074. Gia phả họ Lê (ấp Hưng Lợi Tây, Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp)
21/08/2022 17:45:44Gia phả họ Lê ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2013.
LỜI MỞ ĐẦU
Gia phả họ Lê ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (xưa là thôn Hưng Quới, xã Long Hưng, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc).
Các bậc tiền nhân có dạy: Giềng mối căn nguyên tôn tộc luân thường tự cổ chí kim như cây có gốc, nước có nguồn!
Tinh thần tông tộc đó cũng được các vị tiền nhân họ Lê ta nhắc nhỡ:
“Nội ngoại hữu sinh giai huyết khí
Thân sơ sở cảm tức tinh thần”
(nghĩa là: Được sinh ra bởi huyết khí của hai họ nội ngoại/ Nên dù là bà con gần hay xa cũng có dây liên hệ tình cảm).
Để tường tận được cội nguồn dòng tộc phải dựa vào gia phả, vì lẽ gia phả thuật lại căn nguyên dòng tộc; lưu lại cho con cháu đời sau biết được dòng họ bà con thân tộc, nội ngoại xa gần, phái lớn phái nhỏ để thuận tình nhân ái ngày sau khỏi sai lạc. Cũng như biết rõ được công đức của tiền nhân trong quá khứ mà gắng sức đoàn kết, xây dựng tài bồi cho gia tộc. Trong gia phả còn ghi rõ ràng danh tánh người chồng, người vợ, nơi sinh sống, cư ngụ; ngày sinh, ngày mất, nơi an táng, ai thờ phụng giỗ quảy; sinh hạ được bao nhiêu, đang sống ở nơi đâu… để cho con cháu tường tận mai sau.
Trãi qua mấy đời nay, kể từ ngày ly hương về phương Nam trong cuộc mưu sinh, vì nhiều lẽ mà các bậc tiền nhân dòng họ Lê ta chỉ lưu giữ gia phả trong ký ức và truyền khẩu cho con cháu đời sau. Vì vậy mà không thể tránh được những sai lạc nội dung và nhiều điều chỉ dạy của các bậc tiền nhân cũng bị mai một.
Nay để gìn giữ lâu bền những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng tộc cho con cháu đời sau, sao chúng ta không dựng một bộ gia phả văn tự, nhờ vào sự giúp sức của các vị cao niên trong thân tộc, cùng những tài liệu, hiện vật còn lưu giữ!
Quyển gia phả họ Lê ở thôn Hưng Quới, xã Long Hưng, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa-đéc - nay đổi thành xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - được thực hiện theo ước nguyện của bà con trong họ tộc, trước là để kính dâng lên tổ tiên lòng tri ân báo hiếu, sau là để nhắc nhở con cháu biết kế thừa truyền thống họ tộc trong cuộc sống mai sau.
Qua gần 200 năm, kể từ ngày ông Tổ đời I đến lập nghiệp ở vùng rạch Trầm Đinh này, họ Lê ta đã truyền nối đến nay tới đời thứ VIII. Tạo thành 4 chi tộc, riêng chi thứ I có 4 nhánh (tiểu chi).
Quyển Gia phả này chỉ giới hạn ghi chép trực hệ nhánh I, thuộc chi thứ I. Cụ thể là nhánh của trưởng nam Lê Văn Kim (đời III). Như vậy, quyển gia phả không quá lớn về khối lượng, thuận lợi việc tra cứu. Khi có điều kiện con cháu các nhánh, các chi sẽ dựng gia phả cho mình, để hợp thành Bộ gia phả toàn tộc họ Lê.
Quyển gia phả này bố cục gồm bốn phần: Phả ký, Phả đồ, Phả hệ và Ngoại phả (Phụ khảo). Nội dung ghi chép rõ ràng, chu đáo, chính xác dựa theo những tài liệu còn lưu giữ hoặc chọn lọc từ lời kể của các vị cao niên trong dòng họ. Những tư liệu trong quyển gia phả này có giá trị để gắn kết gia phả của các chi tộc, trong quá trình xây dựng Bộ gia phả toàn tộc họ Lê ta.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), cùng bà con xa gần đã có nhiều cố gắng trong việc điền dã, sưu tầm, ghi chép, phân tích… để hoàn thành quyển gia phả này. Chúng tôi cũng mong bà con trong dòng tộc, nếu thấy điều gì còn thiếu sót, hãy góp ý để có dịp sẽ tu chỉnh sau này.
Người ta liên tưởng: Nước có sử - Nhà có phả, để hàm ý về giá trị của gia phả đối với một dòng tộc là vậy!
Kính cáo cùng bà con thân tộc!
Long Hưng, ngày 11 tháng 4 năm 2013
(nhằm ngày Mùng 2 tháng Ba năm Quý Tỵ)
Cháu trực hệ đời thứ V
Lê Phước Trường
PHẢ KÝ
Tổ tiên họ Lê ở ấp Hưng Lợi Tây rất lâu đời từ lúc ấp Hưng Lợi Tây còn là thôn Hưng Quới của xã Long Hưng, tổng An Phong, huyện Lai Vung, tỉnh Sa-đéc. Từ đó đến nay, một khoảng thời gian dài gần 200 năm, chi họ Lê đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lúc thịnh, lúc suy, lúc đau thương mất mát, đã cùng với các họ tộc khác chung sức lao động, đã đổ mồ hôi để khai phá rừng hoang, có khi đã hao xương máu, chống giặc ngoại xâm để giải phóng quê hương, để giữ cho dòng họ mình những truyền thống tốt đẹp.
