Chùa Giác Lâm - một trong những chùa cổ Nam bộ
16/04/2023 17:50:46Chùa Giác Lâm hiện tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, P.10, quận Tân Bình, TP.HCM. Giác Lâm được xem là một trong những ngôi chùa có tiếng của vùng đất Gia Định xưa. Chùa được ông Lý Thụy Long người xã Minh Hương quyên tiền xây dựng vào mùa Xuân năm Giáp Tý 1744. Ban đầu chùa mang nhiều tên như: Cẩm Sơn, Sơn Can, Cẩm Đệm.
Cổng chùa Giác Lâm
Chùa được xây dựng từ năm 1744, nhưng mãi đến năm 1774 ông Lý Thụy Long mới đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý một tăng sĩ để về làm trụ trì chùa Cẩm Đệm. Hòa thượng Phật Ý đã cử đệ tử của mình là Thiền sư Viên Quang về chùa này. Thiền sư Viên Quang đã đổi tên chùa Cẩm Đệm thành Giác Lâm và là vị sư trụ trì đầu tiên của chùa Giác Lâm. Tính đến nay, chùa Giác Lâm đã trải qua lịch sử 278 năm với 8 thế hệ trụ trì.
Cho đến nay, chùa đã trải qua 3 lần trùng tu, đáng chú ý: lần thứ nhất vào năm
1798 và kéo dài 6 năm, dưới thời trụ trì của Thiền sư Viên Quang. Cũng từ lần trùng tu này, chánh điện của chùa mang vẻ uy nghi nhưng trầm mặc như ngày nay.
Trùng tu lần thứ hai (1900) và lần thứ ba (1939 ĐẾN 1945) cùng dưới thời trụ trì của Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo.
Thiền sư Hồng Hưng cũng là người đã cải táng tháp tổ Phật Ý về chùa Giác Lâm vào năm 1923. Từ đó Giác Lâm trở thành Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và ở Nam kỳ lục tỉnh nên còn được gọi là Tổ đình Giác Lâm.
Năm 1988 chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Chánh điện
Chánh điện
Chùa Giác Lâm hiện nay là một quần thể rộng lớn với nhiều công trình như: chánh điện, nhà thờ tổ, khu tháp tổ, tháp Ngũ gia tông phái v.v…
Đến với ngôi chùa cổ này chúng ta có dịp chiêm ngưỡng khám phá nhiều điều thú vị về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, chiều sâu tư tưởng…
Trước tiên, khi bước chân vào chánh điện, khu vực thờ tự chính của chùa, không gian cao rộng, những hàng cột gỗ đen bóng mang trên mình những câu đối thếp vàng, những bức hoành phi, bao lam cổ kính, những bức tượng gỗ nhuốm màu thời gian… Tất cả những điều đó tạo nên một không gian u tịch, huyền bí, thâm sâu của một nơi thờ tự trang nghiêm ngay giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt…
Kho tượng gỗ cổ
Ngay trong chánh điện này, nó cũng đã ẩn chứa bao điều để chúng ta khám phá. Có lẽ điều tạo ấn tượng cho người tham quan ở chánh điện này là những bức tượng gỗ. Tượng lớn nhất là tượng A Di Đà được đặt ở gian giữa của chánh điện, phía trên cao; tượng cao khoảng 2m.
Ở giữa chánh điện là là một cụm gồm 20 tượng… Dọc hai bên tường của chánh điện cũng là hai dãy tượng. Từ ngoài nhìn vào, phía tay trái có 28 tượng; phía tay phải có 29 tượng. Tổng cộng trong chánh điện có 77 bức tượng trong số 118 tượng của cả chùa.
Một số tượng gỗ trong chánh điện
Có thể nói, chánh điện chùa Giác Lâm như một bảo tàng tượng gỗ cổ tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng gỗ tôn giáo, thế kỷ 18-19 của Nam bộ, xứng đáng là một di sản văn hóa để hậu thế chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, quanh đỉnh tường của chánh điện này có hơn 6 ngàn đĩa trang trí, những chiếc đĩa này đa số là từ những lò gốm ở Lái Thiêu, Bình Dương, một số khác có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhận Bản. Cùng với hơn 1 ngàn đĩa ở tháp tổ Hồng Hưng, chùa Giác Lâm hiện sở hữu kỷ lục “Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam”.
Cây bồ đề và bảo tháp, xá lợi Phật
Cậy bồ đề to lớn phía trước sân chùa
Ra khỏi chánh điện, bước qua khỏi khoảng sân rộng là cây bồ đề với gốc có đường kính hơn 1m.
Theo sách “Chùa Giác lâm - Di tích lịch sử và văn hóa” của PGS-TS Trần Hồng Liên thì:
Năm 1953 Đại đức Narada từ Sri Lanka sang tặng cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một cây bồ đề và viên ngọc xá lợi Phật, mà văn phòng Giáo hội lúc này đặt tại chùa Giác Lâm, vì vậy xá lợi Phật được cung nghinh vào chùa Giác Lâm, còn cây bồ đề thì ngài Narada đặt vào chậu hoa, đến khi cây lớn được đem trồng trước sân chùa.
