Trang chủ > Phụ nữ Huế với việc phát triển nghề truyền thống

Phụ nữ Huế với việc phát triển nghề truyền thống

16/08/2023 16:50:44

Tham luận của Trần Nguyễn Khánh Phong (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

I. Đặt vấn đề

Huế là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa đã tạo nên sự phong phú, đặc sắc và độc đáo mà đến nay vẫn còn được lưu giữ đậm nét. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò chủ đạo của người phụ nữ, bằng nhiều cách khác nhau, họ đã luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế một cách liền mạch.

Đối với người phụ nữ Huế, phẩm chất công dung ngôn hạnh có giá trị rất to lớn đã làm nên bản sắc văn hóa Huế, trở thành sức mạnh nội sinh để Huế phát triển trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngay từ khi còn thơ ấu cho đến niên thiếu và trưởng thành, những người con gái Huế đã được mẹ âm thầm quan sát, trực tiếp hướng dẫn để trang bị một vốn liếng quý giá về tề gia nội trợ, nữ công gia chánh. Bởi vậy, con gái Huế được học nghề rất sớm, học nữ công gia chánh, thêu, may vá, đan móc, làm mứt, làm bánh.

Nề nếp này về sau được các trường nữ sinh ở Huế, đặc biệt là Trường Đồng Khánh, Trường Nữ Thành nội Huế đề cao và đào tạo nên nhiều thế hệ phụ nữ Huế mẫu mực trong nhiều lĩnh vực phù hợp với hoàn cảnh sống(1) . Từ đó, phụ nữ Huế có vai trò ngày càng quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Huế. Họ vừa là chủ thể tham gia sáng tạo, vừa là góp phần gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa cha ông truyền lại trong đó có nghề truyền thống.

Đối với nhiều nghề thủ công truyền thống của Huế, phụ nữ thường là người gánh vác những khâu chính trong quá trình tạo ra những sản phẩm như nghề thêu, chằm nón, đan móc, làm bánh mứt, làm phấn nụ, dệt chiếu, nhuộm vải, làm gối… Họ làm công việc này vào những lúc rảnh rỗi, để nuôi sống gia đình hoặc dùng cho sinh hoạt hằng ngày.

Vì tính chất của bài viết, chúng tôi chọn 3 nghề truyền thống mà vai trò của người phụ nữ Huế thể hiện rất rõ qua từng sản phẩm đó là nghề làm phấn nụ, nghề thêu và nghề chằm nón lá nhằm tôn vinh vị thế của người phụ nữ Huế trong đời sống hiện đại.

II. Phụ nữ Huế với việc phát triển nghề truyền thống

1. Nghề làm phấn nụ

Phấn nụ là tên gọi được hình thành từ hình dáng sản phẩm vì mỗi viên được tạo hình như những nụ hoa. Phấn nụ Huế là một loại mỹ phẩm truyền thống có nguồn gốc từ cung đình. Đây là sản phẩm làm đẹp đặc biệt, được các ngự y cung đình Huế dày công nghiên cứu, bào chế từ cao lanh hảo hạng và các loại thảo dược từ thiên nhiên. Và công thức làm phấn nụ được lưu truyền trong phạm vi nhỏ của gia đình.

Phấn nụ sẽ tôn lên vẻ đẹp quý phái qua sự thể hiện ở dung nhan của các hoàng hậu, công chúa và cung tần mĩ nữ trong cung đình. Công thức làm phấn nụ được giữ kín, mỗi thời chỉ giao cho một vài cung nữ được tin cẩn bào chế. Đến năm 1945 khi chế độ phong kiến kết thúc, các cung nữ được xuất cung trở về với đời sống thường dân và họ đem theo bí quyết làm phấn nụ truyền lại cho con cháu ở trong gia đình và dòng họ(2) .

Nghề làm phấn nụ là nghề gia truyền, thường chỉ truyền cho con gái, cháu gái trong gia đình. Làm phấn nụ là nghề khá vất vả, lại đòi hỏi tính công phu, tỉ mỉ rất cao. Người phụ nữ theo nghề làm phấn nụ phải có cái tâm trong sáng, bản tính dịu dàng, đằm thắm, cẩn thận, kiên trì, chịu thương, chịu khó mới làm ra những viên phấn vừa đẹp về hình dáng và bảo đảm về chất lượng bên trong. Trước đây, phấn nụ chỉ có 1 loại và làm 1 lần trong năm rồi cất để dùng dần. Sau này với nhu cầu làm đẹp được chú trọng hơn thì phấn nụ đã được sáng tạo ra nhiều loại và đưa ra bán trên thị trường. Từ 1 loại mỹ phẩm được dùng trong cung, phấn nụ Huế bước ra đời thường, tồn tại thầm lặng cùng thời gian mang lại vẻ đẹp tự nhiên, bền bỉ, thuần khiết như người phụ nữ Huế ngày ấy và bây giờ. 

Muốn tạo ra viên phấn nụ vừa đẹp về hình thức, vừa đạt về chất lượng đòi hỏi người phụ nữ làm phấn nụ phải thật sự khéo léo, cẩn thận và đặc biệt là tính cách kiên nhẫn từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến suốt quá trình chế biến. Thời điểm làm phấn nụ là những tháng đầu năm vì thời gian này đang là mùa xuân vừa có nắng dịu, vừa có nhiều hoa để ướp phấn. Nguyên liệu chính làm phấn nụ rất đơn giản là cao lanh và nước. Muốn tạo màu sắc và hương thơm thì có thêm phẩm màu và các loại dược liệu từ thiên nhiên. Kỹ thuật làm phấn nụ không quá khó nhưng tốn nhiều thời gian bởi có được một mẻ phấn nụ phải mất ít nhất mười ngày với nhiều công đoạn khác nhau.

Dưới đây là các công đoạn làm phấn nụ truyền thống Huế mà các cơ sở làm phấn nụ còn lưu truyền lại được(3) :

- Chế biến cao lanh: Cao lanh sử dụng làm phấn nụ thì phải có màu phớt hồng và trong suốt như pha lê. Cao lanh được rửa sạch và đưa vào lò kín nung từ 22 - 24 giờ, cho đến lúc tơi xốp và vỡ vụn thì đem nung tiếp dưới nhiệt độ thấp hơn trong vòng 8 giờ, sau đó lấy cao lanh ra và nghiền thật mịn, công đoạn cuối cùng là cho qua rây sàng rồi lấy phần bột mịn nhất.

- Lọc cao lanh: Trước đây nước dùng làm phấn nụ phải hứng nước mưa giữa trời, đem chưng thật trong và sạch rồi cho vào một cái bể lớn tránh nắng mưa và cất để dùng cho cả năm. Ngày nay, do yếu tố môi trường, người làm phấn nụ không còn sử dụng nước mưa mà chuyển qua dùng nước cất.

Hòa nước vào bột cao lanh cho thật đều, sau đó khuấy mạnh, đợi nước lắng rồi mới lọc bỏ tạp chất, chỉ lấy phần lắng bên dưới. Nấu hỗn hợp đến độ sền sệt, đem ủ 3 ngày sau đó gạn lọc hỗn hợp 3 - 4 lần để loại bỏ các cặn thô, khi hỗn hợp đạt thì tiến hành pha chế tạo màu.

- Giọt phấn: Sau lần gạn nước cuối cùng, người làm đặt nhiều lớp giấy thấm lên khay. Phủ lên trên cùng một lớp vải dễ thấm nước rồi lấy thìa múc bột đổ thành nụ theo hình xoắn ốc lên vải. Phấn phải đổ sao cho giống hình nụ hoa mới đạt. Công đoạn này dễ nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người nặn, bởi chỉ cần mạnh tay một chút là hỏng, không cho ra thành phẩm như ý muốn.

