Trang chủ > 016. Gia phả họ Huỳnh (ấp Nhơn Trị, Nhơn Thạnh Trung, Tân An & ấp Rạch Đào, Bình Phong Thạnh, Thủ Thừa, Long An)

016. Gia phả họ Huỳnh (ấp Nhơn Trị, Nhơn Thạnh Trung, Tân An & ấp Rạch Đào, Bình Phong Thạnh, Thủ Thừa, Long An)

14/08/2022 21:37:43

Gia phả họ Huỳnh ở ấp Nhơn Trị, xã Nhơn Thạnh Trung, TX Tân An & ấp Rạch Đào, xã Bình Phong Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2004.

LỜI GIỚI THIỆU

Như là một cơ duyên, chúng tôi có điều kiện gặp Nhóm Nghiên Cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh mà những người phụ trách nòng cốt như Võ Ngọc An, Nguyễn Thanh Bền v.v… đều là những đồng nghiệp, đồng chí thân hữu, là những người có tri thức và tâm huyết, đặc biệt là đối với sự nghiệp bảo vệ văn hóa dân tộc. Mục tiêu ban đầu của chúng tôi cùng với Nhóm là tập trung nghiên cứu biên soạn gia phả liên quan đến Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức.

Động cơ lúc đầu chúng tôi không phải chỉ mong làm rõ quan hệ huyết thống của mình với Đức Tiền quân như chúng tôi đã được nghe, được biết từ lâu mà còn muốn cố gắng góp phần làm rõ hơn tiểu sử, phả hệ dòng họ của một trong những danh nhân Nam bộ mà trong nhận thức lịch sử hiện tại vẫn còn một số điểm chưa thật sáng tỏ.

Trong quá trình thực hiện gần xong gia phả dòng họ Nguyễn Huỳnh ở Khánh Hậu, Tân An (tức liên quan trực tiếp phả hệ Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức), do nguồn tài liệu khá phong phú và xuất phát từ thực tế, Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả quyết định tiến hành xây dựng song song gia phả nhánh họ Huỳnh ở Bình Phong Thạnh (Thủ Thừa, Long An), là một nhánh họ tuy có cùng quan hệ huyết thống với nhánh họ Nguyễn Huỳnh, nhưng cũng là một tông chi lớn với nhiều nội dung tư liệu cần được dựng phả riêng.

Việc xây dựng gia phả dòng họ quả thật là một công việc hết sức khoa học và thiêng liêng.

Bản thân chúng tôi là người nghiên cứu, giảng dạy về sử học, về văn hóa dân tộc nên phần nào cũng hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc làm gia phả. Nhưng khi trực tiếp chủ động xây dựng bộ gia phả này, động cơ bên trong chúng tôi hình như không phải chỉ là những gì thuộc về lý trí. Thời chiến tranh những năm đầu thập kỷ 70 vừa qua, chúng tôi từng giữ một bộ gia phả (khái quát) do chính ông nội (Huỳnh Văn Chánh) ghi chép như là một kỷ vật thiêng liêng, nhưng sau đó nó bị đánh mất khi gởi lại tại chùa Khánh Hưng do Thượng tọa (sau này là Hòa thượng) Thích Pháp Lan (nguyên là học trò cũ của ông nội) làm trụ trì.

Bởi hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, sự ly tán của gia đình và dòng họ là nỗi đau đớn, là sự mất mát vô cùng. Chú tập kết ra Bắc, cha thoát ly tham gia kháng chiến, ngày ông nội, bà nội mất không có ai về! Lớp con cháu ít biết, thậm chí biết rất lơ mơ về bà con, dòng họ mình huống chi là biết gì về ông bà tổ tiên!… Làm gia phả này hình như là để phần nào bù lại những mất mát đó! Đấy là với quá khứ, đối với tương lai gia phả này còn mang ý nghĩa lớn lao hơn nhiều…

Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải ghi nhận công ơn của Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả, những người đã trực tiếp góp công sức, trí tuệ để thực hiện công trình này. Nhóm nghiên cứu rõ ràng đã mất khá nhiều công phu thu thập, xử lý tư liệu từ nhiều nguồn, đặc biệt là các tài liệu điền dã để biên soạn, chỉnh lý công trình nhiều lần trên cơ sở kinh nghiệm thực tế đã có ở các bộ gia phả đã thực hiện và đặc biệt là từ sự yêu nghề, từ tấm lòng mong muốn góp phần xây dựng ngành “Gia phả học” nước nhà và tâm huyết muốn xác lập dòng họ cũng là một bộ phận nền tảng liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…

Tất nhiên việc dựng phả cũng giống như viết sử, không thể làm một lần là đã xong. Chắc chắn vốn tư liệu đã có và đã được thể hiện chỉ là nền tảng ban đầu, cả nội dung và hình thức trình bày có thể còn được bổ sung, hoàn thiện dần trong thời gian tới. Và trước hết đó là trách nhiệm, là công việc chung của cả dòng họ, kể cả của những bà con cô bác vì lý do gì đó mà hiện chưa có tên tuổi, cần phải được tiếp tục ghi bổ sung vào gia phả.

Đặc biệt các lớp con cháu sau này càng phải hết sức lưu ý cố gắng góp phần giữ gìn thật tốt những gì đã có, tiếp tục bổ sung những gì chưa có hoặc còn thiếu sót để “cây gia phả” dòng họ ta ngày một sum xuê, bền vững, tươi tốt, trước hết là ở trong nhận thức và tình cảm đối với truyền thống gia đình, với tổ tiên, dân tộc. Đó cũng chính là một trong những điều mong mỏi lớn nhất mà những người tham gia thực hiện bộ gia phả này muốn ghi nhận và gởi gắm nơi đây.

Những ngày giáp Tết Ất Dậu

Ngày 25 tháng 01 năm 2005

Tiến sĩ HUỲNH QUỐC THẮNG

(Thay mặt cha: HUỲNH VĂN KHANH đã quá cố và được sự đồng ý của các cô chú: HUỲNH THỊ THOẠI, HUỲNH VĂN SỬ, HUỲNH NGỌC ĐƯỜNG, cùng các cô: HUỲNH THỊ THƠ, HUỲNH THỊ VÂN, HUỲNH THỊ LIÊNG, HUỲNH THỊ THỐNG và HUỲNH THỊ NGỌC HẢI).

 

PHẢ KÝ

Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Người ta ở đời càng lớn lên càng muốn biết rõ cội nguồn của mình, một thứ tình cảm thiêng liêng một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tâm linh. Biết rõ nguồn gốc tự hào về tổ tiên, đời sống tinh thần, tình cảm của chúng ta càng thêm ổn định trong hiện tại, đặt nền móng vững chắc hướng cho con cháu tin tưởng ở tương lai, dòng họ nối tiếp nhau giữ gìn tôn thống.

Họ Huỳnh nhà ta ở xã Nhơn Thạnh (nay thuộc huyện Tân Trụ), và Bình Phong Thạnh huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là Long An) là một họ lớn có mặt trên đất nầy từ ông tổ Huỳnh Thiên Đạt vào cuối thế kỷ thứ 18, tức cách nay trên 200 năm. Ông là vai em chú bác (phái nhì) với ông Huỳnh Công Đức tức Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (phái nhứt).

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo lời kể của ông Nguyễn Huỳnh Khai, 94 tuổi (hậu duệ đời VI của hệ Nguyễn Huỳnh) rằng: Vào khoảng năm 1963, sau khi cuộc chiến kéo dài tạm kết thúc, dòng họ ly tán nhiều nơi, ông có tìm đến nhà thăm người chú họ là đông y Huỳnh Văn Chánh, tức Huỳnh Tồn Tâm (hậu duệ đời V họ Huỳnh ở Thủ Thừa). Với tấm lòng muốn kết nối dòng họ và lưu truyền cho con cháu, ông rất mừng nhắc đến cội nguồn và bảo tôi ghi lại tóm tắt gia phả dòng họ bằng viết tay (bản này bác Tám Khai hiện còn lưu giữ) từ ông tổ Huỳnh Thiên Đạt (đời I) trở xuống. Và ông Chánh công nhận theo gia phả phía ông là phái Nhì, bà con chú bác với Đức Tiền Quân (đời I), phái Nhứt họ Nguyễn Huỳnh. Ông tổ của mỗi phái có công khai sáng dòng họ nối truyền ở đất Nam bộ cho đến nay.

