079. Gia phả họ Tống Phước, phường Kim Long, TP Huế
21/08/2022 19:38:23Gia phả họ Tống Phước, phường Kim Long, TP Huế được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2010.
LỜI TỰA
Tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra trận thiên tai bão lụt ngày 28 và 29 tháng 9 năm 2009, Phủ Quy Quốc Công của dòng họ Tống Phước là một trong những nơi chịu hậu quả của cơn bão đi qua làm hư hại nặng. Con cháu vô cùng bàng hoàng, lo lắng, ai cũng ngậm ngùi đau xót khi nhìn thấy nơi thờ tự Tổ Tiên xiêu vẹo, đổ nát. Nhìn lại, thực lực của tất cả con cháu nội đều khó khăn như nhau, vừa gấp rút tự khắc phục nhà ở của mình sau cơn bão, vừa phải tính đến việc góp sức chung vai sửa chữa lại nhà thờ vì không thể để nhà thờ Tiên Tổ nằm phơi trong mưa gió như thế mãi được.
Tâm lý lúc ấy, ai cũng chỉ đưa mắt nhìn, âm thầm xót xa và thấy rõ sự bất lực của mình. Con cháu trai trong phái chỉ còn vỏn vẹn mười chín người, tình cảnh kinh tế gia đình nhìn chung là lao động bình thường, thu nhập cũng chỉ ở mức đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Phủ Quy Quốc Công, một công trình có giá trị di sản gia bảo của dòng họ và có tầm vóc di tích lịch sử trong quần thể di tích tại làng Kim Long- Huế, muốn gấp rút trùng tu lại liệu phải làm gì cho phải lẽ ?
Trước sự sụp đổ như vậy, lòng hiếu hảo thúc thôi, cháu con đã được triệu tập để họp bàn, nhưng qua đóng góp bước đầu của con cháu nội không được bao nhiêu so với yêu cầu của việc sửa sang. Cuối cùng, những lá thư ngõ của đại diện phái II kêu gọi lòng hảo tâm của tất cả con cháu nội ngoại gần xa được gửi đi. Cây có cội nước có nguồn, người có tổ tông, đạo lý ấy vẫn chảy mãi và ấm lên trong con cháu nội ngoại dòng họ Tống Phước. Nửa tháng sau, số tiền công đức cúng hiến đã lên đến 30.000.000 đồng, công việc trùng tu nhanh chóng được tiến hành và kế hoạch trước tiên làm từ mái xuống để khống chế chuyện nắng mưa, phần dưới làm sau, tài chánh cạn kiệt thì tạm ngưng.
Phước và duyên ông bà đã để lại, sĩ diện và thể thống gia phong chưa phải nhạt mờ, Phan Thị Phương Thảo cô cháu ngoại từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm và kịp ngộ ra rằng thế phiệt trâm anh tiên tổ gầy dựng, việc tô bồi là của cháu con nội cũng như ngoại. Vì danh tiếng ấy chẳng riêng dành cho cháu nội mà cháu ngoại từ lâu vẫn có, cô cháu ngoại Phương Thảo phát tâm cúng hiến đại trùng tu, nỗi lo được thay vào đó lòng hồ hởi tiếp tục đóng góp hướng về công đức Tổ Tiên.
Uy linh Tiên tổ, phủ Quy Quốc Công rực rỡ, sáng ngời, văn hóa dòng họ đúng tầm thời đại là việc phải làm để danh phận cháu con không thể thành mai một!
Một gia bảo thứ hai là 17 sắc phong và chiếu chỉ các vua Triều Nguyễn phong tặng cho các ông bà gần 190 năm lưu truyền gìn giữ, tuy nhiên thời gian đã làm hư nát, cô cháu ngoại Phương Thảo đã xin phép gia tộc và khấn xin tổ tiên mang về nhờ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả thành phố Hồ Chí Minh tu bồi lại.
Phủ Chúa đã tu sửa , sắc phong đã phục chế nhưng bộ gia phả còn lắm đơn sơ, chưa thể hiện đúng phong thái của dòng họ nhà, Phương Thảo xin được thay quý cậu, thay anh em họ Tống dựng lại.
