Trang chủ > 071. Gia phả họ Châu (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

071. Gia phả họ Châu (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

21/08/2022 12:44:49

Gia phả họ Châu ở phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012. 

LỜI NÓI ĐẦU

Mỗi người được sinh ra đều có tổ tiên, ông bà cha mẹ cũng như một dòng sông, một con suối đều có cội nguồn của nó. Vì vậy nên ông bà ta nói:

“Cây có cội, nước có nguồn

Chim có tổ, người có tông”

Và ông bà ta còn dạy: “làm người phải biết tông tích tổ tiên” là để nhắc nhở ta phải tìm về cội nguồn dòng họ, để tri ân tổ tiên và cũng để phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình và cũng để góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Muốn tìm cội nguồn thì phải nhờ vào gia phả nhưng tổ tiên họ Châu ta là lưu dân đến lập nghiệp tại vùng đất Cà Mau không mang theo gia phả. Ông Tổ họ Châu ta đã có mặt ở vùng đất Cà Mau từ đầu thế kỷ XIX khi vùng đất này còn hoang vu với nhiều loại cây tạp. Ông đã đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, ra sức khai hoang mở đất, tạo lập ruộng vườn, nuôi dạy con cháu nên người.

Trải qua nhiều thế hệ, con cháu noi gương ông, lao động cần cù để kiếm sống, đã gìn giữ truyền thống dòng họ, nề nếp gia phong và tham gia vào hai cuộc chiến tranh đánh Pháp đuổi Mỹ giải phóng quê hương đất nước.

Công lao của tổ tiên, truyền thống của dòng họ đáng được ghi vào gia phả để con cháu các thế hệ sau tự hào và phát huy.

Cũng do chiến tranh kéo dài hơn một thế kỷ, dòng họ ta đã có một số người hy sinh trong hai cuộc chiến, một số người ở tại quê hương vừa làm du kích, dân quân vừa sản xuất dưới mưa bom lửa đạn của kẻ thù, còn một số phải xa rời tổ quán để lo cuộc mưu sinh nên họ hàng ít gặp nhau.

Cũng vì chiến tranh mà tôi và em tôi (Huệ Cẩm) tuổi nhỏ phải sống xa cha mẹ, sống xa quê hương đất tổ, không biết họ hàng thân tộc, lúc ở chiến khu, lúc ra Miền Bắc, có lúc phải sống xứ người, người lo việc học hành. 

Tuy sống xa quê hương, nhưng trong trí nhớ tôi luôn in đậm những hình ảnh thân thương của tuổi thơ. Đó là dòng sông quê hương, đó là hình ảnh ông Nội tôi cởi trần, áo vắt vai đi đánh lá mía. Đó là hình ảnh bà Nội tôi mặc thật nhiều áo, sau đó bà cởi ra từng cái dạy tôi tập đếm 1,2,3… Đó là hình ảnh Hia Điệp, Hia Huệ, Hia Vui và các Hia, các Chế của tôi chạy ra đồng sau nhà để hái năng. Đó là hình ảnh cây bả đậu trên bến nước in bóng xuống dòng sông trước nhà. Và đó là những ngày ít ỏi tôi được sống cùng Ba, Má. 

Những hình ảnh thân yêu đó luôn luôn ở trong tâm trí tôi, đi theo tôi suốt những năm tháng chúng tôi sống xa quê hương, dòng họ. Lúc nào chúng tôi cũng ước mơ được trở về quê hương, được gặp lại những người thân yêu của mình. Khi đất nước thống nhất, chúng tôi được trở về quê hương, nhưng Ông Bà Nội đã mất, Ba má cũng hy sinh, Hia Vui, Hia Huệ cũng không còn.

Bao nhiêu năm xa cách, khi trở về thì người mất người còn. Các Chế, các Hia thì đa số đều đã “lên chức” Ông Bà, có con cháu nhiều và vui hơn. Chúng tôi bở ngỡ, chẳng biết xưng hô như thế nào cho đúng. Cho tới bây giờ, đã nhiều lần về quê, nhiều lần cùng con cháu lội ra ruộng bắt cá… mà tôi vẫn chưa biết được hết bà con dòng họ của mình. Chính vì vậy mà tôi đã ấp ủ ý tưởng phải lập gia phả cho dòng họ, để đời sau con cháu dù ở tại quê hương hay đi xa khắp bốn phương trời cũng biết được dòng họ, tổ tiên và cội nguồn của mình. 

Năm 2000, chị em tôi cũng đã tìm được mộ của Ba sau mấy mươi năm thất lạc. Mộ của Má cũng được đem từ Hà Nội về. Hiện nay, mộ của Ba Má tôi được chôn cất tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. 

Năm 2010, con cháu đời thứ V của dòng họ Châu đã cải táng mồ mả ông bà, tập trung về tại ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu để thuận tiện cho việc họp mặt và thăm viếng. Còn việc lập gia phả thì chưa thực hiện được.

Ngày nay con cháu họ Châu ta ngày càng đông nhưng không rõ các mối họ hàng với nhau. Và các bậc cao niên đã qua đời gần hết. Các cụ cũng có tìm họ hàng lập gia phả nhưng khi tìm đến con cháu những người này thì gia phả cũng không còn. Nếu không lập gia phả cho dòng họ ta thì con cháu sau này lớn lên không biết đâu là cội nguồn, đâu là bà con dòng họ, thế thứ để xưng hô cho phải đạo và cũng để tránh không sai lầm khi kết hôn với người trong họ.

Do vậy, việc lập gia phả của họ ta hiện nay là cần thiết. Nhưng lập gia phả phải biết chuyên môn nghiệp vụ, phải có thời gian đi sưu tầm. Qua bạn bè tôi biết được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên dựng gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ Trung tâm này dựng bộ gia phả cho họ Châu ta.

Bộ gia phả có cấu trúc như sau:

- Lời nói đầu: nêu lý do dựng phả.

- Phả ký: ghi tóm tắt lịch sử của dòng họ ta gồm lai lịch ông bà Thủy tổ, tổ quán, công lao dựng nghiệp của ông bà và truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

- Phả hệ: ghi tên, tuổi hành trạng của từng thành viên trong họ tộc của từng thế hệ.

- Ngoại phả: gồm tiểu sử một số nhân vật nổi bật trong họ và nói về mồ mả họ tộc, nhà thờ tổ và việc thờ cúng tổ tiên.

Với tư cách là cháu gái - hậu duệ đời V, chi I, tôi xin thay mặt cho các Hia đứng ra vận động thành lập bộ gia phả của họ Châu, và cũng xin trân trọng sự nhiệt tình của bà con trong họ tộc đã cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho các chuyên viên hoàn thành bộ gia phả này.

Tôi cũng xin ghi nhận sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã đến tận Bạc Liêu – Cà Mau để thu thập thông tin cho việc lập bộ gia phả này được chính xác.

Dù có nhiều cố gắng song không khỏi thiếu sót, mong bà con tiếp tục phát hiện và bổ sung bộ gia phả được hoàn chỉnh.

Bộ gia phả này có thể phổ biến rộng rãi.

