Trang chủ > Hãy ngoảnh lại xem cách giáo dục của ông cha ta

Hãy ngoảnh lại xem cách giáo dục của ông cha ta

25/08/2022 11:00:05

Trải qua hơn hơn 30 năm, đất nước ta đã thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập làm ăn với thế giới bên ngoài để phát triển đi lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta rất đổi tự hào khi bộ mặt đất nước đã dần dần khởi sắc...

Làn gió đổi mới như một liều thuốc quý đã thổi khắp mọi miền đất nước, giúp cho nền kinh tế được hồi sinh và từng bước vươn lên mạnh mẽ.

Các thành phần kinh tế đã vượt qua được những rào cản của cơ chế “Tập trung quan liêu, bao cấp” đã lỗi thời để tìm cho mình một hướng đi phù hợp với qui luật khách quan của nền kinh tế thị trường.

Không khí làm giàu như một phản ứng dây chuyền lan khắp cả nước với nhiều qui mộ, trên tất cả mọi lĩnh vực. Cho đến những năm 20 của thế kỷ 21 này, mọi người dân Việt Nam có thể tự tin khẳng định rằng, đổi mới, mở cửa và hội nhập là con đường sống còn của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đó là con đường thể hiện sự sáng suốt, khoa học và cách mạng của Đảng ta khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đang bước vào giai đoạn thoái trào. Với quyết tâm chính trị đúng đắn đó, Đảng ta đã đưa đất nước vượt qua đói nghèo, lạc hậu và đang bước vào giai đoạn ổn định để phát triển một cách bền vững.

 

Đất nước đổi mới... (Hình mang tính minh họa)

Tuy nhiên, trên chặng đường vinh quang ấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta gặp không ít những thách thức gay go và quyết liệt. Dưới sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh đã tạo ra một lực cản khó lường cho sự nghiệp đổi mới. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, kể cả doanh nghiệp Nhà nước đã lợi dụng những kẻ hở của luật pháp, những hạn chế trong quản lý Nhà nước để cấu kết với nhau bung ra làm giàu bất chấp mọi kỷ cương, phép nước, bất chấp cả đạo lý và lẽ sống lương thiện.

Ở đây chúng ta hãy khoan bàn về những vấn đề được và mất trên lĩnh vực kinh tế mà đi sâu vào thực trạng của nền giáo dục mà cái gốc, cái nền tảng là giáo dục đạo đức trong quá trình đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập.

Trên cơ sở những giá trị giáo dục truyền thống do cha ông để lại và tồn tại của xã hội hiện nay, chúng ta phải chọn lọc để kế thừa và phát triển nền giáo dục như thế nào để đáp ứng yêu cầu khách quan của con đường đổi mới, mởi cửa và hội nhập mà Đảng ta đã vạch ra.

Trước hết, chúng ta phải nhận rõ một vấn đề hết sức nguy hiểm cho sự nghiệp đổi mới đất nước là, do có động cơ phát triển kinh tế đơn thuần nên nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đua nhau tìm cách làm giàu thật nhanh mà bất chấp tất cả. Vì vậy, thay vì cạnh tranh lành mạnh thì họ lại tìm cách chống phá, triệt hại lẫn nhau, gây ra sự rối loạn, bất an trên thương trường. Mặt khác, vì sự hiểu biết lệch lạc về nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, nên nhiều doanh nghiệp, doanh nhân không có phương hướng đúng, lại thiếu sự thượng tôn pháp luật, dẫn đến liều lĩnh, làm bừa, làm ẩu… làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội bị suy đồi, xuống cấp trầm trọng…

Một vấn đề hết sức nghiêm trọng khác là, cũng vì mục đích làm giàu mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã sử dụng nhiều mưu hiểm, kế độc để mua chuộc những người có thế lực, có chức, có quyền hòng nhận được sự “ưu đãi, ưu tiên” trong đấu thầu và đầu tư các dự án, nên đã hình thành các “nhóm lợi ích” chuyên cấu kết “đục nước, béo cò”. Đằng sau vấn nạn ấy là tiền của của Nhà nước, của nhân dân bị bòn rút, hao mòn, còn “nhóm lợi ích” thì ngày càng giàu lên một cách nhanh chóng. Và điều tất yếu sẽ đến, một kết cục không thể né tránh là mất cán bộ do suy thoái đạo đức lối sống, dẫn đến tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật…

