Trang chủ > 073. Gia phả họ Cao Đăng (xã Hoằng Đông, Hoằng hóa, Thanh Hóa)

073. Gia phả họ Cao Đăng (xã Hoằng Đông, Hoằng hóa, Thanh Hóa)

21/08/2022 17:20:30

Gia phả họ Cao Đăng ở xã Hoằng Đông (nay là Hoằng Đông và Hoàng Phụ), huyện Hoằng hóa, tỉnh Thanh Hóa được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2013.  

LỜI NÓI ĐẦU

“Nước có sử, nhà có phả”. “Sử” để ghi lại những sự kiện lớn của dân tộc, “phả” như một loại sử của dòng họ để ghi lại sự phát triển và những thăng trầm của họ tộc. Lật giở từng trang gia phả, kẻ hậu thế như sống lại với lịch sử của họ tộc mình.

Cấu trúc một cuốn gia phả thường gồm các phần chính: Phả ký, Phả hệ Phả đồ  và Phụ khảo . Phả ký ghi lại nguồn gốc, sự phát tích của dòng họ, xác định tổ phụ, tổ quán và sự phát triển của dòng họ qua các thời kỳ. Phả hệ ghi lại tên tuổi, hành trạng của từng thành viên trong dòng họ được sắp xếp theo từng đời, nếu dòng họ đông người thì phần phả hệ thường được chia ra nhiều chi, nhánh, cành… Ngoại phả là ghi lại những vấn đề liên quan đến dòng họ như mồ mả, việc cúng giỗ, hôn nhân… Ngoài ra cũng có thể có phần Phụ khảo để ghi lại những chuyện sinh hoạt hoặc địa danh, đình chùa, truyền thống đấu tranh… của nhân dân trong vùng có họ tộc mình sinh sống.

Người xưa có câu “Cây có cội, nước có nguồn”, là người sống trên cõi đời thì phải biết gốc tích của mình, phải nhớ đến công ơn tổ tiên nhiều đời đã vun đắp, xây dựng cho dòng họ, đã nuôi nấng dạy dỗ cha, ông chúng ta để có chúng ta hiện hữu trên cõi đời như hôm nay.

Quê hương chúng ta trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, bà con ly tán. Sau ngày đất nước thống nhất, do điều kiện học tập, công tác, một số bà con lại phải xa rời quê hương tổ quán đến định cư ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Vì vậy mà quan hệ thân tộc có phần phai nhạt, với khá nhiều người, việc gặp gỡ nhau để nhận biết mình là những người cùng chung một huyết thống càng trở nên hiếm hoi.

Vì những vấn đề trên mà việc dựng gia phả họ Cao của chúng ta là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nhiều lý do, hiện nay mỗi chi tự sưu tập và ghi chép lại bà con trong chi của mình. Hy vọng khi đã đầy đủ, chúng ta sẽ tổ chức ráp nối chúng lại để có một bộ gia phả họ Cao đầy đủ.

Trên tinh thần đó, tôi (Cao Hùng Sâm) và người anh con ông bác ruột của tôi là Cao Tiến Hùng đã tiến hành ghi chép bà con trực hệ của chi 3, tính từ ông tổ đời IV. Những tư liệu này, đã được soạn thảo và đánh máy từ 10/8/2010 đến 14/8/2010. 

Sau đó vào những ngày cuối năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã giúp chúng ta biên tập sắp xếp lại theo đúng cấu trúc của một bộ gia phả. Đồng thời viết thêm Phần phả ký và phần Ngoại phả để nó trở thành một “tiểu” gia phả tương đối hoàn chỉnh.

Để các thế hệ nối tiếp truyền thống của tổ tiên ông bà và phát triển bền vững. Cháu đích tôn của ông bà Cao Đăng Phán (đời IV) năm nay 79 tuổi Cao Tiến Hùng chủ trì biên soạn lịch sử gia đình từ ông Cao Đăng Phán cho tới ngày nay. Tuy không đầy đủ theo mong muốn song để lại nền tảng sau này con cháu luôn bổ sung và cũng để hiểu biết thêm về cội nguồn và nề nếp gia phong của đại gia đình.

Đây được xem là gia phả một chi của họ Cao, chúng tôi mong rằng con cháu sau này sẽ viết tiếp những thế hệ mới để gia phả này luôn luôn được tiếp nối. Và khi có điều kiện thì cùng với các chi khác của họ Cao, cùng nhau thực hiện để có một bộ gia phả họ Cao hoàn chỉnh.