Nhưng còn mối quan hệ giữa hai phái họ Huỳnh phái Nhì (Nhơn Thạnh) với phái Nhứt (Khánh Hậu) cụ thể là thế nào và bắt đầu từ đâu? Câu hỏi (cũng là nỗi băn khoăn) không chỉ ở hậu duệ của hai phái mà còn ở các chuyên viên gia phả.

Qua thời gian khảo sát tìm hiểu, đối chiếu các bộ tông chi có được, các chuyên viên gia phả được người trong họ cung cấp thêm được hai đời nữa tức là từ ông thuỷ tổ Huỳnh Quốc Tuấn (Tấn) làm quan Lại bộ Thượng thư thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) ở Thăng Long. Ông có hai người con trai là Huỳnh Công Châu và Huỳnh Công Thạch (Huỳnh Công Thạch không có ghi chép gì thêm). Riêng Huỳnh Công Châu hạ sanh hai người con trai là Huỳnh Công Lương và Huỳnh Công Tước (có chỗ ghi là Huỳnh Thiên Tước, Huỳnh Công Trước).

Ông Huỳnh Công Lương sanh ra các con là: Huỳnh Công Đức (có chỗ ghi Huỳnh Tường Đức, tức đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức sau này), Huỳnh Thị Ngọc và Huỳnh Thị Dung.

Ông Huỳnh Công Tước sanh ra mấy người con không rõ, chỉ biết có Huỳnh Thiên Đạt, sau là ông tổ phái Nhì ở Nhơn Thạnh. Con cháu trong họ còn nhắc: trước đây gia phả họ Huỳnh  đã có đem gởi ở chùa nhưng bị thất lạc.

Từ đây nỗi băn khoăn dai dẳng đã được giải tỏa. Đồng thời chính từ cơ sở này, thời đại mà các vị tiền bối của dòng họ đã sống, cách nay 7 đời (7 thế hệ) - nếu tính trung bình mỗi đời cách nhau khoảng từ 25 đến 30 năm. Chúng ta đã biết: ông Huỳnh Công Đức sanh năm Mậu Thìn 1748, thì ông Huỳnh Thiên Đạt cùng cấp, cùng thời là vai em chú bác có thể nhỏ hơn hàng chục tuổi, tức ông Huỳnh Thiên Đạt sanh khoảng năm từ 1756 đến 1760, vì ông có làm quan thời vua Lê Chiêu Thống (1786-1788). Do chán ghét chiến tranh tương tàn và nhà vua chạy sang Tàu, ông Huỳnh Thiên Đạt mới vào phương Nam, cuối cùng định cư tại làng Nhơn Thạnh, tổng Thuận Đạo huyện Thuận An, phủ Tân Bình lúc bấy giờ vào khoảng năm 1790, lúc đó ông chừng 30 tuổi.

Không rõ khi vào Phương Nam, ông đi với ai, có cùng đi với bà từ ngoài vào, hay bà người quê trong này, gia phả cũ và cả truyền khẩu trong con cháu cũng không ai biết rõ.

Ông bà hạ sanh 8 người con gồm có 5 người con trai và 3 người con gái:

- Thứ hai: Trưởng nữ, (chết nhỏ)

- Thứ ba: chết nhỏ (nữ)

- Thứ tư: Huỳnh Duy Tòng (Nhu) khoảng 1796

- Thứ năm: Huỳnh Công Đoản khoảng 1798 

- Thứ sáu: Huỳnh Thiện Tâm khoảng 1800

- Thứ bảy: Huỳnh Thái San khoảng 1802

- Thứ tám: Huỳnh Thái Bảo khoảng 1804

- Thứ chín: Quý nữ Huỳnh Thị (không biết tên)

Trong 5 người con trai kể trên, chỉ biết được hai con cháu của hai người là ông thứ tư: Huỳnh Duy Tòng (chi thứ nhứt) và ông thứ Tám Huỳnh Thái Bảo (chi thứ năm).

