Trang chủ > Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

16/08/2023 16:57:29

Tham luận của Tiến sĩ Trần Thị Kim viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Tóm tắt

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình, dòng họ và xã hội có một ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn đất nước hội nhập. Bài viết trình bày một số nội dung liên quan đến sự nối tiếp phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở đó phân tích một số nội dung cần thiết, để tạo tạo điều kiện cho phụ nữ có thể phát huy tốt nhất nội lực.

Từ khóa:

Vai trò, kế thừa phát huy, gia đình, nội lực

Đặt vấn đề:

Trong xã hội nguyên thủy, dân tộc nào cũng trải qua một thời kỳ mẫu hệ và chế độ mẫu quyền. Phụ nữ làm chủ gia đình, dòng họ, có vai trò trong sản xuất kinh tế, đời sống xã hội cũng như đời sống tinh thần.

Trong thời đại ngày nay, khi gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Người phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các thành viên. Để hoàn thành tốt các chức năng cơ bản của gia đình: Chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng quan tâm chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi.  Không những thế, họ còn có khả năng phát huy được truyền thống tốt đẹp của dòng họ, của cộng đồng. Có thể nói, phụ nữ ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, cũng giữ được vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo giữ gìn những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. 

Do hạn chế của tác giả và thời gian nghiên cứu. Bài viết chủ yếu dựa vào những tư liệu sẵn có của các nghiên cứu trước. Ngoài ra có sử dụng những kết quả của phỏng vấn sâu 5 trường hợp, là hội trưởng, nguyên hội trưởng hội phụ nữ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, và các chị em đang làm việc tại đền Mẫu Âu Cơ.

Bài viết gồm có ba nội dung:

1. Phụ nữ kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Những phẩm chất cần có trong thời kỳ hội nhập.

3. Bàn luận.

1. Sự kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt

Nối tiếp truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam từ thời dựng nước và giữ nước. Phụ nữ Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tính nhân hậu, giỏi việc nước, đảm việc nhà, đoàn kết sát cánh cùng nhau viết nên tám chữ vàng chói lọi: Anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang. Mang trong mình dòng máu, tâm hồn Việt, người phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhân bản: “Thương người như thể thương thân”. “Lá lành đùm lá rách”.

Những người cùng dòng máu Việt gọi nhau bằng tiếng gọi “đồng bào”, thân thương. Tình thương yêu đó là cội nguồn của sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh của dân tộc, giúp vượt qua bao trở ngại khó khăn. Câu chuyện truyền thuyết về bà mẹ Âu Cơ, là những người đã có công khai sáng lịch sử dân tộc. Mẹ là người mang nặng đẻ đau. Dạy dỗ các con cách sống ở rừng núi, chăn nuôi, khai khẩn đất hoang, tìm đất tốt để trồng cây ăn quả. Nếu Mẹ Âu cơ là tổ sư nghề nông trang, thì các nữ thần là tổ sư các nghề dệt, chăn tằm. Dạy dân trồng dâu, trồng bông, làm bánh, ca múa...

Công lao của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn năm nay. Từ các Mị nương công chúa, dòng dõi vua Hùng lâu đời đến hàng loạt các nữ tướng, nữ danh nhân là có thật và thời nào cũng xuất hiện và nổi danh, được nhân dân các làng xã lập đền thờ với lòng biết ơn và sự tôn kính sâu sắc.

Có thể nói tín ngưỡng thờ Mẫu là một di sản văn hóa đặc sắc tri ân công đức tổ tiên của nhân dân ta. Truyền thuyết này về sau trở thành niềm tự hào và là sợi dây liên kết thống nhất của người Việt. Không chỉ nhấn mạnh sự đoàn kết, cũng như lòng khoan dung của người Việt. Ở góc độ của Phụ nữ Việt Nam: họ có thể tự hào là người mạnh mẽ và là biểu tượng của sự đấu tranh cho đất nước, cho quyền lợi của mình, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Đó là thông điệp là khát vọng của người xưa, mà câu chuyện truyền thuyết muốn nhắn gửi đến các thế hệ mai sau. Mong cầu một xã hội, luôn chứa đựng tình yêu thương đồng loại.

