Trang chủ > 011. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM)

011. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM)

14/08/2022 20:31:32

Gia phả họ Nguyễn ở ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2005.

LỜI MỞ ĐẦU

Mỗi người sinh ra đều có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng như một dòng sông, một con suối đều có cội nguồn của nó. Ông bà ta đã dạy “Làm người phải biết tông tích tổ tiên” như “cây có cội, nước có nguồn” là có ý muốn nhắc nhở ta phải tìm về cội nguồn để biết công ơn của tổ tiên, biết gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình.

Để biết cội nguồn dòng họ thì phải nhờ vào gia phả, vì gia phả là cuốn sổ để ghi chép nguồn gốc dòng họ mình, công lao của tổ tiên mình đối với con cháu. Trong gia phả còn ghi danh tánh, thứ thế, ngày sinh, ngày mất cùng hành trạng của từng thành viên trong dòng họ và việc thờ cúng, giỗ chạp… để con cháu thực hiện đạo hiếu.

Gia đình tôi, họ nội, họ ngoại đều chưa có gia phả. Họ nội tôi ở miền Bắc xa xôi, tôi biết rất ít…, sẽ tìm hiểu sau. Tôi được sinh ra và lớn lên trên quê hương bên ngoại – nơi có truyền thống đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm bền bĩ, anh dũng. Đó là xã Bà Điểm anh hùng của huyện Hóc Môn. Tôi lại được diễm phúc có bà ngoại nuôi nấng, dạy dỗ trong những ngày thơ ấu vì mẹ tôi thoát ly làm cách  mạng.

Cuộc chiến tranh dai dẳng và nỗi khổ cực của gia đình nông dân thời Pháp thuộc đã làm cho ông bà ngoại tôi mất sớm khi tôi lên tám. Cha mẹ tôi gặp nhau trong công tác cách mạng. Cha tôi bị bắt, bị tù rồi bị trục xuất về Bắc và ông tiếp tục làm cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Mẹ tôi bị bắt trong Nam Kỳ khởi nghĩa, khi ra tù thì ngã bệnh vì những đòn tra tấn dã man và sau đó đã nằm xuống vĩnh viễn khi tôi chưa đủ tuổi trưởng thành (mới 14 tuổi). Tôi được dì, cậu tiếp tục nuôi dạy, nối tiếp mẹ làm cách mạng rồi lập gia đình và lo việc mưu sinh. Tuổi nhỏ tôi đã xa cha mẹ, ông bà, dòng họ. Do vậy, mối quan hệ giữa họ hàng ít thân thiết nhau, mồ mả giỗ chạp qua loa, mạnh ai nấy cúng, nghĩ đến thêm chạnh lòng…

Hòa bình đã hơn một phần tư thế kỷ, nay tuổi tôi hơn 70, gia đình, con cái tôi đã trưởng thành và ổn định đời sống. Tôi muốn ghi lại nguồn gốc dòng họ Nguyễn – họ bà ngoại. Tôi muốn biết hết bà con bên ngoại tôi và những đóng góp cụ thể của mẹ tôi, bà con tôi qua hai cuộc kháng chiến để con cháu tôi sau này học tập.

Do vậy, việc lập gia phả cho họ Nguyễn – họ bà ngoại tôi – rất cần thiết đối với tôi.

Do không có thời gian và không biết phương pháp, nghiệp vụ gia phả nên tôi nhờ Chi hội KHLS Gia phả – Hồi ký TP.HCM dựng cho tôi bộ gia phả này, thành kính dâng lên tổ tiên bên ngoại tôi như một việc làm báo hiếu.

Dù có nhiều cố gắng, song Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả cũng không tránh được thiếu sót. Kính mong bà con chân thành góp ý để bộ gia phả được hoàn chỉnh.

Cháu ngoại

NGUYỄN THỊ MINH TỰ

 

PHẢ KÝ

Người Việt Nam coi việc “vấn tổ tầm tông” là việc làm cần thiết để biết cội nguồn của dòng họ mình, công lao của tổ tiên mình đã vun đắp cho con cháu. Tìm về cội nguồn là tìm về lai lịch ông, bà thủy tổ và tổ quán của dòng họ. Mỗi dòng họ đều có cội nguồn được hình thành qua nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Dòng họ Nguyễn của bà Nguyễn Thị Lục – bà ngoại của bà Nguyễn Thị Minh Tự, ở ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm - không có phả gốc. Nhóm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh phải nhờ vào ký ức của con cháu và các bậc lão thành ở địa phương, những tư liệu lịch sử, tư liệu ở bảo tàng... để viết gia phả này.

I. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

1. Về dòng họ của chị em bà Nguyễn Thị Lục

Qua tìm hiểu con cháu bà Nguyễn Thị Lục và những bậc lão thành ở địa phương, khảo sát mộ, đồng mả thì được biết như sau:

Không ai trong dòng họ biết ông tổ họ Nguyễn mình tên họ là gì? Tuổi tác bao nhiêu? Làm nghề gì đề sinh sống? Nguyên quán ở đâu? Sinh và mất năm nào? Mộ ở đâu?... Các cháu của bà không ai rõ, chỉ biết bà có tất cả 9 anh chị em nhưng cũng không rõ bao nhiêu anh em trai, chị em gái. Như vậy phải có ông họ Nguyễn (khuyết danh) lập gia đình mới sinh ra 9 người này. Hiện nay nhóm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tìm được 4 người con gái trong số 9 người này là có con cháu còn nối tiếp nhau đến nay. Bốn người con gái đó là:

+ Thứ ba: Nguyễn Thị Mây quê ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt, được gã về cho ông Mai Công Tứ quê ở Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

+ Thứ bảy: Nguyễn Thị Lục quê ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt có 1 đời chồng người Hoa. Không rõ tên họ, quê quán ở đâu mồ mả nơi nào, chỉ biết bà có với ông một con trai tên là Nguyễn Văn Lân, lấy họ mẹ. Khi ông chết, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Phúc, quê ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt và có thêm 3 người con nữa là: Nguyễn Thị Sảnh, Nguyễn Thị Tâm (tự là Tư Giã) và Nguyễn Quốc Văn (tự Sáu Cua), sinh quán tại Tây Bắc Lân xã Bà Điểm.

+ Thứ chín: Nguyễn Thị Ái quê ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt được gã về cho ông Lại Văn Dương ở Đông Hưng Thuận.

+ Thứ mười: Nguyễn Thị É  quê ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt được gã cho ông Khâu Văn Tững ở Bà Điểm.

Ba người con gái là bà Nguyễn Thị Mây (thứ ba), Nguyễn Thị Ái (thứ chín) và Nguyễn Thị É (thứ mười) đã lấy chồng có con chuyển thành họ khác.

Riêng bà Nguyễn Thị Lục lấy chồng người Hoa, có một con trai là Nguyễn Văn Lân (mang họ Nguyễn của mẹ). Lần thứ hai, bà Lục lập gia đình với ông Nguyễn Văn Phúc – người cùng họ Nguyễn với bà. Cả hai đời chồng, bà Lục có 4 người con; 2 con trai và 2 con gái đều mang họ Nguyễn. Hai người con trai ngẫu nhiên cùng họ Nguyễn là : Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Quốc Văn. Hai người nầy lập gia đình tạo ra hậu duệ họ Nguyễn của bà Nguyễn Thị Lục.

Bà Nguyễn Thị Lục sinh quán ở ấp Tây Bắc Lân xã Tân Thới Nhứt. Căn cứ vào năm sinh của con gái thứ tư là Nguyễn Thị Tâm (Còn gọi là Nguyễn Thị Giã) là năm 1900 thì năm sinh của bà Nguyễn Thị Lục là khoảng năm 1870, trước Nguyễn Ảnh Thủ đánh đồn Thuận Kiều một năm (1871). 

Bà lập gia đình 2 lần.

Lần 1: Có chồng người Hoa – có 1 con trai là Nguyễn Văn Lân. Hai ông bà không ở với nhau nữa con theo họ mẹ, bà nuôi con.

Lần 2: Ông Nguyễn Văn Phúc, quê ở ấp Tây Bắc Lân xã Tân Thới Nhứt, tổng Bình Thanh Hạ, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định, là con thứ tám của Ông Nguyễn Văn Việt và Bà họ Trần, quê ở Bà Điểm. Ông Phúc có ruộng đất và vườn trầu, thuộc gia đình trung nông. Ruộng ông cho mướn lấy lúa ăn, còn đất thì trồng trầu (độ vài thiên). Sống dưới ách áp bức bóc lột của bọn thực dân và tay sai, cho nên dù ông thuộc gia đình trung nông nhưng cuộc sống của ông bà cũng rất vất vả vì bọn thực dân Pháp luôn khủng bố vùng này. Khi bà Nguyễn Thị Tự lên 8 tuổi thì đã thấy bà ngoại mình đã bị mù rồi.

Bà có tất cả là 5 người con, chết yểu 1 – còn nuôi dạy 4 con:

- Thứ hai: Nguyễn Văn Lân (con người chồng trước).

- Thứ ba: Nguyễn Thị Sảnh.

- Thứ tư: Nguyễn Thị Tâm (tự Tư  Giã).

- Thứ năm: Chết nhỏ.

- Thứ sáu: Nguyễn Quốc Văn (tự Sáu Cua).

Sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gia đình ông bà sa sút. Con trai út là Nguyễn Quốc Văn làm nghề tài xế, cán chết thằng Tây, ông bà phải bán đất để chạy tù cho con.

