Trang chủ > Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người Việt Nam

Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người Việt Nam

25/08/2022 11:07:30

Ở các làng xã nông thôn Việt Nam, Thành Hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành Hoàng cũng giống như thờ cúng Tổ Tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm” uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

Hiện nay, Đền Lầu Khê  Cẩm Xuyên và một số đền trong các địa phương khác đang tổ chức cúng tế  hàng năm. Đặc biệt đền còn giữ được 12 đạo sắc phong của nhà vua ban tặng, được công nhận là Thành Hoàng làng, được sở Văn hóa Hà Tĩnh công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Để nhiều người hiểu thêm về Thành Hoàng làng, tôi xin biên soạn một vài tư liệu nói về vai trò và giá trị tinh thần của Thành Hoàng làng.

Ở các làng xã nông thôn Việt Nam, Thành Hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành Hoàng cũng giống như thờ cúng Tổ tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm "uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

1. Nguồn gốc và đặc điểm tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của người Việt 

Thuật ngữ Thành Hoàng là một từ Hán Việt: "Thành Hoàng có nghĩa là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng.  Đắp đất làm "thành”, đào hào làm “hoàng”. Thành Hoàng xuất hiện ở Trung Quốc thời cổ đại ở thế kỷ V,  VI trước Công nguyên và được thờ như là vị thần bảo hộ cho một thành trì, một phủ, một châu, hay một huyện. Xã hội Trung Quốc được phân chia thành hai cấp: vương và hầu, vua cai quản chư hầu. Mỗi chư hầu như là một vương quốc nhỏ có một tòa thành và một số ấp nông thôn vây quanh. Do vậy, để bảo vệ thành phải có thành hoàng, bảo vệ ấp thổ địa. Vì vậy việc thờ Thành Hoàng là khá phổ biến khắp đất nước Trung Hoa vào thời cổ đại. Ở đâu có xây thành, đào hào là ở đó có Thành Hoàng, được vua ban biển miếu hoặc phong tước. Dân làng lấy đó làm việc thờ phụng, giao hóa dân chúng.

 

Bàn thờ Thành Hoàng làng Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long (Ảnh mang tính minh họa)

Ở Việt Nam, Thành Hoàng là vị thần được tôn thờ chính trong các đình, miếu làng, là vị thần linh cai quản toàn bộ thôn, xã là thần hộ mệnh, phù hộ, độ trì và che chở , ban phúc cho dân làng.

Danh hiệu Thành Hoàng xuất hiện vào đầu thế kỷ IX, khi Cao Biền lập đền thờ Tô Lịch, một nhân thân và suy tôn là Đô Phủ Thành Hoàng thần quân, tức là Thành Hoàng của thành Đại La ( Hà Nội ngày nay).

Tuy tín ngưỡng thờ Thành Hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng vì quy mô và cơ cấu làng cổ Trung Quốc có nhiều điểm khác với làng cổ Việt Nam, nên tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Việt cổ có khác. Ở Việt cổ thờ Thành Hoàng không phải lúc nào cũng thờ thần bảo vệ Thành Hoàng, mà thờ chủ yếu những người có công với dân với nước, người có công lập ra làng, xã, huyện, phủ, hoặc người có công truyền dạy nghề cho dân làng, hoặc người tốt của dân. Việc thờ Thành Hoàng có khi là một sức mạnh thiên nhiên như: núi, sông, lửa, nước, mây, mưa, sấm chớp. Những thứ mà có trong đời sống nhân dân và tùy vào đặc điểm cư trú của từng vùng miền khác nhau. Có nơi thờ thủy thần, có nơi thờ thần núi. Đa số làng thờ những nhân vật lịch sử làm Thành Hoàng làng mình, những vị có công đánh giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân, cho nước như: Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…

Nói chung, hầu hết các làng đều thờ hai loại Thành Hoàng trong đó có vị là sức mạnh tự nhiên, có vị là nhân vật lịch sử hoặc người có công với làng. Đặc biệt Thành Hoàng ở Việt Nam không thay đổi khi nhà nước thay quan đổi chủ, chế độ, tôn giáo địa danh, giàu hay nghèo nhưng Thành Hoàng vẫn tồn tại suốt từ đời này qua đời khác.

2. Vai trò và ý nghĩa của Thành Hoàng với đời sống

Ngày nay, trong thời đại khoa học phát triển như vũ bão, con người đã lý giải được những khoảng trống trong nhận thức, những bất công về mặt xã hội, những bất trắc, may rủi trong cuộc sống nhưng tín ngưỡng Thành Hoàng vẫn có những vai trò nhất định không thể phủ nhận.

a. Vai trò liên kết cộng đồng

Tín ngưỡng Thành Hoàng đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng người trên cùng một lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy tụ tâm linh cho cư dân.

Thành Hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành, giáng họa trừng phạt những kẻ độc ác vô luôn. Có tai biến, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần chứng giám chuyển dữ hóa lành, giải oan cho người đó. Mọi người trong cộng đồng luôn tuân thủ theo luật lệ, đạo đức vì họ luôn tâm niệm rằng thần luôn giám sát những hoạt động của từng thành viên trong cộng đồng. Thần còn là lực lượng tiếp sức cho nhân dân trong cuộc chiến chống ngoại xâm, dập tắt thiên tai, bệnh dịch bằng con đường Âm phủ. Thần được dân làng hàng năm cúng tế và được triều đình phong kiến sắc phong thêm các mỹ tự sau mỗi lần cầu đảo linh nghiệm.