Hòa vào dòng chảy của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp trên từ đời này sang đời khác. Điều này được thể hiện trong gia đình, dòng họ. Giáo dục con cháu, về tình yêu sự gắn bó giữa các thành viên, sự thăm hỏi, sẻ chia khi ốm đau, những khó khăn, hoạn nạn. Trong mọi hoàn cảnh, người mẹ luôn hướng đến cuộc sống lương thiện, tần tảo nuôi dạy các con.

Ngẩng cao đầu khi thấy các con học hành thành đạt ngoan hiền và làm vẻ vang cho dòng họ. Có nhiều người con đã phải thốt lên “Mẹ là người mẹ vĩ đại nhất trong mắt anh em con, Mẹ nhé”. Ở những hoàn cảnh, những giai đoạn cụ thể, phụ nữ còn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc cho con cháu phấn đấu, học hỏi để tự hoàn thiện bản thân.

Sự quan tâm chăm sóc các thành viên trong gia đình, cũng như sự chia sẻ, yêu thương ông bà, cha mẹ, chồng con đã được ghi nhận từ ngàn đời nay. Đặc biệt đức tính hi sinh đã được tôi luyện qua nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc. Những người con gái, con dâu thảo hiền với cha mẹ đã tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ.

Sự kết nối giữa các thành viên trong dòng họ, được truyền và giữ lửa, được lan tỏa và không hề bị vụt tắt. Phải chăng, đó là thiên phú trong tính cách và sự ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa hướng về cội nguồn. Thật đáng trân quí, khi  gia đình, dòng họ rất cần có một nền tảng vững vàng, mới có thể mang lại cho xã hội những thành viên có đức có tài. Điều này đã được lịch sử dân tộc Việt Nam ghi nhận trong suốt nhiều năm qua: Từ thời dựng nước, giữ nước, trong chiến tranh cũng như thời bình. Quan niệm cổ truyền phúc đức tại mẫu vẫn còn nguyên giá trị. Người phụ nữ chăm chút làm phước thiện, chú ý từ lời ăn tiếng nói bởi họ hiểu: Một lời nói được biểu hiện chân thật, ái ngữ với tâm từ bi, có lợi ích biết nhường nào. Lời nói đó là hoa, là hương, là ngọc sẽ đem lại lợi ích trong ứng xử giữa mình với người. Lời nói đúng lúc, đúng nơi có tác dụng nâng dậy tâm hồn cho người khác.

Một phụ nữ ở xã Hiền Lương cho biết: “Trọng trách của phụ nữ là lo liệu trong gia đình, mọi công to việc lớn đều đến tay, cho dù chồng phải đi công tác xa. Trong dòng họ, phải có trách nhiệm đóng góp giỗ tết, giúp đỡ chị em những lúc khó khăn. Đặc biệt chia sẻ với những chị em có chồng mắc những sai phạm, những thói hư tật xấu hay những gia đình không được hạnh phúc.” {Nguyễn Thị Liên, 72 tuổi, xóm Hạnh Phúc, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ}.

Có thể nói, trong những điều kiện không thuận lợi chị em đã nêu cao tinh thần vượt khó, sáng tạo nhiều cách làm phù hợp. Góp phần tích cực, ổn định cuộc cuộc sống thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Từ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có định hướng XHCN, là những thách thức không nhỏ đối với người phụ nữ. Song với bản tính cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo, lo toan gánh vác. Họ đã cùng chồng con hợp sức để vượt qua những nỗi lo cơm áo gạo tiền

Có thể nói, từ sự kế thừa, phát huy những phẩm chất cao quí của văn hóa Việt. Người phụ nữ Việt Nam đã giữ vững được vị trí vai trò trong gia đình dòng họ. Tạo sự kết nối vững chắc cho các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội.  

2. Những nội dung cần có của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, và đặc biệt cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho lực lượng sản xuất của loài người chuyển sang bước ngoặt mới. Danh giới địa lý giữa các vùng miền, khu vực, quốc gia không còn những cách biệt như trước đây. Quyền con người ngày càng được tôn trọng và bảo vệ. Đây là một trong những yếu tố thời đại, tác động đến hệ giá trị và chuẩn mực xã hội trong từng quốc gia dân tộc, sự biến đổi các thang giá trị và chuẩn mực xã hội là lẽ đương nhiên.

