Luận về con đường trung quân của Nguyễn Huỳnh Đức
02/04/2023 20:12:35Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748, sinh trưởng tại giồng Cái Én, làng Trường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ (nay thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An). Cha là Huỳnh Công Lương, ông nội là Huỳnh Công Châu đều làm tướng võ đến chức Thủy sư đô đốc. Lúc trẻ tuổi Nguyễn Huỳnh Đức có công khai hoang mở đất Ba Giồng (Gò Yến, Gò Kỳ Lân, Gò Qua Qua); ông có sức mạnh hơn người, đương thời đã được gọi là “hổ tướng”. Thuở ban đầu, ông ở trong đạo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân, đến năm 33 tuổi (1781) mới theo Nguyễn Ánh, được tiến cử làm Tiền quân, là đại công thần đầu triều Nguyễn, nhất là với vua Gia Long.
Bài tham luận này nghiên cứu về quá trình Huỳnh Tường Đức hết lòng trung thành với Nguyễn Ánh, lập nhiều công lớn, được dựng lăng thờ và đặc biệt nơi thờ tự cụ Nguyễn Huỳnh Đức, dù trải qua bao lần đổi thay thực thể chính quyền rất đối chọi nhau, song được ôn cố, duy tồn, ổn định đến ngày nay.
1. Thời ly loạn
Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm với 7 lần quyết chiến ở khu sông Gianh, song bất phân thắng bại. Hai miền nỗ lực phát triển trong thế và lực của vùng miền, tuy vậy sức mạnh thống nhất luôn cuốn hút hai miền, người dân chịu nhiều tổn thất, đời sống xã hội nhiều khốn khó. Các vùng cả hai miền nam bắc đều xuất hiện nhiều cuộc tự lập lực lượng, nhiều thủ lĩnh... chuẩn bị cho sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Phong trào Tây Sơn ở miền thượng đạo tây Trường Sơn do Nguyễn Nhạc cùng hai người em, là phong trào hàng đầu, nổi bật nhất. Sự nghiệp Tây Sơn lừng lẫy, lập vương triều, bước đầu thống nhất đất nước. Ở trung Nam Bộ bấy giờ, Đỗ Thanh Nhân lập đội quân Đông Sơn, có công đầu giúp chúa Nguyễn, nhất là Nguyễn Ánh trụ lại được trước sự tiến công truy quét của 5 lần vào Gia Định thắng lợi của Tây Sơn. Sự nghiệp kiên trì, thu hút lòng dân Nam Bộ của Chúa Nguyễn, kết hợp sách lược mời gọi quân đội nước ngoài, được quân Pháp và Bồ Ban Nha trợ lực đã ít nhiều giúp Nguyễn Ánh vượt lên trong công cuộc tranh quyền trị nước an dân.
Sau khi vua Quang Trung mất năm 1798 (lúc 40 tuổi), quân Nguyễn Ánh lần lượt chiến thắng oanh liệt, tiến chiếm toàn cõi nước ta; Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, hoàn tất sự nghiệp thống nhất nước nhà, lập nên Triều Nguyễn, giữ ngai vàng với nhiều chính sách trong nước và đối ứng với quân Pháp xâm lược có nhiều điều thị phi từ giữa thế kỷ IXX đến năm 1945 thế kỷ XX thì kết thúc vương triền Nguyễn, đồng thời kết thúc chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở nước ta.
Thời ly loạn này được nhà văn Hồ Biểu Chánh ghi nhận trong các tác phẩm văn học có hư cấu, song nhiều sự kiện sát thực tế xã hội lúc bấy giờ. Trong câu chuyện "Đỗ nương nương báo oán" phần nhiều viết về Đỗ Thanh Nhân và "phong trào" Đông Sơn, bối cảnh Nam Bộ thời này được mô tả khá thực tế; đoạn văn mô tả cuộc họp tụ quân vì nghĩa của Thanh Nhân như sau:
“Vì hay trong nước có giặc nên mới qui-tụ anh em lớn nhỏ ở đất Ba Giồng mà nói cho anh em hay rồi hỏi coi nước nhà bị họa giặc-giã, chúng ta là con dân của đất nước, chúng ta phải làm sao cho đáng mặt râu mày. Ấy vậy, cuộc tiệc tôi mở ra hôm nay đây không phải là cuộc vui chơi, Ấy là cuộc hội-hiệp để bàn-luận rồi chung lo giữ nhà cứu nước. Tin giặc-giã tôi mới nói cho anh em biết đó là tin chắc-chắn chớ không phải lời đồn huyễn.
