076. Gia phả họ Bạch (ấp Phước Hưng 2, Phước Lâm, Cần Giuộc, Long An)
21/08/2022 18:13:45Gia phả họ Bạch ở ấp Phước Hưng 2, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2013.
LỜI TỰA
“Làm người phải biết tổ tông.
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Mỗi người sinh ra đều có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng như một dòng sông một con suối đều có ngọn nguồn của nó. Vì vậy việc vấn tổ, tầm tông, chăm lo mồ mả ông bà, phụng thờ tổ tiên là những điều thiêng liêng không thể thiếu được của người Việt Nam.
Họ Bạch ta sống qua mấy thế kỷ ở xã Phước Lâm huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Tổ tiên chúng ta cần cù lao động, nuôi dạy con cháu nên người. Tuy nhiên qua thời gian cũng như do hoàn cảnh chiến tranh đã làm cho thân tộc lìa xa, họ hàng ly tán. Vì vậy, mà nguồn gốc tổ tiên con cháu không được tỏ tường, giỗ chạp không quy tụ được hết họ hàng. Do đó, việc lập gia phả họ ta là rất cần thiết. Nếu không lập gia phả thì các thế hệ sau xa dần cội nguồn, họ hàng ít thân thiết nhau, nền tảng gia đình bị lung lay và cũng không tránh được việc kết hôn với người cùng huyết thống.
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, ông Bạch Văn Thận nảy sinh sáng kiến lập gia phả tìm lại tông tộc, truy tìm nguồn gốc Bạch gia, với tất cả sự quyết tâm phấn đấu năng động nhưng đơn phương nên chỉ đạt được kết quả khiêm tốn. Tiếc rằng khi ước vọng chưa thành thì ông Bạch Văn Thận đã qua đời để lại hoài bão còn dang dở.
Là lớp hậu duệ kế thừa chúng ta phải có trách nhiệm tiếp tục đoạn đường còn lại, sưu tầm các tư liệu, nắm bắt những phát hiện mới để bổ sung vào gia phả. Mỗi chi đều cố gắng tổng hợp chi của mình đầy đủ để kết nối cho gia phả liên tục, không bị gián đoạn. Tuy việc sưu tầm rất công phu nhưng vẫn chưa phải là cuốn gia phả hoàn chỉnh. Nay chúng tôi được biết có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên lập gia phả cho các dòng họ nên chúng tôi nhờ Trung tâm dựng bộ gia phả cho họ Bạch ta. Bộ gia phả này trước tiên để dâng lên tổ tiên như một lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, sau đó để con cháu hiểu được lịch sử của dòng họ mình, gắn bó với dòng họ, học tập truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống, làm vẻ vang cho dòng họ.
Bộ gia phả có bố cục :
1. Chính phả
- Lời tựa
- Phả ký
- Phả hệ
- Phả đồ
2. Phụ khảo
Bộ gia phả là gia bảo của dòng họ, con cháu họ Bạch phải trân trọng giữ gìn và cất giữ nơi tôn nghiêm.
Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này và hoan nghênh sự hợp tác của bà con họ tộc trong quá trình dựng phả. Các nhà khoa học, các Trung tâm, Viện nghiên cứu có thể nghiên cứu bộ gia phả này.
Phước Lâm, ngày 16 tháng 3 năm 2013
Hậu duệ đời thứ sáu
BẠCH NGỌC TỨ - BẠCH NGỌC QUANG
PHẢ KÝ
Ông bà ta nói “Nước có sử, nhà có phả”. Sử ghi chép sự hưng vong của các triều đại, ghi chép từng thời kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc. Phả ghi chép từ cội nguồn đến con cháu nhiều thế hệ của một dòng họ, ghi những phẩm chất tốt đẹp cũng như những sai lầm của dòng họ để con cháu học tập điều hay và tránh xa điều dỡ. Phả cũng ghi chuyện lao động, chuyện học hành, chuyện chiến đấu, chuyện thờ cúng tổ tiên, chuyện tình làng nghĩa xóm gắn liền với quê hương tổ quán.
Đọc lịch sử để biết sự thăng trầm của đất nước. Đọc gia phả để biết lịch sử của dòng họ. Sử và phả có mối liên hệ mật thiết nhau. Lịch sử dân tộc bao gồm lịch sử các dòng họ, cho nên sự thịnh vượng hay suy vong của nhiều họ tộc có lien quan đến sự thịnh vượng hay suy vong của quốc gia đó.