Ngày 04 tháng 11 năm 2010, trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Chi hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh được mời về Kim Long cùng gia tộc tiến hành dựng gia phả. Dù những ngày cuối năm mưa lạnh, nhưng dựng gia phả là việc làm đầy thiêng liêng, chú cháu
chúng tôi: Tống Phước Hàm, Tống Phước Chuân, Tống Phước Đạt cùng tổ công tác đã đến từng nhà, đội mưa đến từng ngôi mộ ông bà ghi nhận các thông tin và hình ảnh làm dữ liệu lưu lại cho con cháu trong gia phả. Những di chỉ ghi bằng chữ Hán –Nôm xưa không đọc được nay tổ chuyên môn cũng đã giúp ta hiểu rõ hơn nhiều chi tiết về ông bà xưa nay có nhầm lẫn và đã đưa vào gia phả.
Gia phả là hình ảnh Tổ tiên và con cháu nhiều đời, trong đó nền nếp gia phong bằng lời văn, bằng hình ảnh được hệ thống một cách chính xác theo thế thứ và thể hiện mối quan hệ huyết thống. Thiết nghĩ rất quý báu đối với gia tộc khi nhân vật, sự kiện qua thời gian xóa mất đi dấu tích. Do vậy trước khi in thành bản chính thức, tổ thực hiện đã trình gia tộc kiểm tra, ngày 23 tháng 3 năm 2011 tổ thực hiện đã đến khu mộ Tổ ở Long Hồ để lấy thông tin từng bia mộ và bổ sung rất kỷ, chỉ còn một số anh em con cháu vì cuộc sống lưu lạc không đưa hết chi tiết được, hy vọng có ngày nhờ ân đức Tổ tiên dẫn dắt tìm về sẽ tục biên đầy đủ. Trong khuôn khổ cho phép có thể còn vài thông tin chưa ghi chép kịp, đó là khách quan vì dòng họ ta quá to lớn, thanh thế và di tích quá nhiều khó đưa hết vào gia phả.
Từ Thủy Tổ đến đời cuối cùng dòng họ ta có 13 đời, mặc dù nguồn gốc cao hơn chưa có điều kiện kết nối nhưng chúng ta đã hài lòng với bộ gia phả nầy, Đây là bộ Gia phả phong phú nhất của dòng họ ta bằng chữ quốc ngữ hậu sanh ai cũng đọc được, con cháu sau nầy căn cứ vào đây mà đón nhận ruột thịt nội và ngoại của mình. Hãy đem những vinh quang, phong cách truyền thống nầy hòa hợp vào thời đại mới, rao truyền đời đời cho cháu con thấy được đạo lý và nhân cách của chúng ta. Tổ tiên đã cho chúng điều vô cùng hãnh diện ta phải biết giữ gìn và sống làm người xứng đáng.
Bộ gia phả nầy có cấu trúc hoàn chỉnh đủ các yêu cầu, ngoài việc sử dụng trong gia tộc, các cơ quan khoa học có thể tham khảo.
Thay mặt Phái II họ Tống Phước xin cám ơn Trung tâm NC&THGP Tp.HCM đã giúp chúng tôi có được một di sản mới cho dòng họ. Cám ơn tất cả con cháu nội ngoại đã có lòng hiếu thảo với ông bà, nhất là cô Phương Mai và cháu Phương Thảo đã cúng hiến, gánh vác hơn 80% việc hiếu nghĩa thay con cháu nội, Phái II xin vinh danh tấm lòng hiếu thảo ấy, con cháu đời sau ghi nhớ công đức và noi gương.
Ngưỡng nguyện ơn trên phò hộ cho tất cả được an khang, phước tổ trãi đều với mọi cháu con.
Kim Long, ngày 24 tháng 3 năm 2011
(20 tháng 2 năm Tân Mão)
Đại diện Phái II – Họ Tống Phước
Tống Phước Hàm
PHẢ KÝ
Nước có sử - Nhà có phả.
Tìm hiểu lịch sử là tìm hiểu sự phát triển của dân tộc, của đất nước qua các thời kỳ với những bước thăng trầm, thịnh suy để qua đó hiểu được văn hóa, truyền thống gắn liền với dân tộc ta, đất nước ta trên đường phát triển.
Đi tìm nguồn gốc dòng họ là tìm hiểu và khẳng định sự tồn tại, sự phát triển của dòng họ, của các đời, gắn với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, của đất nước trong những giai đoạn lịch sử. Đây là trách nhiệm của con cháu nhằm hiểu rõ ông bà tổ tiên, xác định tổ quán và biết được dòng họ mình phát triển ra sao, có những biến động gì, có vị trí gì trong xã hội, trong làng xóm.