Tôi qua Long-Hồ tôi nghe rõ-ràng: cách hơn một tháng nay Triều-đình có cho quan Lưu-Thú của ta hay, bọn cường-khấu qui-tụ nhơn-dân tại Tây-Sơn mà luyện tập phân thành đội ngũ rồi kéo ra đánh úp đoạt thành Qui-Nhơn. Quan quân khiếp sợ bỏ chạy hết. Chúng thừa thế mạnh mới tung-hoành chiếm hết đất đai cả một vùng từ Bình-Thuận trở ra Khánh-Hòa, Phú-Yên, Bình-Định, Quảng-Ngãi.
Mà đó là tin cũ nghe hôm tháng trước, không biết bữa nay giặc Tây-Sơn đã tràn ra Quảng-Nam hoặc đã tới Thuận-Hóa hay chưa. Lại còn nguy hơn nữa là đồng thời Tây-Sơn hoành-hành ở phía Nam thì chúa Trịnh huy-động binh phía Bắc vào đánh chiếm đất Bố-Chánh, cách kinh-thành Huế không bao xa. Bữa nay chúng đã lấy Huế hay chưa?… Chưa biết được. Tôi chỉ biết quan Lưu-Thú Long-Hồ đã dem 5.000 binh Gia-Định ra đàng ngoài đặng chống với Tây-Sơn. Chống nổi hay không? Cũng chưa biết được... Ví như binh Chúa Trịnh, hoặc binh Tây-Sơn đánh chiếm kinh-thành Huế rồi, Chúa Nguyễn với đình-thần làm sao?... Thoát khỏi hay là bị giặc bắt?... Như thoát được thì chạy đi đâu?... Còn sống hay là chết mất? Còn quan Lưu-Thú Long-Hồ đem binh Gia-Định ra đàng ngoài mà tiếp-ứng, đạo binh có thắng hay là bại?... Như bại rồi làm sao?...".
Rõ ràng nhiều câu hỏi đặt ra với những người trong cuộc thời loạn ly.
Bấy giờ, ở miền trung Trung Bộ, Trương Văn Hiến, đã chuyển nhận thức từ phục vụ Chúa Nguyễn đầy trách nhiệm, sang truyền dạy và thần phục Tây Sơn khởi nghĩa. Khi Trương Phúc Loan lộng quyền thay cả chiếu chỉ Chúa Nguyễn Phúc Khoát lập Nguyễn Phúc Thuần (12 tuổi) lên ngôi báu (thay vì phải lập Nguyễn Phúc Luận), có triều thần phản đối như Trương Văn Hạnh và Lê Dung đều bị giết chết. Trương Văn Hiến cùng con là Trương Văn Đa lo ngại, tìm đường về phía nam; gặp nhà sư Trí Viễn, thạo thiên văn địa lý khuyến khích về đất Tây Sơn khởi nghiệp. Dùng võ nghệ tinh thông cha con Trương Văn Hiến giúp nhà phú thương Phan Nghĩa đánh tan bọn cướp, họ Trương chỉ nhận một ngôi nhà để làm nơi mở trường dạy học.
Tiếng lành đồn xa, lan rộng: Thầy Hiến giỏi cả văn lẫn võ. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được cha đưa đến cầu Thầy Hiến truyền dạy, rất mực tôn sư xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển các hoạt động thành công của Tây Sơn. Từ đây dựng nên phong trào nổi dậy lừng lẫy: diệt Trịnh, dẹp Xiêm, đại phá quân Thanh xâm lược… bước đầu thống nhất giang sơn. Nhưng nhà Tây Sơn còn có mắc mứu tựa như tranh quyền trong anh em, một số chính sách chưa hợp lòng dân (nhất là với người Hoa, người Minh hương), chưa thật thuyết phục vùng đất mới Nam Bộ. Đặc biệt, nhân vật kiệt xuất - Vua Quang Trung mất quá sớm (40 tuổi) nên triều Tây Sơn suy sụp nhanh chóng. Quá trình đó Chúa Nguyễn Ánh kiên trì và huy tụ nhiều nhân tài đất Gia Định xưa, kể cả thu hút người nước ngoài trợ giúp… đã oanh liệt giành lại ngôi báu, mở ra triều đại khá huy hoàng song nhiều khuất tất để đất nước rơi vào tay quân Pháp xâm lược, đô hộ nước ta gần 100 năm (1858-1945).