Năm 1940 các con bà là Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Quốc Văn (Sáu Cua) tham gia Cách mạng và bị bắt trong khởi nghĩa Nam Kỳ, bà Lục thì mù lòa. Ông Phúc bị giời ăn. Buồn rầu con, cảnh nhà sa sút, bệnh ông ngày một nặng thêm rồi ông mất vào ngày 10/12/1941. Buồn mất ông, hai con bị tù nên khi mở cửa mả ông xong, bà ngủ rồi vĩnh viễn theo ông vào ngày 12/12/1941. Đám ma ông bà rất buồn thảm, vì sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa, địch tăng cường khủng bố, đã vậy, cò Bétail còn đến kiểm tra việc chôn cất ông bà xem có tụ tập làm gì không, nên đám ma ông bà không có quá 5 người đến dự. Mộ ông bà ở ấp Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhứt. Đất nầy thuộc của ông bà trước kia, nay mất hết giấy tờ nên thuộc đất làng. Hiện nay cháu ngoại của Bà là Nguyễn Thị Minh Tự xây mộ và cúng giỗ ông bà vào ngày 12/12 Âm lịch hằng năm.

2. Về gia đình anh em bà Nguyễn Thị Giã

Bà Nguyễn Thị Giã là con ông Nguyễn Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Lục. Bà có 1 anh cùng mẹ khác cha, một chị và 1 em trai út cùng một cha, một mẹ.

a. Ông Nguyễn Văn Lân – Sinh năm 1887 tại ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt, là anh cùng mẹ khác cha với bà Giã. Ông làm nghề thợ mộc, lập gia đình với bà Trần Thị Trọng. Ông bà có 9 người con, chết  nhỏ hết 3 còn lại 6 người.

Trong số 6 người con, ông có hai người con trai:

    * Người con trai thứ hai: Nguyễn Ngọc Huỳnh – Sinh năm 1916 lập gia đình với bà Ngụ quê ở Đồng Tháp. Ông bà có 1 con trai là Nguyễn Văn Đực theo cách mạng hy sinh lúc 19 tuổi, còn độc thân. Ông Huỳnh làm Cách mạng, bị lính Bảy Viễn bắn chết năm 1951.

    * Người con trai thứ sáu, (là con của ông với người vợ 2): Nguyễn Văn Bường – Sinh năm 1932 tham gia cách mạng từ nhỏ. Ông có 2 vợ .

· Vợ 1: Không rõ tên, có 1 con gái là Võ Thị Nghiêm hiện sống ở Thới Tứ, có chồng và 3 con.

· Vợ 2: Không rõ tên họ, có 1 con trai là Nguyễn Văn Hùng là công nhân hãng mì gói ở Gò Vấp, có vợ và 3 con.

b. Bà Nguyễn Thị Sảnh – Sinh năm 1889 tại ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt là chị thứ ba của bà Nguyễn Thị Tâm. Lúc 12 tuổi bà đã đi bán trầu cau ở Bà Điểm. Sau lớn lên bà có vựa trầu cau và trái cây ở chợ Cầu Ông Lãnh. Bà có 2 đời chồng.

Đời chồng 1: Ông Ngô Văn Hào người ở Mỹ Tho, làm tài xế. Ông bà có 1 con trai là Ngô Văn Kiệt. Khi ông Kiệt lên 3 tuổi thì ông bà không ở với nhau nữa.

Đời chồng 2: Ông Nguyễn Bá Phẩm – quê ở Xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930, là liên lạc viên cho xứ Ủy Nam Kỳ. Hai ông bà không con, cùng nuôi dạy ông Kiệt. 

Ông Kiệt làm giáo viên, có 2 đời vợ và 10 người con là: Ngô Xuân Hoàng – Ngô Xuân Kỳ – Ngô Xuân Điểu - Ngô Xuân Viễn – Ngô Trung Chương – Ngô Thị Trung Dung – Ngô Thị Trung Thiện – Ngô Trung Cang – Ngô Trung Tâm – Ngô Trung Chính. Trong số này, 4 người con đầu là con với đời vợ trước, những người còn lại là con với đời vợ sau.

Ông Ngô Xuân Hoàng tham gia Cách mạng từ khi là sinh viên học sinh. Ông có 2 vợ:

Đời vợ 1: Nguyễn Thị Cường có 3 con (1 gái, 2 trai), ông thoát ly làm Cách mạng, đã ly dị.

Đời vợ 2: Võ Bích Tuyết có 2 con (1 trai, 1 gái).