Công việc tìm hiểu, nghiên cứu về sự phát triển và truyền thống dòng họ, tức chép sử dòng họ, được gọi là dựng Gia phả. Đây là công việc mang tính văn hóa, khoa học và rất thiêng liêng. Ghi chép về sự phát triển của dòng họ không thể bỏ qua việc ghi chép kỹ càng các mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân giữa dòng họ này với các dòng họ khác; quan hệ văn hóa truyền thống của dòng họ với làng xóm, địa phương; thông qua đó thấy được truyền thống lao động, truyền thống yêu nước của họ tộc.
NGUỒN GỐC DÒNG HỌ
Tổ quán là nơi các vị Tổ tiên của dòng họ khai cơ lập làng, hoặc từ nơi khác đến lập nghiệp, sinh sống lâu đờì và truyền đến các đời sau. Tổ tiên các đời trước của họ Tống Phước cư ngụ ở làng Bùi Xá tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, (nay là huyện Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều anh hùng kiệt xuất, nhiều nhà văn hóa lỗi lạc và là nơi xuất phát của những cuộc di dân đi về phương Nam, qua các triều đại.
Ngài Tống Phước Triều Đô Hầu đưa gia quyến vào Đàng Trong vào khoảng năm 1660, dưới triều đại chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), nhận tịch tại làng Kim Long, phủ Thừa Thiên Huế (phường Kim Long thành phố Huế hiện nay). Lúc đó làng Kim Long đã có 11 họ từ miền ngoài đến ở và khai tịch. Họ Tống Phước là họ cuối cùng trong danh sách tiền hiền và hậu hiền. Hậu duệ họ Tống Phước các đời sau sinh sống tại Kim Long đến nay đã trên hai trăm năm, nên Kim Long là tổ quán của họ Tống Phước và ông Tống Phước Triều là Thủy tổ.
Dòng họ Tống Phước ở đất Thanh Hóa là một dòng tộc nhiều đời làm quan võ, thanh thế to lớn, con cháu nhiều thế hệ giữ vững nếp nhà “Gái trâm anh, trai tuấn kiệt”. Do vậy, họ Tống Phước di dân vào Đàng Trong vẫn mang theo tính cách dòng họ, vừa là quốc thích vừa là hoàng thân, không những một nhà mà nhiều nhà với các bà họ Tống đài các trở thành hoàng hậu, phi tần, làm thông gia với hoàng tộc thời nhà Lê, nhà Nguyễn; các ông họ Tống Phước tài hoa nên nhiều người là phò mã, quận công, làm quan võ theo chúa Nguyễn đánh Đông, dẹp Bắc.
Ngược dòng thời gian, khoảng năm 1650, dưới triều chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần khi phủ chúa còn tại làng Kim Long. Chúa Nguyễn Phúc Tần có hai bà vợ chính, một người họ Chu sinh được hai trai một gái là Phúc quận công Nguyễn Phúc Diễn, Hiệp quận công Nguyễn Phúc Thuần và một gái là công chúa Ngọc Tào. Bà họ Tống, quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hoá là con gái của Thiếu phó Tống Phúc Khang, người cùng quê với chúa Nguyễn. Bà này sinh được hai con trai, Nguyễn Phúc Thái là con thứ hai. Vào thời điểm nầy, họ Tống Phước từ Tống Sơn có điều kiện tốt di dân vào đất kinh thành.
Khi người con cả là Nguyễn Phúc Diễn mất, Nguyễn Phúc Tần cho rằng Nguyễn Phúc Thái tuy là con bà hai song lớn tuổi lại hiền đức nên phong làm Tả thủy dinh phó tướng Hoằng Ân Hầu, làm phủ đệ tại dinh Tả thủ. Khi Nguyễn Phúc Tần mất, Nguyễn Phúc Thái đã 39 tuổi được nối ngôi chúa.
Chúa Nguyễn Phúc Thái là cháu bên ngoại của dòng Tống Phước, là người rộng rãi, khoan dung; trong cải tổ hệ thống quan chức cai trị có giảm nhẹ hình phạt, khoan thư thuế khóa và lưu ý xem xét trọng dụng quan lại cũ. Trăm họ đều vui mừng. Đây cũng là một điều phúc cho họ Tống Phước ta.
Năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái dời dinh của các chúa Nguyễn từ Kim Long vào làng Phú Xuân, nơi này trở thành Kinh Đô của triều Nguyễn và được gọi là Chính dinh. Chỗ phủ cũ ở làng Kim Long (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) trở thành Thái Tông miếu, thờ chúa Hiền.
Chúa Nguyễn Phúc Thái mất năm 1691, thọ 43 tuổi.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT KIM LONG - TỔ QUÁN HỌ TỐNG PHƯỚC
Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, vùng đất Phú Xuân, Huế (phần đô hội của xứ Thuận Quảng) có vị trí khá quan trọng. Theo các tư liệu xưa, hàng nghìn năm trước Thừa Thiên Huế đã từng là nơi cư trú của các cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.
Qua lời sấm truyền “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dải Hoành Sơn, có thể yên thân muôn đời), năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn giữ xứ Thuận Hóa, khởi đầu cơ nghiệp của các chúa Nguyễn. Từ đây, quá trình phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân gắn liền với sự nghiệp của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Thuận Hóa là vùng chiến tuyến tranh giành quyền lực giữa Đàng Trong và Đàng ngoài, ít có thời gian hòa bình nên chưa có điều kiện ổn định để hình thành trung tâm dân cư sầm uất. Sự ra đời của thành Hóa Châu (khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16) có lẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn với tư cách là tòa thành phòng thủ chứ chưa phải là nơi sinh hoạt đô thị của xứ Thuận Hóa thời ấy.
Mãi đến năm 1636, khi chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ đến Kim Long, quá trình đô thị hóa trong lịch sử bắt đầu và phát triển thành vùng đất kinh thành Huế. Hơn nữa thế kỷ sau, năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời phủ chính đến làng Thụy Lôi và đổi tên thành Phú Xuân (ở vị trí tây nam trong kinh thành Huế hiện nay), tiếp tục xây dựng và phát triển Phú Xuân thành một trung tâm đô thị phát đạt của xứ Đàng Trong.
Tuy có lúc, phủ Chúa dời ra Bác Vọng (1712-1723), nhưng khi Võ Vương lên ngôi lại cho dời phủ chính vào Phú Xuân và dựng ở "bên tả phủ cũ", tức góc đông nam kinh thành Huế hiện nay.
Sự nguy nga bề thế của thành Phú Xuân dưới thời Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Đôn mô tả trong "Phủ biên tạp lục" năm 1776 và trong "Đại Nam nhất thống chí" với tư cách là đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ sông Hương, từ Kim Long - Dương Xuân đến Bao Vinh - Thanh Hà, Phú Xuân là thủ phủ của xứ Đàng Trong (1687-1774), rồi trở thành kinh đô của nước Đại Việt thống nhất dưới triều vua Quang Trung (1788-1801) và cuối cùng là kinh đô nước Việt Nam trong gần 1,5 thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945).
Các tên gọi Phú Xuân – kinh thành Huế, Thừa Thiên Huế đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước từ những thời kỳ lịch sử ấy.
Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, tiếp đó là đế quốc Mỹ. Cùng với cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập và thống nhất Tổ quốc với biết bao chiến tích và sự tích anh hùng.
Từ những năm thuộc Pháp cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975) , Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ của nhiều nhà cách mạng trên đường cứu nước. Phan Bộ Châu, Phan Chu Trinh cùng nhiều nhân sỹ yêu nước khác đã từng hoạt động tại đây.
Cũng tại nơi này, người thanh niên Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống gần 10 năm thời niên thiếu trước khi vào Nam và ra đi tìm đường cứu nước.
Năm 1916, Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức khởi nghĩa trên quy mô nhiều tỉnh, vua Duy Tân xuất giá tham gia khởi nghĩa.
Thừa Thiên Huế còn là cái nôi của phong trào cách mạnh, nơi đào tạo ra những nhân tài, những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, khoa học như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn...
Kim Long là tổ quán của họ Tống Phước.
Sông Kim Long chảy ngang qua làng Kim Long, nối liền sông đào Kẻ Vạn với sông Hương. Ngày xưa sông Kim Long chảy phía sau Kinh thành Phú Xuân. Năm 1803, khi Gia Long mở rộng Kinh đô thì một đoạn sông nằm phía trong Kinh Thành; đoạn còn lại chảy qua Kim Long ở thượng lưu và Phú Hiệp, Phú Cát ở hạ lưu. Đoạn này có tên là sông Lấp.