Một vấn đề nhức nhối nữa là, quá trình hội nhập và mở cửa là cơ hội thuận lợi để những sản phẩm văn hóa xấu, độc, lai căng và những tư tưởng hưởng thụ du nhập vào nước ta ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát. Những sản phẩm và tư tưởng xấu, độc ấy chính là những con virus hết sức nguy hiểm, đang hàng ngày hàng giờ tiêm nhiểm, đầu độc xã hội chúng ta, chúng làm lu mờ những giá trị đạo đức truyền thống đáng trân quí của dân tộc và làm băng hoại nhân cách, phẩm giá của không ít các thế hệ Việt Nam.

 

Một lớp học thầy đồ ngày xưa (Hình mang tính minh họa)

Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên, bên cạnh việc chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước còn nhiều bất cập thì công tác giáo dục đang bị buông lỏng, chậm cải tiến, chậm đổi mới nên không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Một nguyên nhân khác là, chúng ta không chịu học tập, vận dụng những phương cách giáo dục ưu việt của ông cha để lại để phát triển thành những giá trị mới, mà cứ bám mãi vào những cách thức giáo dục đã lạc hậu của thời kỳ tập trung, quan liệu bao cấp. Thậm chí trong xã hội, kể cả trong ngành giáo dục còn đang tồn tại hiện tượng coi nặng về tâm linh mà xem nhẹ về tính khoa học và cách mạng trong giáo dục.

Từ những vấn đề nêu trên, để thấy rõ trình độ phát triển của nền giáo dục nước ta đang ở đâu và phải tiếp tục phát triển nó bằng cách nào, chúng ta hãy ngoảnh lại xem và suy ngẫm phương cách giáo dục của ông cha ta.

Ông cha ta từ ngàn đời nay luôn quan niệm đạo đức là “cái gốc, là nền tảng của xã hội”. Nền tảng đó bắt đầu tỏa sáng từ người đứng đầu của Nhà nước đến các cấp ở địa phương rồi mới đến người đứng đầu các dòng họ, ông bà, cha mẹ... Tất cả mọi người dù ở địa vị nào trong xã hội cũng phải tuân thủ qui tắc “Tiên học lễ - Hậu học văn”. Qui tắc này đã chỉ rõ, muốn làm người, trước tiên ai cũng phải “học lễ” sau đó mới “học văn”. Học lễ có nghĩa là học làm người có đạo đức và lối sống chuẩn mực. Học văn là học văn hóa, trang bị các kiến thức tự nhiên, xã hội, Đông Tây, kim cổ…

 

Từ thực tế đó của lịch sử, rõ ràng ông cha ta đã lấy đạo đức làm chuẩn mực, làm tiêu chí trước tiên trong xác định phẩm giá, nhân cách của một con người để lựa chọn người tài giỏi ra phụng sự đất nước.

Theo học thuyết Nho giáo, một con người muốn “chính danh” và trở thành người “quân tử” để thực hiện sứ mệnh “Tề gia, trị quốc” thì phải “Tu nhân, tích đức” trước đã. Cha ông ta từ xưa đã vận dụng điều này một cách nhạy bén để rút ra những quan điểm rất sâu sắc và chí nghĩa, chí tình trong giáo dục đạo đức cho các thế hệ con cháu. Đó là những giá trị truyền thống cốt lõi đòi hỏi chúng ta cần phải biết trân quý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy trong mọi thời đại. Chúng ta có thể nhìn lại những giá trị cốt lõi đó trong cách giáo dục đạo đức của ông cha ta như sau:

Trước hết, trong lễ nghĩa ông cha ta dạy rằng: “Phải đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Thật là sâu sắc khi ông cha ta quan niệm về phẩm giá của một con người, dù cho đói nghèo đến mấy vẫn lấy đạo đức, lễ nghĩa làm trọng. Không vì nghèo đói mà đánh mất cái chân giá trị của bản thân mình.