Một nhà khoa bảng họ Trương khác, Trương Công Hy (một người trong dòng tộc với Trương Văn Hiến), người thi đổ Hương Cống thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, được chọn vào cung dạy học cho các hoàng tử, là người thầy dạy Nguyễn Phúc Dương và hết lòng phò Chúa trong giai đoạn nhiều biến loạn do lộng quyền của Trương Phúc Loan như nói trên. Khi Chúa lẫn tránh quân Trịnh chiếm Phú Xuân và quân Tây Sơn từ Qui Nhơn tấn ra, chạy vào đất Gia Định; Trương Công Hy có dịp gặp lại Trương Văn Hiến, nhìn ra thời tao loạn và xu hướng chính đáng khởi binh của Tây Sơn, Ông đã phục tùng Tây Sơn, giúp Tây Sơn lãnh vực coi sóc địa bàn khi Nguyễn Huệ hành binh dẹp Trịnh, đánh Nguyễn và quân Xiêm, đại phá quân Thanh xâm lược. Thượng thư Trương Công Hy mất năm 1800 (73 tuổi), trước khi triều đình Quang Toản thua cuộc.
Như vậy, sự trung quân của các danh nhân họ Trương nêu trên và nhiều danh nhân xứ Bắc như Nguyễn Thiếp đã nhìn ra thời cuộc đổi thay, dốc sức cùng Tây Sơn, giúp anh hùng áo vải cờ đào bước đầu thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho Nguyễn Ánh thống nhất trọn vẹn, mở ra thời kỳ mới với Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của dân tộc ta.
Sự phân cực trong tư tưởng trung quân của thời loạn ly này là một thực tế lịch sử, người trong thời cuộc này Huỳnh Tường Đức dụng võ sức giúp Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và góp công xây dựng đất nước ổn định, phát triển trong bối cảnh hòa bình trước khi quân Pháp xâm lược năm 1859 khi đánh chiếm Gia Định thành. Thực dân Pháp mở đầu công cuộc chiếm cứ nước ta, khai thác thuộc địa cho đến khi bị đánh đuổi ra khỏi Việt Nam sau trận Điện Biên Phủ lừng lẫy của quân đội cách mạng nước ta.
2. Huỳnh Tường Đức, từ một thanh niên tướng hổ (1) đến Nguyễn Huỳnh Đức một trong ngũ Hổ tướng đất Gia Định
Huỳnh Tường Đức khi mới 17 tuổi đã giỏi võ nghệ, giết được nhiều cọp trừ hại cho dân lành. Ông gia nhập đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân, dụng võ đắc lực, thành tích tướng hổ thêm già dặn, chuyển hóa như một vị tướng trẻ, sau trở thành một trong 5 "Hổ tướng" của đất Gia Định thời bấy giờ (Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê văn Duyệt và Trương Tấn Bửu) (2) . Thành tích diệt cọp nổi tiếng của Huỳnh Tường Đức vang dội vùng Cái Én và lân cận, tướng hổ là bản sắc còn là hổ tướng khi dụng võ nhiều thành công được xưng tụng.
