Trang chủ > Mối quan hệ thân tộc của Phan Văn Trị nhìn từ gia phả họ Phạm ở Bến Tre

Mối quan hệ thân tộc của Phan Văn Trị nhìn từ gia phả họ Phạm ở Bến Tre

20/04/2023 17:49:06

Đây là bài viết của TS Thông Thanh Khánh, trong phần Phụ khảo của gia phả họ Phạm (của ông Phạm Khắc, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM). Họ Phạm có tổ quán tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Đền thờ Phan Văn Trị ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre  

Như một hệ lụy của cuộc đời những con người trong một cuộc chiến đấu kiên trung với một thế lực bán nước và cướp nước thì những di chứng mà những chiến sĩ ấy nhận được là những mất mát lớn lao bên cạnh sự tôn vinh ngợi ca của các thế hệ. Cụ sinh ra vốn đã mang một hệ luỵ như thế trong cuộc trường chinh cùng ý chí và nghị lực, thông qua ngòi bút đã lm dấy lên tinh thần kháng Pháp mạnh me, lan rộng khắp vùng Nam bộ.

Cùng thời với cụ tú tài Nguyễn Đình Chiểu trong phong trào tìm vùng đất để tị địa của hàng sĩ phu yêu nước, cụ Phan Văn Trị đã tìm về làng Nhân Ái thuộc Cái Răng, Phong Điền, Cần Thơ. Một vùng đất hoang vu kinh ngòi chằng chịt làm nơi lánh nạn. Chính tại đây cùng với việc mở trường dạy học để đào tạo các thế hệ học sĩ, tên tuổi của cụ đã được khắc ghi trong cuộc bút chiến diễn ra giữa tiếng súng chống xâm lăng đang nỗ giòn giã ở khắp xứ lục tỉnh Nam kỳ. Có thể xem cuộc bút chiến này là cuộc đấu tranh văn hoá tư tưởng quyết liệt giữa các bậc nho sĩ đương thời mà một bên là đứng về nhân dân tập hợp quần chúng để kháng Pháp, một bên chọn giải pháp hoà hiếu, trung lập, đàm phán theo quan điểm của triều đình và một bên nữa lại đứng hẳn quy thuận với bọn thực dân xâm lược. Cụ cử nhân Phan Văn Trị là người đứng về nhân dân để kêu gọi tinh thần chống Pháp một cách quyết liệt. Chính cái quyết liệt ấy đã nổ ra một cuộc bút chiến đánh Tôn Thọ Tường, một nhà nho hợp tác với thực dân Pháp và cũng là người bạn thơ trong thi xã Bạch Mai ngày nào.

Cuộc bút chiến này mặc dù bị Tôn Thọ Tường tấn công trước bằng những đòn cực kỳ xảo nguyệt, và cử nhân Phan Văn Trị ở tư thế phản công. Nhưng trong mọi cuộc giao tranh, không phải lúc nào kẻ đi tấn công cũng thắng mà nhiều lúc ngược lại. Bằng sức mạnh chính nghĩa Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn sấm sét bất ngờ, dành thế chủ động ngay từ khởi điểm. Với luận điệu quanh co lấp lửng, Tôn Thọ Tường đã phô bày sức mạnh của kẻ cướp nước để lấy đó làm mối đe doạ cho người kháng chiến thì chính tại đây ông đã bị Phan Văn Trị đanh thép cảnh cáo:

Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ.

Lòng ta sắt đá há chẳng lay.

Khi Tôn Thọ Tường lên tiếng với những người kháng chiến rằng phải biết tình thế, phải biết nhìn xa trông rộng thì cũng chính lúc đó Phan VănTrị lại khăng khái chỉ vào mặt họ Tôn trả lời:

Người trí mảng lo danh chẳng chói

Đứa ngu luống đợi tuổi trông chờ.

Và cái tên Phan Văn Trị đã thực sự làm cho bọn thực dân cướp nước chú ý. Chính từ tinh thần đấu tranh kiên trung ấy mà cuộc đời ông đã gặp phải những rắc rối những thăng trầm do thời cuộc mang lại. Thân thế và sự nghiệp của ông cũng từ đó bị hạn chế bởi sự tầm nã, tiêu diệt cuả bọn thực dân và tầng lớp tay sai bán nước cầu vinh.

Từ đó dẫn đến một hệ quả rằng về sau này tất cả các cứ liệu liên quan đến cử nhân Phan Văn Trị đã hoàn toàn bị thất tán. Nhân dân và sĩ phu yêu nước tuy vẫn tôn vinh cụ cử Phan nhưng những tài liệu về cuộc đời của cụ hoàn toàn không ai ghi chép, lưu truyền, có chăng cũng chỉ là mảng sáng tác văn thơ của ông.

