Trang chủ > Nguồn lực phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Nguồn lực phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0

16/08/2023 16:28:34

Tham luận của Thạc sĩ Hoàng Thị Kiều Trang viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Tóm tắt:

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, người phụ nữ không chỉ làm tròn thiên chức của mình mà luôn tự tin, độc lập xây dựng các thước đo, chuẩn mực để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Do vậy, nguồn nhân lực nữ chính là nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết này nghiên cứu, làm rõ dấu ấn, vị thế, vai trò cùng những cơ hội, thách thức nguồn nhân lực nữ trong bối cảnh 4.0. 

Mở đầu

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”(1) . Trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, việc phát huy nguồn nhân lực nữ vì thế sẽ tạo ra động lực phát triển xã hội, thúc đẩy bước tiến của dân tộc cả về cơ sở vật chất và cuộc sống văn hóa tinh thần.

1. Khái niệm nguồn lực phụ nữ

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc: “Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng”. Việc quản lý và sử dụng nguồn lực con người khó khăn phức tạp hơn nhiều so với các nguồn lực khác bởi con người là một thực thể sinh vật - xã hội rất nhạy cảm với những tác động qua lại của mọi mối quan hệ tự nhiên, kinh tế, xã hội diễn ra trong môi trường sống của họ. Như vậy, nguồn nhân lực có thể hiểu một cách chung nhất là tổng thể số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh  thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Nguồn nhân lực nữ với tư cách là lực lượng lao động của xã hội, bao gồm nhóm phụ nữ đến tuổi lao động trở lên có khả năng lao động. Nhưng đặt trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tư cách là phần nửa dân số và là lực lượng lao động xã hội, vừa là người trực tiếp sản xuất ra nguồn lực cho đất nước thì phát triển nguồn nhân lực nữ phải xác định được những nhân tố cơ bản tác động đến nguồn nhân lực nữ.

Như vậy khi nghiên cứu nguồn nhân lực nữ cần phải chú ý nghiên cứu đến giới và tính, đặc biệt là về sự bình đẳng giới và hậu quả đem lại cho sự phát triển chung khi lực lượng phụ nữ bị kìm hãm, không phát huy được đầy đủ những tiềm năng cho việc cải tạo thiên thiên, xã hội như:  Nhân tố tự nhiên, giáo dục và đào tạo, sử dụng lao động, đặc biệt là những chính sách xã hội không chỉ tác động trực tiếp đến việc phát huy nhân tố con người, mà còn phát huy nguồn nhân lực một cách tối ưu nhất. Trong đó, nhân tố truyền thống văn hóa dân tộc và gia đình liên quan mật thiết và tác động thường xuyên đến việc phát huy nguồn nhân lực nữ.

2. Khái quát dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong tiến trình lịch sử

Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam luôn để lại những dấu ấn quan trọng. Ngay buổi đầu bình minh sơ khai của dân tộc, truyền thuyết Con rồng cháu tiên với huyền tích Lạc Long Quân (con trai thần Long Nữ) và Âu Cơ (thuộc dòng họ Thần Nông) gặp nhau, đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống trên cạn ở điện Long Trang. “Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến kì sinh nở, chuyện thật lạ, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng; trăm trứng nở ra một trăm người con hồng hào, đẹp đẽ lạ thường. Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần. 

Thế rồi một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở nước cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ và đàn con để trở về thủy cung. Âu Cơ ở lại một mình nuôi con, tháng ngày chờ mong, buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên và than thở: 

- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con? 

Lạc Long Quân nói:

 - Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ ở cạn, người ở nước, tính tình, tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn. 

Âu Cơ và trăm con nghe theo, rồi chia tay nhau lên đường…

Cũng bởi tích này mà về sau, người Việt Nam - con cháu vua Hùng - khi nhắc đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con rồng, cháu tiên"(2) . Công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn đời ở vùng đất Tổ, mẹ không chỉ là người sinh ra dòng giống, mà còn là người khai sáng văn hóa dân tộc. 

