Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt trong tâm thức và tín ngưỡng người Sài Gòn
28/03/2023 17:22:19Tôi và những người sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn được biết đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt - mà tên gọi đầy đủ kèm chức vụ là Đức Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình Tây tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt – từ khi còn nhỏ qua hình ảnh của Lăng Ông Bà Chiểu. Cha mẹ chúng tôi đưa gia đình đến lễ bái tại đây nhưng chúng tôi vẫn chưa biết rõ Lăng thờ cúng ai vì Lăng trang nghiêm và còn nhỏ tuổi nên không dám nhìn thẳng lên ngai thờ.
Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà tại miền Nam phát hành tờ tiền giấy mệnh giá 100 đồng, có in hình Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt, lúc đó tôi mới biết mặt ngài. Và từ khi trưởng thành, tôi càng hiểu rõ đây là một trong những vị công thần bậc nhất của triều đại Nhà Nguyễn nói riêng và nhân dân Nam bộ nói chung (1).
Tờ giấy bạc 100 đồng có in hình Lê Văn Duyệt. (2)
Nói về Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt, các tài liệu lịch sử, báo chí, và nhất là trong các cuộc toạ đàm khoa học về Vương triều Nguyễn, đã nói rất nhiều về thân thế và công lao của nhân vật lịch sử tầm cỡ này, từ xuất thân cho đến hành trạng và công đức cũng như nỗi oan khuất của Ngài và sự thăng trầm của Lăng Ông Bà Chiểu, của Tả quân Chi Ấn v.v… từ tháng 4/1975 đến nay.
Vì vậy trong bài tham luận này tôi chỉ xin góp một phần nhỏ để nói về Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt trong tâm thức và tín ngưỡng người Sài Gòn.
Người Sài Gòn đa số theo đạo thờ cúng tổ tiên và các vị thần, chiếm đến 2/3 dân số rồi mới đến các tôn giáo khác gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hoà hảo, Hồi giáo v.v… (3) nhưng hầu hết đều có tín ngưỡng về Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt, coi ngài như một vị Thần; đặc biệt là đồng bào người Hoa vùng đất Sài Gòn cũ, sau thường được gọi là Chợ Lớn.
Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung là một vùng đất đa tộc người, nơi đất lành chim đậu của di dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác. Khi bắt tay vào khai phá và xây dựng luôn luôn có nhiều khó khăn – trở ngại vượt ra tầm hiểu biết và khả năng chế ngự hoặc khuất phục của con người. Vì vậy Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã trở thành môi sinh thuận lợi để phát triển các tín ngưỡng về thần thánh và tín ngưỡng tôn giáo có nguồn gốc Bắc Bộ, Trung Bộ hoặc tiếp biến từ các tộc người cộng cư và từ người Pháp; tín ngưỡng đã đạt được mục đích giúp cho tinh thần và khả năng con người để tự tăng thêm sức mạnh chinh phục thiên nhiên, xây dựng đời sống và phát triển kinh tế.
Trở lại với vấn đề Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt trong tâm thức và tín ngưỡng người Sài Gòn, tôi nhớ lại từ khi còn trẻ cha mẹ đưa tới Lăng Đức Tả quân để cúng lễ, không chỉ riêng những ngày Tết cổ truyền mà hầu như ngày nào cần cúng lễ hoặc bà con có việc là tấp nập tới cúng lễ. Hoạt động cúng lễ chủ yếu gồm có thắp nhang, cầu khấn, dâng lễ vật, xin thẻ xăm và nhận tờ giải đoán lá xăm đã được. Nhiều người còn phóng sinh chi sẻ, chim én và thậm chí có cả chim bồ câu. Khuôn viên của Lăng Đức Tả quân Quận công rộng 18.500 mét vuông với nhiều loại cây trồng quý hiếm, còn là nơi để khách thập phương đến cúng lễ đi dạo, nghỉ ngơi, ngồi chiêm nghiệm cuộc sống v.v… Bình thường có rất nhiều người đến Lăng tuy không cúng lễ nhưng xem đó là một nơi để đi dạo, thư giãn, hoặc ngồi đọc sách báo, học tập dưới các bóng cây cao, đồng thời cảm nhận được không gian thanh tịnh so với ồn ào của phố phường ban ngoài.
