Trang chủ > 077. Gia phả họ Nguyễn (xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa, Long An)

077. Gia phả họ Nguyễn (xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa, Long An)

21/08/2022 18:32:39

Gia phả họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2013.  

LỜI NGỎ

Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”. Đó là quan niệm đạo lý của người Việt Nam lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Mối ràng buộc trong thân tộc sâu đậm chính là quan hệ huyết thống, trong một họ tộc luôn gìn giữ mối dây liên hệ tình cảm thiêng liêng ấy.

Gia phả họ tộc hay Tộc phả là quyển sách vàng ghi chép cội nguồn dòng họ. Những điều gia phả ghi lại, cho đời sau tỏ tường công lao, đức độ của ông bà đã tạo dựng và phát triển họ tộc, cho con cháu các thế hệ biết mối quan hệ họ hàng, những thành đạt, hoặc thất bại của chi họ. Từ hiểu rõ quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, các thế hệ nối tiếp phấn đấu giữ gìn và rèn luyện để ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình và họ tộc. 

Khi bắt đầu dựng nghiệp đến nay, tổ tiên họ Nguyễn đã đương đầu bao nỗi khó khăn trong cuộc sống, rồi chiến tranh, họ hàng quyến thuộc phân tán khắp nơi nên chưa dựng bộ gia phả. Để có điều kiện thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa bà con ruột thịt, để có thể cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cũng như nhắc nhở con cháu về truyền thống dòng họ. Gia phả cũng là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần quí giá trong hành trang của mỗi thành viên dòng họ trên con đường lập nghiệp. Trong thân tộc còn mộ phần  các bậc cao niên, là những ngôi mộ xây đá ong, nhưng cũng theo truyền thống địa phương, các ngôi mộ không ghi họ tên, chỉ ghi chung CAO TỔ NGŨ ĐẠI và CỐ TỔ NGŨ ĐẠI.

Chỉ đến đời thứ II, ông Nguyễn Văn Trước sanh các ông bà nối tiếp sau mới biết được mối liên hệ thân tộc. Đến nay, trong nhánh của ông Trước đã phát triển thêm năm đời, tức Đời thứ VI.

Trong thân tộc có truyền thống báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua việc chăm sóc mộ phần và giỗ Họ. Hàng năm vào ngày 16 tháng giêng trong tộc ta tổ chức ngày giỗ Họ để cúng  Cửu huyền thất tổ, tổ tiên  và tập hợp con cháu họ Nguyễn các thế hệ. Ngoài ra, chi nào cũng lập bàn thờ, duy trì việc cúng giổ từ đời ông cố, ông nội, đến đời cha do con trai trưởng hoặc con trai út được phân công đảm nhiệm.

Việc dựng gia phả Tộc họ, chăm lo cúng giỗ Họ là điều linh thiêng, song tộc họ chưa lập Gia Phả, Tộc Phả. Nay, anh em tôi, Nguyễn Hồng Hà, và Nguyễn Thị Minh Phương  là con  bà Nguyễn Thị Phướng, cháu ngoại đời  VI , có điều kiện đã tiến hành lập phả họ Nguyễn. Tuy nhiên, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cần phải có thời gian, nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế, với sự đồng ý của bà con thân tộc, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh, giúp đỡ dựng phả nầy.

Ngày 30/4/2011, Trung tâm cử nhóm thực hiện gia phả cùng những người đại diện dòng họ có buổi tiếp xúc đầu tiên để tìm hiểu, ghi chép về bà con thân tộc và nhất là tìm hiểu vị tổ của dòng họ mình tại xã Bính Tả, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đến nay, gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo.

- Bộ Gia phả họ Nguyễn  được dựng theo bố cục như sau:

Phần thứ nhứt : Phả ký.

Phần thứ hai  : Phả hệ.

Phần thứ ba   : Phả đồ.

Phần thứ tư    : Ngoại phả.

Cội nguồn và công lao khó nhọc của tổ tiên chúng ta chỉ qua chuyện kể. Vì vậy, bước đầu tập hợp chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được sự chỉ giáo của bà con thân tộc.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con trong họ, nhất là các dì, cậu  đã dành nhiều thời gian quí báu trong quá trình sưu tầm tư liệu. Gia phả họ Nguyễn là cơ sở quý để con cháu truy tìm cội nguồn của mình.

Rất mong được sự đóng góp và bổ sung của các vị trong họ tộc để quyển gia phả nầy ngày càng hoàn chỉnh hơn.