Tất cả những thành quả trên đáng được ghi vào lịch sử của dòng họ tức là lập gia phả để con cháu đời sau có trách nhiệm gìn giữ và phát huy.
Viết gia phả là việc làm vừa mang tính khoa học vừa mang tính thiêng liêng nhằm tìm hiểu gốc gác họ tộc, xác định ông, bà tổ tiên và tổ quán của dòng họ, tìm hiểu quan hệ hôn nhân giữa họ mình với các họ khác làm cho họ mình phát triển lên.
Viết lịch sử dòng họ cũng không quên ghi những truyền thống của dòng họ mình để các thế hệ sau vun đắp cho tốt hơn.
I. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LONG HƯNG B - TỔ QUÁN HỌ LÊ
Từ thị xã Sa-đéc, tỉnh Đồng Tháp, theo tỉnh lộ 852 - con đường tráng nhựa rộng 12m chạy cập theo sông Sa-đéc, đi chừng 5 km tới thị trấn Tân Dương, đi tiếp khoảng 4 km nữa thì tới cầu Vàm Đinh. Cầu Vàm Đinh bắc ngang đầu con rạch Trầm Đinh (nay quen gọi sai thành rạch Vàm Đinh). Cầu Vàm Đinh xưa là cầu sắt dã chiến được Mỹ xây dựng, từ năm 2010 được xây lại thành cầu đúc xi măng như bây giờ.
Chỉ có con rạch Trầm Đinh hàng trăm năm nay vẫn hiền hòa theo con nước lớn, nước ròng; nuôi sống bao đời con cháu dòng họ Lê. Vùng đất dọc theo con rạch Trầm Đinh này xưa kia là thôn Hưng Quới, ngày nay thuộc xã Long Hưng B. Dòng họ Lê đã khẩn hoang, định cư sinh sống trên vùng đất này tính đến nay cũng đã qua 8 thế hệ cháu con. Theo địa danh hiện nay là ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chính là tổ quán của họ Lê.
Quá trình phát triển của ấp Hưng Lợi Tây gắn liền với quá trình phát triển của xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Trước năm 1984, xã Long Hưng A và Long Hưng B là một xã Long Hưng (chưa tách ra) là 1 trong 15 xã của huyện Thạnh Hưng, thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đây là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu do phù sa bồi đắp hàng năm. Ven sông Cái, đất cao ráo. Vào sâu trong nội địa là đồng trủng thấp dần nhưng không bị ngập, là một trong những vùng đất màu mở, được lưu dân Việt khai phá từ thế kỷ XVII ở đồng bằng sông Cửu Long.
Khi nói đến Long Hưng, người dân Sa-đéc thường nói: “Long Hưng nước Xoáy” hay “Nước Xoáy Bờ Rào”. Rạch Hồi Oa (Nước Xoáy) là chỗ giáp nước của sông Hậu, sông Cái Tàu Thượng và sông Sa-đéc. Bờ Rào là con rạch nhỏ nằm phía sau sông Tân Mỹ, lấy nước sông Tiền đổ vào rạch Nước Xoáy nên dân địa phương gọi là Nước Xoáy Bờ rào.
Sông Sa-đéc và rạch Nước Xoáy đã mang lại cho Long Hưng một vị trí quan trọng của sông Tiền và sông Hậu, là đầu cầu giữa Campuchia, Đồng Tháp Mười và miền Duyên Hải. Do vậy mà Long Hưng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng:
• Từ năm 1777, Long Hưng là nơi được Nguyễn Ánh chọn làm căn cứ chống Tây Sơn. Nhờ sức người, sức của ở đây, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định làm bàn đạp khôi phục cả nước.
• Dưới thời Pháp thuộc (1867 – 1845) vùng này là địa bàn hoạt động chống thực dân Pháp của Phan Tôn, Phan Liêm, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự.
• Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, hai chi bộ xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ ra đời tại vùng này.
• Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Long Hưng là căn cứ của Tỉnh uỷ Sa-đéc, đồng thời cũng là nơi đi về của những nhà lãnh đạo cao cấp như bác Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn.
• Là nơi diễn ra một cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh Sa-đéc và Nam Bộ.
• Vào thời kỳ chống Mỹ vùng này cũng là nơi trú đóng của nhiều cơ quan cấp huyện, tỉnh Sa-đéc và của tỉnh bạn.
Do vậy mà cường độ đánh phá của địch đối với vùng này rất ác liệt: ruộng, vườn, nhà cửa bị thiêu hủy. Vụ thảm sát 23 người tại làng Long Hưng ngày 21/5/1962 là sự kiện lịch sử khó quên với nhân dân Long Hưng.
Nhân dân Long Hưng ủng hộ sức người, sức của, một lòng tin Đảng, theo cách mạng, góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Địa danh Long Hưng được hình thành khá sớm. Đầu thế kỷ XVIII, sau khi giúp Nặc Ông Yêm (vua Chân Lạp) đánh bại sự xâm lược của quân Xiêm vào Chân Lạp. Chúa Nguyễn được Nặc Ông Yêm cho đóng quân ở vùng Vũng Gù (Tân An) và cho khai phá những vùng xung quanh.
Năm 1756, khi Nguyễn Cư Trinh tiếp thu phủ Lôi Lạp (Soài Rạp); năm 1757 tiếp thu vùng đất Tầm Phong Long (vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu), chia vùng đất này thành ba đạo:
- Đạo Châu Đốc đóng ở Hậu Giang
- Đạo Tân Châu đóng ở Cù lao Giêng
- Đạo Đông Khẩu đóng ở Sa Đéc.
