Trang chủ > Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa)

Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa)

23/08/2022 13:45:55

Hiện không ai biết đình Tân Hạnh được lập từ năm nào, nhưng chắc rằng thời gian thành lập đình gắn liền với quá trình những lưu dân người Việt đến định cư, sinh sống ở vùng đất này.

Đình làng là một trong những kiến trúc tiêu biểu cho bản sắc văn hóa Việt Nam, là nơi chứa đựng những thông điệp của các thế hệ cha anh truyền lại cho con cháu đời sau. Có thể nói, đi đến bất cứ làng xã nào trên đất nước Việt Nam, ta đều thấy có ít nhất một ngôi đình. Xã Tân Hạnh, một xã đã có từ lâu đời, cũng có một ngôi đình như thế. Hiện không ai biết đình Tân Hạnh được lập từ năm nào, nhưng chắc rằng thời gian thành lập đình gắn liền với quá trình những lưu dân người Việt đến định cư, sinh sống ở vùng đất này.

 

Đình Tân Hạnh

Dưới thời chúa Thái Tông Nguyễn Phước Tần, sau hai cuộc hành binh giúp đỡ Quốc vương Chân Lạp giải quyết những tranh chấp nội bộ, chúa Nguyễn đã sai tướng vào Sài Gòn xây cất đồn dinh, nha thự và cho dân đến lập làng xóm, phố chợ. Giữa năm 1679, một số di thần nhà Minh không thần phục nhà Thanh bỏ xứ sang nước ta tị nạn và được chúa Nguyễn cho định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho. Như vậy, cho đến năm 1679, thực tế trên vùng đất Đồng Nai đã có làng xã và các cơ sở kinh tế, quân sự của người Việt.

“Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn… Khi ấy, đất đai đã rộng hơn ngàn dặm, dân số đã hơn bốn vạn hộ, tức là dân số người Việt đã rất đông đúc” .

Hầu hết những lớp lưu dân người Việt đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam bộ, tuy hành trang vật chất họ mang đi thật đơn sơ, ít ỏi nhưng hành trang tinh thần lại vô cùng phong phú và thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở: Nỗi nhớ sâu nặng về mái đình uy nghiêm, về ngôi chùa làng cổ kính, về lũy tre làng chất chứa bao tình cảm thân tộc… Thế nhưng, những gian truân, thử thách của buổi đầu khai phá vùng đất mới đã khiến cho họ chỉ biết nén chặt những tình cảm, những hình ảnh biểu trưng của tôn giáo - tín ngưỡng cội nguồn nơi quê cha đất tổ trong tâm thức của mình.

Đến khoảng cuối thế kỷ XVII, khi công việc khai khẩn đất đai đã được xem là tạm ổn, các xã thôn đã thành hình, cuộc sống đã khấm khá thì những ký ức về văn hóa, phong tục tập quán nơi quê cũ đã thôi thúc những lưu dân người Việt tiến hành việc dựng đình, chùa, miếu để hương khói, để hướng về cội nguồn.

Theo các tài liệu lịch sử, năm 1808, thôn Tân Hạnh đã được thành lập và có tên trong danh sách các làng xã thuộc tổng Chánh Mỹ, huyện Phước Chánh, trấn Biên Hòa. Và theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết trong thời gian ông giữ chức Hiệp Trấn (1805 - 1812), Hiệp Tổng Trấn (1816 - 1819) và quyền Tổng Trấn (1819 - 1820) ở Gia Định Thành, thì: “Tế xã: Mỗi làng có dựng một ngôi đình, kỳ tế phải trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, suốt đêm ấy gọi là túc yết, sáng sớm ngày mai áo mão trống chiêng làm lễ chính tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong là lui về”. Như vậy, ta có thể thấy trễ lắm là đến năm 1820, mỗi thôn làng ở Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ đã có một ngôi đình tương đối hoàn chỉnh, có tế lễ đàng hoàng . Năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong Thần cho các đình thuộc các làng xã ở Lục tỉnh Nam bộ, trong đó có đình Tân Hạnh.

Qua những cứ liệu như trên, tuy không xác định chính xác năm thành lập đình, nhưng ta có thể đoán định rằng đình Tân Hạnh đã có cách nay khoảng gần 200 năm.

Từ trung tâm thành phố Biên Hòa, qua cầu Hóa An, đến ngã tư Hóa An rẽ phải vào đường Bùi Hữu Nghĩa (Tỉnh lộ 16), đi khoảng 3km, sẽ đến đình Tân Hạnh (ấp 1, xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đình Tân Hạnh tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, có diện tích khoảng 2.000m2 ngay bên cạnh sông Đồng Nai.

Bước qua cổng đình là khoảng sân tráng xi măng. Ngay bên trái sân là cụm kiến trúc chính của đình, quay về hướng Đông, gồm những ngôi nhà có chái nối liền mái nhau theo kiểu sắp đọi, gồm nhà Túc, Chánh điện, Tiền điện, Võ ca. Bên phải sân là công trình phụ dùng tiếp khách đến viếng đình.