Quyển gia phả này có thể để cho những nhà khoa học nghiên cứu.

Tháng  Giêng  năm Nhâm Thìn 2012.

Cháu ngoại Đời VII

NGUYỄN HỒNG HÀ VÀ NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG

                 

PHẢ KÝ

Dòng họ NGUYỄN sinh cơ lập nghiệp tại ấp Bình Tả, xã Bình Hữu II, huyện Đức Hòa Thượng, tỉnh Long An. Các bậc tiền hiền đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cho con cháu đời sau một tương lai rạng rỡ. Khi đến mảnh đât nầy khai hoang lập nghiệp, cho đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nơi đây chủ yếu chỉ vài nóc gia, dân số khoảng mươi người, đến nay phát triển khá đông. Điều đáng nói, là đất nước trải qua chiến tranh, các bậc tiền nhân và con cháu họ Nguyễn cùng góp phần đánh đuổi ngoại xâm. Tất cả điều đó là gương sáng để con cháu học tập, tiếp tục truyền thống của dòng họ phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, con cháu các thế hệ trong họ Nguyễn cúng “Cửu huyền thất tổ”, là ngày giỗ Họ, bà con đến dự đều có mối quan hệ thân tộc. Nhưng những người trong họ chỉ biết đến đời ông nội, có người nhớ được tên ông, có người nhớ tên bà, nhưng đến đời ông cố thì không ai nhớ được tên và hành trạng. 

Do ý thức và do bận trăm công nghìn việc, trong họ không có dịp gom góp ký ức, hệ thống những sự kiện liên quan đến xác định tổ quán, phát tích dòng họ. 

Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:

- Xác định tổ quán và  thủy tổ họ Nguyễn.

- Quá trình hình thành, phát triển của dòng họ trải qua hôn nhân và di truyền của các đời.

- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

- Phương hướng xây dựng dòng họ trong tương lai.

I. TỔ QUÁN TỘC NGUYỄN: ẤP BÌNH TẢ, XÃ BÌNH HỮU II, HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN

Tìm hiểu thông tin về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ Nguyễn, qua các tư liệu lịch sử, qua khảo cứu địa chí tỉnh Long An và trưởng lão trong thân tộc, chúng ta có thể ghi nhận các sự việc như sau:

Ông là người họ Nguyễn đầu tiên đến Đức Hòa, Long An khai hoang, lập nghiệp. Tuy nhiên, ông từ đâu đến, con cháu chưa có thông tin. Qua lịch sử tỉnh Long An, chúng ta được biết, nơi đây trước là rừng hoang, đến khi có những người di dân từ miền Trung vào Nam khẩn hoang, lập nghiệp, chọn vùng đất này định cư. Thời kỳ nầy, theo lịch sử thuộc triều đại nhà Nguyễn với chủ trương đưa dân vào mở rộng vùng đất phương Nam. Con cháu đời sau biết đến đời thứ hai có tên là ông NGUYỄN VĂN TRƯỚC (dùng phương pháp gia phả học truy ra năm sinh) nhưng cũng không có nhiều thông tin gì hơn. Sự phát triển dòng tộc, đến nay là đời thứ VI. 

Lịch sử tỉnh Long An ghi: Đức Hòa nguyên là tên gọi của một thôn trong 74 thôn của tổng Long Hưng, huyện Tân Long phủ Tân Bình, trấn Phiên (tư liệu Gia Định thành thông chí, tập trung, tr 34). Khi tỉnh Chợ  Lớn được thành lập năm (1909) Đức Hòa là tên của một trong 5 làng của tổng Cầu An Hạ.  Năm 1913, tên Đức Hoà mới được chính thức đặt cho một đơn vị hành chính cấp quận (délégation) gồm hai tổng Cầu An Hạ và Cầu An Thượng. Năm 1946, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ra quyết định hợp nhất hai huyện Đức Hoà và Đông Thành (huyện Đức Huệ ngày nay) lấy tên là Đức Hoà Thành, thuộc tỉnh Gia Định Ninh (Chợ Lớn – Gia Định – Tây Ninh hợp lại). Năm 1965, khi tỉnh Chợ Lớn nhập với Tân An, thì huyện Đức Hoà là một huyện của tỉnh Long An. Từ đó đến nay, tuy có một vài thay đổi về địa giới hành chính, nhưng tên Đức Hoà vẫn không thay đổi.

Ngày 15/10/1963, chính quyền Sài Gòn cắt hai huyện Đức Hoà và Đức Huệ của Long An đem nhập với hai huyện Trảng Bàng và Củ Chi, lập thành một tỉnh mới: Hậu Nghĩa. Tỉnh này tồn tại cho đến ngày giải phóng.

