Chùa Tôn Thạnh (tỉnh Long An)
23/08/2022 12:14:56Chùa Tôn Thạnh tọa lạc trên tỉnh lộ 835, ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một trong những ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử văn hóa hàng đầu của tỉnh.
Ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và bài Văn tế Nghĩ sĩ Cần Giuộc. Chùa đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1997.
Theo sử liệu, chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808). Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Thiền sư Viên Ngộ thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng còn gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ, Lão Ngộ.
Chùa Tôn Thạnh
Mười sáu năm sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian 3 năm (1859 - 1861), nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và bốc thuốc trị bệnh cứu người. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (1861), một trong ba cánh nghĩa quân Cần Giuộc đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Hai Phú Lang Sa (cách gọi quân Pháp lúc bấy giờ theo phiên âm Hán-Việt). Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người “dân ấp, dân lân”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tại chùa Tôn Thạnh.
Hiện dấu tích về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu lại ngay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh qua hai tấm bia, tấm thứ nhất lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm thứ hai trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998. Ngoài ra, trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác, cao 4,5m của Tổ sư Viên Ngộ với tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” và tháp Tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3m.
Qua nhiều lần trùng tu, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ‘’rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng’’ như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, hành lang phía đông, hành lang phía tây, mái ngói, tường gạch. Tuy nhiên, chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng và giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110cm, đúc bằng đồng.
(Trích gia phả họ Bạch - xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
(GP: 16-12-2016)
Các tin cũ
- » Đình Long Trì (tỉnh Long An) 21/08/2022 20:28:03
- » Đình Mỹ Ngãi (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 21/08/2022 20:17:48
- » 080. Gia phả họ Hà Ngọc (thôn Ngọc Tứ, Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) 21/08/2022 19:52:09
- » 079. Gia phả họ Tống Phước, phường Kim Long, TP Huế 21/08/2022 19:38:23
- » 078. Gia phả họ Lê (ấp Trung, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 19:23:11
- » 077. Gia phả họ Nguyễn (xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa, Long An) 21/08/2022 18:32:39
- » 076. Gia phả họ Bạch (ấp Phước Hưng 2, Phước Lâm, Cần Giuộc, Long An) 21/08/2022 18:13:45
- » 075. Gia phả họ Trần (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) 21/08/2022 18:02:58
- » 074. Gia phả họ Lê (ấp Hưng Lợi Tây, Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 21/08/2022 17:45:44