Sinh thời Bác đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/

Đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời”. Soi chiếu lại lịch sử, thời kỳ đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc ta là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đánh đuổi quân Đông Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Mặc dù, triều đại của Hai Bà Trưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: “...Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình”.

Trong lịch sử thế giới, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chống lại quân Đông Hán phương Bắc xâm lược được xem là cuộc khởi nghĩa của những bậc nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử đứng lên tranh đấu giành độc lập cho đất nước, trước cả nữ anh hùng Jeanne d'Arc (1412 – 1413) của Pháp gần 14 thế kỷ.

Tiếp nối truyền thống chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng, khi quân Ngô xâm lược và giày xéo đau thương lên nước ta, mới 19 tuổi Triệu Thị Trinh đã bỏ nhà vào núi xây dựng cǎn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà đánh giặc. 

Trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt vào những giai đoạn cam go của cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, người phụ nữ Việt Nam còn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, nếu không có hành động chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê của Thái hậu Dương Vân Nga thì liệu có chiến thắng được quân Tống xâm lược năm 981.

Nguyên phi Ỷ Lan đã 2 lần thay vua điều hành triều đình, giữ hậu phương vững chắc để chồng yên tâm đánh giặc và giúp con sử dụng người tài, quản lý đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc. Hình ảnh kiên cường, bất khuất của Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ XVII, những người phụ nữ trong  phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống ấy tiếp tục được hội tụ và tỏa sáng ở biểu tượng cao đẹp chân dung người phụ nữ Việt Nam - Hoàng Thị Loan, người mẹ sinh thành vĩ nhân Hồ Chí Minh. 

Tiếp nối dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt những “Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” là hình ảnh đẹp nhất của nhiều cô gái trẻ đã dành trọn những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời mình chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Là  O du kích nhỏ Nguyễn Thị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ bị bắt vào năm 1965 đã trở thành biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa một dân tộc nhỏ bé với kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần. Là những nữ thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, đường Trường Sơn..., đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Từ các cuộc chiến tranh đó đã sản sinh ra những phụ nữ đảm đang, bất khuất, dũng cảm, kiên cường để lại danh tiếng cho đời sau như: Nguyễn Thị Minh Khai,Võ Thị Sáu, Hoàng Ngân, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Lét, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thị Út, Đặng Thùy Trâm... Bên cạnh đó không chỉ có ra chiến trường cầm súng mới là những chiến sĩ mà còn những người phụ nữ không trực tiếp tham gia chiến đấu nơi trận tuyến nhưng vẫn hăng hái lao động sản xuất, làm nên hạt lúa, củ khoai, manh áo tiếp thêm sinh lực để bộ đội ta…

Sự hy sinh lớn lao của Mẹ Thứ ở Quảng Nam có 12 con, cháu là liệt sĩ; Mẹ Ngư ở Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; Mẹ  Mít ở Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ …Hay hình ảnh mẹ Suốt lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 - 1967… đã góp phần tỏa sáng thêm truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam.

Khi đất nước được hòa bình, thống nhất và trong xu thế hội nhập, phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại…

Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Người phụ nữ có nhiều đóng góp hơn cho xã hội, tiếp viết trang sử “Phụ nữ Việt Nam Năng động - Sáng tạo - Trung hậu - Đảm đang”. Tuy nhiên, cho dù trên cương vị nào đi chăng nữa, thì người phụ nữ Việt Nam vẫn mang trong mình những nét truyền thống riêng biệt của người con gái Á Đông, với những thiên chức cao cả làm mẹ, làm vợ và giữ vai trò quan trọng trong gia đình, là người đảm bảo cho gia đình mạnh khoẻ - hạnh phúc. 

3. Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh công nhiệp 4.0.