Hiện ông Hoàng về hưu và sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai người em ông Hoàng là Xuân Kỳ, Xuân Viễn định cư ở Mỹ. Hai ông Xuân Điểu, Xuân Chương đã chết do bệnh. Những người còn lại hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Sảnh mất năm 1980 – Ông Phẩm mất 1956.

c. Bà Nguyễn Thị Giã: sinh năm 1900 tại ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt, là con thứ tư của ông Nguyễn Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Lục. Năm 17 tuổi, bà được gả cho ông Nguyễn Thái Bình làm nghề hớt tóc, dạy võ, người cùng quê với bà. Ông và bà có 4 con, chết yểu hết 3, còn 1 con gái là Nguyễn Thị Khiêm. Khi ông mất bà về ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt ở với cha mẹ và giác ngộ tham gia cách mạng ở đó. 

Năm 1930 bà lập gia đình lần 2 với ông Nguyễn Đức Văn, quê ở làng Mưỡu Giáp, tỉnh Ninh Bình, là cán bộ xứ ủy Nam Kỳ và sinh thêm 1 con gái đặt tên là Nguyễn Thị Tự. Từ năm 1933 đến 1936 ông Văn bị bắt nhiều lần và đến năm 1936 thì bị trục xuất về Bắc và tham gia CM ngoài Bắc. Hai ông bà không gặp nhau nữa. Như vậy bà Nguyễn Thị Giã có tất cả 5 người con.

- Thứ 2: Nguyễn Thị Khiêm (con ông Nguyễn Thái Bình).

- Thứ 3: Nguyễn Thị Nhượng (con ông Nguyễn Thái Bình - chết nhỏ).

- Thứ 4:Nguyễn Thị Kỉnh (con ông Nguyễn Thái Bình - chết nhỏ).

- Thứ 5: Nguyễn Văn Cung ( con ông Nguyễn Thái Bình - chết nhỏ).

- Thứ 6: Nguyễn Thị Tự (còn gọi là Nguyễn Thị Minh Tự) (con ông Nguyễn Đức Văn).

Năm 1940, bà bị bắt trong cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và ra tù cuối năm 1943. Đến năm 1946 bà qua đời.

c. Ông Nguyễn Quốc Văn (tự sáu Cua) là em út của bà Nguyễn Thị Giã. Ông sanh năm 1902 ở ấp Tây Bắc Lân, làng Tân Thới Nhứt, làm nghề tài xế, sau mở tiệm bán mì, hủ tiếu. Ông có 2 đời vợ.

Đời vợ 1: Nguyễn Thị Phát quê ở làng Tân Thới Nhứt, có 5 con, chết 1 còn 4.

Các con của ông bà:

- Thứ hai: Thứ 2: Không rõ tên (chết nhỏ).

- Thứ 3: Nguyễn Thị Ngọc Anh: chồng là Nguyễn Văn Đờn – công nhân hỏa xa Sài Gòn thoát ly kháng chiến, năm 1946 vào bộ đội thuộc Chi Đội 12. Bà Ngọc Anh tham gia công  tác địch vận và bị mất tích khi đi công tác..

- Thứ 4: Nguyễn Văn Danh, năm 1949 là Phó trưởng ban Tuyên truyền Xung phong, hy sinh lúc 19 tuổi còn độc thân.

- Thứ 5: Nguyễn Văn Tánh: bị bắt đi lính chế độ cũ, nổ lựu đạn tự tử để chống bắt lính.

- Thứ 6: Nguyễn Văn Tiến: bị bắt đi lính chế độ cũ, đưa làm đào binh và chết . Ông có 1 con trai là Nguyễn Văn Phước, và 1 con gái là Trương Thị Hằng (họ mẹ).

Hiện 2 người con nầy ở nhà cô là Bà Nguyễn Minh Tự ở ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, Nguyễn Văn Phước chưa có nghề ổn định – có vợ rồi không ở với nhau nữa.

Bà Phát mất năm 1941 – Cách mạng Tháng 8 thành công, Ông Sáu Cua ra tù, đem các con về đoàn tụ. Ông lập gia đình lần 2 nhưng không có con. Ông hy sinh năm 1951. 