- Phơi phấn: Khi phấn nụ thấm hết nước thì sẽ đem ra phơi. Phấn được hong khô với ánh nắng ban mai. Khi mặt trời lên cao thì đem phấn vào nhà để ở chỗ thoáng. Phơi phấn đủ nhiệt thì sẽ mất 4 - 5 ngày mới cho ra viên phấn có độ mềm vừa phải. Ngoài ra, vào ban đêm, có thể đem phấn ra phơi sương để cho phấn có độ dịu và mềm mát hơn.

- Ướp hương và đóng gói: Hương thơm của viên phấn nụ thường được sử dụng từ các loại hoa (hoa sứ, hoa hồng, hoa bưởi, hoa sen). Có nhiều cách ướp hương khác nhau: Có thể rải hoa lên phấn rồi lấy tấm vải trải lên trên hoặc khi phấn đã khô, cho phấn vào cái khăn cùng cánh hoa, đem buộc chặt rồi ủ. Phấn được ủ hoa càng nhiều ngày thì viên phấn càng thơm lâu. Sau khi hoàn tất các công đoạn, phấn được cất vào hộp kín dùng dần cả năm.

Người nào quen dùng phấn nụ thì dùng lâu sẽ rất thích, phấn bôi vào da cảm nhận mát, lành tính, không làm hư hại da, nhiều chị em phụ nữ vẫn dùng song song hai loại vừa phấn nụ, vừa mỹ phẩm khác. Bà Phan Thị Tố Như chủ cơ sở phấn nụ Nhất Chi Mai tại số 101 đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, thành phố Huế có thâm niên 30 năm trong nghề. Với niềm đam mê học hỏi, bà đã được người vợ thứ của ông nội truyền dạy nghề làm phấn vào năm 17 tuổi. Sau khi có gia đình, năm 1979, do cuộc sống phải chăm lo chuyện kinh tế gia đình nên bà Phan Thị Tố Như lấy nghề làm phấn nụ để mưu sinh, năm 1983 bà Tố Như đặt tên gọi sản phẩm phấn nụ Hoa Mai.

Đến năm 2009, phấn nụ Hoa Mai chính thức đổi tên thành phấn nụ truyền thống Nhất Chi Mai cho đến ngày hôm nay(4) . Bà Phan Thị Tố Như chia sẻ “Nghề làm phấn nụ đòi hỏi ở người phụ nữ tính cẩn thận tỉ mỉ và phải thật khéo léo. Làm phấn nụ khâu nào cũng quan trọng, nhưng muốn có 1 viên phấn mịn, chất lượng thì ngay khi chọn cao lanh phải kỹ và phải kiên nhẫn. Phấn nụ trước kia chỉ có 1 loại nhưng qua quá trình làm và tìm hiểu thì tôi đã nghiên cứu ra các cách pha chế tạo ra nhiều loại phấn phù hợp với các làn da.

Vào thời của tôi ngày trước, phấn nụ được sử dụng rất nhiều và rất được ưa chuộng. Ngày xưa khi ra đường có việc gì quan trọng thì người phụ nữ thường thoa chút phấn nụ cho sáng da. Càng về sau, người phụ nữ dùng ít hơn, có lẽ hiện nay có nhiều loại mỹ phẩm nên mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng hiện nay, đối với khách du lịch đặc biệt lứa tuổi trung niên họ hay hỏi mua phấn nụ, không biết để làm quà hay để dùng nữa”(5) .

Cơ sở làm phấn nụ gia truyền Bà Tùng tại địa chỉ số 34 đường Tô Hiến Thành, phường Phú Cát, thành phố Huế(6) . Trước đây ở gia đình có người làm thị nữ ở trong cung và được giao cho bí quyết làm phấn nụ. Sau này, khi về với cuộc sống đời thường, người cung nữ đã truyền nghề làm phấn nụ cho cô con gái út là Trần Thị Thiểu (hay còn gọi là bà Hường) làm nghề nuôi sống gia đình và bà Trần thị Thiều lại truyền nghề cho 2 cô con gái là Trần Thị Tùng và Trần Thị Phương. Đến thế hệ sau này trong gia đình đã mở rộng cơ sở làm phấn và gây dựng thương hiệu phấn nụ gia truyền Bà Tùng cho đến ngày nay. 

Phấn nụ Huế thăng trầm theo thời gian, trong giai đoạn từ năm 1954 - 1975 phụ nữ Huế ở các gia đình có điều kiện, phụ nữ làm công chức, giáo viên cứ đi ra đường là phải thoa một tí phấn nụ cho sáng da. Phấn nụ loại mỹ phẩm lành tính không kém loại da nên được nhiều người lúc đó sử dụng, thậm chí khi đó có những bà trên 70 tuổi vẫn sử dụng phấn nụ để dưỡng da.

Từ sau năm 1975 nhu cầu sử dụng phấn nụ giảm có lẽ vì vậy mà cái nghề làm phấn nụ dần dần bị thu hẹp lại. Cũng chính vì lí do này mà ngày nay từ quá trình làm các sản phẩm phấn nụ truyền thống cùng với việc ham học hỏi nghiên cứu, các cơ sở làm phấn đã tạo thêm các dòng sản phẩm mới như xịt khoáng, nước hoa hồng…được chiết xuất từ nước kết hợp với các loại thảo dược vốn có khi làm phấn nụ. Với tính cách chăm chỉ chịu khó đã giúp cho những phụ nữ Huế không chỉ giữ được nghề phấn nụ truyền thống mà còn làm đa dạng các loại sản phẩm làm đẹp đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

2. Nghề thêu

Nghề thêu truyền thống Huế hình thành, phát triển và thăng hoa qua nhiều thời kỳ lịch sử trong đó phát triển rực rỡ nhất là gắn liền với sự phát triển của vương triều Nguyễn. Ban đầu, các nghệ nhân tài hoa khắp mọi miền đất nước được trưng tập về Huế để phục vụ trong cung đình. Do yêu cầu khắc khe và đòi hỏi cao của công việc, nên các thế hệ nghệ nhân thêu ở Huế đã không ngừng rèn luyện và đạt đến tinh hoa nghề nghiệp, sau đó được truyền dạy ra ngoài dân gian và lưu giữ phát triển cho đến ngày nay. Bởi đặc thù của nghề thêu, nên thợ thêu chủ yếu là nữ. Người phụ nữ Huế lại rất cần cù, chịu khó, tỉ mẩn, kiên nhẫn, rất tinh tế và khéo léo, những nét tính cách đó đã làm nên những tác phẩm thêu có hồn với những đường nét sắc sảo, cổ kính và sâu lắng.

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, các sản phẩm thêu Huế dù phục vụ trong cung đình hay ra ngoài dân gian đều đạt đến trình độ tinh hoa, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống Huế. 

Để có được một sản phẩm thêu thì phải trải qua các công đoạn như sau:

+ Bước 1: Vẽ lại mẫu tranh trên giấy. Bước đầu tiên trong quy trình thêu truyền thống chính là chọn mẫu tranh. Các mẫu tranh sau khi được chọn lựa hoặc sáng tạo sẽ được vẽ lại trên giấy.

+ Bước 2: Đồ mẫu lên vải thêu. Sau khi hoàn thành bản vẽ tay, bộ mẫu vẽ được chuyển từ giấy lên vải, công đoạn này được thực hiện tỉ mỉ, chính xác, bởi nghệ nhân sẽ thêu từng đường kim mũi chỉ dựa vào những hình ảnh được phác thảo trên vải thêu.

+ Bước 3: Căng vải thêu lên khung. Vải thêu sau khi đã được vẽ mẫu sẽ được căng lên khung, sửa lại các nét không rõ trước khi thêu.

+ Bước 4: Chọn chỉ thêu. Để có bức tranh đẹp đòi hỏi dùng tới rất nhiều loại chỉ thêu với màu sắc, kích thước độ dài khác nhau. Việc lựa chọn chỉ thêu và phối màu cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận màu sắc, tư duy, thẩm mỹ, kinh nghiệm và cả đôi mắt tinh tế của những nghệ nhân.

+ Bước 5: Thêu tranh. Đây là công đoạn quan trọng và cũng tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong quy trình thêu.

