Trang chủ > 012. Gia phả họ Phan (ấp Bờ Kinh Trên, Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang)

012. Gia phả họ Phan (ấp Bờ Kinh Trên, Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang)

14/08/2022 20:43:45

Gia phả họ Phan ở ấp Bờ Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2006.

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi thuộc gia đình nông dân nghèo ở ấp Bờ Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, lớn lên khi quê hương đang chìm trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cha mẹ tôi phải lao động quần quật suốt cả ngày mới nuôi được tám anh chị em tôi. Thương cha mẹ vất vả, tôi đã rời bỏ gia đình rất sớm để sống tự lập, lao động để sinh sống, học tập và trang bị nghề nghiệp cho tương lai. Nhờ hồng phúc của tổ tiên nên cuộc sống của tôi đã ổn định không phải vất vả lo toan cho việc mưu sinh nữa. Càng nhớ đến lời nhắc nhở của tổ tiên “Uống nước phải nhớ nguồn” “Chim có tổ người có tông” tôi càng thêm chạnh lòng nên tôi muốn biết cội nguồn dòng họ Phan nhà ta, muốn biết công ơn của tổ tiên, bà con xa gần, quan hệ trên dưới trong tộc họ.

Muốn biết cội nguồn dòng họ thì phải nhờ vào gia phả tức là một quyển sử để ghi về lịch sử của dòng họ. Nhưng dòng họ ta chưa có gia phả. Do vậy việc lập gia phả cho họ Phan ta rất cần thiết nhưng tôi lại không biết cách lập gia phả. Duyên may cho tôi là qua cuộc triển lãm về gia phả của Chi hội Khoa học lịch sử gia phả Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8/3/2005 mà tôi có dịp xem qua, tôi nhận thấy đây là một tổ chức có chuyên môn nghiệp vụ dựng phả. Vì vậy, nên tôi nhờ Chi hội này lập bộ gia phả cho dòng họ Phan nhà ta, trước để dâng lên tổ tiên như một lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và sau đó để học tập truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để nhận biết quan hệ thân thích trong dòng họ, cùng nhau đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc đồng thời góp phần xây dựng quê hương.

Dòng họ Phan ta không có phả gốc nên việc truy tìm cội nguồn rất khó khăn. Tôi mong toàn thể bà con họ tộc xa gần nhiệt tình hưởng ứng cung cấp thông tin thật chính xác để bộ gia phả họ Phan ta được hoàn chỉnh.

Sau cùng tôi xin chân thành cám ơn Chi hội Khoa học lịch sử gia phả Thành phố Hồ Chí Minh và bà con trong họ tộc đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này.

Dẫu có nhiều cố gắng song không tránh khỏi khiếm khuyết, mong bà con tiếp tục bổ sung để bộ gia phả ngày càng được hoàn chỉnh hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2005

Cháu đời thứ V

PHAN VĂN NGUYÊN

 

PHẢ KÝ

Những người con hiếu thảo luôn luôn muốn tìm về cội nguồn để biết lai lịch ông bà tổ tiên và công lao của ông bà đối với con cháu để ghi sâu công đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, biết mối quan hệ trên dưới, thân sơ trong họ để xưng hô cho thông thuận, đồng thời cũng muốn biết ngày giỗ, mồ mã của tổ tiên để phụng thờ, để báo hiếu. Họ Phan ta ở ấp Bờ Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang lập gia phả này cũng nhằm yêu cầu trên. 

Do đó, bài Phả ký chủ yếu khái quát các vấn đề sau :

- Nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ.

- Tổ quán và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

- Đặc điểm của dòng họ. 

Việc tìm hiểu các vấn đề nêu trên đối với họ Phan ta có những khó khăn nhất định cũng bởi trước kia họ ta không có phả gốc, mộ cổ mới xây lại, có dựng mộ bia nhưng con cháu không biết tên nên bia không ghi tên. Họ ta cũng không có văn tự về đất đai. Do đó, việc tìm hiểu về ông bà thủy tổ, về tổ quán, về thế thứ qui mô dòng họ chỉ dựa vào ngôn truyền của dòng họ và của địa phương là chính.

I. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ

1. Nguồn gốc của dòng họ 

Theo lời kể của ông Phan Văn Trung và ông Phan Văn Lự (đời 4) hiện ở xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thì ông tổ đời một của họ Phan trước kia có thời gian ở Cần Đước (Long An). Ít lâu sau vì cuộc sống có khó khăn nên qua Gò Công để làm mùa cho địa chủ và định cư luôn ở Bình Ân. Hai ông còn cho biết hiện còn mộ và bà con ở Cần Đước nhưng hai ông không biết mộ của ai ? Ở ấp nào, bà con đó hiện là những ai? Ở đâu ?