Phát huy những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng để phù hợp với sự thay đổi của thời đại đang là thách thức đối với mỗi người. Trong dòng chảy của lịch sử, được tưới tẩm bởi những dòng nước mát của các con sông lớn . Mỗi thế hệ Việt nam luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên, phải có trách nhiệm vun bồi cho mảnh đất mẹ luôn xanh tươi, đơm hoa kết trái.

Làm mới mình, trên nền tảng vững chắc của ông cha đang là tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Với tố chất nhạy cảm, thông minh, mềm mại trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ việt nam cần có những thay đổi kịp thời cho phù hợp với những yêu cầu đang đổi thay của thời đại. Thực tế cho thấy, phụ nữ đã và đang nỗ lực về nhiều mặt, tri thức, văn hóa, kỹ năng sống tự lập. Vì đây chính là những giá trị, những yếu tố cốt lõi của một con người trong thời kỳ hội nhập. 

Để có tri thức, mỗi người cần phải không ngừng học hỏi, không chỉ học trong nhà trường mà ở mọi lúc mọi nơi và phải có ý thức học tập suốt đời. Không chỉ dừng ở cơm áo gạo tiền, mà phụ nữ cần còn có nhu cầu, mối quan tâm đến những vấn đề cao cấp hơn. Liên quan đến chất lượng cuộc sống, được đo lường trên nhiều chiều cạnh. Phụ nữ cần sở hữu nhiều kỹ năng và công cụ hơn, đặc biệt là sử dụng mạng truyền thông xã hội. Không chỉ để chia sẻ các bức xúc nói riêng và những mối quan tâm nói chung. Mà phải biết cách tận dụng được những mặt tích cực của phương tiện này. 

Người phụ nữ không chỉ dừng ở mức có những hành vi xử lí đúng mực, kính trên nhường dưới, mà cần phải có ý thức và trách nhiệm công dân. Đặc biệt cần có kĩ năng sống tự lập, biết tự bảo vệ chính mình, mạnh mẽ trong tâm hồn, ngã ở đâu đứng lên ở đó. Không những thế, cần phải dũng cảm khởi nghiệp, dám đối mặt với thử thách, không dựa dẫm vào bất kì ai, không tự ti trước mọi thách thức của cuộc sống.

“Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ vẫn tiếp tục kế tục phát huy hình ảnh, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang. Thể hiện ở sự tự tin, biết làm kinh tế, biết làm đẹp, dám đối diện với sự thật, tự khẳng định mình, làm giàu cho bản thân, cho quê hương. Có một số chị đã mở xưởng Ván bóc, xây dựng trại gia chăn nuôi, hay nhiều mô hình kinh tế đã. Phụ nữ hiện đại cần rất cần có sự kế thừa truyền thống tốt đẹp vì đây là nền tảng quan trọng, không nên xa rời.” Bùi thị Minh Hải, 51 tuổi. Nguyên hội trưởng hội phụ nữ xã Hiền Lương} 

Trong giai đoạn hiện nay, thấu hiểu tình trạng nghèo khó của đất nước, người phụ nữ phải có ý chí, nghị lực vươn lên. Không thụ động trông chờ, mà cần phải học hỏi tìm kiếm công ăn việc làm. Bất kì là công việc gì với tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. “Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ rất cần sự mạnh mẽ, quyết đoán, độc lập về tư tưởng, kinh tế, cũng như việc suy nghĩ trở nên thông thoáng hơn, không quá nặng về truyền thống. Và để có thể làm kinh tế giỏi, rất cần các đoàn thể tập trung nâng cao năng lực cho người phụ nữ” {Nguyễn Thị Huy, 41 tuổi, xã Hiền Lương, Đức Lạc, Phú Thọ}.

Một ý kiến khác cũng cho rằng, “ người phụ nữ cần tiếp cận cái mới, tư tưởng cần thoáng hơn và đặc biệt phải giành nhiều thời gian tâm sự, đồng hành cùng con.” Trần Thu Thảo, 36 tuổi, xã Hiền Lương.

Rõ ràng, muốn phát triển và hòa nhập với xã hội phụ nữ cần tiếp cận với cái mới, với một tâm thế chủ động, bản lĩnh tự tin. Trước một thời kỳ đầy biến động, khó lường, nhiều thách thức đó, nhưng không phải thiếu cơ hội. Chị em cần nắm bắt, vận dụng hiệu quả các tri thức, thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp. 