Ngày 19 tháng 05 năm 2012

Hậu duệ đời V, Chi II

Châu Nhật Sinh

 

PHẢ KÝ

I. PHƯỜNG 5, THÀNH PHỐ CÀ MAU NGÀY ẤY - BÂY GIỜ

1. Từ Hà Tiên đến Cà Mau

Qua nghiên cứu nguồn gốc họ Châu, con cháu họ Châu hiện nay đều xác nhận tổ quán họ Châu là phường 5, thành phố Cà Mau.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến tổ quán của họ Châu mất 10 giờ ngồi xe, đi theo Quốc lộ 1. Khi vào địa phận của tỉnh, đi qua bến xe Cà Mau đến nhà thờ Bảo Lộc thì rẻ phải vào đường Phan Ngọc Hiển, bỏ ngã tư thứ nhất đến ngã tư thứ hai thì rẻ vào đường Hùng Vương là đến địa phận phường 5, thành phố Cà Mau và cũng là tổ quán của họ Châu.

Dưới thời Pháp thuộc, phường 5, thành phố Cà Mau chưa có tên trên bản đồ hành chánh của quận Cà Mau. Nó chính thức được khai sinh giữa mùa xuân năm 1975 nhưng quá trình hình thành của nó từ quá trình hình thành tỉnh Cà Mau.

Cà Mau xưa là tỉnh được khai khẩn muộn màng so với các tỉnh trong khu vực. Đến đầu thế kỷ XVII, vùng đất Cà Mau dân cư còn thưa thớt, đất đai còn hoang vu.

Thời Gia Long (1802 – 1819) những giồng đất cao ráo ở ven sông ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn lập thành xóm, ấp. Mãi cho đến thời Tự Đức (1847 – 1883) Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn.

Thuở xa xưa, vùng đất Cà Mau thuộc Vương quốc cổ Phù Nam. Khi Vương quốc này tiêu vong vào khoảng thế kỷ XVI thì khu vực sông Cửu Long trở thành hoang vu.

Vào cuối thế kỷ XVII, niên hiệu Khang Hy thứ 9 (Trung Quốc), Mạc Cửu là tướng của nhà Minh không đầu phục nhà Thanh, đã dẫn một số người chạy qua đất Chân Lạp, sinh sống tại Nam Vang. Ông lập được 7 xã dọc theo bờ biển. Hai xã phía cực Nam nước ta là Rạch Giá và Cà Mau. Do tình hình nước Chân Lạp suy yếu, Mạc Cửu dâng vùng đất này thần phục chúa Nguyễn. Sách Đại Nam Thực Lục viết: “… Cửu người Lôi Châu Quảng Đông, nhà Minh mất, để tóc, chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha, thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy có nhiều người buôn, các nước tụ họp bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhận chiếu tập phiêu dạt đến các nơi: Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Lương Cày, Hương Úc, Cà Mau (thuộc tỉnh Hà Tiên) lập thành 7 xã, thôn. Thấy đất ấy tương truyền có người tiên thường hay hiện ở trên sông, nhân thể đặt tên là Hà Tiên. Đến đây Cửu ủy quyền cho người thuộc bộ là Trương Cầu và Lý Xa dâng thư xin làm Hà Tiên Trưởng, Chúa nhận cho, trao chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ, đóng ở Phương Thành, nhân dân đến ngày càng đông”.

Về sau ông giao lại cho con là Mạc Thiên Tứ quản lý, củng cố lại cơ nghiệp của ông để xây dựng Hà Tiên. Lưu dân vùng này hầu hết là người Hoa gồm các dân tộc: Phước Kiến, Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Triều Châu. Vì chống lại nhà Thanh nên bị săn đuổi phải chạy sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ cho đoàn người Hoa lưu vong di cư vào huyện Trấn Di của tỉnh Bạc Liêu để khai hoang, lập nghiệp, đông đảo nhất là người Triều Châu. Mạc Thiên Tứ vâng lệnh chúa Nguyễn lập ra đạo Long Xuyên (vùng đất Cà Mau ngày nay), có tính quân sự.

Năm Gia Long thứ VII, đạo Long Xuyên được đổi ra là huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên.

Năm Minh Mệnh thứ 26 (1825) vua Minh Mệnh cho đặt một quan tri huyện để cai trị.

Đầu thế kỷ XIX khi Nam Bộ chia thành 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì Hà Tiên có ba phủ 7 huyện, Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên, phủ An Biên. Khi Nam Kỳ lục tỉnh chia thành 20 tỉnh thì Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 9 tháng 3 năm 1956 chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau, quận Quảng Xuyên và 4 xã của quận Giá Ray lập ra tỉnh Cà Mau.

Tháng 10 năm 1956 tỉnh Cà Mau được đổi ra là tỉnh An Xuyên.

Sau giải phóng, năm 1976 Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải.

Năm 1996 tỉnh Minh Hải được tách ra thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

2. Phường 5, thành phố Cà Mau ra đời

Phường 5 thành phố Cà Mau nằm trong vùng đất Cà Mau, đã chịu sự thay đổi hành chánh trong quá trình hình thành và phát triển. Thời Pháp thuộc, Cà Mau gọi là thị tứ Cà Mau. Đến năm 1926, quận Quảng Long được thành lập, chính quyền cách mạng gọi là thị xã Cà Mau. Mãi đến năm 1956 thì vùng đất từ cầu Bùng Binh đến cầu Quây (nay là cầu Phan Ngọc Hiển) gọi là ấp Tân Sinh 5. Từ cầu Phan Ngọc Hiển đến cầu Mới (nay là cầu Cà Mau mới xây sau 30/4/1975) gọi là ấp Tân Sinh 6. Hai ấp Tân Sinh 5 và Tân Sinh 6 thuộc xã Tân Xuyên, quận Quảng Long, tỉnh An Xuyên. Từ năm 1954 đến năm 1965 phường là đơn vị hành chánh thay cho xã nhưng địa giới hành chánh vẫn không thay đổi, vẫn là ấp Tân Sinh 5 và Tân Sinh 6.

 Để chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, chính quyền cách mạng thị xã Cà Mau chia lại địa giới hành chánh. Ngày 24/4/1975 tại Nhà Phấn thuộc huyện Cái Nước, Thị ủy thành lập tổ chức Đảng, chính quyền lấy ấp Tân Sinh 5 và Tân Sinh 6 của xã Tân Xuyên lập ra phường 5.

Năm 1976, ấp 1 của xã Tân Thành được sát nhập vào phường 5 cho đến nay (năm 2012).