Kim Long (còn được gọi là Kim Luông) vốn là đất của các chúa Nguyễn chọn để lập phủ từ năm 1636 đến 1687. Năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Thái dời phủ về Phú Xuân. Vì thế, nơi đây vẫn còn lưu giữ những chùa, đền, dinh thự cổ kính của các vua, hoàng hậu, các gia đình quí tộc ở Huế.
Ngay ở đầu thôn Phú Mộng là phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là ngôi nhà rường tinh xảo, dựng cách đây 187 năm. Khi Tả quân vào Nam trấn thủ thành Gia Định, ông đã giao lại cho con thừa tự là Lê Văn Yến.
Từ phủ Tả quân trở đi, những ngôi nhà rường Huế ken dày trong làng Kim Long khoảng 60 cái còn nguyên vẹn, có nhà còn năm sáu nghìn mét vuông đất hoa viên, trồng sapôchê, cam, quýt, thanh trà, nhiều loại hoa vạn thọ, hồng, cây cảnh.
Phủ Diên Phước công chúa, Phủ Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ, nhà ở quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điền, các ngôi nhà của các ông bà Nguyễn Hứa Vãn, Mai Khắc Lưu, Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Thị Ngộ, Đoàn Kim Khánh, Hoàn Xuân Bật đều mang những đặc trưng nhà cổ truyền thống của Huế. Phủ Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ, nơi có ba người con gái rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga được vua Thành Thái đưa vào cung phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.
Nói về vẻ đẹp của người con gái Kim Long thì theo chuyện kể dân gian, nguyên nhân "Có lẽ nhờ dùng nguồn nước sông Hương và những vườn cây trái xum xuê bốn mùa mà con gái Kim Long hầu như ai cũng đẹp".
Con gái Kim Long với đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn đa tình nhưng lại phảng phất nét lạnh lùng của người con gái Huế, dáng người mảnh khảnh, tóc dài ôm trọn bờ vai sẽ mãi là nét quyến rũ riêng có nơi Huế mộng, Huế mơ. Nhưng phảinói một cách công bằng thì bí quyết để giữ gìn nét đẹp của các cô gái Kim Long chính là nét dễ thương, dịu dàng, đảm đang và tấm lòng chung thủy, sắt son.
Kim Long đã từng nổi tiếng từ thời vua Thành Thái với câu ca dao:
"Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi..."
Chuyện kể rằng:
"Vào một ngày tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang làm một người dân bách tính đi “liều” lên Kim Long để tìm chọn một Quý Phi. Đến nơi nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về. Đò ghé vào, khi bước lên, ông trông thấy cô lái đò, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng ông bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng…
Ông gọi cô gái và hỏi một cách đột ngột :
- Nàng có ưng làm vợ Vua không?
Ngây thơ chẳng biết đó là vua cải trang, nàng nửa đùa nửa thật đánh bạo nói: “Ưng”!
Lập tức Vua Thành Thái giành lấy tay chèo, đích thân chèo đò xuôi dòng sông Hương từ Kim Long đến bến Nghinh Lương trước Phú Văn lâu, rước nàng vào Nội.
Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, vùng đất Thừa Thiên Huế đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, hưng thịnh của các triều vua Nguyễn; đã oằn mình đau đớn chung với cái đau mất nước của dân tộc, của đồng bào. Bao nhiêu cuộc lật đổ, phế ngôi, lập ngôi; bao nhiêu cuộc tàn sát quan quân do bọn thực dân xâm lược gây ra đã làm não lòng người dân xứ Huế
Đến với làng Kim Long, ngày nay chúng ta không phải qua sông Hương bằng chiếc đò con thơ mộng nữa vì cầu Tràng Tiền và cầu Phú Xuân xây kiên cố đã rút ngắn thời gian, thêm nữa là con đường nhựa chạy dài bên kia sông Hương dẫn đến Kim Long nhanh chóng.
Qua Đại nội, vào đến Phú Mộng, không gian yên tĩnh, dịu dàng của những ngôi nhà vườn hiện dần ra như nhắc nhớ con người ngày nay một thời Kim Long quyền quý cao sang và những mỹ nhân yêu kiều, quy phái.