“Với bản tính chịu thương chịu khó, chị em đã đi làm công ty, đi làm giúp việc để tăng thu nhập, bởi công việc nhà nông không đủ trang trải cho chi tiêu trong gia đình. Có nhiều chị đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, xưởng may, xưởng bóc ván ép, cửa hàng tạp hóa, hay xây dựng các gia trại để tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Kết quả, những hộ có mức thu nhập khá trở lên ở xã chiếm 70%. Nhiều chị em đã tham gia vào các sinh hoạt, thể dục thể thao, khiêu vũ, công tác xã hội, tạo sự gắn kết trong tình làng nghĩa xóm. Nhiều chị em đã vào mạng kết bạn nhóm trên ứng dụng Zalo nên khi triển khai công việc sẽ rất thuận lợi, đặc biệt giai đoạn có dịch Covid {Nguyễn Thị Kim Ngân, 41 tuổi. Chủ tịch hội LHPN xã Hiền Lương.} 

Trong gia đình, chị em đã và đang cố gắng trang bị cho mình những kiến thức mới như không ngừng học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc với tinh thần cầu thị để làm mới bản thân. Biết chăm sóc sức khỏe cho mình, cho gia đình. Cùng đồng hành với các thành viên trong gia đình dòng họ với một tư duy đổi mới, đồng thời, đề cao sự yêu thương, trân trọng và đức tính hy sinh.

Yêu thương nhưng phải trên cơ sở thấu hiểu, vì nếu yêu thương mà không thấu hiểu chính là làm hại người được chúng ta yêu thương. Người phụ nữ rất cần đến sự bao dung độ lượng, mở rộng tấm lòng chấp nhận và bỏ qua những thiếu sót sai lầm của người khác mà không oán trách hay giận hờn. Cần đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận, cảm thông và phải biết hi sinh những lợi ích của bản thân vì người khác. Trong một thế giới đầy ắp thông tin như hiện nay, muốn có sự phát triển, phải biết chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ, tính cách, lối sống của các thành viên trong gia đình và những người xung quanh. 

3. Bàn luận

Hiện nay, Việt Nam đã “ Xây dựng các thể chế cơ sở Pháp luật ưu việt và thuận lợi nhất nhằm giải phóng , khơi dậy các các nguồn lực, tạo động lực để phát triển đất nước”{Phạm Chí Công, 2017.} Ngoài ra còn tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện rõ trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội và tỷ lệ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đạt trên 30%. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị trong nhóm cao nhất thế giới.” 

Đi sâu vào nghiên cứu nhóm phụ nữ thành đạt, một điều dễ thấy, là họ tỏ ra khá mạnh mẽ, quyết đoán, không chỉ độc lập trong kinh tế, làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Song, họ vẫn chỉnh chu trong công việc gia đình, dòng họ; hài hòa trong tình làng nghĩa xóm. Biết giúp đỡ làng xóm bạn bè cùng làm kinh tế và chính họ đã chủ động tạo ra vốn xã hội cho bản thân mình. 

Đặc biệt biết tri ân tổ tiên ông bà, cha mẹ đã nâng đỡ, dìu dắt, để họ có được thành quả  như ngày hôm nay. Thấm thía được tình trạng nghèo khó, chậm phát triển của cộng đồng, dân tộc mình, người phụ nữ đã dấn thân trên thương trường, trải nghiệm bằng việc lao động miệt mài hăng say không ngừng nghỉ để có được cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Bất kể là lao động chân tay hay lao động trí óc, họ đều chú trọng rèn luyện ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập, cũng như hướng đến khát vọng phụng sự cho dòng họ, cho đất nước.

Chúng ta tự hào có nhiều nữ doanh nhân xây dựng và phát triển những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều chị em đã tự nguyện xa mẹ xa con, sẵn sàng đi vào tâm dịch. Coi bệnh nhân như những người thân yêu của mình.

Riêng đối với nhóm phụ nữ còn vất vả mưu sinh, họ hạn chế về một số mặt: Chỉ giới hạn trong cộng đồng làng xã, hạn chế về cơ hội, hạn chế cả về năng lực cá nhân, lẫn học vấn thấp (nhóm phụ nữ nghèo). Rất cần có những cuộc nghiên cứu sâu hơn để tạo những điều kiện căn cơ, những giải pháp cụ thể giúp phụ nữ làm tốt vai trò của mình trong thời kỳ hội nhập. 