Như vậy, tiền thân của phường 5 là ấp Tân Sinh 5 và 6 của xã Tân Xuyên và ấp 1 của xã Tân Thành, quận Quảng Long, tỉnh An Xuyên. Nay là phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Vùng đất này xưa là rừng rậm với nhiều loại cây tạp như: cây gừa, chà là, dừa nước che phủ, là nơi sinh sống lý tưởng của chim muông, thú rừng. Cư dân gồm một ít người Kinh, người Khmer, người Hoa sinh sống từ cầu Cà Mau đến cầu Phan Ngọc Hiển, dần dần mở rộng đến Bùng Binh vàm Cái Nhúc, rạch Ông Đôi. Cư dân đến đây cắm đất, dọn luồng ra công khai phá, một nắng hai sương mặc cho muỗi mòng cắn đốt, đói rét bệnh tật cả mấy năm trời mới làm ruộng được nhưng thành quả lao động đã bị giai cấp phong kiến tước đoạt. Tên địa chủ Việt gian quốc tịch Pháp là Huỳnh Quang Tửu – chánh án Tòa án Bạc Liêu, bao chiếm đất đai của nông dân quận Cà Mau khai phá hơn 1.500 ha (gồm cả địa bàn phường 4, 5, 6 ngày nay). Đến đầu thế kỷ thứ XIX nhân dân lại bị thực dân Pháp bóc lột, bắt đi phu, lao dịch vất vả, thuế má nặng nề. Một số nông dân không sống nổi trong đồn điền của Huỳnh Quang Tửu, phải lần lượt bỏ đi nơi khác. Vốn mang trong mình dòng máu phóng khoáng, yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm nên khi thành quả lao động bị tước đoạt, bị bóc lột thì vùng lên đấu tranh mạnh mẻ.

Từ khi có Đảng, nhân dân Cà Mau theo Đảng đấu tranh dưới sự lãnh đạo của đảng; tích cực đóng góp nhiều công lao, tiền của và cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

II. PHƯỜNG 5 THÀNH PHỐ CÀ MAU TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

Mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân phường 5, thành phố Cà Mau đã tích cực hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội do Đảng phát động (1936 – 1939), đã hăng hái gia nhập đoàn Thanh niên, tổ chức Phụ nữ, đăng ký vào bản “Dân nguyện” đòi tự do hội họp, chống bắt lính đi phu, sưu cao, thuế nặng. Rồi sau đó đã nhất tề đứng lên với tầm vông vạt nhọn, giáo mác, tổ chức mít tinh, biểu tình bao vây dinh quận buộc Đốc phủ Kế phải giao nộp chính quyền cho cách mạng, giải phóng phường 5 góp phần thắng lợi trong Cách Mạng Tháng Tám 1945.

Năm 1946, chiến tranh Thế giới thứ II chấm dứt, Pháp được sự trợ giúp của đồng minh tái chiếm nước ta, nhân dân phường 5 hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch và thực hiện theo sự chỉ đạo của Thị ủy là làm tiêu thổ kháng chiến, phá lộ Cà Mau – Năm Căn, lộ Bạc Liêu – Cà Mau góp phần làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch. Rồi trong 9 năm kháng chiến nhân dân đã che chở, nuôi chứa bộ đội Tiểu đoàn 307 và khi Hiệp định Genève được ký kết, công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì thị xã Cà Mau được vinh dự nằm trong khu tập kết 200 ngày của Nam Bộ.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổ Đảng phường 5 chỉ có hai đảng viên và Chi đoàn Thanh niên chỉ có 20 người nhưng với lòng yêu nước, lòng căm thù giặc và lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân phường 5 quyết tâm sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới gay go, phức tạp hơn. Nhiều cơ sở cách mạng được thành lập trong lòng đô thị như:

- Bà chủ vựa cá Nguyễn Thị Lan vừa tiếp tế lương thực vừa vận động các chủ vựa khác đóng góp cho cách mạng. Chỉ trong năm 1956, nhân dân phường 5 góp được 50.000đ (bằng 100 giạ lúa).

- Chủ hiệu thuốc Đông y tại ấp Tân Sinh 6 – bà Hồng Loan theo dõi tình hình báo cáo cho Thị ủy viên đang hoạt động tại Cà Mau suốt từ năm 1961 – 1963.

- Bà Thái Mỹ Linh nhà gần miếu bà Chúa Xứ (ấp 1, phường 5) làm liên lạc và đào hầm nuôi cán bộ trong thời gian dài.

Dù địch đánh phá ác liệt song cơ sở cách mạng vẫn tồn tại và phát triển trong lòng thị xã. Chỉ riêng từ khu vực Cầu Quây đến cầu Cà Mau có đến 13 cơ sở cách mạng. Thanh niên tình nguyện đến với cách mạng ngày càng đông. Tổ du kích tại phường ngày càng phát triển, hoạt động không ngừng cùng với tổ biệt động Hồ Thị Kỷ và biệt động Cà Mau gây cho địch nhiều thiệt hại.

Năm 1962, thực hiện quốc sách ấp chiến lược, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt nhân dân phường 5 lập ấp chiến lược từ Bùng binh đến ấp 1, xã Tân Thành, chúng xây lô cốt và đưa một Tiểu đoàn Bình Định và một trung đội biệt kích để đánh phá cách mạng, kềm kẹp nhân dân. Địa phương quân của thị xã phối hợp với du kích ấp 1, xã Tân Thành đánh sập lô cốt. Chúng xây lại, nhân dân phường 5 đánh sập lần II. Năm 1961, lực lượng vũ trang thị xã tiêu diệt luôn đội dân vệ của địch ở cầu Bùng Binh và dùng mìn đánh phái đoàn quân sự Mỹ: 120 tên ở Câu lạc bộ Tiểu khu An Xuyên (nay là Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Cà Mau) trong lúc chúng đang họp bàn kế hoạch đẩy mạnh gom dân lập ấp chiến lược. Nhân dân phường 5 đã góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Phát huy thành quả cách mạng trong chiến tranh đặc biệt, nhân dân phường 5 lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh Việt Nam hóa góp phần thắng lợi trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, giải phóng quê hương.

Qua hai cuộc kháng chiến phường 5, thành phố Cà Mau đã có 182 liệt sĩ, 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều gia đình có công cách mạng. Sau hơn 30 năm khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, phường 5 liên tiếp đạt danh hiệu là phường văn hóa từ năm 2000 đến nay (2012). Hiện nay phường có vị trí như sau:

• Phía Bắc giáp phường 4 tiếp nối xã An Xuyên, huyện Thới Bình.

• Phía Nam giáp phường 6 tiếp nối Kinh Xáng Bạc Liêu và sông Gành Hào.

• Phía Đông giáp xã Tân Thành

• Phía Tây giáp phường 4, 2 và sông Cà Mau.

Theo lịch sử Đảng bộ phường 5 – thành phố Cà Mau (1975 – 2005) thì toàn Phường có 4 khóm. Diện tích phường là 96,4 ha. Năm 1976 có lập thêm 1 ấp của xã Tân Thành xáp nhập về thành khóm 5. Đến năm 2005 phường 5 có thêm 22 ha của phường 6. Do vậy mà diện tích tăng lên 48 ha. Trong đó đất nông nghiệp 64 ha. 

Do quy hoạch phát triển, đô thị ngày càng mở rộng nên diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp còn 28 ha. Đến tháng 3/2003 phường 5 có 5 khóm.

Theo thống kê năm 2004, phường 5 có 20.825 người, trong đó có 3.735 hộ.

