Trang chủ > Khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nước nhà

Khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nước nhà

16/08/2023 17:10:05

Tham luận của Nguyễn Văn Bình viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương, ngày mùng 10 tháng 3, hậu thế chúng ta có dịp ôn lại thời kỳ dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng. Bên cạnh đó chúng ta không thể quên bậc tiền nhân của các Vua Hùng chính là người phụ nữ mang thai đẻ ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, người mẹ đó chính là Âu Cơ, bà cũng được xem là Tổ mẫu của người Việt có chồng là Lạc Long Quân. 

Lạc Long Quân là nòi rồng đứng đầu thủy tộc sống dưới nước, Âu Cơ là giống tiên sống trên cạn, hai người tái hợp khí âm dương hòa quện vào nhau tạo thành cái bọc có trăm trứng. Sự khác nhau về nòi giống nên khi sinh đẻ cũng khác biệt, khi các con lớn lên Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển và Âu Cơ Âu Cơ và năm mươi người con lên ở đất Phong Châu, tôn người con cả lên làm Vua lấy tên nước là Văn Lang, hiệu là Hùng Vương. Việt Nam lấy ngày 10-3 là ngày giỗ Tổ nhằm tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước, là tổ tiên của người Việt hôm nay.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, vai trò người phụ nữ luôn sống động muôn hình vạn trạng. Bài tham luận này chúng tôi khắc họa hình ảnh Phụ nữ Việt Nam như sau:

1. Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh 

Những đức tính ấy của Tổ mẫu Âu Cơ còn thể hiện rất đặc sắc ở những người phụ nữ Việt Nam sau này, không chỉ thủy chung sắt son mà còn có khí phách hơn người trước quân xâm lược, đó chính là Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) là những thủ lĩnh nữ khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán khoảng năm 40 – 43 trong khi các nam nhi chưa dám đứng lên khởi binh vì sợ thất bại. Rồi đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, chưa hết tinh thần phụ nữ người Việt cũng được thể hiện mạnh mẽ ở các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược ở giữa cuối thế kỷ 20 như trận đánh Ngã ba Đồng Lộc, những cô gái tuổi thanh xuân không sợ mưa bom, bão đạn, hiểm nguy, không ngại khổ…khi tình nguyện đi san lấp hố bom, đào hầm…để cho đoàn quân hành quân từ Bắc vào Nam đánh giặc. Rồi những cô gái có nhan sắc sẵn sàng dùng Mỹ nhân kế để dụ giặc, đánh giặc, thu thập thông tin tình báo của địch, đến những người mẹ già yếu đã dũng cảm gạt nước mắt mất chồng con, hy sinh ở chiến trường để tiếp tục động viên con cái xung phong ra trận đánh giặc sớm có ngày Hòa Bình trở về, chưa hết các bà mẹ tuy đã già yếu nhưng vẫn tận tụy đi làm đủ thứ việc kiếm gạo nuôi bộ đội, nuôi quân giải phóng …chờ ngày phản công quét sạch quân thù khỏi bờ cõi.

Một trong bốn tứ đại câu thơ của Lão Tử cũng nhắc đến nhược thắng cường nhưng ít ai hiểu và khai thác được hàm ý của nó trong đó Nhược tượng trưng cho phái yếu, nữ nhi: “Thắng nhân giả hữu lực/ Tự Thắng giả cường/ Nhu thắng cương/ Nhược thắng cường”.

Phụ nữ người ta thường gọi là phái yếu mềm nên đa số ít được coi trọng nhưng thực chất Phụ nữ là phái mạnh mang một đặc trưng riêng mà phái nam có chỗ không làm được. Ví dụ: Mỹ nhân kế…, sở dĩ Nhược thắng Cường là do nhược yếu thuộc Âm không nhìn thấy bằng mắt thường, còn Cường mạnh thì thể hiện ra bên ngoài ai cũng thấy nhưng yếu mềm vẫn thắng cường mạnh nếu biết kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn bên trong người phụ nữ. Nhờ vậy mới tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược là nhờ biết khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn bên trong người phụ nữ từ trẻ đến già,từ đó tạo nên nhưng tên tuổi như Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, những cô gái anh hùng. 

Tất cả những việc làm ấy thể hiện ý chí quật cường, không cam chịu, không khuất phục của người phụ nữ Việt Nam. Đây chính là di sản văn hóa phi vật thể rất quý, có một không hai cần được bảo tồn và phát huy ở thời bình,là nền tảng để xây dựng đất nước và giữ nước sau này. 

2. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến

Xã hội phong kiến Việt Nam tồn tại lâu dài nhất trong phần lịch sử đất nước và ảnh hưởng nặng nề từ tư tưởng phong kiến Trung Quốc, ảnh hưởng rất lớn đến hiện tại và tương lai.

Một là, Phụ nữ thời xưa ít được học hành đến nơi đến chốn do ảnh hưởng từ những quy định khắc nghiệt từ các triều đại phong kiến đặt ra khiến người phụ nữ chịu nhiều vất vả khi một tay lo bếp núc, đồng ruộng cấy cày, nuôi chăm con cái…

Hai là, Xã hội phong kiến thường trọng nam khinh nữa nên các cơ hội thăng tiến cho Nữ gần như rất ít thậm chí không có.

Ba là, Trong gia đình phụ nữ cũng chịu nhiều cảnh đau khổ khi ảnh hưởng tư tưởng “mẹ chồng nàng dâu – coi trọng con gái đẻ hơn con dâu”.

Bốn là, Tư tưởng sinh con trai nối dõi tông đường khiến người phụ nữ thêm áp lực trong cuộc sống gia đình,thậm chí bị chồng bỏ rơi,nhà chồng hắt hủi…khi không sinh được con trai.

Tất cả những tủi nhục, khó nhọc đó người phụ nữ Việt Nam đã phải trải qua hàng ngàn năm, dẫn đến người phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc. Ngày nay tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn còn tồn tại diễn ra ở những vùng quê,vùng núi…chậm phát triển.Một số không nhỏ vẫn tồn tại ở trong lòng các thành phố phát triển. 

3. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời nay 

Hiện nay với chính sách cởi mở cho người phụ nữ thì người phụ nữ Việt Nam không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà, thể hiện đặc sắc ở trên tất cả các lĩnh vực từ gia đình đến kinh tế, kể cả tham gia chính trị. Trong gia đình người phụ nữ tham gia vào việc nuôi dạy con cái, là trung tâm đoàn kết của gia đình, dòng họ. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng, là nhân tố tác động rất lớn đến nam nhi, quyết định sự đoàn kết anh em trong dòng tộc ấy. Ngoài ra phụ nữ còn tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế gia đình góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước, đóng góp tích cực trong Chính trị. VD: Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

4. Làm thế nào để giữ gìn, phát huy, nhân rộng giá trị tốt đẹp ấy của người phụ nữ Việt Nam? Đồng thời giúp họ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và lan tỏa ra toàn xã hội?

Một là, Thúc đẩy quyền bình đẳng Nam-Nữ 

Thúc đẩy quyền bình đẳng nhưng không có nghĩa chồng làm việc gì thì vợ cũng làm việc đó mà cần phân công công việc phù hợp với trình độ,sức khỏe,tâm sinh lý …phù hợp với hoàn cảnh để tạo nên thành quả chung cho cả gia đình.

Ví dụ: cho con bú,cho con nhỏ ăn…thì người phụ nữ bao giờ cũng khéo tay hơn đàn ông, sự kiên trì cao hơn cộng với 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau nên người phụ nữ bao giờ cũng yêu thương con nhiều nhất. Nhưng làm những công việc nặng, khuân vác thì người chồng sẽ làm tốt hơn phụ nữ nên không thể giao cho người phụ nữ.

Nhìn ở góc độ của tạo hóa, Âm Dương – Ngũ hành thì Phái nam tượng trưng cho (dương), Nữ tượng trưng cho Âm. Âm Dương hòa hợp thì hạnh phúc, vẹn toàn, ngược lại thiếu Âm hoặc thiếu Dương thì nửa còn lại sẽ sinh ra khiếm khuyết, thừa khí sinh ra bệnh tật và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Hai là, Cần từ bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phân biệt đối xử “con dâu mẹ chồng”, các định kiến thụt lùi của xã hội phong kiến, thay vào đó là sự tôn trọng lẫn nhau, sẻ chia cùng tiến bộ, cùng thụ hưởng thành quả, niềm vui và hạnh phúc.

