứ hai (ông Nguyễn Văn Huê) là hai người con trai duy nhứt sanh con nối dòng họ Nguyễn.
Một bi kịch thứ hai lại xảy ra với gia đình. Từ khi vắng cha, ông năm Pháo lớn lên gia cảnh không còn êm đẹp như xưa và gia sản bắt đầu sa sút. Ông là trai trưởng từng quen lối sống trưởng giả, không quen công việc ruộng vườn – vì xưa nay có người khác làm. Thua buồn dẫn đến bài bạc, nợ nần chồng chất, không phương kế sanh nhai, ông đành bán ruộng vườn rồi nhà cửa cho những người thân họ ngoại (suy đoán: đỡ mang tai tiếng và còn hy vọng sau này có điều kiện chuộc lại). Nhưng cảnh sa sút lại gia tăng, ông bà già yếu không còn sức lao động, cả bốn người con (3 trai 1 gái) là nguồn lao động chính lần lượt thoát ly gia đình tham gia cách mạng.
Đó là:
- Nguyễn Văn Đại, trưởng nam tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946;
- Nguyễn Thị Bê, thứ nữ tham gia kháng chiến, không sinh con
- Nguyễn Văn A, thứ năm, hy sinh năm 1947
- Nguyễn Văn Cưng, hy sinh năm 1948
Buồn sầu, bế tắc kéo dài ông lâm bịnh lao phổi nặng phải đi nhà thương điều trị, chỉ còn một tay bà vừa cham sóc dưỡng nuôi vừa lo việc nhà. Nguồn sanh sống duy nhất là thu hoa lợi vườn. Một hôm thấy ông đỡ, bà tranh thủ về nhà bán ít trái cây lấy tiền nuôi ông. Ông đã qua đời không kịp gặp mặt người vợ thương yêu. Trong hoàn cảnh chiến tranh không có điều kiện đưa quan tài ông về nhà được mà được an táng trong đất thánh khuôn viên bịnh viện. Chiến tranh kéo dài, giặc giã ngăn cách, mồ mã lụi tàn và sau bị mất tích!
Thật là điều bất hạnh cho ông và nỗi đau, nỗi khổ tâm dai dẳng của con cháu. Nhưng có điều an ủi lớn là con cháu ông cả các chi đều đông đảo trưởng thành và nhiều người thành danh, thành đạt, nhiều người tham gia kháng chiến hết mình, một số người đã anh dũng hy sinh.
Đặc biệt trong chế độ mới hiện nay cuộc sống nói chung có khá hơn trước về cả vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có người cháu nội đích tôn của ông là Nguyễn Minh Triết tức nhà văn nhà biên kịch Nguyễn Hồ đã có nhiều đóng góp cho cách mạng và sự nghiệp báo chí, văn học và điện ảnh truyền hình Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ tất cả anh em trai gái trong độ tuổi trưởng thành như Nguyễn Thị Kiểm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Minh Chiếm, Nguyễn Minh Lập đều lần lượt tham gia nối tiếp truyền thống yêu nước của dòng họ. Người con trai thứ tư là chiến sĩ trinh sát đặc công Nguyễn Minh Thu hy sinh trong trận đánh biệt kích Mỹ ở ấp Phước Thiện xã Phước Thạnh huyện Châu Thành tháng 6 -1969.
Chi ông út Huê, con cháu không đông bằng chi thứ nhứt và ở nhiều nơi ở Mỹ Tho , ở Sài Gòn, TP.HCM thích hợp với các nghề thợ may, thợ máy, thợ điện và các dịch vụ gia dụng. Riêng con trai trưởng của ông là ông Nguyễn Văn On, trở về già ông đã từ bỏ gia đình ấm êm ở Mỹ Tho, một mình một thân trở về quê cũ xã Phong Mỹ cất chòi trên đất nhà gần những phần mộ của ông bà cha mẹ để canh giữ, sửa sang quét dọn và cùng dòng họ tham gia trùng tu và cải táng nhiều ngôi mộ cũ và truy tìm những ngôi mộ bị thất lạc. Tấm lòng vì tổ tiên của ông được bà con dòng họ ghi nhận và trân trọng.