Về tư thế và phong cách trong ăn uống ông cha ta dạy rằng: “Ăn phải xem nồi, ngồi phải xem hướng; miếng ăn là miếng nhục; miếng nhục quá khẩu thành tàn”. Thật là chí lý, chí tình và sâu sắc trong cách giáo dục của ông cha ta. Rõ ràng “ăn” là một hành động bản năng của tạo hóa, nhưng ai cũng phải học hàng ngày. Khi ăn uống phải biết nhìn ngó mọi người xung quanh, không được chỉ biết có mỗi bản thân mình. Phải biết trên kính, dưới nhường, phải biết giữ gìn ý tứ và thể diện để vừa tôn trọng mọi người, vừa không để bản thân bị người coi khinh, bị mang nhục chỉ vì miếng ăn.

Trong nói năng và làm việc, ông cha ta dạy rằng: “Phải học ăn, học nói, học gói, học mở”. Theo quan niệm của ông cha ta, con người sẽ càng hoàn thiện hơn nếu biết học hỏi từ việc ăn cho đến việc nói và làm. Đạo đức, phẩm chất của một con người chỉ được tích hợp đầy đủ khi người đó biết học hỏi cả trong ăn nói và làm việc, bởi vì trên đời này không có gì tự nhiên mà có cho ta, nếu không có sự kiên trì nỗ lực học tập, lao động, trau dồi và tu dưỡng bản thân.

Học gói, học mở ở đây không đơn thuần là việc học để biết gói hay biết mở mà còn có ý nghĩa sâu xa là phải nói năng cho hay, cho lễ phép, biết mở đầu và kết thúc như thế nào cho chuẩn mực chứ không phải nói để lấy lòng. Đồng thời, phải biết làm việc như thế nào cho hợp lý và có hiệu quả, sống như thế nào cho có trước, có sau, có trên, có dưới và có tình, có nghĩa.

Trong sự nghiệp trồng người, ông cha ta dạy rằng: “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Đây là một bài học cho các bậc cha mẹ, cho nhà trường và toàn xã hội trong việc dạy dỗ con cái, dạy dỗ học trò. Một đứa trẻ nếu được dạy dỗ chu đáo, đầy đủ và nghiêm chỉnh ngay từ khi còn bé thì ắt hẵn sẽ trở thành con ngoan, trò giỏi, thành người có ích cho xã hội, nếu ngược lại thì sẽ hư hỏng và thành người vô dụng.

Cũng giống như một cái cây, nếu chúng ta muốn cây mọc thẳng thì phải uốn nắn ngay khi cây còn non, nếu để cây lớn rồi mới uốn nắn thì không những rất khó mà có nguy cơ làm gãy cây. Đó mới là cách giáo dục vừa mang tính khoa học vừa giàu chất nhân văn sâu sắc.

Vì vậy, để hình thành nếp sống văn hóa đẹp, thói quen tốt cho trẻ thì gia đình, nhà trường và xã hội phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau khi đứa trẻ mới bi bô biết nói, mới chập chững biết đi. Mặt khác, để tạo sự ảnh hưởng tốt cho con trẻ, người lớn phải luôn nêu gương thể hiện những lời nói và hành động chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày. Có như vậy thì những thói hư tật xấu khó có đất để tồn tại và lây lan.

Trong ứng xử, ông cha ta dạy rằng, phải biết “Trên kính, dưới nhường, tôn sư trọng đạo”. Đó là một nét văn hóa rất độc đáo và tốt đẹp, là bài học quý báu về cách ứng xử với các bậc phụ huynh, với thầy cô giáo và mọi người xung quanh. Phải biết ứng xử thật chuẩn mực với cả người lớn tuổi lẫn người nhỏ tuổi hơn mình và bằng thái độ kính già, yêu trẻ để có những hành động tử tế trong cuộc sống. Các thế hệ phải luôn coi đây như là một qui tắc của trật tự xã hội mà mỗi con người phải tuân thủ.