+ Bước 6: Kiểm tra hoàn thiện và đóng khung. Sau khi thêu xong, tranh thêu sẽ được kiểm tra cẩn thận, nhằm cắt bo chỉ thừa, sửa chữa lỗi. Sau đó tranh được tháo ra khỏi khung thêu, kiểm tra lần cuối và đem đóng khung hoàn thiện sản phẩm.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 200 cơ sở thêu lớn nhỏ với nhiều dòng sản phẩm như thêu tranh, áo dài, khăn, túi xách, thêu trên áo Kimono, Hanbok với những cơ sở, cửa hàng có tên tuổi như Đức Thành, Công ty TNHH và Dịch vụ Thêu may Đoan Trang, các HTX Thêu Phú Hòa, HTX Thêu Thuận Lộc, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế (UNIMEX Huế), Công ty thêu XQ. Mỗi một cửa hàng, công ty hay HTX đều có bóng dáng của người phụ nữ Huế trong từng thao tác của nghề thêu.

Công ty thêu XQ tiền thân là tổ hợp tranh thêu lụa XQ ra đời năm 1994, đến năm 1996 nâng cấp thành Công ty thêu XQ Đà Lạt. Cuối năm 2001, làng nghề thêu truyền thống XQ Đà Lạt Sử quán chính thức khai trương, tạo nên một không gian sáng tạo cho các họa sĩ và nghệ nhân thêu tranh. Hiện nay, Công ty thêu XQ có hơn 2500 nghệ nhân, hàng nghìn thợ thêu cùng một hệ thống chi nhánh tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh và đại lý tại thị trường các nước Anh, Mỹ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Tranh thêu tay XQ được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích bởi nó đã vượt lên trên ý nghĩa của một sản phẩm nghề thủ công và nâng tầm thành một tác phẩm nghệ thuật.

Chị Hoàng Lệ Xuân, một trong hai người sáng lập Công ty thêu XQ là người gốc Huế, người bà và người mẹ của chị từng là những nghệ nhân thêu cung đình Huế. Đặc biệt hơn, chị vốn xuất thân từ làng thêu Thuận Lộc, khi nghề thêu truyền thống Huế lụi tàn sau sự đổ vỡ của thị trường Liên Xô và Đông Âu, chị Hoàng Lệ Xuân đã rời Huế vào Lâm Đồng sinh sống và tìm lối đi cho nghề thêu khi mới 20 tuổi. Với tài năng, tâm huyết và sự hỗ trợ đắc lực của người chồng là anh Võ Văn Quân, chị đã thành công với thương hiệu thêu XQ. Có thể nói, chị Hoàng Lệ Xuân đã có đóng góp không nhỏ trong việc khôi phục nghề thêu truyền thống lâu đời của Huế, truyền vào đó một sức sống mới bền vững, góp phần tôn vinh những phẩm chất truyền thống phụ nữ Huế, giới thiệu với bạn bè thế giới và du khách về vẻ đẹp văn hóa truyền thống Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khi nhắc đến Cơ sở thêu áo Kimono thuộc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế (UNIMEX Huế) do Sở Công thương quản lý với sản phẩm xuất khẩu chủ lực là thêu may Kimono. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2005, lực lượng nghệ nhân và thợ thêu tại công ty lên đến hơn 1000 người. Các sản phẩm Kimono với kỹ thuật thêu tinh xảo trên từng chi tiết hoa văn đã làm các đối tác và khách hàng từ Nhật Bản ưa chuộng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay rất khó khăn do nguồn đặt hàng từ các đối tác Nhật Bản giảm dần “Xưởng chỉ có hơn 20 nghệ nhân thêu, đa số đã lớn tuổi do không tìm được công việc nào khác và một phần do quá nhớ về nghề nên vẫn gắn bó với đường kim mũi chỉ việc đào tạo nghệ nhân thêu Kimono hiện nay là không thể do nguồn hàng rất nhỏ giọt và giới trẻ cũng không mấy ai mặn mà với nghề”(7) . Hiện tại công ty đã chuyển đổi sản xuất sang may công nghiệp và chỉ còn duy trì một cơ sở nhỏ thêu Kimono tại địa chỉ 45 đường Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.

Đối với Công ty TNHH và Dịch vụ Thêu may Đoan Trang thành lập năm 2007, trụ sở tại số 2 hẻm 56 đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế. Sản phẩm thêu may Đoan Trang rất phong phú, đa dạng, trong đó nổi bật là thêu trang phục áo dài và tranh truyền thống. Bên cạnh thêu tay, Công ty TNHH và Dịch vụ Thêu may Đoan Trang đã trang bị thêm máy móc, máy thêu áo dài Tajima đây là máy thêu vi tính chuyên nghiệp, thêu được trên tất cả các loại vải, tạo ra những chiếc áo dài thêu các nét, góp phần tôn vinh chiếc áo dài truyền thống và phát triển nghề thêu may áo dài Huế. Những sản phẩm thêu của Công ty TNHH và Dịch vụ Thêu may Đoan Trang được đánh giá cao và được mời tham dự nhiều cuộc trưng bày, triển lãm các show diễn áo dài tại Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, các lễ hội lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Festival Huế. 

Chị Nguyễn Thị Đoan Trang, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Thêu may Đoan Trang, là một phụ nữ Huế vốn có sở thích, đam mê với việc may vá và thêu. Nhờ thừa hưởng đức tính tỉ mỉ, khéo tay và khiếu thẩm mĩ của mình, chị đã tự mày mò và tạo ra những tác phẩm thêu tay rất tinh tế, đẹp mắt. Chính sự đam mê, năng khiếu thêu may đã đưa chị Đoan Trang đến với nghề thêu và chuyên tâm phát triển nghề từ những năm 1990 cho đến nay. Chị nói “Trong xã hội hiện nay, để duy trì nghề thêu truyền thống Huế và đáp ứng thị hiếu của khách hàng, sự kết hợp giữa thêu tay và máy móc hiện đại là rất cần thiết, giúp hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn, nhiều hơn và giá thành rẻ hơn, tạo được cạnh tranh trên thị trường. Máy móc và con người kết hợp nhịp nhàng, hài hòa sẽ tạo nên những sản phẩm tuyệt vời tinh xảo”(8)

Tiếp nối truyền thống thêu của gia đình vốn được vun đắp, gầy dựng từ những năm đầu thế kỷ XX thì cửa hàng thêu Đức Thành số 82 đường Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa, thành phố Huế, được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến là cơ sở tranh thêu tay gia truyền uy tín và nổi tiếng ở Huế, do Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh đứng tên. 

Hiện nay, tại cửa hàng có khoảng 20 thợ thêu là nữ chuyên thêu hàng với những tác phẩm tranh thêu đa dạng, phong phú về chủ đề và kỹ thuật thêu rất tinh xảo. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay thì thợ thêu Huế vẫn nhớ đến Phổ Cẩm Tú tại số 15 đường Đào Duy Từ, phường Phú Hòa, thành phố Huế “vào thời hoàng kim của nghề thêu, cách nay cả trăm năm, nghề thêu ở Huế được kiểm soát trong một tổ chức gọi là Phổ Cẩm Tú, tập hợp tất cả chừng 5 - 7 cửa hiệu thêu tại Huế.

Thời vua Khải Định, Phổ Cẩm Tú do thân sinh của Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh là nghệ nhân thêu Lê Văn Hỡi - người từng được triều Nguyễn phong Hàn lâm viện - làm Trưởng Phổ. Một trong những chức năng chính của Phổ là hỗ trợ nghề và đứng ra công nhận tay nghề cho các thợ thêu”(9) . Và từ Phổ Cẩm Tú đến cửa hàng thêu Đức Thành đã đóng góp cho Huế nhiều nghệ nhân thêu tài hoa đó là cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn, nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh.