Ngày nay, làng Kim Long là phường Kim Long thuộc thành phố Huế, cũng ít nhiều thay đổi theo dòng chảy mãnh liệt “đô thị hóa” của tỉnh thành nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với những ngôi nhà vườn kiến trúc độc đáo, nấp dưới tán cây xanh nên rất mát mẻ.
Phục hưng nền văn hóa truyền thống, tôn tạo các khi di tích văn hóa, đình làng ở Thừa Thiên Huế, là công việc của các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử và của người dân xứ Huế.
Hàng trăm di tích lịch sử văn hóa được công nhận, các phủ thờ làng Kim Long được giữ gìn cẩn thận có người trông coi, hương khói; đình làng với lễ hội hàng năm nhắc nhau truyền thống văn hóa và lịch sử quật khởi chống xâm lược của cha ông.
PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Họ Tống Phước di dân vào đất Kim Long trong khoảng thời gian chúa Nguyễn Phúc Tần nắm quyền. Do các quý bà họ Tống Phước trở thành quốc thích, nên cả họ Tống Phước được nhờ. Trước đây các vị quan họ Tống Phước chỉ có chức vị, chưa có tước. Từ khi bà Tống Thị Lan được Thế Tổ Cao Hoàng Đế Nguyễn Phúc Ánh cân nhắc lên bậc vị Nguyên Phi vào năm Gia Long thứ 3 (1804), thì mới truy tặng phong tước cho bốn đời họ Tống Phước:
- Cao Tổ là Tống Phước Đức được tặng chức Cai Cơ, tước Hầu.
- Tằng Tổ là Tống Phước Dương được tặng chức Chưởng Cơ, tước Quận Công.
- Nội Tổ là Tống Phước Thành được tặng chức Chưởng Doanh, tước Quận Công.
- Cha là Tống Phước Khuông chức Thái Bảo, được tặng tước Quốc Công.
Đền thờ các quan được lập tại Phú Xuân gọi là đền Tống Công, năm Minh Mạng thứ 13 đổi phong là Quy Quốc Công, sau dời về đến làng Kim Long, nơi tập trung các phủ chúa.
Bà Chánh thất của Quận công Tống Phước Thành trong gia phả của họ tộc không ghi tên họ và con cái cũng không có.
Bà thứ thất của Thành Quận Công là Y Phu Thiền Quận Công Phu Nhân, sinh hạ hai người con trai, là: Tường Lý hầu Tống Phước Công và Thái Bảo Quy Quốc Công Tống Phước Khuông.
Từ đời V trở đi, họ Tống Phước làng Kim Long chia làm hai Phái:
Phái Nhất: Tường Lý Hầu Tống Phước Công, là vị tổ của phái Nhất mà hậu duệ của phái nầy lo thừa tự việc họ. Hằng năm lấy ngày mùng 3 tháng 11 âm lịch là ngày giỗ ngài Tống Phước Triều Đô Hầu làm ngày giỗ họ tại đây.
Phái Nhì: Thái Bảo Quy Quốc Công Tống Phước Khuông vị tổ của phái Nhì, con cháu trực hệ qui tụ chủ yếu tại làng Kim Long, thành phố Huế. Tại đây không có nhà thờ họ và Phái nên phối thờ tại phủ chúa Quy Quốc Công.
Ngày 16–17 tháng 6 là ngày giỗ của ngài Tống Phước Khuông.
Phái Nhì chọn ngày 18 tháng 2 làm ngày giỗ Phái.
Việc phục dựng gia phả họ Tống Phước làng Kim Long, từ đời V trở đi, chỉ tìm hiểu và ghi tiếp hậu duệ của Phái Nhì mà không ghi Phái Nhất.
Nhận xét chung về hậu duệ Phái Nhì và ngược lên các đời tổ tiên họ Phước Tống làm quan nhà Nguyễn, thì thấy chỉ có Thái Bảo Quy Quốc Công Tống Phước Khuông là người nhiều năm xông pha trận mạc, cùng với chúa Nguyễn Ánh vào Nam dựng cơ nghiệp, phò Chúa trên đường bôn tẩu, mưu sự lớn.
Họ Tống Phước được vinh hiển từ ngày con gái Quy Quốc Công Tống Phước Khuông là bà Tống Thị Lan được Vua Gia Long phong ngôi vị Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.
Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan là bậc mẫu nghi, tánh tình hiền thục đoan trang, được Vua Gia Long và triều thần quý trọng. Chuyện kể về nửa thoi vàng của vua Gia Long trong thời khắc việc dựng nghiệp mỏng manh, quân Tây Sơn truy đuổi, phải xa lìa núm ruột, người thân như sau:
Mùa thu năm Quý Mão (1873) Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh, phải chạy ra đảo Phú Quốc, sau đó thấy tình hình nguy ngập, Nguyễn Ánh gửi Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đưa qua Pháp xin cầu viện. Lúc ấy Hoàng Tử Cảnh mới 4 tuổi. Bá Đa Lộc lạy xin thọ mệnh.
Nguyễn Ánh và bà Nguyên Phi lau nước mắt đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp. Sau khi Hoàng Tử Cảnh đi rồi, Nguyễn Ánh lấy một thoi vàng chặt đôi (một thoi 20 lượng), một nửa trao cho bà, một nửa giữ lấy và căn dặn: Con ta đi rồi, ta cũng sẽ sang Xiêm. Vậy Phi phải ở lại đây (Phú Quốc) để cung phụng Quốc Mẫu (tức bà Thiếu Khương, vợ của Nguyễn Phúc Luân) chưa biết gặp nhau khi nào và ở chỗ nào. Vậy lấy vàng này làm tin.
Trong những ngày Nguyễn Ánh bôn tẩu, khi ở Xiêm, lúc ở Việt, bà Nguyên Phi Tống Thị Lan một mình hầu hạ mẹ chồng, tự may dệt nhung phục cho quân lính. Một lần, quân Nguyễn giao chiến với quân Tây Sơn, đến hồi quyết liệt, quân Nguyễn núng thế, muốn rút lui, bà tự tay nổi trống thúc quân, quân Nguyễn Ánh hăng hái trở lại, xông lên và cuối cùng thắng lợi.
Sau ngày thu phục đất nước, Gia Long hỏi bà về nửa thoi vàng năm xưa, bà đem vàng ra trình lên. Gia Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thoi vàng và bảo rằng “Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải giữ để về sau con cháu biết.
Dứt lời, Gia Long lấy nửa thoi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà Nguyên Phi, rồi trao hết cho bà.
Năm 1814, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu mất, nhà vua bàn với đình thần về việc làm một cái “Hiệp lăng” để “song táng” bà và ông về sau vào một chỗ theo cái lệ xưa “càn khôn hiệp đức”, sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quanđồng quách.
Từ đời thứ VII, con của ngài Vĩnh Thuận Hầu Tống Phước Lương và các bà, sự vinh hiển của họ Tống Phước giảm dần, các ngài làm quan nhỏ, chẳng có ai tham gia triều chính.
Về mặt thừa tự thì các đời sau có người sinh nhiều con nhưng chỉ có một người con trai nối dõi, có người chỉ sinh toàn gái, thất tự sau ngày qua đời mồ mả không ai chăm lo, phải hiệp kỵ ở nhà thờ họ Phái Nhì.
Cũng từ đời thứ VII trở đi, con gái họ Tống tuy vẫn là phu nhân đài các nhưng số phận có phần hẩm hiu. Bà Tống Thị Ròn, con gái của Âm thọ tinh binh Chánh đội trưởng Tống Phước Lai nhan sắc mặn mà, công dung ngôn hạnh khả phong, thuở thanh xuân đã được chọn làm tỳ nữ.
Vua Dục Đức phải lòng bà, sanh đặng một gái là Công Chúa Tân Phong.
Vua Dục Đức lên ngôi vua ngày 19 tháng 6 năm Giáp Thân (1884) được ba ngày thì vua bị quần thần ép tội, đem giam vào ngục trong cung, bỏ đói chết ngày mùng 6 tháng 9 cùng năm. Thân phận của bà tỳ thiếp Tống Thị Ròn không được ghi trong Thế Phả nhà Nguyễn.
Vua Thành Thái sau ngày lên ngôi đã khôi phục lại danh vị cho Phụ Hoàng Dục Đức, khôi phục lại đế hiệu và tôn làm Cung Tôn Huệ Hoàng Đế. Công Chúa Tân Phong được hoàng huynh xây cho phủ chúa tại làng Kim Long.
Đời VIII họ Tống Phước, các bậc nam tử họ Tống theo vua lo việc nước nhưng việc không thành, bỏ xác chốn rừng sâu, mồ mả thất lạc. Hiệp lãnh thị vệ Tống Phước Sum theo phò vua Hàm Nghi lên tận vùng cao Voi Mép khí hậu khắc nghiệt. Ông lâm bệnh qua đời tại Tân Sở, mộ chôn trong rừng sâu, nay không tìm ta dấu tích.