Phần lớn phường 5 là nhân dân lao động, cán bộ công nhân viên nhà nước, lực lượng vũ trang. Nhân dân sống bằng kinh doanh, dịch vụ và mua bán nhỏ, làm nông nghiệp, một số hộ làm thuê và khuân vác, mua gánh bán bưng.

Về tôn giáo: đa số theo đạo Phật, có một niệm phật đường và tịnh xá Ngọc Minh (có 511 người theo Phật giáo). Cũng có đạo Cao Đài (2.015 người). Còn lại là Công giáo. Phường có 1 Thánh thất Cao Đài, có 3 miếu: miếu Bà Chúa Xứ, miếu Bà Chúa Xứ Nương Nương và Đôn Dương Thần miếu.

Trong các ngày lễ hội tôn giáo: cúng đình, cúng miễu đều được nhân dân tổ chức long trọng cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Hiện nay phường 5, thành phố Cà Mau vẫn là trung tâm hành chánh của thành phố Cà Mau: chợ, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đều đóng trên địa bàn Phường.

Nhân dân phường 5 thành phố Cà Mau chung tay xây dựng thành phố khởi sắc từng ngày. Khu dân cư Trần Ngọc Hy, khu Bùng Binh, chợ phường 5 được xây dựng lại khang trang, phố xá đông đúc. Nhiều nhà cao tầng nối tiếp mọc lên. Các con đường chính của phường 5 xe cộ dập dìu. Nhân dân phường 5 quyết tâm giữ vững danh hiệu của phường là phường văn hóa, nhưng mộ của tổ tiên họ Châu, một số đã được con cháu cải táng khỏi phường 5 như mộ ông bà Châu Văn Bính được đưa về Bạc Liêu. Mộ ông Châu Văn Khánh còn nằm sát nhà dân. Một số con cháu họ Châu vẫn còn làm ăn sinh sống tại đây. Dù không có nhà thờ chung, không có mộ tổ song con cháu họ Châu coi đây là tổ quán của dòng họ mình là nơi tổ tiên họ Châu đã có công trong buổi đầu khai sơn phá thạch.

III. VẠCH BÓNG THỜI GIAN ĐI TÌM TIÊN TỔ

1. Truy tìm ông Tổ đời một

Ông Tổ họ Châu gốc phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau là lưu dân từ Trung Quốc sang lập nghiệp tại Việt Nam không mang theo gia phả gốc. Trong quá trình sinh sống tại Cà Mau, con cháu các chi đã có lập gia phả cho chi họ mình, nhưng hiện nay trong họ không còn ai giữ được. Tổ tiên qua đời không để lại di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất cho con cháu. Mộ Tổ hiện nay con cháu không biết nơi nào. Cho nên việc tìm ông bà Thủy tổ chỉ phải dựa vào ký ức của con cháu trong họ tộc.

 Ngày 30 tháng 10 năm 2010 chúng tôi gặp bà Châu Nhật Sinh và Châu Thị Hùng - hậu duệ đời thứ 5, thì được biết người cao tuổi họ Châu trong chi họ của hai bà là ông Châu Văn Bính – ông Cố của hai bà. Mộ ông được con cháu cải táng từ phường 5, thành phố Cà Mau về ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Để xác minh thông tin này, chúng tôi gặp bà Châu Thị Guối (đời III), cháu nội ông Châu Văn Khánh – Ông Khánh là em ông Châu Văn Bính. Bà Guối năm nay 86 tuổi ở ấp Cái Bát, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, trí nhớ còn tốt. Bà cho biết cha bà có lập gia phả họ Châu nhưng do dọn nhà rồi con cháu để thất lạc đâu mất. Khi hỏi về người cao tuổi nhất của họ Châu tại Việt Nam thì bà cho biết cha bà kể lại có hai anh em từ Trung Quốc sang lập nghiệp tại vùng đất Cà Mau này nhưng bà không biết tên hai ông. Như vậy theo bà Guối thì hai người khuyết danh này là hai người cao tuổi của họ Châu, khác với thông tin của bà Châu Nhật Sinh và Châu Thị Hùng.

Để có được thông tin chính xác hơn, ngày 24/4/2011 bà Châu Thị Hùng đưa chúng tôi đến khu vực phường 5, thành phố Cà Mau để tìm bà con. Chúng tôi gặp ông Trần Thêm Thuận – con bà Châu Thị Phường, cháu ngoại ông Châu Văn Hựu còn ông Châu Ngọc Ẩn là con ông Châu Văn Tám, cháu nội ông Châu Văn Hựu. Sau khi tìm hiểu tổ tiên của nhau, bà Châu Nhật Sinh và Châu Thị Hùng, ông Châu Ngọc Ẩn và ông Trần Thêm Thuận chưa kết nối được họ với nhau, nhưng ông Châu Ngọc Ẩn cho biết nhà ông Châu Tự Do ở xã Tắc Vân, quận Châu Thành, tỉnh Cà Mau có gia phả, vì cha ông Châu Tự Do là ông Châu Văn Diệp khi còn sinh tiền đã lặn lội tìm bà con, đã lập được quyển gia phả họ Châu. Được tin này chúng tôi rất vui và 3 giờ chiều hôm đó (24/4/2011), chúng tôi đi Tắc Vân để gặp ông Châu Tự Do. Ông Châu Tự Do rất vui mừng tiếp chúng tôi rất nồng hậu nhưng rất tiếc cuốn gia phả ông đã cho bà con mượn, lâu ngày không nhớ ai mượn để đòi lại. Hiện nay thì ông không biết nó ở đâu! Không dừng ở đây, ông Châu Tự Do đưa chúng tôi đến tịnh xá Ngọc Vân gặp một số bà con của ông ở đây. Tại tịnh xá Ngọc Vân chúng tôi được bà Châu Thị Đầm cho biết: ông cố bà có 6 anh em, ông cố bà thứ bảy. Theo ký ức của bà Đầm, anh em ông cố bà như sau:

- Thứ hai : không rõ tên, là ông cố của ông Châu Văn Bang

- Thứ ba : không rõ tên, không rõ hậu duệ

- Thứ tư : Ông cố bà Châu Thị Phường – mẹ ông Trần Thêm Thuận

- Thứ năm : Không rõ tên, là ông cố của ông Năm Quyền

- Thứ sáu : Ông Châu Thanh Sử là ông cố của ông Châu Tự Do

- Thứ bảy : không rõ tên, là ông cố của ông Tư Cơ (thầy thuốc Đông y), Năm Trượng, Sáu Đầm (Châu Thị Đầm).

Bà Đầm còn cho biết thêm lúc bà khoảng 13 tuổi bà được bác cho biết là mồ mả tổ tiên họ Châu ở khu vực cầu Quây (nay là cầu mới - đất nhà) Pháp buộc phải lấy cốt tổ tiên họ Châu để lấy đất làm chợ Cà Mau. Con cháu họ Châu lấy cốt ông bà tổ, ông cố dời về khu vực Khám lớn (nay là khu vực Sở Công an Cà Mau). Mộ ông Tổ là mộ đất, khi lấy cốt ông Tổ, nút áo đựng cả rổ!

