Trang chủ > Họ Phan xã Tân Thông Hội - Truyền thống hiếu học

Họ Phan xã Tân Thông Hội - Truyền thống hiếu học

09/08/2022 21:13:32

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất việc bổ sung bộ gia phả họ Phan ở xã TânThông Hội, huyện Củ Chi; theo yêu cầu của ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ, hậu duệ đời 5 của họ Phan.

Trong lần tái bản này (tháng 11 năm 2009), nhóm thực hiện có cập nhật bổ sung thông tin đời 6, đời 7 của chi thứ nhứt, thứ ba họ Phan ở xã Tân Thông Hội; Chi thứ hai ở xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông huyện Củ Chi và chi thứ tư ở Hóc Môn. Trong bộ gia phả, nguồn gốc họ Phan được xác định với ông Tổ đời 1 là ông Phan Văn Bằng đến Tân Thông Hội lập nghiệp cách nay gần 150 năm, tức sau thời quân Pháp đánh chiếm Gia Định (khoảng 1860-1861).

 

Mộ song táng ông bà Tổ phụ Phan Văn Bằng

Đến vùng đất mới Tân Thông, ông Tổ phụ Phan Văn Bằng và các con đã siêng năng lao động, vừa khai khẩn đất hoang, vừa làm ruộng mướn cho các địa chủ, phú nông trong vùng, lần hồi tạo tình tương thân tương ái với người đồng cảnh ngộ, xây dựng được tình cảm láng giềng trong xóm ấp.

Ông Phan Văn Hiếu là con trai trưởng, có gia đình, được ông bà Tổ phân chia đất ở gần đường thiên lý, xóm Quán Đôi thuộc ấp Tiền. Con cháu ông sau theo nghề nông trồng lúa, rau, đậu.

Ông Phan Văn Hân, do tránh né việc làng xã đã tiếp tục đi lên mạn bắc Tân Thông, đến vùng hẻo lánh Bến Mương ở giữa hai thôn Nhuận Đức, Phú Hòa Đông để khẩn đất, trồng trọt. Ở đây ông đổi tên họ thành Lê Văn Bồng. Con cháu ông sau này chuyên làm nghề nông, riêng con trai út Lê Văn Thanh ra làm việc làng xã, kết sui gia với Cai Tổng rất có thế lực.

Ông Phan Văn Mùi gầy dựng cơ nghiệp, phát triển dòng họ tại ấp Tiền, mở rộng dần lên ấp Chánh. Ruộng đất của con cháu ông Mùi ngày một nhiều thêm, trồng lúa, rau, đậu, thuốc lá.

Ông Phan Văn Ngọ vẫn ở ấp Tiền, lập gia đình sanh 3 gái, 1 trai nhưng con cái của người con trai này sau bỏ xứ ra đi, không ở lại Tân Thông nữa.

Dựng bộ gia phả họ Phan ở xã Tân Thông Hội, nhóm thực hiện ghi nhận họ Phan không chỉ là dòng họ có truyền thống yêu nước có rất nhiều người tham gia cách mạng đánh đuổi ngoại xâm; mà họ Phan còn là họ hiếu học, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa gia đình, biết giáo dục con cái nên người hữu dụng.

Về việc giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, làng xã; ông Phan Văn Ngoan (hậu duệ đời thứ Ba) là người đi đầu. Ông sống mẫu mực, giữ phẩm chất tốt đẹp, khá nghiêm túc trong việc trị gia. Ngày giỗ chạp, lễ tết ông dùng khăn đóng áo dài niệm hương khấn vái đàng hoàng và bắt buộc con cháu phải noi theo.

Các ông Phan Văn Cang (Hai Cang), ông Phan Văn Trọng (Năm Trọng), ông Phan Văn Nên (Bảy Nên) khi ra làm việc làng hết sức giữ gìn tư cách, nề nếp gia phong, giữ nghiêm lệ làng, nhắc nhở chuyện trùng tu đình làng, cúng bái tổ tiên.

Các đời sau, việc dạy dỗ con cái trong gia đình, động viên học hành, trau dồi kiến thức luôn được coi trọng dù cho hoàn cảnh lúc đó là chiến tranh, nhà cửa bị hư hại, bà con họ hàng ly tán.

Ông Phan Văn Khải (hậu duệ đời 5) tham gia cách mạng năm 1947, làm thư ký Thiếu nhi xã Tân An Hội, năm 1948-1949 ủy viên Ban chấp hành Thiếu nhi huyện Hóc Môn, năm 1950-1951 công tác ở văn phòng Thanh niên Cứu quốc tỉnh Gia Định, sau là Gia Định Ninh. Năm 1952-1954 ông công tác ở văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định Ninh.

Từ năm 1951 đến tháng 10 năm 1954, ông chuyển qua Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định, rồi ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh và Tỉnh ủy Gia Định Ninh. Trong thời gian này, dù bận rộn công tác, ông vẫn tranh thủ đi học văn hóa tại trường tiểu học Xóm Chùa, xã An Nhơn Tây.

Sau ngày tập kết ra miền Bắc, trong các năm 1955-1956, ông đi công tác ở nông thôn; các năm 1957-1958-1959, ông tiếp tục học văn hóa ở trường bổ túc Công nông Trung ương, trường Ngoại ngữ Trung ương. Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 6 năm 1965, ông học Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va ở Liên Xô.

Ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là một tấm gương hiếu học của họ Phan. Sau ngày nghỉ hưu, với uy tín của mình, ông thành lập Hội khuyến học xã Tân Thông Hội, giúp học bổng, tập vở cho học trò nghèo; vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc xây trường tiểu học ấp Chánh thật khang trang, làm lại đình làng Tân Thông Hội.

Diệp Hồng Phương

(GP: 19-12-2009)