Những điều cần biết về dòng họ khi dựng phả
25/08/2022 11:16:17Các việc nêu sau đây là đúc kết của nhiều năm nghiên cứu và thực hành gia phả của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh. Có ba vấn đề mà chúng ta cần biết: Lịch sử hình thành và phát triển dòng họ; cơ cấu bền vững của dòng họ; và sự tác động của dòng họ đối với xã hội qua các thời kỳ.
Dòng họ Việt Nam có từ khi nào?
Từ xa xưa của thời kỳ sơ sử, con người ta đã có nhu cầu nhận biết và phân biệt người thân - người sơ. Việc hình thành con người đầu tiên của VN có từ 300.000 năm trước. Với các Ban liên lạc dòng họ VN: Họ Nguyễn, ghi: “Khảo cổ học VN đã chứng minh có gốc bản địa là VN, phủ định gốc từ phương Bắc đến; họ Nguyễn cũng có gốc bản địa lâu đời ở VN; dòng họ xuất hiện cùng với sự xuất hiện chế độ phụ hệ; vào thời vua Hùng, chúng ta có một viễn tổ là Nguyễn Cao Hạnh, phụ thân của Đức thánh Tản Viên Nguyễn Tuấn, là một Lạc tướng…”. Họ Phan ghi: “Họ Phan đã xuất hiện trên đất nước VN từ thời Kinh Dương Vương ở Ái Châu, Thanh Hóa; hiện nay tại đình xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội thờ ông Phan Tây Nhạc là tướng lĩnh của vua Hùng”. Có người cho rằng: Nhân dân ta có họ phải từ sau thời Hai Bà Trưng.
Ảnh mang tính minh họa
Đại Việt sử ký toàn thư (là sách sử đầu tiên của ta) cho rằng chúng ta là con Rồng cháu Tiên và nước ta là nước Văn Lang. Đọc sử ta cũng thấy các họ xuất hiện phổ biến: Triệu Quốc Đạt, Triệu Ẩu, huyện Nông Cống khởi nghĩa chống quân Đông Ngô (thời Tam Quốc); Lý Bôn, người huyện Thái Bình, đánh nhà Lương v.v… Các thời kỳ tiếp sau đó. Việc biểu thị bằng tên gọi, bằng dấu hiệu nhận dạng, để đáp ứng nhu cầu nhận biết chính xác, không lẫn với người khác là nhu cầu của cuộc sống văn minh cổ sơ.
Ngày nay, chưa có con số thống kê của Nhà nước, chỉ có một số người quan tâm liệt kê trên đất nước ta đã có hơn 600 dòng họ, có người cho rằng trên 1.000 dòng họ. Và sắp xếp theo thứ tự từ nhiều tới ít có họ Nguyễn: 38,4%, họ Trần: 11%, họ Lê: 9,5%, họ Phạm: 7,1%, họ Hoàng/Huỳnh: 5,1%... Nhìn chung dòng họ VN đã, đang và sẽ diễn ra quá trình cố kết dòng họ là chính, cố kết rất bền chặc (có phân rả song cố kết vẫn là chính).
Cơ cấu bền vững của dòng họ
Cơ cấu bền vững của dòng họ từ mẫu hệ, chuyển qua phụ hệ cho đến ngày nay, có vị tổ, đây là vị thủy (thỉ) tổ, vị thần chủ, là vị tổ đời 1 của dòng họ. Bên trên đó, lại có các vị lớn hơn, có thực, song không ai biết tên tuổi những người nầy và gọi họ là các vị “Cửu huyền thất tổ” hoặc “Cố tổ đại thần”. Các vị tổ xác định đều sống, khai cơ trên một vùng đất nhứt định ta gọi là tổ quán. Các vị thủy tổ này sanh ra các con cháu hậu duệ và phát triển thành nhiều chi, nhiều đời. Ở miền Bắc dòng họ nhiều đời nhứt là 25 - 30 đời, miền Trung: 14 - 18 đời, miền Nam: 7 - 10 đời.
Tổ quán là nơi vị tổ đời 1 đến sinh cơ, lập nghiệp đầu tiên. Đây là lịch sử - địa lý xóm ấp, là địa chí của xóm ấp mà ta phải quan tâm phản ánh, nó là nơi nuôi sống, bảo bọc của một dòng họ. Đất lề quê thói về hình thể, nhân văn, kinh tế của một xóm ấp, ta phải ghi nhận đầy đủ.
Chế độ hôn nhân là một trong hai qui luật (qui luật kia là di truyền) sản sinh ra con người về số lượng và cả về chất lượng.. Dòng họ thông qua cưới gả từ các đời trước đến hôm nay, là để nhân lên con người, tạo nên quan hệ ngoại thích. Việc dựng vợ gả chồng có ý nghĩa chi phối việc hình thành dòng họ. Cho nên “Cưới vợ xem tông gả chồng xem giống” để có con cái khỏe mạnh, cường tráng, thông minh, mang ý nghĩa định hướng quan trọng trong mỗi gia đình.
