Những nữ lưu tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam
05/09/2023 17:59:37Tham luận của ông Lâm Hoài Phương (chuyên viên Hán Nôm) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Trong lịch sử hơn 4.000 năm liên tục đấu tranh để sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, nữ giới đã đóng góp một phần không nhỏ với đất nước. Phụ nữ Việt Nam quả là những người đàn bà “Đảm đang, thông minh, anh dũngvà tình nghĩa”. Trong lịch sử cận đại, ngày 8/3/1965, nhằm đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” .
Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, chính phủ, Bác Hồ tặng phụ nữ miền Nam
Bác đã từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Dưới đây chúng ta chỉ nêu vài vị nữ lưu tiêu biểu và nổi bật.
Bà Âu Cơ - Bà mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam
Âu Cơ chỉ là một nhân vật thần thoại, phát sinh ra nòi giống Việt Nam, là mẹ của vua Hùng đầu tiên. Cũng như bao dân tộc khác, khi phát tích ra nòi giống bao giờ cũng đi kèm với một thần thoại. Ví dụ Thái Dương Thần Nữ của Nhật Bản; Hoàng Đế, Bàn Cổ, Thần Nông của Trung Quốc, Ông Tiên dùi trái bầu của nước Lào…
Câu chuyện bà Âu Cơ được ghi chép như một truyền thuyết thần thoại trong chương đầu tiên của Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪 quyển này biên soạn vào cuối đời nhà Trần, tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam) và đã được ghi lại như một bản ký trong Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê, nhưng trong cuốn sử xưa hơn thuộc đời nhà Trần là Đại Việt sử lược lại không có phần ghi chép này.
Chuyện kể rằng khi Đế Lai thống trị ở phương Bắc, vốn dòng giõi Thần Nông, đi thăm nước Xích Quỷ ở phương Nam, có người con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ(1) về thăm nhà mẹ ở Đông Lăng Sương(2), lúc ấy Lạc Long Quân đi đến châu Trường Sa, thấy nàng đẹp nên quyết định lập làm hoàng phi.
H.1 Bìa sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện
Hình 1. Bìa sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện. Dòng ngang trên từ mặt sách đề: Hoàng Lê Hồng Đức vạn niên chi nhị thập 皇黎洪德萬年之二十 (năm 1480); tầng dưới đề tên sách chữ to: Lĩnh Nam chích quái liệt truyện. Cột phải: Yên Sơn Phụ Hạ xã tiến sĩ Kiều Phú tác 安山阜下社進士喬富作. Cột trái: Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử tiến sĩ Vũ Quyền chí 京北道監察御史進士武瓊識. Dòng dưới sát mép giấy nát, chỉ còn đọc được mấy chữ: Ô Diên... tàng cảo 烏鳶... 藏蒿. " .
H. 2 Trang 4 trong sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện
Hình 2: trang 4 sách Lĩnh Nam chích quái, có câu [ …Đế lưu ái nữ Âu Cơ vu hành tại ...(.. .帝留愛女嫗姬于行在…)] . [Đế Lai để con gái Âu Cơ lại và đi du ngoạn tại ….].
Nhưng có thuyết nói rằng Âu Cơ là thiếp của Đế Lai(3):(帝來乃留其愛女(一作妾 嫗姬與眾侍婢居行在 [ Đế Lai nãi lưu kỳ ái nữ (nhất tác thiếp) Âu Cơ dữ chúng thị tì cư hành tại]. [Đế Lai lại để ái nữ Âu Cơ (một người thiếp) cùng đám thị nữ ở lại, và đi du ngoạn tại ….]
Mối liên hệ tộc phả giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Âu Cơ có thai 3 năm 30 ngày, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh xuất hiện mây ngũ sắc sáng ngời, Âu Cơ sanh hạ được một bọc 100 trứng, nở ra 100 chàng trai có tư chất đều là anh hùng quán thế. Khi các con trưởng thành Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, hai loài về phương diện không giống nhau do đó phải xa nhau, chia 50 con theo cha xuống biển làm thủy tinh (氺晶), 50 con theo mẹ lên non làm sơn tinh (山精 )”. Tổ tiên Việt Nam bắt đầu từ đó. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, vùng này nay thuộc thành phố Việt Trì cho tới khu vực đền Hùng thuộc huyện Lâm thao, tỉnh Phú Thọ, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Vua Hùng.