Đây là vùng đất còn hoang vu, nhưng rất màu mở, thu hút sự dừng chân của lưu dân Việt. Trong tờ sớ gởi lên chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Cư Trinh viết: “… Từ xứ Sài Gòn đến phủ Lôi Lạp … đất đai mênh mông, ruộng nương rất phì nhiêu, dân số lên đến vạn người”.
Công cuộc di dân khai hoang, lập ấp tại vùng Sa-đéc nói chung và Long Hưng nói riêng diễn ra khá sớm, ngay từ khi vùng này chưa thuộc quyền của chúa Nguyễn Đàng Trong thì địa danh Cái Tàu Hạ, Sa-đéc, là hai tụ điểm có dân đông đảo nhất.
Theo địa bạ Minh Mạng đo đạc năm 1836 thì huyện Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành có 7 tổng, 41 thôn, diện tích thực canh toàn tổng là 43.320 mẫu. Riêng thôn Long Hưng lúc đó có tên là Tân Long, có tới 324 sở ruộng đất với 4.000 mẫu ruộng thực canh, là 1 trong 3 thôn lớn nhất ở Nam Kỳ.
Trong địa bạ Minh Mạng, thôn Tân Long được ghi chi tiết sau: “Tân Long thôn ở xứ Thủy Nhiểu (Nước Xoáy)” thuộc tổng An Thới, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.
* Phía Đông giáp địa phận thôn Tân Dương và Tân Thành.
* Phía Tây giáp địa phận thôn Vĩnh Thạnh và thôn Nhơn Quý.
* Phía Nam giáp thôn Long Hậu (thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên).
* Phía Bắc giáp thôn Tân Khánh Tây và thôn Tân Mỹ, lại giáp thôn Nhơn Qưới.
Diện tích canh tác là 4-107 mẫu, là một trong ba thôn có diện tích rộng nhất ở Nam Kỳ.
Qua địa bạ 1836 Tân Long xưa, nay là Long Hưng đã là một đơn vị hành chánh ổn định, có diện tích, địa giới rõ ràng. Khi thực dân Pháp tiến hành lập bộ máy cai trị ở hạt Sa-đéc, thấy Tân Long có nhiều ruộng đất và đông dân nên tách đất làng này; phần đất giáp với Long Hậu thành lập làng Long Hậu Thượng nhưng đến ngày 6/5/1891 thì nhập lại như cũ lấy tên là Long Hưng, thuộc tổng An Phong, tỉnh Sa-đéc.
Khi Sa-đéc trở thành địa lý hành chánh (Délégation) theo nghị định ngày 9/2/1913 thì Long Hưng vẫn thuộc tổng An Phong, huyện Lai Vung. Khi Sa-đéc trở thành một quận của tỉnh Vĩnh Long thì Long Hưng thuộc quận Lấp Vò (10/1957 - 7/1962).
Sau năm 1975, Long Hưng thuộc huyện Lấp Vò. Năm 1977 huyện Lấp Vò đổi thành Thạnh Hưng. Năm 1989 huyện Thạnh Hưng chia thành hai huyện: Thạnh Hưng và Lai Vung. Năm 1996 huyện Thạnh Hưng đổi thành huyện Lấp Vò, trong đó Long Hưng chia làm 2 xã Long Hưng A và Long Hưng B, tổ quán họ Lê ở xã Long Hưng B.
Xã Long Hưng B có 5 ấp, trong đó có 2 ấp ở phía Bắc sông
Sa-đéc là ấp Hưng Thạnh Tây và Hưng Thạnh Đông. Phía Nam sông Sa-đéc có 3 ấp: ấp Hưng Lợi Đông, Hưng Lợi Tây và Hưng Thạnh Đông. Tổ quán họ Lê, mồ mả ông tổ họ Lê hiện nay ở ấp Hưng Lợi Tây.
Hiện nay ấp Hưng Lợi Tây có vị trí sau:
- Phía Đông giáp ấp Hưng Lợi Đông
- Phía Tây giáp huyện Lai Vung
- Phía Nam giáp ấp Mậu Thanh
- Phía Bắc giáp ấp Hưng Lợi Đông
Ấp có diện tích nông nghiệp là 33 ha, diện tích kinh tế phụ
44,9 ha chăn nuôi. Dân số là 2.115 người. Kinh tế chính là thuần nông, một số ít trồng cây ăn trái và chăn nuôi.
Đa số dân trong ấp theo đạo Phật. Khoảng 50 người theo đạo Hòa Hảo, khoảng 150 người theo đạo Cao Đài, không có người theo Thiên Chúa giáo. Trong xã có các họ: Lê, Phạm, Nguyễn, Trần, Phan, Võ, Đinh, Bùi, Huỳnh. Ấp có trường cấp 1, 2, 3, có trạm y tế.
Qua hai cuộc kháng chiến ấp có 25 liệt sĩ, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2002 đến nay (2013) ấp luôn đạt danh hiệu là ấp văn hóa. Nhân dân trong ấp phát huy truyền thống cần cù lao động, đoàn kết quyết tâm giữ vững danh hiệu và xây dựng quê hương mình giàu, đẹp, văn minh, hiện đại.
II. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ
1. Nguồn gốc dòng họ
Ông bà tổ họ Lê từ đâu đến phương Nam khẩn đất đai, cất nhà cửa, định cư tại thôn Hưng Quới, xã Long Hưng, huyện Lai Vung, tỉnh Sa-đéc nay là xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đó là vấn đề mà hiện nay hậu duệ họ Lê đang cố công tìm kiếm.
