Trang chủ > Đình Long Trì (tỉnh Long An)

Đình Long Trì (tỉnh Long An)

21/08/2022 20:28:03

Đình Long Trì ngày xưa ở Miễu Điền thờ Thần có thờ Bà Ngũ Hành thuộc đất của ông Trần Văn Nuôi (đời X họ Trần) hiến, tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Qua nhiều năm, Đình được dời về ấp Long Trường, cũng thuộc xã Long Trì ...

Đình Long Trì ngày xưa ở Miễu Điền thờ Thần có thờ Bà Ngũ Hành thuộc đất của ông Trần Văn Nuôi (đời X họ Trần) hiến, tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Long Trì. Qua nhiều năm đến lệ cúng, Trời chưa mưa thiếu nước ngọt, ghe đổi nước ngọt không vô được vì ngọn rạch từ cầu Sập vào bị lấp cạn dần, phải huy động lực lượng nam nữ thanh niên đi gánh nước từ xa về rất vất vả và khó khăn trong việc nấu nướng cúng kiến, sanh hoạt. Ban Quý Tế mới bàn với bổn tộc và nhân dân trong xã đồng tình nhứt trí tổ chức lễ cúng bái xin keo để dời Đình về ấp Long Trường, cũng thuộc xã Long Trì mới có đủ nước ngọt thuận tiện cho việc cúng bái. Tương truyền khi đó Thần thuận đi, nhưng Bà không thuận. Đình mới vẫn được xây dựng chỉ thờ Thần, còn Bà mỗi năm đến lệ cúng, Ban Quý Tế cùng dân trong ấp phải khiêng kiệu, chiêng trống thỉnh Bà về đình, cúng xong lại đưa Bà về Miễu Điền an vị.

 

Đình Long Trì

Theo ông Võ Hoàng Xương (Tám Sườn) 83 tuổi là kế hiền (người lo việc cúng bái): nghe ông bà tôi nói lại, đình Long Trì hiện nay được xây dựng trước năm 1838, trên cuộc đất của ông Cả Hề (Phan Văn Hề) hiến 7 công (7000m2). Lúc đầu làm bằng cột gỗ tròn, vách bổ kho, do bà con trong làng đóng góp tiền của công sức mà làm nên. Đình trên nền đất cao ráo, đẹp, khang trang, nằm cạnh con rạch và cũng gần lộ xe nên rất thuận tiện (ảnh). Lễ khánh thành đình cúng 1 con bò, 6 con heo.

Những trang thiết bị để cúng bái do những gia đình khá giả dâng cúng. Bộ Mảo Thần và tủ kiếng đựng Mảo Thần do ông Đỗ Khắc Huy Hoàng ở ấp Long Bình, cháu cố bà huyện Nghé phụng cúng. Cặp hạc do ông Cả Nhựt (Phan Văn Nhựt) cúng. Bộ đồ lỗ bộ (bằng nhôm) do ông Cai tổng Đỗ Tấn Huơi cúng. Ông Đỗ Tấn Huơi và ông Bái Tiền (Võ Văn Tiền, bác của ông Võ Hoàng Xương) phụng cúng hai tấm liễng chạm rồng nổi long trụ. Ông Nguyễn Văn Miên cúng tấm hoành phi “Di ân phổ chiếu” sơn son thiếp vàng. Ông Tổng Chắc (Võ Văn Chắc) cúng một triệu đồng và còn nhiều người khác cúng tiền như ông Bồi Long (Nguyễn Văn Long)  - Bảng ghi công đức ở Đình có ghi rõ. Khoảng năm 1955, do đạn bom chiến tranh và thời gian tàn phá, Đình được tu sửa lại như ngày nay.

 

Cặp hạc trong chánh điện

 

Con quy đội cặp hạc

Những năm chiến tranh ác liệt, vì đình ở gần đồn bót giặc, sợ đình bị cháy, nên sắc Thần được đưa về cất dấu ở Miễu Điền. Ông Nguyễn Văn răng, 73 tuổi có bốn đời là Từ đình cho biết, mỗi lần phơi Sắc Thần, phải giăng mùng kín, cử người canh gác cẩn mật cho đến khi khô mới thỉnh đưa vô khánh cất giữ cẩn trọng.

Sắc Thần rất thiêng, nhân dân trong làng rất kính trọng, không ai dám đến gần chỉ mở ra trong lễ cúng, sau đó đóng kín trong thùng sắt hàn kín. Sắc Thần ghi : “ĐẠI CÀN QUỐC GIA NAM HẢI” Tự Đức phong Thần. Sau giải phóng, tỉnh Long An ra lịnh đưa tất cả Sắc Thần các đình về nộp lên tỉnh. Nay đình không còn Sắc Thần.

Lệ cúng:

Hàng năm có hai lệ cúng chính:

Lễ cúng Hạ điền (khởi): ngày 16-17 tháng 4 âm lịch. Sáng ngày 16 cúng cặp vịt - cúng Tiền Hiền. Ngày 17 chánh tế cúng con heo trắng (nguyên con). Cúng xong đem con heo xuống xả ra nấu nướng đãi khách.

Lệ cúng Thượng điền (kết): Ngày 16-17 tháng chạp âm lịch. Lễ cúng như Hạ điền. Nghi thức cúng có đọc Chúc văn. Ngày 17 tháng chạp có lễ rước chư thiên; ngày mùng 7 tháng giêng lễ khai sơn : khai trống, mõ… Ngày 16 tháng giêng cúng các đảng.

Ba năm đáo lệ, đình cúng có gánh hát bội, biểu diễn tuồng tích cũ phục vụ nhân dân.

Ban quý tế (Hội cúng bái):

Hội cúng bái được thành lập từ năm 1955, cứ ba năm bầu lại một lần, cho đến ngày nay.

Danh sách Hội cúng bái :

Kế Hiền: ông Võ Hoàng Xương

Tiên Bái: ông Nguyễn Văn Xuyến

Chánh Bái: ông Phan Văn Thông

Bồi Bái: ông Phan Văn Lành

Hương quan: chỉ huy trò lễ cúng.

Cố vấn: Đại Hương cả

Hội cúng bái Đình Long trì rất quan tâm lo việc cúng kiến Thần hàng năm chu đáo, nghiêm trang, có tác dụng giáo dục truyền thống quê hương cho người dân. Trong đó có những người đi xa về dự rất cảm động. Đình đã xưa cũ vì đình là thiết chế văn hóa từ xưa còn lưu giữ đến nay rất quý.  Đình còn là nơi họp dân bàn việc nước, việc làm ăn cần được tu bổ sửa sang lại. Trước mắt các vị Hội cúng bái muốn làm lịch sử đình, nhưng chưa có điều kiện.

(Nguyễn Thanh Bền - trích gia phả họ Trần, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)

(GP: 15-11-201226)