Lúc ấy các vị vua trước đây đứng đầu biển, núi đều là thần tử của vua được phong là Lạc hầu, các tướng gọi là lạc tướng, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mị nương, người có chức quan gọi là bạc chánh. Quan trên thì ngay thẳng được lòng dân, quan dưới thì coi sóc dân chúng theo lệnh vua, bố thí đúng người được đề nghị, tất cả đếu hòa hợp. Khi vua cấp cho áo, dân hòa thuận chắp tay cung kính nhận. Dân đào giếng làm ruộng, khắp nơi vui vẻ, không một ai có cuộc sống khó khăn, bất an.
Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được 18 đời. Do sự tích Lạc long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là con rồng cháu tiên .
CÁC VỊ ANH THƯ
Man Hoàng Hậu: mẹ của Hai Bà Trưng
Bà tên thật là Trần Thị Đoan hay còn gọi là Đoan Thị, quê ở làng Nam Nguyễn, tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây(4). Bà xuất thân trong hệ phái quý tộc, bà là cháu ngoại Lạc Vương. Vừa mới có hai người con gái thì chồng chết. Bà ở góa nuôi 2 con gái đến tuổi trưởng thành, giáo dục hai người con không những thành những đứa con chí hiếu mà còn trở nên hai vị nữ anh thư dân tộc, hai tấm guong sáng cho nữ giới muôn đời.
Ngoài việc gia đình, bà còn khuyên bảo con học chữ, văn ôn võ luyện, vì theo bà đất nước đang cần. Riêng bản thân, bà luôn quan tâm đối với việc đất nước giống nòi, và luôn dạy con cái biết điều này. Chính bà đã lắng nghe tiếng gọi của tổ quốc, tự đứng ra làm đại biểu cho toàn thể bộ lạc Giao Chỉ, dùng mọi hình thức, biện pháp chống lại đế quốc phong kiến Trung Hoa. Thật ra cuộc khời nghĩa của Thi Sách và Hai Bà Trưng, động cơ chánh yếu vẫn là Man Hoàng hậu.
Khi nghe Trưng Vương thua, bà hăm hở lên ngựa thu thập tàn binh định đánh giải vây cho Vua Trưng. Quả bất địch chúng bị thua bà ngẩng lên trời than: “Cơ đồ nhà Trưng nay thành giấc mộng rồi! Cái tình mẹ con nay biết nói sao” rồi nhảy xuống sông tự vận.
Có thể xem bà là bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Hai Bà Trưng
Năm 39 sau Công nguyên, Trưng Trắc và người em là Trưng Nhị, cùng là con gái của Trưng Định - một vị Lạc tướng ở đất Mê Linh và Man Hoàng hậu, dấy quân lên đánh đuổi quân Tàu, để trả thù cho chồng là Đặng Thi Sách và giành quyền tự chủ cho đất nước. Hai chị em có tài dùng binh hạ 65 thành trì, rồi lên ngôi vua đóng đô ở quê nhà - Mê Linh - hiệu là Trưng Vương. Ba năm sau bị Mã Viện, tướng nhà Hán đánh thua.
Cũng có thể kể thêm các nữ tuớng của Hai Bà là:
- Bát Nàn Công chúa - thần tích làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình.
- Đông Cung Tướng quân người huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hóa.
- Thị nội Tướng quân Phùng Thị Chính, người ở trang Phú Nghĩa, tỉnh Sơn Tây.
