Trang chủ > Miếu họ Trương (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

Miếu họ Trương (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

23/08/2022 12:26:38

Miếu họ Trương ở ấp Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Theo lời kể của bà Trương Thị Ngỏa, hậu duệ đời V, bà chính là người trực tiếp hương khói và gìn giữ trong ngoài ngôi miếu tộc họ Trương này.

Và đáo hệ hàng năm (16/2) con cháu họ Trương khắp nơi về đông đủ hương đăng trà quả cúng bái tổ tiên thật trang trọng.

 

Miếu tộc họ Trương do bà Trương Thị Ngỏa nhang khói

CỐ TỔ ĐẠI THẦN và NGŨ ĐỘI TRƯỜNG SA

Ý nghĩa hai bài vị thờ chính trong miễu tộc này, trước tiên, xin căn cứ vào lời của thầy Hai Nhưng – người đã viết hai bài vị trên:

“Ông Tổ họ Trương trước tiên vào lập nghiệp tại đây, ông từng làm quan triều trước ở vùng ngoài. “Cố Tổ Đại Thần” là linh vị thờ ông tổ cao nhứt của dòng họ, đã có một thời làm quan. Và đây cũng là tập quán của vùng này, tôn vinh ông bà tổ đầu tiên đến đây lập nghiệp, là người khai sáng ra dòng họ trên vùng đất mới, có công vun đắp nền móng để lớp hậu duệ phát triển vững bền.

 

Bài vị Cố tổ Đại thần và Ngũ đội Trường sa

“Ngũ Đội Trường Sa” là việc phối thờ, mang ý nghĩa phụ, làm quan phải có người phó hay kế cận. Việc phối thờ linh vị này cũng mang ý nghĩa: tôn vinh các bậc trưởng thượng của những dòng tộc cộng cư trên đất mới, đều là những người từ bốn phương tụ tập về đây, cùng khai hoang xây dựng quê hương mới, được coi như những tiền hiền của vùng này vậy”.

Tập quán thờ cúng có phối thờ thêm đối tượng khác có thể thấy rõ nhất ở vùng đất Nam Bộ, mang tính cá biệt, không thành phổ biến, chỉ có tính chất địa phương. Ví dụ như một số nơi, khi giỗ chạp ông bà tổ tiên, người ta thường có dành một mâm riêng biệt để kính, cúng đất đai, dương trạch (cúng chủ đất cũ trước đây).

BÀI VỊ và 8 HỦ DI CỐT CỦA TỔ TIÊN HỌ TRƯƠNG

Ở mặt hậu miếu thờ có một bài vị lớn, hình chữ nhật, điểm 4 góc bằng bốn chữ Cung Thỉnh (hàng trên), Tọa Vị (hàng dưới). Giữa khuôn kẻ có bốn chữ lớn “Cửu Huyền Thất Tổ”. Có nghĩa là thờ “Chín đời tiên tổ, bảy đời ông cha”. Đó là một kiểu thờ ông bà tổ tiên gần như phổ biến ở vùng Nam Bộ. Ở bệ cao đặt 6 hủ di cốt, bệ dưới đặt 2 hủ di cốt. Theo lời bà Trương Thị Ngỏa xác nhận. Khi truy tìm hài cốt tổ tiên, các ngôi này đã bị san bằng, không có bia. Những người thực hiện công việc tìm hài cốt này không nhớ tên chính xác các ngôi mộ. Chỉ có một điều bà chắc rằng đó là cụm mộ của tổ tiên họ Trương theo như bao người trong họ vẫn biết. Vì thế, khi an vị di cốt các vị đã không xác định được thứ bậc hay tên tuổi. Một điều thật đáng tiếc!

 

Tám hủ di cốt ở mặt sau miếu tộc họ Trương

Bà Ngỏa cho biết thêm: có thể 2 hủ di cốt bên dưới chính là di cốt của ông cố và bà cố của bà (tức của ông Trương Văn Rốn và vợ).

Như vậy, xung quanh việc thờ cúng và các hủ di cốt ở miễu tộc họ Trương còn nhiều điều tồn nghi, cần có thời gian và cứ liệu để xác định một cách rõ ràng.

QUÁ TRÌNH TÌM NGUỒN CỘI

Ghi chép của chuyên viên gia phả về chuyến đi điền dã qua các tỉnh miền Trung  tìm nguồn gốc tổ tiên họ Trương ở Đức Hòa, Long An:

Khi xây dựng gia phả họ Trương tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gần hoàn thành thì phía gia tộc họ Trương yêu cầu chi hội KHLS nghiên cứu và thực hành gia phả TP.HCM thực hiện một chuyến đi điền dã về xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh giữa họ Trương ở Đức Hòa, Long An và họ Trương ở xã Đức Hòa, tỉnh Hà Tĩnh. Bởi có những thông tin chưa được kiểm chứng ám chỉ rằng: họ Trương ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An có gốc gác ở miền xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

 

Nhà thờ tộc họ Trương tại xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

Chi hội khoa học lịch sử Gia phả - Hồi ký TP.HCM phân công hai chúng tôi gồm: Huỳnh Văn Năm và Nguyễn Thái Bình tiến hành đi điền dã theo yêu cầu trên.

Tại xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp cận với tộc họ Trương tại địa phương. Tại đây, bà con tộc họ Trương đón chúng tôi hết sức nồng hậu, đưa chúng tôi đi quan sát và đọc các bia mộ của tổ tiên, đến nhà các bậc trưởng thượng của các dòng họ để nghe những “gia phả sống” kể lại các câu chuyện về tổ tiên, ông bà. Sau đó, chúng tôi đến viếng và khảo sát về nhà thờ tộc họ Trương.

Đến nhà thờ tộc họ Trương, ông trưởng tộc trịnh trọng đốt 3 nén hương, và hai chúng tôi đứng trước bàn thờ tộc lau và khấn kính tổ tiên xin được phép mở nắp hòm gỗ sơn đỏ nằm sát cạnh long vị tổ tiên. Trong hòm có 5 sắc chỉ và một cuốn gia phả cổ.

Các sắc chỉ và quyển gia phả đang trong tình trạng mục nát do đã trải qua hàng trăm năm, nhiều lần bị lũ lụt thấm ướt, có thời gian phải nhét vào ống trúc giấu trên mái nhà trong lúc giặc giã. Toàn bộ các sắc chỉ và quyển gia phả viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Trước các di vật của ông bà tổ tiên đôi chỗ không đọc được nhưng lòng chúng tôi đầy xúc động với tinh thần tồn cổ và cẩn thận lần giở ra đọc.

(Trích Gia phả họ Trương - xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa)

(GP: 20-1-2017)