* Qua những thông tin của bà Châu Thị Đầm cho thấy ông Châu Ngọc Ẩn và ông Trần Thêm Thuận có họ hàng với bà Châu Thị Đầm và ông Châu Tự Do vì bà Châu Thị Phường (mẹ ông Thêm, cô ông Ẩn) là cháu cố của ông thứ Tư.

* Việc lấy cốt tổ tiên họ Châu như bà Đầm kể lại trùng hợp với việc lấy cốt của ông cố bà Châu Thị Hùng và bà Châu Nhật Sinh.

Chính mộ ông Châu Văn Bính (ông cố của bà Hùng và bà Sinh) cũng được con cháu lấy cốt từ cầu Mới di dời về khu vực khám lớn (nay là khu vực sát bên Sở Công an Cà Mau). Rồi năm 2008 con cháu lại lần nữa đưa mộ ông Cố mình về ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, mộ ông Châu Văn Khánh (em ông Châu Văn Bính) vẫn còn nằm xen kẻ nhà dân tại phường 5, thành phố Cà Mau.

Sáu anh em ông cố bà Đầm và hai anh em ông Châu Văn Bính quan hệ họ hàng thế nào? có là anh em ruột không?

Như bà Đầm kể thì sáu anh em ông cố bà là anh em ruột. Còn theo bà Châu Thị Guối thì ông Châu Văn Bính thứ ba, Châu Văn Khánh thứ tư cũng là ruột. 

Như vậy 6 anh em ông cố bà Đầm không cùng anh em ruột với ông cố bà Sinh và bà Hùng.

Nếu tính tuổi theo cách tính của Trung tâm gia phả thì mỗi thế hệ cách nhau 25 năm và mỗi con cách nhau 2 năm. Căn cứ năm sinh của ông Châu Văn Kết (con ông Châu Thanh Sử - ông cố ông Châu Tự Do) là năm 1874. Ông Sử thứ sáu. Vậy năm sinh ông Sử khoảng 1874 – 25 = 1849 và năm sinh ông cố bà Đầm khoảng: 1849 + 2 = 1851. 

Căn cứ vào năm sinh ông Châu Văn Sóc (con thứ ba ông Châu Văn Bính) là năm 1878 thì năm sinh ông Bính khoảng 1878 – 25 = 1851.

Qua cách tính phỏng như trên cho thấy sáu anh em ông cố bà Đầm và hai anh em ông Châu Văn Bính ngang đời nhau – cùng một thế hệ. 

Ông Châu Văn Hải (anh bà Châu Thị Hùng) kể lại thì lúc ông 13 tuổi, ông Tư Cơ (Châu Văn Cơ) ở Thới Bình có đến nhà nhìn bà con và nói ông cố của ông vai anh ông cố ông Hải. Như vậy, phải chăng ông Sơ ông Cơ và ông Sơ ông Hải là anh em ruột? Ông cố của các ông là anh em chú bác? Ông Sơ ông Tư Cơ và bà Đầm là anh cùng ông Sơ ông Hải, bà Hùng, là hai anh em ruột từ Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp tại Cà Mau mà bà Châu Thị Guối đã nói lúc ban đầu?

Qua phân tích những thông tin trên, bà Châu Thị Hùng và bà Châu Nhật Sinh nhận ra được mối quan hệ họ hàng của mình với bà Châu Thị Đầm và ông Châu Tự Do, ông Trần Thêm Thuận. Do những bậc lão thành của hai chi đã qua đời hết nên từ lâu con cháu đã không nhận được họ hàng với nhau, nay:

Quan hệ các ông có thể qua sơ đồ sau:

Qua sơ đồ trên cho thấy hai anh em ruột từ Trung Quốc sang Việt Nam, con cháu không rõ tên hai ông. Ông anh là ông tổ cao nhất (đời I) có 6 con trai đã lập gia đình tạo ra hậu duệ chi I. Ông em là ông tổ cao nhất (đời I) tạo ra chi II, là cha ông Châu Văn Bính và Châu Văn Khánh. Hai chi này tạo ra hậu duệ họ Châu có quy mô rất lớn.

Do điều kiện khách quan, bà Châu Nhật Sinh yêu cầu chỉ lập gia phả cho trực hệ ông Châu Văn Bính (chi II). Khi có điều kiện sẽ lập gia phả cho toàn dòng họ Châu ở Cà Mau.

Như vậy ông tổ đời một của chi II, con cháu họ Châu không rõ tên tạm gọi (khuyết danh). Ông từ Trung Quốc cùng anh sang Việt Nam định cư tại huyện Trấn Di, phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên (nay là phường 5, thành phố Cà Mau). Hiện nay con cháu ông không rõ ông Tổ mình vì lý do gì sang Việt Nam và đi vào năm nào? Lúc đó ông bao nhiêu tuổi.

Như đã tính phỏng năm sinh của ông Châu Văn Bính (con trai ông Tổ) là năm 1851. Ông Bính thứ ba vậy năm sinh ông tổ khoảng 1851 – (2 + 25) = 1824. Để có thể sang Việt Nam sinh sống được thì ít nhất ông cũng phải 20 tuổi, khoảng năm (1824 + 20 =) 1844 (Thiệu Trị thứ 4). Thời điểm này nước ta còn chủ quyền nhưng chính sách cai trị của ông tiếp nối chính sách cai trị của các triều đại trước: bế môn tỏa cảng, cấm đạo Thiên Chúa, chính sách kinh tế lỗi thời đã tạo mầm mống cho ngoại xâm phương Tây đến xâm lược nước ta vào thời vua Tự Đức (1858).

Trong thời điểm này vùng đất Cà Mau còn hoang vu. Ông Tổ cùng anh khẩn hoang định cư tại vùng đất Cà Mau. Hiện nay không có tư liệu nào để biết diện tích đất ông khẩn là bao nhiêu. Ông sống về nghề nông.

Bà Tổ họ tên gì? Người Tiều hay người Nam Bộ? Con cháu ông bà hiện nay không ai biết? 

Mộ ông bà hiện nay không ai rõ nơi nào?

Theo bà Châu Thị Guối (đời III) cho biết ông bà Tổ có các con sau:

- Thứ hai : không rõ tên, qua đời từ nhỏ

- Thứ ba : Châu Văn Bính

- Thứ tư : Châu Văn Khánh

Hai người con trai này đã lấy vợ, sinh con đẻ cháu truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ bảy.

2. Sự phát triển của dòng họ

Ông Châu Văn Bính và Châu Văn Khánh là con trai ông Tổ đời I, chi II đã kết hôn tạo ra hai tiểu chi (đời III).

• Tiểu chi 1: Trưởng tiểu chi là ông Châu Văn Bính

• Tiểu chi 2: Trưởng tiểu chi là ông Châu Văn Khánh

Gia phả này chỉ khảo sát được tiểu chi thứ nhất (hậu duệ ông Châu Văn Bính) vì chi này có sự phát triển đầy đủ từng thế hệ, liên tục từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ bảy. Tiểu chi thứ hai (hậu duệ ông Châu Văn Khánh) không thể khảo sát chính xác được do không tìm được đầy đủ hậu duệ.