Ba là, Tạo điều kiện cho phụ nữ được học hành đến nơi đến chốn để nâng cao trình độ, nhận thức cho người phụ nữ thay vì quan  niệm học cuối cùng cũng đi lấy chồng là hết nhưng hạnh phúc của người phụ nữ chính là học vấn, có học vấn ắt sẽ có ứng xử tùy theo mức độ ứng xử có thể tạo ra phúc hay họa nhưng chắc chắn một điều, không học ắt sẽ ứng xử kém về thế giới quan và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, từ đây làm cho người phụ nữ rất khó hạnh phúc. 

Bốn là, Tạo ra sân chơi, cơ hội để người phụ nữ được thể hiện thi thố và trọng dụng, có chỗ đứng trong xã hội.

Năm là, Sáng tạo Tứ Đức (Công-Dung-Ngôn-Hạnh) của người phụ nữ mà người xưa để lại:

- Công: Là biết nội trợ, nuôi con, chăm sóc, dạy con học hành, biết làm làm kinh tế, tham gia việc công, nghiên cứu khoa học. Nếu giỏi nữa thì Cầm Kỳ Thi Họa…

- Dung: Dung nhan, vẻ đẹp bên ngoài. Biết cách ăn mặc gọn gàng, hấp dẫn, dễ nhìn phù hợp với thời đại, không nên cổ kính, bảo thủ, chậm tiến.

- Ngôn: Lời nói nhã nhặn dễ nghe, lễ phép, cư xử phải đạo. Nói cười đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ… thể hiện sự đoan trang, thanh lịch, lịch sự của người phụ nữ. 

- Hạnh: Đức hạnh của người phụ nữ, lòng thủy chung son sắc với chồng con, lòng nhân hậu bao dung với chồng con, ông bà bố mẹ anh chị em nội ngoại thể hiện qua mối qua hệ tốt hay xấu đối với anh em trong dòng họ.

5. Những điều cần tránh đối với người phụ nữ khi đạt tới đỉnh cao học vấn, quyền lực, danh vọng 

Khi thúc đẩy quyền bình đẳng Nam Nữ đạt tới đỉnh cao thì cơ hội cho phái nữ là rất lớn tạo nên sự phân công lại trong xã hội, do đó cả nam và nữ cần thích nghi với hoàn cảnh mới, đồng thời người phụ nữ cần phân biệt đâu là Phương tiện sống và đâu là hạnh phúc thật sự của mình (?), nhằm tránh phấn đấu được phương tiện thì mất hạnh phúc gia đình; như vậy sẽ không vẹn toàn, thậm chí quyền bình đẳng lại gây hại cho người phụ nữ. 

Người phụ nữ cần hiểu rằng học vấn, bằng cấp, chức vụ…chỉ là phương tiện giúp tiến thân, thể hiện đam mê cá nhân và kiếm thêm thu nhập để về xây dựng vun vén gia đình mình, nuôi con cái ăn học trưởng thành, có cuộc sống viễn mãn với chồng con. Nếu người phụ nữ quá xa đà vào tìm kiếm phương tiện sống mà quên đi thiên chức của người làm vợ thì mặc dù có tất cả nhưng vẫn không có hạnh phúc trọn vẹn. Tức là Âm Dương không hòa hợp ắt sẽ sinh ra đau khổ. 

Ví dụ: Vợ có bằng cấp cao hơn chồng, kiếm tiền giỏi hơn chồng, chức vụ cao hơn chồng… thì thường coi thường người chồng có bằng cấp thấp hơn, kiếm tiền ít hơn, chức vụ thấp hơn… Đây chính là nguyên nhân gây ra tan vỡ hạnh phúc gia đình, khiến vợ chồng,con cái ly tán…dẫn đến người phụ nữ không tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn. 

Kết luận

Đỉnh cao nhất của sự nhận thức đó là tình yêu thương đồng loại, khi đó tình yêu thương là vô hạn, vượt qua mọi giới hạn,tư tưởng, định kiến, xuyên biên giới để bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, sẻ chia cùng chung sống hòa bình vì sự bình yên và hạnh phúc. Khi tình yêu thương con người đủ lớn thì mới tạo ra sự bình đẳng ngược lại vẫn còn tư tưởng định kiến phân biệt nam-nữ, sắc tộc, tôn giáo, quốc gia… đây chính là tiền đề tạo ra sự chia rẽ, mâu thuẫn… tất cả dẫn đến chiến tranh hủy diệt, từ đó con người không thể tìm thấy hạnh phúc bền vững.

NGUYỄN VĂN BÌNH