Cổng đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (4)
Riêng nói về việc cúng lễ, tôi chú ý thấy sau khi dâng hương, cầu khấn, người đi cúng lễ ngoài việc cúng tiền bạc vào các hòm công đức để góp phần mua nhang đèn cúng; bà con thường hay chun qua dưới bụng của tượng ngựa đặt hai bên điện với tâm niệm để cầu an hoặc được tại qua nạn khỏi. Nhưng thu hút nhiều nhất vẫn là việc xin quẻ xăm để biết về những điều lành dữ với tư tưởng “đón lành, tránh dữ”.
Xăm trong Lăng Đức Tả quân Quận công được gọi là Tướng Quân linh sám gồm 100 lá xăm đánh số từ 1 đến 100. Trong 100 lá xăm của Tướng Quân Linh Sám lại được chia ra 3 loại: Xăm thượng, màu đỏ, là loại xăm tốt nhất; xăm trung, màu cam, là loại tốt trung bình; xăm hạ, màu vàng tươi, là loại không tốt. Trên thực tế, nếu chỉ quan sát theo màu sắc, người ta không biết chính xác trong 100 lá xăm ở đây, có bao nhiêu lá xăm tốt và bao nhiêu lá xăm không tốt. Lý do là ngoài 3 màu đỏ, cam, vàng tươi, còn lẫn vào đó những lá xăm màu hồng, màu vàng đậm.
Khác với lối phân chia trên đây, thầy bàn xăm Lương Siêu cư sĩ cho rằng chỉ những nhà chuyên môn mới có thẩm quyền quyết định về mức độ tốt hay không tốt của lá xăm. Theo ông, màu sắc của lá xăm không đáng kể, chỉ có Thần ý ghi trên lá xăm thích hợp cho từng trường hợp mới đáng kể mà thôi. Lương Siêu cư sĩ phân chia 100 lá xăm trong Tướng Quân Linh Sám ra như sau:
* Xăm thượng: 38 lá:
1,2,7,8,9,10,11,19,21,22,24,30,32,40,45,50,54,55,57,58,
60,64,65,66,68,69,74,78,79,80,87,89,92,93,97,98,99,100.
*Xăm trung: 50 lá:
3,5,12,13,16,18,20,23,26,27,28,29,31,33,34,35,36,37,39,41,42,43,44,46,48,51,52,53,56,
61,62,63,67,71,72,73,75,76,77,81,82,83,84,85,86,88,90,91,94,95.
* Xăm hạ: 12 lá:
4,6,14,15,17,25,38,47,49,59,70,96.
Ngoài xăm giải đoán về các điềm lành – dữ (Tướng Quân linh sám) còn có 100 lá xăm thuốc gọi là Tả tướng quân Hoàng Tiên Lương Phương chỉ một màu vàng, không phân biệt tốt xấu, đánh số từ 1 tới 100. Xâm thuốc này cho người xin xăm biết Thần ý về mọi thứ bệnh tật.
Tại Lăng Ông, khách đến cúng lễ có thể xin xăm tại Nhà Hương, Trung Điện hoặc Tây Điện. Tuy nhiên vẫn có nhiều khách cố lên gần Chánh Điện để xin xăm, và nghĩ như là càng tới gần Chánh Điện thì càng gần Thần Linh và càng có nhiều hi vọng được Thần Linh cảm ứng vào lá xăm.
Dọc theo hai bên tường Nhà Hương gắn 50 khoen sắt tròn làm giá đựng 50 ống xăm. Ống xăm màu bạc, dài 0m50. Trong mỗi ống đựng 100 thẻ xăm bằng tre vót mỏng tanh, đánh số từ 1 tới 100. Mỗi thẻ dài 0m20, ngang 0m01, trên đầu cùng đề số thẻ bằng chữ nho, kế bên dưới là số thường, dưới cùng mỗi thẻ là số của ống xăm.
Việc xin xăm có thể chia ra 2 giai đoạn: Xin quẻ thẻ và bàn về lá xăm.