Qua hơn một tháng đi điền dã về Cần Đước : Từ Tân Lân (Long An), Tân Trạch đến Rạch Kiến rồi đến Bình Chánh. Nhờ chính quyền địa phương và quần chúng địa phương tận tình hướng dẫn, tìm hiểu những người họ Phan ở Cần Đước để xác minh rõ mối liên hệ giữa họ Phan ở Bình Ân và họ Phan ở Cần Đước, kết quả như sau :

Có gia đình ông Phan Công Mẫn từ miền Trung vào Nam làm thư lại, giữ kho ở Rạch Kiến, có bà con cùng theo giúp việc cho gia đình ông . Khi đi ông Mẫn có mang theo gia phả cổ nhưng gia phả đó bị con cháu chôn theo người đã mãn phần rồi. Sau một thời gian ngắn ở Rạch Kiến, một số bà con của ông Mẫn tách riêng ra về Long Sơn, Tân Trạch (thuộc Long An) làm mướn để sinh sống. Đó là ông cố tổ của ông Phan Văn Thiện và anh hay em ông cố ông Thiện. Ông Thiện (còn gọi là ông Bảy Thiện) ở Cần Đước đã cho biết như vậy. Ông Thiện cũng không biết ông cố mình và ông cố nhà chú bác của ông tên là gì ? Nghe nói cuộc sống ở Gò Công dễ chịu hơn nên cố chú bác của ông Thiện (tằng tổ thúc bá) qua Gò Công làm mùa cho địa chủ và định cư luôn ở Bình Ân (Gò Công Đông). 

Qua chuyến điền dã ở Gò Công thì được biết có họ Phan ở Bình Ân, có mộ ông tổ cao nhất của họ Phan ở ấp xóm Gò, thị trấn Tân Hòa nhưng mộ không có tên vì mới tôn tạo. Con cháu không biết tên nên không ghi tên, chỉ ghi năm 1801 và hậu duệ của ông tiếp nối nhiều thế hệ đến hiện nay ở Bình Ân. 

Nếu họ Phan vào Nam thời kỳ đầu Minh Mạng (1820 - 1842) thì năm 1801 là năm sinh của ông. Để được vào Nam ít nhất ông phải ở tuổi 20 tức sinh năm 1821 đúng vào thời kỳ đầu Minh Mạng khớp với thông tin họ Phan ở Cần Đước.

Ngoài những thông tin trên, không còn thông tin nào khác có cơ sở khoa học hơn. Hơn nữa họ Phan ở Cần Đước và họ Phan ở Bình Ân không liên lạc nhau. Do đó, không đủ cơ sở để kết luận ông cố chú bác với ông Thiện (Tằng tổ thúc bá ông Thiện) là ông tổ đời một của họ Phan ở Bình Ân và cũng không thể công nhận tổ quán họ Phan ở Bình Ân là Cần Đước.

Qua khảo sát phả hệ họ Phan ở Bình Ân (Gò Công Đông) thì thấy mối liên hệ giữa hậu duệ họ Phan với mộ cổ là chính xác. Do đó, họ Phan coi ông có mộ cổ ở Tăng Hòa là ông tổ đời một của mình và tổ quán của họ Phan là thôn Bình Ân (nay là xã Bình Ân) thuộc huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang vì ông tổ định cư ở đây. 

Con cháu họ Phan không biết ông tổ mình tên gì, trước khi thiên cư vào Nam ông ở tỉnh nào chỉ biết ông từ miền Trung vào bằng phương tiện gì con cháu không rõ.

Vào đầu thế kỷ 19, con đường thiên lý từ Huế vào Gia Định đã được mở và phương tiện vào Nam thường bằng đường bộ và cả đường thủy, nhưng đi đường bộ thì hiểm trở, nhiều thú dữ lại bị cướp dọc đường. Do đó, những di dân vào Nam thường chọn phương tiện an toàn là đi đường biển bằng ghe bầu. Nếu ông tổ đời một họ Phan ở Bình Ân vào Nam thời kỳ đầu Minh Mạng thì có thể ông đi theo các đợt chuyển quân từ đầu thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 do triều đình nhà Nguyễn tổ chức cử Nguyễn Cư Trinh và Trương Đăng Quế phụ trách di dân là vùng Ngũ Quảng. Vì vậy có thể phỏng đoán ông tổ họ Phan ở Bình Ân là người thuộc vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Bà tổ không rõ tên gì, người Nam bộ hay người miền ngoài vào. Con cháu hiện nay không ai biết bà làm nghề gì ? 