Hiện nay, hai chi họ Nguyễn từ ông tổ nội năm đời là Nguyễn Văn Dư có những người con trai nối dõi như:
Chi ông Nguyễn Văn Pháo có > Nguyễn Văn Đại , sinh năm 1917 > Nguyễn Minh Triết sinh năm 1942 > Nguyễn Minh Dân sinh năm 1986. Nguyễn Minh Chiếm và Nguyễn Minh Lập đều có con trai thứ nam là Nguyễn Minh Nguyễn và Nguyễn Minh Hiếu.
Chi ông Nguyễn Văn Huê có > Nguyễn Văn On, sinh 191…. > Nguyễn Văn Hảo , sinh năm ……. Và con là > …….
ĐỀ NGHỊ KIỂM TRA VÀ BỔ SUNG NHỮNG CHI TIẾT HAI DÒNG
Theo các công trình nghiên cứu của ngành gia phả học, ở nước ta họ Nguyễn là họ lớn nhứt (trong tổng số gần 200 dòng họ) chiếm 33% dân số cả nước. Nhưng họ Nguyễn ta ở Phong Mỹ không phải lớn, đứng ở mức trung bình. Từ đó đã gợi cho con cháu trong họ và các chuyên viên gia phả nghĩ đến việc: đây là một phái, một hệ nào của họ Nguyễn chung được chia tách về đây trong hoàn cảnh khá đặc biệt, ở một địa phương đặc biệt mà sau này không còn liên hệ được.
Dù sao qua việc truy tìm tông tích tổ tiên chưa được đầy đủ, tìm hiểu được một phần hoàn cảnh sống, cách sống, nhứt là biết được niềm vui nỗi buồn, những nỗi âu lo, đau thương mất mát nguồn gốc chính do chiến tranh xâm lược gây ra, chúng ta là hậu duệ có cuộc sống khá hơn lớp ông bà trước, chúng ta càng vô cùng thương cảm và biết ơn ! Chính cuộc sống của gia tộc ta nói riêng và nhân dân cả nước nói chung được như ngày hôm nay là được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao lớp người đi trước, trong đó có tổ tiên ông bà, cha mẹ ta góp công xây dựng mảnh đất này.
Biết được con người, dòng họ, hoàn cảnh sống, tưởng cũng cần tìm hiểu về mảnh đất mà ông bà ta đã từng đứng chân, qua bao cuộc biến thiên của lịch sử vẫn bảo bọc nuôi dưỡng con người, trong đó có dòng họ Nguyễn ta vững vàng vượt qua bao thiên tai địch họa để tồn tại và phát triển nối truyền con cháu đến ngày nay.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT
Xã Phong Mỹ được thành lập từ rất sớm (1892) thuộc tổng Bảo Khánh, là 1 trong 11 tổng của tỉnh Vĩnh Long, trước khi lập tỉnh Bến Tre (1900) và trước rất lâu đời so với huyện Giồng Trôm (1957), tiền thân là huyện Tán Kế (1945) gồm một số xã của huyện Châu Thành và một số xã của huyện Ba Tri hợp lại.
Trở về xa xưa, cũng như nhiều địa phương khác ở vùng đất mới phương Nam, trước khi được thành lập tỉnh Bến Tre do quyết định của toàn quyền Pháp Paul Doumer ký, từ năm 1779, vùng đất Bến Tre (gồm cù lao Bảo và cù lao Minh, có tên là tổng Tân An là 1 trong 3 tổng của châu Định Viễn, dinh Long Hồ, phủ Gia Định. Năm 1808, tổng Tân An thăng thành huyện Tân An gồm 2 tổng: Tân Minh (cù lao Minh) và An Bảo (cù lao Bảo) với 135 thôn trại (đời Gia Long). Năm 1823, vua Minh Mạng thăng thành phủ Hoằng An (thuộc Vĩnh Thanh trấn) 2 tổng Tân Minh, An Bảo được thăng thành huyện. Năm 1832, phủ Hoằng An được chia làm hai phủ: phủ Hoằng An (cù lao Minh) và Hoằng Đạo (cù lao Bảo).