Xin quẻ thẻ:
Thông thường, trước khi xin quẻ thẻ, khách xin xăm lễ Thần 4 lạy, 3 vái, rồi qùy hoặc ngồi bệt xuống chiếu, hai tay đưa cao ống xăm lên mà lắc một cách kính cẩn. Tiếng các thẻ chạm vào thành phía trong của ống xăm kêu lách cách. Khi một quẻ thẻ rớt ra ngoài, khách xá nhẹ vài xá hoặc lậy tạ Thần 4 lạy và nhớ kĩ số cái thẻ xăm đã rớt ra, nếu không biết chữ phải nhờ người khác đọc giùm. Trường hợp có từ 2 thẻ trở lên rớt ra ngoài, khách xá nhẹ để xin Thần cho phép bắt đầu lại. Khi đã được Thần ban cho 1 quẻ thẻ, thông thường khách tiếp tục xin keo (thảy 2 miếng gỗ hình bán nguyệt lên cho rớt xuống chiếu sẽ nói rõ ở phần dưới) để biết chắc Thần ý hơn nữa. Nếu xin keo mà được một Âm, một Dương (sấp và ngửa), khách sẽ lạy tạ Thần rồi đi xin lá xăm giấy mang con số đã được cho. Thỉnh thoảng có khách xin một lúc nhiều quẻ thẻ, một cho mình, còn những thẻ khác là xin giùm cho bà con.
Riêng loại xăm thuốc, người lớn phải xin 3 quẻ thẻ, thiếu niên 2 thẻ, trẻ em một thẻ.
Bàn Xăm thường: Sau khi xin được quẻ thẻ, khách đi sang Tây Lang để xin giấy giải thích nội dung quẻ xăm. Trên tường Tây Lang có treo 10 kệ đựng lá xăm, đánh số từ 0 tới 9. Mỗi kệ có 10 hộc đựng lá xăm, xếp thứ tự hàng chục. Trường hợp khách không biết chữ thì tới quầy ở góc phòng xin người phát xăm giúp đỡ. Riêng về loại xăm thuốc, các lá xăm được xếp thứ tự trong một cái tủ có 100 hộc, kê phía trong quầy. Khách không được tự tiện tới lấy, phải xin người phụ trách lấy cho. Tuy nhiên, tất cả các thứ xăm đều phát miễn phí.
Để phục vụ cho khách cúng lễ, Hội Thượng Công Qúy Tế đã phát hành 2 cuốn sách bàn xăm vào năm 1949: một cuốn bằng chữ Việt, một bằng chữ Hán. Thực ra cuốn sách bàn xăm 216 trang này là tổng hợp nguyên văn tất cả 100 lá xăm đựng trong các kệ ở Tây Lang. Khách căn cứ vào lời bàn trên lá xăm mà tiếp nhận Thần ý.
Khách đến chiêm bái xin xăm (5)
Nội dung các lá xăm được trình bày bằng một hình thức duy nhất như sau: Mỗi lá xăm viết 2 mặt:
• Mặt trước viết: Tướng Quân Linh Sám, số thứ tự quẻ xăm, một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt diễn tả Thần ý gồm 3 phần: nguyên văn bằng chữ Hán, phần phiên âm và phần dịch nghĩa.
• Mặt sau: Là lời bàn xăm viết theo thứ tự như sau: bổn mạng, gia đạo, mưu sự, cưới gả, bệnh tật, cầu tài, cầu quan, xuất hành, kiện cáo, mất trộm.
Tất cả những lời bàn có đặc tính chung là vắn tắt, mơ hồ, nặng về phương diện luân lý đạo đức. Vì vậy, nhiếu người muốn biết rõ lá số của mình hơn nên đã nhờ các thầy bàn xăm giảng giải thêm cho. Trước đây, hàng ngày có khoảng 15 thầy bà bàn xăm hành nghề trong khuôn viên Lăng Miếu Đức Thượng Công. Thêm vào đó, còn có khoảng 20 thầy bà khác đặt bàn hành nghề bên ngoài bờ tường phía Đông Lăng Miếu. Các Thày bà cũng nhận viết sớ khấn, đọc sớ khấn, viết liễn đối, coi tướng, coi bói, coi ngày, cưới gả…
Về bàn xăm thuốc: Xăm thuốc viết bằng chữ Hán trên một mặt giấy, hầu hết người Việt không đọc được, phải nhờ hoặc thuê mướn người đọc giúp.