- Bà Lê Chân người làng An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
- Bà Cao Nhự, người làng An Bồi, hạt Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Lệ Hải Bà Vương - Bà Triệu (Triệu thị Trinh )
Người quận Cửu Chân, có sức khỏe, chí lớn, Năm 20 tuổi - Mậu Thìn (248) - bà mộ quân khởi nghĩa đánh lại quan đô hộ nhà Ngô. Anh bà là Triệu Quốc Đạt can ngăn, bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn giá mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng - kinh ở biển đông, quét sạch bở cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Bà mặc áo vàng, cưỡi voi ra trận, oai phong lẫm liệt, can đảm khác người, tự xưng là Nhụy Kiều Tướng quân, Người bấy giờ tôn xưng là Lệ Hải Bà Vương. Cầm cự được nửa năm, Triệu Quốc Đạt bị đầu độc chết, do cô thế, phải lui quân về xã Bồ Điền (phủ Điền, huyện Mỹ Hia, tỉnh Thanh Hóa ) và tuẫn tiết tại đó.
Ỷ Lan phu nhân vợ vua Lý Thánh Tông và là mẹ vua Lý Nhân Tông
Người làng Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, rất có tài về chính trị. Khi vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, nhờ tài bà mà trong nước được yên trị.
An Tư Công chúa
Vì mục đích làm chậm tốc độ tiến quân của quân Nguyên, và giữ cho quân Trần rút lui an toàn, trong chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 2 vào năm 1285, Trần Thánh Tông sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để cầu hòa. Chẳng bao lâu, trong cùng năm ấy, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.
Huyền Trân Công Chúa
Vì lợi ích dân tộc, để mở rộng giang san thêm hai châu Ô, Lý (hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên), bà đã vâng lời vua cha Trần Nhân Tông, năm 1306 chịu làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, việc làm của bà là việc làm ích nước lợi dân, chúng ta cần ghi nhớ.
Trong lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại điện thờ Huyền Trân Công Chúa, Huế: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ quốc gia, có những vấn đề của quốc gia phải giải quyết từ phụ nữ”.
Nguyễn Thị Bích Châu vợ vua Trần Duệ Tông (1374-1377)
Bà là tác giả bài Kê minh thập sách, một bản điều trần dâng lên vua để tỏ bày sự lợi hại trong việc trị dân.
1. Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
2. Giữ nếp xưa, việc phiến bỏ thì triều cương không rối.
3. Trị kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
4. Đuổi bọn nhũng lại để bớt vơ vét dân.
5. Mở lối phong nho để ngòi lửa đóm được rạng soi cùng mặt trời mặt trăng.
6. Tìm lời trực gián để đường ngôn luận được mở rộng như cửa thành.
7. Trong việc kén quân nên lấy hạng có dũng lực hơn là hạng có vóc dạng lớn.
8. Chọn tướng nên dùng người thao lược hơn là bậc thế gia.
9. Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là hoa hòe.
10. Tập trận pháp cần chỉnh tề, không cần múa nhảy.
Bài này vua tuy có khen nhưng không đem thi hành.
Nữ Tổng binh - Đoan Trang Công chúa - Bà là con gái Hiền quận công Nguyễn Nghi đời Lê. Bà là một trang võ dũng, có tài thao lược, được tiếng khen là Nữ Khổng Minh. Bà theo cha ra trận được vua phong chức Nữ Tổng binh, lập được nhiều công lao.
Bùi Thị Xuân
Con gái Thái sư Bùi Đắc Tuyên và là vợ tướng Trần Quang Diệu triều Tây Sơn, bà thường chia quân với chồng đi đánh dẹp các nơi. Lâm trận xung đột rất mãnh liệt, nổi tiếng là trang nữ kiệt thời bấy giờ.
Trong lịch sử cận đại phải kể tên:
- Bà Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1936).
- Bà Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1987-1992).
- Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1992-2002).
Và vô số các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là danh hiệu vinh dự được nhà nước Việt Nam phong tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Tính đến tháng 7/2020 theo thống kê đã lên đến 139.275 bà - tiêu biểu là:
- Bà Nguyễn Thị Thứ, người thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Bà Nguyễn Thị Rành, người xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Qua 4 đời tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà đã cống hiến cho tổ quốc 8 người con, 2 cháu nội ngoại.