Để tìm nguồn gốc dòng họ thì phải nhờ vào gia phả nhưng ông tổ họ Lê là lưu dân miền ngoài, cũng như bao nhiêu chi họ khác đều không mang theo gia phả. Vì vậy việc tìm ông tổ họ Lê chỉ dựa vào ký ức của những bậc cao niên trong họ hay khảo sát mồ mả họ tộc hoặc xem di chúc.
Từ cuối thế kỷ 17, đã bắt đầu làn sóng di dân ồ ạt từ miền Bắc, miền Trung về phương Nam lập nghiệp. Người vào Nam đủ thành phần: quan quân, thường dân, kẻ trộm cắp, đào tẩu... đều có. Phần lớn họ chọn con đường vượt biển vào Nam.
Về vị tổ đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này lập nghiệp, chúng ta chỉ biết được qua hồi ức của những hậu duệ cao niên trong gia tộc.
Đến nay, con cháu chưa rõ quê quán ông ở đâu, cơ duyên nào đã đưa ông đến đất Trầm Đinh – Long Hưng này? Trong thân tộc có người nói ông quê gốc Hải Phòng; có người nói ông tên thật là Lê Văn Chương làm quan nhà Nguyễn, cải danh thành Lê Văn Đồng rồi cùng vợ đi vào Nam lập nghiệp. Có người kể rằng khi vào Nam, ông cùng một số người thân chọn đi theo đường bộ mà không theo đường thuỷ như phần đông lúc bấy giờ (Có thể vì vậy mà họ Lê không có nghi thức thả bè chuối trôi sông, như những dòng họ có tiền nhân vào Nam theo đường biển. Riêng ở nhánh I của ông Lê Văn Kim lại có nghi thức thả bè chuối trôi sông trong lễ cúng việc lề vào ngày Mùng Ba Tết, việc làm này có thể có liên quan đến dòng họ Dương, là họ của bà Dương Thị Cửu – mẹ vợ của ông Kim - xem Cúng việc lề của con cháu Lê Văn Kim, phần Ngoại phả). Nghiên cứu lịch sử triều nhà Nguyễn thì không thấy ông quan nào tên Lê Văn Chương đã đi vào Nam. Trong thân tộc họ Lê không ai có tư liệu nào xác nhận những thông tin trên. Vì vậy những thông tin này không có cơ sở khoa học để chấp nhận.
Theo ông Lê Tòng Bá (hậu duệ đời V, chi I) là trưởng tộc, ông 89 tuổi nhưng còn minh mẫn cho rằng ông tổ họ Lê ở miền Bắc, không rõ tỉnh nào, tên Lê Văn Đồng, không rõ lý do gì vào Nam lập nghiệp, định cư ở ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B, xưa là 1 trong 3 vùng đất trù phú nhất ở Nam Kỳ. Ngôi mộ được xây lại khang trang mang tên Lê Văn Đồng, nằm trên đất do ông canh tác được con cháu xác nhận là mộ tổ, cùng nhau chăm sóc hàng năm.
Trong gia tộc còn giữ tờ di chúc nhưng là di chúc đời II để ruộng đất lại cho con cháu mình vì vậy không có tư liệu nào để tìm đời cao hơn ông Lê Văn Đồng nên tạm coi ông là ông Tổ đời một của họ Lê. Khi có phát hiện đời cao hơn sẽ có sự thay đổi thứ bậc ông Lê Văn Đồng.
Về năm sinh ông Lê Văn Đồng, mộ bia trên mộ ông ghi là năm 1818 nhưng trong họ cho biết đây không phải là năm sinh chính xác của ông, mà do con cháu tính phỏng ra. Không rõ con cháu dựa trên cơ sở nào để có thể tin được. Theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, mỗi con cách nhau 2 tuổi. Nếu tính từ năm sinh ông Lê Văn Giác thứ tư được ghi trên mộ bia là 1850 thì năm sinh của ông tổ ước chừng khoảng [(1850 – 4) -25] = 1821.
Để có thể vào Nam và lao động được thì ít nhất ông phải 20 tuổi, ước chừng 1821 + 20 = 1841 (Thiệu Trị năm thứ II). Thời kỳ này nước ta có chủ quyền nhưng Thiệu Trị mới kế nghiệp cha là vua Minh Mạng, tiếp tục đường lối, chính sách cai trị của cha: chính sách kinh tế lỗi thời, chính sách ngoại giao thiển cận, “Bế môn tỏa cảng” không giao thiệp với các nước phương Tây, tiếp tục việc cấm theo đạo và truyền giáo đạo Thiên Chúa… làm cho đời sống nhân dân khó khăn, các nước phương Tây căm tức, gieo mầm mống cho Pháp xâm lược Việt Nam vào thời Tự Đức.
Ông tổ họ Lê thiên cư vào Nam trong bối cảnh này chăng? Ông đi cùng vợ (theo lời kể của con cháu họ Lê) từ miền Bắc vào định cư tại thôn Tân Long, là một trong ba thôn có diện tích rộng nhất ở Nam Bộ. Ông khẩn được 150 công đất, sống bằng nghề nông. Bà qua đời sớm, không có con trai nối dòng, có hai con gái, một qua đời sớm khi chưa lập gia đình. Con gái thứ ba, hiện con cháu họ Lê không rõ hành trạng. Ông tục huyền với bà Phan Thị Châu người cùng địa phương có 7 con: 4 trai, 3 gái. Ba người con gái có chồng, có con chuyển sang họ khác. Bốn người con trai lập gia đình tạo ra bốn chi đời thứ III.
• Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông thứ tư Lê Văn Giác. Ông có hai đời vợ, hai dòng con gồm 11 người: 7 gái và 4 con trai.
• Chi thứ hai: ông Lê Văn Thới lập gia đình có 9 con: 7 gái, 2 trai.