TP.HCM, ngày 1 tháng 1 năm 2013

Hậu duệ đời VII họ Cao

Ông Cao Tiến Hùng

Ông Cao Hùng Sâm

Nhắc công đức cao dày đời trước

Để bồi thêm tài lực ngày sau

Mong sao con cháu khuyên nhau

Suy sâu nghĩ kỹ, vì đâu có mình

Kính dâng lên cả tấm long thành

 

PHẢ KÝ

I. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ, TỔ PHỤ, TỔ QUÁN

Theo truyền ngôn của các bậc tiền nhân của dòng họ, họ Cao chúng ta có nguồn gốc từ thôn Đồng Đội, xã Hội Thống, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng trên bia của mộ ông Tổ ghi: “Nhớ xưa, ông Tổ ta vốn người xã Hội Thống, tổng Đan Hải, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh…”.

Thời đó có 6 anh em họ Cao ở Hà Tĩnh dong thuyền ra Thanh Hóa để buôn bán. Ra tới Lạch Trào thì phong ba bão táp nổi lên, thuyền bị sóng đánh tan và trôi dạt vào đình Ba Xã thuộc thôn Hội Triều, nay là xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Mấy anh em ở đây một thời gian rồi sau đó mỗi người đi một nơi.

Ông anh cả lên cư trú tại thôn Đông Dương, tổng Đông Minh (ngày nay là huyện Thiệu Hóa). Ông cả sinh được 2 người con trai là ông Điểm Trang và ông Khóa. Ông Điểm Trang sinh hạ được 2 người con gái là cô Vân và cô Nho, Ông Khoa sinh được 1 người con trai tên là ông Kỳ.

Ông thứ hai ở lại tại thôn Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Gia đình 5 đời đều là con một. Hiện nay, ông Cao Văn Thuật là trưởng họ.

Ông thứ 3 tên húy là Điển (tự Diển Tài) cư trú tại thôn Na Thôn, xã Khúc Phụ, huyện Hoằng Hóa. Làm lều tranh ở và bán nước để làm nghề sinh sống tại quán Quạch (tức xứ Vườn Na) nơi đó thường có những khách qua lại, ngồi uống nước và cũng có khách trọ lại là hàng rủi buôn cá ở xa. Ông sinh được 4 người con: người con đầu không biết tên, 3 ông tiếp theo là Cao Đăng Phiên, Cao Đăng Vinh và Cao Đăng Đệ. 

Được mấy năm, vì tuổi già sức yếu, ông Điển đã từ trần đêm 26 tháng 2 Âm lịch  (không rõ năm nào), hoàn cảnh vợ dại, con thơ, gia đình nghèo, neo đơn. Nhưng cũng trong đêm đó, có mấy người đi buôn cá ở trọ tại nhà, gia đình đã nhờ họ chôn cất ông tại Vườn Na, quán Quạch. Mấy người buôn cá chôn cất ông là những người ở làng Đồng, xã Hoằng Lưu. Đêm 26 rạng sáng ngày 27, dân làng biết ra xem mộ thì mối đùn lên đã cao to… 

Sau đó ít lâu, vợ con ông Điển lại đi lên xóm Xoang (nay là khu Phú Xuân, thôn Khúc Phụ, xã Hoằng Đông) sinh sống. Sau này mẹ con lại chia thành 2 nhóm: người mẹ và người con cả ông Điển trở về quê cha đất tổ ở Đồng Đội, Nội Thống, Nghi Lộc, Hà Tĩnh. Nhóm còn lại gồm 3 anh em Cao Đăng Phiên, Cao Đăng Vinh và Cao Đăng Đệ tiếp tục ở lại tại thôn Na Thôn, làng Khúc Phụ, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đây  là những người sinh ra hậu duệ họ Cao chúng ta ngày nay.

Ông thứ 4 cư trú tại xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nay trưởng tộc là ông Cao Đăng Toại (theo tài liệu biên soạn của Cao Đăng Tuất và Cao Đăng Vẫy ngày 31/3/1989, do Cao Xuân Bích in năm 1991). Di tích đích thực còn tới ngày nay là tấm bia mộ do con cháu xây dựng mộ cụ và đặt bia đá vào năm Tự Đức thứ 2.

Như vậy, một trong 6 anh em người họ Cao có nguồn gốc từ Hà Tĩnh đặt chân đến và tạo nên hậu duệ dòng họ Cao chúng ta là ông Điển, ông chính là tổ phụ của chúng ta.

