Trang chủ > Tìm thấy cuốn gia phả họ Cao ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội

Tìm thấy cuốn gia phả họ Cao ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội

09/08/2022 21:45:40

Gần đây, chúng tôi tìm lại được cuốn gia phả của họ Cao ở Phú Thị, nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Cuốn gia phả này viết bằng chữ Hán, gồm 91 trang (mất 2 trang 17 và 18), trong đó lời dẫn 4 trang, còn lại là nội dung gia phả.

Gần đây, chúng tôi tìm lại được cuốn gia phả của họ CAO ở Phú Thị, nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Cuốn gia phả này viết bằng chữ Hán, gồm 91 trang (mất 2 trang 17 và 18), trong đó lời dẫn 4 trang, còn lại là nội dung gia phả.

Bản chính do một chi họ CAO hiện ở thành phố Hồ Chí Minh giữ. Bản chụp lại (photocopy), lưu ở nhà cụ Cao Bá Thao, hiện ở Hà Nội (số nhà 195 đường Lê Duẩn).

Cuốn gia phả này, được cụ Cao Đức Bảo viết lần đầu – Ông là tổ đầu tiên của họ CAO từ nơi khác đến lập nghiệp ở Phú Thị. Lần thứ hai, do Cao Huy Dật (đời thứ 12) chép lại phả cũ, ghi bổ sung và viết tựa ngày 18 tháng 11 năm Bính Dần 1746, triều Cảnh Hưng thứ 7. Lần thứ hai này có sự tham gia của tiến sĩ Thượng thư Cao Dương Trạc, là chú ruột Cao Huy Dật. Lần thứ ba, do Cao Huy Diệu ghi thêm khi ông mới đỗ Giải nguyên (về sau ông mới đỗ Tiến sĩ). Lần thứ tư, do Cao Huy Tham (ông là thân sinh của Cao Bá Quát) chép lại và ghi thêm  từ đời Huy Tham (đời 16) trở lên và sơ lược về lớp người sau ông.

Qua cuốn gia phả này, ta có thể biết thêm và đính chính một số sai sót đã viết về Cao Bá Quát từ trước đến nay, như:

• Gia thế, tên tuổi và lai lịch ông thân sinh của Cao Bá Quát: Một số sách, bài báo nói (ông thân sinh của Cao Bá Quát) là ông đồ Giảng. Trong gia phả ghi rõ một số nhà nho trong họ Cao (có) làm giảng dụ, (đó là) một giáo chức của triều Nguyễn. Ông thân sinh của Cao Bá Quát tên là Cao Huy Tham không đỗ đạt gì, cũng không dạy học. (Ông) chỉ là một nhà nho nghèo, theo nghề làm thuốc, vốn là nghề nhà. Lúc nhỏ, Huy Tham tên là Huy Sâm. Thầy học là Tiến sĩ Hoa Đường Phạm Quý Thích cho đổi tên Sâm thành Tham, lấy lý do cần chánh (tên) huý chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm. Theo gia phả, ông (Cao Huy Tham) sinh năm 1784 (Giáp Thìn), lập gia đình năm Quý Hợi (1803) và sinh 4 con là: Thị Hàn, Bá Đạt, Bá Quát và Thị Ốc. Huy Tham, lúc mới được mấy tháng tuổi đã làm con nuôi cô ruột là Cao Thị Nền. Bà thân sinh ra ông bị chồng bỏ phải về quê mẹ, trong gia phả không ghi rõ họ tên (bà). Huy Tham ở với bố mẹ nuôi được đổi tên là Nguyễn Kim Tham, sau mới lấy lại họ Cao.

• Về Cao Dương Trạc đổi tên là Cao Huy Diệu: Cao Dương Trạc sinh năm 1690, ngày mất năm nào không rõ ? Ông đỗ đồng Tiến sĩ năm vĩnh Thịnh thứ 11 (Ất Mùi 1715) triều Lê Dụ Tông (1705-1729), làm quan ở bộ Hộ, sau chuyển sang bộ Lại. Ông là người ưa thích văn học, được vào cung bàn luận thơ phú. Năm Vĩnh Hựu (Ất Mão 1735), ông được tiến chức Thượng thư bộ Binh. Năm Bính Dần (1746), triều Cảnh Hưng thứ 7, vào tuổi 56, ông chuyển sang làm Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các đại học sĩ. Sau ông từ chức Thượng thư bộ Lại, ra làm Đốc đồng Thanh Hoá. Khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Cao Huy Diệu: tác giả của Cấn trai thi tập và Việt điện u linh tập tục tiều bình (Thư viện Hán-Nôm A751 và A2879) thuộc lớp con cháu sau của Cao Dương Trạc. Huy Diệu đỗ Giải nguyên, khoa đầu tiên triều Gia Long, năm Đinh Mão (1807). Sau nàu, ông lại đỗ Tiến sĩ, giữ chức Tu nghiệp Quốc tử giám, sau làm đốc học Hà Nội rồi được thăng Thượng thư. Huy Diệu hiệu là Vô Song và Hồng Quế Hiên. Như vậy, rõ ràng Cao Dương Trạc và Cao Huy Diệu là 2 người cùng một dòng họ, nhưng thuộc 2 thế hệ cách xa nhau (hàng trăm năm).