Về chi ông Huỳnh Duy Tòng (Nhu) cùng bà Lợi hạ sanh các con: Huỳnh Duy Thanh tự Ngạn. Ông Ngạn cùng bà Tòng hạ sanh các con: Huỳnh Duy Đồ, làm cai tổng An Ninh Hạ, Huỳnh Duy Thông tự Nhựt, làm tiên bái, Huỳnh Khắc Minh tự Hùng làm cai tổng An Ninh Hạ.

Ông Huỳnh Duy Thông (Nhựt) sanh ra ông Huỳnh Hữu Phùng tự Tường làm tri huyện Tân Định. Ông Huỳnh Khắc Minh (Hùng) có các con: Huỳnh Khắc Ngưu làm hương chánh, Huỳnh Khắc Y làm hương cả, Huỳnh Khắc Chỉ làm hương quản, Huỳnh Khắc Khai (tú tài), Huỳnh Khắc Sắc (điền chủ).

Thật là một gia đình giàu có, danh giá và thành đạt thời bấy giờ.

Về chi ông Huỳnh Thái Bảo: ông Huỳnh Thái Bảo làm bố chánh Định Tường, là chức quan to nhất trong họ Huỳnh ở Nhơn Thạnh. Ông bà hạ sanh 3 người con trai: Huỳnh Văn Khuê, Huỳnh Văn Siêu và Huỳnh Văn Đảnh đều khá giả.

Ông Huỳnh Văn Khuê có một người con trai là Huỳnh Hữu Lực làm hương cả làng Hướng Thọ Phú. Ông Huỳnh Văn Siêu có 2 người con trai là: Huỳnh Văn Sửu và Huỳnh Tỉnh Phi tự Ty (tức ông cố của tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng), và một người con gái lớn là Huỳnh Thị Đẩu (tức bà cố của tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm).

Con cháu nhánh này cũng rất danh giá và thành đạt, có chiều hướng phát triển theo ngành y, ngành giáo và nối truyền nghiệp võ thuật ông bà.

Do sự sắp đặt hay có cái duyên may tự nhiên, ông Huỳnh Duy Nhu, chi trưởng định cư ở Nhơn Thạnh (nay thuộc huyện Tân Trụ), ông Huỳnh Thái Bảo, chi út ở Bình Phong Thạnh (nay thuộc huyện Thủ Thừa), hai nơi cách nhau, qua đường quốc lộ 4 (người Pháp mở sau này) mà vẫn thường xuyên lui tới, giúp đỡ nhau. Nơi đây thuộc tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An vốn là vùng đất hoang vu. Những bậc tiền hiền của dòng họ đến đây lập nghiệp có sức lao động khai phá rừng rậm, chống được thú dữ đã mở mang được nhiều ruộng đất, có điền sản tạo uy thế trong vùng, sanh con đẻ cháu đến hàng ngàn người. Nhiều người làm hương chức hội tề, một số người trong họ nối tiếp nhau làm cai tổng An Ninh Hạ, và tri huyện Tân Định (ông Huỳnh Hữu Phùng). Chi thứ nhứt có nhiều điền sản, như điền chủ Huỳnh Khắc Sắc có hàng trăm mẫu ruộng giàu có nhứt vùng. Chi thứ năm lại chú trọng ngành y, ngành giáo và võ thuật và có nhiều con cháu tham gia cách mạng. Ông út Huỳnh Tĩnh Phi thu tóm cả tinh hoa này: danh sư, danh y và còn là thầy dạy võ nổi tiếng khắp vùng.

Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ thuận lợi, gia tộc họ Huỳnh nhà ta cũng gặp gia biên, chìm nổi thăng trầm.