Năm 1781 (33 tuổi), khi đi săn cọp nơi hoang vắng, ông gặp Nguyễn Ánh trong tình cảnh nguy khốn, bị truy đuổi, vang lên lời than trách và cầu cứu. Gặp chúa chiêu dụ: “Ta thường nghe thiên hạ đồn rằng, ở phủ Gia Định, giồng Cái Én có người mạnh hơn cọp, gọi là tướng hổ, có phải là ngươi chăng. Nếu phải thì theo ta dẹp giặc khôi phục sơn hà”. Linh ứng từ dòng tộc võ binh, từ chủ tướng Đỗ Thanh Nhân lúc nhập hồn báo điềm gặp chúa phục vụ xã tắc (3); Huỳnh Tường Đức thuận theo Nguyễn Ánh, trải qua bao hiểm nguy, bao điều ngang trái thách thức lòng trung quân, vẫn chí cốt với Nguyễn Ánh đến ngày thắng lợi (4). Sau chiến trận, từng làm Tổng trấn Bắc thành, Tổng trấn Gia Định thành, góp công đầu trong ổn định, an dân phát triển quốc gia hưng thịnh. Lưu truyền đức trung quân, liêm khiết và thân dân. Khi ông mất được chôn cất tại quê nhà và được thờ ở Huế nơi những công thần hàng đầu của Triều Nguyễn. Không chỉ vua Gia Long sắc phong, mà vua Minh Mạng, Tự Đức tiếp tục truy phong; không chỉ Ông được vua phong tặng mà cha và nội tổ của Ông cũng được truy phong xứng đáng. Gương trung quân đứng hàng đầu trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Chân dung Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức, vẽ năm 1802, hiện lưu giữ tại đền thờ ở Long An. Ảnh: Bùi Nguyên Đào
3. Vì sao cụ Nguyễn Huỳnh Đức chưa được vinh danh xứng tầm hiện nay?
Luận về trung quân ái quốc thời phong kiến đã được nhiều sách, báo đề cập: sự trung quân là chuẩn mực (nói theo ngày nay là nguyên tắc bất biến) của thần dân nhất là quan lại của triều đại; sự trung quân duy trì đạo đức, lới sống hàng ngàn năm phong kiến nước ta. Hạn chế lớn nhất là việc phải ứng sử với loại hôn quân, vị vua đi ngược lợi ích của nhân dân, của đất nước, bấy giờ sự trung quân cực đoan đó được liệt vào loại "ngu trung"; việc này không dễ khẳng định trong thời cuộc lịch sử.
Ngày nay, trung quân được kế thừa, là trung với nước, “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì cố gắng làm...”; không trung thành với vị vua nếu như thiếu vắng đạo đức vì dân, vì nước.
3.1. Nguyễn Huỳnh Đức là vị tướng đứng trước hai vị xưng vua xứng đáng (Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh)
Câu chuyện Huỳnh Tường Đức cứu nguy Nguyễn Ánh trong lần trốn chạy sự truy đuổi ráo riết của quân Tây Sơn ở đất Tiền Giang. Sự đuối, mệt rã rời khiến Nguyễn Ánh ngũ thiếp, đầu tựa lên đùi Huỳnh Tường Đức, vị tướng hổ ngồi yên và đuổi muỗi cho chúa ngũ yên qua đêm. Biết được, Nguyễn Ánh hết lời khen tặng và ban cho “quốc tính”, tên mới là Nguyễn Huỳnh Đức. Họ Nguyễn Huỳnh lưu truyền đến ngày nay với hậu sinh là nam giới. Từ những ngày đầu trong nguy khốn đã như vậy, quan hệ chúa tôi bền chặt, được thử thách khắc nghiệt.
Nguyễn Huỳnh Đức trong lần thua trận, bị quân Tây Sơn bắt được. Trong khi cấp dưới quyền Nguyễn Huệ đề nghị giết đi để trừ hậu hoạn. Nguyễn Huệ nhìn thấy Nguyễn Huỳnh Đức tướng hổ, tài năng nên cố thu phục phong làm cấp dưới quyền. Đức không theo, sau qua thuyết dụ của phi tần Nguyễn Huệ, lấy chữ hiếu với mẹ (đang còn sống nơi quê nhà), lấy chữ trung với Chúa Nguyễn (đang bôn ba thất thế)… làm yêu cầu, đưa ra các điều kiện với Nguyễn Huệ để thần phục dưới trướng Tây Sơn. Đó là, Nguyễn Huỳnh Đức chỉ đánh với quân Trịnh, không đánh với quân Nguyễn là điều kiện quan trọng nhất được Nguyễn Huệ đồng ý; Nguyễn Huỳnh Đức góp tài năng và công sức giúp Nguyễn Huệ tiếp tục giành các chiến thắng quân sự quan trọng.