Thật đáng mừng cho dòng họ Bạch, việc lập gia phả cho dòng họ đã là sự mong mỏi từ lâu nay được thưc hiện. Dù có hạn chế về tư liệu song qua thông tin của hậu duệ, bài phả ký cũng đã tóm lược được lịch sử dòng họ với những điểm cơ bản sau :
- Nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ.
- Tổ quán, đời sống và sự đóng góp của dòng họ cho quê hương.
- Phẩm chất tốt đẹp của dòng họ.
- Phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa
I. SƠ LƯỢC VỀ TỔ QUÁN HỌ BẠCH VÀ NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ
1. Sơ lược về tổ quán
Xã Phước Lâm thuộc huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, là tổ quán của họ Bạch. Về vị trí địa lý, xã Phước Lâm nằm ở phía Tây huyện Cần Giuộc:
• Phía Bắc giáp xã Mỹ Lộc và xã Phước Hậu.
• Phía Đông giáp xã Trường Bình.
• Phía Nam giáp xã Thuận Thành
• Phía Tây giáp xã Long Trạch huyện Cần Đước.
Cần Giuộc thuộc đất Gia Định xưa – một thời còn gọi là “xứ Đồng Nai”. Trong nhiều thế kỷ, đây là vùng hoang vu, cây cỏ um tùm. Những lưu dân đấu tiên đến đây định cư ở những khu vực khô ráo hoăc những giồng đất gần sông rạch để thuận tiện cho việc đi lại. Những làng mạc dần hình thành, ngày một trù phú đông đúc. Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào Nam kinh lý, lấy đất Nông Nại (Đồng Nai) đặt làm phủ Gia Định. Năm 1802, phủ Gia Định được đổi thành trấn Gia Định, năm 1808 đổi là Gia Định thành. Năm 1832, Minh Mạng thứ 13, thành Gia Định được phân chia lại từ 5 trấn thành 6 tỉnh (gồm Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), lúc đó Cần Giuộc nằm trong huyện Phước Lộc, thuộc phủ Tân An, tỉnh Phiên An. Năm 1836, vua Minh Mạng lại đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định và gọi toàn thành Gia Định là Nam Kỳ. Theo Địa bạ triều Nguyễn, phường Phước Lâm thuộc tổng Lộc Thành Thượng huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định.
“Phước Lâm phường ở xứ Mồng Gà. Đông giáp đia phận hai thôn xã Kế Mỹ, Thanh Tuyền. Tây giáp đia phận hai thôn Phước Hoa và Long Đước. Nam giáp đia phận thôn Thuận Thành. Bắc giáp đia phận hai thôn Long Đước và Mỹ Lộc.”
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cần Giuộc là nơi chứng kiến chiến công lịch sử : trận đánh đồn Tây Dương đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16 – 12 – 1861) được ghi lại trong áng văn bất hủ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu :
”Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dăm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”
(Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc)
Sau năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), chia tỉnh Gia Định làm 7 hạt; cai trị là chức quan tham biện nên còn gọi hạt là khu tham biện. Phước Lộc thành khu tham biện riêng. Năm 1877 khu tham biện Phước Lộc giải thể, sáp nhập vào khu tham biện Chợ Lớn. Năm 1899 bãi bỏ khu tham biện, Chợ Lớn đổi thành tỉnh, Cần Giuộc trở thành một quận của tỉnh Chợ Lớn. Lúc này, xã Phước Lâm thuộc tổng Phước Điền Trung quận Cần Giuộc tỉnh Chợ Lớn.
Thành phố Chợ Lớn là đơn vị hành chính tách biệt hẳn với tỉnh Chợ Lớn. Tuy nhiên trụ sở các cơ quan chính quyền của tỉnh Chợ Lớn đều đặt tại thành phố Chợ Lớn. Do quá trình đô thị hóa, thành phố Chợ Lớn dần nhập vào với thành phố Sài Gòn. Cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập tỉnh Chợ Lớn với tỉnh Tân An thành Long An. Sau năm 1975, huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An, gồm 16 xã, một thị trấn như hiện nay.
