Trang chủ > Hiện tượng Trạng Quỳnh với người hậu duệ đời thứ tám của Cống Quỳnh

Hiện tượng Trạng Quỳnh với người hậu duệ đời thứ tám của Cống Quỳnh

10/08/2022 12:24:54

LTS: Dưới đây là bài viết của đồng chí Hoàng Tùng về những cảm nghĩ, nhận xét chung quanh Hiện tượng Trạng Quỳnh với nhà văn hậu duệ Nguyễn Đức Hiền. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Hoàng Tùng là nhà cách mạng lâu năm, từ những năm 50 đã phụ trách Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên là Chủ nhiệm báo Sự thật, Tổng biên tập báo Nhân dân; Giám đốc kiêm Tồng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Đồng chí là nhà lý luận mác-xít được nhiều người biết, đồng thời cũng là nhà xã hội học, nhà văn hóa uy tín sâu rộng, đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới cũng như trong công cuộc bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Chữ "Trạng" do từ "Trạng nguyên" mà ra, đó là học vị người đỗ đầu ở kỳ thi Đình (*). Nhưng thời xưa có những người tài giỏi, xuất sắc không đỗ trạng nguyên cũng được nhân dân hay nhà vua gọi là "trạng", đó là chức trạng phong như trường hợp Trạng Quỳnh.

Tóm lược truyền thuyết: Trạng Quỳnh là người có nhiều sáng kiến ích quốc lợi dân, dám ngang nhiên đấu tranh với sứ thần phương bắc để bảo vệ quốc thể; đã chế báng chống đối tất cả những kẻ hà hiếp bóc lột dân lành, từ vua chúa đến quan cai trị, quan chấm thi, cho đến những nhân vật nhân danh thần thánh lấy tiền của dân cho vay đặt nợ, v.v. Cuối cùng, vua chúa quan lại bị tổn thương uy tín cho nên Chúa đã ra lệnh hạ sát Quỳnh. Quỳnh biết mình phải chết, lập mưu làm cho Chúa chết theo nên dân gian mới có câu "Trạng chết, Chúa cũng băng hà".

Tóm lược lai lịch: Theo một bản chữ nôm khắc ván thì Trạng Quỳnh gốc người làng Yên Vực? (nên đính chính là Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đỗ giải nguyên, nghĩa là đỗ đầu khoa thi Hương. Khi vào thi Đình, làm xong bài thi, còn thừa giấy viết thêm mấy câu bông đùa:

Văn chương, phú lục đã xong rồi

Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi

Vẽ xuống, vẽ lên nhằng nhịt đấy

Thằng nào cười tớ nó ăn bòi!

Do đó bài làm rất hay vẫn bị đánh hỏng.

  

Nhà văn Nguyễn Đức Hiền làm lễ dâng hương trong ngày giỗ Nguyễn Quỳnh tại nhà thờ Tổ

Trạng Quỳnh còn muốn làm rể nhà họ Đoàn, tìm đến học, lân la làm quen nhưng vì không đối được câu "Da trắng vỗ bì bạch" xấu hổ tự ý rút lui, trả thù Đoàn Thị Điểm, ép cô Điểm tài sắc phải kết duyên với anh thợ cày, v.v.

Có thể hiểu đây chỉ là một hiện tượng "lịch sử hóa" thường gặp trong văn chương truyền khẩu nước ta, như chuyện cổ tích Tấm Cám chẳng hạn, người ta đã đồng hóa cô Tấm với hoàng hậu Ỷ Lan...

Chẳng riêng ở nước ta mà vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các nước Ai Lao (Lào), Cao Miên (Cam-pu-chia), Xiêm La (Thái-lan) cũng có nhiều dị bản truyện Trạng. Có thể nói truyện Trạng Quỳnh và các loại giai thoại tương tự hợp thành một hệ (cycle) các truyện trào phúng ở bán đảo Đông Dương, nhằm chế diễu chống lại chính quyền vua quan bấy giờ.