Ông mất ngày 25/8 Âm lịch, mộ tại ấp xóm Gò, thuộc thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông. Cháu đời 4 giỗ. Bà mất không rõ ngày, tháng, năm, mộ ở đâu. ông, bà có một con trai là Phan Văn (Trâu), con cháu lập mộ bia là Phan Văn Âu. 

2. Qui mô

Theo thông tin của hậu duệ họ Phan ở Bình Ân thì chỉ biết ông bà có một con trai duy nhất là Phan Văn Âu. Ông Âu lớn lên ở Bình Ân, Gò Công. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Chuyên (Chinh) ở xóm Thích lập ra một chi duy nhất của họ Phan, tạo ra hậu duệ đời II, tiếp nối cha mẹ cày sâu cuốc bẩm, dày công khai phá được một khoảnh đất nhỏ ở Bình Ân, ông trực tiếp canh tác và làm thuê mướn thêm để nuôi gia đình.

Ông, bà hạ sinh được 4 người con, 3 người con trai và 1 người con gái. 

Ba người con trai của ông lập gia đình tạo ra ba chi.

- Chi thứ nhất : ông Phan Văn Nghé : có 7 người con, chết 1 còn 6, trong đó có 2 người con trai và 4 người con gái. Ông Nghé là ông nội của ông Phan Văn Nguyên (hậu duệ đời 5) là một doanh nhân, người lập gia phả này.

- Chi thứ hai : ông Phan Văn Chẩn : có 6 người con, 5 con gái và 1 con trai. Ông mất sớm, bà lấy chồng khác, con trai ở với bà nội. 

- Chi thứ ba : ông Phan Văn Đê : có 1 người con trai, nghèo quá đem con cho người mang họ Bùi nhưng vẫn quan hệ với họ Phan.

Ba chi này truyền nối đến nay là đời thứ 6 ở Bình Ân, Gò Công Đông, một số lên thành phố Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống, giỗ ông bà vẫn về quê hương tham dự đông đủ. Trong ba chi, chỉ có chi một phát triển về số lượng. Chi hai, và ba hiện vẫn có hậu duệ song số lượng ít. Đây là dòng họ có qui mô nhỏ.

II. TỔ QUÁN HỌ PHAN VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG

1. Tổ quán 

Căn cứ vào mộ ông tổ đời một của họ Phan và theo thông tin của hậu duệ họ Phan thì tổ quán của họ Phan xưa ở ấp xóm Gò, thôn Bình Ân, tổng Hòa Lạc Hạ, huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định nay là ấp Bờ Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Gò Công là xứ “địa linh nhân kiệt” ở đất phương Nam. Người Gò Công rất tự hào về xứ sở mình vì vùng đất này đã sản sinh ra những con người, những nhân vật lịch sử. Loại trừ một Huỳnh Văn Tấn phản bội, làm hoen ố đất thiêng thì vùng đất này đã có những vị anh hùng hào kiệt và những người mà lịch sử còn ghi lại như :

- Anh hùng kháng Pháp Trương Định với căn cứ “đám lá tối trời” lịch sử lưu danh muôn thuở.

- Võ tánh một con người có tài thao lược với địa danh “Đầm Vạn Thắng” trong cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh.

- Phạm Đăng Hưng, công thần triều Nguyễn - người sinh ra Bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.

- Nam Phương Hoàng hậu vợ vua Bảo Đại.

Gò Công cũng là quê hương của Hồ Biểu Chánh một văn hào, Nguyễn Thị Kiêm một chiến sĩ tiền phong trong phong trào thơ mới.

Bình Ân nằm trong huyện Gò Công xưa là một thôn có nhiều ruộng đất nhất theo địa bạ Minh Mạng. Bình Ân hiện nay cách huyện Gò Công Đông 3,5 km đã được hình thành rất sớm trong quá trình hình thành vùng đất Gò Công từ thế kỷ 17.

Theo địa bạ Minh Mạng thì thôn Bình Ân có vị trí như sau :

- Đông giáp biển.

- Tây giáp địa phận ba thôn : Tân Duân Đông, Thuận Ngãi và Tăng Hòa, đều có lập cột gỗ làm giới.

- Nam giáp địa phận thôn Tăng Hòa, có lập cột gỗ để làm giới.

- Bắc giáp phường Toàn Phước, lấy lòng rạch làm giới, thực canh ruộng đất 4683.8.0.3 chia ra. Thực canh ruộng thảo điền 4673.8.0.3 (trước kia khai 28 nay khám phá ra 102 sở). Chủ Mạc Văn Lộc có 4 sở công 1106.7.14.6. Chủ Nguyễn Thị Hương có 6 sở công 501.3.6.5 với 9 chủ mới mỗi chủ có trên 100 mẫu.

