Gia phả học cho mọi gia đình
13/09/2022 20:50:54Ngày nay, để góp phần chấn hưng đạo đức xã hội, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa giáo dục gia đình. Mỗi gia đình phải tự mình thiết lập riêng một cốt cách giáo dục riêng cho các thế hệ.
Chúng ta tha thiết với tự do, nhưng chúng ta không buông lỏng giáo dục gia đình, không cho phép mang danh “tự do” để quậy phá sự ổn định và trật tự của gia đình. Chúng ta yêu thương và chăm sóc thế hệ trẻ, nhưng chúng ta đòi hỏi thế hệ trẻ phải biết tri ân tổ tiên, biết sống hòa mình với dòng họ, biết học hành nghiêm túc, biết làm giàu chính đáng và biết làm tốt bổn phận của một công dân của quốc gia.
Trong những năm gần đây, biên soạn gia phả đang trở thành một nhu cầu tinh thần, một vấn đề văn hóa của các gia đình và dòng tộc. Khi đã thoát nghèo và đi vào con đường thịnh vượng, tâm linh người Việt Nam ta đều càng nhớ ơn các bậc sinh thành, chăm lo mồ mả, hành động tâm linh để ghi nhận tổ tiên đã giúp đỡ làm nên sự nghiệp, độ trì cho gia đình hạnh phúc.Nhưng, tổ tiên là ai và thuộc dòng tộc nào ? Gốc gác tổ tiên xuất phát ở đâu ? Con cháu nội ngoại có mấy nhánh, mấy chi? Dòng họ đã tồn tại qua bao nhiêu đời? Cụ tổ dòng họ là ai? Số phận của dòng họ biến thiên như thế nào ? Những người đã cống hiến cho dân tộc phát triển, cho đất nước phồn vinh, những nhân cách đáng kính trong dòng họ đáng nêu danh trong lịch sử gia tộc để các thệ hệ noi theo vv ..vv là nội dung chính của một gia phả cần phải có.
Thông thường theo lệ xưa, những tộc trường các dòng họ là người có sứ mệnh ghi chép gia phả. Nhưng, qua nhiều thế kỷ, có nhiều tộc trưởng đã quên ghi hoăc không ghi được gia phả của tộc họ mình, nhiều cảnh loạn lạc, ly tán, xung đột dòng tộc đã làm cho ý thức ghi chép gia phả đã bị lãng quên. Do đó, có nhiều người nghiên cứu sử học, dân tộc học muốn bổ sung cho nguồn sử liệu chính thống, cho đặc điểm văn hóa dân tộc đã đi tìm nguồn tư liệu trong các gia phả và đã tiến hành ghi chép, miêu tả hệ thống thân tộc và cấu trúc xã hội của các gia đình và dòng tộc. Họ là những nhà gia phả học, những chuyên gia góp phần mở rộng tầm nhìn cho tư liệu lịch sử, góp phần mở rộng mạng lưới xã hội của văn hóa dòng tộc,mở rộng tầm nhìn về đặc điểm hệ thống thân tộc trong một dân tộc.Đó là ngành gia phả học hiện đại, một chuyên ngành của sử học hay nhân học thời nay.
Cách đây hơn 20 năm, Viện Khoa Học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra một lớp bổ túc kiến thức sau đại học về các khoa học lịch sử. Trong lớp học này có một nhóm học viên đã tập họp lại và thành lập ra chi hội khoa học lịch sử Trần Huy Liệu gồm các anh chị Võ Ngọc An, Nguyễn Thanh Bền, Kim Dung và cô giáo Hồng … Họ đã tìm đến nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ để chọn ra con đường đi vào gia phả học. May mắn thay, cụ Dã Lan đã thai nghén hàng chục năm một tác phẩm về gia phả học trước năm 1975 mà không sao được xuất bản. Sau năm 1975, nhà nghiên cứu nghèo Dã Lan đã nhờ một người em có uy tín trong giới khoa học ở Hà Nội lo cho việc xuất bản. Nhưng việc ấy đã bất thành, tác phẩm của cụ lại quay về nam và được Viện KHXH tại thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc.
Cho đến nay, trải qua khoảng 20 năm liền, đóm lửa nhỏ gia phả học của các nhà gia phả học miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh do Võ Ngọc An, Võ Văn Sổ, Nguyễn Thanh Bền, Phan Kim Dung… đã được thổi bùng lên thành ngọn lửa sáng với hàng trăm gia phả đã được biên soạn và giao nhận cho các gia đình, đã có hàng chục bài nghiên cứu và sách viết về phương pháp thực hảnh gia phả, đã tổ chức những lớp học chuyển giao công nghệ viết gia phả, đã viết giáo trình đại học sơ bộ về gia phả học, đã tiến hành hàng chục cuộc điều tra điền dã ghi chép vê cấu trúc thân tộc các dòng họ, đã bước đầu trao đổi quốc tế về các công trình gia phả đã hoàn thành.
Với tư cách là người yêu mến công việc có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay và mai sau của các nhà gia phả học Trung Tâm, tôi đã mang về cho Trung tâm một biên bản ghi nhớ của Trung Tâm gia phả học quốc tế ở thành phố Salk Lake City ( bang Utah , Hoa Kỳ). Trong đó, người ta hứa hẹn tài trợ ban đầu là 100.000 US đô la, một máy phân loại gia phả và giao cho tận tay phần mềm Family Search Personal Ancestral File 5.0. Đại diện của tổ chức gia phả học quốc tế của Hoa Kỳ đã bay đến thành phố Hồ Chí Minh để tiếp xúc và thực hiện chương trình tài trợ. Nhưng, đáng tiếc thay, tất cả sự chuẩn bị chu đáo ấy đã bất thành.
Tôi nghĩ rằng, thành phố Hồ Chí Minh đã có một đội ngũ nhà gia phả học còn non trẻ tay nghề và thực sự đã trường thành một nghề gia phả học trong hơn 20 năm qua với hơn một trăm công trình gia phả đã được biên soạn thành công.
Hai mươi năm ấy là một gia tài lớn, một sự lao động kiên trì không hề mang tính vụ lợi, một sự đồng tâm trong mồ hôi và khát vọng nghề nghiệp. Sự nghiệp ấy không thể dừng lại và phải vươn mạnh lên trong bối cảnh gia đình và dòng tộc Việt Nam đang đòi hỏi mọi người hãy chung tay góp sức chấn hưng đạo lý. Xin chúc các bạn thành công và thành công hơn nữa.
GS Mạc Đường
(PCT Liên Hiệp Các Hội KH&KT Tp. Hồ Chí Minh)
(GP: 18-10 -2012)
Các tin cũ
- » Khai giảng lớp học 'Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh' 13/09/2022 09:38:03
- » Người Việt yêu sử Việt: Tri ân công đức tiền nhân 02/09/2022 17:48:03
- » Cháu-chắt-chút-chít và các tên gọi thứ bậc truyền thống trong gia đình người Việt xưa và nay 02/09/2022 17:07:59
- » Miếu Bà và cây di sản (Quảng Ngãi) 01/09/2022 22:06:34
- » Miếu Bà và tục thờ Bà ở Quảng Ngãi 01/09/2022 21:58:03
- » Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú 01/09/2022 21:51:20
- » Bản phụng tấu về sứ bộ đi Xiêm thời Tự Đức 01/09/2022 21:39:09
- » Chuyện xưa ở làng Châu Sa 01/09/2022 21:30:50
- » Đón nhận bằng di sản phi vật thể quốc gia tại Lăng Lê Văn Duyệt 01/09/2022 21:17:03