Như vậy rõ ràng Trạng Quỳnh không phải là nhân vật có thật trong lịch sử. Nhưng cũng phải "từ một con người thật", nhân dân mới sáng tạo nên truyện Trạng Quỳnh. "Con người thật" ấy gọi là nguyên mẫu hay khởi hình (prototype). Từ lâu người ta đã phán đoán khởi hình truyện Trạng Quỳnh dân gian là Nguyễn Quỳnh tức Cống Quỳnh, sống dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, quê ở làng Bột Thượng nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Việt Nam "có bao nhiêu ông Trạng trong văn học dân gian, thế mà chỉ một mình Trạng Quỳnh có thời đại và quê hương được xác định. Rõ ràng không phải là ngẫu nhiên". Trong phần mở đầu bài viết "Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn ở Thanh Hoa" giáo sư Viện trưởng Hà Văn Tấn đã lưu ý chúng ta điều đó. Nếu các bạn đã từng đọc "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn, "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú hoặc "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng hay các sách, truyện "Hoàng Lê nhất thống chí", "Thượng kinh ký sự", v.v. thì càng thấy điều Hà Văn Tấn lý giải là có cơ sở khoa học lịch sử.

Đúng thế, nhưng mãi đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vấn đề Trạng Quỳnh mới chính thức được công bố bắt đầu bằng sự phát hiện một trang gia phả dòng họ Nguyễn Quỳnh trên báo Nhân Dân và Tuần báo Văn Nghệ. ít lâu sau người ta thấy xuất hiện một số sách, báo nói về Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh gắn liền với bút danh Nguyễn Đức Hiền, hậu duệ đời thứ tám của hương cống Nguyễn Quỳnh.

Tiếp đó lại thấy trên báo Nhân Dân giới thiệu trang trọng bài viết của Phạm Văn Đồng nói về Trạng Quỳnh kèm theo ảnh nhà thờ và bút tích gia phả dòng họ Nguyễn Quỳnh. Đặc biệt có lá thư đích thân cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết tay - gửi đại diện dòng họ Trạng Quỳnh với những lời động viên nhiệt liệt: "Tôi rất vui mừng gửi đến bà con họ Nguyễn và quê hương Trạng Quỳnh những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Con cháu của Trạng Quỳnh và mọi người ở xã Hoằng Lộc hãy làm hết sức mình xây dựng quê hương của người anh hùng dân tộc (được nhân dân phong) ngày càng đổi mới theo hướng tốt...".

Nhà văn hóa lớn này đã không ngần ngại gọi Nguyễn Quỳnh là Trạng Quỳnh và còn nói đấy là "người anh hùng văn hóa dân tộc được nhân dân phong".

Bài báo đầy ấn tượng in chữ nghiêng đóng khung trên trang báo Nhân Dân chủ nhật cùng với các tác phẩm "Trạng Quỳnh" của Nguyễn Đức Hiền mang biểu trưng Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Nhà xuất bản Khoa học xã hội; cùng với những tập truyện Trạng Quỳnh khổ nhỏ, giấy đen do Nguyễn Đức Hiền sưu tầm biên soạn, kèm theo lời giới thiệu của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh được các Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, Vĩnh Phú phát hành lần đầu với số lượng hàng chục vạn bản... đã làm nổ bùng ra vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX: "Hiện tượng Trạng Quỳnh".

Từ hiện tượng này, tôi bắt đầu chú ý đến Nguyễn Đức Hiền. Thỉnh thoảng lại thấy có bài viết của anh trên báo hoặc những bài báo viết về anh, những chương trình Đài truyền hình thông báo qua mạng Internet các tác phẩm của anh, đặc biệt công trình trước tác "La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn", ba tập đồ sộ do anh (và Hữu Ngọc) biên soạn trong sáu năm mới hoàn thành. Ký ức con người thật kỳ diệu, nó làm bật ra những mối giây liên tưởng bất ngờ. Sau này tôi mới biết Nguyễn Tuân cùng Xuân Diệu, hai nhà văn lớn đầy cá tính và cũng rất khái tính, đã giới thiệu Nguyễn Đức Hiền vào Hội Nhà văn Việt Nam. Điều muốn nói là sự tình cờ khiến tôi nhớ lại đương thời khi "bác Nguyễn" còn sống - hình như vào dịp thế giới kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi - lần ấy "Nguyễn" bảo nhỏ tôi "Này, ông đã đọc vụ án Lệ Chi Viên của Nguyễn Đức Hiền chưa? Tay này dám xông vào một bi kịch lịch sử lớn mà viết không xoàng đâu!".