Nơi mà tổ phụ của họ Cao chúng ta đặt chân đến đầu tiên ở đất Thanh Hóa (khi thuyền bị trôi dạt đến đây) là thôn Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Nhưng dịa danh mà ông tổ của chúng ta lập nghiệp sinh sống là tại thôn Na Thôn, làng Khúc Phụ, xã Hoằng Thanh (lúc Tổ phụ còn sống), huyện Hoằng Hóa. 

Làng Khúc Phụ hiện nay một phần thuộc xã Hoằng Phụ và một phần thuộc xã Hoằng Đông. Vì vậy, hiện nay mộ Tổ thì nằm trên xã Hoằng Phụ, còn nhà từ đường thì nằm trên xã Hoằng Đông (phía sau mộ Tổ có nhà thờ, nhưng năm 2008, con cháu có lập nhà từ đường của họ Cao nằm ở xã Hoằng Đông hiện nay.

Ông mất và mộ được an táng tại đây. Sau khi ông mất 3 người con trai của ông là Cao Đăng Phiên, Cao Đăng Vinh và Cao Đăng Đệ (những người có hậu duệ tạo nên họ Cao chúng ta ngày nay) sinh sống lập nghiệp cũng ở làng Khúc Phụ, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa nên tổ quán của họ Cao chúng ta chính là thôn Na Thôn, làng Khúc Phụ xã Hoằng Thanh (nay là Hoằng Đông và Hoằng Phụ), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

II. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ CAO QUA CÁC THỜI KỲ

Ở thôn Hội Triều, nơi mà Tổ phụ chúng ta đặt bước chân đầu tiên đến đất Thanh Hóa là năm nào, ông bao nhiêu tuổi… hiện nay cũng chưa có một cứ liệu chính xác cho những điều này. Tuy nhiên, ông Cao Đăng Phán (đời IV) được biết năm sinh là 1860, vì vậy chúng ta có thể phỏng đoán được năm sinh của Tổ phụ và năm mà ông đặt chân đến Thanh Hóa như sau:

Ông Cao Đăng Phán sinh năm 1860, là con thứ tư của ông Cao Đăng Vinh (đời III), nếu mỗi người con sinh ra cách nhau 2 năm, thì người con đầu của ông Cao Đăng Dinh (là Cao Đăng Kỳ) sinh vào khoảng năm 1854. 

Ông Cao Đăng Kỳ thuộc đời IV, tức cách ông tổ 3 đời. Nếu ước chừng mỗi đời cách nhau 20 năm thì Tổ phụ chúng ta sinh khoảng năm 1794 (lấy 1854 - [20 x 3]).

Nếu Tổ phụ sinh năm 1794 và giả sử khi ông đi thuyền từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa buôn bán là lúc ông vừa bước vào tuổi trưởng thành (18 tuổi). Thì chúng ta có thể ước tính năm ông đến Thanh Hóa là: năm 1794 + 18 (tuổi) = năm 1812. Đây là thời điểm nằm vào triều đại của vua Gia Long (1802-1820) đang trị vì.

Chưa ai biết Tổ phụ chúng ta làm nghề gì, nhưng ông có người con út là Cao Đăng Đệ học hành đỗ đạt. 

Có 2 lý do để có kết luận này: Thứ nhất, sau ngày hòa bình lập lại, mộ phần của Tổ phụ được con cháu xây dựng trên nền một chiếc mộ bằng đất. Nhưng khi đào xuống để xây móng, con cháu phát hiện mộ có bộ móng hình bát giác và một tấm bia đá xanh có khắc chữ Nho. Điều này cho thấy rằng có thể qua thời gian loạn lạc, chiến tranh ngôi mộ bị hư hỏng phần nấm bên trên, nhưng nguyên thủy nó là một ngôi mộ xây. Mặt khác con cái có học hành, thuộc tầng lớp trí thức, thời đó mới làm bia và khắc chữ Nho.

Trong sách Quốc triều hương khoa lục (tác giả Cao Xuân Dục, người dịch Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993), ở trang 304 có ghi: Khoa thi năm Canh Tuất, năm Tự Đức thứ ba (1850) trường thi Thanh Hóa lấy đậu 16 người, trong đó có tên ông Cao Đăng Đệ người ở xã Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, (Thanh Hóa) ông Cao Đăng Đệ này làm tới chức Tri huyện.

Tuy nhiên, bia của mộ Tổ bằng chữ Hán hiện nay vẫn còn, cho thấy rằng, người đại diện để cùng bà con dòng họ công bố về việc xây mộ lập bia ông Tổ là ông Cao Đăng Khoáng, người ghi văn bia là ông Cao Đăng Doanh (xem thêm bài Bia mộ Tổ ở phần Ngoại phả).