Tiền điện và Chánh điện là 2 khối nhà liền nhau, ngăn cách bởi bức tường, bao quanh là dãy hành lang rộng khoảng 1,2m. Các hàng cột hiên làm bằng gạch và xi măng, xây theo kiểu vuông cạnh, đầu và chân cột có đắp vữa tạo gờ nổi, nối các cột là dãy lan can con tiện bằng xi măng màu trắng. Đặc biệt, hàng cột ở mặt trước của đình được thiết kế thanh thoát với các vòm cong nối các cột được đắp hoa văn nổi.

Cả Tiền điện và Chánh điện đều là dạng nhà tứ trụ, một gian hai chái, và có bốn cột bằng gỗ quý, nền lát gạch men. Hai mái của Tiền điện và Chánh điện đều lợp ngói, đầu đao bốn góc uốn cong, bên trên trang trí các hình lân, cá chép hóa rồng. Ở bờ nóc mỗi mái có cặp rồng uốn lượn chầu quả cầu tròn.

Bên trong Tiền điện, chính giữa là bàn thờ Hội đồng, bên phải là bàn thờ Tam vị Tiên sư, bên trái là bàn thờ Thần Nông Hậu tắc. Ở gian Chánh điện, từ trong ra ngoài có 3 hàng bàn thờ. Ở giữa, nơi trang trọng nhất là bàn thờ Thần Thành hoàng. Khám thờ Thần chạm trổ hình rồng và hoa lá xung quanh, ở giữa là chữ “Thần” sơn son thếp vàng. Xung quanh bàn thờ Thần là hệ thống hoành phi, bao lam, liễn đối bằng gỗ, sơn son thếp vàng và được chạm khắc hình tứ linh, hoa lá, áng mây… vô cùng tinh xảo, làm cho không gian Chánh điện vừa rực rỡ, vừa toát lên vẻ thâm nghiêm, trang trọng.

Từ bàn thờ Thần tiến ra phía cửa, phía trước bàn thờ là 3 bậc bệ thờ, bên trên bày đồ tự khí và ảnh của danh nhân Nguyễn Trãi. Kế đó là hương án thờ Hồ Chủ tịch.

Theo lời các cụ trong Ban Quý tế, trước đây, do sắc Thần của đình bị cháy, Ban Quý tế không rõ vị Thần của làng mình là ai, nên đã đưa hình ảnh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vào thờ, với ý nghĩa tôn thờ một vị Thần đã có công lao to lớn đối với công cuộc bảo vệ đất nước, phù hộ cho cuộc sống bình an của làng xã. Từ sau ngày phục chế lại sắc phong của đình (năm 2009), Ban Quý tế đã xác định được vị Thần của làng mình là Thần Thành hoàng Bổn Cảnh, và danh nhân Nguyễn Trãi vẫn được phối thờ ở một vị trí trang trọng trong Chánh điện.

Từ bàn thờ Thần tỏa ra hai bên, bên trái là hương án thờ Tả ban liệt vị và bên phải là hương án thờ Hữu ban liệt vị, cùng hướng về phía cửa chính như bàn thờ Thần. Dọc theo hai bên tường tiến về phía cửa là những hương án nằm đối diện nhau, gồm có: Hương án Thái Giám Bạch Mã và Đơn Cảnh Thổ Địa, hương án Tiền Hiền khai khẩn và Hậu Hiền khai khẩn.

Nối liền ngay sau Chánh điện là nhà khách, mái lợp ngói, dùng để tiếp khách chuẩn bị vào cúng Thần. Tại đây, ngay bức tường phía sau Chánh điện có hương án thờ Tiền Đại viên quan và Hậu đại viên chức và hai bên là hai án thờ Lịch Đại Cổ Kiến và Tiền Đại Hương chức.

Phía bên trái Tiền điện và Chánh điện là khu vực nhà bếp và nhà kho. Đối diện với Tiền điện là nhà Võ ca, với sân khấu diễn hát bội vào những dịp cúng Kỳ Yên. Phía sau nhà Võ ca là bệ thờ Ông Hổ, cách bờ sông khoảng 3m. Hai bên nhà Võ ca có miếu thờ Ngũ Hành và miếu thờ Chiến sĩ.

Ngày 29 tháng 11 Âm lịch năm Tự Đức thứ 5 (1852), cùng với các đình khác thuộc các làng xã ở Lục tỉnh Nam bộ, đình Tân Hạnh cũng được nhà vua ban sắc phong Thần. Đây là sắc phong cho Thần Thành Hoàng.

Trước đây, sắc của đình được đem gởi ở chùa Hạnh Sơn. Nhưng do chiến tranh, chùa bị cháy, sắc cũng bị thiêu hủy. Năm 2009, trước nhu cầu và ý nguyện của nhân dân trong xã, Ban Quý tế của đình đã đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế giúp phục chế bản sắc phong. Tháng 9 năm 2009, lễ rước sắc phong và ấn mới phục chế đã được tổ chức long trọng. Hiện nay, sắc phong và ấn được thờ trang trọng tại Chánh điện.