Cần Giuộc là vùng giáp ranh Sài Gòn, vì vậy trong chiến tranh, đây là nơi hứng chịu bom đạn tàn bạo trút xuống ngày đêm. Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, nhiều dân lành trở thành nạn nhân của bom đạn. Năm 1970, chính quyền đia phương đã cho xây dựng tại ấp Phước Hưng 2 xã Phước Lâm một ngôi miếu nhỏ để hương khói cho những người dân và binh lính chết vì chiến tranh. Miếu được đặt tên là Nhân Dân Vong Uất Miếu. Năm 2004, do nhu cầu sửa chửa và mở rộng tỉnh lộ 835A, Miếu được dời vào trong và xây dựng lại khang trang bên cạnh đường.
Xã Phước Lâm là vùng đất được khai phá tương đối sớm, có nguồn nước ngọt, dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi. Người dân có kinh nghiệm phong phú về trồng hoa màu, hàng bông, biết tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật mới. Ngoài lúa, nơi đây còn cung cấp rau xanh cho TP. Hồ Chí Minh.
2. Nguồn gốc của dòng họ
Theo sách vở, người Bạch có gốc từ Tây Tạng xuống định cư ở các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhị Hải thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc ngày nay. Lãnh thổ của người Bạch được hình thành từ năm 737, do Bì La Cáp hợp nhất được các bộ lạc thành vương quốc Nam Chiếu và phát triển rực rỡ trong các thế kỷ thứ tám và thế kỷ thứ chín. Năm 937 Đoàn Tư Bình lên nắm quyền lập vương quốc Đại Lý, tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253 thì hoàn toàn tan rã bởi cuộc xâm lược của đế chế Mông Cổ.
Sau khi Đại Lý bị quân Mông Cổ thôn tính, một số người Bạch chạy loạn, di chuyển xuống phía nam và tây nam. Có lẽ họ Bạch có mặt ở Việt Nam từ đây. Có thể tìm thấy các gia phả họ Bạch ở Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An,… bắt đầu từ thế kỷ mười ba. Theo gia phả họ Bạch ở huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, trong thế kỷ XIII có một gia đình đến lập nghiệp ở thôn Động Sơn, xã Đông Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu. Gia đình có hai người con trai, người anh cả đặt tên là Bạch Lưu (có nghĩa là người Bạch lưu vong tại Việt Nam), nhưng trong một số sách viết là Bạch Liêu. Còn người em thì không rõ tên, mất sớm.
Trong giai đoạn 1655 – 1657, chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần nhiều lần cho quân tấn công ra Bắc Hà, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An và mang nhiều người dân ở Nghệ An vào khẩn hoang vùng đất phía nam Bình Sơn, Quảng Ngãi và Bình Định. Trong đó có ông Bạch Tiến Đức di cư vào thôn Chiêu Lộc, tổng Bình Thượng, huyện Bình Sơn Quảng Ngãi, kiến cơ lập ấp, sinh hạ hai người con trai là Bạch Tiến Tường và Bạch Tiến An. Khi trưởng thành, người anh Bạch Tiến Tường sống tại thôn Chiêu Lộc, còn người em Bạch Tiến An từ thôn Chiêu Lộc tới lập trại ở thôn Mỹ Thịnh tổng Nghĩa Điền phủ Tư Nghĩa.
Khi phong trào Tây Sơn nổ ra (1771), nhiều người họ Bạch đi theo Tây Sơn. Vì vậy, để tránh sự truy sát trả thù của vua Gia Long (từ 1802), một số con cháu dòng họ Bạch, từng làm việc dưới thời vua Quang Trung, phải chạy trốn vào nam, ra phía bắc, tạo nên một số chi ở phía bắc như xã Nghĩa Lư (huyện Thanh Lâm tỉnh Hải Dương), …và một số chi trong phía nam khác nữa.
3. Sự phát triển của họ Bạch ở xã Phước Lâm
Con cháu họ Bạch ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An chỉ biết ông BẠCH VĂN HÚ là người cao nhất trong dòng họ mình. Trong họ không có gia phả, cũng không có di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất của tổ tiên để lại qua đó có thể biết được những đời cao hơn nữa. Qua khảo sát mồ mả, phỏng vấn con cháu họ Bạch, dòng họ coi ông Bạch Văn Hú là ông tổ đời một của chi họ Bach tại huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Hy vọng sau này con cháu có điều kiện phát hiện thêm.