Lá xăm thuốc nhỏ hơn lá xăm thường, nội dung gồm một bài thuốc, một lời khuyên về luân lí đạo đức hoặc lời khuyên về việc tĩnh dưỡng. Tất cả những khách xin xăm đều tỏ ra tin tưởng sâu xa Đức Thượng Công linh hiển sẽ ban cho mỗi ngưòi một bài thuốc đúng bệnh tật của mình. Tả Tướng Quân Hoàng Tiên Lương Phương gồm 100 lá xăm với 100 bài thuốc, kèm theo những lời khuyên cho bách bệnh ở đủ mọi tình trạng nặng nhẹ khác nhau. Người lớn phải xin 3 lá xăm, thanh thiếu niên 2 lá và con nít 1 lá. Vì các lá xăm thuốc không có phần phiên âm và dịch nghĩa cho nên Hội Thượng Công Quý Tế có viết phần phiên âm của vài lá xăm thuốc dưới đây để làm thí dụ:
Thí dụ lá xăm 1: Tả Tướng Quân Hoàng Tiên Lương Phương
Đệ nhất phương
Kiền thành cảm cách não tiên linh
Triêu tịch đa nghi tụng thánh kinh
Thiện sự thường hành Thần ủng hộ
Bất tu phục dược bệnh đương kinh.
Nghĩa là:
Phương thuốc hay của Ngài Tả Quân Quận công Lê Văn Duyệt
Liều thuốc thứ nhất
Có lòng thành làm chính lại trí óc là thuốc tiên
Sớm chiều nên tụng kinh
Làm việc lành Thần sẽ ủng hộ
Không cần dùng thuôc bệnh cũng hết.
Ghi chú: Nội dung lá xâm thứ nhất này chỉ là một lời khuyên tu tâm dưỡng tính có tính cách đạo lý.
Thí dụ lá xâm 21: Tả Tướng Quân Hoàng Tiên Lương Phương
Đệ nhị thập nhất phương / Hà dung đa ưu lự / Dĩ chí thử phương thần / Cốt thống bất kham thậm / Sự việc hữu lai nhân.
Du quy nhất tiền - Thích bối nhị tiền - Xuyên khung tiền bán - Tang kí tiền bán - Vân ninh nhị tiền - Bạch thược nhị tiền - Tiên phục.
Nghĩa là:
Phương thuốc hay của Ngài Tả Quân Quận công Lê Văn Duyệt
Liều thứ 21 : Không cần chi phải lo nghĩ / Đến nỗi hại tới tinh thần / Và đau nhức xương cốt đến khó chịu / Cũng do sự lo nghĩ quá mà ra.
Du quy 1 chỉ - Thích bối 2 chỉ - Xuyên khung nửa chỉ - Tang kí nửa chỉ - Vân ninh 2 chỉ -
Bạch thược 2 chỉ - Sắc lên mà uống.
Ghi chú: Lá xăm thứ 21 gồm 2 phần: phần đầu là những lời khuyên tĩnh dưỡng; phần sau là một bài thuốc gồm 6 vị thuốc.
Ngày nay Ban Quý tế của Lăng Ông Bà Chiểu không còn cho xin xăm thuốc nữa, chỉ còn lại việc xin xăm Tướng Quân linh sám mà thôi. Tôi có hỏi ông Trần Văn Sung – Trưởng Ban Quý Tế Lăng Ông Bà Chiểu, Phó Ban quản lý Di tích Văn hoá Lịch sử Lăng Ông Bà Chiểu (tác giả cuốn sách Di sản Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt) về lý do thì được ông cho biết là xét thấy trong dân gian và khách đến cúng lễ tại Lăng vốn có trăm ngàn thứ bệnh, từ bệnh tinh thần đến bệnh thể xác, nhưng chỉ có 100 quẻ xăm thì sợ rằng chưa chính xác và phù hợp với các loại bệnh trạng. Hơn nữa quẻ xăm chủ đạo khuyên tĩnh dưỡng, an trí tuệ an tinh thần, tuy các vị thuốc không độc lực và không hại thể nhưng cũng không còn cần thiết trong thời đại y học phát triển ngày nay cả về Tây y và Đông y nên đã xin phép Thần ý thôi không để xăm thuốc nữa.