Lần làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ, biết Duệ có ý phò Nguyễn Nhạc, không thần phục Nguyễn Huệ (bấy giờ có mắc mứu trong nội tình anh em Tây Sơn). Sau khi bài kế với Duệ, Nguyễn Huỳnh Đức với 5.000 quân đi trước về phía Nam từ Nghệ An; Đức đã bỏ Duệ (tức là bỏ Tây Sơn) trốn theo đường qua Lào, đến Xiêm tìm về với Nguyễn Ánh. Một sự ra đi khá gây cấn của đạo trung quân thời phong kiến ở Việt Nam.
Khi gặp lại Nguyễn Ánh ở Việt Nam không phải ở Xiêm, quan hệ chúa – tôi bền chặt trong cuộc tranh giành quyền lực thống trị đất nước. Sau hàng chục năm chinh chiến gian khổ tiếp theo, Nguyễn Ánh giành lại giang sơn, Nguyễn Huỳnh Đức trở thành đại công thần sáng lập triều đại Nhà Nguyễn.
Có rất ít vị tướng phải phục vụ dưới trướng hai vị vua xứng tầm như Nguyễn Huỳnh Đức, nhưng với vua Quang Trung, sự phục tùng có điều kiện và diều kiện ấy rất khó lường trước (việc không đánh quân Nguyễn). Có lẽ vua Quang Trung tự tin về khả năng dẹp được quân Nguyễn như đã 5 lần quân Tây Sơn đánh thành Gia Định thắng dễ dàng, nên thuận vơi Nguyễn Huỳnh Đức việc không dùng Ông dánh quân Nguyễn, và tin rằng từng bước thuyết phục Nguyễn Huỳnh Đức tuân phục mình. Vua Quang Trung không thể ngờ rằng mình chết quá sớm vì bạo bệnh, là cơ hội cho Nguyễn Ánh giành thắng lợi cuối cùng và Nguyễn Huỳnh Đức trở thành đại công thần của chúa Nguyễn Ánh, sau là vua Gia Long.
Có nhiều học giả cho rằng, Nguyễn Huỳnh Đức có tầm linh ứng chúa Nguyễn Ánh sẽ thắng lợi, tầm này không có được ở các quan từ bỏ cúa Nguyễn, chúa Trịnh và vua Lê về phò Tây Sơn như nói ở phần trên. Điều này chỉ có lòng tin tâm linh khó xác định một cách khoa học, giống như lòng tin về tiền kiếp rằng hai vị Nguyễn Ánh và Huỳnh Tường Đức đã từng có mối liên hệ bền chặt nên kiếp này ứng vào đạo vua tôi độc đáo vậy.
3.2. Vì Triều Nguyễn dựng nước gắn liền với việc cầu cạnh Xiêm, Pháp, chưa thật thuyết phục toàn dân. Hậu Triều Nguyễn để mất nước vào tay thực dân Pháp.
Lập luận này từ cơ sở truyền thống yêu nước của dân tộc. Lịch sử từng có Trần Ích Tắc, đầu phục và dẫn quân Nguyên đại tấn công nước ta thời nhà Trần. Các vua Trần và các tướng lĩnh tài ba, nhất là Trần Hưng Đạo đã đoàn kết toàn dân đánh tan quân xâm lược hung hãn. Những câu ca như “rước voi về giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà”… lên án phường bán nước. Thời Nguyễn Ánh nhờ tới quân Xiêm và đã bị Nguyễn Huệ đánh cho tan xác; sau này nhiều lần bằng ân tình nhờ người Pháp giúp sức (qua đạo giáo Ki-Tô, rồi quân Pháp hiện đại hỗ trợ)… cái giá phải trả quá đắc dù vua Gia Long có lời dặn khi truyền ngôi cho Minh Mạng lưu tâm phải cảnh giác với người Pháp. Đến đời Tự Đức nước ta dần mất vào tay thực dân Pháp. Triều đại Nhà Nguyễn thât sự không được chính danh như Triều Lê (Lê Lợi). Trước năm 1945 và các chế độ thực quyền 1954-1975 ở Miền Nam tôn thờ Gia Long và Triều Nguyễn nói chung, song trên thực tế lòng dân không thật thán phục, thậm chí căm ghét. Do đó sau khi Việt Minh giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (1945), nhất là sau 1975 các nghi thức suy tôn Triều Nguyễn bị bãi bỏ, các quan đại công thần đều bị hạ bệ, trong số đó Nguyễn Huỳnh Đức bi gở bỏ tên đường, tên các cơ sở văn hoá, ngay sách Địa chí Long An cũng không đưa tên Nguyễn Huỳnh Đức và mục danh nhân (nhân vât chí) của tỉnh nhà. Môt sự đánh giá khá quyết liệt phê phán Triều Nguyễn với các tội rất nặng: bán nước.