Bác Hồ đã từng nói: “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.
Đã có một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mô tả một cách chân thực những việc làm đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa của bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh - bài Huyền thoại mẹ.
"...Mẹ về đứng dưới mưa,
Che đàn con nằm ngủ
Canh từng bước chân thù
Mẹ ngồi dưới cơn mưa
Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối
Tiễn con qua núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi...
...Mẹ về đứng dưới mưa
Che từng căn hầm nhỏ
Xóa sạch vết con về
Mẹ ngồi với cơn mưa..."
Kết luận
Tóm lại, với một vài nhận xét riêng, chúng ta thấy muốn phê bình tổng quát về phụ nữ Việt Nam, mà không căn cứ vào lịch sử Việt Nam, thì quyết là lời phê bình ấy không thể nào chính xác vô tư được, họ chẳng những có tư đức, mà lại rất giàu công đức.
Hơn cả phong dao, ngạn ngữ và những chuyện cổ, lịch sử cho ta thấy phụ nữ nước nhà một cách rõ rệt đầy đủ và xác thực hơn nhiều. Lịch sử cho ta thấy chị em son phấn nước nhà trong tất cả sự khởi phát của đức tính họ, trong tất cả sự biểu lộ của tâm hồn họ, trong tất cả sự biểu thị của năng lực tìềm tàng phong phú của một giống nòi. Tóm lại, lịch sử cho ta thấy rõ các bộ mặt, các thái độ, các bản năng của người phụ nữ Việt Nam.
Người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử không phải chỉ là người gái ngoan, người vợ đảm đang hay người mẹ hiền mà thôi. Họ không chỉ thu hẹp hành động trong xó buồng xó bếp, mà còn biết hoạt động trong cả bốn phương trời, trong cả giang san đất nước. Chúng ta có thể kết luận rằng: Người phụ nữ Việt Nam quả thực là “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Cao cả thay, mà cũng đáng kính phục thay! Người phụ nữ Việt Nam thuần túy.
CHÚ THÍCH:
(1): Tư liệu này trích trong quyển “Lĩnh Nam chích quái” hiện có ở Thư viện Quốc gia Việt Nam mang số hiệu NLVNPF-0651 R.1618.
(2): “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện” Đây là tài liệu mà Viễn Đông bác cổ Học viện sưu tầm và lưu trử bằng micro film số752 ngày 14/08/1956.
(3): https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_C%C6%A1#cite_note-4
(4): Căn cứ Ngọc phả do quan Hàn Lâm Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn vào ngày lành tháng ba năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lĩnh Nam chích quái - Thư viện Quốc gia Việt Nam mang số hiệu NLVNPF-0651 R.1618.
2. Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện - Viễn Đông bác cổ Học viện sưu tầm và lưu trử bằng micro film số752 ngày 14/08/1956 .
3, Anh thư nước Việt từ lập quốc đến hiện đại - Bà Phương Lan. NXB Đại Nam.
4. Lược luận về phụ nữ Việt Nam - Lê văn Hòe Xuất bản năm 1944 Hà Nội
LÂM HOÀI PHƯƠNG
Các tin cũ
- » Hiểu thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Mẫu ở Nghệ An 05/09/2023 17:23:35
- » Tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu trên đất Hà Tĩnh 05/09/2023 16:43:50
- » Đền Thiên Nhiên Cảnh - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ tại TP.HCM 05/09/2023 15:03:42
- » Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ 31/08/2023 21:19:37
- » Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt 31/08/2023 21:10:46
- » Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam 31/08/2023 20:15:33
- » Mối quan hệ giữa phong cách giáo dục của cha mẹ và hành vi lệch chuẩn của trẻ vị thành niên 31/08/2023 15:56:05
- » Cách phân biệt đình, đền, miếu, nghè, điện, phủ, quán, am 30/08/2023 16:37:02
- » Vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình ở VN trước thế kỷ XX (qua tục ngữ, cao dao VN) 30/08/2023 16:09:12