Theo lời ông Bảy Huỳnh Văn Dùng kể lại, ông nội của ông lúc sinh thời thường hay uống rượu. Có người xấu lợi dụng lúc ông say đã lén làm sẵn giấy tờ sang nhượng đất đưa cho ký. Nên bao nhiêu ruộng đất bị sang đoạt hết, chỉ còn lại mảnh vườn cạnh miếng đất biền mà còn bị người ta làm khó dễ. Từ bài học xương máu này, ông Bảy nguyện với lòng không bao giờ uống rượu.

Buồn tình đời tráo trở và cảnh nhà sa sút, sau khi thân phụ qua đời, ông Huỳnh Văn Sửu cùng với người em út là ông Huỳnh Văn Tỵ bỏ quê nhà theo người chị thứ chín có chồng là hương cả Thiệu ở xóm Cầu Ông Cửu, ấp Bình Lương Đông, xã Bình Phong Thạnh, huyện Thủ Thừa. Quyết tâm định cư nơi vùng đất mới, với hai bàn tay trắng, có sự giúp sức về vật chất tinh thần của chị lúc ban đầu, hai ông “bần nông” cố công làm thuê vừa nuôi sống gia đình, phần dành dụm mua đất hoang ra sức khai phá, lần hồi cũng có vườn ruộng cửa nhà đàng hoàng. Dù đời sống có khó khăn vất vả đến đâu, hai ông vẫn nương tựa nhau, giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình lành cho sạch, rách cho thơm, và luôn dạy con cháu lấy chữ: “Trung, Hiếu, Nhơn, Nghĩa” làm trọng, vẫn giữ lòng yêu nước, căm thù giặc, chống áp bức bất công.

Thừa hưởng truyền thống ông bà, suốt hai thời kỳ kháng Pháp chống Mỹ, cũng như nhiều người trong dòng họ, nhà ông Bảy Dùng là cơ sở quan trọng của các cán bộ huyện Thủ Thừa. Bản thân ông bà Bảy và các người con đều tham gia và đóng góp tích cực với cách mạng. Ông bà Bảy đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (ảnh).

Cách cư xử trong các gia đình họ Huỳnh cũng rất đẹp, đáng là bài học cho con cháu về sự thương yêu đùm bọc nhau. Ông Bảy Dùng được tất cả chị em trong nhà tín nhiệm giao toàn bộ phần đất vườn của ông bà để lo việc thờ phụng ông bà. Nhà thờ nay đã được con cháu xây dựng lại rất khang trang. Cánh bên ông Út, chú Sáu Sử cũng được các anh chị em ủy nhiệm giữ nhà thờ Tổ để làm nơi thờ phụng ông bà. Đến ngày giỗ chạp, con cháu khắp nơi tề tựu về đông đủ, chung lo cúng giỗ tưởng nhớ ông bà, càng thắt chặt thêm tình ruột thịt.

Nhánh ông Huỳnh Văn Siêu có đông con cháu tham gia kháng chiến, nhiều người ở vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều người đỗ đạt cao được nhà nước trọng dụng. Về cháu nội cố có bà Huỳnh Thị Thơ, cán bộ cao cấp là vợ đồng chí Võ Trần Chí, nguyên uỷ viên Bộ Chánh trị Trung ương Đảng. Cháu ngoại cố có tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm, nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM đã có những công trình khoa học cấp Nhà nước, và người em gái là Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên đại biểu quốc hội, hiện là giám đốc Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn - một thương hiệu có uy tín nhiều năm. 

Lớp cháu sơ có ông Lê Thành Tâm hiện là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Long An, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng hiện là hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật TP.HCM, và võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, môn võ thuật dân tộc có tiếng ở TP.HCM.