Trong đó, cố nghệ nhân thêu Lê Thị Bích Đàn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghề thêu. Cha là cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, một nghệ nhân thêu nổi tiếng phục vụ trong cung đình Huế, anh trai là Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh. Được thừa hưởng và truyền dạy từ cha và anh trai, cộng với tài năng bẩm sinh và sự khéo léo của người con gái Huế, ngay từ rất sớm, cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn đã thể hiện tài năng về nghề thêu của mình, để rồi phát triển nghề thêu lên một tầm cao mới bằng cách thêu tranh trên lụa - một việc chưa ai từng làm trước đây.

Tranh thêu của cố nghệ nhân Bích Đàn được cấu tạo bằng những đường kim mũi chỉ với nét thêu hết sức sinh động, cô đã trình bày trên lụa những danh lam thắng cảnh của quê hương qua các bức tranh lụa tuyệt đẹp như “Chùa Linh Mụ”, “Thuận An chiều tà”, “Hương hạ”, đã gây sự chú ý và thích thú nơi người thưởng ngoạn. Từ những năm đầu của thập niên 1970, cố nghệ nhân Bích Đàn đã tổ chức nhiều đợt triển lãm tranh thêu trên lụa tại Sài Gòn, làm ngỡ ngàng người xem và giới hội họa mĩ thuật thời ấy. Báo chí trong và ngoài nước nhiều lần khen ngợi tranh và tài năng của nghệ nhân Bích Đàn, đặc biệt bức tranh thêu “Đêm trăng Vĩ Dạ” được coi là mẫu mực về tranh thêu phong cảnh ở nước ta từ trước đến nay, mở ra một hướng mới cho nghề thêu tranh ở Huế lúc bấy giờ.

Trên địa bàn phường Phú Hòa, thành phố Huế còn có Hợp tác xã (HTX) Thêu Phú Hòa được thành lập năm 1976 và phát triển với những mặt hàng thêu nổi tiếng xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu, Nhật Bản. Cùng những thay đổi của thị trường và nhu cầu xã hội, HTX Thêu Phú Hòa đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện nay dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương đã ổn định bộ máy sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Năm 2013, ngoài trụ sở chính tại số 130 đường Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa, thành phố Huế. HTX Thêu Phú Hòa còn mở thêm cơ sở thêu tay truyền thống mang tên Tranh thêu cao cấp Thái Hòa tại số 15 đường Mai Thúc Loan, phường Phú Hòa, thành phố Huế. 

Chị Trần Thị Mỹ Linh sinh năm 1960, là học viên khóa đầu tiên của HTX Phú Hòa, chị đã gắn bó với nghề thêu và HTX từ đó đến nay. Hơn 40 năm buồn vui với nghề thêu cùng những thăng trầm của nghề thêu và HTX, từng trực tiếp đứng lớp đào tạo nhiều thế hệ thợ thêu, chị đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống Huế. 

Cùng với một số HTX khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập sau năm 1975 thì HTX Thêu Thuận Lộc thành lập năm 1976 lúc đó có 120 nữ xã viên, được nhiều người biết đến hơn cả bởi những sản phẩm thêu được xuất khẩu ra thị trường các nước Đông Âu. Những bàn tay thêu mềm mại, khéo léo của người phụ nữ đã dệt vào sản phẩm thêu Thuận Lộc một nét rất Huế, nức tiếng gần xa, những sản phẩm này có mặt ở châu Âu, trở thành một mặt hàng xuất khẩu đặc biệt của Huế. Sau những năm 1990, HTX Thêu Thuận Lộc tan rã, nghề thêu rơi vào suy thoái.

Nhưng với tình yêu và tâm huyết dành cho nghề, chị Bùi Thị Tuyết , người gắn bó với HTX Thêu Thuận Lộc ngay từ những năm đầu mới thành lập đã tập hợp một số chị em và mạnh dạn thành lập lại HTX Thêu Thuận Lộc vừa giữ gìn và phát triển nghề đào tạo nhiều thợ thêu nối nghiệp(10) . Trao đổi về Hợp tác xã:

- Chị Bùi Thị Tuyết: “HTX có thể không còn nhưng nghề thêu không thể mất.”

- Chị Đặng Thị Thương: “Tôi đã gắn bó với HTX Thêu Thuận Lộc từ những ngày đầu mới thành lập cho đến bây giờ. Trước đây nghề thêu rất phát triển, nhưng nay chỉ còn 22 thợ làm việc cầm chừng. Đây là những người thợ quá yêu nghề, muốn duy trì nghề thêu truyền thống của vùng đất cố đô. Tuy nhiên với tình hình này, không chắc sẽ duy trì được lâu dài.”

- Chị Bùi Thị Kim Chi hiện là chủ nhiệm HTX Thêu Thuận Lộc sau khi tái thành lập: “Tôi gần như bó tay với cuộc sống khó khăn hiện tại của thợ thêu. HTX rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng cho xã viên làm. Nhiều thợ thêu phải bỏ nghề hoặc phải làm thêm công việc khác. Còn thế hệ trẻ thì gần như không ai mặn mà với việc học và làm nghề thêu. Tôi rất buồn, không biết ít năm nữa khi lớp thợ lớn tuổi của HTX đều nghỉ làm thì lấy ai nối nghiệp, tinh hoa kỹ thuật nghề thêu Huế cũng sẽ mai một dần.”

- Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng: “Tôi muốn truyền nghề, không muốn nghề bị mai một. Tôi cũng rất tự hào khi hầu hết những học trò tôi đào tạo ra thành thạo kỹ năng nghề và gắn bó được với nghề…Trong giai đoạn hiện nay, muốn gắn bó và sống được với nghề thêu đòi hỏi phải có tay nghề cao, có niềm đam mê và biết nắm bắt nhu cầu của thị trường. Đòi hỏi của thực tiễn khá khắc nghiệt nhưng đây cũng là cơ hội để nghề thêu có sự chắt lọc nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội, từ đó phát triển và bảo tồn tinh hoa nghề thêu truyền thống Huế.”

Chính lời tâm huyết của mình, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng là một trong những nghệ nhân thêu có tiếng ở Huế, chị cũng là người gắn bó với HTX thêu Thuận Lộc từ ngày đầu mới thành lập. Sau những năm 1990, khi HTX thêu tan rã, chị đã tự mày mò tìm lối thoát cho nghề. Chị đã tập hợp một số chị em cùng tâm huyết mở cơ sở riêng tại nhà số 9/52 đường Thánh Gióng, phường Thuận Lộc, thành phố Huế.

Nhờ nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chị đã tập trung làm các sản phẩm tranh thêu chất lượng, phục vụ cho du lịch. Giai đoạn 2001 - 2015 là đỉnh cao của tranh thêu tay tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Thanh Hồng nói riêng và ở Huế nói chung. Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng là người trực tiếp đứng lớp dạy thêu cho các lớp đào tạo nghề thêu miễn phí tại chùa Tây Linh. Bằng tâm huyết và tình yêu của mình đối với nghề thêu, chị đã tỉ mẩn, kiên trì trao truyền cho các học viên niềm đam mê và những kĩ thuật, bí quyết nghề thêu tay truyền thống Huế. 

Ngày nay, khi nhắc đến làng thêu Thuận Lộc thì người thưởng thức nghệ thuật  thêu vẫn còn ấn tượng với Bức tranh thêu chân dung cựu Tổng thống Pháp Mitterand được 6 nghệ nhân của HTX thêu Thuận Lộc thực hiện trong 2 tháng liên tục bằng kĩ thuật thêu dấu nhân (x) có kích thước 110cmx140cm. Bức tranh được trưng bày tại một bảo tàng ở Pháp.

Có thể khẳng định, người phụ nữ chính là chủ nhân của nghề thêu tay truyền thống Huế. Từ trước đến nay, người phụ nữ Huế vốn nổi tiếng với tài thêu, may vá được mẹ dạy mọi lúc mọi nơi. Họ là những nghệ nhân thêu thực thụ, không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội, nghệ nhân thêu nơi đây còn nâng nghề thủ công truyền thống thành một nghệ thuật với kỹ thuật thêu đỉnh cao, phong phú về mẫu mã, sáng tạo trong bố cục mảng màu. 