• Chi thứ ba: ông Lê Văn Gia lập gia đình với bà Hồ Thị Miên, chết nhỏ 1, còn 4 trai và 1 con gái.
• Chi thứ tư: ông Lê Văn Thinh, lập gia đình với bà Nguyễn Thị Phương, có 9 con: chết nhỏ 2, còn 4 trai, 3 gái
Do điều kiện khách quan của gia tộc, gia phả này chỉ lập từ trực hệ ông Lê Văn Kim (đời III, chi I) qua phả đồ:
2. Hôn nhân và sự phát triển của hậu duệ ông Lê Văn Kim từ đời IV đến hiện tại
a. Vấn đề hôn nhân
Hậu duệ ông Lê Văn Kim phát triển đông đúc là nhờ con trai họ Lê kết hôn với các họ khác ở địa phương mình hay các nơi khác tạo ra số lượng đông đúc qua từng thế hệ. Nhìn lại trên 170 năm, họ Lê lập nghiệp trên ấp Hưng Lợi Tây, xã Long Hưng B cho đến nay (2013) ngoài một số con trai họ Lê không biết kết sui gia với họ nào còn hầu hết từ ông Lê Văn Kim đến con cháu ông đến tuổi trưởng thành đều quan hệ hôn nhân với nhiều họ nhất là họ Nguyễn, kế tiếp là họ Trần, rồi đến họ Lê, họ Phạm, họ Võ, họ Hồ, và với các họ sau đây mỗi họ một cuộc: họ Văn, Lương, Mai, Tô, Tống, Bùi, Đinh, Trương, Đặng. Những họ trên đây có truyền thống lao động tốt, yêu nước, có tinh thần cách mạng.
Hôn nhân đời I, II, III được xác lập trong quan hệ xóm giềng, trong lao động khẩn hoang, cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cùng chung lo chống ngoại xâm, xây dựng xóm làng. Những cuộc hôn nhân này do cha mẹ định đoạt, không quan tâm đến môn đăng hộ đối khắt khe như những gia đình nho giáo nệ cổ. Các ông bà đều khỏe mạnh có nhiều con, sống thọ. Đến đời IV, cuộc sống khá giả, nên việc cưới hỏi có phần long trọng, theo tập tục của làng xã, nhưng cũng do cha mẹ quyết định.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phụ nữ được giải phóng, việc hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính, trai gái có điều kiện tiếp xúc nhau qua các phong trào thanh niên, trong chiến đấu giữ làng, trong lao động, chung xí nghiệp, cơ quan, trong học tập rồi tiến tới hôn nhân, được cha mẹ, cơ quan đứng ra lo cưới hỏi.
Phần lớn con cháu họ Lê chọn dâu, kén rể quanh quẩn trong tổ quán, các xã lân cận như: Tân Khánh Trung, Mỹ An Hưng, Vĩnh Thạnh, Long Hậu, Cao Lãnh, Tân Mỹ, Tân Phú Đông. Khi hòa bình lập lại, con cháu đời VI, VII học hành tiến bộ, đi làm việc, đi công tác xa, ở môi trường mới (hợp tác lao động nước ngoài) lấy chồng xa quê như Hà Tỉnh, Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh. Có trường hợp lấy chồng ở Đài Loan.
Con cháu họ Lê có dáng người cao ráo, da trắng trẻo, vầng trán rộng, gò má hơi cao, nhanh nhẹn, vui vẻ, nam, nữ đều đẹp.
b. Sự phát triển của con cháu họ Lê về số lượng
Nhìn qua phả đồ, thống kê số lượng từng thế hệ cho thấy rõ sự phát triển từng đời.
Đời III : 1: ông Lê Văn Kim
Đời IV : số lượng tăng lên 8 người, trong đó có 5 người con trai.
Đời V : số lượng phát triển nhanh, lên đến 30 người. Số con trai, con gái xấp xỉ nhau: 15 người.
Đời VI : số lượng tăng vọt lên 107 người, chết nhỏ 2 người còn 103 người trong đó có 52 con trai và 51 con gái.
Đời VII : số lượng vẫn tăng: gồm 111 người. Số con trai nhiều hơn con gái: 59 trai.
Đời VIII : Chỉ vài người lập gia đình, lại hạn chế sinh đẻ, còn nhiều người độc thân. Do vậy số lượng chỉ 11 người có 5 trai.
Qua thống kê cho thấy số lượng các thế hệ ngày càng tăng, nguyên nhân do:
- Khéo nuôi, chết nhỏ ít.
- Gia đình quá đông con, từ 8 đến 12 người con. Có gia đình đến 2 dòng con. Ông Lê Phước Hợi đời V có 10 con chỉ 1 dòng con. Ông Lê Văn Thích (đời IV) có 11 người con. Chỉ gia đình cách mạng mới ít con: ông Lê Phước Tứ chỉ có 1 người con.
