Chùa Ngộ Pháp (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)
24/08/2022 11:42:07Người khai sơn, tạo tự cho chùa Ngộ Pháp là ông Lê Văn Đệ, chồng của bà Hồ Thị Nhầm. Bà Hồ Thị Nhầm là con của bà Cao Thị Thiên.
Chùa Ngộ Pháp
NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP, XÂY DỰNG
Ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi hiện nay có 3 ngôi chùa là: chùa Quan Âm, chùa Ngộ Pháp và chùa Phước Khánh. Chùa Phước Khánh ở ấp Mỹ Khánh, còn 2 chùa còn lại là ở ấp Bình Thượng 1. Đặc biệt chùa Ngộ Pháp là ngôi chùa do con cháu họ Cao sáng lập và xây dựng theo kiểu “biến gia vi tự”. Nơi đây có thờ bảng “cửu huyền thất tổ” về bà Cao Thị Thiên thuộc chi ông Cao Văn Nghê ở ấp Tháp.
Người khai sơn, tạo tự cho chùa Ngộ Pháp là ông Lê Văn Đệ, chồng của bà Hồ Thị Nhầm. Bà Hồ Thị Nhầm là con của bà Cao Thị Thiên.
Chùa được hình thành từ năm 1947, thời đó nó chỉ là một mái lá, vách đất do ông Lê Văn Đệ tạo nên, đúng hơn nó là cái cốc để ông Lê Văn Đệ tu thiền hàng ngày, ngoài những dịp lễ lạc phải ra cúng ở những chùa lớn.
Ông Lê Văn Đệ có pháp danh là Thích Quảng Nghĩa, chức danh cao nhất là Hòa thượng. Ông quy y ở chùa Tịnh Thành thuộc xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đi học giáo lý ở chùa Gò Kén và chùa Núi Bà tỉnh Tây Ninh. Những lúc lễ lạc lớn thì ông ra tụng kinh ở chùa Tịnh Thành, còn ngày thường thì tụng kinh, tu niệm ở cái chùa nhỏ đơn sơ của mình. Cái chùa này tồn tại mãi cho đến ngày Thượng tọa Thích Quảng Nghĩa (tức ông Lê Văn Đệ) viên tịch. Mộ ông được an táng tại đồng mả Bình Thượng 1, giỗ ngày 1/10 Âm lịch.
Thượng tọa Thích Quảng Nghĩa, người sáng lập chùa Ngộ Pháp
Từ lúc Thượng tọa viên tịch cũng là thời gian mà địch dồn dân lập ấp, nên chùa để hoang hóa, không ai chăm sóc.
Đến năm 1975, bà Lê Thị Cần, con gái của Thượng tọa Thích Quảng Nghĩa dựng lại chùa này cũng bằng mái lá, vách đất như xưa. Bà là người có gia đình, có chồng con, nhưng sau đó xuất gia lo hương khói cho chùa, giữ chức trụ trì, bà có pháp danh là Thích Nữ Diệu Ngộ.
Về sau, chùa được tôn tạo nhiều lần với kinh phí do bà Lê Thị Cần tự lo bằng số tiền tự lao động của mình, cộng với một phần tiền cúng chùa của Phật tử. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, có hai đợt tôn tạo lớn để chùa có diện mạo như hôm nay đó là: Năm 1978, chùa được xây bằng xi-măng khuôn viên chánh điện. Năm 1990-1993 xây thêm phần hậu điện và nhà bếp.
Sư cô Thích Nữ Diệu Ngộ (phải) - nguyên trụ trì chùa Ngộ Pháp; Sư cô Thích Nữ Diệu Huệ (trái) - trụ trì chùa Ngộ Pháp
Trong những người con của bà Lê Thị Cần (Thích Nữ Diệu Ngộ) có bà Trần Thị Hãnh cũng xuất gia, với pháp danh là Thích Nữ Diệu Huệ, tu ở Núi Bà, Tây Ninh, năm 1990 bà về chùa Ngộ Pháp tại xã Bình Thượng 1. Năm Ất Dậu 2005, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phong cho sư cô Thích Nữ Diệu Huệ làm trụ trì của chùa Ngộ Pháp thay cho sư cô Thích Nữ Diệu Ngộ cho đến nay.
CẤU TRÚC CHÙA VÀ NHỮNG NGÀY LỄ LỚN
Chùa Ngộ Pháp tọa lạc tại ấp Bình Thượng 1, trên khoảnh đất rộng 20 cao. Chùa nằm ngay mặt tiền đường lộ, phía trước có cổng lớn bằng xi-măng đề Chùa Ngộ Pháp. Bước vào cổng, khoảng sân giữa cổng chính và chánh điện là một hồ sen nhỏ hình tròn, trước hồ sen có đặt một bức tượng Quan Âm lớn.
Chùa có kích thước chiều ngang là 8,7m, chiều sâu khoảng 25m. Chùa được chia làm 2 phần chính là chánh điện và hậu điện.
Ở gian chánh điện, ngay giữa là thờ Phật Thích Ca, bên phải thờ Quan Âm và bên trái thờ Địa Tạng. Ở phía ngoài cửa bước vào chánh điện, phía tay trái là tượng Tiêu diện đại sĩ, bên cạnh chiếc trống lớn. Còn phía bên phải là tượng Hộ Pháp bên cạnh chiếc chuông lớn.
Ở gian hậu điện, các bàn thờ quay lưng lại với gian chánh điện. Ở giữa là bàn thờ các vị sư tổ đã viên tịch, trên cao có trưởng tổ Đạt Ma, bên trái thờ Cửu huyền thất tổ Cao Thị Thiên và bên phải là nơi đặt những hủ cốt do Phật tử, nhân dân gởi.
Mỗi năm chùa có 2 ngày lễ lớn, đó là ngày giỗ tổ của chùa (giỗ ông Lê Văn Đệ, tức Thượng tọa Thích Quảng Nghĩa), ngày giỗ tổ là 10/1 Âm lịch, nhưng được chùa làm lễ cúng vào 2 ngày 9 và 10/1. Lễ giỗ tổ này chùa mời rất đông khách đến tham dự. Ngày lễ lớn thứ hai là ngày lễ cầu siêu cho bà con trong dòng họ “Cửu huyền thất tổ” nhằm vào mùa Vu Lan hàng năm. Lễ cầu siêu này ngày chánh lễ là 28/7 Âm lịch và thường được cúng lễ 2 ngày 27 và 28/7.
Gian giữa của chánh điện
Bàn thờ tổ
Bàn thờ Cửu huyền thất tổ
Bàn thờ hậu tổ
Tượng Phật ở sân chùa, phía trước chánh điện
(Trích gia phả họ Cao - xã Thái Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM)
(GP: 5-6-2017)
Các tin cũ
- » Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) 24/08/2022 11:06:30
- » Đình Tân Trạch (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) 24/08/2022 11:06:27
- » Đình Long Thượng (huyện Cần Giuột, tỉnh Long An) 23/08/2022 20:56:42
- » Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) 23/08/2022 20:34:02
- » Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 23/08/2022 19:01:07
- » Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa) 23/08/2022 13:45:55
- » Miễu Ông Thạch (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) 23/08/2022 12:51:06
- » Chùa Long Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:41:38
- » Miếu họ Trương (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:26:38