Trang chủ > Phác thảo gia phả họ Lương xã Đại Ngãi (Sóc Trăng) với Tiến sĩ Lương Định Của

Phác thảo gia phả họ Lương xã Đại Ngãi (Sóc Trăng) với Tiến sĩ Lương Định Của

28/03/2023 17:42:47

Mỗi thành viên trong gia đình, dòng họ được thành danh, trở thành cá nhân kiệt xuất phải là người phản ánh được yêu cầu và xu hướng phát triển của xã hội... Trường hợp đóng góp to lớn của Bác sĩ nông học Lương Định Của được ghi vào gia phả để con cháu họ Lương biết mà tự hào và noi gương. 

1. Đặt vấn đề

Mỗi thành viên trong gia đình, dòng họ được thành danh, trở thành cá nhân kiệt xuất phải là người phản ánh được yêu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, có quyết tâm đề ra hướng đi đúng đắn và khả năng tổ chức để thực hiện, để lại dấu ấn trong lĩnh vực mà mình thực hiện. Trường hợp đóng góp to lớn của Bác sĩ nông học Lương Định Của được ghi vào gia phả để con cháu họ Lương biết mà tự hào và noi gương. Có gia phả tất cả thành viên trong họ tộc biết được cội nguồn và công ơn của tổ tiên để tri ân, phụng thờ, biết được truyền thống của dòng họ để học tập. Gia phả giúp bà con trong chi họ Lương hiểu rõ quan hệ huyết thống, trước hết để thắt chặt tình thân tộc, để xưng hô cho phải phép, để cùng chung tay xây dựng dòng họ mình tốt hơn, góp phần tích cực xây dựng quê hương đất nước. 

Do đó, bài tham luận ngắn này tìm hiểu bước đầu về gia phả Chi họ Lương ở xã Đại Ngãi, trong đó hành trạng đặc biệt xuất sắc của TS. Lương Đình Của chắc chắn là nguồn tư liệu quí giá cho Chi họ Lương, quê hương Đại Ngãi (sóc Trăng) và toàn xã hội. Những bài học quí giá từ dòng họ (tức huyết thống) đến gia đình hạt nhân (hôn nhân) rất có ý nghĩa thực tiễn trong việc giáo dục tuyển thống cho chúng ta hôm nay và mai sau. Ngoài ra vài câu chuyện ngoại phả gắn với dòng tộc này và của gia đình hạt nhân Lương Đình Của cùng bà vợ người Nhật Bản khả ái và nổi tiếng, làm cho yếu tố sử trong phả phong phú và hấp dẫn.

Ngoài ra, có ý nghĩa thực tế: Dựng phả Lương Đình Của giúp ban ngành, hội đoàn liên quan của tỉnh Bạc Liêu có thêm tư liệu thấu hiểu về nhà khoa học (tiến sĩ nông học) lừng danh của quê hương mình; qua đó tác động phong trào học tập, học cao để nguồn nhân lực toàn xã hội vươn lên và vượt qua một trong những vùng trũng của sư nghiệp giáo dục hiện nay. Tiến tới, gia đình, dòng họ và chính quyền địa phương xúc tiến thực hiện bộ gia phả Lương Đình Của, địa phương và những người yêu mến bộ môn gia phả học có cơ hội tiếp cận phương pháp dựng phả, phát triển việc dựng phả cho nhiều chi họ, góp phần giáo dục truyền thống gia đình theo tinh thần Nghị quyết TW.9 (khóa XI).

2. Phác thảo gia phả họ Lương (Lương Định Của)

Việc xác lập ông tổ đời 1, người đến Nam bộ nói chung hay xã Đại Ngãi nói riêng để lập nghiệp sinh sống sẽ được xác lập khi bắt tay dựng phả lọ Lương (Đại Ngãi). Qua báo chí chúng tôi biết được quê quán của TS Lương Định Của là xã Đại Ngãi, như Ngọc Phương Nam viết: “Ngôi nhà niên thiếu và phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của Thầy tại ấp Ngãi Hoà, cách trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Đại Ngãi khoảng 3 km, và phải đi bằng xe ôm vì lối đi nhỏ, thuần phác, khiêm nhường giữa vùng quê Nam bộ. Xe ôm chạy hun hút dưới vòm dừa nước y như trong vườn thiêng cổ tích.”. Cha của Lương Đình Của là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có. Ông nội là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân. 