Nghề thêu xứ Huế không đơn giản là việc đưa đường kim mũi chỉ lên xuống mà còn kết hợp nhiều yếu tố tinh tế, trong đó tâm hồn người phụ nữ là rất quan trọng nhất để làm nên những bức tranh thêu có hồn. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, những bức tranh thêu hiện lên với đường nét sắc sảo, cổ kính, sâu lắng như con người và hồn đát cố đô. Nhiều sản phẩm thêu đạt đến trình độ tinh hoa nghề nghiệp, mang giá trị nghệ thuật cao, điển hình là tác phẩm “Đêm trăng Vĩ Dạ” của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn. Hoặc bà Công Tôn Nữ Trí Huệ người làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà là người giành gần cả cuộc đời với nghề làm gối tựa phục vụ trong cung đình. Trong các công đoạn làm gối tựa, có công đoạn thêu hoa văn rất tinh xảo. Hiện nay, các thế hệ nghệ nhân đã và đang tiếp nối gìn giữ, truyền dạy và phát triển những kỹ thuật tinh hoa của nghề thêu tay truyền thống Huế.

3. Nghề chằm nón

Trong tác phẩm Ô châu cận lục của Dương Văn An đã nhắc đến hình ảnh của chiếc nón lá Huế “Đi về Lôi Trạch, sương đầy nón lá; qua lại Bồ Điền, mưa thấm áo tơi”(11) . Đến thế kỷ XVIII, chiếc nón lá Huế lại được Lê Quý Đôn đề cập ở trong tác phẩm Phủ biên tạp lục “Nón ở Thuận Hóa kiểu hơi khác với các xứ. Giáp ba tức Giáp Thượng xã Triều Sơn huyện Phú Vang chằm nón rất mỏng”(12) .

Ở Huế, chiếc nón đã trở thành một phần không thể thiếu của người phụ nữ cùng với tà áo dài duyên dáng, và cũng tại đây, nghề làm nón truyền thống phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn khoảng thế kỷ XIX - XX với một số làng nghề nổi tiếng như làng nón Tây Hồ, Phủ Cam, Đốc Sơ, Dạ Lê Chánh, Kim Long, Thanh Tân. 

Đặc trưng của chiếc nón lá Huế là sự mỏng manh, hài hòa, cân đối với dạng chóp nhọn, vành rộng vừa phải, vừa mềm mại, lại bền chắc, có màu trắng sáng đặc trưng, hòa lẫn trong màu xanh nhẹ nhàng thanh cảnh. Lá dùng làm nón Huế là lá cây bồng, dân gian gọi là lá nón. Trong Đại Nam nhất thống chí có viết “Lá bồng (bồ quỳ diệp): Tục gọi là lá bồng, dùng làm áo tơi và quạt, Nam phương thảo mộc trạng nói: Lá bồ quì giống lá tinh lư mà mềm mỏng, dùng làm nón, sản xuất ở Long Xuyên, nay chỗ nào cũng có”(13)

Nón lá Huế có nhiều điểm khác biệt so với nón lá các nơi về cấu tạo hình dáng, độ thanh mảnh và màu sắc. Để làm ra một sản phẩm đẹp, nhẹ nhàng, thanh mảnh và độ bền cao là cả quá trình nghệ thuật đầy công phu của nghệ nhân. Về kỹ thuật người thợ nón lá Huế rất công phu và tỉ mỉ trong mọi công đoạn, từ làm khuôn, chọn lá, phơi lá, mở lá, sấy lá, ủi lá, xây lá, bắt vành, nức vành, chằm nón cho tới việc đột xoài, đính xoài, phủ dầu phơi nắng. Cuối cùng để hoàn thiện được chiếc nón cho ra thị trường người thợ sẽ dùng chỉ đôi hoặc sợi cước kết đối xứng 2 bên ở giữa nan thứ 3 và thứ 4 dể buộc quai.

Các công đoạn làm nón lá Huế:

- Công đoạn chọn lá: Muốn có một chiếc nón đẹp thì phải chọn lựa những lá không quá non cũng không quá già, lá chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá ôm khít với nhau, có độ mềm vừa phải.

- Công đoạn sấy lá: Lá sau khi chọn lựa sẽ đem phơi sương và sấy ở lò than với nhiệt độ từ 40 - 420C, người sấy phải luôn tay trở lá, sau 5 tiếng đồng hồ được sấy, ủ cẩn thận mới có lá chín.

- Công đoạn mở lá: Lá sau khi xử lí qua khâu sấy ủ sao cho vừa tới, lúc này lá khô nhưng sắc lá vẫn tươi xanh, trắng mịn màng, không bị vàng hay thâm đen. Sau đó đem mở từng bẹ lá để chuẩn bị cho công đoạn ủi lá.

- Công đoạn ủi lá: Đây là công đoạn đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, không phải thợ làm nón nào cũng làm được. Để không làm cháy lá, nhiệt độ để ủi lá vừa đủ tầm từ 40 - 420C. Dùng một mảnh sắt cong đặt trên lò than đang cháy, phải dùng than củi, loại than thẻ được làm từ vỏ cây, bởi loại than từ thân cây thường cho nhiệt độ rất cao, khó kiểm soát, lấy một nùi vải, tẩm dầu nón để ủi vuốt lá, lá ủi xong có độ láng bóng rất bắt mắt.

- Công đoạn bắt vành: Một chiếc nón Huế thường có 16 vành, chỉ khi chằm nón cho các Tăng ni, Phật tử thì thợ chằm nón lá mới bắt 17 - 18 vành. Vành nón được chuốt từ thanh tre, lồ ô mỏng và dẻo dai rồi uốn thành các vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau để tạo thành những cái vành nón.

- Công đoạn xây lá: Người thợ chằm nón, dùng kéo cắt chéo đầu trên lấy kim xâu chúng lại với nhau chừng 24 - 25 chiếc lá cho một lượt sau đó xếp đều lên khuôn. Xây lá phải thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng lên nhau, nhiều lớp, để sao cho nón thanh và mỏng, mũi chỉ chằm phải sát để kẽ lá ôm khít lấy nhau. Nếu làm nón bài thơ thì ở công đoạn xây lá sẽ có thêm thao tác kỹ thuật tạo hình và cắt hình, cắt chữ trên giáy màu đậm như đỏ, đen, hồng, tím đặt hoa văn, biểu tượng giữa hai lớp lá sao cho cân đối hài hòa trong không gian của chiếc nón để khi soi lên trước ánh mặt trời các biểu tượng hoa văn hiện rõ cân đối. 

- Công đoạn chằm nón: Đây là công đoạn tỉ mỉ, công phu và chiếm nhiều thời gian nhất, vì vậy công đoạn này thường do người phụ nữ thể hiện. Thợ chằm nón lá Huế thường chọn sợi cước nhỏ, kim nhỏ để mũi kim thật mảnh, đến mức hầu như không nhận thấy lỗ kim để lại trên mái nón. Mũi chỉ khâu phải đều đặn, sát vành, làm sao cho các kẽ lá ôm khít lấy nhau.

- Công đoạn nức vành: Sau khi nón đã chằm xong, người thợ sẽ dùng kéo để cắt phần lá thừa ở vành nón ngoài cùng để chuẩn bị cho công đoạn nức vành. Khâu nức vành nếu được làm tỉ mỉ, cẩn thận sẽ cho ra chiếc nón có độ bền chắc hơn.

- Công đoạn đột đầu và đính xoài: Đây là khâu rất quan trọng giúp chiếc nón duyên dáng và có tính thẩm mĩ cao hơn. Sau khi đột đầu xong, người thợ làm nón sẽ đính cài xoài bằng chỉ màu rất đẹp vào bên trong của chóp nón.

- Công đoạn đánh dầu bóng: Sau khi hoàn thiện chiếc nón, chiếc nón lá được quét một lớp nhựa thông pha cồn rồi phơi nắng để cho nó thêm sáng bóng, chống thấm nước, kéo dài tuổi thọ và nâng cao tính thẩm mỹ cho chiếc nón.