Cần nói thêm rằng, theo truyền ngôn của dòng họ, thì ông Cao Đăng Đệ có bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), tức là phải đạt học vị Tiến sĩ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là truyền ngôn, mà chưa có một ai diện kiến tận mắt tấm bia này tại Văn Miếu, hoặc có những tư liệu để chứng minh cho điều này.

Chúng ta cũng cần biết rằng, thời nhà Nguyễn có 2 cuộc thi là thi Hương và thi Hội, các sĩ tử được thi trong một cụm trường gồm nhiều tỉnh đến thi mà Thanh Hóa là một cụm trường như thế. Sĩ tử vượt qua kỳ thi Hương là phải qua “tứ trường” (nghĩa là qua 4 lần thi ở một cụm trường). Qua được “tam trường” thì đạt được Tú tài, còn qua được “tứ trường” thì đạt được Cử nhân. Đỗ Cử nhân thì mới được ghi tên vào sách Quốc triều hương khoa lục như đã nói trên.

Ông Cao Đăng Đệ làm chức Tri huyện người ở xã Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa phải chăng là cụ Cao Đăng Đệ thuộc đời II họ Cao chúng ta?

Với ước tính như trên, Tổ Phụ (đời I) chúng ta đến Thanh Hóa là khoảng năm 1812 và đến Thanh Hóa ông mới cưới vợ và khoảng 2 năm sau mới sanh con thì người con đầu lòng của ông sinh khoảng năm 1814. Ông Cao Đăng Đệ là con thứ tư của Tổ phụ sẽ sinh khoảng 1820. Nếu ông Cao Đăng Đệ khoảng 20 tuổi là đậu cử nhân, thì năm ông đậu cử nhân là 1840. So với trong sách Quốc triều hương khoa lục ông đậu cử nhân năm 1850. Chúng ta thấy hai thời điểm này cũng suýt soát nhau.

Tổ phụ họ Cao có 3 người con trai (đời II) sống ở Thanh Hóa, hiện nay dòng họ căn cứ vào 3 ông thuộc đời II này để chia làm 3 chi:

- Chi 1: chi ông Cao Đăng Phiên.

- Chi 2: chi ông Cao ĐăngVinh.

- Chi 3: chi ông Cao Đăng Đệ.

Trong 3 chi này thì chi 3 của ông Cao Đăng Đệ là đông con cháu nhất. Ông Cao Đăng Đệ có hai người con trai được chia làm 2 nhánh: nhánh 1 là nhánh ông Cao Đăng Dinh và nhánh 2 là nhánh của ông Cao Đăng Đồng.

Ông Cao Đăng Dinh có 4 người con, chia làm 4 cành: cành 1 ông Cao Đăng Kỳ, cành 2 ông Cao Đăng Dông, cành 3 ông Cao Đăng Vấn và cành 4 ông Cao Đăng Phán.

Gia phả đang thực hiện là gia phả thuộc cành 4, nhánh 1, chi 3 của họ Cao.

III. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

Với cành 4 của ông Cao Đăng Phán, từ thời Pháp thuộc cho tới Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sau này bà con dòng họ Cao chúng ta đều là bần cố nông, không có ai là phú nông, địa chủ, riêng chỉ có 3 người con gái của ông Cao Đăng Phán (đời IV) là thành phần trung nông vì vậy khi lớn lên ai cũng tự lập cuộc sống gia đình riêng của mình nhưng đều nằm trong khuôn khổ đạo đức và pháp luật xã hội.

- Con cháu nội ngoại của ông bà đều trung thành phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

- Các ông, các bà, các thế hệ luôn luôn yêu quý con cháu bất kể là nội hay ngoại. Vì vậy con cháu luôn giữ được thuận hòa đoàn kết tôn trọng nhau, động viên nhau khi gặp khó khăn, tuy vật chất không ai giúp nhau được là bao nhưng tinh thần là vô hạn.

- Sau ngày giải phóng, một số khá lớn con cháu thuộc đời VII, cành 4 di cư từ quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Có thể kể như: gia đình ông Cao Văn Sánh, gia đình ông Cao  Văn Hảo, gia đình ông Cao Xuân Hường, gia đình bà Cao Thị Tảo. Ngoài ra gia đình bà Cao Thị Bính thì vào lập nghiệp ở tỉnh Đồng Nai; Một số khá lớn khác công tác trong ngành công an vào sinh sống tại Thủ Đức, TP.HCM như gia đình ông Cao Hùng Sâm; Cao Thị Hoa con của ông Cao Tiến Hùng…