Lương Định Của sinh ngày 16/9/1919 (tài liệu khác ghi ngày 16/8/1920) tại làng Đại Ngãi, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Mới lên 12 thì cha mẹ đều mất. Ông được người bác ruột dùng số hoa lợi từ mấy chục mẫu đất gia đình để lại nuôi cho ăn học. Học tiểu học tại Sóc Trăng. Lên Sài Gòn học Trường Trung học Taberd. 

2.1- Sự nghiệp của TS Lương Định Của bắt đầu từ trường học, ông lên Sài Gòn học xong tú tài, du học ngành y ở Hương Cảng, học kinh tế ở Thượng Hải trước khi xin được học bổng của chính phủ Nhật Bản (năm 1942), vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu. 

Sự nghiệp khoa học của Lương Định Của được Phan Quang lược thuật sau thời gian hai người cùng chống bão năm 1971 tại Hải Dương như sau:

- Niềm vui của nhà nông học đúng là có một không hai. Ấy là ngày ông được công nhận học vị bác sĩ nông nghiệp(1) tại Trường Đại học Tổng hợp Kyoto, Nhật Bản, kèm lời đánh giá “có cống hiến lớn cho nền nông nghiệp trong việc cải lương giống lúa” là 19/5/1951, trùng hợp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ. Chủ đề công trình của ông là phương pháp xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên các giống lúa mới, Artificial Polyploidy in the Oryzeae. (Từ năm 1881 đến 1951, cả nước Nhật Bản có 250 người nhận học vị bác sĩ nông học, Lương Định Của là người trẻ tuổi nhất từ trước tới nay và là người nước ngoài duy nhất được trao học vị ấy). Một số kỹ thuật về tế bào học do Lương Định Của phát minh như cách thức xử lý rễ trước khi cố định trong việc nghiên cứu hình thái nhiễm sắc thể được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản ngay từ hồi đó, và nghe nói cả ở Hoa Kỳ, tại đây gọi là “phương pháp Lương Định Của”. Báo chí cũng thông tin, sáu tháng trước nhà khoa học trẻ này được Bộ Giáo dục Nhật Bản phong làm “giảng sư đại học” tương đương “phó giáo thụ” - ông là người ngoại quốc duy nhất được bổ nhiệm giảng dạy chuyên môn ở một trường đại học Nhật hồi bấy giờ (Theo "Niểm vui Lương Định Của... " của Phan Quang).

-  Trong thời gian hơn hai năm, từ tháng 4/1950 đến tháng 7/1952, ngày Lương Định Của xin thôi việc tại Trường Đại học Kyoto chuyển đến Tokyo chờ ngày về nước, ông có ít nhất 12 công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học của Nhật Bản, Mỹ, Anh.

- “Theo chỉ thị của ông Kazami” (Thượng Nghị sĩ, Đảng Cộng sản Nhật), mùa hè 1952 ông xin thôi việc tại Kyoto đưa gia đình về thủ đô Tokyo sẵn sàng hồi hương khi có dịp. Tháng 9-1952 gia đình Lương Đình Của theo tầu thủy về đến Hông Kông, thủ tục nhập cảnh Trung Quốc gặp trở ngại, Ông ở lại Hồng Kông trong cảnh túng thiếu, thất lạc hành lý, nên tìm cách quay về Sài Gòn. Cuộc đời trớ trêu thay, muốn về Việt Bắc lại phải qua Sài Gòn.

- Hai năm sau, sau chiến thắng Điện Biên, móc nối được với cơ sở ta, bác sĩ nông học Lương Định Của cùng gia đình mới ra được bưng biền để ngày 25/11/1954 xuống tàu tập kết ra Bắc. Ông được gặp Bác Hồ. Niềm vui riêng trọn vẹn.