Lý lẽ này được đông đảo người dân cách mạng hài lòng, song con cháu nhà vua và các công thần Triều Nguyễn im tiếng và ấm ức. Giới khoa học từng cơ hội bọc lộ quan điểm che chắn cho vương triều nói chung, nhất là cho các vị quan lại đã hết lòng phụng sự đất nước. Như công thống nhất đất nước, công mở cõi, công xây dựng phát triển cả nước, công từng vị công thần (trong đó có Nguyễn Huỳnh Đức). Ngày nay, giới khoa học, cộng đồng dân cư từng vùng miền và cả nước thẩm định sâu sắc và đã chuyển hoá dần, công tâm và chí lý chí tình hơn. Nhiều công thần Triều Nguyễn và một số vị vua Triều Nguyễn hết lòng vì dân, vì nước; vì vậy nay 200 năm ngày mất của ngài Nguyễn Huỳnh Đức mới có được Hội thảo khoa học để có thể tái vinh danh vị công thần vì nước, vì dân này.
3.3. Gương trung quân là trung với chúa Nguyễn Ánh thật sự bó hẹp chăng?
Trung quân vốn là đạo lý cao cả của mọi người thời phong kiến. Trong hoàn cảnh loạn lạc: từ chiến tranh hai miền Trịnh Nguyễn, từ nội tình lộng quyền, lạm quyền; từ các nước láng giềng nhiều phân định mạnh yếu và quan hệ chia sẻ hay lấn quyền… khi kẻ “thất phu hữu trách” thi người võ dũng, mưu trí như Đỗ Thanh Nhân, Huỳnh Tường Đức, Lê Văn Duyệt… không thể không nghĩ đến trách nhiệm của mình. Tự dấy binh hay tìm phò minh quân thì chọn ai, kế sách ra sao… là nổi bận tâm lớn của nhiều người có lòng vì dân, vì nước.
Trung quân như Huỳnh Tường Đức với Nguyễn Ánh có những đặc điểm: Chúa Nguyễn là chính thống trong đạo quân thần bấy giờ, đất Nam bộ mới định danh từ lúc Nguyễn Hữu Cảnh vào lập trấn, lập trạm thu thuế… giúp người lưu dân xác lập địa phương chí tức là thừa nhận quyền thần dân của Chúa Nguyễn, coi như có quê hương mới. Quân đội Chúa Nguyễn bảo vệ dân và dựa vào dân để tồn tại trước người Khờ me, nhất là người Xiêm mạnh hơn, luôn xâm lấn Cao Miên và vùng đất Nam bộ này. Quân đội Chúa Nguyễn bảo hộ Cao Miên, nhiều lần trực tiếp dối mặt với quân Xiêm, sức mạnh đó dựa vào phát triển kinh tế của dân Nam bộ. Sự gắn kết hàng trăm năm đó đã hướng dân lưu tán vào thể chế Chúa Nguyễn. Việc chọn lựa không khó, là thực tế vùng đất mới, miền Trung Trung Bộ không có bối cảnh tương tác kiểu này. Dân lưu tán Nam bộ chịu ơn với các đời Chúa Nguyễn rất sâu nặng, miếng đất khẩn hoang là mở đầu cơ nghiệp của dân lưu tán đã được các Chúa Nguyễn xác lâp.
Dân lưu tán thấu hiểu đạo trung quân rất thực tế, với lại hầu hết Chúa Nguyễn dấn thân học Phật, đạo làm vua vừa trọng dân, thân dân vừa từ ái theo nhà Phật nên việc trung quân chưa đặt ra vấn đề trái với nước, trái với lòng dân. Trong thời loạn, lộng thần Trương Phúc Loan tiếm quyền, thể chế Chúa Nguyễn bị khuynh loát, nhưng chưa trôi mất tính chính thống của vương triều.