Nói thêm về việc xin keo:
Sau khi xin xăm, khách phải xin keo để biết chắc Thần ý hơn nữa! Tuy nhiên cũng có những khách không muốn xin keo vì cho rằng như thế tỏ ra còn hồ nghi linh xăm của Thần. Chẳng hạn như chính Hội Thượng Công Qúy Tế đã chỉ xin xăm mà không xin keo: Năm 1953, Hội xin được quẻ xâm số 58 có câu: ‘Cầu đâu được đó, mọi việc đều xứng ý’cho nên Hội đã bỏ lệ cúng vật ‘tam sanh’ (giết heo, bò - có khi là trâu, dê để làm lễ vật cúng tế) trong ngày lễ giỗ Đức Thượng Công. Tới năm 1954, Hội lại xin được quẻ xăm số 95 báo trước ngày đất nước hòa bình với 2 câu: ‘Hai bên ỷ thế mà gây chuyện rốt rồi cũng hòa hảo với nhau’. Vì thế, Hội đã đắp ‘Đảnh Hoà Bình’ dựng tại khuôn viên Lăng Ông để làm kỉ niệm.
Xin keo cũng phải theo thủ tục giống như xin xăm. Trước hết, khách phải qùy hoặc ngồi bệt xuống chiếu xá vài cái, rồi lấy 2 miếng gỗ hình bán nguyệt, mỗi miếng có một mặt phẳng và một mặt vòng, đưa lên ngang trán, miệng lâm râm cầu khấn. Khấn xong, người xin keo buông 2 miếng gỗ ra để cho rơi xuống mặt chiếu. Nếu được một mặt bằng và một mặt vòng, tức một Âm (ngửa) một Dương (xấp), có nghĩa là Thần đã xác nhận quẻ xăm đương sự đã xin. Được Thần ý xác nhận như vậy, khách hết sức vui mừng, sẽ qùy hoặc đứng mà lậy tạ 4 lậy. Nếu mà keo lên cả hai mặt bằng, tức 2 Âm; hoặc lên cả hai hình vòng, tức 2 Dương, nghĩa là Thần chưa xác nhận, cho nên khách phải xin keo lần nữa. Trường hợp tới lần thứ hai mà vẫn không được một Âm và một Dương, tức là ý Thần chưa định, phải bắt đầu lại tất cả, tức là phải xin xăm lần nữa. Có nhiều người lo âu khổ sở vì không xin được xăm và keo, nên đã phải trở lại nhiều lần, mỗi lần cách nhau cả tuần lễ, cho tới khi thỉnh được Thần ý mới thôi. Hầu hết các khách tới xin xăm, xin keo v.v., đều dâng cúng một ít tiền tùy ý và tùy theo khả năng. Tiền dâng cúng bỏ vào các tủ sắt kê hai bên Nhà Hương, Trung Điện và Tây Điện (6) (6).
Như vậy về mặt tâm thức, người Sài Gòn nói riêng và người Nam bộ nói chung đều cảm thấy Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt là Thần linh; xuất phát từ tài năng, phẩm chất và đức độ của Ngài đối với nhân dân khi còn sống. Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt từ chỗ là 1 thiếu niên thích luyện tập võ nghệ sống tại vùng Rạch Gầm, làng Long Hưng, huyện Kiến Hưng, đạo Trường Đồn (đạo là đơn vị hành chính thời quân chủ gồm nhiều tỉnh) nay thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang – đã theo phò Chúa Nguyễn Ánh lập nhiều chiến công trận mạc lừng lẫy và được thăng tới chức Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình Tây tướng quân tước Quận Công. Ngoài chiến công trận mạc góp phần dựng lên vương triều Nhà Nguyễn, bình định loạn lạc khắp nơi từ Bắc Trung bộ đến Nam bộ, Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt còn hai lần nhận lãnh chức vụ Tổng trấn Gia Định thành nhưng kiêm phụ trách luôn hai trấn là Bình Thuận và Hà Tiên; ngài còn lập ra các cơ quan từ thiện để an dân và chăm lo giáo dục, học nghề; tổ chức đắp đường đến tận Cao Miên (Kampuchia ngày nay) và đào kinh Vĩnh Tế phục vụ cho thuỷ quân và vận chuyển hàng hoá lương thực. Công lao của Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt đối với người dân vùng Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung là vô cùng to lớn. Thành Gia Định từ một vùng rừng rậm đầm lầy trở nên phố thị trù phú. Công lao quản nhiệm của Ngài cũng làm cho Nam bộ có được một xã hội khá yên ổn và ấm no (7) (7).