Sắc Thần của đình có nội dung như sau:

Phiên âm:

Sắc Tân Hạnh Thành Hoàng chi Thần, nguyên tặng Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện chi Thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cánh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Chuẩn Biên Hòa tỉnh, Phước Chánh huyện, Chánh Mỹ Thượng tổng, Tân Hạnh thôn y cựu phụng sự thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật.

Dịch:

Sắc cho Thần Thành Hoàng Tân Hạnh, nguyên đã được tặng (tước hiệu là) Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện chi Thần, Thần đã giúp nước che chở nhân dân, nhiều năm linh ứng. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay vẫn luôn nhớ đến công ơn của Thần, nay gia tặng thêm cho Thần (cho tước hiệu là) Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Chuẩn cho nhân dân làng Tân Hạnh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa noi theo lệ cũ để phụng thờ, để Thần bảo hộ cho con dân của ta. Hãy kính theo lệ này.

Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (tức năm 1852).

Hàng năm, lễ Kỳ Yên của đình Tân Hạnh cúng vào ngày 15 và 16 tháng 11 Âm lịch. Ngoài lễ Kỳ Yên, đình còn cúng lệ ngày 15 tháng 8 Âm lịch. Ngoài ra còn một số ngày cúng khác trong năm như cúng rằm tháng Giêng, cúng Tống gió ngày 16 tháng 2 Âm lịch, cúng rằm tháng 7, rằm tháng 10….

Cho đến nay, đình Tân Hạnh là một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân trong xã. Sự tồn tại của đình qua năm tháng sẽ giúp cho các thế hệ đời sau có thể hiểu rõ hơn về công ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền đã từng gian khổ tạo dựng cơ ngơi cho con cháu ngày nay. Vì vậy, đình Tân Hạnh không chỉ là nơi chiêm bái thần linh, mà còn là nơi để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Với lịch sử lâu đời, trải qua hàng trăm năm, đình Tân Hạnh đã nhiều lần được tu bổ, sửa chữa. Hiện nay, trong đình có hệ thống văn tự chữ Hán rất phong phú, bao gồm các hương án, hoành phi, liễn đối và các họa tiết trang trí sinh động, mang đầy tính nghệ thuật. Do vậy, đến với đình, chúng ta còn có dịp chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… của những nghệ nhân khéo léo, tài ba. Đình cũng là nơi còn bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, thông qua các nghi thức tế lễ trang trọng, qua nghệ thuật diễn tuồng… trong các dịp lễ Kỳ Yên, qua đường nét kiến trúc và nội dung các hoa văn trang trí trong đình.

Lễ Kỳ Yên hàng năm là dịp để người dân xã Tân Hạnh và các khu vực lân cận bày tỏ những điều mong muốn của mình với thần linh, gởi gắm những ước muốn về một cuộc sống bình an, yên lành. Đó cũng là một lễ hội mà mọi người đều mong đợi, được gặp gỡ những người thân quen mà quanh năm, vì mưu sinh, họ ít có dịp gặp nhau.

 

Lễ vật của con cháu họ Trần cúng lễ Kỳ Yên tại đình Tân Hạnh

Cũng như các dòng họ khác sinh sống ở Tân Hạnh và các vùng lân cận, con cháu họ Trần cũng xem đình Tân Hạnh là nơi để tưởng nhớ về công lao của cha ông trong những tháng ngày mới đến lập nghiệp ở vùng đất này, là nơi để họ gởi gắm những ước muốn về một cuộc sống bình an, yên lành và sung túc. Không chỉ vậy, những thành viên trong họ Trần còn đóng góp cho các hoạt động của đình. Ông Trần Văn Bá, cháu đời 4 của họ Trần, hiện là thành viên của Ban Quý tế đình Tân Hạnh. Với kinh nghiệm và uy tín của mình, trong nhiều năm qua, ông đã cùng các thành viên khác trong Ban Quý tế tổ chức và duy trì hoạt động của đình. Ông Trần Minh Phúc, cháu đời 5 họ Trần, mặc dù rất bận rộn với trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó, nhưng hàng năm, vào dịp cúng Kỳ Yên của đình, vẫn sắp xếp công việc để cùng gia đình về tham dự.

Hàng trăm năm qua, đình Tân Hạnh đã tồn tại và đồng hành cùng cuộc sống ngày càng sung túc của người dân xứ Đồng Nai - Biên Hòa. Cũng như bất kỳ người con nào đã từng sinh sống trên vùng đất này, từng thành viên họ tộc Trần, dù học tập, làm việc ở đâu, dù đảm nhận những công việc, trọng trách khác nhau, vẫn luôn nhớ về ngôi đình làng của mình. Đó cũng chính là nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ về những dấu ấn gắn liền với những nhọc nhằn, gian khó của cha ông mình trong những ngày đầu mới đến khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp ở nơi đây. Đó cũng là động lực để họ luôn phấn đấu học tập, lao động chân chính, góp phần làm quê hương, đất nước thêm giàu mạnh bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

(Trích gia phả họ Trần - xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa)

(GP: 28-2-2017)