Thế mà đã mấy chục năm trôi qua...

Gần đây tôi mới có dịp đọc "Sao Khuê lấp lánh", cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc đời Nguyễn Trãi, bản in song ngữ Việt - Pháp do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Đúng là "danh bất hư truyền"! Cuốn sách lọt vào con mắt xanh của Nguyễn Tuân, Xuân Diệu đã được nhiều nhà xuất bản tái bản, đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh, thiết tưởng người viết bài này không cần nói thêm gì hơn nữa.

Sở dĩ tôi đưa vào bài viết một vài chi tiết ngoài lề trên đây cũng là cốt nhằm lý giải "Hiện tượng Trạng Quỳnh với người hậu duệ đời thứ tám của Cống Quỳnh".

Các bạn thử ngẫm xem, trên đời này xưa nay thiếu gì ông Cống, ông Nghè. Có phải bất kỳ ai mang danh con nhà dòng dõi cũng đều làm rạng rỡ cho cha ông mình đâu?

Đúng là Nguyễn Đức Hiền có được những thuận lợi trời cho như lời GS Vũ Ngọc Khánh: "Anh là cháu đích thực hương cống Nguyễn Quỳnh, anh lại sinh ra ngay trên đất Hoằng Lộc là vùng đất học, đất Trạng Quỳnh". Nhưng tôi nghĩ nếu anh chỉ là một kẻ an phận thủ thường, một người hữu danh vô thực (thực tế có những nhà văn viết nhiều mà không để lại gì trong tâm trí người đọc) thì chỉ vẻn vẹn với cuốn gia phả để lại, với ba gian nhà thờ tổ ở một góc xóm đầu làng, Nguyễn Đức Hiền làm sao có thể làm nên "hiện tượng" vang dội hôm nay?

Riêng về Nguyễn Quỳnh, anh đã viết hàng chục bài báo. Anh vừa là tác giả sách nghiên cứu Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh, vừa là người sưu tầm biên soạn 40 truyện Trạng Quỳnh. Nhưng truyện trạng của Nguyễn Đức Hiền kể - như Tô Hoài đã nhận xét - "chứa đựng công phu bao đời nối tiếp sáng tạo", "đậm nét làng xóm gần gũi", mang hơi thở, dấu ấn quê hương dòng họ. Tôi chắc truyện Trạng Quỳnh không phải chỉ có 40 giai thoại. Nhưng 40 truyện ấy đến nay đã trở thành bản phổ biến nhất, bản mang tên Nguyễn Đức Hiền, chiếm ưu thế trên thị trường sách từ bắc chí nam. Bốn mươi truyện ấy đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh đăng tải nhiều kỳ trên báo Le Courrier du Viet Nam - Dimanche" và "Viet Nam News - Sunday". Ngoài phần truyện, báo còn in thêm mấy trang lời bạt độc đáo của Nguyễn Đức Hiền. Nhà xuất bản Thế giới đã tập hợp đầy đủ, cho in thành sách khổ lớn quá cỡ bản song ngữ Việt - Pháp (40 Contes Trang Quynh) và Việt - Anh (40 Tales about Trang Quynh), kèm theo minh họa rất đẹp của Lê Lam, xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Đến nay thì 40 truyện Trạng Quỳnh đã được dịch ra 5 thứ tiếng. Tôi biết điều này là nhờ trong tay có cuốn sách khổ 16x24 cm hơn 400 trang: "Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh - Truyện Trạng Quỳnh". Cuốn sách này là công trình tổng lực của Nguyễn Đức Hiền gần nửa đời người, xuất bản vào giữa năm 2000 ở Nhà xuất bản Giáo dục thì đến đầu năm sau (2001) cũng Nhà xuất bản này tái bản với số lượng lớn hơn, in bìa cứng và trình bày đẹp hơn.