3. Về Bà Nguyễn Thị Tự (Nguyễn Thị Minh Tự)

Bà Nguyễn Thị Tự con gái bà Nguyễn Thị Giã và ông Nguyễn Đức Văn. Vì bà Nguyễn Thị Minh Khai ở nhà mẹ Bà Tự hội họp và làm việc nên rất thương và dùng chữ lót của bà lót cho tên bà Tự nên bà Tự có tên là Nguyễn Thị Minh Tự – một cái tên rất tự hào và rất dễ thương. Cha mẹ Minh Tự thoát ly làm cách mạng, Minh Tự được bà ngoại và cậu nuôi dạy và thương yêu hết mực. Lúc Minh Tự 8 tuổi mẹ bị bắt, Minh Tự cũng bị vào tù với mẹ ở bót Catinat gần 1 tháng, Cò Bazin dụ dỗ, để Minh Tự nhận diện cô Minh Khai qua hình nhưng Minh Tự một mực trả lời không biết. Bà có 1 chị và 3 em cùng cha khác mẹ ở miền Bắc và 1 chị cùng mẹ khác cha ở miền Nam. Khi mẹ mất, Minh Tự ở với Bà Sảnh, lớn lên Minh Tự theo Cậu Sáu Cua về Bà Điểm làm cách mạng. Khi bị bệnh sốt rét và bệnh phổi, dì Ba Sảnh rước Minh Tự về Sài Gòn chữa bệnh rồi sau đó bà Tự lấy chồng. Chồng bà là ông Phan Văn Hóa, công nhân nhà đèn Chợ Quán quê ở Mỹ Tho. Ông bị bắt quân dịch, đưa đi tập trung ở Quang Trung, sau đó đưa đi học sĩ quan ở Đà Lạt rồi giữ lại để dạy ở đó. Năm 1963, ông Hóa bị tai nạn máy bay chết. Ông bà có 6 con, 4 gái – 2 trai. Chồng chết, một mình bà nuôi dạy 6 con, cho ăn học, lập gia đình, có nghề nghiệp ổn định. Năm 1996, sau 33 năm góa bụa, Minh Tự lập gia đình lần 2 với ông Nguyễn An Định (con trai trưởng của ông Nguyễn An Ninh). Hiện ông bà ở ấp Hậu Lân xã Bà Điểm, hốt thuốc theo toa thuốc gia truyền tại nhà. Hiện tuổi bà Tự đã cao (72 tuổi). Chính bà Tự là người đứng ra lập bộ gia phả cho bà ngoại mình là bà Nguyễn Thị Lục.

II. ĐỊA DANH BÀ ĐIỂM – QUÊ HƯƠNG CỦA BÀ NGUYỄN THỊ LỤC

Qua tìm hiểu chị em Bà Nguyễn Thị Lục thì được biết sinh quán các bà ở làng Tân Thới Nhứt, nay là xã Bà Điểm, Hóc Môn. Riêng Bà Lục có chồng cũng ở cùng quê. Như vậy cho thấy quê hương bà Lục xưa là ấp Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhứt, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là ấp Tây Lân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo địa bạ Minh Mạng thì thôn Tân Thới Nhứt (còn gọi là Bà Điểm) là một trong 18 thôn vườn trầu, được hình thành cùng với sự hình thành của vùng đất Hóc Môn, cách nay 300 năm. Vào thế kỷ XVII, vùng nầy còn là khu rừng rậm đầy thú dữ, trong dân gian còn lưu truyền câu “Dữ như cọp vườn trầu”. Đa phần cư dân là những nông dân không chịu nổi hai cuộc chiến tranh của 2 tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn gây ra, hoặc vì nghèo đói cơ cực quá nên đành rời bỏ quê hương từ miền Bắc, miền Trung, tìm vùng đất mới để tạo dựng cuộc sống tự do. Họ đã phải lao động gian khổ, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ, ra sức khai hoang, trồng lúa và trồng hoa màu, rồi trồng cây ăn quả và đặc biệt là trồng trầu. Xưa có một bà già tên Điểm đến mở quán nước đầu tiên ở xã Tân Thới Nhứt nên gọi nơi nầy là Bà Điểm. Trầu cau Bà Điểm có tiếng ngon trong cả nước. Trầu thì lá nhỏ vàng tươi, còn cau thì dày, trắng và lớn ruột có mùi thơm ngọt đặc biệt, không chát.

Năm 1836, khi Minh Mạng lập địa bạ, thì xã Tân Thới Nhứt thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình. Năm 1867 thời thuộc Pháp thì vùng nầy thuộc về tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định. Từ năm 1970 đến nay xã Tân Thới Nhứt thuộc huyện Hóc Môn. Hiện nay xã Tân Thới Nhứt được tách ra làm 2 xã là xã Bà Điểm (thuộc huyện Hóc Môn) và phường Tân Thới Nhứt (Thuận Kiều) thuộc Quận 12 theo lằn ranh quốc lộ 22, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15km theo đường chim bay.

Bà Điểm có vị trí như sau:

- Phía Bắc giáp xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

- Phía Nam giáp xã Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.

- Phía Đông giáp phường Tân Thới Nhứt, Quận 12.

- Phía Tây giáp Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Toàn xã có diện tích 696 ha, gồm các ấp Trung Lân, Tiền Lân, Hậu Lân, Đông Lân, Nam Lân, Tây Bắc Lân. Về sau ấp Tây Bắc Lân được tách ra làm Tây Lân và Bắc Lân. Nhà bà Lục hiện nay ở số 45/6, tổ 15, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm. Cháu cố của bà (con bà Nguyễn Thị Khiêm) hiện đang ở tại đây.

III. LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA BÀ ĐIỂM VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

1. Lịch sử đấu tranh của nhân dân Bà Điểm

Bà Điểm không những nổi tiếng về trầu cau mà hơn một thế kỷ qua vẫn giữ được truyền thống đấu tranh chống áp bức bóc lột và chống ngoại xâm mạnh mẽ.

Từ khi thực dân Pháp kéo quân vào đánh chiếm thành Gia Định (1859) thì nhân dân Tân Thới Nhứt đã nổi dậy cùng đồng bào Gia Định cầm vũ khí đánh ngoại xâm. Sau trận Thuận Kiều, Trương Định kéo quân về trấn giữ vùng nầy và cùng nhân dân đánh Thực dân Pháp. Cũng từ Bà Điểm, Nguyễn Ảnh Thủ đánh đồn Thuận Kiều (1871). Năm 1882 Phan Công Hớn cùng Nguyễn Văn Quá chỉ huy nghĩa quân đốt phủ đường Hóc Môn, giết chết tên Đốc phủ Trần Tử Ca gian ác, bêu đầu lên cột lồng đèn.

Phong trào Thiên địa hội của Phan Xích Long, Hội kin của Nguyễn An Ninh đã thu hút hàng nghìn thanh niên Bà Điểm. Từ khi có Đảng, 31 hội viên Hội Kín Nguyễn An Ninh đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông dương dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đầu tiên do Phan Văn Đối  - người Bà Điểm, làm bí thư.

Trong cao trào 1930 – 1931, nhiều cuộc đấu tranh ở Bà Điểm nổ ra, đặc biệt tiếng trống và mỏ Nam Lân thúc giục hơn 30.000 đồng bào trương cờ đỏ búa liềm, tuần hành đến thị trấn Hóc Môn vào ngày 04/6/1930 làm cho giặc khiếp sợ.

Trong phong trào 1936 – 1939, nhiều hình thức đấu tranh công khai, bí mật, nửa công khai, nửa bí mật, nổ ra quyết liệt ở vùng này. Các ủy ban hành động mọc lên ở Bà Điểm, các hội ái hữu, tương tế, liên đoàn thợ của các ngành hoạt động công khai, báo chí cũng ra đời nhiều loại rất phong phú.

Xã Bà Điểm còn vinh dự đón 5 kỳ họp lịch sử của Trung ương tại ấp Tây Bắc Lân. Trong suốt thời gian họp, các đồng chí lãnh đạo của Đảng được nhân dân bảo vệ an toàn. Bà Điểm còn là quê hương của Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1940. Năm 1945 Cách mạng tháng 8 bùng nổ, nhân dân Bà Điểm vùng lên chiếm trụ sở xã rồi tiến về Sài Gòn – Gia Định dự cuộc mít tinh ngày 25/8/1945 lịch sử.

Khi cuộc kháng chiến Nam Bộ bắt đầu, nhân dân Bà Điểm lập ngay chi đội 12 (tiền thân của tiểu đoàn 306) mở đầu cho trận đánh Cầu Tham Lương, ngã ba Cây Thị (1950). 

Đến thời chống Mỹ, đồng bào tích cực đào hầm, nuôi giấu cán bộ, diệt ác, phá tề. Năm 1968, bộ đội chủ lực từ các địa đạo Bà Điểm, bất thần xuất kích cùng toàn miền Nam làm cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh,Tân Thới Nhứt là nơi tập trung tấn công sân bay Tân Sơn Nhứt. Từ 28/4/1975 nhân dân toàn xã chiếm các cơ quan, đồn bót, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay xã Bà Điểm là xã anh hùng, có 51 liệt sĩ, 16 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 118 thương binh, 127 gia đình có công cách mạng đã anh dũng kiên cường đấu tranh trong suốt hai thời kỳ kháng chiến. Hiện nay, nhân dân xã Bà Điểm đang sống với những niềm vui trước những đổi mới sau gần 30 giải phóng.

2. Sự đóng góp của họ Nguyễn qua 2 cuộc kháng chiến

Khi  Bà Nguyễn Thị Lục cùng các chị em Bà sinh ra và lớn lên ở Bà Điểm Hóc Môn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, toàn cỏi Nam Kỳ lục tỉnh đã thuộc Pháp. Gia đình bà Lục và các chị em bà là nạn nhân của sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và tay sai ở Bà Điểm. Thừa hưởng truyền thống yêu nước của nhân dân Bà Điểm, được Đảng giác ngộ và giáo dục nên gia đình bà Lục và các chị em bà đã nhận thức được kẻ thù và giáo dục con, tạo điều kiện cho con làm cách mạng.