Có các chi họ vẫn cố kết được các thân (nội), thích (ngoại) với nhau liên tục nhiều đời. Có chi họ không cố kết được, gọi là chi họ mất thân tộc hay tha hóa thân tộc - nay tuy cùng chung họ song không thể nhận họ với nhau được, vì không biết ông tổ bên trên là ai. Tình trạng hiện nay của các chi họ kết tập trong mỗi Ban liên lạc dòng họ, phổ biến là như vậy. Ta đang có chủ trương tìm họ và nhận họ sau chiến tranh. Có những nguyên tắc phải giữ khi tìm họ và nhận họ. Đó là dựa vào các hình thức ghi nhận dòng họ có từ trong lịch sử: Ký ức, bia mộ, bài vị và gia phả của dòng họ. Tìm họ và nhận họ được nhìn nhận là đúng khi một trong ba hình thức nêu trên được trưng ra, nhứt là trong các bộ gia phả cổ ghi rõ tên họ người thân đang tìm.
Việc thờ phượng trong họ, lập bàn thờ, xây từ đường, việc bảo quản, chăm sóc mồ mả tổ tiên, việc dựng phả dòng họ là nhiêm vụ thiêng liêng của mỗi dòng họ chúng ta..
Trong họ VN, mỗi người có một vai vế riêng: Ông, bà, cha, mẹ, cô, chú. dượng, thím… nội ngoại, không thể xưng hô nhầm lẫn. Tên người cũng để nhận biết, chọn tên đẹp đặt tên cho con, có tên lót: “văn” là cho nam và “thị” là cho nữ, có khi không có chữ lót. Tránh không đặt trùng tên con với các vị tiên tổ, có khi phải kỵ húy.
Sự cấu tạo trên là bền vững, thiêng liêng. Việc thờ tổ tiên và thờ các vị bên trên nữa, cho tới tôn thờ một tổ chung cao nhứt là các vua Hùng, đó là truyền thống độc đáo, tuyệt đẹp của dân tộc VN chúng ta.
Dòng họ VN có vai trò to lớn trong các thời kỳ lịch sử
Dân tộc VN là dân tộc anh hùng. Các dòng họ VN cũng mang tính ưu việt của nó. Cá nhân - gia đình - dòng họ - đồng bào (xã hội) là một chuỗi dài gắn bó của xã hội VN, không thể chia cắt. Đề cập gia đình phải nghĩ tới dòng họ, dòng họ là “gia đình lớn”. Dòng họ là nền tảng dân chủ cơ sở ở nông thôn VN có từ thời các vua Hùng, là người sản sinh ra con người, sản sinh của cải vật chất, sản sinh ra văn hóa.
Các anh hùng hào kiệt, nhân vật lịch sử cũng từ các dòng họ mà xuất hiện. Dòng họ là chủ thể của sáng tạo cũng là người thụ hưởng các sáng tạo ấy Nói đến nông thôn VN phải nghĩ ngay đến các dòng họ VN. Dòng họ, cụ thể là các chi họ, là thân thế, sự nghiệp, là lai lịch, là nguồn gốc, là tình yêu, là nơi nuôi dưỡng vỗ về của từng người. Nói đến con người cụ thể, ta phải nói, nghĩ đến dòng họ, tổ quán, nơi người đó sinh ra và lớn lên. Đó là nói mối quan hệ chiều sâu giữa người này với người kia.
Cần có kế hoạch xây dựng gia phả hoàn chỉnh cho mỗi họ tộc
Gia phả là sự phản ánh dòng họ bằng văn từ. Là quyển sách ghi toàn bộ lịch sử một chi, một họ theo cách đặc trưng. Gia phả là vật thiêng của gia đình, là tài liệu tra cứu của hậu duệ con cháu. Gia phả cần cho môn lịch sử, môn dân tộc học, xã hội học, để hoàn chỉnh lịch sử đất nước.
Ban liên lạc các dòng họ hình thành từ sự tự nguyện và đồng thuận của các chi họ thân tộc và lạc mất thân tộc. Việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhứt trong Ban liên lạc là việc làm cực kỳ khó, nhứt là khi có sự rạn nứt. Ta phải nhanh chóng có cơ quan chủ quản hợp pháp bên trên của nó để nó mới vận hành tự nhiên trong xã hội có luật.
Khuynh hướng kết tập dòng họ trong cả nước ngày nay là một khuynh hướng đúng đắng, kịp thời. Các dòng họ, trong phương hướng làm việc của mình cần hướng dẫn cho các chi họ hoàn chỉnh bộ phả, đây phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi chi họ và bắt đầu từ tổ đời 1 và tổ quán. Phải có bố cục hợp lý cho bộ gia phả, tức có phả ký, phả hệ, phả đồ, ngọai phả và phụ khảo. Phải toàn tâm toàn ý trong việc dựng phả. Phải có kỷ thuật dựng phả.
(Xem thêm sách “CÁCH DỰNG BỘ GIA PHẢ HOÀN CHỈNH” của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh).
Võ Ngọc An
(Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ, Giám đốc TT NC&THGP TP.HCM)
(GP: 25-8-2020)
Các tin cũ
- » Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người Việt Nam 25/08/2022 11:07:30
- » Hãy ngoảnh lại xem cách giáo dục của ông cha ta 25/08/2022 11:00:05
- » Đình Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, Mang Thít, Vĩnh Long) 24/08/2022 11:58:30
- » Chùa Ngộ Pháp (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 24/08/2022 11:42:07
- » Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) 24/08/2022 11:06:30
- » Đình Tân Trạch (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) 24/08/2022 11:06:27
- » Đình Long Thượng (huyện Cần Giuột, tỉnh Long An) 23/08/2022 20:56:42
- » Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) 23/08/2022 20:34:02
- » Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 23/08/2022 19:01:07