Nhà nước phong kiến Việt Nam chọn lọc và phong sắc cho Thành Hoàng làng nhằm mục đích đoàn kết và động viên toàn bộ sức mạnh của cộng đồng làng, xã và dân tộc thành một khối, đồng thời thực hiện việc quản lý xã hội đến cơ sở xã hội. Và ngôi đình, ngôi miếu xuất hiện lúc ban đầu với chức năng làm trụ sở hành chính, công sở của nhà nước phong kiến ở làng, xã  dần dần trở thành nơi thờ cúng Thành Hoàng và nơi hội họp của dân làng.

Cùng với việc phong kiến hóa đình miếu làng và thần làng, triều đình phong kiến đã tiến hành quản lý thống nhất đất nước. Các thần làng trở thành Thành Hoàng làng. Các thần làng có công âm phù giúp vua dẹp giặc, giúp dân trừ thiên tai, dịch bệnh, hay những công thần của triều đình đều được săc phong làm Thành Hoàng.

Nếu như sự thờ cúng gia tiên là nền tảng gắn kết mọi thành viên cộng đồng gia đình, dòng họ, thì việc thờ cúng Thành Hoàng là nơi gắn bó đoàn kết làng xã, trên cơ sở nguyện vọng, mong ước của các thành viên trong làng hội tụ ở thần..

b. Duy trì và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Thành Hoàng làng là một trong những nhân tố văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra trải qua bao thế hệ. Gắn với Thành Hoàng là hội làng - một nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của vùng miền, của từng địa phương.

Những năm gần đây, các làng xã theo nhau khôi phục sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Nhất là những ngày đầu xuân, dịp lễ, Tết và đã được cải biên cho phù hợp với thời hiện đại. Nhân dân nhiều nơi vẫn còn tín ngưỡng, tham gia rất đông, là nét tâm linh đem lại nhiều điều phấn khởi, sinh hoạt văn hóa cho dân làng. Đó cũng là đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, cũng là tri ân các giá trị đạo đức nhân, lễ, nghĩa… nhằm giúp con người nhất là các thế hệ trẻ không bị hòa tan trong cuộc sống vật chất thời hiện đại, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Bàn thờ Thành Hoàng Hiệp Mỹ, huyện cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Ảnh mang tính minh họa)

c. Là  chổ dựa tinh thần vững chắc

Thành Hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh, một chổ dựa tinh thần vững chắc của người dân. Bởi với họ, chỉ có thần mới có thể giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, giúp cho cuộc sống của họ ngày một ổn định, thịnh vượng, nên làng xã nào không có Thành Hoàng là làng xã đó bất an.

Tuy ngày nay khoa học đã phát triển, nhưng con người vẫn phải gặp những điều trái ngang, trắc trở trong cuộc sống thường ngày như bệnh tật ốm đau mà y học phải bó tay. Hoặc mưa gió, bão tố, lụt lội… hàng năm cướp đi hàng chục sinh mệnh. Khi đó con người lại nương nhờ vào thần linh, cầu xin sự che chở của thần thánh.

3. Phân loại các vị Thành Hoàng

Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng thường thờ môt vị Thành Hoàng làng, cũng có làng thờ hai, ba, thậm chí năm bảy vị Thành Hoàng, tuy nhiên, trong đó có một vị làm chủ thần. Mỗi vị Thành Hoàng đều có một thần tích và thần phả riêng gắn liền với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của làng đó. Tuy nhiên, có trường hợp nhiều làng cùng thờ một vị Thần như: Hai Bà Trưng, Lý Thường kiệt, Trần Hưng Đạo…   

Thành Hoàng thường được thờ ở đình, đền, ở miếu. Tuy nhiên, có nơi Thành Hoàng còn được thờ ở chùa theo cách “Tiên thần, hậu phật”. Nhiều vị chân tu đắc đạo vẫn được phong thần.

Ở các đình, miếu thờ thần đều có thần phả, hay còn gọi Ngọc phả. Đây là cuốn sách ghi chép sự tích các vị thần được thờ (thần tích). Các loại thần phả để lại đến ngày nay, có những lớp thông tin khác nhau, thêm bớt, hiện đại hóa thần tích qua các lần sao chép hay biên soạn lại.

- Cấp bậc Thành Hoàng

Xét theo công trạng mà các thần đã Âm phủ giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch họa, trừ mọi tai ương ngang trái trong xã hội. Giúp dân mở rộng làng nghề, mở ấp, làng xã mà triều đình ra sắc phong cho các Thành Hoàng theo các cấp như sau:

Thượng đẳng thần bao gồm các thần có công lớn giúp dân, giúp nước như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo v.v... và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân như: Tản Viên Sơn, Thánh Gióng v.v...

Trung đẳng thần là các vị thần, hoặc các quan địa phương có công khai phá lập điền, lập ấp có công với dân làng, hoặc có vị thần có chút linh dị có ứng nghiệm khi cầu đảo cũng được triều đình phong làm trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần là những người được dân thờ cúng, tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần, triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần. Có những vị thần do chết vào những giờ thiêng, lúc đầu do sợ hãi mà cúng, nhưng dần cũng giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự phát triển của dân làng nên được dân làng tôn kính và thờ cúng.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ thần và Thành Hoàng làng của người Việt Nam thực chất là thờ phúc thần, nó đóng vai trò liên kết cộng đồng trong làng xã và mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục lòng yêu nước, sống có đạo lý nhân nghĩa và hướng về những điều tốt đẹp. Đó là giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc mà ngày nay con cháu chúng ta được thừa hưởng, thừa kế và phát huy.

Hoàng Minh Duyệt

(GP: 28-9-2020)