Là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Long An, đông giáp thành phố Hồ Chí Minh, tây giáp huyện Đức Huệ, nam giáp huyện Bến Lức, bắc giáp huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Đức Hoà có diện tích tự nhiên 412 km2, dân số 166.000 người, mật độ bình quân 403 người /km2. Mười sáu xã của huyện được phân bố trên hai vùng địa hình khác nhau. Các xã nằm giữa sông Vàm Cỏ Đông và tỉnh lộ 10: Lộc Giang, An Ninh Tây, Hiệp Hoà, Tân Phú, Hoà Khánh Tây, Hựu Thạnh, Hoà Khánh Nam, Đức Hoà Hạ có địa hình thấp, nhiều lõm, bị chia cắt bởi những bưng, đìa và kênh, rạch nhỏ. Các xã nằm bên bắc tỉnh lộ 10: Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hoà Đông, An Ninh Đông, Hoà Khánh Đông, Đức hoà Thượng thuộc vùng đất cao, có nhiều gò, giồng. Đó là dấu vết những khu rừng cũ, hiện còn lưu giữ lại trong một số địa danh ngày nay như: Rừng Dầu, Rừng Sến, Dên Dên, Rừng Cám…

Đức Hoà cũng là huyện duy nhất của tỉnh có 3 thị trấn: Đức Hoà, Hiệp Hoà, Bàu Trai.

Khác với các huyện phía nam, nơi kênh rạch chằng chịt đóng một vai trò trọng yếu trong giao thông, ở Đức Hoà, ngoài con sông Vàm Cỏ Đông với những con rạch nhỏ dẫn vào một số thôn xóm, việc đi lại trong huyện chủ yếu là bằng đường bộ và ghe xuồng các tỉnh lộ số 6,7,8,9,10 nối liền ba trị trấn với hệ thống đường nông thôn khá tốt, đảm bảo cho xe cơ giới, xe ngựa, xe bò có thể đi lại trong 4 mùa tận đến các xóm ấp. Hệ thống giao thông này còn nối liền với quốc lộ 1 và các huyện ngoại thành phía tây thành phố Hồ Chí Minh, làm cho việc đi lại càng thêm thuận lợi. 

Do những đặc điểm về đất đai và giao thông thuận lợi, kinh tế Đức Hoà khá phong phú và đa dạng. Ngoài lúa, Đức Hoà còn có nhiều loại cây công nghiệp như: đậu phộng, mía, thơm, điều, thuốc lá, đặc biệt, cây mía và cây đậu phộng đã đem lại cho nhân dân địa phương một nguồn thu nhập đáng kể. Trong tương lai, hai loại cây “chủ lực” này cũng sẽ đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế của huyện.

Nằm ở cửa ngõ phía tây thành phố Hồ Chí Minh, Đức Hoà có mối quan hệ gắn bó khá đặc biệt với vùng đất Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá và cả về họ hàng thân thuộc. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có hơn 6.000 người con thân yêu của Đức Hòa ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có 9 gia đình có 5 liệt sĩ, 171 gia đình có từ 3 đến 4 liệt sĩ. Trong thân tộc Nguyễn tại Bình Hữu tộc ông Nguyễn Văn Trước cả họ nội ngoại có   Liệt sĩ, trong đó có những bậc được nêu trong bia danh tại Bình Tả như ông Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Văn Ngọc, ông Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Thị Phái… Về sau, Đức Hòa còn có người làm đến chức Chủ tịch nước. 

Phát huy những truyền thống bất khuất của địa phương cũng như tộc Nguyễn, nhân dân Đức Hòa trong những năm hòa bình đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, tổ chức lại sản xuất và đời sống, ra sức khắc phục mọi khó khăn xây dựng huyện Đức Hòa ngày một phát triển vững mạnh.

Theo hậu duệ họ Nguyễn sống trên vùng đất Đức Hòa cho biết: Ông Nguyễn Văn Trước khởi nghiệp từ ấp Bình Tả, con cháu phát triển đông đúc và sinh sống ở Đức Hòa Thượng, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam. Nghề sống chính của dân cư toàn xã là làm ruộng, làm vườn.