Ngoài những vấn đề cốt lõi nêu trên, cách răn dạy của ông cha ta đối với con cháu còn rất nhiều vấn đề phong phú khác, như khi dạy về lòng nhân ái thì phải biết “Lá lành đùm lá rách”, hoặc “Kim vàng ai nỡ uốn câu/ Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”; khi dạy về sự tôn sư, trọng đạo thì “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”; khi dạy về sự khiêm nhường thì “Không thầy đố mày làm nên”, hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”…

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Bác Hồ có quan điểm tư tưởng rất rõ ràng trong giáo dục, đó là phải đào tạo ra những con người cho hiện tại và tương lai, vừa có tài, vừa có đức. Bác dạy: “Có tài mà không có đức, là người vô dụng. Có đức mà không có tài, làm việc gì cũng khó”.

Tháng 2/1959, Bác sang dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, tại đại hội này Bác khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa”. Đọc và suy ngẫm 5 điều Bác dạy thiếu niên và nhi đồng ta thấy thật là sâu sắc nhân văn biết bao. Một đứa trẻ muốn trưởng thành tiến bộ, điều trước tiên phải biết “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Như vậy là Bác đã thừa nhận di sản giáo dục mà ông cha ta để lại là “Đạo đức là cái gốc, là nền tảng của xã hội”.

Qua những vấn đề cốt lõi về phương cách giáo dục của ông cha ta và những lời dạy của Bác Hồ, chúng ta có thể thấy rất rõ trong tư duy của Bác có sự kế thừa uyển chuyển mà hoàn hảo, có sự chọn lọc tinh tế mà khoa học những di sản giáo dục truyền thống của ông cha để lại để rồi tạo ra những giá trị mới trong nền giáo dục thời hiện đại. Đó là, giáo dục phải tạo ra được sản phẩm là những con người yêu nước, vừa hồng, vừa chuyên, có đủ tài đức để làm cách mạng theo mục đích lý tưởng của Đảng. Trong thực tiễn cách mạng cho thấy, Bác đã giáo dục, đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò ưu tú là những cán bộ nòng cốt để lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khổ và hy sinh để cập được bến bờ vinh quang như ngày nay.

Thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ về nền giáo dục cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Đảng ta đã chỉ rõ là, mọi cấp, mọi ngành phải có nhận thức mới về vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục. Phải gắn chặt giáo dục, đào tạo với khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão và coi đó là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để kế thừa, chọn lọc có hiệu quả những tinh hoa giáo dục truyền thống của dân tộc, trong đó coi đạo đức là cái gốc, là nên tảng của xã hội, bên cạnh việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội thì các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương cần phải thông suốt 4 quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng là:

1. Giáo dục và đào tạo là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Phải coi đầu tư cho giáo dục là một hướng chính của đầu tư phát triển.

2. Mục tiêu giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hóa, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp... Mở rộng quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức.

3. Gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước và phù hợp xu thế tiến bộ của thời đại.

4. Ða dạng hóa các hình thức đào tạo; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Thật vậy, trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, sự nghiệp giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức cam go, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nền giáo dục cách mạng Việt Nam sẽ không ngừng phát triển đi lên một cách bền vững.

Cùng với việc kế thừa, phát huy cao độ những giá trị giáo dục truyền thống của dân tộc trong các nhà trường, gia đình và xã hội và sự đổi mới không ngừng của nền giáo dục hiện đại, chắc chắn rằng những thách thức và xu thế suy đồi về đạo đức xã hội sẽ dần dần được ngăn chặn và đẩy lùi. Các giá trị “chân, thiện, mỹ” sẽ ngày càng được cũng cố hoàn thiện, những giá trị mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo sẽ được tạo ra ngày càng nhiều trên con đường đi tới mục tiêu cao cả: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Hoàng Minh Duyệt

(GP: 2-10-2020)