Toàn trực hệ ông Lê Văn Kim thống kê có tất cả là 266 người, chết nhỏ 2 còn lại 264 người trong đó có 139 trai và 125 gái. Trong quá trình sinh sống lớp người cao tuổi đã qua đời là 28 người. Số còn sinh tiền là 236 người, trong số này có 119 con trai nối dòng cho chi họ Lê. Hiện nay những người cao tuổi sống với con cháu, nhắc nhở con cháu gìn giữ nền nếp gia phong, được con cháu phụng dưỡng. Số còn lại là một cộng đồng khỏe mạnh, lao động và học tập tốt trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Hầu hết các cô dâu, chú rể họ Lê là dâu hiền, rể thảo, biết lo cho gia đình nhà chồng, cùng chồng lo việc làm ăn, biết phụng thờ tổ tiên nhà chồng. Bà Phan Thị Châu, vợ ông tổ đời II cùng chồng lo việc đồng áng trong buổi đầu khai hoang, có nhiều con lo nuôi dạy con tốt, hiếu thảo với cha mẹ, lao động giỏi. Bà Lê Thị Thêm vợ ông Lê Văn Giác, là dâu trưởng, ngoài việc lo nội trợ trong gia đình bà còn nuôi dạy 9 người con nên người, lo giỗ quảy tổ tiên nhà chồng. Bà Huỳnh Thị Cầm, vợ ông Lê Tòng Bá (đời V) cũng là dâu trưởng, đảm đương việc nhà, phụng thờ, giỗ quảy tổ tiên. Khi chồng làm cách mạng, một mình bà lo kinh tế gia đình, ủng hộ cách mạng, nuôi dạy con tốt.
Bà Trần Thị Trầm vợ ông Lê Phước Tứ cùng chồng theo cách mạng chí cốt, cống hiến hết mình cho cách mạng. Bà Trầm là cán bộ giao liên dũng cảm, mưu trí của Xứ uỷ Nam Bộ. Bà Trần Thị Thôi vợ ông Lê Phước Trường cùng chồng lo buôn bán nuôi con ăn học, đối xử tốt với họ hàng nhà chồng. Bà Nguyễn Thị Sáu, vợ ông Lê Phước Tư (Tư Đởm) ông theo cách mạng, bà lo nuôi 8 người con, ủng hộ cách mạng. Các cô dâu trẻ, có văn hóa biết lo làm ăn, lo nuôi dạy con. Con gái họ Lê lấy chồng cũng là dâu hiền, cũng theo chồng làm cách mạng rất nhiệt tình như: ủng hộ chồng làm cách mạng như bà Lê Thị Phụng, bà Lê Thị Ngọt. Chung thủy thủ tiết thờ chồng là bà Lê Thị Ngọt (đời V), có chồng là liệt sĩ hy sinh năm 1947 bà ở vậy nuôi con cho đến năm 2004 (59 năm) mới qua đời, bà Lê Thị Phận (đời V) khi làm dâu, bà hết lòng phụng sự nhà chồng; khi thoát ly theo cách mạng thì cùng chồng đem hết nhiệt tình công hiến cho cách mạng.
Con trai, con gái, dâu, rể họ Lê có được những đức tính tốt như vậy là nhờ gia đình họ Lê biết giáo dục con, biết chọn dâu, kén rể trong những họ tốt. Đó là nét đẹp văn hóa của họ Lê cần được trân trọng gìn giữ.
III. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỦA CON CHÁU ÔNG LÊ VĂN KIM
Qua gần 200 năm lập nghiệp ở làng Long Hưng, ông tổ đời I họ Lê đã sinh con đẻ cháu truyền nối đến nay là đời thứ VIII tạo ra quy mô dòng họ rất lớn. Trong quá trình sinh sống đã hình thành những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ mình. Qua khảo sát hậu duệ ông Lê Văn Kim, con cháu ông đã có được những nét đẹp về văn hóa như sau:
1. Tính cần cù sáng tạo trong lao động và lối sống bình dân, giản dị, chân thật
Ông tổ đời I từ miền Bắc thiên cư vào Nam đến vùng đất Long Hưng vào đầu thế kỷ XIX khi ấy vùng này còn hoang vu. Ông cùng vợ và các con đã lao động cật lực, phải đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để khẩn được 150 công đất và phải bỏ công sức ra để ruộng đất được phì nhiêu. Ngoài việc ruộng nương, ông còn buôn bán gỗ - một nghề hết sức nặng nhọc. Ông đã tạo được cơ sở kinh tế và xây dựng nền tảng đạo đức ban đầu cho con cháu noi theo.
Do vậy mà con cháu ông đã thừa kế đất đai, công việc làm ăn của ông vẫn lao động cật lực: tự canh tác, thử nghiệm trong sản xuất để có kết quả. Ông Lê Văn Giác (đời II) là con trai trưởng của ông Tổ dù gia đình khá giả song ông vẫn đảm nhiệm việc đồng áng, việc buôn gỗ thay cho cha lúc tuổi già và sau khi cha qua đời.
Ông Lê Văn Kim (đời III) tiếp tục thừa kế đất đai của cha (ông Lê Văn Giác) và của bên vợ rất nhiều nhưng ông vẫn tự canh tác, nghiên cứu cách đưa nước vào ruộng để làm ruộng sạ, cách bao bờ để làm ruộng dán, cách trừ sâu keo, được bà con trong vùng đến học tập kinh nghiệm. Đời IV, V con cháu phát triển đông hơn nên số đất đai không đủ chia cho các con, nhất là đời V nên có người phải buôn bán thêm mới đủ sống, có người làm thợ may, lái máy cày, người có học thì làm giáo viên. Ai cũng phải lao động để sống.
Đặc biệt người có nhiều đất đai như ông Lê Văn Thích đời IV cũng say mê lao động. Ông thừa kế ruộng đất hương hỏa của cha mẹ, của ông bà ngoại. Khi mới lấy vợ, vợ chồng ông cũng cần cù lao động. Sau ông lại chuyển sang nghề mộc, đóng ghe, xuồng, đóng quan tài. Sau này khi ra làm Hương cả, ông cũng vẫn đeo đuổi nghề mộc. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được cách mạng giao làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Long Hưng và vẫn đóng ghe để bán cho đến lúc bị sát hại.
Đời VI, VII trưởng thành, đất nước thống nhất hòa bình được lập lại, con cháu quá đông không có đất canh tác nên làm nhiều nghề khác nhau: có người làm công nhân trong nhà máy, làm nhân viên trong cơ quan nhà nước, làm giáo viên, làm công an, thợ may, thợ hồ, tài xế, thợ uốn tóc, có người chạy xe ba gác, có người chăn vịt mướn, hái sen thuê, cũng có người chạy xe ôm. Người học hành khá thì làm quản đốc xí nghiệp, làm Phó Viện trưởng viện Kiểm soát huyện Lai Vung. Tất cả ai cũng có công ăn việc làm, tận tụy với công việc, không ai lười lao động.
Đặc biệt dù ở địa vị nào, con cháu họ Lê vẫn sống bình dân giản dị, chân thật, gắn bó với họ hàng. Dù ở đâu, nhưng khi về quê hương vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm. Thật đáng quý!
2. Truyền thống cách mạng
Sự có mặt của ông tổ đời I và sự trưởng thành của đời II, III, IV là thời kỳ thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam qua Hòa ước Patenôtre 1884. Theo Hòa ước này thì Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ, triều đình Huế chỉ là bù nhìn.
Thực dân Pháp, bắt đầu khai thác bóc lột. Đời I, II, III, IV là nạn nhân của sự áp bức bóc lột một cách tàn bạo của thực dân Pháp, sự mất ổn định của xã hội dẫn đến cái chết đau thương của ông Lê Văn Kim (đời III) và ông Lê Văn Thích (đời IV).
Kế thừa truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, căm thù giặc Pháp gây mất mát đau thương cho gia đình dòng họ, con cháu họ Lê, cả dâu, rể, đều tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bắt đầu là sự cảm tình với cách mạng của ông Lê Văn Thích (đời IV). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ông được giao làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Long Hưng, giúp dân làng trong buổi đầu độc lập. Em trai ông là ông Lê Văn Ký (đời IV) nuôi giấu cán bộ cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến.
Em rể ông là ông Võ Minh Quang chồng bà Lê Thị Phụng. Ông Quang làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện Lấp Vò rồi làm kinh tài, đến 1954 thì hoạt động hợp pháp. Và con rể ông là Phạm Văn Khạo chồng bà Lê Thị Ngọt đã tham gia kháng chiến chống Pháp thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hy sinh năm 1947, được truy tặng liệt sĩ. Chồng bà Lê Thị Men (đời V) là ông Trần Văn Hòa làm kinh tài, nuôi giấu cán bộ.
Ông Lê Phước Tứ (đời V) cùng vợ là bà Trần Thị Trầm thoát ly gia đình theo cách mạng suốt từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Sau khi cha ông bị sát hại, tháng 10/1946 ông thoát ly gia đình và được giới thiệu gia nhập Ban Quân sự huyện Châu Thành. Ông được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng: Huyện đội phó huyện Châu Thành, rồi chính trị viên Đại đội Bộ đội địa phương, năm 1951 là cán bộ Ban Chính trị Tỉnh đội Long Châu Sa.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc tại bến Cao Lãnh. Năm 1958 làm phó Phòng Tổng hợp, Bộ Nông Trường. Năm 1973 ông trở về miền Nam – diện đi B, làm phó Văn phòng Ban Nông nghiệp R ở Tây Ninh, chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Sau ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 ông làm thơ ký cho ông Dương Kỳ Hiệp khi đó là Bộ Trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam
Bà Trần Thị Trầm là Uỷ viên Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh từ năm 1946. Năm 1954 về làm liên lạc cho Tỉnh uỷ Long Châu Sa, sau đó làm giao liên của Xứ uỷ Nam bộ. Từ 1956 – 1957 bà bí mật đưa nhiều đồng chí trong Xứ uỷ Nam bộ từ Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ sang Campuchia an toàn (trong đó có ông Lê Duẫn, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Văn Linh, Lê Toàn Thư, Võ Văn Kiệt …) Ông bà đều là đảng viên có 65 năm tuổi Đảng.
Bà Lê Thị Phận (đời V) cùng chồng là Võ Văn Phát tham gia suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bà làm liên lạc cho Tỉnh uỷ Long Châu Sa, tích cực tham gia phong trào tiêu thổ kháng chiến 1946. Năm 1957 bà được đưa sang Campuchia theo yêu cầu của ông Tư Lầu (bí thư Xứ uỷ Nam bộ). Năm 1961 bà tham gia Quân Giải phóng Miền Nam (bộ phận trên đất Campuchia), công tác ở Đoàn 17 (hậu cần chiến lược), thuộc Cục Hậu cần Miền - B2. Sau ngày Miền Nam giải phóng bà làm nhân viên của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Bộ Lương thực và Thực phẩm).
Ông Võ Văn Phát tham gia cách mạng từ năm 1936. Với nhiệt tình cách mạng và năng lực bản thân, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 1949 đến năm 1953 ông là bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chánh, đồng thời cũng là chính trị viên Tỉnh đội tỉnh Long Châu Sa. Từ năm 1955 – 1957 là Chánh văn phòng Xứ uỷ Nam bộ.
Ông trực tiếp tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ dời Xứ uỷ Nam bộ sang Campuchia, tránh sự truy bắt của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Sau ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975, ông làm Tổng cục Trưởng Tổng cục Lương thực Miền Nam (thuộc Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam). Sau khi thống nhất hai miền, ông làm Thứ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm.