• Và, cũng qua cuốn gia phả này, ta thấy khá rõ nét tình hình xã hội cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Cuốn gia phả này cũng phản ánh rõ quan niệm "trọng tước, trọng sĩ" của lớp nhà nho cũ, đã gây khó khăn cho việc sắp xếp phả họ Cao. thí dụ: ví quá tôn sùng tiến sĩ Thượng thư Cao Dương Trạc mà gạt bỏ chi đáng lẽ phải là trưởng, thành một chi phụ, chỉ vì con cháu học kém hay thất học.

Cuốn gia phả còn cho ta thấy rõ họ Cao ở Phú Thị tuy có nhiều người đỗ đạt làm quan, nhưng phần lớn nghèo. Cuộc sống của phần đông lớp cha ông và lớp cùng hàng với Cao Bá Quát rất gần với các tầng lớp nhân dân lao động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cách suy nghĩ, cách nhìn nhận xã hội của Cao Bá Quát.

Đây là cuốn gia phả cần được khai thác để bổ sung cho việc ghi chép, tìm hiểu thêm về Cao Bá Quát, nhân vật đến nay chưa được tìm hiểu đầy đủ.

Khi phát hiện cuốn gia phả này, chúng tôi được biết thêm 1 ngành họ Kiều ở Gia Lâm, tự nhận vốn cũng là gốc họ Cao ở Phú Thị (chữ Cao thêm nét thành chữ Kiều). Đây cũng là một điểm có thể mở rộng thêm hướng nghiên cứu về Cao Bá Quát.

• Tìm được cuốn gia phả họ Cao ở Phú Thị, chúng tôi có nhận định: Nhà Nguyễn đã không làm được cái việc "chu di cà họ Cao ở Phú Thị". Nhận định này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết của vùng Phú Thị-Phù Đổng nói về họ Cao ở Phú Thị bị quân nhà Nguyễn đóng cọc trói ở chợ Sủi (tên Nôm của làng Phú Thị) doạ chém tất cả, nếu không ai khai rõ chỗ ẩn trú của Cao Bá Quát. Đúng lúc này, 1 cánh nghĩa quân bỗng ập đến, quân lính nhà nguyễn bỏ chạy, già trẻ trai gái họ Cao thoát chết, bỏ làng ra đi cả, mấy chục năm sau mới có chi trở về. Điều này xác minh rằng khi Cao Bá Quát cầm vũ khí chống lại triều Nguyễn, họ cao ở Phú Thị đã không thể sống yên ổn và đã phải phân tán đi các nơi, vì vậy cuốn gia phả này mới còn lại đến ngày nay. Truyền thuyết vùng Phú Thị-Phù Đổng còn cho ta biết chuyện Tú tài Cao Huy Bính, người đã bị quan quân nhà Nguyễn tra tấn dã man hòng tìm nơi ẩn nấp của Cao Bá Quát (khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại), nhưng ông không khai. Sau này, Cao Huy Bính tổ chức nghĩa quân đánh Pháp không thành vì ông đã bị sát hại bất ngờ. Cuốn gia phả cho ta thấy rõ, Tú tài Cao Huy Bính là con ông chú ruột của Cao Bá Quát. Qua những sự việc trên, chúng tôi thấy việc Cao Bá Quát không chết trận và cũng không bị bắt chém, có cơ sở sự thật. Chính vì ông còn sống, nên nghĩa quân của ông vẫn còn tin tưởng, đủ sức hoạt động kéo dài thêm 3 năm nữa.

Sự kiện lịch sử này cũng liên quan đến tổ chức Hướng thiện, một tổ chức nhân dân chống triều Nguyễn do các sĩ phu Bắc hà thành lập vào khoảng giữa các thời Minh Mệnh (Canh thìn 1820-1821), đầu thời Thiệu Trị (Tân Sửu 1841), Đinh Mùi (1847). Những sĩ phu đứng đầu hội Hướng thiện này là Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) Vũ Tông Phan (1804-1851) rồi đến Nguyễn Văn Siêu (1799-1872).

Những phát hiện của chúng tôi gần đây xác minh hội Hướng thiện  tích cực tổ chức vũ trang chống triều Nguyễn. Có thể nào không có một quan hệ nào trong sự kiện lớn này giữa Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu ? Đây cũng là 1 hướng cần đi sâu để nghiên cứu đầy đủ hơn về Cao Bá Quát.

Ghi chú:

1. Trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đăng toàn bộ bản dịch gia phả họ CAO kèm bản gốc chữ Hán.

2. Cố thi sĩ, nhà báo, nhà văn Thao Thao - tên thật là Cao Bá Thao sinh năm 1909 tại Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội . Ông mất năm 1994 tại nhà riêng ở 195 Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

* Bài viết của nhà sử học Đinh Tú, đọc tại hội nghị khảo cổ học, tổ chức ở Hà Nội, tháng 8-1986

(Theo cobaquat.com.vn)

(GP: 9-6-1010)