Con cháu họ Bạch xã Phước Lâm huyện Cần Giuộc tỉnh Long An không biết rõ ông Bạch Văn Hú từ đâu đến xã Phước Lâm. Mộ bia không có, vì vậy không thể xác định được năm sinh năm mất của ông vào khoảng năm nào. Ông đi cùng ba anh em vào Nam, đến đất Cần Giuộc lúc đó thuộc huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định vào năm nào không rõ. Ông ở lại xã Phước Lâm, còn ba người anh em còn lại tiếp tục đi lập nghiệp về ba hướng khác nhau. Ông Bạch Văn Hú cưới bà Huỳnh Thị Mai, sinh sống bằng nghề nông và có bốn người con trai là :
- Bạch Văn Phú
- Bạch Văn Quới
- Bạch Văn Kiểm (Hữu)
- Bạch Văn Kế
Hiện nay, con cháu họ Bạch chỉ biết về chi của ông Bạch Văn Kế và hậu duệ của ông mà thôi. Vì vậy, trong gia phả này từ đời thứ hai chỉ viết về chi của ông Bạch Văn Kế. Hy vọng sau này con cháu có điều kiện phát hiện và bổ sung vào bộ gia phả. Chỉ biết là có một chi con cháu họ Bạch ở Long Xuyên, trước đây có liên lạc với con cháu họ Bạch ở xã Phước Lâm, nhưng vì cuộc chiến tranh tàn khốc vừa qua nên mất luôn liên lạc.
Ông Bạch Văn Kế có 9 người con :
- Thứ hai : Bạch Văn Lần (chết nhỏ)
- Thứ ba : Bạch Văn Tấn (chết nhỏ)
- Thứ tư : Bạch Văn Phát (chết nhỏ)
- Thứ năm : chết nhỏ
- Thứ sáu : Bạch Thị Cải
- Thứ bảy : Bạch Thị Sách
- Thứ tám : Bạch Văn Thơ
- Thứ chin : Bạch Thị Giác
- Thứ mười : Bạch Thị Mười
Kể từ ông Tổ nối truyền đến đời thứ chín ngày nay, trong các con trai của ông Bạch Văn Kế chỉ còn con cháu của ông Bạch Văn Thơ truyền nối đến nay, phát triển đông đảo. Con cháu họ Bạch đa số trên vùng đất tổ và các vùng lân cận trong huyện nhà. Một số do phải làm ăn nên sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh,...
Đời thứ ba, ông Bạch Văn Thơ có 5 người con trai và 5 người con gái, trong đó chỉ có hai người con trai là ông Bạch Văn Thiết (trưởng nam của ông Bạch Văn Thơ) và ông Bạch Văn Yên (thứ nam) có con cháu truyền nối dòng họ Bạch cho đến nay. Ta xem ông Bạch Văn Thiết và con cháu là dòng trưởng, ông Bạch Văn Yên và con cháu là dòng thứ.
Áp dụng phương pháp gia phả học (mỗi đời cách nhau khoảng 25 năm, mỗi người con cách nhau khoảng 2 tuổi), theo năm sinh chính xác của ông Bạch Văn Lễ (đời thứ năm, trưởng nam của ông Bạch Văn Thiết) là năm 1893, phù hợp với năm sinh của ông Bạch Văn Thiết (đời thứ tư, trưởng nam của ông Bạch Văn Thơ) là năm 1869 (được tìm thấy trong hàng chữ rất mờ trên mộ bia) và năm sinh của ông Bạch Văn Yên (con thứ bảy của ông Bạch Văn Thơ) là 1875, từ đó có thể tính gần đúng năm sinh của ông Bạch Văn Thơ (đời thứ ba) là năm 1843. Với ông Bạch Văn Kế (đời thứ hai), tuổi trưởng thành để có con là 20 tuổi.
Ông Bạch Văn Thơ là con thứ tám nên có lẽ được sinh vào năm ông Bạch Văn Kế 34 tuổi. Như vậy, năm sinh của ông Bạch Văn Kế có thể là năm 1809. Theo cách tính này, có thể tạm tính ông Tổ Bạch Văn Hú (đời thứ nhất) sinh vào khoảng năm 1780. Từ đó, có thể hiểu được ông Bạch Văn Hú và ba người anh em sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Tây Sơn và vào Nam sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long.