Ông Lê Phước Khai (đời V) tham gia đánh trận Vàm Đinh, sau đó hoạt động bí mật làm kinh tài cho cách mạng. Trực tiếp cầm súng chiến đấu có ông Lê Phước Tư (Tư Đởm) và Lê Phước Bê (đời V). Ông Tư làm du kích địa phương thời chống Pháp, đúc vũ khí thời chống Mỹ. Sau khi Miền Nam giải phóng thì tham gia chính quyền xã Long Hưng. Ông Bê là bộ đội Tiểu đoàn 307. Bị địch bắt bỏ tù mức án 30 năm. Năm 1972 được trao ở Quảng Trị, ông tiếp tục tham gia bộ đội cao xạ đánh máy bay Mỹ ở Cao Bằng, Lạng Sơn đến ngày Miền Nam giải phóng 30/4/1975.
Ông Lê Phước Ngoạn (đời V) tham gia chống Mỹ, hy sinh năm 1969, là liệt sĩ.
Con cháu họ Lê có quyền tự hào về ông cha mình đã có góp phần xương máu trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương đất nước.
3. Việc phụng thờ tổ tiên
Con cháu họ Lê được ông tổ dạy chữ Nho, đọc được sách thánh hiền dạy cách làm người. Việc giáo dục gia đình đều được ông chú trọng theo mặt tích cực của nho giáo. Con cháu phải biết kính trên nhường dưới, phải hiếu thảo, anh em phải hòa thuận, coi trọng việc phụng thờ tổ tiên. Việc phân công giỗ quảy kèm theo phần hương hỏa đã trở thành nền nếp của họ Lê. Ông Lê Văn Đồng - tổ đời I, khi tuổi đã cao, ông giao hết đất đai nhà cửa cho con trai trưởng nam là ông Lê Văn Giác để thờ phượng và giỗ ông bà, cha mẹ. Ông Lê Văn Giác (đời II) trước khi qua đời, có làm di chúc để phần hương hỏa và phân công giỗ cho con trai trưởng là Lê Văn Kim (đời III).
Khi ông Kim tuổi cao, ông phân chia ruộng đất hương hỏa và phân công các con giỗ ông bà tổ tiên. Các đời sau con cháu đông lên, gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên để thờ và lo cúng giỗ dù có hay không có hương hỏa, con cháu vẫn tiến hành nghiêm túc. Mộ ông bà tổ rất lâu năm, nay con cháu cải tạo lại đàng hoàng. Ông Tổ đời I qua đời đã lâu, đến nay các cháu vẫn tổ chức giỗ vào ngày 25/6 Âl. tại nhà ông Lê Phước Trường.
Hằng năm con cháu cứ đến ngày 25 tháng Chạp thì tập họp dẩy mả, thắp hương ông bà đã khuất.
Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cần được duy trì.
IV. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của hậu duệ ông Lê Văn Kim với gần 200 năm tồn tại và phát triển tại vùng đất tổ thì thấy được con cháu ông hình thành và phát triển vững chắc trên cơ sở xây dựng ban đầu của ông bà tổ họ Lê ở làng Long Hưng. Ông bà đã lao động tích cực, tạo nhiều đất đai, xây dựng nền nếp gia phong cho con cháu. Con cháu đã noi gương ông cần cù lao động, gìn giữ nếp nhà, đã hình thành được những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho thế hệ mai sau nối tiếp. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, còn một số mặt cần sự chung tay của dòng họ xây đắp thêm.
Họ Lê rất quan tâm đến việc học nhưng do chiến tranh nên việc học bị hạn chế. Sau khi hòa bình lập lại con cháu có điều kiện học tốt hơn. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Đông đảo các cháu tốt nghiệp lớp 12. Nhưng một số các cháu nghèo, hiếu học không có điều kiện tiếp tục. Bà con cần chung sức lập quỹ khuyến học, khuyến tài để tiếp sức các cháu tiếp tục học lên và khen các cháu học giỏi để khuyến khích phát triển tài năng.
Hiện nay trong cuộc sống còn có những người sống rất bấp bênh, nên chăng bà con cần giúp đỡ để có cuộc sống ổn định.
Nếu có nhà thờ tổ thì việc giỗ tổ có nơi quy tụ họ hàng để cùng nhau giỗ tổ, có dịp ôn lại công lao tổ tiên và truyền thống của dòng họ, cùng nhau thăm hỏi việc làm ăn, việc khen thưởng các cháu học giỏi, việc chúc thọ các cụ già, để thắt chặt tình thân tộc.
Việc phổ biến gia phả này và khuyến khích các chi họ lập gia phả để tiến tới họ Lê ta có được bộ gia phả toàn tộc họ Lê, một bộ lịch sử hoàn chỉnh của dòng họ Lê ở Trầm Đinh, Long Hưng là cần thiết.
Xin kính dâng lên tổ tiên bộ gia phả này thể hiện lòng tri ân của con cháu.
Các tin cũ
- » 073. Gia phả họ Cao Đăng (xã Hoằng Đông, Hoằng hóa, Thanh Hóa) 21/08/2022 17:20:30
- » 072. Gia phả họ Trần (ấp Long Hưng, Long Trì, Châu Thành, Long An) 21/08/2022 16:53:09
- » 071. Gia phả họ Châu (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 12:44:49
- » 070. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 21/08/2022 12:40:24
- » 069. Gia phả họ Nguyễn (ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) 21/08/2022 12:32:51
- » 068. Gia phả họ Mai (ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 12:21:18
- » 067. Gia phả họ Trà (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 11:46:40
- » 066. Gia phả họ Trần (xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh) 21/08/2022 11:40:57
- » 065. Gia phả họ Lý (ở 2 huyện Bình Dương & Tân Long, phủ Tân Bình) 21/08/2022 11:35:30