Công đức này cứ truyền miệng từ đời trước sang đời sau làm cho người Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung xem Ngài chính là một vị Thần sau khi mất, và việc thờ cúng Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt cũng đã trở thành tín ngưỡng.
Một điều đáng chú ý là tôi thấy rất nhiều người Hoa đến cúng lễ, cầu khấn Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt; không riêng gì người Hoa trong Chợ Lớn (Sài Gòn cũ) mà kể cả người Hoa ở miền Đông, miền Tây Nam bộ cũng thờ kính Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt như vị thần.
Khi được tôi hỏi về vấn đề này, ông Trần Văn Sung – Trưởng Ban Quý Tế Lăng Ông Bà Chiểu, Phó Ban quản lý Di tích Văn hoá Lịch sử Lăng Ông đã cho biết một số nét chính trong lịch sử là khi Nhà Tây Sơn (Vua Quang Trung) tấn công vào Nhà Nguyễn ở miền Nam thường tìm cách triệt hạ kinh tế bằng cách nhắm vào việc bắt và giết những người Hoa chuyên làm kinh tế phân phối, vận chuyển, thu mua, tích trữ. Năm 1776, quân Tây Sơn đánh chúa Nguyễn, và Cù Lao Phố là địa điểm đầu tiên mà dân chúng và đặc biệt là người Hoa bị bắt – giết, nhà bị đốt phá, cái gì đem về được Quy Nhơn thì quân Tây Sơn dỡ đi. Do người Hoa thích chôn vàng bạc nên quân Tây Sơn xới tung cả nền nhà lên để tìm. Các ngành nghề thủ công khác phục vụ kinh tế cũng không tránh khỏi. Ngay cả ở các vùng Mỹ Tho và Nam bộ vì vậy đều không tránh khỏi sự trừng phạt của Nhà Tây Sơn vì mục tiêu triệt hạ kinh tế của Nhà Nguyễn. Trong tình cảnh đó, bên cạnh việc giao tranh, chống đỡ Nhà Tây Sơn, Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt đã cố gắng đưa quân đi bảo vệ, giúp đỡ việc sơ tán và cưu mang những đồng bào người Hoa này vì chính họ rất giỏi về kinh tế. Nhớ ơn nghĩa và công lao của ngài, đồng bào người Hoa đã tôn vinh Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt là một vị “Phúc Thần”.
Như đã nêu trên, trong quá trình sinh sống của người dân Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, cứ có bất công, áp bức, thì có đấu tranh và trong đấu tranh lúc đó ít nhiều con người cũng phải dựa dẫm vào thế lực hoặc sự phù trợ của Thần linh. Đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển con người phải chiến đấu với thiên nhiên nhiều khi khắc nghiệt; và cứ khi con người cảm thấy bất lực hoặc khó có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại, bức bách… hoặc bị dồn nén buồn khổ đến tận cùng mà nghĩ mình chưa thể vượt qua được; người ta cảm thấy cần có sự trợ lực của tâm linh để có thêm nghị lực, niềm tin, sức bật vượt qua gian khổ. Những lúc như vậy việc cầu khấn thần thánh, tín ngưỡng tôn giáo là một phương tiện để giúp cho tinh thần con người mạnh mẽ vươn lên. Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt vì vậy cũng là một trong những vị thần được người Sài Gòn nói riêng và người Nam bộ nói chung tôn sùng để cúng lễ, cầu khấn và xin xỏ, bằng cách chỉ dẫn qua xin xăm hoặc xin phù hộ ban phép màu – song song với việc cúng lễ để ghi ơn công lao to lớn.