Vấn đề phát huy nguồn nhân lực đã được Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng ngay từ ngày đầu mới lập. Một trong những luận điểm quan trọng của Hồ Chí Minh là phụ nữ được nhìn nhận như một lực lượng cơ bản của cách mạng, và nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào các cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được.

Phụ nữ được coi là nguồn lực to lớn trong công cuộc xây dựng  chủ nghĩa xã hội: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có sức lao động. Muốn có sức lao động phải giải phóng sức lao động của phụ nữ”(3) . Xuất phát từ vai trò to lớn của phụ nữ, Hồ Chí Minh xác định một cách nhất quán rằng giải phóng phụ nữ là một trong những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam “… Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa…”. Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội VIII cố vấn Đỗ Mười đã xác định: “Bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định của công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa”. Và trong nguồn lực ấy, phụ nữ là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với việc tái sản xuất con người vừa là chủ thể sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện quá trình phát triển kinh tế - xã hội vừa giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc giữ vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.

Đất nước trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang mang đến sự phát triển khoa học, công nghệ như vũ bão trên phạm vi toàn cầu với xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi những chuyên gia giỏi, những nhà quản lý sáng suốt, những chủ kinh doanh tài ba, những nhà khoa học sáng tạo và có đầu óc thực tế, đồng thời cũng cần một đội ngũ đông đảo những người lao động có tay nghề thành thạo, có lương tâm nghề nghiệp, có trình độ và năng lực ứng phó kịp thời với những biến động trong sản xuất và trong hoạt động nghề nghiệp. Đất nước cũng không thể thiếu những nhà hoạt động nghệ thuật xuất sắc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và định hướng thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân, bảo tồn và phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Với đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ngoài sự cần cù, chịu khó, chịu đựng gian khổ cần sự thông minh, nhạy bén với cái mới, sự tháo vát, năng động, quyết đoán, chủ động và tự tin. Việc phát huy nguồn nhân lực phải hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của phân công lao động quốc tế, thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ. Những yêu cầu nêu trên đặt ra đối với mọi người lao động với mức độ khác nhau tùy công việc, ngành nghề, vị trí xã hội. Phụ nữ có những đặc điểm riêng do chức năng sinh tồn và gánh nặng trong việc giáo dục con cái, chăm sóc gia đình nên những đòi hỏi đó càng trở nên khắt khen.

Phụ nữ chiếm 50,1% dân số cả nước, bằng 46,4% lực lượng lao động xã hội(4) . Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt hơn 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cơ quan ngang bộ đạt 50%. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể(5) .

Có thể khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Đồng thời, phụ nữ là nhân tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đã xác định nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đồng thời, Đại hội nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững"; “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(6) . Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế là nội dung đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Song song với các hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, Đảng và Nhà nước còn đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương nhằm hỗ trợ phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. Hình ảnh và vị thế của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao và được bạn bè quốc tế dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp. Nắm bắt được những cơ hội và nhận rõ thách thức do những biến động nhanh chóng, không ngừng của tình hình quốc tế và khu vực. Nhiều tấm gương phụ nữ nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được biểu dương, tôn vinh thông qua các giải thưởng, danh hiệu cao quý đã khẳng định vai trò và sự đóng góp to lớn của phụ nữ, cũng như truyền cảm hứng, khích lệ cho phụ nữ tiếp tục phấn đấu hoàn thiện phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới.

4. Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0: Thách thức và hội nhập

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn lực phụ nữ, đồng thời, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn để nắm bắt cơ hội và vượt qua thử thách.

Sự phát triển các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới, linh hoạt về không gian và thời gian. Nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, khoa học, văn hóa, du lịch phù hợp với sở trường của phụ nữ. Nhiều ngành công nghệ phát triển mạnh trong thế kỷ cần thu hút lực lượng lao động nữ với ưu thế về sự khéo léo và tỉ mỉ như tin học, điện tử, thực phẩm, chế biến, may mặc… Vì vậy, phụ nữ có điều kiện tham gia vào quá trình sản xuất trên công nghệ cao, hao tốn ít sức lực.