Thôn Bình Tả ngày nay là ấp Bình Hữu có nhiều đổi mới: Đường chính liên huyện tráng nhựa, hệ thống giao thông thuận lợi, lưới điện, nước máy vào đến tận mỗi nhà, dân chúng tiếp nhận nhanh chóng mọi nguồn thông tin từ hệ thống Tivi, truyền thanh, điện thoại. Ngoài nghề nông truyền thống, nhiều gia đình đã có con em cán bộ, công nhân viên, làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp, nhiều người chuyển sang kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt và nhiều ngành mới theo cuộc sống thời đại. Cuộc sống nhân dân ổn định, trong đó có thân tộc họ Nguyễn. Đó là điều tốt cho xã hội ta ngày một phát triển.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

A. Vị họ Nguyễn có công khai sáng dòng họ tại ấp Bình Tả, ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, tỉnh Long An, tuy không biết chính xác tuổi tác, nhưng con cháu các thế hệ biết được mối quan hệ Tộc Họ qua hai ngôi mộ ghi bằng Quốc ngữ: Mộ thứ nhứt: “Cao tổ ngũ đại” và mộ thứ hai: “Cố tổ ngũ đại”, qua nghiên cứu của Trung tâm, chúng ta ước chừng 25 năm của một thế hệ, do dó năm sinh của các thế hệ trên được tính cộng thêm 25 năm. (Cha và con đầu cách nhau 25 năm và hai người con kế nhau, cách nhau là 2 tuổi. Từ đó truy ra, ông … sinh năm …)

B. HỌ NGUYỄN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ 

Sự phát triển các đời:

HỌ NGUYỄN TỪ ĐỜI IV ĐẾN ĐỜI VI         

Trong phần Phả ký đã nêu: người khai sáng dòng họ Nguyễn tại Bình Tả, Đức Hòa, Long An còn khuyết danh, được biết ông chỉ sanh một người con trai, phát triển đời thứ II Ông Trước lập gia thất với bà (còn khuyết danh), sanh bảy người con: Nguyễn  Thị  Truất (tức Tuất), Nguyễn Văn Triện, Nguyễn  Thị Tất, Nguyễn  Thị Khánh, Nguyễn Văn Nhạn, có 2 người không biết tên là người thứ bảy và thứ tám. Người thứ tám nghe bà con trong họ báo lại là ông đã đi tu ở một chùa tại Bà Điểm Hóc Môn, không còn liên lạc với gia đình.

Như vậy đến đời thứ III, họ Nguyễn phát triển đến đời thứ IV, từ 2 ông là ông Nguyễn Văn Triện và Nguyễn Văn Nhạn.

Ông Nguyễn Văn Triện lập gia thất sanh ra chín người con: Nguyễn Thị Đảnh Nguyễn Thị Canh, Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Thị Nghiêm, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Di, Nguyễn Văn Khuôn, Nguyễn Văn Tuân– Liệt sĩ.  người thứ bảy mất lúc còn nhỏ. Trong các người con, có 4 người con trai đều đã lập gia thất và phát triển dòng họ đến đời thứ  V.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Họ Nguyễn là một họ có nhiều người nhứt trong cả nước. Đi đến vùng nào đều gặp người họ Nguyễn. Riêng tại Bình Tả, tộc Nguyễn, khi di dân đến Nam Bộ, đã đến vùng đất nầy khai hoang, lập nghiệp sinh sống như đã nêu.

Hiện nay, con cháu trong tộc họ Nguyễn làm việc tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân. Mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây cũng đã chứng minh điều này. Sau do chiến tranh, nay nhiều mộ được xây lại bằng những vật liệu cổ như đá ong. Mộ ông đời thứ I đến đời thứ II nay vẫn chưa rõ danh tánh. Con cháu thuộc chi nầy phát triển sinh sôi nối nghiệp cho đến nay là đời V và Đời VI luôn hướng về cội nguồn giữ truyền thống giỗ chạp, chăm sóc mộ phần và ngày đêm hương khói.

1. Truyền thống giữ gìn đạo hiếu và nhân nghĩa

Tổ tiên, con cháu họ Nguyễn luôn tôn trọng đạo hiếu, biết ơn tổ tiên ông bà và các thế hệ tiền bối đã sinh thành nuôi dưỡng răn dạy con cháu thành người. Tất cả mọi người trong dòng tộc đều rất tự hào về họ Nguyễn. Luôn sống có tâm, có đức, có lòng nhân nghĩa, hướng thiện. Từ người dân thường đến các vị có chức cao đều luôn đề cao chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trong họ không có người làm điều gì trái với truyền thống dòng họ, làm thân tộc phiền muộn, những trường hợp không phải đều được bà con khuyên răn. Ngày Giỗ Họ Nguyễn và việc chăm sóc mộ phần:         

Hằng năm vào ngày 16 tháng giêng Âm lịch, là ngày Giỗ Họ, Các nhà trong thân tộc đều lập bàn thờ gia tiên, thờ ông bà, cha mẹ. Điều đáng nói, là con cháu họ Nguyễn dẫu đi khắp nơi vẫn tìm về tổ quán, nhớ ngày giỗ họ về đốt nhang viếng ông bà, tổ tiên và gắn bó tình cảm trong thân tộc.