Khi Nguyễn Ánh thất thế khôn cùng, suýt mất mạng vào tay Tây Sơn, đức kiên trung của Ông được Huỳnh Công Đức sát cánh, trực tiếp đỡ đần, cảm xúc mãnh liệt đó được lưu giữ trong tâm trí Huỳnh Tường Đức không thể nào xa lìa. Đấy có thể là yếu tố tâm linh tiền kiếp của hai vị anh hùng này.
Ưu điểm của Nguyễn Ánh như kiên trì, hết lòng vì cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn Phúc mà Nguyễn Ánh là vị Chúa cuối cùng. Ý chí và tình cảm gắn kết vùng đất hơn hẵn Tây Sơn, nhất là hơn hẵn Nguyễn Lữ, nhiều lần chiếm Gia Định thành, có những chính sách không hợp lòng dân, với người Hoa, người Minh Hương. Đây là bộ phận nhân dân nhiều năng lực kinh tế và khả năng tổ chức xã hội. Nguyễn Ánh là người thu phục được nhân tâm, thừa hưởng trọng ân của các đời Chúa ban cho dân; dù có thất thế, dù có sai phạm lôi kéo người ngoài nước trợ sức; nhưng toàn thể ý chí phục quốc rất đáng được nhân dân thần phục. Người dân đã thần phục nên Nguyễn Ánh nhiều lần lấy lại thành Gia Đinh nói riêng và luôn lấy được lòng tin của nhân dân Nam bộ.
Những cơ sở thực tế đó, không chỉ Nguyễn Huỳnh Đức mà rất nhiều người tài ra giúp sức nên Nguyễn Ánh sớm tập hợp vương quyền tiến tới thắng lợi, từ Nam bộ ra nam Trung bộ và chiến thắng ở Phú Xuân lên ngôi vua 1982, thống nhất nước nhà nhanh chóng sau đó. Lập nên Triều Nguyễn. Triều Nguyễn có công mở cõi, dựng đất nước thống nhất, hùng mạnh trong khu vực nam Trung Hoa. Đến thời kỳ xâm chiếm thuộc địa của Phương Tây, nước Đại Nam mất vào tay người Pháp như hầu hết các nước khác trong vùng mất vào tay các nước Phương Tây, kể cả nước Trung Hoa to lớn, mạnh hơn nước ta rất nhiều cũng chịu cảnh mất chủ quyền, biến loạn…
Kết luận: Nên vinh danh cụ Nguyễn Huỳnh Đức trong giai đoạn đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước phồn vinh hiện nay. Trước hết xác lập danh nhân không chỉ của Long An mà của Nam bộ và cả nước, khôi phục hoặc đặt mới tên đường, tên cơ sở văn hoá giáo dục... Nên xác lập càng cụ thể càng tốt, về công đức của Ngài từ võ binh (kể cả lúc dưới trướng Tây Sơn) đến cai quản Bắc Hà và Gia Định thành với chức quan Tổng trấn (chức danh này như bí thư cấp uỷ Hà Nội và Sài Gòn hiện nay. Hết thời biến loạn đến hồi thái lai.
Chú thích:
(1): Cần phân biệt "tướng hổ" và "hổ tướng": Tướng hổ hay tướng cọp để chỉ người có vóc dáng hùng dũng, có sức mạnh hơn người, có võ nghệ điêu luyện; thường có nghĩa khí giúp người, từng giúp cộng đồng gìn giữ sự an lành... Hổ tướng, theo ngữ pháp nhà Nho, là vị tướng cầm binh, chiến đấu dũng cảm, xả thân vị nghĩa, giành nhiều thắng lợi, được quân binh dưới quyền thán phục, được dân gian xưng tụng hoặc chủ (chúa, vua) phong tặng; là hổ tướng nhưng có khi dáng hình không là tướng hổ.