Sự mở rộng dân chủ về kinh tế và tri thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và dịch vụ gia đình tạo cơ hội cho phụ nữ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Khi năng suất lao động phát triển, mức sống được nâng cao, phụ nữ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò to lớn trong phát triển văn hóa của cộng đồng. Trong đó, địa vị chính trị - xã hội của phụ nữ được nâng lên. Các tiềm năng sáng tạo của phụ nữ được phát huy tối ưu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra dự báo rằng phụ nữ là nguồn nhân lực có khả năng phát huy cao.

Phát huy nguồn nhân lực nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội phải vừa khai thác tối đa tiềm năng nguồn nhân lực này, vừa phải quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực quý giá đó cho sự phát triển bền vững của đất nước. Điều đó, đòi hỏi phải có chính sách hợp lý đối với phụ nữ, trong đó chính sách đào tạo nguồn nhân lực và chính sách sử dụng lao động có ý nghĩa quyết định.

Bên cạnh sự hỗ trợ bằng các chính sách của nhà nước, bản thân phụ nữ buộc phải nỗ lực nhiều hơn mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Phụ nữ phải nỗ lực học tập ngay từ khi còn trẻ tuổi để đáp ứng nhu cầu năng động của sự phát triển kinh tế - xã hội. Phải biết sắp xếp công việc, cuộc sống của mình một cách khoa học, suy nghĩ độc lập, sáng tạo và đặc biệt phải san sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái và công việc gia đình…

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ bộc lộ tiềm năng, tài năng mọi mặt của mình. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho mực tiêu phát triển trong bình đẳng giới. 

Việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực nữ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực nữ bất cập và đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới. Cơ chế hoạch định và thực thi các chính sách chưa tạo lập được môi trường thực sự bình đẳng cho sự tham gia và hưởng thụ của phụ nữ đối với các thành quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, Đảng và nhà nước cần phải thực hiện chính sách sử dụng nguồn nhân lực theo giới tính tạo cho phụ nữ điểm xuất phát ngang bằng với nam giới trên thị trường lao động nhằm đảm bảo vị trí kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài nữ, sử dụng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Không ngừng tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế để giải phóng năng lực sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; Đặc biệt phát triển các ngành nghề đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu trình độ của nguồn nhân lực nữ và phát huy ưu thế của lao động nữ.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghệ. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ tạo điều kiện phát huy nguồn lực nữ. Mở rộng các hình thức hỗ trợ lao động nữ trên thị trường lao động, tiến hành xuất khẩu lao động nữ. Nâng cao tính tích cực xã hội của phụ nữ, xác lập đồng bộ cơ chế thực hiện bình đẳng giới nhằm phát huy quyền làm chủ của phụ nữ. Phát huy ưu thế trung tâm khoa học - thông tin - tăng cường nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực nữ cho đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Đổng Chi,  Con rồng cháu tiên, Ngữ văn 6, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017

2. Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”, ngày 11-3-2022, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii-102220311104849752.htm

3. Hồ Chủ Tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1970.

4. Lê Thi, Nghiên cứu về người phụ nữ, về vấn đề giới và sự tham gia của các khoa học xã hội nhân văn Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu con người, 2004.

5. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kì mới.

6. https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2022/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/

7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

CHÚ THÍCH:

(1): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

(2): Nguyễn Đổng Chi, Con rồng cháu tiên, Ngữ văn 6, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017

(3): Lê Thi (2004), Nghiên cứu về người phụ nữ, về vấn đề giới và sự tham gia của các khoa học xã hội nhân văn Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu con người.

(4): https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2022/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/

(5):  “Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”, ngày 11-3-2022, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii-102220311104849752.htm

(6): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

ThS HOÀNG THỊ KIỀU TRANG