Qua khảo sát tiểu chi thứ nhất, chúng tôi thấy trưởng chi là ông Châu Văn Bính. Ông lập gia đình với bà Tính (không rõ họ) có 3 người con (2 gái, 1 trai). Con trai duy nhất của ông lập gia đình tạo ra đời IV. Bắt đầu từ ông Châu Văn Sóc trở xuống, con cháu họ Châu quan hệ hôn nhân với các họ như: họ Nguyễn (12 cuộc), Trần (3 cuộc), Lê (2 cuộc), Võ (2 cuộc), Dương (2 cuộc), Lý (2 cuộc), Hà, Hiếu, Đoàn, Quách, Huỳnh tạo ra một cộng đồng huyết thống họ Châu. Nối dòng cho tiểu chi này đến đời thứ VII, chỉ có hậu duệ ông Châu Văn Tống và Châu Văn Đây (đời IV) còn ông Châu Văn Đặng chỉ dừng ở đời V vì không có con trai nối dõi.

Tiểu chi I: gồm có 101 người trong đó 62 con trai và 39 con gái. Số lượng chi này phát triển dần:

Đời II: có 1 người; đời III: có 3 người; đời IV: có 6 người; đời V: có 16 người; đời VI: tăng lên đến 42 người; đời VII: còn có 35 người. Phát triển mạnh nhất là đời VI. Đến đời VII số lượng giảm vì có hạn chế sinh đẻ và một số đời VII còn nhỏ, chưa lập gia đình.

Tiểu chi II: Trưởng chi là ông Châu Văn Khánh, chúng tôi chưa tìm được đầy đủ hậu duệ ông Châu Văn Khánh nên chưa biết đầy đủ số lượng. Ông Khánh (đời II) lập gia đình có 3 con: 2 trai, 1 gái. Nối dòng cho tiểu chi này là ông Châu Văn Mệnh và Châu Văn Lượm. Hiện nay trong dòng họ chưa liên lạc hay có thông tin gì về hậu duệ ông Châu Văn Mệnh. Ông có lập gia phả nhưng thất lạc. Riêng ông Châu Văn Lượm có một con gái là bà Châu Thị Guối. Bà Guối có chồng họ Lê. Con cháu chuyển sang họ Lê. Tiểu chi II chỉ tạm dừng ở đời IV.

Toàn tiểu chi II, dòng họ chỉ biết có 5 người (4 trai, 1 gái).

Như vậy con cháu hai tiểu chi có tất cả 106 người trong đó: 40 gái và 66 trai, đã qua đời 16 người (10 trai, 6 gái) còn lại 90 người: 56 trai và 34 gái, là một cộng đồng huyết thống họ Châu khỏe mạnh, lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Con cháu họ Châu trong hai tiểu chi này sống nhiều nơi. Một số người ở nơi tổ quán (phường 5, thành phố Cà Mau) nhưng con cháu không ai thừa kế đất đai ông Tổ. Một số hậu duệ họ Châu sau chiến tranh với người Kampuchea, chạy về định cư tại ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, một số lên Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, học hành. Qui mô chi này không lớn lắm. Bà con qua lại gần gủi nhau, thân thiện nhau, đoàn kết nhau và luôn nhắc về tổ quán để nhớ đến tổ tiên đã tạo ra dòng họ.

IV. VIỆC SINH SỐNG VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH DÒNG HỌ VĂN HÓA

1. Việc làm ăn sinh sống của hậu duệ ông Châu Văn Bính

Vì không tìm được đầy đủ hậu duệ ông Châu Văn Khánh nên trong phạm vi gia phả này, chúng ta chỉ khảo sát chi ông Châu Văn Bính.

Ông Tổ đời I của chi ông Châu Văn Bính cùng anh đến vùng đất Cà Mau khoảng năm 1846. Năm 1846 thì vua Thiệu Trị trị vì được 6 năm. Vùng đất Cà Mau lúc ấy còn hoang vu. Ông ra sức phát hoang, cuốc đất, đắp bờ làm ruộng để sinh sống. Ông lập vườn, cất nhà cửa và định cư tại Cà Mau, tạo tổ quán cho con cháu. 

Đời II, III, IV cũng tiếp tục cha ông sống về nghề nông, tự canh tác. Đến đời III, ông Châu Văn Sóc không đủ ruộng để làm phải mướn ruộng của địa chủ làm thêm mới đủ sống.

Đời V, VI trưởng thành thì đất nước được giải phóng, con cháu chuyển sang nuôi tôm. Đời sống có khá hơn. Một số con cháu có điều kiện học hành, có trình độ đại học, có chuyên môn giỏi tham gia vào bộ máy nhà nước như bà Châu Huệ Cẩm - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp sau đó tiếp tục là Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Châu (Lê) Hoàng Phương - Trưởng Chi cục thuế thành phố Cà Mau, ông Châu Thành Tôn - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh. 

Làm ăn khá nhất là bà Châu Nhật Sinh (đời V). Bà chuyển từ công tác giảng dạy sang lập nhiều công ty sản xuất hàng may, thêu công nghiệp, giày thể thao, hài. Bà còn liên doanh với công ty nước ngoài: 

1. Cự Hùng 1: ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 

2. Cự Hùng 2: ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chuyên sản xuất đế giày thể thao, mouse cao su.

3. Công ty liên doanh Tỷ Hùng: ở An Lạc, huyện Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chuyên sản xuất giày thể thao cao cấp: Puma, Cat…

4. Công ty liên doanh Chí Hùng: ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương chuyên sản xuất giày thể thao Addidas

5. Công ty liên doanh Tỷ Xuân: Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chuyên sản xuất giày Convers, Addidas

Các công ty làm ăn phát đạt và bà mở thêm nhà máy ở các tỉnh: Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang. Bà Châu Huệ Cẩm là Tổng Giám đốc công ty giày An Lạc. Bà Sinh và em là bà Cẩm có đời sống khá giả, đã giúp đỡ một số con cháu có công ăn việc làm, giúp các cháu nghèo hiếu học có điều kiện học tốt hơn.

Nhưng họ tộc cũng còn người làm thợ mộc, thợ hàn, thợ may, buôn bán nhỏ, chạy xe ôm… cần được giúp đỡ để có đời sống ổn định.

2. Xây dựng văn hóa gia đình dòng họ 

Họ Châu không sùng bái một tôn giáo nào, chỉ theo đạo thờ cúng ông bà, dạy con cháu theo lễ giáo, nếp cũ song tiến bộ.

Về hôn nhân đời I, II không rõ thế nào nhưng bắt đầu đời III việc dựng vợ, gả chồng đều do cha mẹ định đoạt nhưng không phải môn đăng hộ đối mà dựa trên cơ sở đạo đức là chính. 

Đến đời thứ V, VI trưởng thành thì phụ nữ đã được giải phóng khỏi sự trói buộc của lễ giáo phong kiến lỗi thời. Hôn nhân trong thời kỳ này dựa vào tình yêu chân chính của hai bên nam – nữ được luật pháp bảo vệ quyền ly hôn và kết hôn nhưng cha mẹ và ông bà có vai trò quan trọng trong việc định kiến, tư vấn và tổ chức lễ cưới cho con cháu.