Như tên tác phẩm ngoài bìa, sách chia làm 3 phần rành mạch: Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh - Truyện Trạng Quỳnh. Mỗi phần đều được thể hiện, minh họa bằng những sự kiện, chứng tích, chứng ngôn cụ thể. Đã có một số bài bình luận ở cuối sách, tôi chỉ muốn nói lên đôi điều cảm nghĩ.

Tôi thật sự xúc động và ngạc nhiên trước tinh thần làm việc cẩn trọng, bền bỉ, tận tâm, tận lực của tác giả khi lần giở từng trang sách, nhất là những trang chụp lại ở phần phụ lục. Người hậu duệ của Nguyễn Quỳnh đã chắt chiu từng mẩu kỷ vật của ông thân, từng mẩu tâm tình của bà nội, từng trang phú sang sảng giọng hùng văn các bậc danh nho, cho đến bài vè ở ông già mù, bà lão may thuê; những câu chuyện chắp vá đầu làng, cuối xóm mang nặng nghĩa tình kỷ niệm tuổi ấu thơ để viết nên "Quê hương nước mắt, tiếng cười". Nếu không có tâm can da diết; không yêu kính tổ tông đến quên ăn, quên ngủ; không có cái hồn đau đáu gắn bó với cội nguồn mảnh đất nghìn năm văn vật, chỉ biết dùng những câu văn sáo ngữ, làm sao anh có thể truyền cảm, thuyết phục, lôi cuốn, tập hợp được bấy nhiêu gương mặt trí thức tiêu biểu cho nhiều lĩnh vực tri thức của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, mỗi người một phong cách, mỗi người một tiếng nói, đều hướng vào chủ đề Nguyễn Quỳnh và Trạng Quỳnh? Những tên tuổi Phạm Văn Đồng, Hoàng Xuân Hãn, Hữu Ngọc, Hà Văn Tấn, Tảo Trang Vũ Tuân Sán, Tô Hoài, Vũ Ngọc Khánh... đã tạo nên cho tác giả một mạng lưới thông tấn tin cậy, tác động đến giới trí thức bên ngoài, dắt dẫn một số nhà Việt Nam học, nhà dân tộc học, nhà nhân văn học như Niculin, Lulei, Giesenfeld, Junhans, v.v. sẵn sàng nhập cuộc đón nhận "hiện tượng Trạng Quỳnh" đang có triển vọng trở thành đối tượng nghiên cứu chung của nhiều nền văn hóa.

Tôi nói điều đó hoàn toàn có bằng cớ. Vừa đây Nguyễn Đức Hiền được Hội Nhà văn CHLB Đức và Hội Hữu nghị Đức - Việt mời sang làm việc và dự Hội nghị Hannover: Báo Nhân Dân và một số báo trong nước đưa tin "...trong chương trình giao lưu văn hóa có chuyên mục Trạng Quỳnh được giới thiệu bằng ba thứ tiếng Pháp, Đức, Việt. Nhà văn Nguyễn Đức Hiền, khách mời của hội nghị, với tư cách là tác giả công trình "Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh - Truyện Trạng Quỳnh" và 40 truyện "Trạng Quỳnh" đã giới thiệu với cử tọa bằng tiếng Pháp (do Gunter Giesenfeld trực tiếp dịch sang tiếng Đức) về lai lịch nhân vật Cống Quỳnh hay Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) ở làng Bột Thượng nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đó là vị tổ họ mà Nguyễn Đức Hiền thuộc hậu duệ đời thứ tám..."