- Lương Định Của là con người cương trực, chân tình, được nhiều người quý mến. Đầu những năm 1960, là chuyên gia giống cây trồng, ông được cử về trực tiếp chỉ đạo một hợp tác xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nhân giống lúa mới cung cấp rộng rãi cho nông dân…

Ngày ngày, “bác Của” - tên bà con gọi ông - xắn cao quần, mình mặc chiếc áo sơ mi màu dưa cải, đầu đội chiếc mũ lá rộng vành, từ sáng đến chiều không lúi húi trên thửa ruộng thí nghiệm dành riêng cho ông thì lội đồng đi gặp gỡ, hướng dẫn xã viên cấy dày theo lối ngửa tay, chăng dây thẳng hàng, dùng cào cỏ cải tiến...

- Nhà khoa học lỗi lạc qua đời đột ngột tại Hà Nội ngày 28/12/1975.

Sự nghiệp của TS Lương Định Của được Ngọc Phương Nam tổng kết như sau:

- Thành tựu lớn nhất của giáo sư Lương Định Của là giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò do giáo sư đào tạo đã trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc.

- Thành tựu lớn thứ hai của giáo sư Lương Định Của là tạo giống cây trồng mang những thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời: Giống lúa Nông nghiệp I do Giáo sư Lương Định Của lai tạo từ giống Ba thắc (Sóc Trăng - Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa Việt Nam đi vào sản xuất trên đồng ruộng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314, NN75-1, NN8-388, lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo… cùng với những ứng dụng kỹ thuật di truyền và tiến bộ kĩ thuật mới: kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng v.v…

- Thành tựu lớn thứ ba của giáo sư Lương Định Của là kỹ thuật thâm canh lúa. Giáo sư đã đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

Cuộc đời của giáo sư là tấm gương sáng của một trí thức lớn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học tạo giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân. 

Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2 và ba khoá tiếp theo cho đến lúc mất, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1967 và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

GS Lương Định Của mất ngày 24/12/1975, mai táng tại Nghĩa Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ ông, bà Nobuko Nakamura, hiện sống cùng gia đình con trai cả Lương Hồng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1).

2.2- Gia đình hạt nhân của Lương Định Của là mẫu chuyện đặc sắc liên quốc gia Việt-Nhật:

Vợ chồng TS Lương Định Của

Năm 1945 ông lập gia đình với bà Nobuko Nakamura người Nhật, theo như bà thuật lại trong “Luồng gió từ Hà Nội”, tác phẩm hồi ký của Bà, như sau: “Lúc ấy làm gì có ai biết đến Việt Nam và lấy người Việt Nam đâu. Nhưng gia đình tôi rất ủng hộ. Mẹ tôi tự đi chợ về nấu nướng cho đám cưới. Mẹ tôi quý con rể lắm. Nhưng chính quyền chưa có thủ tục cho đăng ký kết hôn với người Việt Nam nên phải đăng ký ở nhà thờ. Người Nhật lúc đó còn chưa biết An Nam là ở đâu”. Bà nhớ lại: “Tính tình chúng tôi khác nhau nhưng lòng tin là một. Tin cậy lẫn nhau, gian khổ cùng vượt, đồng cam cộng khổ”.            

TS Lương Định Của và các con

Việc lấy vợ là người Nhật, đoạt bằng bác sĩ nông học hàng đầu của nước Nhật thực sự mở ra hướng phát triển rất lớn đối với sự nghiệp khoa học và đời sống gia đình của Ông. Tuy vậy, Lương Đình Của còn một Tổ quốc đang sôi động trong đấu tranh giải phóng, đối mặt với chủ nghĩa thực dân Pháp đang quay lại xâm chiếm nước ta lần thứ hai, từ sau thế chiến (tháng 9/1945).

Năm 1952, gia đình Lương Đình Của, lúc bấy giờ 4 người gồm Ông bà và hai người con trai đã theo tàu chở hàng về Hồng Kông để vào Trung Quốc rồi về Việt Bắc; nhưng không đủ giấy tờ và thất lạc hành lý, Ông nhờ người bạn cho vay 2.000 USD và mua vé máy bay bay về Sài Gòn. Chính quyền Bảo Đại mời ông vào chức Thứ trưởng Bộ Canh nông của chính phủ, Ông né tránh và chỉ hợp đồng làm việc tại Viện Khảo cứu nông nghiệp; và sống cùng người em gái tại Đa Kao.

