Trang chủ > Hành trạng cụ Võ Văn Nhâm

Hành trạng cụ Võ Văn Nhâm

10/08/2022 12:07:00

Cụ VÕ VĂN NHÂM sinh năm 1816, hy sinh anh dũng năm 1868 do giặc Pháp giết (mổ ruột, thả trôi sông) ở Thủ Dâu Một. Thân phụ là Võ Văn Hay, địa bạ triều Minh Mạng, do Trương Đăng Quế lập năm 1836 ghi cụ Hay là thôn trưởng thôn Phước An, xứ Thị Giã (ấp Bà Giã ngày nay).

Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tịnh, sinh ra 9 người con, 5 trai, 4 gái, mà cụ Nhâm là người con thứ hai (con cả). Người con thứ ba là cụ Võ Văn Ngoan; theo gia phả họ Võ ghi là sinh năm 1818, nên năm sinh của cụ Nhâm như trên là chính xác.

Cụ VÕ VĂN NHÂM hy sinh năm 1868. Tài liệu lịch sử ghi: Vào ngày 24 tháng 6 năm 1866, sau trận đánh chớp nhoáng vào Trảng Bàng của Trương Quyền, các nhóm nghĩa quân phối hợp hoạt động mạnh ở Gia Định - Chợ Lớn. Trong lúc đó, Trương Quyền đóng quân ở cầu An Hạ, Bưng Trùm Lạc, Bàu Sim, Bà Giã, phối hợi với cánh quân Đặng Văn Duy, Võ Văn Nhâm. Pháp định mở cuộc tấn công lớn. Trương Quyền nhắm đánh không lại, buộc phải chia quân ra làm ba cánh, cánh xuống Bình Điền, cánh vượt sông Bến Nghé qua đất Thủ Dầu Một trong đó có quân cụ Nhâm và cánh do Trương Quyền trực tiếp chỉ huy, kéo ngược lên Trảng Bàng an toàn.

Tại Bưng Rê - Bến Cát, trên bờ tả sông Thị Tính, trước mặt là suối Hố Đá, bên kia sông là bưng Hà Nù, thuộc xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng ngày nay, dựa vào thế rừng già phủ kín, hiểm trở, cụ Võ Văn Nhâm cho đắp một thành đất, 300x260 mét, chân rộng 5 mét để làm nơi trú quân, khoảng 25 - 30 quân nghĩa dõng mà người dân lâu nay vẫn gọi là “Vòng Thành của ông hai Bụng” (do bụng cụ to) hay “Vòng Thành ông Nhâm đánh Tây”. Đây chính là cơ sở của một trong những căn cứ địa sớm nhất Nam bộ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần đầu.

Với chu vi Thành Đất không phải là lớn, sự bố trí các cơ sở sinh hoạt bên trong, ăn ở, tập luyện cũng là đơn sơ. Ta có thể hình dung, có căn nhà công để làm nơi hội họp, bàn luận việc quân, nơi nhà bếp, nhà kho, nhà nghỉ... Khuông viên có cạnh quay về hướng tây, sông Thị Tính và suối Hố Đá bao vòng đến hướng bắc; huớng đông ở phía sau là bìa rừng rậm, bạt ngàn với các loại cây gỗ quý như dầu, sao, vên vên, gõ... Cửa thành quay ra hướng có sông, suối để có thể dùng ghe vận chuyển người, lương thực. Trong cuộc điền dã năm, sáu năm trước, chúng tôi đã thu nhặt được các loại mảnh gốm của các loại lu, ghè, hủ, mái... dùng để đựng thức ăn, nước uống, gày mắm.

Ở đây cụ Nhâm hướng dẫn quân nghĩa dõng nuôi trâu đàn vài trăm con và thả rong trên hai bờ sông Thị Tính, chủ yếu là bên hữu ngạn sông. Với đàn trâu nầy đã cung cấp thịt cho đội quân, cùng với thú rừng săn, bẫy được, cộng với việc cấy lúa trên ruộng, làm sa Hà Nù để hứng cá các loại, thức ăn phải nói là đầy đủ. Việc sản xuất tự túc này phải có phương châm bảo mật cách nào để khỏi lộ cơ sở Vòng Thành là việc cần nêu để nghiên cứu tiếp. Song, có một sự kiện quan trọng: cũng do việc bố trí người giữ đàn trâu mà chính tên này đã phản bội, trốn ra ngoài, móc nối với bọn Tây ở Thủ Dầu Một lên càn quét và bắt sống cụ Nhâm!

Việc lập lò rèn ở Tha La, Bà Sự, Núi Câu, việc quan hệ với đồng bào dân tộc X’tiêng, M’nông ở Thủ Dầu Một là việc tất yếu của lực lượng chống Pháp, việc quan hệ với cánh quân của các cụ Đặng Văn Doi, Đăng Văn Duy, Nguyễn Văn Trác, ở tổ quán, kể cả cụ Võ Văn Sót, là người chú ruột đã di chuyển về phía Rừng Muỗi - Tân Mỹ, tỉnh Long An ngày nay, là thể hiện thế của một căn cứ địa muốn củng cố, khuyếch trương, mở rộng lực lượng của mình càng ngày càng rộng ra. Ở Thủ Dầu Một lúc ấy, ngoài căn cứ Thành Đất này còn một căn cứ khác có tên là “Xrây Meang”, mà sử đã ghi, nay chưa rõ ở đâu và do ai lập ra.