Hầu hết các cô dâu, chú rể đều có nguồn gốc từ nông dân và nhân dân lao động theo cách mạng.

Các cô dâu họ Châu đều là dâu hiền, cần cù lao động để lo cho gia đình mình, biết phụng sự tổ tiên bên chồng. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông Châu Minh Thắng; bà Dương Thị Thủy, vợ ông Châu Văn Út; bà Nguyễn Thị Mạnh, vợ ông Châu Văn Hải lo giỗ ông bà nội, cha mẹ và chú chồng rất nghiêm túc, đối xử tử tế với bà con bên chồng. Bà Bùi Thị Tiền, vợ ông Châu Văn Dương đã nuôi dạy 11 người con nên người. Bảy người con tốt nghiệp đại học, số còn lại từ lớp 9 đến lớp 12, có 5 là đảng viên, các con giữ nhiều chức vụ quan trọng của huyện, của tỉnh Cà Mau. Bà Trần Thị Ảnh, vợ ông Châu Khắc Cần đã một mình lao động nuôi dạy 8 người con để chồng làm cách mạng và bà đã lao lực, lao tâm nên qua đời sớm, được họ hàng bên chồng quý mến.

Các chú rể họ Châu đều là rể thảo, biết kính trọng tổ tiên bên vợ: ông Lê Việt Dũng, chồng bà Châu Nhật Sinh khuyến khích các cháu bên vợ lên nhà vợ chồng ông ăn học và đi làm. Bà con bên vợ ở quê lên thăm vợ chồng ông, ông đối xử tử tế, vui vẻ đưa đi tham quan thành phố, đối xử rất thân tình, cởi mở nên được họ hàng bên vợ mến yêu. Ông Lê Hồng Vân, chồng bà Châu Huệ Cẩm, ông Lê Trung Tính chồng bà Châu Thị Hùng coi con cháu bên vợ như con cháu mình. Các cháu bên vợ từ Bạc Liêu lên thành phố Cà Mau học đều ở nhà ông Tính. Vợ chồng ông nuôi các cháu ăn học như nuôi con mình. Ông Châu Hoàng Phương mồ côi cha, được vợ chồng ông nuôi dạy, đã tốt nghiệp đại học, trường Đảng và hiện nay là Trưởng Chi cục Thuế thành phố Cà Mau. Cách đối xử các chú rể họ Châu thật đáng quý!

Họ Châu nuôi dạy con cái theo mặt tích cực của truyền thống văn hóa họ tộc. Cha mẹ dạy con biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng chung thủy, anh em hòa thuận nhau. Việc phụng thờ tổ tiên được coi trọng, biết trách nhiệm khi tổ quốc lâm nguy. Tiêu biểu cho chi này là gia đình ông Châu Văn Đặng (đời IV).

Ông đã thoát ly gia đình làm cách mạng sau khi rời ghế nhà trường từ năm 1938 và hy sinh váo tháng 4/1959, được công nhận liệt sĩ, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang (2011). Ông là cán bộ lãnh đạo giỏi của Liên tỉnh uỷ Miền Tây Nam Bộ. Vợ ông cũng tham gia cách mạng rất sớm. Bà là Ủy viên phụ nữ khu Tây Nam Bộ, Hiệu trưởng trường nội trú Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ. Ông bà là cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt. Hai con gái của ông bà là Châu Nhật Sinh và Châu Huệ Cẩm đã mồ côi cha rất sớm, được đoàn thể nuôi dạy được đưa ra Miền Bắc học rồi du học Liên Xô. Hai bà đã phấn đấu trong học tập. Bà Châu Huệ Cẩm là thứ trưởng Bộ Công thương. Bà Châu Nhật Sinh là cán bộ giảng dạy đại học. Hiện nay bà Sinh và các con là những doanh nhân làm kinh tế giỏi – là những người con hiếu thảo trong gia đình, là trung tâm đoàn kết của dòng họ Châu.

V. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

Sự có mặt của ông tổ họ Châu và con cháu đời II, III trưởng thành trên vùng đất Cà Mau từ đầu thế kỷ XIX thì toàn cõi Nam Kỳ lục tỉnh đã dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Các ông là nhân chứng lịch sử, là nạn nhân của sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Mộ tổ tiên không được nằm trên đất tổ. Do đó các ông rất căm thù chế độ thực dân Pháp rồi sau đó là đế quốc Mỹ. Trước khi có Đảng các ông đời I, II, III không có ai tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước.

Sau khi có Đảng, hầu hết con cháu họ Châu đời IV, V đều tham gia chống Pháp, chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng

Ông Châu Văn Tống (đời IV) tiếp tế lương thực, nuôi em là Châu Văn Đây và Châu Văn Đặng tham gia cách mạng. Ông Châu Văn Đây làm công tác kinh tài, tổ trưởng tổ Đảng thời chống Mỹ. Ông bị địch bắt cầm tù 2 năm, 6 tháng, gia đình lo lót địch nên ra tù. Khi ra tù ông lại bí mật liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động lại. Ông Châu Văn Đặng thoát ly hẳn với gia đình theo cách mạng sau khi rời ghế nhà trường năm 1938. Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng:

- Năm 1938 – 1939 : ông là Huyện ủy viên huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu rồi tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa (1940-1945).

- Từ 1945 – 1953: ông là Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

- Từ năm 1954 – 1959: ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Liên tỉnh ủy Miền Tây Nam Bộ, Giám đốc trường Đảng khu Tây Nam Bộ (1959). Ông bị đột tử tháng 8/1959 trên đường đi công tác được công nhận liệt sĩ. Năm 2011 ông được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Vợ ông cũng tham gia hai thời kỳ kháng chiến. Bà là một cán bộ phụ nữ giỏi, hiệu phó trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ.

Đời V các con ông Châu Văn Tống trai, gái đều ủng hộ và trực tiếp tham gia cách mạng. Ông Châu Khắc Cần sau khi nghỉ học đã tham gia cách mạng tại địa phương (ấp Rạch Muỗi, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Ông bị địch bắt 32 tháng. Khi ra tù ông tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng tiếp tục hoạt động đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bà Châu Thị Ở công tác văn hóa thông tin tại địa phương, chồng bà cũng tham gia cách mạng. Ông Châu Văn Dương, bà Châu Thị Nuôi, Châu Thị Tươi ủng hộ cách mạng. 

Các con ông Châu Văn Đây (đời V) làm nhiều công tác khác nhau trong thời chống Mỹ:

- Bà Châu Thị Ngọc Lang nữ hộ sinh thời chống Mỹ 

- Đi bộ đội thì có Châu Văn Hải, Châu Thị Hùng, Châu Minh Thắng.

- Làm du kích thì có Châu Văn Huệ

Nhìn chung qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết con cháu họ Châu trực hệ của ông Châu Văn Bính đều tham gia và ủng hộ cách mạng, không có ai theo địch, làm hại nhân dân. Sau giải phóng đời V, VI, VII đã học tập và tiếp tục đóng góp nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc xây dựng dòng họ và xây dựng đất nước.