II. ĐỜI SỐNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG
Sự có mặt của ông tổ đời một vào nửa đầu thế kỷ XIX khi vùng đất Nam bộ đang được khai khẩn, làng xóm thôn ấp được thiết lập. Ông tổ và hậu duệ phải lao động để xây dựng cơ nghiệp. Theo như kể lại, nhà họ Bạch có 8 mẫu ruộng, thuộc hạng giàu có trong xã, được nhiều kẻ lui tới cầu cạnh, thậm chí có người xin được mang họ Bạch. Nhưng chỉ vì đam mê cờ bạc mà bán đi, gia đình phải sống trong cảnh nghèo túng. Trong lúc nhà vận hạn suy sụp thì may mắn thay, con cháu họ Bạch đã biết tu nhân tích đức, gây dựng phước lành. Âu là trong họa có phúc, trong cái rủi có cái may!
Nhìn chung con cháu họ Bạch ai cũng có công ăn việc làm, cần mẫn siêng năng, trách nhiệm và biết sáng tạo trong lao động. Con cháu họ Bạch sống bằng nghề trồng trọt, có người làm mướn, làm công nhân, buôn bán nhỏ, chạy xe, có người làm quan chức xã huyện, có người làm giáo viên, bác sĩ, công an,.... Phụ nữ thì đa số làm nội trợ.
Đạo Cao Đài phát sinh ở Cần Giuộc vào năm 1909, bắt đầu từ việc cầu cơ của các ông Ngô Minh Chiêu, Lê Kiến Thọ, Lê Văn Kiên và Trần Phong Sắc. Ông Ngô Minh Chiêu đến liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Tương (chủ quận Cần Giuộc tỉnh Chợ Lớn) phối hợp cùng nhau tổ chức một đạo mới lấy hình thức cầu cơ để tập hợp tín đồ, lấy quận Cần Giuộc làm nơi khởi điểm việc mở đạo Cao Đài. Số lượng tín đồ phát triển khá nhanh trong nông dân và các viên chức chính quyền từ huyện đến tổng, xã.
Những thành công bước đầu đã mở ra việc triển khai truyền đạo rộng ra khắp Nam Bộ. Đạo Cao Đài chính thức thành lập năm 1926. Ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ đạo Cao Đài gởi đến Thống đóc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 245 tín đồ. Thực dân Pháp đánh hơi thấy tình hình phát triển của đạo Cao Đài có thể dẫn đến nhiều bất lợi, nên năm 1927 đã đổi ông Nguyễn Ngọc Tương ra Xuyên Mộc (Bà Rịa) và đưa Phủ Tấn về làm chủ quận Cần Giuộc. Phủ Tấn có gây một số khó khăn cho các tín đồ nhưng không thể ngăn nổi xu thế phát triển của đạo Cao Đài. Trung tâm của đạo Cao Đài sau đó chuyển lên Tây Ninh.
Con cháu họ Bạch từ các đời thứ tư, thứ năm, thứ sáu cũng nương theo giáo lý của đạo Cao Đài mà tu tập và xử thế. Là vùng giáp ranh Sài Gòn, trong chiến tranh, Cần Giuộc là nơi thường xuyên bị bom đạn bắn phá, nhưng phần lớn con cháu họ Bạch được bình an, có lẽ nhờ vào phước của một dòng họ biết chăm lo tu nhân tích đức, ăn chay làm lành.
Thiệt hại lớn nhất là trận bom vào ngày cuối cuộc chiến tranh 25 – 4 – 1975, khi con cháu họ Bạch tản cư tạm ở nhà của ông Bạch Văn Lễ. Một trái bom rơi trúng ngay nhà, làm nhiều người bị thương và dẫn đến cái chết của ông Bạch Văn Lễ (đời thứ năm, trưởng nam của ông Bạch Văn Thiết), ông Bạch Văn Thiềm (đời thứ sáu, trưởng nam của ông Bạch Văn Thiền), bà Bạch Thị Duyên (đời thứ bảy, trưởng nữ của ông Bạch Văn Thiềm). Có thể thấy dòng trưởng chịu thiệt hại về người!
III. PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA
Hơn một thế kỷ, từ ông tổ đời một đã định cư ở xã Phước Lâm đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ 8. Qua lao động và chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, họ Bạch đã hình thành những đặc điểm sau đây :
- Con cháu họ Bạch lao động cần cù theo nghề truyền thống trồng trọt chăn nuôi. Cho đến nay dòng họ Bạch vẫn mang bản chất nông dân với lối sống giản dị, bình dân. Dù ở cương vị nào, cũng giữ được sự gần gũi thân thiện với dòng họ xa gần. Đây là bản sắc văn hoá cần được duy trì và phát huy.