Tham khảo một số nghiên cứu gần đây cho thấy viện trợ, hỗ trợ không hẳn là một giải pháp bền vững đối với người nghèo. Để thoát nghèo, họ cần có một “chiến lược sinh kế” bền vững với những mục tiêu, động cơ khát vọng của chính mình. Cách tiếp cận từ “nội lực” sẽ giúp cho bản thân nhóm phụ nữ nghèo nhìn thấy những nội lực nội tại, tiềm năng của mình, của gia đình, của cộng đồng để tự xây dựng mô hình sinh kế thoát nghèo trước khi chờ chương trình, chính sách hỗ trợ. Trên thực tế, những rào cản về thể chế, chuẩn mực xã hội cũng đã phần nào hạn chế cơ hội tìm việc làm cho phụ nữ hiện nay.

Chẳng hạn, có những địa phương không có sẵn cơ hội việc làm, do đó số lượng lao động nữ của huyện làm việc trong các doanh nghiệp là rất ít. Chỉ có 240 người (Cục thống kê tỉnh Lai Châu; 2018 ). Ít việc làm tại chỗ sẽ là trở ngại rất lớn cho chị em, mà việc làm lại có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển và hòa nhập xã hội của con người. Bởi việc làm không chỉ là phương tiện để bảo đảm sinh kế, mà còn thúc đẩy sự tham gia của con người vào xã hội. Góp phần nâng cao giá trị và sự cố kết xã hội của con người( UNDP, 2015). Sự thiếu tính di động xã hội và ít trải nghiệm với môi trường bên ngoài làm hạn chế năng lực của phụ nữ. Thiếu thông tin, thiếu quan hệ xã hội, hạn chế về trình độ học vấn. Đặc biệt thiếu vốn xã hội có ảnh hưởng lớn tới cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp. 

Cần có những nhận thức đúng về những khó khăn của người phụ nữ trong nền kinh tế thị trường. Để có những tháo gỡ, chia sẻ tạo điều kiện tối ưu cho những nhóm phụ nữ chưa có điều kiện thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Có như vậy, phụ nữ mới phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong gia đình, dòng họ trong giai đoạn mới. Tạo công ăn việc làm, mới chính là giúp cho họ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế.

Vì thu nhập là điều kiện, là nguồn lực quan trọng để một cá nhân hay hộ gia đình theo đuổi các mục tiêu xã hội của mình. Thu nhập có thể chuyển hóa thành tài sản, tạo nên vốn kinh tế và chuyển hóa thành các loại vốn khác, như vốn con người, vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn chính trị và ngược lại. Hiện nay tổng số phụ nữ trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp chiếm 47,4%. riêng trong hợp tác xã hiện chiếm 80% là nữ. Con số này thể hiện sự đóng góp một phần không nhỏ của phụ nữ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, song vẫn còn những khoảng cách giới về cơ hội, điều kiện, năng lực tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ và thụ hưởng kết quả của khoa học công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

- Đặng Trường Xuân, (2016). Phân tầng xã hội, phân hóa giầu nghèo: Vấn đề đặt ra trong quản lý ở nước ta hiện nay. Tạp chí giáo dục lý luận, số 241: 30-33.

Phạm Trí Công, (2017). Tầm nhìn xây dựng thể chế kiến tạo.

http://baochinhphu.vn/phapluat/Tamnhin-xay-dung-the-che-kien-tao/298501.vgp.

(truy cập ngày 20/5/2019)

- Ngân hàng thế giới, (2018). Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam, Hà Nội

- Nguyễn Chí Dũng, (2023). Con người Việt Nam những biến đổi về chuẩn mực. Văn nghệ số 2+3+4 năm 2023.

- Tổng cục thống kê tỉnh Lai Châu, (2018). Niên giám thống kê tỉnh Lai Châu. NXB Thống kê, Hà Nội.

- Hồng Vinh, Thêm nhiều tấm gương đẹp của phụ nữ thời đại mới. Nhân Dân hằng tháng số 311, 03-2023.

- Tài liệu của đền thờ Mẫu Âu Cơ.

Tiến sĩ TRẦN THỊ KIM