Trên phim Vùng đất Trạng Quỳnh mới phát sóng cách đây chưa lâu có một chi tiết thú vị. Bà Dominique Gonzalez làm việc ở tòa soạn báo Le Courrier du Viet Nam, chuyên gia Pháp, biên tập truyện Trạng Quỳnh, phát biểu: Việt Nam có nhiều ông Trạng. Chúng tôi thích nhất Trạng Quỳnh, tiếng cười mang tính trí tuệ, châm biếm, đả kích vào các thế lực cường quyền và thói hư tật xấu xã hội... Thường đến báo làm việc, trực tiếp xem lại các bản dịch, nhà văn Nguyễn Đức Hiền hay vui chuyện pha trò hóm hỉnh với các anh chị em ở Tòa soạn. Tôi nghĩ Nguyễn Đức Hiền cũng là một "Trạng Quỳnh hiện đại".

Cũng trên bộ phim này, nhà văn hóa Hữu Ngọc tâm sự: "Hiện nay còn có một số ý kiến khác nhau về xuất xứ Trạng Quỳnh. Điều đó tôi thấy cứ nên tiếp tục, song tôi thấy Trạng Quỳnh là nhân vật trong truyện Trạng Quỳnh dân gian được mọi người yêu thích, còn Nguyễn Quỳnh ở xứ Thanh rõ ràng là một nhân tài của đất nước còn lưu lại những di sản văn hóa tuyệt tác khiến người đời phải khâm phục".

Cũng như bà chuyên gia Pháp, cũng như ông bạn Hữu Ngọc của tôi, gặp Nguyễn Đức Hiền, tôi thường đùa vui gọi anh là ông-trạng-Hiền. Thật ra, anh có phải là cháu tám đời hay bao nhiêu đời của cụ Trạng Quỳnh, tôi cũng không bận tâm thắc mắc. Tôi chỉ biết anh đích thực là hậu duệ của Cống Quỳnh và là tác giả rất quen thuộc, viết nhiều tác phẩm làm sống lại "hiện tượng Trạng Quỳnh".

Nếu lời nói của tôi - một người làm công tác tư tưởng văn hóa lâu năm, một bạn đọc cao tuổi nhưng còn ham đọc và thường xuyên tiếp xúc với nhiều tầng lớp bạn đọc - được lọt vào tai các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý các cơ quan chức năng ngành văn hóa, văn nghệ thì tôi xin đề nghị dành một giải thưởng xứng đáng cho công trình "Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh - Truyện Trạng Quỳnh". Điều đó không phải chỉ đem lại vinh quang cho tác giả mà còn đem đến niềm vui cho bạn đọc trong ngoài nước; làm tăng thêm niềm tự hào cho quê hương xứ Thanh nhất là quê hương Hoằng Hóa đã được mệnh danh là đất học, đất Trạng Quỳnh; làm vang vọng thêm hồi chuông cảnh tỉnh một tiếng cười bất hủ, đậm đà bản lĩnh, khí phách dân tộc Việt Nam, mãi mãi là thứ vũ khí lợi hại chống lại mọi thế lực đen tối, cường quyền, tham nhũng, mọi trò dối trá, đảo điên.

Xa hơn nữa, tôi nghĩ, việc làm đó còn cổ vũ mở ra triển vọng kinh tế cho ngành du lịch Thanh Hóa, một khi biết khai thác, quy hoạch, tôn tạo các hệ thống những điểm sáng lịch sử, danh thắng: đền Bà Triệu - Nhà thờ Trạng Quỳnh - Thành Tây Đô (nhà Hồ) - cố đô Lam Kinh.

-----------------------------

(*) Những người trúng tuyển kỳ thi Đình phân loại cao thấp như sau:

- Đỗ hàng đầu (đệ nhất giáp): Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, gọi chung là tam khôi hay Tiến sĩ cập đệ.

- Đỗ hàng nhì (đệ nhị giáp) gọi là Hoàng giáp hay Tiến sĩ xuất thân.

- Đỗ hàng thứ ba (đệ tam giáp) gọi chung là Tiến sĩ. Còn có tên là "Đồng tiến sĩ xuất thân".

(Những người trúng cách mà không cập phân, được đỗ phó bảng).

HOÀNG TÙNG (theo báo Nhân dân)

(GP: 23-8-2009)