Thực canh trồng dâu 10.0.0.0 (1 chủ).

Dân cư thổ 45.3.6.2 (6 sở).

Đất hoang nhàn 4 khoảnh.

Mộ địa 11 khoảnh.

Bình Ân vào thế kỷ 17 là đất thuộc vùng đất Lôi Lạp Lôi Lạp: vùng đất từ sông Soài Rạp đến Đồng Tháp Mười là địa bàn trú chân của những cuộc Nam tiến. Do đó từ thế kỷ 17 đã có người Việt đến khai khẩn ở vùng đất này. Đến năm 1689 Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào lập bộ máy hành chánh lấy đất Đồng Nai làm phủ Gia Định, đặt huyện Phước Long và Tân Bình. Năm 1802 Phủ Gia Định được đổi ra thành Gia Định, huyện Tân Bình được nâng lên thành Phủ. Từ năm Minh Mạng thứ 13, huyện Thuận An và Phước Lộc nhập thành Phủ Tân An. Năm 1841 lập thêm Phủ Hòa Thạnh gồm hai huyện Tân Thạnh và Tân Hòa (Gò Công) trực thuộc Phủ Tân An, thì Bình Ân thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, huyện Tân Hòa, phủ Tân An. Ông tổ họ Phan ta từ Cần Đước sang Gò Công vào thời kỳ này.

Năm 1867, sau khi Pháp chiếm hết 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ và sắp đặt lại đơn vị hành chánh thì Bình Ân thuộc tổng Hòa Lạc Hạ tỉnh Gò Công. Cho đến năm 1975 tỉnh Gò Công có 4 quận, 32 xã thì xã Bình Ân thuộc quận Hòa Lạc tỉnh Gò Công.

Sau giải phóng, xã Bình Ân thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang hiện nay có vị trí như sau.

- Phía Đông giáp xã Tân Điền.

- Phía Tây giáp xã Bình Nghị và Long Thuận.

- Phía Bắc giáp Tân Đông và Kiểng Phước.

- Phía Nam giáp Bình Nghị và thị trấn Tân Hòa.

Diện tích hiện nay là 1337,5 ha trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.128,75 ha, đất thổ cư 55,83ha. Năm 1978 chương trình ngọt hóa Gò Công bắt đầu đến năm 1985 thì hoàn thành, Gò Công có nước ngọt để sản xuất 3 vụ bình quân 5 tấn / 1 ha.

Hiện nay dân Bình Ân sống về nông nghiệp : chiếm 85%. Tiểu thủ công nghiệp chiếm 5% gồm các nhà máy xay lúa và trái cây. Còn lại là dịch vụ và mua bán. Nhưng kinh tế chính của Bình Ân do Phòng Địa chính xã cung cấp chính là cây sơ ri. Hiện ở xã có nhà máy Thạnh Phát chế biến và xuất khẩu ra nước ngoài. Đa số dân Bình Ân theo đạo Phật và thờ cúng ông, bà. Bình Ân có một chùa là Chùa Thái Bình ở ấp Gò Me. Một đình là đình Bình Ân, không có nhà thờ và thánh thất Cao Đài, không có trường cấp III.

Trong thời kỳ chống Pháp, ấp Kinh Trên (xóm Thích) có truyền thống cách mạng. Thời kỳ chống Mỹ, Bình Ân là xã bình định trắng.

Bình Ân chưa phải là xã anh hùng song qua hai cuộc kháng chiến đã có 20 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 260 liệt sĩ, 40 thương binh được xã lo đầy đủ các chính sách.

2. Sự đóng góp của dòng họ cho quê hương 

Từ khi ông tổ họ Phan đến Bình Ân làm mùa cho địa chủ vào đầu thế kỷ 19, đến đời thứ 3 thì toàn cỏi Nam bộ chịu sự cai trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn rồi đến sự cai trị của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Họ Phan ta, các thế hệ là nhân chứng của lịch sử, là nạn nhân của sự áp bức bóc lột của hoàn cảnh lịch sự của thời điểm này.

Trong bối cảnh lịch sử như thế, họ Phan ta bám đất, bám làng, cần cù lao động, gìn giữ đạo lý gia phong, yêu quê hương, không theo giặc. Trong thời Pháp thuộc có người vào chùa tu để khỏi phải đi lính ngụy, có người ủng hộ cách mạng, tham gia cách mạng ở địa phương qua hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. (Ông Phan Văn Trung và ông Phan Văn Lự, hậu duệ đời thứ IV). Cũng có người không tránh khỏi việc bắt lính của chính quyền Sài Gòn nhưng sau giải phóng - cũng trở về lao động bình thường. Đó là những gì lịch sử để lại.