Con của bà Nguyễn Thị Mây – chi thứ ba của bà Lục, là ông Mai Công Lư đã tham gia cách mạng rất sớm, làm bí thư xã Xuân Thới Thượng, nhà ở của ông là cơ sở cách mạng. Cháu ngoại bà Mây là Võ Thị Hồi là chiến sĩ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Hồi đã tặng đất để xã Tân Xuân cất nhà di tích nơi phát lệnh Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Các con bà Hồi đều tham gia cách mạng, đảm nhiệm nhiều công tác quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến và trong xây dựng xã nhà.

Con bà Nguyễn Thị Ái  - em thứ 9 của bà Lục là Trần Thị Lài ở Xuân Hòa, Bình Chánh đã nuôi giấu Cách mạng trong thời kỳ chống Pháp.

Ông Khâu Văn Quých, cháu nội bà Nguyễn Thị É - em thứ 10 của bà Lục - cũng đã tham gia cách mạng từ nhỏ, được trao tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Riêng gia đình Bà Nguyễn Thị Lục là cơ sở của Trung ương và Xứ ủy Nam Kỳ. Cả gia đình bà Lục có 4 con, trai, gái, dâu rể và các cháu đều tham gia cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Lân – con bà Lục - tham gia cách mạng từ năm1930, cùng thời với ông Phan Văn Đối (Bí thư đầu tiên của xã Tân Thới Nhứt). Ông làm công tác tuyên truyền, vận động đồng bào theo cách mạng chống Pháp. Ông luôn chuyển đổi nghề và chỗ ở khi bị theo dõi. Từ làm thợ mộc  ở Bà Điểm ông chuyển sang bán bánh bò ở Hóc Môn. Năm 1940 ông bị bắt trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhưng được con rể là Huỳnh Khắc Hạnh đi lính cho Pháp bảo lãnh nên được thả ra sớm. Ra tù ông về Bà Điểm tiếp tục làm cách mạng. Đến năm 1969 thì mất. Hai con trai ông là Nguyễn Ngọc Huỳnh và Nguyễn Văn Bừa cũng tham gia cách mạng. Ông Huỳnh chế dầu gió vừa bán để sinh sống vừa làm kinh tài cho cách mạng, bị lính của bảy Viễn bắn chết năm 1951. Ông có 1 con trai duy nhứt là Nguyễn Văn Đực theo cách mạng lúc 13 tuổi, năm 1969 hy sinh tại Đồng Tháp khi còn độc thân. Ông Nguyễn Văn Bừa bị bắt quân dịch đi lính ngụy nhưng làm công tác cách mạng. Bị địch phát hiện bắt nhốt  ở bót Hàng Keo, ông vượt ngục lên chiến khu tiếp tục làm Cách mạng cho đến ngày giải phóng. 

Bà Nguyễn Thị Sảnh là con Ông Phúc và bà Lục. Bà cùng chồng là Nguyễn Bá Phẩm là liên lạc viên của Trung ương và Xứ ủy. Nhà của Bà là nơi gặp gỡ của Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu trong những năm hoạt động trong Mặt trận Dân chủ và những năm hoạt động bí mật. Trong thời kỳ 1932 – 1944, bà đã bố trí chỗ ăn ở ngay trong nhà bà những cán bộ phụ trách các báo “Dân Chúng”, báo “Lepeuple”, “Lao Động” như Ông Bùi Khôn, Huỳnh Văn Thanh, Đinh Nho Khôi, Nguyễn Văn Trấn, Trần Huy Liệu. Bà thường bỏ công việc làm ăn, buôn bán, tổ chức thăm nuôi, đưa tin tức, tiếp tế quà bánh cho những đồng chí bị bắt giam ở bót Catinat, khám lớn Sài Gòn vào năm từ 1937 đến 1942. 

Bà Nguyễn Thị Tâm (Tư Giã) là con gái thứ tư của ông Phúc và bà Lục, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 1930. Từ năm 1930 – 1940 Bà Giã đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng. Bà là ủy viên Xứ ủy lâm thời Nam Kỳ, cùng với Võ Văn Tần xây dựng căn cứ cho Xứ ủy Nam Kỳ tại Bà Điềm. Nhà của Bà Giã là cơ sở liên lạc, hội họp, là nơi ăn, ở của cán bộ trung ương và xứ ủy như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Dương Bạch Mai, Lê Hồng Phong. Bà còn là Ủy viên Thành Ủy, hoạt động xây dựng cơ sở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Bà là một trong số những phụ nữ  ở Hóc Môn – Bà Điểm làm cho giặc phải nể sợ, như Bà Hai Sóc, Bà Nguyễn Thị Thử, Bà Trịnh Thị Miếng, Bà Tư Tháng, Bà Nguyễn Thị Lựu. Chồng bà là Nguyễn Đức Văn, Đảng viên đã được kết nạp từ 1930, là Bí thư Công hội Đỏ, Đảng ủy Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1930 – 1931. Từ 1932 – 1936 ông bị địch bắt nhiều lần, bị trục xuất về Bắc năm 1936, tiếp tục làm cách mạng ở miền Bắc cho đến ngày thống nhất đất nước. Từ năm 1936, ông bà không gặp nhau nữa.