Từ đời IX trở đi, hậu duệ họ Tống Phước tuy vẫn còn người sinh sống chốn kinh thành, làm vợ, làm dâu của con cháu các vua nhà Nguyễn, song số đông đã trở về với dân dã, sống ly tán, vào Quảng Nam, Bình Định xa xôi lập nghiệp.
Đời thăng trầm, đổi thay vô thường, thanh thế dòng họ vẫn mãi là niềm tự hào của nhiều đời con cháu mang dòng máu Tống Phước, dù ngoại hay nội phải biết lấy cái cội nguồn vẻ vang xưa tiếp nối nhau gìn giữ, và phát huy trong đời sống mới.
QUAN HỆ HÔN NHÂN HỌ TỐNG PHƯỚC
Quan hệ hôn nhân của dòng họ Tống Phước, sau ngày di dân từ Tống Sơn đến làng Kim Long, được xây dựng từ mối quan hệ chúa tôi, theo nghi thức phong kiến chốn cung đình. Các bà họ Tống trở thành bậc Mẫu nghi, quốc thích từ quan hệ hôn nhân, sinh các vì hoàng nam, công chúa mang họ Nguyễn. Một số bà vợ của các ông họ Tống, con cháu không rõ tên họ, được biết qua ghi chép trong Phả cổ, trên bia mộ nhưng ghi theo tên-chức-tước của ông, ghi tên thụy, không biết húy.
Thống kê các đời sau nữa, thì thấy họ Tống có các cuộc hôn nhân với các họ như sau. Họ Nguyễn 20 cuộc, họ Trần 10 cuộc, trong đó họ Nguyễn phần lớn là con cháu của các Chúa, Vua triều Nguyễn. Các họ khác như Lê (4 cuộc), họ Phan (4 cuộc), Mai, Hồ (2 cuộc) và các họ khác như Phạm, Phan, Huỳnh, Hoàng, Hồ, Dương, Châu, Trương, Võ…
Số con cái của các quý ngài, quý bà họ Tống Phước thường không nhiều, số trai ít hơn gái, có nhiều trường hợp chỉ sinh gái, hoặc có con trai nhưng mất sớm.
Các ông họ Tống Phước là đại quan trong triều, ngoài chánh thê còn có nhiều thứ thất, sinh hai, ba dòng con, gia pháp nghiêm minh nên trên dưới rất thuận hòa, tiếp nối nhau giữ nếp gia phong. Quả vậy, tiếng thị phi nhiều đời không có điều để lại.
Sau ngày chế độ phong kiến lụi tàn, con cháu họ Tống Phước tự thân lo cuộc sống, hoàn cảnh khó khăn, việc dựng vợ gã chồng theo nếp sống dân gian, không còn trường hợp nào “năm thê, bảy thiếp”, hai ba dòng con. Ấy là chế độ một vợ một chồng vậy!
Do đi vào đời sống với những đổi thay của xã hội, của đất nước; con cháu họ Tống Phước vừa có kiến thức chốn học đường, vừa có kinh nghiệm trong đời sống nên quan hệ hôn nhân có nhiều đổi mới phù hợp với trào lưu tiến bộ, không ràng buộc với các dòng họ vua chúa nữa.
Các tin cũ
- » 078. Gia phả họ Lê (ấp Trung, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 19:23:11
- » 077. Gia phả họ Nguyễn (xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa, Long An) 21/08/2022 18:32:39
- » 076. Gia phả họ Bạch (ấp Phước Hưng 2, Phước Lâm, Cần Giuộc, Long An) 21/08/2022 18:13:45
- » 075. Gia phả họ Trần (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 18:02:58
- » 074. Gia phả họ Lê (ấp Hưng Lợi Tây, Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 21/08/2022 17:45:44
- » 073. Gia phả họ Cao Đăng (xã Hoằng Đông, Hoằng hóa, Thanh Hóa) 21/08/2022 17:20:30
- » 072. Gia phả họ Trần (ấp Long Hưng, Long Trì, Châu Thành, Long An) 21/08/2022 16:53:09
- » 071. Gia phả họ Châu (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 12:44:49
- » 070. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 21/08/2022 12:40:24