Nghề làm nón phù hợp với sức vóc của người phụ nữ vì đây là công việc nhẹ nhàng không tốn nhiều sức và có thể làm lúc rảnh rỗi hay nông nhàn. Để làm ra một sản phẩm đẹp, đáp ứng tất cả các tiêu chí của chiếc nón lá Huế là mỏng nhẹ và bền chắc, đòi hỏi người phụ nữ Huế phải kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo trong mọi công đoạn. Có thể thấy, trong tất cả các công đoạn để làm ra chiếc nón, người phụ nữ Huế đều đóng vai trò then chốt và trực tiếp thao tác. Đồng thời, sản phẩm nón lá được sản xuất ra cũng phục vụ trở lại chủ yếu cho các bà, các mẹ trong những buổi đồng áng, trong những ngày mới gánh hàng ra chợ.

Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ sở dĩ được nhiều du khách ưa chuộng bởi vì nó không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn, hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ, vành nón được làm bằng thân cây lồ ô, cây mung. Khi chằm nón bài thơ càng kì công và tỉ mỉ hơn với thao tác công phu ở kĩ thuật tạo hình và cắt chữ trên giấy màu đậm xếp chen giữa hai lớp lá nón để tăng thêm phần mỹ thuật và nét duyên dáng cho người sử dụng.

Sản phẩm nón sau khi hoàn thiện được các mẹ, các chị mang ra chợ để bán và có khi các bạn buôn đến tận nhà thu mua rồi đem cung ứng tại các chợ trong và ngoài tỉnh. Các chợ ở Huế đều có hàng nón, từ các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc đến các chợ nhỏ như Sịa, Phò Trạch, Mỹ Xá, Mỹ Lợi ở đâu cũng có thể mua được chiếc nón lá Huế. Đặc biệt chợ Dạ Lê Chánh và chợ Đông Ba là 2 đầu mối lớn để nón Huế vào Nam ra Bắc. 

Chợ nón Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, là nơi thu mua và buôn bán mặt hàng nón lá, nguyên liệu dụng cụ cho nghề làm nón của tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ngày trước chợ nón nằm ở bờ Bắc sông Như Ý, làng Vinh Vệ, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, dần dần chợ dời sang địa bàn làng Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy cho nên chợ nón Dạ Lê Chánh mang tên gọi từ đó. Anh Lê Đình Y một trong những người buôn bán nón lâu năm ở chợ Dạ Lê Chánh cho hay “Nghề làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng thu nhập ít ỏi, vì vậy rất nhiều người không còn mặn mà với nghề mà giữ nghề. Nguyện vọng của bà con làm nón chúng tôi là sớm được Hội Nón lá Huế cho vay vốn để mở rộng gian hàng kinh doanh”(14).

Chợ Đông Ba bán nón lá như là một thứ hàng đặc trưng của Huế. Đây là món quà mà du khách phương xa tìm mua mỗi khi đến tham quan Huế. Trước đây, chợ Đông Ba có cả trăm lô hàng nón lá có hàng chục chủ buôn sỉ hàng nón, đóng kiện chở nón ra Bắc vào Nam. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nón lá lao đao trên thị trường, các quầy nón ở chợ Đông Ba phần lớn là chỉ phục vụ khách du lịch đến tham quan chụp ảnh và mua làm quà lưu niệm. Qua cuộc trao đổi với các chủ buôn bán nón lá Huế, chúng tôi ghi nhận được những lời tâm sự như sau:

- Cô Sương chủ quầy nón Sương ở chợ Đông Ba: “Quầy nón của cô bán sỉ và lẻ tất cả các loại nón Huế. Nón của cô đi khắp nơi, vào Nam ra Bắc vì ở đâu cũng ưa chuộng nón Huế, với kinh nghiệm trên 20 năm kinh doanh mặt hàng này nên cô rất kỹ lưỡng trong khâu thu mua nón. Cô chỉ mua nón của những người có kinh nghiệm làm nón lâu năm ở các làng nghề nổi tiếng, đặc biệt cô hài lòng nhất là nón làng Đốc Sơ.”

- Cô Khánh bán hàng nón chợ Đông Ba: “Tôi bán nón ở chợ Đông Ba từ thời con gái, ngày xưa, nón dùng cho phụ nữ Huế đi nắng đi mưa nên nón lá trắng và nón lá xanh 3 lớp bán rất chạy vì loại nón này dày và bền. Hiện nay, phần lớn nón bán cho du khách nên tôi lấy thêm nón thêu, nón vẽ, nón bài thơ, nón lá sen để bán. Năm nay, do dịch Covid-19 nên hàng hóa ế ẩm, có thời điểm 2 - 3 ngày mới bán mở hàng.”

Làng Đốc Sơ, phường An Hòa, thành phố Huế là một trong những nơi làm nên chiếc nón lá truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Huế. Trước đây, chằm nón lá là nghề chủ lực của làng Đốc Sơ, hầu hết phụ nữ trong làng ai cũng biết chằm nón, nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ theo nghề. Để nghề truyền thống của làng không mất dần theo thời gian thì những người phụ nữ làm nón ở Đốc Sơ đã tiếp nhận, tạo ra hình ảnh tươi mới cho chiếc nón lá xứ Huế đó là chiếc nón lá sen độc đáo.

Nón sen là ý tưởng của anh Nguyễn Thanh Thảo, nhưng để thành phẩm thì lại phải nhờ những đôi tay khéo léo tỉ mỉ của chị em làng nón Đốc Sơ. Sản phẩm nón lá sen đạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của tỉnh Thừa Thiên Huế 2017. Sản phẩm này không những được người dân thành phố Huế đón nhận mà còn vươn ra ngoài biên giới quốc gia đến với du khách của nhiều nước trên thế giới.

Chị Hồ Thị Phận ở Tổ 6, khu vục 3, phường An Hòa cho hay“Nón Đốc Sơ được tiểu thương các chợ ưa chuộng vì nón ở đây đan dày dặn, chắc chắn. Cứ mỗi mùa lễ hội, đặc biệt là vào các dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, nón tôi làm không kịp để bán. Những lúc cao điểm, tôi phải huy động thêm trên chục chị em ở quanh xóm biết làm nghề đến nhà để phụ chằm nón.

Ngoài chằm loại nón 3 lớp và nón lá kè, tôi còn chằm thêm nón lá sen cho doanh nghiệp Sen Thảo. Để làm được chiếc nón lá sen ngoài việc thực hiện các công đoạn giống như chiếc nón lá bình thường, chỉ cần sự cầu kỳ và cẩn thận và tập trung cao độ. Khi bắt đầu làm chiếc nón lá sen đầu tiên tôi phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là khâu cắt lá phải thật khéo và giữ được đường vân, sóng của lá. Tiếp đến, phải chằm thật tỉ mỉ, khít lá, như vậy mới có một chiếc nón lá sen đúng chuẩn”(15) .

Trước đây, chằm nón là nghề chính của làng Phủ Cam. Nón Phủ Cam đã xinh ở dáng lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ hình trổ giấy về phong cảnh Huế, kèm theo những lời thơ được cài ở hai lớp lá. Nghề nón Phủ Cam nổi tiếng một thời, giờ đây đã mai một đi nhiều, cả làng chỉ còn duy nhất một người phụ nữ vẫn miệt mài bên vành nón giữ gìn nghề truyền thống đó là chị Trần Thị Thúy, với sản phẩm nổi tiếng là chiếc nón lá bài thơ.

Chị Trần Thị Thúy ở Kiệt 165 đường Trần Phú, Tổ 13, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế chia sẻ “Năm lên 10 tuổi, tôi bắt đầu tập chằm nón. Thấy tôi tật nguyền nên bà và mẹ đều can ngăn nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề chằm nón. Chắc nhờ mình yêu nghề nên nghề trả ơn, nhờ làm nón mà tôi có nhà cửa, có tiền nuôi mẹ. Dù chằm nón chỉ với một tay nhưng tôi luôn cố gắng tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Từ năm 1995, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mà du khách ưa chuộng nên tôi chuyển sang vừa làm nghề kết hợp làm du lịch. Khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế rất hào hứng với chiếc nón lá bài thơ và nón 3 lớp của tôi, họ đến đây để trải nghiệm và mua nón về làm quà. Năm 2004, tôi vinh dự đại diện nghề truyền thống Việt Nam tham gia lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản”(16) .

Làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy nơi đây có nghề làm nón lá truyền thống nổi tiếng của xứ Huế. Ngày nay, bên cạnh việc làm nón lá phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong phạm vi gia đình, làng xã thì xã Thủy Thanh còn đưa nón lá vào làm du lịch tạo ra một điểm đến hấp dẫn độc đáo cho du khách. Du lịch trải nghiệm nghề chằm nón lá Huế ở Thủy Thanh được tổ chức khá bài bản và quy mô, du khách đến du lịch trải nghiệm đều thấy được sự cần mẫn, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Huế, nhờ vậy giá trị của chiếc nón lá Huế được nâng lên một tầm cao mới. Ở làng Vân Thê hiện nay có những người sống với nghề chằm nón lá từ khi biết nghề cho đến nay. Họ từng được mời tham gia các đợt trình diễn nghề tại các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các nghệ nhân cho hay(17) :

- Bà Nguyễn Thị Kiếm: “Dù nghề nghiệp chính là giáo viên, nhưng chằm nón vẫn là nghề tay trái của tôi. Sau khi về hưu tôi mở cơ sở làm nón tại nhà tạo địa điểm cũng như bao tiêu sản phẩm cho chị em làm nón trong xã. Cơ sở của tôi có 30 thành viên, trong đó có 6 chị bị khuyết tật ở chân. Hiện nay thu nhập chính của cơ sở là từ hoạt động trình diễn và bán sản phẩm. Ngoài mong muốn góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em trong xã, tôi còn trăn trở làm sao để truyền nghề và không để nghề chằm nón truyền thống bị mai một.”

- Bà Nguyễn Thị Ánh: “Tôi làm nón đến nay cũng đã gần 50 năm. Nón lá Vân Thê truyền thống có nón 3 lớp, nón bài thơ nhưng sau này chuyển sang chằm nón lá kè vì đây là loại nón có giá thành thấp, chằm nhanh, dễ tiêu thụ, nguồn nguyên liệu dồi dào, dáng nón mỏng nhẹ, nên được ưa chuộng. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thu nhập từ nghề làm nón bấp bênh nên tôi không làm nghề nữa mà chuyển sang buôn bán cau trầu ở chợ Sam.”

- Bà Nguyễn Thị Khảm: “Từ sau quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia phương tiện giao thông và sự ra đời của nhiều loại mũ nón hiện đại, nhu cầu sử dụng nón lá bị thu hẹp, nghề nón lá làng Vân The trở thành nghề phụ và có nguy cơ bị mai một.” Làng Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang từ bao đời nay, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và nghề nón lá. Hơn 80% dân số của làng Tây Hồ theo nghề chằm nón. Nghề chằm nón không mang lại thu nhập cao, nhưng là nghề để mưu sinh, giải quyết công việc cho những phụ nữ làng quê những lúc nông nhàn rảnh rỗi và họ vẫn mong muốn gìn giữ cái nghề truyền thống nổi tiếng của làng mình. 

Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân Tây Hồ một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Từ chiếc nón lá dân dã, người thợ làm nón Tây Hồ đã gửi gắm vào đó những câu thơ trữ tình, cảnh đẹp xứ Huế để làm nên chiếc nón bài thơ đã đi vào thơ ca nhạc họa mà một thi nhân từng ở làng quê này ca ngợi:

Ai ra xứ Huế mộng mơ

Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.

Làng nón Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959 - 1960, ông Bùi Quang Bặc, một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón.

Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không ngờ lại được mọi người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế. Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu bán vào thị trường các tỉnh phía Nam, hên hai câu thơ đầu tiên được ông Bùi Quang Bặc ép vào chiếc nón lá đã phần nào tạo sự thích thú cho người xa quê.

Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ vừa đều vừa đẹp nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Không chỉ nổi tiếng với nón lá bài thơ, dân làng Tây Hồ còn rất khéo léo khi tạo ra những chiếc nón lá kè hai lớp bền, đẹp, đội rất mát. Tuy là làng nghề nổi tiếng của Huế, thế nhưng dưới sự tác động của cơ chế thị trường và xã hội hiện đại thì trong thời gian gần đây, nghề chằm nón lá cũng rơi vào những khó khăn trong việc lưu giữ nghề. Các nghệ nhân chằm nón lá ở đây đã tâm sự(18) :

- Bà Nguyễn Thị Cườm: “Nghề này đòi hỏi tính cần cù, nhẫn nại, rất phù hợp với tính cách của người phụ nữ Huế. Tuy công việc khá vất vả nhưng có được đồng ra đồng vào, lại góp phần giữ gìn được nét đẹp truyền thống của chiếc nón bài thơ xứ Huế.”

- Chị Dương Thị Ty: ” Lúc mới học chằm nón, mẹ tôi chỉ cho làm khâu đơn giản nhất là nức vành nón. Khi thuần thục mới cho làm các công đoạn khác. Mỗi ngày tôi chằm được khoảng 4 chiếc nón, thu nhập mỗi tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Tổng thu nhập không cao nhưng đây là nghề phù hợp với phụ nữ nông thôn vì có thể tranh thủ việc đồng áng, cơm nước cho gia đình và chăm sóc con cái.”

- Chị Trương Thị Mộng: “Tôi rất trăn trở và tiếc nuối khi nghề truyền thống của làng ngày càng mai một, giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề nông, có lẽ qua thế hệ của chúng tôi thì nghề nón ở đây cũng mất dần.”

Làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, là nơi có nghề làm nón nổi tiếng lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề nón vẫn tồn tại và nuôi sống biết bao thế hệ người dân Mỹ Lam. Hiện nay toàn xã có khoảng 60% hộ làm nón vào những lúc nông nhàn với các loại nón tạo nên thương hiệu nón lá Mỹ Lam là nón lá trắng 1 lớp, lá xanh 2 lớp và lá xanh 3 lớp.

Nón lá Mỹ Lam không chỉ ở địa bàn Thừa Thiên Huế và còn dể lại dấu ấn ở phương Nam, nhân kỷ niệm 1 năm thành lập, nhà hàng Nón Lá (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã ra Huế tìm gặp những người chằm nón Mỹ Lam để thực hiện việc chằm chiếc nón kỷ lục. Ông Thái Đô, một người làm nón lâu năm, cùng 9 người khác trong làng đã nhận lời thực hiện. Công việc bắt đầu từ ngày 4.12.2011 đến ngày 13.1.2012. Chiếc nón có đường kính 2.74m, cao 1.6m, chu vi 8.62m, với vật liệu gồm 800 chiếc lá, 52 vành nón (vành cách vành 4.5cm). Bên trong có 2 câu thơ do ông Thái Đô sáng tác:

“Sông Hương uốn khúc trữ tình,

Tràng Tiền soi bóng, Ngự Bình thông reo.

Tiếng chuông Linh Mụ ngân dài,

Văn Lâu thơ mộng, chờ ai một mình”.

Bên cạnh 2 câu thơ lục bát thì còn có những hình ảnh gắn liền với Huế như sông Hương, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Phu Văn Lâu. Hai câu lục bát cùng những hình ảnh hiện rõ một cách cân đối khi người xem đứng vào bên trong và soi chiếc nón lên trước ánh mặt trời. Chiếc nón nặng 30kg.

Chị Lê Thị Yến, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ làng Mỹ Lam chia sẻ “Tôi có thâm niên làm nghề nón hơn 40 năm, giờ đã lớn tuổi, mắt kém đi nhiều rồi nhưng tôi vẫn đeo kính để chằm nón, quyết không bỏ nghề truyền thống của cha ông. Cũng nhờ chằm nón mà kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, khá buồn là 15 năm trở lại đây, nghề nón ở Mỹ Lam không còn được như trước, bởi đầu ra gặp nhiều khó khăn, vì vậy nón lá Mỹ Lam như cảnh chợ chiều”(19) .