Ông Huỳnh Văn Sử, cháu nội ông Huỳnh Tĩnh Phi (tự Ty) kể về ông nội mình như sau: ông nội là con út nên được học hành giỏi giang. Sau thời gian ổn định ở vùng đất mới Bình Phong Thạnh này, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, nhứt là nỗi buồn khi mất đi người hiền thê rất sớm, lúc bà mới 26 tuổi, để lại cho ông hai người con nhỏ là Huỳnh Tồn Tâm mới 6 tuổi và Huỳnh Thị Cơ mới 3 tuổi. Cám cảnh gà trống nuôi con ông mới đặt thơ nói lên tình cảnh của mình:

Cảm thương vợ mất chồng còn

Manh quần tấm áo hai con đoạn trường

Khó khăn chồng chất khó khăn. Cuộc sống vất vả ở đây vẫn không buông tha, ông phải đau lòng tạm lìa xa quê hương Bình Phong Thạnh, tay xách nách mang tìm đến xứ Tân Hòa, Nhơn Ninh, Thiên Hộ làm nghề dạy học nuôi con. Nơi xứ lạ quê người, chỉ sau một thời gian, đức độ tài năng của thầy giáo Út đã được đồng bào cảm mến, quý trọng. Trong số đó có một phụ nữ là bà Lê Thị Cửu đem lòng thương yêu và chấp nhận gá nghĩa với ông, giúp nuôi hai con thơ của ông để ông rảnh tay chuyên lo dạy học. Bà chăm sóc nuôi dưỡng, thương yêu con chồng như con đẻ, nên hai người con cũng rất yêu mến và gọi bà bằng mợ (mẹ). Không ở đâu bằng quê nhà. Khoảng mấy năm sau, khi các con đã lớn và cuộc sống đã đỡ, ông bà bàn nhau trở về Bình Phong Thạnh khôi phục lại cơ nghiệp.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí - Lục tỉnh Nam Việt (tập thượng), đất Thủ Thừa ngày xưa thuộc tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An, phủ Tân Bình. Năm Gia Long thứ 7 (1808), huyện Tân Bình thăng làm phủ Tân Bình đặt hai viên Đông Phủ Thừa và Tây Phủ Thừa cai quản gồm 4 huyện: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận An. Năm Gia Long thứ 12 (1813) bỏ chức phủ thừa đặt chức tri huyện. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đặt chức tri phủ kiêm lỵ huyện Tân Long lấy huyện Bình Dương làm thống hạt. Năm Minh mạng thứ 14 (1833) đổi đem huyện Bình Dương làm kiêm lỵ, huyện Tân Long làm thống hạt; hai huyện Phước Lộc, Thuận An đổi thuộc phủ Tân An.

Thời Pháp thuộc, huyện Thủ Thừa thuộc tỉnh Tân An. Đến thời Ngô Đình Diệm (1959) hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn sáp nhập thành tỉnh Long An đến ngày nay. Thủ Thừa là một trong 12 huyện thị của tỉnh Long An, Đông giáp huyện Bến Lức, Tây giáp huyện Thạnh Hóa, Bắc giáp huyện Đức Huệ, Nam giáp thị xã Tân An, diện tích 299,5 km2, dân số 84.600 người.

Ở vị trí giáp trung tâm kinh tế, văn hoá của tỉnh (thị xã Tân An), lại có đường huyết mạch quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) đi ngang từ Sài Gòn, TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thủ Thừa là một trong những vùng tiếp nhận sớm những chuyển động kinh tế, chánh trị văn hóa của thành phố Sài Gòn và các tỉnh; đồng thời cũng là cửa ngõ vào thành phố nên suốt hai thời kỳ, Pháp Mỹ luôn quan tâm, chốt chặn vùng này để bảo vệ thủ đô Sài Gòn của chúng.

Với dải đất hẹp (diện tích bằng 1/2 huyện Đức Hoà, Đức Huệ), có sông Vàm Cỏ Tây chạy dọc hướng Tây, quốc lộ 1 cắt ngang hướng Nam, ta có thể hình dung được sự o ép kềm kẹp của địch; đồng thời cũng hiểu được sự đấu tranh kiên cường của nhân dân Thủ Thừa nói chung, Bình Phong Thạnh nói riêng để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ sở cách mạng gồm cán bộ lãnh đạo huyện Thủ Thừa (nhiều người sau làm ở cấp tỉnh Long An và ở Trung ương), trong đó có gia đình chí cốt cách mạng là gia đình ông Bảy Dùng tiêu biểu cho sự hy sinh và cống hiến.

ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

Họ Huỳnh nhà ta là họ lớn, một trong những họ có công khai phá lập nghiệp lâu đời ở làng Nhơn Thạnh, tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An, phủ Tân Bình (nay là huyện Tân Trụ) và xã Bình Phong Thạnh, huyện Thủ Thừa tỉnh Long An. Là dòng họ danh giá có nhiều người làm quan qua các thời kỳ, lớn nhất là Bố Chánh (Định Tường).

Đối với dân, dù khi là “phụ mẫu chi dân” những người họ Huỳnh vẫn không tỏ ra có quyền thế hiếp đáp dân, mà trái lại rất thương dân, nên được dân quý trọng thương mến. Nghề dạy học, nghề thầy thuốc nhằm mở mang trí hóa, trị bệnh cứu người, nhứt là nghề dạy võ nhằm để chống bất công, áp bức cũng là một việc làm nhân đạo thời bấy giờ, còn là nét tự tôn dân tộc, rèn luyện thể lực và bản lĩnh lớp trẻ cho sự nghiệp mai sau.

Đối với gia tộc luôn giữ nghiêm nề nếp gia phong, danh giá dòng họ. Ông bà cha mẹ luôn răn dạy con cháu và nêu gương sáng về: Trung, Hiếu, Nhơn, Nghĩa cho lớp con cháu nối truyền. Con cháu ông Huỳnh Văn Sửu và ông Huỳnh Tĩnh Phi có nhiều người tham gia cách mạng suốt hai thời kỳ, chịu cảnh tan cửa nát nhà, có người đã hy sinh anh dũng. Đó cũng là thể hiện truyền thống Trung, Nghĩa của gia tộc, trách nhiệm với nhân dân.

Tha thiết yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với đồng bào mình cũng là đặc điểm nổi bật của họ Huỳnh ta. Vốn thừa hưởng truyền thống hiếu học, với tư chất thông minh nhiều con cháu họ Huỳnh cố công học tập, học thật giỏi để phụng sự xã hội nhân dân. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm có may mắn được Nhà nước cho đi học nước ngoài đã dày công nghiên cứu thành công 13 công trình khoa sinh học (thông thường thi tốt nghiệp chỉ cần 3, 4 công trình) thiết thực phục vụ sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi nước nhà. Lúc làm phó giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM ông Tìm đã mạnh dạng đề xuất tiến hành cải tiến, đổi mới hoạt động của ngành thành công có ý nghĩa lớn. Đến nay nhiều chủ trương, đề án của ông còn đang thực hiện ở ngành này.

Nay tuy đã về hưu, ông vẫn được nhiều nghiên cứu sinh mời làm giáo sư hướng dẫn, giáo sư phản biện nhiều đề tài luận án khoa học. Hiện nay ông là một trong những nhà khoa học có uy tín ở TP.HCM và cả nước.

Từ hơn hai thế kỷ qua, trải suốt 7 thế hệ, từ ông Tổ Huỳnh Thiên Đạt nối truyền về sau, tùy hoàn cảnh lịch sử của đất nước, giai đoạn nào những con cháu các đời của họ Huỳnh đều có xuất hiện những người nổi trội, càng về sau phạm vi phát triển càng toàn diện, rộng rãi hơn. Chứng tỏ truyền thống dòng họ chẳng những được lưu truyền mà còn phát triển. Dòng máu của tổ tiên ông bà vẫn còn trong huyết quản của mấy ngàn con cháu, dù ở đâu, trong nước hay ở nước ngoài, dù đang ở địa vị lãnh vực nào của xã hội, khi nhắc đến tổ tiên họ Huỳnh con cháu vô cùng biết ơn và tự hào về nguồn cội và coi đây như một gia tài vô giá mà ai cũng có trách nhiệm gìn giữ và phát huy.