 Năm 1940 bà Tư Giã cùng các đồng chí xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị cho Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì bị bắt cùng một lượt với ông Mười Đối. Bà bị đưa đi nhiều nhà tù như bót Catinat, bót Bình Đông, bót Signo, bót Giếng Nước. Bị tra tấn dã man nhưng Bà vẫn không khai, không nhận. Năm 1943, do không khai thác được gì nên chúng thả bà ra. Ra tù bà mang nhiều chứng bệnh ngặt nghèo vẫn phải lao động kiếm sống và tiếp tục hoạt động. Bà được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cứu chữa tận tình nhưng không qua khỏi. Bà qua đời năm 1946, được phong liệt sĩ.

Người hỗ trợ đắc lực cho Bà Tư Giã và cũng là người mất mát nhiều trong công tác cách mạng là ông Nguyễn Quốc Văn (tự Sáu Cua). Ông là con trai út của ông Phúc và bà Lục. Ông tham gia cách mạng với anh chị từ nhỏ, cũng giác ngộ cách mạng từ Hội Kín Nguyễn An Ninh. Từ khi có Đảng, ông vừa là liên lạc viên, vừa là người nuôi giấu cán bộ, bộ đội, cất giữ tài liệu của Đảng rất đáng được tin cậy. Năm 1940, ông cũng bị bắt trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ông bị tra khảo dã man vẫn không khai, không nhận và bị đày đi Bà Rá. Đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ông mới được giải phóng. Về nhà, cha mẹ chết, vợ chết, con nhỏ được hàng xóm nuôi. Ông phải gởi con nhỏ cho chị là bà Ba Sảnh nuôi dùm rồi trở về Bà Điểm, được hàng xóm cho đất cất tạm chỗ ở. Ông tiếp tục làm cách mạng đến năm 1952 thì hy sinh ở bờ ruộng sau ủy ban xã Xuân Thới Thượng, được phong liệt sĩ. Con gái ông là Nguyễn Thị Ngọc Anh cùng chồng cũng tham gia cách mạng và bà bị mất tích, chồng thoát ly tiếp tục làm cách mạng. Con trai ông là Nguyễn Văn Danh, Phó trưởng ban Thông tin tuyên truyền xung phong xã Bà Điểm, bị Tây bắn quăng xác xuống Cầu Xáng khi còn độc thân.

IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua hơn 1 thế kỷ sinh cơ lập nghiệp ở Bà Điểm, họ Nguyễn của bà Nguyễn Thị Lục đã sinh con cháu nối tiếp đến nay là đời thứ 6, đã hình thành được đặc điểm của dòng họ mình như sau:

Họ Nguyễn là những người nông dân, nhân dân lao động cần cù, dáng người thấp, khỏe mạnh, vui vẻ, chân thật, không ai rượu chè cờ bạc. Phụ nữ thì đẹp, một số giỏi võ, làm cách mạng thì gan dạ, mưu trí.

Ÿ Dòng họ không ai đỗ đạt khoa bảng, không ai tham gia chính quyền phong kiến hay thực dân tay sai và nhũng nhiễu nhân dân.

Ÿ Đa số tham gia Cách mạng với tinh thần cách mạng triệt để, quyết liệt, xả thân, dù bị tù đày hay hy sinh, mất mát vẫn lao tới không nhụt chí. Số còn lại là những người lao động tốt, một số ít bị bắt đi lính ngụy nhưng khi hòa bình thì chí thú làm ăn.

Đây là truyền thống tốt đẹp của dòng họ đáng được con cháu tự hào và phát huy.

Do chiến tranh liên tục, dòng họ ít quan hệ mật thiết nhau nên việc truy tìm dòng họ vẫn còn thiếu sót nhiều. Dù vậy, bộ gia phả nầy cũng giúp cho hậu duệ Bà Lục biết thêm được một số họ hàng thân quyến của dòng họ mình cùng những truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Với gia phả nầy, con cháu sẽ tự hào về công lao của dòng họ trong sự nghiệp cách mạng, đoàn kết nhau giúp nhau trong cuộc sống, có trách nhiệm tôn vinh các bậc tiền nhân họ tộc  và chăm lo bổ sung vào bộ gia phả các lớp con cháu đời sau.

Xin thành kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân, hiếu thảo, nguyện đời đời sống xứng đáng là con cháu họ Nguyễn của Bà Nguyễn Thị Lục ở Tây Bắc Lân, Bà Điểm.