Cho đến nay vấn đề thân thế của nhà thơ, vị chí sĩ kiên trung của vùng đất Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất của các giới nghiên cứu. Mặc dù vào năm 1985 tỉnh Cần Thơ (cũ) đã tổ chức một cuộc hội thảo có qui mô về thân thế và sự nghiệp của cư nhân Phan Văn Trị và sau này có một vài công trình nghiên cứu có tính toàn diện về ông nhưng tất cả vẫn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn: rằng quê hương và dòng họ của ông nơi đã hun đúc tâm hồn yêu nước nồng nàn, tính cương trung của một chí sĩ có trách nhiệm với sinh mệnh đất nước trước hoạ xâm lăng cần phải xác định một cách cụ thể và tính thuyết phục cao hơn, nhằm minh xác cho những nguồn tư liệu mang nhiều sự chỉ định khác nhau.

Trong cuốn Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm hai tác giả Nguyễn Khắc Thuần và Nguyễn Quảng Tuân đã tóm lược các ý kiến này như sau:

- Ý kiến cho rằng Phan Văn Trị quê ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre ngày nay).

- Ý kiến của Nhất Tâm Phan Văn Trị 1830 – 1910 lại cho rằng quê ở làng Thanh Hồng tỉnh Gia Định.

- Ý kiến của Thuần Phong, Bảo Định Giang lại cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Hanh Thông huyện Bảo An tỉnh Gia Định.

- Ý kiến của Nguyễn Sanh Kim cho rằng Phan Văn Trị sinh tại làng Long Tuyền, Bình Thuỷ, Cần Thơ.

Tóm lược các ý kiến nêu trên bằng những lập luận có tính khoa học, hai nhà nghiên cứu đã phân tích một cách cụ thể những bất ổn về mặt sử liệu đã được viện dẫn, để rồi cuối cùng đã đưa ra một tài liệu có tính sử liệu cao nhằm xác định lại quê hương cũng như sinh quán của Phan Văn Trị.

Theo hai nhà nghiên cứu trên thì trong tàng bản của thư viện Long Cương được trường Viễn Đông Bác Cổ cho làm microfilm và thư viện KHXH Tp. HCM lưu giữ ở hộp số 137 đoạn vf 314 bộ Quốc Triều Hương Khoa Lục. Nguyên bản Hán Nôm ghi chép về thi cử và những thí sinh thi đỗ thứ hạng cử nhân trở lên của các trường thi cả nước vào thời Nguyễn. Ở quyển thứ 3 ghi về các tân khoa trường thi Gia Định có đoạn chép “Phan Văn Trị, Vĩnh Long, Bảo An, Hưng Thạnh”. Nghĩa là Phan Văn Trị ở làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long. Ông thi đỗ cử nhân vào năm Kỉ Dậu (1849). Khoa này, quan bố chánh tỉnh Phú Yên là Vũ Trọng Bình làm giám khảo. Quan án sát tỉnh Quảng Nam là Quản Trọng Tự làm phó giám khảo. Đây là khoa đặc biệt, chỉ có trường Gia Định thi, còn tất cả các trường khác điều phải hoãn đến năm Canh Tuất (1850) vì cả nước bị bệnh dịch hoành hành dữ dội.

Khoa thi này trường Gia Định có tất cả 17 người đỗ cử nhân, Phan Văn Trị đỗ thứ 10. Đỗ  đầu là Vũ Thế Hoà và đỗ thứ hai là Nguyễn Thái Thông tức Nguyễn Thông. Căn cứ vào tài liệu nêu trên chúng ta biết rằng Làng Hưng Thạnh tổng Bảo An tỉnh Vĩnh Long nay thuộc thôn Hưng Thạnh xã Thạnh Phú Đông huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, trong các tài liệu về Phan Văn Trị các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại xác định quê hương bản quán mà không tìm được thân tộc hay dòng họ đang còn tồn tại ở đây. Đó cũng là một vấn đề bỏ ngỏ, mà cho đến nay khi viết về ông ít ai có thể đề cập một cách hoàn chỉnh về dòng họ và vùng đất mà ông sinh ra.