Sau giải phóng, đất nước được thống nhất, hòa bình lập lại, con cháu họ Phan có người là những nông dân cần cù, gắn bó với xóm làng, với ruộng đồng, có người là nhà giáo địa phương, là công nhân, là doanh nhân, tất cả cũng góp phần xây dựng cho dòng họ và cho quê hương mình.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ PHAN

Qua gần 200 năm, ông tổ đời một họ Phan ta từ miền Trung vào định cư ở Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã truyền nối đến nay được 7 đời. Dù lịch sử có thăng trầm song họ Phan vẫn vươn lên trong cuộc sống và đã hình thành được những đặc điểm tốt để con cháu học tập như sau :

- Họ Phan ta là những người cần cù lao động có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Bắt đầu từ ông tổ đời một, với hai bàn tay trắng từ miền Trung đến Bình Ân định cư, cày thuê cấy mướn cho địa chủ, không có chút đất đai. Đến đời thứ 2, 3, 4 có khá hơn lên, có được một ít đất thổ cư, ruộng và đất giồng để trồng rau cải. Với ý chí vươn lên mạnh mẽ, qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, các ông với thế hệ đời 4 với đồng ruộng, liếp rau lao động vất vả, nuôi dạy con tốt. Các con thông cảm với hoàn cảnh vất vả của cha mẹ, cố gắng học hành, lao động phụ với gia đình để trở thành những nhà giáo, những công nhân tốt, cụ thể là gia đình ông Phan Văn Lự có 8 người con trong đó các con đều có nghề nghiệp ổn định, 6 người con là giáo viên cấp I và cấp II đang dạy học ở quê nhà, 2 người con là công nhân, là nông dân nối nghiệp tổ tiên ở Bình Ân. Hậu duệ đời 5 đã có người thành đạt trong doanh nghiệp. Đó là ông Phan Văn Nguyên, con thứ 7 của ông Phan Văn Trung. Trong quá trình học tập, lập nghiệp, ông Nguyên gặp rất nhiều khó khăn song ông vẫn kiên trì vượt qua mọi thử thách và ông đã thành đạt.

- Một đặc điểm nữa của họ Phan ta là tính tình bình dị chất phác, mộc mạc của dòng họ ta. Họ Phan là những nông dân, vẫn mang bản chất nông dân từ nhiều thế hệ. Mặc dù hiện nay - có người là những nhà giáo, những công nhân hay doanh nhân nhưng vẫn giữ được sự gần gũi thân thiện nhau trong dòng họ, với xóm làng thì vẫn giữ nguyên tình làng nghĩa xóm, đoàn kết đùm bọc nhau trong họ tộc, chia sẻ kịp thời với bà con ở quê hương giữ sự bình dị trong sáng của những người nông dân chất phác. Đó là bản chất đáng quý của dòng họ cần được phát huy.

- Ngoài việc cần cù lao động, họ Phan ta còn quan tâm đến việc truy tìm cội nguồn, phụng thờ tổ tiên. Ông tổ đời một qua đời đã lâu nhưng cho đến nay hậu duệ vẫn giữ việc giỗ chạp nghiêm túc, mồ mã tổ tiên các đời vẫn được chăm sóc thường xuyên, hiện nay ông Phan Văn Nguyên (hậu duệ đời 5) chi một, đã mua đất ở ấp Vạn Thắng để làm dòng mộ cho họ tộc và hiện đang xây nhà thờ họ tộc, lập gia phả cho họ ta. Đó là bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần được duy trì. Đó là những đặc điểm tốt của họ ta, con cháu ta hãy tự hào và học tập. Nay dòng họ ta chủ trương lập gia phả cho dòng họ Phan ta là việc làm rất có ý nghĩa. Với gia phả này, con cháu hướng về cội nguồn, học tập những truyền thống tốt đẹp của dòng họ đồng thời để biết hết nhau trong thân tộc, biết được mồ mả, ngày giỗ của tổ tiên để gìn giữ nếp nhà. Con cháu họ Phan ta hãy cùng nhau gìn giữ bảo quản bộ gia phả này, có trách nhiệm viết nối tiếp và bổ sung để đời sau được tỏ rõ. Lớp hậu duệ xin kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân hiếu thảo, nguyện đời đời phụng thờ tổ tiên, nguyện học tập truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, đoàn kết nhau trong cuộc sống, trong học tập để cùng nhau đưa dòng họ ta phát triển đi lên.