Con cháu cũng thường xuyên chăm lo phần mộ ông bà tại khu mộ, những ngôi mộ nơi đây xây dựng khang trang theo phong cách địa phương: đá ong, nhưng chưa lập bia mộ, những mộ mới, xây bằng xi măng, sơn nước trang nhả, có bia mộ ghi rõ năm sinh, ngày, tháng, năm từ trần. Hằng năm, vào 25 tháng chạp, thân tộc họ Nguyễn về dãy mã, sửa sang phần mộ. Nơi đây, có trên 30 ngôi mộ, có mộ xây bằng đá ong, vật liệu xây mộ từng khối ghép lại thành mộ niên đại các đá ong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tuy nhiên vẫn còn nhiều ngôi mộ đất, chưa được xây dựng và chưa có mộ bia. Các người lớn tuổi định vị ngôi mộ  tổ của dòng họ, do không rõ danh tánh nên  khắc trên mộ bia là CAO TỔ NGŨ ĐẠI và CỐ TỔ NGŨ ĐẠI.

Ngoài giỗ Họ, trong thân tộc rất tôn trọng việc thờ phụng ông bà trực hệ. Mỗi nhà đều lập bàn thờ: ông bà, cha mẹ, gọi là bàn thờ gia tiên và những người độc thân đã khuất, nhiều nhà cúng giỗ đến đời ông Cố. Từ ông Sơ trở lên đưa vào giỗ Họ theo tục “ngũ đại mai thân chủ”. 

Tất cả những điều trên cho thấy lòng hiếu thảo, sự tôn vinh của con cháu với tổ tiên. Đó cũng là sự giáo dục thiết thực sâu sắc các thế hệ sau, luôn quan tâm đến người đã khuất, cố gắng học tập, làm việc tốt rạng danh dòng họ.

2. Truyền thống cần cù trong lao động

Xuất thân từ nông dân và sống chủ yếu ở nông thôn, Họ Nguyễn có truyền thống cần cù trong lao động. Nghề chính tại địa phương cũng như trong gia tộc là làm ruộng, trồng hoa màu: mía, đậu phọng. Ngày nay, khi chuyển sang là thị trấn, bà con trong họ phần lớn chuyển sang các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, làm việc các cơ quan nhà nước và công nhân các công ty. Tuy chưa có sáng kiến độc đáo, nhưng bà con bằng sức lao động đã tạo cuộc sống khấm khá, nhiều nhà tường, xây kiên cố khang trang, thay cho nhà vách, mái lá xưa kia. 

3. Truyền thống hiếu học

Họ Nguyễn-  là một họ rất hiếu học, con cháu các thế hệ đều được cắp sách đến trường. Có người biết và giỏi chữ Nho đọc sách coi ngày giờ tổ chức đám cưới, đám hỏi, tang chế... dạy chữ thánh hiền cho bà con trong họ cũng như xóm giềng trong vùng một thời. 

Ngày nay, có điều kiện thuận lợi, nhiều người đã phát huy truyền thống, phấn đấu trong học tập nên đã có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực: khoa học, văn hóa, chính trị, nhiều cử nhân khoa hoặc xã hội, khoa học nhân văn, cử nhân kinh tế, thạc sĩ, nhiều người thành đạt là cán bộ lãnh đạo, công nhân kỹ thuật, giáo viên. Tộc Nguyễn, đến đời thứ VI khi địa phương được đô thị hóa, đất đai thu hẹp, các bậc cha mẹ xác định: chỉ đầu tư kiến thức, nghề nghiệp cho con cháu mới là điều thiết thực trong cuộc sống, nên nhiều thanh niên đời VII, được đi học đến đại học với nhiều ngành nghề phù hợp, đóng góp chuyên môn về ngành nông nghiệp cho công cuộc xây dựng tổ quốc.