- Một đặc điểm nữa của họ Bạch là việc gìn giữ đạo hiếu. Dù ở hoàn cảnh nào, việc phụng thờ tổ tiên cũng được coi trọng. Việc giỗ chạp tổ tiên luôn luôn nghiêm túc, quy tụ đông đảo con cháu xa gần về giỗ và thăm hỏi nhau công việc làm ăn. Ngoài việc tôn tạo mồ mả tổ tiên khang trang, và nay đã thực hiện được việc làm gia phả cho dòng họ mình. Đó là một đặc điểm đáng quý của dòng họ, một nét đẹp của văn hoá.
- Một đặc điểm rất quý là tinh thần đoàn kết tương thân tương ái. Họ Bạch là dòng họ ít người hơn với các họ khác như: Nguyễn, Trần, Phạm,…Vì vậy, mọi người trong họ luôn tương thân tương ái, giúp nhau xây dựng cuộc sống, tôn trọng tình làng nghĩa xóm.
Những đặc điểm trên đây là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Bạch cần được duy trì và phát huy. Với gia phả này sẽ giúp con cháu họ Bạch biết được cội nguồn dòng họ, truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để học tập và phát huy từ đó thắt chặt tình thân tộc, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống để làm vẻ vang thêm cho dòng họ trong tương lai.
Chúng ta đã quan niệm: gia đình VN là những gia đình hữu cơ, kết cấu với nhau trong từng dòng họ cụ thể. Xây dựng gia đình văn hóa, không tách rời với việc xây dựng dòng họ văn hóa. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, sâu sắc, bền lâu, phải được thực hiện bằng một “đại chương trình qui mô”, với các nội dung đúng đắn, phù hợp, khái quát nếp sống, tập tục tốt đẹp và hướng tới chân lý sáng đẹp.
Có thể nêu mấy tiêu chí xây dựng dòng họ văn hóa :
- Đoàn kết họ tộc gắn với đoàn kết dân tộc.
- Làm ăn hiệu quả, khuyến nông, khuyến công, khuyến thương theo hướng hiện đại.
- Khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài sôi nổi.
- Thực hiện gia phong, gia đạo, gia lễ, gia quy gắn liền với việc tạo phúc đức, xây dựng lòng hiếu thảo cho con cái.
- Thực hiện quan - hôn - tang - tế chu đáo, nghiêm trang; dựng gia phả, xây từ đường và chăm lo mồ mả tổ tiên nghiêm túc.
- Ân cần lo việc nghĩa.
- Thượng tôn pháp luật mẫu mực.
Yêu kính Tổ tiên, thương yêu chăm sóc con cháu là truyền thống tốt đẹp của mỗi dòng họ, của nền văn hóa dân tộc. Gia phả giúp cho con cháu hiểu Tổ tiên, kính trọng ông bà cha me, biết giữ đạo làm người, đặc biệt biết ra sức giữ gìn và phát huy thanh danh dòng họ, không làm điều gì sái quấy có hại cho bản thân và mang tội bất hiếu với Tổ tiên. Vậy mới thật là :
“Hữu dư phước ấm lưu miêu duệ
Bất tử tinh thần tại tử tôn”
(Tổ tiên để lại phước đức,
Giữ được mãi mãi là do con cháu)
Các tin cũ
- » 075. Gia phả họ Trần (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 18:02:58
- » 074. Gia phả họ Lê (ấp Hưng Lợi Tây, Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 21/08/2022 17:45:44
- » 073. Gia phả họ Cao Đăng (xã Hoằng Đông, Hoằng hóa, Thanh Hóa) 21/08/2022 17:20:30
- » 072. Gia phả họ Trần (ấp Long Hưng, Long Trì, Châu Thành, Long An) 21/08/2022 16:53:09
- » 071. Gia phả họ Châu (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 12:44:49
- » 070. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 21/08/2022 12:40:24
- » 069. Gia phả họ Nguyễn (ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) 21/08/2022 12:32:51
- » 068. Gia phả họ Mai (ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 12:21:18
- » 067. Gia phả họ Trà (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 11:46:40