(2): Khi Đỗ Thanh Nhân bị các quan cận thần của Nguyễn Ánh (đã xưng vương vào tháng 1-1780) dèm pha về cá tính bộc trực, dám chủ động làm những việc cho là phải đạo; được mời vào cung bàn chuyện tiến quân ra Phan Thiết với Chúa, ra khỏi cung bị thích khách giết chết. Quân Đông Sơn phò Đỗ Thanh Nhân tức giận bỏ Nguyễn Ánh trở lại vùng Cái Én, rồi dần giải tán chờ thời giúp minh quân phục quốc.
(3): Hồ Biểu Chánh, Đỗ nương nương báo oán (chương XIV: Còn nợ non nước),Nxb. Sông Kiên, 1954.
"Đỗ Nương-nương nhắm mắt ngồi im một chút rồi vùng đứng dậy, mắt mở lớn, mặt đỏ au, ngó đủ mấy phía rồi nói lớn: “Ta là Đỗ-Thanh-Nhân, ta thấy tướng sĩ với bà con đất Ba Giồng thành-tâm kính-bái ta, nên ta về cảm ơn tất cả bà con anh em và luôn dịp mách bảo cho biết đường lối mà đi đặng giữ vẹn danh-dự của Đông-Sơn và trả nợ con dân của đất nước. Hôm nọ thấy Tây-Sơn sắp dày đạp công-nghiệp của ông cha ta, nên ta bỏ dẹp thù riêng quên cả phẫn-uất, ta mách bảo cho Thanh-Xuân phải đón tiếp giá rước Chúa về để hiệp lực mà đánh đuổi Tây-Sơn ra khỏi đi Gia-Định. Té ra ý trời định khác, cho trả oán cho ta chớ không cho tá trợ quân vương. Mà theo tình thế hiện-thời, Đông-Sơn không làm sao mà xây ngược thời-cuộc cho nổi. Nếu vì hào-khí mà cượng-lý, vì đất nước mà hy-sinh, thì chết hết, chết vô ích. Vậy ta khuyên Thanh-Xuân ẩn-nhẫn tìm nơi thanh-tịnh ở mà dưỡng chí tu tâm, chờ khi gió lặng sóng êm, rồi sẽ trở ra lo cứu dân giúp nước. Ta khuyên các anh em tướng-sĩ nên giải giáp đặng tản-mác trong dân-gian, chờ khi thánh-chúa minh-quân ra đời, rồi sẽ phò-tá đặng làm cho rỡ-ràng đất Gia-Định. Ta cũng khuyên các chủ xóm, các thân hào trong ba giồng cứ bình-tĩnh lo làm ăn. Ta sẽ phò-hộ cho nhà nhà đều được an-cư lạc-nghiệp. Cả thảy phải tuân lời ta dặn. Chừng nào đất Gia-Định trổ sanh “đệ-tam hùng”, chừng đó mới thấy mòi đại-định. Ta chào tất cả bà con, anh em. Ta thăng”.
(4): Năm 1802, Nguyễn Ánh sau 22 năm kiên trì, nhiều mưu lược đã giành lại ngôi báu, xưng đế, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại nhà Nguyễn; nối tiếp thành tựu diệt Trịnh, dẹp Xiêm, đại phá quân Thanh của Nguyễn Huệ; thống nhất trọn vẹn đất nước.
TS Hoàng Văn Lễ
Các tin cũ
- » Phác thảo gia phả họ Lương xã Đại Ngãi (Sóc Trăng) với Tiến sĩ Lương Định Của 28/03/2023 17:42:47
- » Đức Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt trong tâm thức và tín ngưỡng người Sài Gòn 28/03/2023 17:22:19
- » Gia phả và hành trì đạo pháp của Ni sư Diệu Không (1) 28/03/2023 16:58:41
- » CLB Gia phả Trẻ TP.HCM ra mắt thành viên mới 26/03/2023 16:41:10
- » Tổng kết 30 năm Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM 26/02/2023 19:59:25
- » Trao gia phả cho họ Nguyễn ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi 01/01/2023 17:54:33
- » Viện Lịch sử dòng họ tiếp tục các hoạt động thúc đẩy sự nghiệp dựng phả cho CLB Gia phả trẻ 19/12/2022 14:08:16
- » Tích cực tu dưỡng đạo đức, lối sống để xây dựng gia phả đạt chất lượng cao 04/11/2022 12:09:36
- » Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập TT Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM 30/10/2022 14:30:25