VI. NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua gần hai thế kỷ từ ông Tổ đời I từ Trung Quốc sang lập nghiệp tại vùng đất Cà Mau. Con cháu họ Châu chi II đã truyền nối đến nay là đời thứ VII. Qua lao động để sống và chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quê hương tổ quốc, họ Châu đã hình thành được những nét văn hóa tốt đẹp cho dòng họ mình như sau:

• Tính cần cù trong lao động: Họ Châu đa số sống về nghề nông, ông Tổ đã ra sức lao động khẩn hoang tạo ra ruộng vườn để sinh sống. Con cháu noi gương ông cần mẫn siêng năng trồng trọt, cấy cày quanh năm trên đồng ruộng, bắt cá tôm để cải thiện cuộc sống. Chiến tranh xảy ra trên vùng đất tổ, con cháu bị mất đất, ông Châu Văn Sóc đời III phải lìa quê hương, mướn ruộng của địa chủ phải lao động cật lực hơn mới đủ nuôi con. Ngoài nghề nông con cháu còn làm nhiều nghề khác nhau, ai cũng có công việc làm để sống và tận tụy trong công việc. Cán bộ công nhân viên nhà nước thì lao động tốt, giữ được lối sống trong sạch. Dù ở hoàn cảnh nào, con cháu họ Châu vẫn sống bình dân, giản dị, chân thật, vẫn giữ được tình thân tộc, giữ được tình làng nghĩa xóm. Đó là điểm đáng quý, đáng trân trọng giữ gìn.

• Một đặc điểm trong lao động của con cháu họ Châu là biết kịp thời thay đổi cách làm ăn theo sự phát triển của đất nước.

Sau giải phóng, từ làm ruộng bà con họ Châu ở ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã cải tạo ruộng để nuôi tôm, đời sống được nâng cao hơn, lao động nhàn hơn. Bà Châu Nhật Sinh từ một cán bộ giảng dạy ở đại học, dám chuyển sang mở công ty kinh doanh rồi liên doanh với nước ngoài để làm giàu. Đó là điều rất hiếm đối với một nhà giáo. Nhờ vậy mà bà có điều kiện giúp đỡ họ hàng trong việc làm ăn, việc học tập của con cháu.

• Sự giúp đỡ nhau trong họ tộc: là một đặc điểm rất quý của con cháu họ Châu.

Bà Châu Thị Hùng, bà Châu Nhật Sinh thường dang tay giúp đỡ họ hàng vượt qua khó khăn trong cuộc sống và giúp các cháu nghèo hiếu học được tiếp tục học đến đại học. Nhà bà Châu Thị Hùng là nơi ăn ở để đi học cho các cháu từ quê lên Cà Mau ăn học. Nhà bà Châu Nhật Sinh nuôi đông đảo các cháu cơ nhở việc học lên Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục học rồi bà đưa vào làm việc tại các công ty của bà để có cuộc sống ổn định. Bà đã nuôi ăn học và tạo việc làm cho con bà Hùng, ông Châu Văn Hải, Châu Minh Thắng, Châu Văn Út. Bà Sinh và gia đình giúp chữa bệnh tim bẩm sinh cho Châu Trung Hiếu để cháu được đi học. Cháu Hiếu sau khi lành bệnh học rất giỏi, đậu hai trường đại học. Hiện Hiếu học đại học Cần Thơ, khoa Kinh tế.

Trong họ tộc, việc thăm viếng lúc ốm đau, cưới hỏi rất kịp thời. Đây là điều rất quý, cần duy trì,

• Việc phụng thờ tổ tiên được coi trọng:

Con cháu họ Châu rất coi trọng việc phụng thờ tổ tiên. Nhà nào cũng có bàn thờ để thờ ông bà mình. Bàn thờ luôn luôn có hoa, quả, nhang đèn. Việc giỗ chạp được phân công và thực hiện nghiêm túc. Ngày giỗ quy tụ được con cháu đông đảo về dự giỗ, là dịp để họ hàng gặp nhau thăm hỏi công ăn việc làm, việc học hành của con cái … Việc chăm sóc mồ mả tổ tiên được con cháu rất quan tâm. Con cháu đã cải táng mộ ông Tổ đời II (ông Châu Văn Bính) từ cầu Quây về khu Khám lớn (nay là Sở Công an thành phố Cà Mau) rồi từ đây được cải táng về ấp 9C, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, sau nhà ông Châu Văn Hải. Năm 2011 con cháu xây nhà mồ cho khu mộ. Bà Châu Nhật Sinh, Châu Huệ Cẩm đã tìm mộ cha, cải táng mộ cha mẹ về nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh và xây lại khang trang.

• Điểm đáng quý của họ Châu là tinh thần cách mạng triệt để:

Họ Châu gốc người Triều Châu, sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, bị áp bức lóc lột nên sớm giác ngộ cách mạng, tin Đảng nên một lòng theo cách mạng, chấp nhận gian khổ, hy sinh.

Đời III, ông Châu Văn Sóc đã cho các con cháu đời IV, V theo cách mạng làm nhiều công tác khác nhau, qua hai thời kỳ kháng chiến: đi bộ đội, làm du kích, làm kinh tài, làm công tác văn hóa. Tất cả đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, tình nguyện một lòng theo cách mạng. Ông Châu Khắc Cần bị địch bắt 32 tháng, ông Châu Văn Đây bị tù 2 năm 6 tháng. Khi ra tù hai ông tìm cách liên lạc với tổ chức cách mạng để tiếp tục công tác.

Riêng ông Châu Văn Đặng và vợ là bà Trần Thị Ngảnh là những chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất, đã cống hiến hết tài năng và trí tuệ cho cách mạng, là những cán bộ cách mạng ưu tú của khu Tây Nam Bộ. Ông Châu Văn Đặng xứng đáng được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang và tên ông được đặt tên đường ở thành phố Cà Mau và Bạc Liêu.

Tinh thần cách mạng triệt để của con cháu họ Châu đáng được con cháu tự hào, xã hội trân trọng.

Tất cả những phẩm chất tốt đẹp đáng được các thế hệ nối tiếp giữ gìn và phát huy.

VII. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Bên cạnh những truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy, còn có những điểm mà dòng họ cần quan tâm xây dựng thêm:

• Gia phả này chỉ được lập có một chi nhỏ, quy mô dòng họ Châu quá rộng, con cháu nên tiếp tục truy tìm và lập gia phả cho toàn dòng họ.

• Xây dựng dòng họ văn hóa 

1. Tiếp tục thờ cúng ông bà, tu bổ mồ mả, lập nhà thờ tổ, chăm sóc giúp đỡ, đoàn kết trong họ tộc.

2. Quan tâm định hướng con cái trong việc dựng vợ, gả chồng đúng phép.

3. Chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài để làm vinh danh dòng họ và góp phần xây dựng đất nước.

4. Xây dựng tình làng nghĩa xóm.

5. Tôn trọng pháp luật.

Xin thành kính dâng lên tổ tiên quyển gia phả này như món quà mọn thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên và mong sẽ truy tìm và nối kết toàn dòng họ.