Bia dưới gốc cây bồ đề
Để có nơi trang nghiêm thờ xá lợi Phật, năm 1970, Hòa thượng Thiện Thuận đã cúng dường 1 mẫu đất trước sân chùa để xây bảo tháp thờ xá lợi. Bảo tháp dự kiến ngoài xá lợi Phật còn có linh vị của tất cả chư tôn Hòa thượng tổ sư tiền hiền quá vãng thuộc các tông phái Phật giáo nên bảo tháp có tên gọi là Ngũ gia tông phái.
Bảo tháp khởi công từ 29/11/1970, nhưng do điều kiện khách quan, mãi đến 9/5/1994 mới hoàn thành.
Bảo tháp hình lục giác, có tổng diện tích hơn 600m2, cao 32,7 mét, có 7 tầng. Xá lợi Phật được đặt trong tháp nhỏ bằng vàng, treo trên nóc tháp của tầng thứ 7, chung quanh chạm 6 con rồng chầu hầu. Đây không những là báu vật của chùa Giác Lâm mà còn là báu vật của Phật giáo Việt Nam.
Cổng nhị quan
Phía trước cây bồ đề, tiếp giáp với lối đi là cổng nhị quan.
Cũng theo sách “Chùa Giác lâm - Di tích lịch sử và văn hóa” của PGS-TS Trần Hồng Liên, đây là chiếc cổng ghi dấu tinh thần phản kháng chống lại ách áp bức của tu sĩ chùa Giác Lâm và khẳng định tính dân tộc của người dân Việt Nam.
Cổng nhị quan này được xây dựng vào năm 1939, lúc này chưa có cổng tam quan, nên đây là lối đi chính để vào chùa.
Thông thường, lối vào các ngôi chùa được xây bằng cổng tam quan (gồm không quan, trung quan và giả quan). Cổng nhị quan tại chùa Giác Lâm được xây dựng bỏ đi phần trung quan, tức phần cửa ở giữa và thay vào đó là bức bình phong. Phần cửa ở giữa của tam quan được xem là lối đi chính, chỉ mở vào những dịp quan trọng và cũng chỉ dành cho những nhân vật quan trọng.
Cổng nhị quan
Theo lời kể của các bô lão, trước đây, mỗi khi quan Pháp đến chùa, họ bắt các tu sĩ trong chùa phải trải thảm đỏ để rước họ vào. Nếu có cổng tam quan, chắc chắn phải mở cửa giữa (trung quan) để rước quan Pháp. Chính vì không muốn điều này, mà chùa Giác Lâm chỉ xây nhị quan, các quan Pháp có đến cũng chỉ đi hai lối nhỏ hai bên. Đó là sự phản kháng lại ách áp bức, nô dịch dân tộc dưới thời Pháp thuộc đầy thâm thúy của các tu sĩ chùa Giác Lâm.
Đặc biệt tế nhị và sâu sắc là sự phản kháng này đã dựa vào phong tục tập quán trong tín ngưỡng dân gian, đó là không trổ cửa chính vào thẳng nhà, vì cho rằng ma quỷ thường đi theo đường thẳng, nên thay cửa chính (trung quan) bằng bức bình phong như đã nói trên để trừ khử tà ma.
Khu tháp tổ
Ở chùa Giác Lâm còn có một khu tháp gọi là khu tháp tổ.
Khu tháp tổ hiện nay là nơi lưu giữ tro cốt của tất cả các bậc cao tăng đã từng làm trụ trì chùa Giác Lâm và Hòa thượng Phật Ý.
Ngôi tháp ở giữa là tháp tổ của Hòa thượng Phật Ý, tháp được cải táng về chùa Giác Lâm năm 1923.
Một góc của khu tháp tổ
Hai bên tháp tổ Phật Ý là tháp tổ của Thiền sư Viên Quang và Thiền sư Hải Tịnh.
Nếu Thiền sư Viên Quang có công đầu trong việc đặt nền móng cho Phật giáo tại chùa Giác Lâm thì Thiền sư Hải Tịnh (người kế vị trụ trì của Thiền sư Viên Quang) là người có nhiều công lao trong việc truyền bá Phật giáo tại nơi đây.
Khu tháp tổ được xem như việc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là nơi ghi nhớ công ơn của các bậc cao tăng đã có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển của Tổ đình Giác Lâm.
XEM VIDEO CLIP VỀ CHÙA GIÁC LÂM:
BÌNH MINH
Các tin cũ
- » Viện Lịch sử Dòng họ và Thư viện số 100 năm ký thỏa thuận hợp tác 08/04/2023 16:34:26
- » Khai quốc công thần triều Nguyễn được ban họ vua vì lòng trung nghĩa 02/04/2023 20:30:47
- » Luận về con đường trung quân của Nguyễn Huỳnh Đức 02/04/2023 20:12:35
- » Phác thảo gia phả họ Lương xã Đại Ngãi (Sóc Trăng) với Tiến sĩ Lương Định Của 28/03/2023 17:42:47
- » Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt trong tâm thức và tín ngưỡng người Sài Gòn 28/03/2023 17:22:19
- » Gia phả và hành trì đạo pháp của Ni sư Diệu Không (1) 28/03/2023 16:58:41
- » CLB Gia phả Trẻ TP.HCM ra mắt thành viên mới 26/03/2023 16:41:10
- » Tổng kết 30 năm Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM 26/02/2023 19:59:25
- » Trao gia phả cho họ Nguyễn ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi 01/01/2023 17:54:33