Năm 1844 Thiệu Trị đổi phủ Hoằng Đạo thành phủ Hoằng Trị (thuộc tỉnh Vĩnh Long - 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ). Năm 1851 Tự Đức hợp nhất hai phủ lại lấy tên chung là phủ Hoằng Trị, gồm 4 huyện: Tân Minh, Duy Minh, Bảo An và Bảo Hựu - cù lao An Hoá vẫn thuộc tỉnh Định Tường (Mỹ Tho). Năm 1948, do nhu cầu được thuận tiện cho việc chiến đấu chỉ đạo phong trào cách mạng, Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ ra quyết định cắt cù lao An Hoá (thuộc tỉnh Mỹ Tho) và 6 xã phần cuối của cù lao Minh (thuộc tỉnh Vĩnh Long) thành lập huyện An Hoá sáp nhập vào tỉnh Bến Tre. Bấy giờ Bến Tre có 3 cù lao: Minh, Bảo và An Hoá, gồm 7 huyện: Thạnh Phú, Mỏ Cày, Chợ Lách, Ba Tri, Châu Thành, Sóc Sải và An Hoá.
Lúc đó, huyện Giồng Trôm chưa được thành lập. Các xã của huyện Giồng Trôm hiện nay còn thuộc huyện Châu thành (phía Đông Bắc) và huyện Ba Tri (phía Đông Nam). Trong 21 xã của huyện Giồng Trôm, Phong Mỹ cùng với Phong Nẫm là 2 xã ở cực Bắc của huyện, tiếp giáp với thị xã Bến Tre (qua sông Ba Lai).
Từ thế kỷ trước với đặc điểm vị trí thuận lợi như vậy, Giồng Trôm (xã Thạnh Phú Đông) là quê hương của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 – 1910), cuộc khởi nghĩa của Tán Kế (Lê Quang Quan) ở vùng Ba Châu, Phong Mỹ, Phong Nẫm, 1875, nơi có tổ chức cơ sở Đảng rất sớm của tỉnh. Thời chống Pháp, nhất là chống Mỹ cứu nước, Giồng Trôm đã anh dũng chiến đấu, đã có 6.319 liệt sĩ, 1.313 thương binh, có trên 200 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong 14 vị tướng của tỉnh Bến Tre được Nhà nước phong tặng, huyện Giồng Trôm đã chiếm 8 vị đồng: Văn Cống (Tân Hào), Võ Viết Thanh (Lương Phú), Nguyễn Thị Định (Lương Hoà), Trần Nhiên (Châu Hoà), Vũ Khắc Sương (Long Mỹ), Trần Ninh Tích (Tân Hào), Nguyễn Hữu Vị (Châu Bình) và Lê Dũng (Phong Mỹ).
Phong Mỹ là 1/8 xã của Giồng Trôm đã sản sinh ra một tướng tài (Lê Dũng) đã có đóng góp đặc biệt xuất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lực lượng võ trang nhân dân huyện Giồng Trôm, đơn vị trinh sát võ trang huyện cùng du kích xã Phước Long, Dân quân du kích và Đội du kích xã Thạnh Phú Đông là 5 đơn vị được tuyên dương anh hùng lực lượng võ trang. Về cá nhân có 9 nam nữ anh hùng liệt sĩ của Giồng Trôm (trong tổng số 41 của Bến Tre) đã được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng võ trang nhân dân.
Các tin cũ
- » 009. Họ Nguyễn (Ngô Trung Kiên) 14/08/2022 20:06:31
- » 008. Gia phả họ Nguyễn (họ Hồ) (ấp Thủ Bộ, Long An, Cần Giuộc, Long An) 14/08/2022 19:42:12
- » 007. Họ Nguyễn (Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai) và họ Đặng (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) 14/08/2022 18:48:55
- » 006. Gia phả họ Ngô (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) 14/08/2022 18:37:17
- » 20 năm hoạt động bền bĩ và kết quả to lớn của TTNC&THGP TP.HCM 14/08/2022 17:24:50
- » Giới thiệu về Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM 14/08/2022 15:42:27
- » 20 năm hình thành và phát triển của TTNC&THGP TP.HCM (1992-2012) 14/08/2022 15:06:49
- » Vài suy nghĩ về mối quan hệ gia tộc và thành viên gia tộc Việt Nam 14/08/2022 14:47:26
- » Gia phả học trong nền văn hóa dân tộc 14/08/2022 13:50:43