Cuối năm 1954, qua liên lạc biệt động, gia đình Ông gửi thư xin phép đi tập kết. Anh Lương Hồng Việt (con trai cả của Lương Đình Của) kể lại: “Từ Sài Gòn, theo biệt động đưa về Cần Thơ, xuống căn cứ Cà Mau và đi tàu Ba Lan ra Sầm Sơn, Thanh Hoá. Ấn tượng đầu tiên là hưởng luôn một trận gió mùa đông bắc. Nhưng ngày hôm sau là 1.1.1955, gia đình được chứng kiến ngày lễ tưng bừng”.

Người vợ Nhật Bản đã cùng chia sẻ cuộc đời lao động sáng tạo của TS. Lương Đình Của, đã rời bỏ quê hương cùng chồng trải qua cuộc chiến tranh gian khổ của Việt Nam.                  

Bà Của giúp việc ông trong việc lai tạo giống, hưởng lương nhân viên. Sau đó, do bà Của làm công tác khoa học mà chưa có bằng đại học chuyên ngành, nên Phó Thủ tướng Phạm Hùng chỉ thị chuyển bà Của về làm việc ở Ban tiếng Nhật Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, hưởng lương cán bộ. Bà là người vinh dự đọc bản tin về ngày Chiến thắng 30-4-1975. 

Ông bà Lương Đình Của có 5 người con: hai anh trai đầu sinh ở Nhật, một anh trai và một chị gái sinh ở Miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ, và một chị gái sinh ở Sài Gòn sau ngày Giải phóng, lúc Ông mất, bà đang mang thai chị này.

Gia đình bà sống ở Sài Gòn cho đến hôm nay.

2.3- Theo lời khai của Ông, dù cha mẹ mất sớm song Ông có  ba em, hai gái, một trai. Những năm 1970, đứa em gái lớn chưa có chồng, đứa em kế đó chồng đi tập kết có hai con, thằng em út thì làm sĩ quan trong quân đội Sài Gòn, như Ông khai lý lịch của mình.

Tóm lại, qua tài liệu viết về TS. Lương Đình Của và dưới góc nhìn Gia phả học, chúng ta thấy rằng đây là một gia đình đặc biệt với người cha đầy tài năng, đức độ, nghị lực; người mẹ là người Nhật hết lòng yêu thương chồng con, theo sự nghiệp và định hướng của chồng và hết lòng lo lắng cho chồng con trong mọi tình huống khốn khó và vinh quang; các con của ông bà được học hành, dạy giỗ nên người, hết lòng cống hiến cho đất nước, lo cho gia đình. Một gia đình vượt qua nhiều khốn khó, cùng thời cuộc quốc gia được vinh danh và sống chung thủy trọn đời với lý tưởng phụng sự Tổ quốc./.

TS HOÀNG VĂN LỄ

(Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ - 4/8/2014)

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Phan Quang, Niềm vui Lương Đình Của,

 http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4460-niem-vui-luong- dinh-cua.aspx

2. Ngọc Phương Nam, Nhà bác học nông dân,

http://hoangkimvietnam.wordpress.com/2012/02/10/l%C6%B0%C6%A1ng-d%E1%BB%8Bnh-c%E1%BB%A7a/

3. Nguyễn thị Ngọc Hải, Nobuko Nakanura & luồng gió từ Hà Nội,

http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Thamnha-GSLuongDinhCua.htm

4. Vũ Khôi Nguyên sưu tầm và biên soạn, Nhà bác học nông nghiệp Lương Đình Của,

 http://220.231.107.132/vie/detail.php?aid=72&id=388

5. Phạm Vũ, Người vợ Nhật của Lương Đình Của, Tuổi Trẻ on line ngày 2-12-2013,

 http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20131202/nguoi-vo-nhat-cua-luong-dinh-cua/583101.html