Nhân dịp thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại Phước Long, huyện Giồng Trôm cho ông Phạm Minh Triều nguyên là phó chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh Bến Tre do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả Tp.HCM thực hiện. Trong những chuyến điền dã, khảo sát về dòng họ Phạm tại xã Phước Long và xã Nhơn Thạnh của huyện Giồng Trôm. Nhóm thực hiện đã phát hiện ra mối liên hệ giữa dòng họ Phạm với dòng họ Phan mà cụ thể là đã cơ bản đã tìm ra thân tộc của Phan Văn Trị bằng những cứ liệu có tính thuyết phục cao.

Theo tài liệu ghi chép của chị Cúc Xuân giáo Viên Trường PTTH Phong Điền cho chúng tôi biết thì thân sinh của thân phụ của chị vốn là học trò của cụ Phan vào những năm cuối đời tại làng Nhân Ái. Cụ là người biết rõ về gia thế của cụ Phan đặt biệt là quan hệ dòng họ tại Bến Tre. Cũng theo hồi ức ghi chép của cụ Lê Quang Nhật (thân phụ chị Cúc Xuân) thì cụ Phan Văn Trị có ba người em, một người định cư tại Gò Vấp một người thì sinh sống tại làng Hưng Phú và một người sống ở làng Mỹ Thạnh xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm. Theo cụ Nhật thì có lần cụ đưa người em tên là Phan Văn San tìm đến làng Nhân Ái gặp cụ Phan Văn Trị và thông qua ông San, cụ biết thêm rằng dòng họ cụ Phan vẫn còn rất nhiều con cháu. Trong đó có ba cháu gái gọi cụ Phan bằng bác ruột làm ăn rất phát đạt là: Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi.

Từ tư liệu này đã hé mở ra một thông tin rằng tại ấp Mỹ Thạnh qua gia phả dòng họ Phạm và cũng như những ghi chép văn bia tại đồng mả cách khu đồng mả của dòng họ Phạm khoảng 1 km có một ngôi mộ không ghi họ tên người mất mà chỉ để duy nhất các dòng chữ “Các con Phan Thị Diềm, Phan Thị Hoá, Phan Thị Chi đồng lập mộ”.

Từ thông tin gia phả họ Phạm chúng ta biết rằng bà Phan Thị Diềm là vợ của ông Phạm Văn Dư thuộc đời thứ III con thứ sáu của ông Phạm Văn Vân và bà Võ Thị Đừng. Bà Phan Thị Diềm sinh năm 1865 mất ngày 02/02/1951 thọ 86 tuổi. Nghệ sĩ nhân dân, anh hùng lao động, đạo diễn Phạm Khắc - nguyên giám đốc Đài Truyền hình Tp. HCM và ông Phạm Minh Triều nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre làcháu nội của bà Phan Thị Diềm và cũng là cháu cố của cụ Phan Văn Trị.

Cũng trong thời gian thực hiện bộ gia phả họ Phạm tại xã Phước Long, nhóm thực hiện gia phả cũng đã phát hiện ra tấm bia mộ của cụ Phan Văn San được người cháu là Phan Văn Kích con của ông Phan Văn Trò gìn giữ rất cẩn thận. (Ông Phan Văn Trò là người con thứ hai của cụ Phan Văn San).

Từ những cứ liệu nêu trên chúng ta có thể thấy rằng mối lên hệ về dòng họ của cử nhân Phan Văn Trị về mặt cơ bản vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Từ dòng chảy hữu thức hay vô thức sự nối tiếp kế thừa một truyền thống dòng họ luôn được phát huy một cách tối đa. Và cũng từ bộ gia phả này cũng mở ra cho chúng ta - những nhà nghiên cứu - nhìn về các nhân vật mà vai trò xã hội của họ đã gắn chặt vào sự hình thành và phát triển của vùng văn hoá Nam bộ như cử nhân Phan Văn Trị đã khép lại những tồn nghi và những tranh cãi diễn ra kéo dài từ hàng thập niên nay.

Điều đó cũng có thể khẳng định rằng vùng đất Phước Long, Giồng Trôm là vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra những nhà văn hoá, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, mà nền tảng của nó là yếu tính cơ bản của dòng họ. Từ tinh thần Phan Văn Trị, một chiến sĩ sử dụng ngòi bút trong mặt trận đấu tranh văn hoá tư tưởng, đứng trước sự xâm lăng của thực dân và tính nhu nhược của chế độ phong kiến đương thời, đã làm nên một hiện tượng mang đầy hào khí Nam bộ theo đúng tin thần mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng đinh “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đăm mấy thằng Tây bút chẳng tà” của cha ông chúng ta trước di hoạ xâm lăng của bọn thực dân cướp nước.

TS THÔNG THANH KHÁNH