Xin trích vài câu trong các bức hoành phi treo ở tiền điện thể hiện lòng tôn kính của cả người Việt, người Hoa đối với Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt: “Hách hách thần uy” (Uy thần hiển hách); “Ân quang phổ chiếu” (Ơn soi khắp chốn); “Thần như tâm kính” (Lòng thần như gương); “Uy trấn hạo thiên” (Uy trấn trời cao); “Uy chấn Hoa, di” (Uy chấn động đến người Hoa, người man di)… đủ thấy sự ngưỡng vọng của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ xưa nay đối với ngài (8) (8).
Khi tâm thức và tín ngưỡng đã gắn liền với nhau trong con người thì việc lao động. chiến đấu, khắc phục khó khăn trở ngại trong cuộc sống không còn là vấn đề đáng kể. Cái tâm thức và tín ngưỡng ấy sau khi hình thành được truyền từ đời này qua đời khác một cách tự nhiên, và việc bảo vệ tâm thức, tín ngưỡng của con người cũng là một hành vi đạo đức của cá nhân để không cho phép mình trở nên bê tha, vô đạo, bất nghĩa, bất nhân trong cuộc sống.
Chính trị ngoài các ý nghĩa triết học, hàn lâm và tự điển tiếng Việt giải thích; người Sài Gòn nói chung và Nam bộ nói riêng đã tự giải thích nôm na theo cách của mình : đó là chính sách để cai trị, nhưng muốn có chính sách để cai trị tốt thì phải hợp với lòng dân; vì chính nhân dân đóng thuế nuôi nền chính trị, gia nhập binh lính bảo vệ chế độ và đất nước. Chính trị ở đây đã hợp với lòng dân ngay trong lãnh vực thừa nhận và tôn trọng tâm thức, tín ngưỡng của người dân Sài Gòn đối với Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt. Việc công nhận Lăng Ông Bà Chiểu là di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia đã là một minh chứng. Việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt từ Cầu Bông về Lăng là sự ghi nhận công lao; và việc tổ chức các toạ đàm hoặc Hội thảo Khoa học về Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt cũng là con đường dẫn tới cách ghi nhận lịch sử và con người Việt Nam trong thời đại Nhà Nguyễn một cách công bằng, trung thực nhất.
Hoàng Long Vân
(Tổng Thư ký Viện Lịch sử Dòng Họ)
Chú thích:
(1): Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng kết luận “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế và quân sự (Toạ đàm về nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt tại TP.HCM năm 2000)
(2): Ảnh Google
(3): Dương Minh Anh – Báo SGGP tháng 10/2007
(4): Ảnh tự chụp
(5): Ảnh báo Tuổi Trẻ Online
(6): Trần Vinh - Xin xăm, xin keo tại Lăng Ông Bà Chiểu (Trích trong tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu, 1974. Giữ nguyên nội dung nhưng có nhuận sắc).
(7):Tham khảo từ sách "Di sản Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt" của tác giả Trần Văn Sung - Trưởng ban Quý tế Lăng Ông.
(8): Phạm Chu Sa - Nhân ngày Hội Lăng Ông Lê Văn Duyệt (2015)
Các tin cũ
- » Gia phả và hành trì đạo pháp của Ni sư Diệu Không (1) 28/03/2023 16:58:41
- » CLB Gia phả Trẻ TP.HCM ra mắt thành viên mới 26/03/2023 16:41:10
- » Tổng kết 30 năm Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM 26/02/2023 19:59:25
- » Trao gia phả cho họ Nguyễn ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi 01/01/2023 17:54:33
- » Viện Lịch sử dòng họ tiếp tục các hoạt động thúc đẩy sự nghiệp dựng phả cho CLB Gia phả trẻ 19/12/2022 14:08:16
- » Tích cực tu dưỡng đạo đức, lối sống để xây dựng gia phả đạt chất lượng cao 04/11/2022 12:09:36
- » Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập TT Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM 30/10/2022 14:30:25
- » 2 diễn viên Đồng Ấu Bạch Long đến với Hội quán Gia phả coffee 30/10/2022 14:15:57
- » Trò chuyện chữ Hán - Nôm trong các bộ gia phả cổ 30/10/2022 14:14:59