4. Truyền thống yêu nước và cách mạng

Được tổ tiên và xã hội giáo dục, các thế hệ con cháu trong dòng họ luôn có tinh thần yêu nước sâu sắc. Bao nhiêu thế hệ con cháu theo cách mạng đã chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong họ còn có nhiều người tham gia bộ đội, dân quân du kích trực tiếp chiến đấu trong 2 thời kỳ đánh Pháp và đánh Mỹ. Nhiều bà, mẹ, chị không trực tiếp chiến đấu nhưng là cơ sở của cách mạng, nhiều người trong tộv họ là lãnh đạo đia phương, được ghi danh trong bảng  ghi công tại xã. Có thể nói sự đóng góp của các thế hệ con cháu họ Nguyễn trong kháng chiến là vô giá. Trong thân tộc có các Liệt sĩ. 

Trong thân tộc có các ông bà: tham gia kháng chiến chống Mỹ, cũng thoát ly vào chiến khu đến ngày giải phóng mới về. Có ông bị địch bắt và đày đi nhiều nhà tù, bị đày ra Côn Đảo. 

Nhìn chung, họ Nguyễn cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền hiền là những nông dân chất phát, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, gắn bó cùng quê hương xóm làng. Cũng chính vì vậy mà các vị đời sau đã đồng cảm và dễ dàng đến với cách mạng, tham gia cách mạng để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và cho chính bản thân mình. Tuy trong thực tế có một số người sau này trở thành những cán bộ cao cấp,  nhưng vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Thế hệ con cháu hiện nay phấn đấu học tập với các ngành nghề chuyên sâu, tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước. 

 Bia danh tưởng niệm 

“ Nơi đây ấp Giồng Cám, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa , tỉnh Long An.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 1930, đồng chí Võ Văn Tần chủ trì cuộc họp Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, quyết định chuyển sang thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ đầu tiên nầy trong tỉnh gồm 7 thành viên:

- Võ Văn Tần - Bí thư

- Võ Văn Ngân

- Võ Văn Tây

- Võ Thị Phái

- Nguyễn Văn Sậy

- Nguyễn Văn Ngọc

- Nguyễn Văn Thỏ

Chi bộ ra Quyết nghị đầu tiên lấy “Cách mạng tháng 10 Nga” làm nội dung tuyên truyền và phương hướng hoạt động của Đảng ở địa phương. Đây là sự kiện bước ngoặt lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Long An. Từ đây phong trào yêu nước chống xâm lược của nhân dân trong Tỉnh: Bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập”. 

Trong Bia danh, người thứ bảy: Nguyễn Văn Thỏ là ông Nguyễn Văn Thới, Đời IV, tộc Nguyễn - Đức Hòa - Long An. Ông Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân là con bà Nguyễn Thị Truất, Đời III. Các ông nguyễn Văn Sậy, Nguyễn Văn Ngọc đều là em ông Thới trong tộc họ Nguyễn.

Việc dòng họ chủ trương dựng bộ Gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt sự đoàn kết tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội. 

Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ tiếp tục lập nên sự nghiệp, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.

IV. PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ

Có GIA PHẢ, NGÀY GIỖ HỌ trước khí thiêng MỒ MẢ ÔNG BÀ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng dòng họ tộc Nguyễn như sau:

1. Con cháu các thế hệ cùng phấn đấu gìn giữ truyền thống lao động, yêu nước quý báu của dòng họ: sửa sang phần mộ tổ tiên, duy trì việc thờ cúng ông bà là đạo lý của người Việt Nam

2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn trong ấm, ngoài êm. Mỗi chi, nhánh, mỗi gia đình phát huy những mặt tích cực đóng góp, xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có họ tộc chúng ta.

3. Duy trì việc chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài một cách thiết thực trong dòng họ.

4. Trong họ tộc cùng chăm lo:

- Giỗ họ nghiêm túc.

- Mồ mả khang trang.

- Bộ gia phả hoàn chỉnh. 

5. Trong ngày Giỗ Họ nên tổ chức nhiều hoạt động như: Liên kết họ Nguyễn trong vùng nhằm mở rộng vòng tay thân tộc, kết nối quan hệ bàng họ Nguyễn trong vùng. Xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình gặp khó khăn, quỹ học bỗng cho con cháu học giỏi và chúc thọ các cụ lớn tuổi…Tất cả những việc làm có ích sẽ gắn bó thân tộc trong mái nhà chung, làm cho dòng họ mãi mãi trường tồn, vinh danh.

Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào tháng sáu năm Quý Tỵ 2013, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi, nhánh,  bổ sung kịp thời vào Gia phả. Gia phả tộc Nguyễn chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi với gia tộc.