 

Ông Võ Ngọc An, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, hậu duệ của cụ Võ Văn Nhâm

Việc cụ Nhâm bị bắt: Do chỉ điểm, Tây bao vây thành và bắt sống cụ. Trong trận này trong dòng họ cho biết; chính cụ là người đã đưa vợ con sống chung trong thành vượt ra khỏi bờ thành để trốn trước, còn riêng cụ trở vào cùng quân sĩ chiến đấu đến khi bị bắt và bị giải về thành Săn Đá (từ chữ soldat của Pháp), bị tra tấn, hành hạ tàn nhẫn, cuối cùng chúng mổ ruột thả xác trôi sông Bến Nghé, khúc sông Thủ, Bình Nhâm. Hai người em trai, thứ tư là cụ Võ Văn Ngùy, thứ bảy là Võ Văn Cơ, với sự hướng dẫn của người anh thứ ba là cụ Võ Văn Ngoan, đang làm thôn trưởng thôn Phước An, đem xác về kín đáo chôn cụ Nhâm ở đồng mả xóm Bến, nơi sau này chôn cất con cháu, hậu duệ các họ Võ, họ Tô...

Cũng theo gia phả họ Võ ở Bà Giã, cụ Võ Văn Nhâm cưới vợ tại tổ quán, có một người con gái tên Võ Thị Lắm, sống chung với ông nội là cụ Võ Văn Hay ở Bà Giã, lớn lên gả về Láng The, xã Tân Thạnh Tây ngày nay. Tất cả hậu duệ chi trực hệ cụ Nhâm, hiện nay sống tập trung ở xã Long Tân (Dầu Tiếng), Tân Lập (Bến Cát) với các cháu ba đời, đổi ra họ Nguyễn là Nguyễn Văn Cặn, Nguyễn Văn Cội, Có những người cháu ngoại ba đời là Cao Văn Kỉnh, Cao Văn Kiệt (Thơ), khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi ngày nay.

Cũng trong gia phả họ Võ ở Bà Giã, các giấy tờ tương phân ruộng đất, không thấy có tài sản như đất và ruộng, phân cho cụ Nhâm theo các thông tục mà dòng họ đã làm với các người con còn lại.

Với nghĩa khí của cụ Võ Văn Nhâm, dòng họ Võ và người dân Củ Chi rất khâm phục. Là vị võ viên anh hùng, bất khuất, trước ở Thuận An - Huế do không chịu trói buộc, thân phụ đã đi tìm đất sống ở phương Nam. Ngày nay trước hiểm họa giặc Tây, dù triều đình Huế và Phan Thanh Giản đã nghị hòa, nhóm người như cụ tri huyện Đặng Văn Duy (nhà ở xóm Bàu Sim kế cận), cụ Võ Văn Nhâm cùng với các dân lân, dân ấp đã ứng nghĩa; thế yếu thì rút lên rừng. Như cụ Đặng Văn Doi (phủ Doi), điểm chỉ Nguyễn Văn Trác, người thôn Tân Phú Trung kế cận cũng đã lui binh về xứ Bông Trang, Nhà Đỏ để dấu lực lượng, nhưng về sau cũng bị giặc Pháp giết chết.

Năm 1945, cháu đời ba có ông xã Võ Văn Diệu, bị bắt do tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, từ Côn Đảo trở về, đã cùng thanh niên xã làm lễ hội gọi là “Hội thề Bà Giã”, tôn vinh cụ Nhâm, để sau đó thanh niên cùng thoát ly tham gia kháng chiến.

Năm 2004, ông Võ Văn Sổ là cháu đời sáu cụ Nhâm đã kỳ công tìm trong tàng thư về mối quan hệ dòng họ của phái ông Võ Văn Một, hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vốn là vai em của phái họ Võ Văn ở Bà Giả. Cụ Võ Văn Sót là chú ruột của cụ Nhâm, hậu duệ trực hệ của cụ hiện nay sinh sống ở xã Tân Mỹ huyện Đức Hòa, là các ông Huỳnh Văn Một (cháu ngoại), Lê Minh Xuân anh hùng lưc lượng võ trang (tức Lê (Võ) Văn Sia.

Tất cả những người cháu chắt nêu trên đều cùng xem cụ Võ Văn Nhâm là người đi đầu trong công cuộc chống Pháp từ lâu và xem đó là tấm gương quý báu cho con cháu noi theo.

Dựa trên lời đề xuất của ông Võ Văn Sổ, UBND tỉnh Bình Dương, ngày 4 tháng 7 năm 2005 ra công văn quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh với nội dung như sau:

 “Nay xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh với các di tích sau đây:

-    Di tích lịch sử cách mạng Đình An Sơn – xã An Sơn – huyện Thuận An.

-    Di tích lịch sử cách mạng Thành Đất họ Võ – xã Long Tân – huyện Dầu Tiếng.

-    Di tích cách mạng Chùa Tổ Long Hưng – xã Tân Định – huyện Bến Cát.

-    Di tích Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên – xã Tân Mỹ - huyện Tân Uyên.”

Tháng 5 năm 2006, huyện Củ Chi tổ chức cuộc nói chuyện “Các nhân vật lịch sử thuộc họ Đặng ở Bàu Sim và họ Võ ở Bà Giã tronggiai đoạn đầu chống Pháp”. Các cán bộ huyện nhận thức sâu thêm về hành trạng, tấm gương kháng chiến oanh liệt của các nhân vật nêu trên, tự động viên mình trong hành xử tốt với nhiệm vụ hiện nay. Các nội dung trên cũng được báo với những nhà khoa học về lịch sử Thành phố Hổ Chí Minh và được sự quan tâm thích đáng.

VÕ NGỌC AN (20/7/2007)

(GP: 23-8-2009)