Làng Kim Long, phường Kim Long, thành phố Huế là nơi có nghề chằm nón lá lâu đời, nhờ kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, nón lá Kim Long không những mang được dấu ấn biểu trưng cho vẻ đẹp của văn hóa Huế mà còn trở thành mặt hàng lưu niệm được ưa thích của nhiều người. Bên cạnh chiếc nón lá truyền thống, người thợ chằm nón ở Kim Long đã thay thế lá nón bằng chất liệu mới để tạo ra một sản phẩm lưu niệm độc đáo đó là nón xương bằng lá bàng rừng.

Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng chừng như bỏ đi nhưng với bàn tay tài hoa và khối óc nghệ thuật, vợ chồng ông Võ Ngọc Hùng và bà Lê Kỳ Ngộ trú tại 36/13 Kim Long, thành phố Huế đã tạo ra những chiếc nón lá Huế mới lạ và độc đáo. Từ khi xuất hiện, những chiếc nón lá bàng đã tạo nên một làn gió mới cho nón Huế. Với độ trong suốt, sự mong manh, kỳ ảo của nón xương lá bàng rừng đã được mọi người mệnh danh là nàng thơ mới trong làng nón xứ Huế. Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu tìm hiểu đến cuối năm 2018, những chiếc nón lá xương lá bàng của vợ chồng ông mới được hoàn thiện và cho ra thị trường. 

Ông Võ Ngọc Hùng đã thử qua nhiều loại lá nhưng chỉ có lá bàng là có cấu trúc gân lá, xương lá, đan chặt chẽ với nhau, nên ông đã chọn nó để làm chiếc nón này. Để có những chiếc nón đẹp phải lựa chọn những lá bàng không già, không non, sau đó xử lý cho hết phần thịt chỉ để lại phần xương, tức là những gân lá tạo thành một lớp lưới mỏng, trong suốt nhưng chắc chắn.

Bà Lê Kỳ Ngộ sinh ra trong gia đình có truyền thống hội họa vì thế bà thổi hồn vào chiếc nón lá bàng rừng bằng những họa tiết, hình ảnh bắt mắt, để tăng thêm nét thẩm mĩ cho chiếc nón. Mỗi tháng, cơ sở của ông bà cho ra thị trường từ 40 - 50 chiếc nón, thu nhập khá ổn định. Vợ chồng ông bà dự định sẽ mở xưởng làm nón và thu nhận trẻ em lang thang cơ nhỡ ở thành phố Huế tạo công ăn việc làm cho các em.

Làng nghề nón lá Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền là một trong những làng nghề gắn liền với quá trình lịch sử hình thành và phát triển cách đây hơn 150 năm vào giữa thế kỉ XIX. Sản phẩm nón lá phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân và là sản phẩm phục vụ du lịch. Những năm gần đây với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ bước đầu của Hiệp hội làng nghề Việt Nam và từ nguồn vốn khuyến công của huyện Phong Điền, của tỉnh, nên nghề nón lá Thanh Tân, xã Phong Sơn đã phát triển hơn.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất ở làng nghề được tiếp cận về quy trình cải tiến mẫu mã và phuơng pháp cải tiến mẫu mã sản phẩm nón lá gắn với quy trình sản xuất sản phẩm mới. Đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ nón lá Thanh Tân đã được ở rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

III. Kết luận

Qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, tâm hồn tinh tế nhạy cảm của người phụ nữ Huế, những sản phẩm thủ công truyền thống như tranh thêu, nón lá, phấn nụ đã trở nên sắc sảo và thu hút lòng người. Bởi lẽ các bà, các chị đã gửi gắm niềm tâm huyết và đã thổi hồn vào những đứa con tinh thần của mình. Nhiều sản phẩm nghề truyền thống Huế đã đạt đến trình độ tinh hoa nghề nghiệp mang giá trị nghệ thuật cao và góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương. 

Với mong muốn tôn vinh vai trò của người phụ nữ Huế trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nghề làm phấn nụ, nghề thêu, nghề chằm nón, thì việc tái hiện bằng phương pháp trưng bày nghề cổ truyền, trình diễn nghề, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân. Nếu chúng ta làm được, làm sớm thì đó sẽ là một trong những cách thức hữu hiệu nhằm góp phần chuyển tải thông điệp của quá khứ đến hiện tại, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho du khách tham quan, đặc biệt là để thế hệ trẻ nhận diện lại những giá trị truyền thống quý giá của tiền nhân xứ Huế đã để lại cho đời về sau.

CHÚ THÍCH:

(1): Chính vì thế mà ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế  cho biết tỉnh sẽ phục hồi lại việc dạy môn nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt) trong nhà trường từ năm học 2021 - 2022. Trước mắt sẽ mở thí điểm tại Trường THPT Hai Bà Trưng.

(2): Như trường hợp bà Lê Thị Dinh (1920 - 2021) là người cung nữ cuối cùng triều Nguyễn, đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 13h45’ chiều 21.2.2021 tại phủ Kiên Thái Vương, đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế, hưởng thọ 101 tuổi. Lễ tang của người cung nữ cuối cùng triều Nguyễn được tổ chức tại phủ Kiên Thái Vương, đến ngày 17 tháng Giêng Tân Sửu sẽ di quan, an táng. 

Bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại về ở tại cung An Định để chăm lo cho Hoàng Thái hậu. Bà là người hầu cận đức Từ Cung cho đến ngày Hoàng Thái hậu qua đời tại Huế vào năm 1980.

Sau khi đức Từ Cung mất, bà Lê Thị Dinh về ở tại phủ Kiên Thái Vương cùng các con và chuyên lo thờ tự, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại.

Bà là người biết vấn khăn vành với kĩ thuật vấn khăn điêu luyện cho các bà hoàng trong cung Nguyễn đồng thời là người biết cách làm phấn nụ và sáp môi cung đình

(3): Chúng tôi đã tham dự buổi trình diễn nghề làm phấn nụ Huế tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23/11/2020 đến ngày 22/1/2021.

(4): Hoàng Thị Như Huy: Nhất Chi Mai - Phấn nụ truyền thống Huế. Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12.2010, trang 159, 160.

(5): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(6): Có các cơ sở đại lý khác như: Ở thành phố Hồ Chí Minh tại số 12, đường C12, phường 13, quận Tân Bình; Ở Bà Rịa - Vũng Tàu tại số 126/5A đường Đồ Chiểu, phường 3, thành phố Vũng Tàu.

(7): Tư liệu Chị Hồ Thị Đông 1961 là thợ thêu lâu năm và hiện là giám sát kỹ thuật tại xưởng thêu Komono của Công ty UNIMEX Huế). Chị Nguyễn Thị Hương là thợ thêu trẻ tuổi nhất (30 tuổi, năm 2020) tại cơ sở thêu Kimono của công ty UNIMEX Huế. Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(8): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(9): Hồ Vĩnh: Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian. NXB Đại học Huế, Huế, 2021, trang 201.

(10): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(11): Dương Văn An: Ô Châu cận lục. Trần Đại Vinh: Hiệu đính - Dịch chú. NXB Thuận Hóa, Huế, 2015, trang 84, 85.

(12): Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Bản dịch và Bổ chính Trần Đại Vinh. NXB Đà Nẵng, 2018, trang 283. 

(13): Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Tập 1. Bản dịch của Hoàng Văn Lâu. NXB Lao Động, Hà Nội, 2012, trang 272.

(14): Tác giả phỏng vấn nhân vật tại nhà riêng, ngày 15.12.2020.

(15): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021. 

(16): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(17): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(18): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

(19): Tư liệu trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thành phố Huế, ngày 23.11.2020 đến ngày 22.1.2021.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
(Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế)